Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.156.861
 
Bàn về Không gian và thời gian-2
Nguyễn Ước

4. Thời gian nhận thức

Do bởi trải nghiệm

Thời gian nhận thức (perpetual time), trước hết, có tính tức thời nhất và đáng tin nhất vì nó biến đổi theo với tình huống và các quan tâm của chúng ta. Hai tiếng đồng hồ mà bạn trải qua trong rạp chiếu bóng khi xem phim Titanic chắc chắn không dài như hai giờ bạn ngồi nghe một bài giảng buồn chán trong giảng đường, và một giờ ngồi bên cạnh cô bạn gái bên Hồ Tây không dài bằng một giờ đứng lòng vòng ngóng cô ấy tới điểm hẹn trước chợ Ðồng Xuân.

Nếu chúng ta không đo lường thời gian bằng một cách nào đó khác với trải nghiệm của mình thì cuộc đời sẽ lẫn lộn lung tung và những người yêu nhau chẳng thể nào hò hẹn hoặc giữ đúng bất cứ ước hẹn nào.

Có thể đo lường

Ðể tránh các khó khăn ấy, chúng ta chấp nhận qui ước độc đáo rằng thời gian được đo lường bằng các cây kim xoay quanh trên mặt đồng hồ trong chừng mực thao tác ấy diễn ra đồng bộ với chuyển động của quả đất đối xứng với mặt trời. Theo ý nghĩa đồng hồ, thời gian là sự đo lường của chuyển động hoặc biến đổi.

Nhưng quan hệ ấy rất giới hạn đối với thái dương hệ tới độ, nếu không có bằng cớ thêm nữa chúng ta không thể xem là nó có ý nghĩa bên ngoài thái dương hệ này. Nó là một dàn dựng giả tạo, và tự thân nó không cung cấp bất cứ biểu thị nào cho bản tính thật sự của thời gian.

Một chiều và hữu hạn

Chúng ta không thể không đồng ý rằng thời gian nhận thức không phải là cái đo lường sự biến đổi có khả năng làm toại nguyện những người khác nhau hoặc giữa những khu vực khác nhau của vũ trụ. Cũng phải đồng ý rằng thời gian nhận thức chỉ có một chiều, chuyển động từ cái trước tới cái sau, và không thể đảo ngược.

Sau cùng, phải nói rằng thời gian nhận thức có tính hữu hạn, theo ý nghĩa nó bắt đầu trong cá nhân mỗi người với sự thức dậy của ý thức và chấm dứt của cái chết.

5. Thời gian khái niệm

Do bởi tư duy

Thời gian khái niệm (conceptual time) là thời gian như chúng ta có thể tư duy nó. Thông thường, chúng ta đánh giá lý trí đáng tin hơn nhận thức (tri giác), nhưng thời gian khái niệm thì dồi dào các nan đề hơn thời gian nhận thức. Nếu so với giác quan, lý trí là khí cụ nhận thức thích đáng hơn, chúng ta phải kết luận rằng tri thức của chúng ta về thời gian rất hạn hẹp.

Thời gian nhận thức có thể xem như có một bắt đầu và một kết thúc với sự trải nghiệm của cá nhân mỗi người, còn thời gian khái niệm được giải phóng khỏi các giới hạn có tính con người và có thể được đánh giá là có tính hữu hạn hoặc vô tận – với lý do hợp lý.

Có bắt đầu có kết thúc

Nếu giả định rằng thời gian có một bắt đầu, chúng ta buộc lòng phải thắc mắc thế thì cái gì tiếp tục cái bắt đầu của thời gian – và có vẻ câu trả lời sẽ là thời gian phải được tiếp liền bởi thời gian, và cứ thế cho tới vô tận. Nếu chúng ta thắc mắc về sự kết thúc của thời gian, chúng ta cũng sẽ có được câu kết luận giống y như vậy. Thế nhưng Arthur Eddington lại quả quyết rằng định luật thứ hai của nhiệt động lực học (thermodynamics) là bằng cớ chứng minh rằng thời gian phải có một bắt đầu.

Lý thuyết về sự tạo dựng vũ trụ có liên hệ tới sự phân biệt giữa vĩnh cửu và thời gian. Thời gian bắt đầu với sự tạo dựng vũ trụ và sẽ chấm dứt với sự biến mất của vũ trụ. Trước khi có thời gian thì chỉ có hằng cửu bất biến. Sự phân biệt ấy được minh họa một cách rõ ràng nhất bằng sự khác biệt giữa Thượng đế và con người. Nhiều nhà thần học (theology) nói rằng Thượng đế không là đối tượng của thời gian và do đó, không là đối tượng của biến đổi.

Vụ nổ Big Bang

Theo lý thuyết Big Bang về vụ nổ có tính cách giả thuyết của vũ trụ 13.7 tỉ năm trước mà một số nhà khoa học cho là đã tạo nên vũ tru,ï thời gian có một khởi đầu và có một kết thúc. Từ vụ nổ Big Bang có mùa xuân của vũ trụ, với thời điểm đó, bắt đầu có thời gian và không gian vì vũ trụ bắt đầu và hiện nay đang tiếp tục trương nở (expension). "Bên ngoài" vũ trụ, không có gì cả vì ở đó không có không gian và thời gian.

Khi hết tầm trương nở của nó, vũ trụ sẽ bắt đầu co lại, và cuối cùng trở về lại nhất điểm tế vi cũ với sự kết thúc của thời gian và không gian. Lý thuyết này càng ngày càng được nhiều nhà khoa học ủng hộ. Năm 1965, hai nhà vật lý người Mỹ làm việc tại Bell Telephone Laboratories tại tiểu bang New Jersey, là Arno A. Penzias (1933- ) và Robert W. Wilson (1936- ) đã tình cờ khám phá ra được những bức xạ của vụ nổ Big Bang mà ngày nay vẫn còn tàn tích trong vũ trụ. Người ta gọi đóù là những bức xạ hóa thạch. Cả hai được thưởng giải Nobel vật lý năm 1978.

Chu kỳ của vũ trụ

Ðạo học Trung Hoa cũng đưa lập trường về chu kỳ của vạn vật với hàm ý rằng thời gian có khởi đầu và có kết thúc. Các đạo gia còn nêu con số cụ thể là một chu kỳ gồm có 129.600 năm. Kết thúc một chu kỳ, vạn vật lại trở về nguyên thủy. Mỗi chu kỳ được chia ra thành nhiều tam nguyên: thượng nguyên, trung nguyên và hạ nguyên.

Theo Phạm Công Tắc (1890-1959), Hộ Pháp của Ðại đạo Tam kỳ Phổ độ (Cao Ðài), trong bài thuyết pháp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 18 tháng Tám năm Ðinh Hợi (1947) thì mỗi nguyên kéo dài 12.000 năm và địa cầu đang trong thời hạ nguyên, chuẩn bị vào nguyên tái tạo để bắt đầu một chu kỳ mới.

Người theo thuyết *Thời đại Mới (New Age) cũng tin rằng vũ trụ phải mất 2.000 mới đi qua hết một cung được ký hiệu bằng một ngôi sao. Mỗi cung lập thành một "thời đại". Thời đại Song ngư (Piscean age) được tiêu biểu bằng nước, khởi đầu với sự xuất hiện của Ðế quốc La Mã. Năm 1997 vừa qua, chúng ta đi vào thời đại mới của Bảo bình (Aquarium age), tiêu biểu bằng không khí.

Mọi chi tiết đã an bài?

Một số nhà tư tưởng trước đây cũng nêu ý kiến về lý thuyết chu kỳ trong đó phát sinh mọi biến cố, đi qua một giai đoạn chín muồi và rồi biến mất, được tiếp theo bởi một sự trùng lập hoàn toàn của tiến trình bất tận.

Trong dạng cực độ, điều đó có nghĩa rằng, tôi người biên soạn những dòng này hoặc bạn đang đọc những dòng này, trong sự hiện hữu trước đây, mỗi người chúng ta đã, vào một thời điểm xa lắc xa lơ nào đó, làm đúng cái mình đang làm lúc này, trong một hoạt cảnh giống chính xác như thế này.

Dĩ nhiên các lý thuyết ấy có những nan giải và chỉ được đề cập tới ở đây để cho thấy những tình cảnh bối rối nảy sinh trong thời gian khái niệm.

6. Thời gian toán học

Chỉ quan tâm tới biến đổi

Thời gian toán học (mathematical time) khắc hẳn thời gian nhận thức và thời gian khái niệm. Hai loại thời gian sau có tính chất một chiều và tiến từ cái trước tới cái sau trong khi thời gian toán học không quan tâm tới chiều của thời gian.

Khi một nhà vật lý nói tới "t" như một ký hiệu trong các phương trình của mình, y chỉ quan tâm tới chiều của biến đổi như một thành tố phải lưu tâm trong các tính toán của mình. Như Bergson gợi ý, khoa học xem xét thời gian như một "biến số độc lập" (independent variable) hoặc tương tự một đường thẳng (tuyến tính) có thể chia tới vô tận.

Dòng chảy của biến cố

Ta có thể xem xét thời gian một cách giản dị như một chuỗi các điểm độc lập của các biến cố trải nghiệm nhưng quan hệ với nhau theo kiểu nếu toàn bộ bức tranh hiện sinh được đặt trước mặt một Ðấng toàn tri nào đó, ngài có thể kết hợp vào nhau các giá trị tương ứng của "t".

Trong cuốn L’Evolution créatrice (Tiến hóa sáng tạo), Henry Bergson viết: "Hãy tưởng tượng... rằng quĩ đạo của cái T cơ động được cung cấp tức thời, và rằng toàn bộ lịch sử, quá khứ, hiện tại và tương lai của vũ trụ vật chất được lập tức trải rộng trong không gian. Những tương ứng toán học sẽ tồn tại giữa các khoảnh khắc của lịch sử thế giới được xòe ra, hãy cứ nói, như những nan quạt, và những phân chia T1, T2, T3... các đường ấy sẽ được gọi theo định nghĩa ‘dòng thời gian’".

Bergson tin rằng thời gian quả thật không thể tách lìa với dòng chảy của các biến cố, và ông đối lập với khái niệm toán học bằng quan điểm cho rằng ta có thể chiết thời gian ra từ sự tiếp diễn của các biến cố và ứng xử với nó như cái gì đó cố định, có thể đo lường.

Giới hạn vấn đề

Dường như không có giải pháp cho vấn đề này, và như thế không có nghĩa bế tắc vì từ chỗ đó, với các nỗ lực tư duy, nó có thể gợi ra nhiều giải pháp khác.

Có lẽ tốt hơn chúng ta nên chuyển hướng sang một số khái niệm tổng quát về thời gian, được bảo lưu trong tư tưởng khoa học và triết học. Những phân biệt này sẽ được nhìn trong tương ứng với những phân biệt đã được chúng ta ghi nhận khi ứng xử với vấn đề không gian.

7. Thời gian có tính tuyệt đối

Toán học, chân chính và tuyệt đối

Ðối với Isaac Newton thời gian:

a. có tính tuyệt đối (absolute);

b. là cái chứa đựng các biến cố;

c. có thể được xem xét độc lập với các biến cố ấy;

d. không thể nào bị các biến cố ấy tác động.

Trong cuốn Mathematical Principles of Natural Philosophy (Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên, 1687), ông viết rằng: "Thời gian có tính toán học, chân chính và tuyệt đối của chính nó, và từ bản tính của chính nó, nó trôi chảy đều đặn và bất biến không liên quan tới bất cứ cái gì bên ngoài".

Theo khái niệm ấy, thời gian của Newton có hết thảy các khái niệm được gán cho thời gian khái niệm nhưng phân biệt tách bạch hơn với các biến cố xảy ra "trong" thời gian.

Tách biệt với nội dung

Tính chất độc lập này của các biến cố mang hàm ý rằng thời gian có ý nghĩa tách biệt với nội dung của nó, rằng có thể nhận thức thời gian trống rỗng; nó đồng thời còn có các gợi ý rằng thời gian không phải là cái đo lường sự biến đổi.

Do bởi tính chất đặc biệt của nó, thời gian phải hiện hữu khắp nơi và luôn luôn là một (nhất thể) vì nó trôi chảy "liên tục và bất biến". Bất cứ phần chia nào của thời gian cũng phải y hệt nhau, phần này phải bằng phần kia.

Nó cũng liên hệ tới giả định rằng những số đo hoặc đơn vị đo lường (measurements) thời gian của các nhà quan sát cũng phải giống hệt nhau dù chúng có thể tọa lạc ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Quan điểm chót này của Newton đã và đang thách đố thuyết tương đối thời hiện đại (modern theory of relativity). Và ngày nay, người ta đồng ý tổng quát rằng thuyết thời gian tuyệt đối không có giá trị.

8. Thời gian có tính tương đối

Nếu thời gian có tính tương đối (relative), sự tương đối ấy không thể không có tính khách quan hoặc chủ quan.

Thời gian khách quan

Thời gian khách quan mang hàm ý sự kế tiếp của các biến cố hoặc các biến đổi, những cái là thành phần của biến cố nào đó và không thể nhận thức chúng tách biệt với các biến đổi ấy. Không có các biến cố đang biến đổi, hay vạn sự vô thường ấy (changing events) thì không thể có thời gian, do đó, khái niệm thời gian trống rỗng vô giá trị.

Nhưng vì thời gian – trong khi liên quan tới các biến cố – là cái gì đó khác với các biến cố, chúng ta vẫn phải đối mặt với vấn đề làm thế nào nhận thức nó. Giống với không gian, thời gian không có phẩm tính để qua đó chúng ta có thể nhận thức. Có lẽ như trong trường hợp nhận thức "cái ở giữa" của Russell, người ta có thể lập luận rằng quả thật có thể nhận thức thời gian dù chúng ta có nhận biết thực tế ấy hay không cho dẫu có vẻ thời gian thật ra được suy diễn từ thực tế của biến đổi (the fact of change).

Thời gian chủ quan

Ðối lập với lý thuyết vừa kể, ta có một lập trường có thể gọi là sự tương đối có tính chủ quan (subjective relativity). Không nhất thiết phải vạch ra rằng chừng nào lập trường này còn liên quan tới triết học của Kant, chừng đó vẫn không hoàn toàn đúng khi cho rằng nó có tính tương đối, vì thời gian là điều kiện thiết yếu của kinh nghiệm và nó hoàn toàn dựa vào các đối tượng của kinh nghiệm.

Kant nhấn mạnh rằng không thể nào có nhận thức về thế giới thật vì các điều kiện của kinh nghiệm, và ông còn nhấn mạnh rằng nhận thức hàm chứa hoạt động của tâm trí. Nếu thời gian thuộc về thế giới ngoại tại, hẳn chúng ta không thể nào biết nó vì như một chuỗi nối tiếp nhau và một sự đồng hiện hữu (coexistence) giữa các đối tượng, tự thân nó không thể được nhận thức.

Do đó, thời gian phải là điều kiện có trước (a priori) của kinh nghiệm, hoặc điều kiện tiên nghiệm (a priory condition of experience), một đòi hỏi do chủ thể đặt ra để biến sự hỗn độn (chaos) của kinh nghiệm giác quan thành thế giới có trật tự.

Quan trọng hơn không gian

Ðối với Kant, thời gian quan trọng hơn không gian vì trong khi có khả năng trải nghiệm các đối tượng không ở trong không gian thì không có khả năng trải nghiệm bất cứ đối tượng nào không ở trong thời gian.

Như thế thời gian thuộc về ý thức nội tại (internal consciousness) và là điều kiện cơ bản của toàn bộ kinh nghiệm. Ta không nhất thiết phải hoang mang với các đối tượng hoặc không cần phải cố dựa vào chúng bằng cách này hoặc cách khác, vì vẫn có khả năng nghĩ tới thời gian tách biệt với các đối tượng dù không có khả năng nghĩ tới các đối tượng tách biệt với thời gian.

Cần nuôi dưỡng lòng hoài nghi

Ðối mặt với những quan điểm mang tính chọn lựa đó, người đọc có thể xem toàn bộ vấn đề này là cực kỳ hoang mang, và như thế dứt khoát là tốt. Mỗi người, khi khảo sát các khái niệm căn bản này, cần triển khai cảm giác hoài nghi của mình đối với các giả định chưa được khảo sát. Giải pháp cho các vấn đề ấy có thể dường như không rõ ràng hoặc thậm chí không khả thi, nhưng cần phải nói rõ rằng một giải pháp, nếu được chấp nhận, phải gây được tác động lên những khẳng định tổng quát về bản tính của vũ trụ.

Nếu bảo lưu quan điểm chung chung về không gian và thời gian của lối suy nghĩ bình thường, chúng ta không thể nào trả lời các vấn nạn được gợi lên từ sự suy xét hợp lý. Và nếu chúng ta chấp nhận những kết luận của lối suy xét hợp lý, chúng ta phải nhìn, với con mắt hoài nghi, vào sự chứng thực của kinh nghiệm, cái tự nó chỉ là cảm nhận, không mang tính suy xét.

Trong nan đề này, có khả năng giải quyết vấn đề bằng phương cách triệt để là duy trì hai thế giới khác nhau trong đó tìm thấy các không gian khác nhau và các thời gian khác nhau.

Cực lòng vì hai thế giới

Nói rằng trong thế giới của ý thức, không gian và thời gian là các điều kiện tiên nghiệm trong khi trong thế giới thật, chúng hoặc là cái chứa đựng hoặc là tương quan giữa các biến cố, tức là phân chia thế giới theo một cung cách khiến rất khó lập thành các kết luận hợp lý.

Thật mâu thuẫn với tinh thần triết học khi giả định rằng thế giới này kép, như được làm thành hai bản (duplication of worlds), một là thế giới bản thể (noumenal world), một là thế giới hiện tượng (phenomenal world), với con người cư trú trong cả hai cảnh giới đó. Và quả thật, nếu có cách nào tránh được giả định ấy thì càng tốt.

 

III. Không-thời-gian

1. Khái niệm cách mạng

Tình thế hoang mang

Chúng ta không thể an tâm chấp nhận lời quả quyết mang tính cảm quan chung rằng không gian và thời gian là hai đặc điểm của thế giới thật, vì trong ngữ cảnh ấy, chúng ta không biết chắc chắn từ ngữ không gian và thời gian có hàm ý gì.

Nỗi hoang mang ấy lại càng gia tăng khi đưa mắt ngó sang khoa học hiện đại và biết thêm rằng không gian và thời gian, hiểu theo nghĩa thông thường, thật sự chỉ là giả tưởng; cả hai đều không có trong thực tế khi chúng ta xem xét chúng tách rời nhau.

Chúng ta bị lầm lạc do bởi việc chấp nhận những cái mà trong điều kiện tốt nhất, chỉ là những giai đoạn giới hạn của cái toàn bộ bị nối vào nhau như thể bằng các gạch nối (a hyphenated whole). Khoa học không còn chấp nhận không gian và thời gian nhưng nó nói tới không-thời-gian (space-time), nơi dấu nối giữa hai từ ngữ ấy biểu hiện cho một khái niệm có tính cách mạng.

2. Gợi ý để dễ hiểu

Ðối với người mới bắt đầu tìm hiểu, khái niệm không-thời-gian rất khó hiểu; cách tốt nhất chúng ta có thể làm là đưa ra một hoặc hai gợi ý để góp phần làm sáng tỏ nó.

Các biến cố không đơn lẻ

Khi chúng ta xem xét không gian và thời gian như hai cái tách rời nhau, thì bất cứ biến cố nào cũng phải hiện hữu một cách đơn lẻ trong không gian hoặc thời gian. Thế nhưng rõ ràng không biến cố nào có thể được xem xét như một biến cố đơn lẻ xảy ra trong không gian hoặc trong thời gian.

Nếu chúng ta ngồi ở thềm tòa nhà Bưu điện Sài Gòn, ngay phía dưới chiếc đồng hồ và lắng nghe tiếng chuông điểm giờ của nó, chúng ta có thể định vị từng tiếng chuông mà không cần để ý tới thời gian. Ðiều này đúng với khung viện dẫn, hay khung tham chiếu (frame of reference) của chúng ta.

Giả dụ lúc ấy trên một hành tinh xa xăm, thí dụ cách đây vài trăm năm ánh sáng, đôi tai nhỏ nhắn của một nàng Ngọc nữ nào đó nghe ra những tiếng chuông ấy. Nàng có thể nghĩ tới chúng như thể chúng phát xuất trong những phần khác nhau của không gian, vì trái đất của chúng ta du hành chung quanh mặt trời với vận tốc khoảng 30.4 cây số một giây. Ðiều này cũng đúng với khung tham chiếu của chúng ta.

Tùy thuộc người quan sát

Thế thì nếu chỉ một biến cố thôi mà còn tùy vào điểm đứng (standpoint) của người quan sát để mang tính không gian hoặc mang tính thời gian, thì quả thật liều lĩnh khi chúng ta dám khẳng định rằng nó phải thật sự có một trong hai tính ấy.

Vật lý học quan tâm tới chuyển động. Chuyển động thì liên hệ tới không gian lẫn thời gian vì nó hàm ý sự thay đổi vị trí với một quãng thời gian. Nếu chúng ta cho rằng vật chất được cấu tạo bởi những hạt bất biến (unchangeable particles), như người theo thuyết Newton từng nghĩ, lúc đó chỉ có thể xem xét vật chất từ một điểm đứng trong không gian (standing of space).

Nếu chúng ta thay các hạt bất biến ấy của vật chất bằng năng lượng (energy), như khoa học hiện đại đang làm, lúc đó không thể xem xét vật liệu cơ bản của vũ trụ vật lý như là cái có thể tọa lạc trong một vùng không gian riêng biệt, và ta chỉ có thể xem xét một biến cố với cả không gian lẫn thời gian.

Chuỗi biến hóa và khung tham chiếu

Sự loại bỏ các nguyên tử (hạt nhân) tối hậu (ultimate atoms) mang hàm ý cốt tủy rằng phải xem vũ trụ như một chuỗi biến hóa không-thời-gian (a space-time continuum). Xét theo nguyên ngữ, chuỗi biến hóa liên tục có nghĩa là chuỗi các vật cùng một loại được đặt theo khoảng cách sao cho những vật kế cận nhau trông như thể giống nhau nhưng đi lần tới những vật ở hai đầu thì lại hoàn toàn khác nhau.

Ðể dễ hình dung chuỗi này, ta có thể mượn cách diễn tả "họ hàng gần rồi xa dần, giông giống rồi khác hẳn" hẳn Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh có ý nói, khi ông chuyển ngữ "space-time continuum" ra tiếng Việt là "không-thời-gian quyến thuộc" (Những mùa xuân trở lại, t.65, Nxb Như Mai, Hoa Kỳ, 2007).

Còn nữa, thuyết tương đối loại bỏ giả định về tính tuyệt đối của không gian và thời gian trong đó các số đo hoặc đơn vị đo lường đều giống hệt nhau ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Mọi số đo đều biến đổi theo khung tham chiếu, và tính chất tương đối ấy chỉ có thể có ý nghĩa với giả định không-thời-gian.

3. Chuỗi biến hóa bốn-chiều

Kết hợp không gian và thời gian

Không nhất thiết phải đi theo các phát biểu khoa học vừa kể vì có thể chứng minh rằng hầu hết những nỗ lực của chúng ta nhằm định vị các đối tượng đều liên quan tới một kết hợp không gian với thời gian giống y như thế.

Nếu bạn mời tôi tới nhà bạn uống rượu và ngắm đôi vợ chồng chim sáo chiều nào cũng đưa nhau sang sông, bay tới đậu rĩa lông cho nhau trên cành dương liễu trước sân nhà bạn, bạn phải cho tôi biết bốn chiều kích để bảo đảm tôi có thể nhìn thấy đôi chim ấy.

Hai chiều kích như các tọa độ trên tấm bản đồ mà tôi sẽ theo đó để tới đúng địa chỉ nhà bạn; chiều kích thứ ba sẽ mang mắt tôi từ hiên nhà bạn nhìn lên đúng cành liễu có đôi chim sáo; và cũng thiết yếu cho tôi nếu bạn cung cấp thời điểm đôi chim dìu cánh sang đậu, và bắt đầu âu yếm rĩa lông cho nhau.

Thiếu bất cứ chiều kích nào trong bốn chiều kích đó, tôi không được bảo đảm sẽ nhìn thấy cảnh tượng vợ chồng đôi chim sáo tríu mến nhau như đôi vợ chồng son mới cưới.

Phải giả định là có thật

Ðối với hầu hết các dự tính, chúng ta có thể hành động như thể không gian và thời gian tách rời nhau, nhưng đối với khoa học thì điều đó bất khả thi. Vì thế chúng ta buộc lòng phải giả định tính chất có thật của không-thời-gian, và khi chúng ta xem xét không gian và thời gian tách rời nhau, chúng ta phải ứng xử với chúng như một ý niệm trừu tượng rút tỉa từ chuỗi biến hóa không-thời-gian.

Khái niệm không-thời-gian rất khó vì không thể hình dung nó do bởi hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó mà suy nghĩ nếu không có các hình ảnh. Chúng ta cần kiểu mẫu (model) để hiểu một khái niệm (conception) nhưng không thể nào có kiểu mẫu cho nó. Có người gợi ý rằng chúng ta có thể hình dung nó theo kiểu chúng ta nghĩ tới một chuỗi các đường được vạch theo mọi hướng có thể được trên bề mặt của một hình cầu, với hình cầu bị lấy đi. Nếu các đường ấy chỉ có chiều dài chứ không có chiều rộng, như hình học Euclid gợi ý, rõ ràng rằng hình ảnh ấy giống với người vô hình. Trong chừng mực liên quan tới toán học, không-thời-gian có hàm ý một chuỗi các tọa độ toán học (a set of mathematical ordinates).

Cong và vô tận

Như một chuỗi các tương quan hoặc các tọa độ, không-thời-gian có thể được khảo sát về mặt toán học và theo nhà toán học, nó cong. Ðiều ấy có nghĩa rằng một tia sáng được phóng ra theo đường thẳng, nó sẽ trở về điểm bắt đầu của nó. Rủi thay, phải mất tới hàng triệu hàng triệu năm ánh sáng nó mới trở về chỗ cũ, do đó trên thực tế, quả thật không thể nào chứng minh.

Có lẽ chúng ta có thể đưa ra một thí dụ có tính gợi ý như sau. Tương tự một con tàu rời cảng Hải Phòng, nhắm thẳng hướng đằng trước và cứ thế miệt mài đi, giả dụ không bị đất liền chặn lại, cho tới khi nó đi tới Hải Phòng. Con tàu ấy có thể đi một vòng như thế vì quả đất có hình cầu. Người ta giả định rằng vũ trụ cũng có hình cầu hoặc cong.

Nếu không-thời-gian là một chuỗi biến hóa liên tục (continuum) và cong, thì nó vô tận vì vòng tròn không có chỗ bắt đầu cũng chẳng có chỗ kết thúc. Vì dù bị bọc quanh hay bị giới hạn thì cũng là hữu hạn. Theo cách ấy, quan điểm hiện đại có vẻ giải quyết được một trong những vấn đề chính yếu của không gian và thời gian bằng lập luận rằng không-thời-gian vừa hữu hạn vừa vô tận.

Khách quan hay chủ quan

Nếu chấp nhận giải pháp ấy cho vấn đề không gian và thời gian, chúng ta vẫn còn vấn nạn về tính chất khách quan hay tính chất chủ quan của không-thời-gian. Tất nhiên quan điểm hiện đại loại bỏ khả năng không gian và thời gian tuyệt đối, nhưng tự thân quan điểm ấy không thể quyết định rằng không-thời-gian hiệu hữu một cách khách quan hay chủ quan.

Triết học hiện đại cũng không dứt khoát về vấn nạn này, tuy ưu thế thuộc về phía các ý kiến cho rằng không-thời-gian hiện hữu một cách khách quan và độc lập nhưng đó chỉ là của một ít người theo lý thuyết của Kant trong tư tưởng hiện đại.

Phải sửa sai Kant

Kant xác định lập trường của mình bằng hình học Euclid vì đó là loại hình học duy nhất được biết tới trong thời ông sống.

Những kẻ đi theo Kant, trong khi bảo lưu khái niệm cơ bản của ông về không-thời-gian như một điều kiện tiên nghiệm (a priori condition of experience), cần phải sửa đổi đặc tính ấy của tư tưởng ông.

4. Thời gian là sự kéo dài

Mọi sự là tiến trình

Sự phân biệt qua khứ, hiện tại và tương lai phải được xem xét từ điểm nhìn khác ấy. Quả thật, như đã thấy, nếu chúng ta ứng xử với thời gian như một chiều kích tách rời, được biểu hiện bằng một đường thẳng, thì có thể lập thành sự phân biệt ấy. Nhưng khi chúng ta thử liên hệ chúng với kinh nghiệm thì quá khứ và tương lai biến mất khỏi cuộc hiện sinh và chúng chỉ có thể được với tới bằng sự suy ra từ một hiện tại hoàn toàn ngắn ngủi.

Chúng ta không bao giờ có thể hiểu cách mình nắm bắt một nốt nhạc hoặc một giai điệu nếu không giả định rằng cái được gọi là "hiện tại như thật" (specious present), cái quyến dụ chúng ta chú ý tới thực tế rằng dù lý thuyết nói gì thì nói, vẫn có một khoảng thời gian hiện tại.

Nếu chúng ta nghĩ tới tiến trình, dưới dạng không-thời-gian, lúc ấy cách tốt là chúng ta nên theo thí dụ của Bergson để nói tới sự kéo dài. Theo ý nghĩa ấy, mọi biến cố vừa có lịch sử và vừa là lịch sử của nó, vì một biến cố là cái nó đang là trong hiện tại và đồng thời, nó bảo tồn quá khứ của nó ngay bên trong nó.

Thí dụ minh họa

Trở lại với trái banh tuyết, theo Bergson, nếu chúng ta đứng trên đỉnh đồi, cầm một trái banh làm bằng tuyết, và thả cho nó lăn xuống. Trái banh tuyết ấy càng lăn càng to ra vì nó bảo tồn quá khứ của nó trong hiện tại. Cũng một cách thức giống y như thế, tôi đang là loại người tôi là, vì những gì tôi trải nghiệm trong quá khứ thâm nhập và đang lập thành cái tôi hiện tại.

Do đó, chừng nào quá khứ còn thâm nhập vào sự kiến tạo các biến cố, chừng đó quá khứ còn hiện hữu. Không cần thiết phải nhắc nhở các thế hệ quen thuộc với nhà *phân tâm học Sigmund Freud rằng cái đó có thể không ở dưới dạng đầy đủ ý thức của con người.

Tương lai trong hiện tại

Trong ý nghĩa đó, tương lai cũng hiện hữu trong hiện tại; dù chúng ta có trở thành cái gì đi nữa, ít nhất cái mà tôi đang là trong hiện tại chắc chắn là một thành tố có tính quyết định. Tuy thế, ta không thể lý giải thực tế ấy theo cách hiểu mang tính tất định chủ nghĩa (determinism) bởi vì chính nguyên lý sáng tạo (the principle of creativity) làm cho sự dự báo minh bạch và đầy đủ trở thành bất khả thi.

Rõ ràng rằng tôi sẽ phát triển, tuy nhiên đó sẽ là sự phát triển có những cội rễ trong cái tôi đang là lúc này, và không thể xảy ra điều ấy nếu lúc này tôi không thâm nhập vào cái đó.

Thời gian là tích lũy

Theo quan điểm tổng quát ấy về sự kéo dài, thời gian không được quan niệm như một đường thẳng (tuyến tính) mà đúng hơn, như một tích lũy. Quan điểm ấy dường như tương hợp với các yêu cầu tổng quát của thuyết không-thời-gian.

Nếu quả đúng như thế, người ta sẽ thấy rằng việc duyệt xét các giả định cơ bản thì cực kỳ có giá trị, vì sự tái diễn đạt các giả định ấy có thể dẫn tới những lĩnh hội mới trong khoa học và triết học. Chừng nào triết học còn có phần trong việc phê phán các giả định cơ bản đó, chừng đó nó còn đóng vai trò quan trọng trong sự tiến bộ tổng quát hướng tới một lý thuyết thích đáng về bản tính của vũ trụ.

 

IV. Không gian nhiều chiều kích

Chiều thứ năm ngay bên cạnh

Có lẽ sẽ không an tâm nếu đóng lại chương này mà không nhắc tới một vấn đề mới được đặt ra về không gian, rằng đã dừng lại ở quan điểm không gian bốn chiều kích chưa hay quả thật không gian có rất nhiều chiều kích?

Câu chuyện liên quan tới nhân vật chính là nhà nữ vật lý lý thuyết (theoretical physicist) và chuyên gia hàng đầu về vật lý hạt cơ bản (particle physics) và lý thuyết vũ trụ (cosmology) người Hoa Kỳ Lisa Randall (1962- ), và cuốn sách của bà xuất bản năm 2005 với nhan đề Warped Passages: Unraveling the Mysteries of the Universe's Hidden Dimensions (Những lối đi lệch lạc: tìm ra bí mật của các chiều kích ẩn giấu của vũ trụ).

Trong một lần làm thí nghiệm về hạt căn bản, Randall bất ngờ phát giác có những hạt bỗng dưng biến đi đâu mất; điều này mâu thuẫn với thuyết tương đối nghĩa rộng của Einstein. Bởi thế, bà mạnh dạn tuyên bố rằng các hạt này có thể vì bay vào không gian chiều thứ năm nên mới bỗng dưng biến mất như thế. Bà nói: "Tôi cho rằng trên trái đất hiện hữu không gian chiều thứ năm. Nếu giả định này đúng thì quả thật các không gian khác không ở xa chúng ta, thậm chí có thể nói chúng ở cách chúng ta trong gang tấc. Chỉ có điều chúng ẩn giấu rất khéo nên ta không nhìn thấy thôi".

Dự án thí nghiệm

Việc thử nghiệm giả định của Randall được dự tính tiến hành cùng với các giả định của nhiều nhà khoa học khác vào cuối năm 2008, trong một đường hầm dài 27 cây số, được sáu quốc gia thiết lập dưới độ sâu 100m tại vùng biên giới Thụy Sĩ – Pháp. Tới tháng 10. 2008, hình như đang bị trục trặc kỹ thuật.

Theo dự kiến, trước tiên, người ta tăng dần vận tốc của 2 chùm proton chuyển động trong đường hầm ấy lên ngang với vận tốc ánh sáng. Kế đó, cho chúng va chạm ngược chiều nhau với tần suất mỗi giây 800 triệu lần, qua đó giải phóng vô số hạt nhỏ hơn proton, và bằng cách này có thể tái dựng vụ nổ lớn (Big Bang) hình thành vũ trụ cách đây gần 13.7 tỉ năm và ánh sáng phát sinh vào 200 triệu năm sau đó.. Nếu khi ấy có xảy ra hiện tượng một số hạt nào biến mất, thì có thể chứng minh chúng đã bay vào không gian chiều thứ năm hay hơn nữa mà con người hiện chưa nhìn thấy.

Duỗi, cong và phẳng

Nếu giả định của Lisa Randall được chứng minh là đúng, nếu việc tái diễn Big Bang trong phòng thí nghiệm thành công, thì điều đó có củng cố thêm niềm hy vọng rằng trong một tương lai không xa, loài người có thể mở toang cánh cửa của một thế giới nhiều chiều kích và vô số điều bí ẩn trên quả đất này cũng sẽ được giải mã.

Chưa ai có thể đoán trước được sự xác minh lý thuyết mới của Randall và "khám phá trong đường hầm" ấy sẽ mở ra cho khoa học vật lý nói riêng, và khoa học hiện đại cũng như triết học hiện đại những chân trời mới như thế nào đối với các khái niệm về bản tính và nguồn gốc của vũ trụ (cosmogony)ï.

Vào giữa thế kỷ 20, nói chung, người ta xem vũ trụ có tính luân hồi. Kể từ vụ bùng nổ (*Big Bang), có không gian thời gian, và vũ trụ bắt đầu trương ra. Không có cái gì bên ngoài vũ trụ vì con người không thể nào quan sát được nơi không có không gian và cũng chẳng có thời gian. Cứ thế, "vũ trụ duỗi" bị trương ra miết rồi loảng dần tới tối đen mịt mù và sự sống bị kết liễu.

Tới gần cuối thế kỷ vừa qua, các nhà khoa học đổi sang khái niệm "vũ trụ cong", nghĩa là sẽ cuộn trở lại điểm Big Bang nguyên thủy, vì lực hấp dẫn. Vật chất hút lẫn nhau, và khi vũ trụ có nhiều chất tối, khối lượng sẽ có sức hút đủ mạnh để khống chế sức chạy ra xa của các thiên hà và kéo chúng chạy ngược trở lại, khiến chúng tự hút lấy nhau, biến thành một hố đen khổng lồ, để rồi sau đó lại "Big Bang!", bùng nổ ra theo một chu kỳ cố định.

Thế rồi sang thế kỷ 21, xuất hiện giả thuyết thứ ba lạc quan hơn: "vũ trụ phẳng"; theo đó, sức trương ra và sức hút vào sẽ bằng nhau để vũ trụ có thể giữ nguyên tình trạng như thế này, không thay đổi. Tuy mọi sự chỉ là giả thuyết, nhưng chúng ta hãy cứ hết lòng hy vọng vào cái thứ ba, vì nếu không, trong khoảng 15 tỉ năm nữa, tất cả những gì trên quả đất này, kể cả những kẻ "yêu nhau mãi mãi hay không đội trời chung với nhau", sẽ cùng nhau chết chung với vũ trụ, hoặc loãng ra như khói bay trong bóng tối hay co cụm vào nhau thành nhất điểm tế vi, trước khi lại cùng nhau nổ bùng bung ra! n

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3473
Ngày đăng: 31.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn về Lượng tính - 1 - Nguyễn Ước
Bàn về Lượng tính - 2 - Nguyễn Ước
Heuréka! - Imre Kertész
Di sản hằn sâu của châu Âu - Imre Kertész
Xác định chủ quyền văn hoá của Tổ tiên Việt tộc - Vũ Khánh Thành
Văn hóa biển miền đông nam bộ- nhìn từ lễ hội dân gian của ngư dân - Đinh Văn Hạnh
Bàn về Phẩm tính - 1 - Nguyễn Ước
Bàn về Phẩm tính - 2 - Nguyễn Ước
Thơ cần thiết cho ai - Nguyễn Đức Tùng
Đặc Trưng Văn Hóa và Ý Nghĩa Biểu Trưng Tôn Giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa - 1 - Đinh Văn Hạnh
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)