1.Đi sưu tầm truyện cổ
Hai nhà sưu tầm văn học dân gian về xã Ktang, gặp được già làng Đinh Kpa rất nhiệt tình kể chuyện nên phấn khởi lắm, quyết định đóng chốt ở nhà già làng Đinh Kpa. Sau một tuần, số lượng chuyện cổ, Hơ Amon… nhiều ngoài mức dự kiến, đồ nghề mang theo như băng ghi âm, pin…đã hết nên hai người quyết định rút quân. Muốn ra tới đường lớn phải men theo con suối Ktung tới ba cây số. .. Nhà sưu tầm A nói với nhà sưu tầm B:”Cái chuyện Sự tích suối Ktang thật là cảm động…Hai người yêu nhau không lấy được nhau, nhưng hàng tháng họ hẹn gặp nhau trong rừng, ôm nhau khóc than cho mối tình trắc trở, nước mắt của đôi tình nhân hòa vào nhau thành dòng suối!” Nhà sưu tầm B:”Chúng ta sẽ lấy cái tít Sự tích suối Ktang làm tên chung cho tập truyện cổ của đợt điền dã này!” Nhà sưu tầm A:”O.K! Lão Đinh Kpa này quả là một cái kho tàng văn hóa dân gian, đợt tới có cả sinh viên thực tập, ta sẽ đưa tới cái kho này!” Hai nhà sưu tầm chợt im lặng và dừng lại khi nghe có tiếng rên ư ử, kiểu rên sướng khoái từ sau một lùm cây phát ra! …Năm phút trôi qua, có tiếng nói, đàn ông:”Hôm nay em làm cho anh sướng quá trời sướng, chờ chút nữa anh hồi phục ta sẽ làm tiếp đợt hai!” Tiếng đàn bà tiếp theo:” Thôi đi ông tướng, đừng có tham! Em phải về ngay kẻo thằng chồng nó nghi!...À, mấy cái chuyện cổ em sáng tác, em thích nhất cái Sự tích suối Ktang vì đó là chuyện tình đắm say của chúng ta, anh nhờ hai nhà sưu tầm gửi cho Tạp chí Văn nghệ của tỉnh chưa?” . “Rồi, nhưng đưa vào chuyện cổ sưu tầm chắc chắn được in, còn đưa cho Tạp chí chúng nó vứt sọt rác!...Thôi ,cưng ơi, chiều anh lần nữa đi!”. Nghe tới đây thì nhà sưu tầm A nói:”Người đàn ông kia chính là lão Đinh Kpa!” Nhà sưu tầm B :”Còn ai vào đây nữa!”…
2.Mối tình đầu
Hồng Nhạn là một người thiếu phụ đã ngoài bốn mươi, ở với cô con gái là Hồng Nhân, đã gần hai mươi tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Y Dược. Người chồng của Hồng Nhạn chết đã được gần mười năm (do tai nạn giao thông), nhưng Hồng Nhạn vẫn ở vậy nuôi con, nhất quyết không tái giá…Tuy nhiên, Thần Ái tình đã đột nhiên nhìn thấy người thiếu phụ này “năng lượng tình yêu” còn rất mạnh, và thế là một mũi tên của Thần Ái tình đã được phóng tới! Và chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra!
Trong buổi tiệc mừng sinh nhật cô con gái Hồng Nhân tròn hai mươi tuổi, ông thầy chủ nhiệm lớp học đại học của Hồng Nhân (vốn đã rất có cảm tình với Hồng Nhân) tới dự tiệc sinh nhật Hồng Nhân, ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với mẹ Hồng Nhân, đã bị “tiếng sét ái tình” đánh gục! Và, điều oái oăm là mẹ Hồng Nhân, cũng bị “tiếng sét ái tình” đánh gục!...
Khi cô gái hai mươi tuổi Hồng Nhân biết rõ sự thể mối tình “sét đánh” của mẹ mình với người thầy giáo mà cô đã thầm yêu ngay từ năm học thứ nhất, cô đã lẳng lặng “biến mất”!...
Hai mươi năm sau, trong bữa tiệc kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của bà Hồng Nhạn, có một cô gái sinh viên năm thứ hai , cả khuôn mặt và dáng vẻ đều khá giống Hồng Nhân khi xưa, đã hát tặng Ông thầy và bà Hồng Nhạn bài tình ca “Mối tình đầu của tôi”. Khi bài hát vừa kết thúc, cả ông Thầy giáo và bà Hồng Nhạn cùng nói:”Đây là buổi tiệc mừng sinh nhật cô gái Hồng Nhân hai mươi năm trước!”…
3.Gót chân A-sin
Hương Huyền là cô bé chưa tới mười tuổi nhưng có những biểu hiện “Thần đồng” văn học khiến cha mẹ cô bé rất vui và nuôi nhiều hy vọng lớn lao…
Một hôm, mẹ của Hương Huyền, là một cô giáo dạy văn ở trung học phổ thông, đi làm về sớm hơn mọi ngày, và giật mình kinh ngạc khi thấy cô con gái Hương Huyền dùng dây vải buộc chặt cổ chân thằng em trai chưa tới ba tuổi, và thả thằng em xuống bể nước, một thứ nước rất lạ, lấp lánh như ánh bạc!...Sau khi đã cấp cứu cho thằng con trai, bà mẹ Hương Huyền mới hỏi cô bé:”Tại sao con lại làm như thế?” Hương Huyền đáp:”Em con sẽ không có cái “gót chân A-sin” như chàng dũng sĩ A-sin trong Thần thoại Hy Lạp nữa!”
4.Văn xuôi
Có hai nhà thơ, một người chuyên viết Trường ca, một người chuyên viết Tứ tuyệt, cùng đi thực tế nông thôn. Cùng nhóm và ở nhà trọ bên cạnh là nhà văn chuyên viết truyện ngắn…
Sau một tuần, hai nhà thơ cùng phát hiện ra cô chủ nhà đã “yêu” cả hai người, bèn nói với nhau:”Đúng là một Trường ca dài ngàn câu giá trị cũng chỉ bằng bài Tứ tuyệt bốn câu! Nếu sau chín tháng, cô chủ báo tin sinh ra Trường ca hay Tứ tuyệt thì mới phân thắng bại!”
Sau chín tháng, hai nhà thơ đợi mãi mà vẫn không thấy tin tức gì, phải một tuần sau, hai nhà thơ cùng nhận được bức điện báo có nội dung:”Em đã sinh con, rất bụ bẫm và kháu khỉnh…Con tên là Hoàng Lê Vũ Truyện Ngắn!”…
TP.HCM, Tháng 5-2009