Mới đây, có dịp đi qua một bức tượng trong công viên, tôi bất giác nhớ đến bài thơ của Billy Collins. Tôi thầm cảm ơn ông về điều này.
Giữa những khuynh hướng khác nhau của thơ đương đại, hình như ngày càng trở nên khó hiểu đối với đa số người đọc, Billy Collins là một người đi ngược dòng. Thơ ông dễ hiểu. Hơn thế nữa, đó là một nhà thơ của đời sống đương thời, của những chi tiết bình dị hàng ngày. Đọc Collins tôi luôn luôn ngạc nhiên: nhìn quanh mình, ở đâu tôi cũng nhìn thấy những điều mà ông vửa mới chỉ ra, chỉ có điều là trước đó thì tôi không thấy được.
Sinh năm 1941 ở thành phố New York, tốt nghiệp tiến sĩ Anh văn ở đại học California, Riverside, với luận văn về Wordsworth và Coleridge, cặp nhà thơ tri âm tri kỉ, Billy Collins hiện sống ở New York. Hai lần là nhà thơ danh dự (poet laureate) của Hoa Kỳ. Được xem là người được công chúng mến mộ nhất hiện nay (1).
Collins thường trò chuyện với độc giả, không bao giờ quên độc giả trong thơ của ông. Đó là một cuộc trò chuyện không ngớt, bài này qua bài khác, ngày này qua ngày khác, miên man bất tận. Lần nào ông cũng có khả năng làm chúng ta ngạc nhiên.
bạn cảm thấy thế nào đây
nếu bạn biết
tôi viết những dòng này
thay vì bạn
I wonder how you are going to feel
when you find out
that I wrote this instead of you (2)
Hình như từ xưa đến nay, khi sáng tác, trong cơn cảm hứng, khác với các nhà văn, các nhà thơ thường chỉ viết cho mình. Trước hết, họ trò chuyện với chính mình. Billy Collins thì khác, ông đối thoại với người đọc trực tiếp hay kể chuyện cho họ nghe với một ngôn ngữ bỉnh dân như thứ tiếng mà chúng ta vẫn nói mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà ông được nhiều người yêu mến, tìm đọc và đôi khi được gọi là nhà thơ của nhân dân.
Những bức tượng trong công viên
Anh nghĩ về em hôm nay
khi dừng chân trước bức tượng kỵ sĩ này
trong công viên
Em từng chỉ cho anh
những tư thế đẹp ý nghĩa thế nào.
Ngựa chồm hai vó lên cao
là người kỵ sĩ đã chết trên chiến trường
Còn một chân đưa lên:
kẻ ấy đang trúng thương
Nếu cả bốn chân đều chạm đất,
như bức tượng này –
móng đồng bám chặt vào nền đá –
kỵ sĩ vẫn còn trên lưng ngựa
Kẻ đăm đăm nhìn nhà hát đóng cửa bên kia đường
đã chết vì một nguyên nhân nào khác không phải chiến tranh
Trong bóng râm của bức tượng
anh thầm nghĩ về bao người khác
đã giản dị đi qua cuộc đời
không ngựa, không yên, cũng chẳng có gươm
người bộ hành không bao giờ nữa
đặt chân này lên trước chân kia.
Anh hình dung bức tượng
của người bệnh co quắp trên giường đá lạnh,
của kẻ tự tử chạm ngón chân mình lên mép gạch đá vân,
tượng của những nạn nhân
bịt mắt, của kẻ bị giết rồi tay còn che vết thương,
của người chết đuối lặng im trôi nổi trên bầu trời.
Và anh chôn chân ở đó,
trên nền cẩm thạch xám hồng
gần những bụi cây công viên,
tên anh và ngày tháng khắc trên bảng đồng,
Quỳ gối, mắt ngước nhìn lên,
cầu nguyện với mây trời
bay qua, mãi mãi xin thêm một ngày, một ngày nữa thôi.
Billy Collins
Statues In The Park (3)
I thought of you today
when I stopped before an equestrian statue
in the middle of a public square.
you who had once instructed me
in the code of these noble poses.
A horse rearing up with two legs raised,
you told me, meant the rider had died in battle.
If only one leg was lifted,
the man had elsewhere succumbed to his wounds;
And if four legs were touching the ground,
as they were in this case –
bronze hooves affixed to a stone base –
It meant that the man on the horse,
this one staring intently
over the closed movie theater across the street,
had died of a cause other than war.
In the shadow of the statue,
I wondered about the others
who had simply walked through life
without a horse, a saddle, or a sword –
pedestrians who could no longer
place one foot in front of the other.
I pictured statues of the sickly
recumbent on their cold stone beds,
the suicides toeing the marble edge,
statues of accident victims covering their eyes,
the murdered covering their wounds,
the drowned silently treading the air.
And there was I,
up on a rosy-gray block of granite
near a cluster of shade trees in the local park,
my name and dates pressed into a plaque,
down on my knees, eyes lifted,
praying to the passing clouds,
forever begging for just one more day.
Hãy xem ông mở đầu như thế nào:
Anh nghĩ về em hôm nay
Cũng có thể là:
Em nghĩ về anh hôm nay
Hay:
Tôi nghĩ về bạn hôm nay
Vân vân
Đó là điểm thuận lợi của một số ngôn ngữ như tiếng Anh. Điểm thuận lợi nào bao giờ cũng kèm theo nhược điểm. Nhưng đó là chuyện khác.
Câu mở đầu của một bài thơ là câu quan trọng. Vì nó là cánh cửa dành cho người đọc, mở vào thế giới riêng của bài thơ. Nhưng quan trọng hơn cả, cánh cửa ấy hầu như tác giả không tự mình chọn được. Bởi vậy khi lần đầu đọc câu thơ này tôi đã dừng lại một lát: hôm nay có gì lạ? Sao anh lại nghĩ về em hôm nay? Khi mỗi ngày đều nghĩ về em thì hôm nay anh có nghĩ nhiều hơn chăng? Câu mở đầu của Collins là một câu thơ trúng chỗ, không thể di lệch được, nhưng nó lại rất bình thường. Bất cứ một nhà thơ nào cũng có thể làm một câu tương tự.
Vấn đề là vào lúc nào?
Khi dừng chân trước bức tượng kị sỹ này
Chúng ta được dẫn đến trước một bức tượng trong công viên. Tưởng tượng bạn đi dạo chơi một mình, ngẩn ngơ lạc bước, dừng chân trước nó hồi lâu. Rồi bạn làm gì? Đưa máy ảnh lên chụp hình về khoe với bạn chăng? Im lặng thở dài? Hay mua một cây kem vừa mút vừa quay đi?
Ở trên tôi vừa nói thơ Collins dễ hiểu. Đó là nhờ ông dẫn chuyện tài tình. Tôi nhận ra rằng trong hầu hết các bài thơ hay, tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, ngôn ngữ của nhà thơ thì dễ hiểu, nhưng chính nhà thơ thì không. Bạn được nghe kể chuyện một cách thong thả, có một khoảng cách giữa người nói và người nghe, nhưng khoảng cách đó không lớn, bao giờ cũng thân mật, nhờ tính hài hước ngấm ngầm bên trong.
Đã chết vì một nguyên nhân nào khác không phải chiến tranh
Té ra một người anh hùng cũng có thể chết vì bệnh viêm phổi chẳng hạn, hay vì một tai nạn xe cộ lãng xẹt, hay vì tuổi giá âm ỉ tới trong nhà dưỡng lão không con không cháu mà trợ cấp hưu trí không đủ sống.
Không ngựa không yên cũng chẳng có gươm
Chúng ta để ý rằng tính hài hước trong thơ Collins nhuốm phong cách u mặc phương Tây, nghĩa là nếu xem nó không phải hài hước thì cũng đúng. Bởi vì đó là sự thật được lật ra một cách thông minh.
Hình ảnh có tính ẩn dụ (metaphors) trong thơ có hai loại: những ẩn dụ mang tính trang trí và những ẩn dụ chức năng. Thơ càng non tay, loại thứ nhất càng nhiều. Thơ già dặn, loại thứ hai nhiều hơn.
Đặt chân này lên trước chân kia
Là một câu thơ chuyển tiếp, là một liên tưởng mạnh mẽ và quyến rũ vì nó liên hệ mật thiết với hình ảnh kỵ sĩ trên lưng ngựa. Nó đưa ta trở về với cuộc đời thường, nơi mà thông điệp của Billy Collins bắt đầu. Đó là một ẩn dụ có tính chức năng.
Chúng ta trở lại với hình ảnh ban đầu. Người kỵ sĩ là biểu hiện của cuộc chiến đấu, nhưng là cuộc chiến đầu nào? Đó là cuộc chiến đấu giữa các quốc gia, giữa con người và thiên nhiên hay giữa con người và con người trong xã hội? Hay là cuộc chiến đấu nội tâm ở mỗi cá nhân?
Kẻ trên yên ngựa đăm đăm nhìn về một nhà hát đóng cửa bên kia đường. Cuộc đời là sân khấu với những trò yêu ghét, say mê, nhầm lẫn, vinh quang và ảo vọng, như tấm vải nhiều màu dệt nên một đời người, một dân tộc, sự suy tàn của các phẩm chất tưởng như có tính di truyền vĩnh viễn.
Thực ra sự giản dị của Collins là sự giản- dị- hoá. Ông biết chọn những góc nhìn bất ngờ, thậm chí kì quặc, để từ đó tiến đến gần những tính chất quen thuộc hơn của sự vật. Từ một bức tượng đến số phận của người kỵ sĩ, từ người kỵ sĩ đến số phận của con người. Từ kẻ chiến thắng đến người chiến bại, từ anh hùng đến nạn nhân. Đó là đi từ cái riêng đến cái chung, đi từ phía bên này đến phía bên kia của lịch sử.
Kết thúc bài thơ, người kể truyện bỗng hoá thân vào câu chuyện, biến thành một nhân vật trong bức tranh bao quát. Nhờ sự hoá thân này, anh hùng không đứng cao hơn nạn nhân. Tác giả đã dịu dàng chuyển chúng ta từ tầng sâu suy tư đến hình ảnh gần gũi. Sự dịch chuyển mau lẹ như thế tìm thấy nhiều thí dụ của nó trong thơ Billy Collins. Tuy là thí dụ, chúng không thể bắt chước được.
Tôi nói thí dụ, cũng bởi vì Collins thường dẫn chúng ta quay lại với những hình ảnh cụ thể, hàng ngày, ở cuối mỗi bài thơ của ông. Đọc Collins, không nên dẫn dắt suy luận trừu tượng đi quá xa: ông gần gũi với phương Đông ở điểm này.
Anh thấy gì? Anh thấy mình quỳ xuống, biến thành một bức tượng khác, tên anh và ngày tháng được khắc trên bảng đồng. Sự hi sinh của anh đã được các nhà viết sử công nhận, đã được một giai đoạn công nhận, thậm chí có hy vọng trở thành vĩnh viễn. Anh bị chôn chặt vào bức tượng của mình, đóng đinh vào cây thập tự thời gian và cây thập tự không gian.
Thì lúc ấy anh ao ước điều gì?
mãi mãi xin thêm một ngày, một ngày nữa thôi
Để được sống giữa mọi người, sung sướng một cách tầm thường và phẫn nộ một cách cao cả như chúng ta, chán nản và hi vọng như chúng ta. /.
(1)Tạp chí Poets &Writers, Sep/Oct 2008.
(2) Billy Collins, “You, Reader”, The Trouble with Poetry and Other Poems NXB Random House, 2005.
(3)Billy Collins, The Trouble with Poetry and Other Poems, NXB Random House, 2005.