BA XIN LỖI CON
Buổi chiều họp căng thẳng, mấy anh em đồng nghiệp cùng cộng tác viên của công ty đều nhất trí, thôi tạm nghỉ, nháy mắt rủ nhau ra quán, ok ờ đi thì đi, sợ gi, tới đó bàn tiếp.Từ chuyện nội bộ cơ quan, đến sôi nổi đủ thứ chuyện trên trời cao xuống dưới quán rộng. Ly bia chạm vào nỗi đau triền miên cuộc xung đột Israel- Palestine, Bắc Hàn bắn thêm nhiều tên lửa, những vụ khủng bố ngày càng đẩm máu; ly bia khác chạm vào sự hào hứng của trận cầu Việt Nam thắng Thái Lan và vô địch Đông Nam Á. Cơn mưa đổ xuống chuyện kinh tế vĩ mô, vi mô lại càng rôm rã, chuyện đàn ông liếc ngang liếc dọc mấy em tiếp thị mắt xanh môi đỏ khác gì hoa hậu á hậu người mẫu; a ha còn mẫu hậu chờ đợi dài hươu cao cổ ở nhà. “ Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”; cơn mưa càng lúc càng lớn, đồng lõa với những đôi tay kiều diễm khui bia liên tục. Tới luôn, trăm phần trăm. Tôi quên một điều gì.
Rồi cũng phải ngừng thôi, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy “người về trong đêm tối ôm cành hoa tả tơi”. Trên tay cầm bó hoa hồng nịnh vợ. Tôi lảo đảo ra về.
Đến nhà, ơ kìa, con gái út đứng góc phòng khách nức nỡ, mẹ nó từ trong bếp ra lầm bầm:
- Anh nhớ gí không?
Tôi lắc đầu không, nội tướng cằn nhằn:
- Sao ban chiều anh không đến rước con, con nhỏ chờ anh đến 9 giờ tối, mưa tầm tả, một mình trước cổng, khóc như mưa, ướt như chuột, may có bác bảo vệ bất ngờ trông thấy, kêu xích-lô quen đưa về, mới vừa cề đây.
Tôi buông rơi bó hoa:
- Trời! có chuyện đó nữa sao?
Và vội vã đến ôm con:
- Ba xin lỗi con.
Đứa con trai lớn thấy vậy ngạc nhiên:
- Ủa, ba mà xin lỗi bé.
- Bình thường thôi, có lỗi thì nhận lỗi, không phân biệt đẳng cấp con à.
Sáng hôm sau đưa con đi học, trên lưng mang ba-lô hình con gấu, đến cổng trường nó và gấu cùng quay lại:
- Chiều ba nhớ đón con đúng giờ nghe.
Đều đều nhiều lần sau, khi đưa con đến trường, tôi luôn nghe lại điệp khúc đó.
Rõ ràng cái chiều đêm hôm ấy đã chạm vào trí nhớ ám ảnh mãi đứa con gái nhỏ của tôi, học sinh lớp ba.
TIẾNG KÊU CỦA BIỂN
Cuối tuần cả nhà háo hức đến rạp xem phim Đi tìm Nemo (Finding Nemo). Tháng trước mới nghe thông tin các con tôi đề nghị. Đi xem phim đi ba, thử coi lồng tiếng hay hơn phụ đề không? Con gái út tôi thì muốn xem màn hình “bự” “mà con chưa xem bao giờ”.
Phim đã được xem ở màn hình TV nhiều lần với dĩa DVD, nhưng xem lại, khám phá thêm nhiều điều thú vị. Đã thiệt, lời lồng tiếng cho chú cá nhỏ Nemo thật dễ thương, kịch sĩ Thành Lộc lồng tiếng hết sẩy; diện tích rộng của màn ảnh với kỹ thuật 3D làm tăng kích cỡ không gian ba chiều, lộ rõ độ bóng trên mình của cô cá đãng trí Dory, gương mặt cận cảnh có đôi mắt cùng cái miệng ngậm lại của cá cha Martin quá buồn. Tôi bị ám ảnh sự hốt hoảng của cá cha Martin khi nhìn Nemo bị sa bẫy.
Giống như các chú rùa con, các con tôi nhao nhao lên. Xạo quá ba ơi! Cá gì mà biết chữ. Không xạo đâu – tôi giải thích; nó khơi dậy óc tưởng tượng đó. Kịch bản bố cục vùng vẫy, chi tiết bất ngờ, chiều dài gian nan của cá cha Đi tìm Nemo cộng hưởng hấp dẫn.
Tôi mê hoạt hình từ thủa nhỏ và truyền niềm say mê đến các con, mê từ Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Bambi, Tom&Jerry… lúc còn kỹ thuật 2D, bây giờ hiện đại với kỹ thuật mới, tôi càng được lôi cuốn. Các con có thấy Đi tìm Nemo vượt qua 101 con chó đốm, Vua sư tử bỏ xa Doremon, Thủy thủ mặt trăng không?
Những dòng viết này không phải để quảng cáo cho hành trình tìm kiếm của phim ảnh; điều này thừa,Nemo không cần việc ấy; Vì tiếng kêu thảm thiết của cá cha vượt qua đại dương đến tai các cháu thiếu nhi lan tỏa lay động các bậc làm cha làm mẹ. Tôi nhớ câu “Thượng đế hiện hữu trong tiếng kêu của con vật bị sa bẫy” của thi sĩ Pháp Yves Bonnefoy; không ghê gớm đến như vậy, nhưng có sự gì ray rứt không nguôi.
Cuối cùng chú cá con không nghe lời cha vượt qua giới hạn, đã được giải thoát; nhưng đọng lại các chú Nemo, các chú rùa ngoài khung ảnh, cảm nhận được điều thiêng liêng về tình yêu thương vô bờ bến của cá cha Martin./.