(Đọc “Chết như thế nào” của Phạm Nguyên Tường nxb Thuận Hóa - tháng 4/2009)
Thật tình mà nói khi Phạm Nguyên Tường tặng tôi tập sách mỏng “Chết như thế nào”, cái tiêu đề đó khiến tôi liên tưởng đến những đạo sĩ, những tôn giáo huyền bí,… và phần nào tạo nên cảm giác không mấy thích thú trong tôi. Nhưng khi vừa đọc một số trang tôi đã nghĩ khác. Trong nghề viết, văn không phải là chuyên của Tường, anh chuyên làm thơ và đã để lại ít nhiều tiếng vang trong anh em qua các tác phẩm “Hoa Cúc Mùa Thu”, “Lá Tháng Chạp”, “Quang Gánh và những bài thơ khác”. Vậy mà với tập sách nhẹ chỉ hơn 100 trang gồm 12 bài ghi chép đã khiến tôi thấy thật nặng. Nặng vì cái tình của một bác sĩ, cái tình của người cầm bút hay đúng nghĩa hơn là tình người. Qua đó, tác giả đã gửi gắm đến người đọc thật nhiều điều. Tôi nghĩ tập sách của Tường là một chuỗi tâm ký. Phải có tấm lòng mới viết được như vậy. Giọng văn khúc chiết, tự nhiên và chân thật đã lay động người đọc. Trong tập sách mỏng tác giả đã viết về vùng cao, vùng sâu thuộc huyện Alưới: “Mẹ sau núi”, Ớt mọi, hay những mẩu nhớ về A Hươr” và “Lên đồi thịt băm nhớ người bạn Mỹ bị dày vò”, rồi những bài viết về nghề y, về những người bệnh ung thư: “Chết như thế nào”, “Lời nguyện cầu”,... những trang còn lại tác giả dành cho những người bạn lạ kỳ và những cảm nghiệm của anh về cuộc sống ở nơi xứ người qua những chuyến công tác ở nước ngoài... Tập sách chỉ ghi lại những sự kiện thường ngày giữa cuộc sống, nhưng với khả năng chuyển tải tài tình của tác giả, những vấn đề đã được đặt ra thật lớn lao. Ví như ước muốn thật giản đơn của một con người là được sống ở một vùng đất nào đó trên hành tinh của tạo hóa, như anh chàng Mike đã từng mơ ước, vậy mà…? Trong khi mọi người luôn hô hào đến tự do và hòa bình. Tất cả những điều cấm kỵ đó, phải chăng chính là sản phẩm của chiến tranh? Tôi nhớ một câu nói, không biết của vị khả kính nào: “Người nào còn thiếu cái gì thì người ta hay nhắc đến điều đó”. Trong những khúc tâm ký dành cho đồng bào miền ALưới, Tường thường nhắc đến câu hỏi: “Chiến tranh là cái gì vậy?”. Ôi, một câu hỏi cũng chỉ là một câu hỏi mà Tường đã hỏi thay cho tất cả chúng ta. Mà đôi khi mỗi chúng ta phải tự hỏi chính bản thân mình? Vì chiến tranh đâu phải giữa một quốc gia này với quốc gia khác, chiến tranh không phải khi nào cũng dùng vũ khí,... có khi chỉ là một cuộc tranh cãi, một sự hồ nghi, đố kỵ,... Còn tôi thì cảm nhận chiến tranh như một con quái vật đang ở trạng thái cuồng điên nhất, đã biến con người thành tên sát nhân, thành thây ma không nguyên vẹn, thành những kẻ tâm thần,… như người bạn Mỹ tên Mike của Tường của anh em cà phê vỉa hè Huế và biết bao phận người bất hạnh khác. Trong trí nhớ tôi hiện lên mù mờ mấy dòng chữ của Krishnamuti: “giải quyết vấn đề chiến tranh ở thế giới này chính là giải quyết vấn đề trong tâm thức mỗi người...”, hình như là vậy, tôi không còn nhớ rõ, đã hơn 25 năm tôi không còn nhớ rõ lời của ông ta nữa. Vậy mà chiến tranh vẫn được cổ súy đâu đó trên khắp tinh cầu, từ ngàn xưa cho đến bây giờ.
Bài viết “Chết như thế nào” tác giả đã nói lên nỗi đau của người bệnh ung thư mà đặc biệt là những bệnh nhân ở Việt Nam. Tường viết: “Nếu nói, theo quan niệm của nhiều người, bệnh nhân ung thư là nỗi oan nghiệt và đọa đày, thì phần lớn bệnh nhân ung thư Việt Nam là tận cùng của sự oan nghiệt và đày đọa!…”. Cũng là một bác sĩ chuyên về ung thư, hơn ai hết anh hiểu cảnh ngộ của người bệnh và tình trạng y đức xuống cấp trong xã hội và anh viết: “Đó là chưa kể những tờ bạc nặng mùi mồ hôi và nước mắt ấy đôi khi phải nằm lót trong cuốn sổ khám bệnh hàng tuần của bác sĩ, hay trong túi áo blouse trắng tinh của mấy cô y tá để được “chích không đau”! Thậm chí họ không đủ tiền ăn ngày hai bữa trong quá trình điều trị nhưng phải cố dành dụm từng đồng bạc nhỏ nhoi để “lo lót”! Thực trạng ô nhục này dư luận xã hội đã không ít lần lên án. Đó là chưa kể những khi bị “đám cò” đừng đầy ngoài cổng bệnh viện chực “buôn đường mật” giới thiệu đến những phòng khám “uy tín”, bác sĩ “thâm niên”, những gói “thần dược”…, rốt cuộc chỉ là tiền mất tật mang! Đó là chưa kể, muốn được nhận vào viện điều trị học phải “xếp hàng” một tháng, hai tháng, hoặc hơn nữa… vì lượng bệnh nhân quá đông… Nói chung, bệnh nhân ung thư của chúng ta cùng bị tàn phá mỏi mòn từ hai phía: một từ bệnh, và một từ xã hội.” Và từ “bệnh viện” đã phần nào gây phản cảm với rất nhiều người, mặc dù các bác sĩ đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần để trở về với cuộc sống bình thường. Tôi còn nhớ, ngày xưa những người thế hệ trước gọi “bệnh viện” là “nhà thương”. Bệnh viện trung ương Huế là Nhà Thương lớn. Còn rất nhiều vấn đề mà Phạm Nguyên Tường đã nêu ra ở tập sách này, nhưng trước sự bất lực của bản thân trong căn bệnh ác hiểm, anh đã có “Lời Nguyện Cầu” để cho bệnh nhân có bốn tiêu chuẩn chết hay còn gọi là chất lượng chết, đó là:
1. Không đau đớn
2. Nhanh gọn
3. Trong thanh tịnh
4. Người thân kề bên
Thôi đành vậy, khi “chất lượng sống” trong xã hội chúng ta hầu hết là chưa có được, thì nên tìm đến với chất lượng chết. Thật ra được chết trong thanh tịnh là quá đủ rồi. Đúng là “lời nguyện cầu” của bác sĩ Phạm Nguyên Tường dành cho các bệnh nhân, và cũng cho tất cả chúng ta. Vì ngay chính anh và cả tôi đều không hiểu gì về cái chết và những gì sau cái chết. Viết đến những dòng này, tôi chợt hiểu, vì sao tiêu đề của tập sách là “Chết như thế nào”. Xin mời người đọc cùng chia sẽ với nhà thơ, bác sĩ Phạm Nguyên Tường./.
Huế, 31/5/2009