Tôi đang ngồi trong khán phòng của một cuộc thi hát. Đêm nay, 12 ca sĩ trẻ khu vực phía bắc sẽ thi tài với nhau bằng những bài hát thể loại nhạc pop. Đối với âm nhạc, tôi là kẻ ngoại đạo, nên cho dù có là pop, semi pop, rock hay hip hop gì gì đi nữa thì đối với tôi chúng cũng như nhau. Vậy thì tôi ngồi đây làm gì? Ngồi trước ánh đèn sân khấu đổi màu và quay cuồng, đám fan cuồng nhiệt la hét cổ vũ, dàn nhạc sôi động, thí sinh lúc thì lịm đi trên sân khấu để thể hiện sự khắc khoải của cảm xúc, lúc lại ngửa cổ căng lồng ngực hát to hết cỡ theo sự bay bổng tình cảm, mà không thấy hết cái hay, cái trữ tình của những Gót sen, Giấc mơ ngọt ngào, Phố chiều…thì có khác chi vịt nghe sấm, đàn gảy tai trâu. Thế nhưng cái con trâu là tôi ngồi nghe đàn là có lý do đấy, bởi vì tôi là một thợ may, hơn nữa tôi lại là một nhà mỹ thuật có lương tâm và nhiệt tình trong sự chế tạo ra những mốt quần áo mới, đặc biệt là quần áo dành cho chị em mà khi quàng vào người có khả năng làm nổ tung dư luận và làm mù mắt những đấng mày râu khi nhỡ nhìn thấy. Bởi vậy tối nay tôi ngồi đây để quan sát xem những kiểu quần áo tôi đã tung ra thị trường hoặc những kiểu mà đối thủ cạnh tranh của tôi chế tạo gây ra hiệu ứng như thế nào đối với khán giả.
Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông còn trẻ, gầy, da hơi xanh dưới ánh đèn sân khấu. Tóc ông ta chải gôm mượt, mũi hơi khoằm, phía dưới mũi là hàng ria con kiến, đôi mắt sáng, lưỡng quyền cao và đôi môi hình trái tim giống như môi phụ nữ. Ban đầu tôi không để ý đến ông ta, nhưng khi cô thí sinh số báo danh 36 nhẹ nhàng và duyên dáng bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay rộn ràng kéo dài thì ông ta vỗ đùi đánh đét một cái và thốt lên:
- Nữ quyền! Ngay từ ngày ấy tôi đã phải đặt tên cho bộ này là Nữ quyền. Khoác bộ này vào người thì bất cứ đàn ông nào dù là già hay trẻ cũng phải gục ngã, cứ gọi là chạy theo hàng đàn…
Chiếc váy liền áo trên người cô ca sĩ màu đỏ gắt, phía trên để hở một khoảng ngực và một khoảng lưng rộng mênh mông, trắng nhức nhối, còn phía dưới thì che chưa đến đầu gối. Đây là một sự bất ngờ vì chiếc váy không phải là tác phẩm của tôi. Điều bất ngờ thứ hai là ông bạn ngồi ở ghế bên cạnh, trông ông ta quen quen hình như tôi đã gặp ở đâu đó. Sự tò mò làm cho tôi mạnh dạn chủ động bắt tay ông ta và hỏi :
- Xin được hỏi quý ông có làm việc trong ngành thời trang hay không mà có nhận xét đích đáng như thế?
Người đàn ông nở một nụ cười xã giao trên đôi môi hình trái tim rất tươi, nắm tay tôi lắc lắc:
- Chúng tôi rất được hân hạnh! Xin được tự giới thiệu, tôi là Týp Phờ Nờ có nghĩa là Tôi Yêu Phụ Nữ, viết tắt là TYPN, nghề nghiệp của tôi là tay-ơ nghĩa là thợ may đồng thời tôi cũng là nhà mỹ thuật có trách nhiệm cải cách y phục phụ nữ trong công cuộc Âu hoá, dân ta ăn mặc văn minh hay dã man phụ thuộc vào những người có tâm huyết như tôi.
Ông ta chỉ tay lên sân khấu và nói tiếp:
- Ông có chia sẻ với tôi sự ngỡ ngàng do bộ váy áo Nữ quyền kia gây ra hay không? Theo cái sự quan niệm của các nhà thợ may lớn ở Tây phương thì chức năng của quần áo là để tô điểm và làm tăng sắc đẹp chứ không phải để che đậy.
Rồi ông ta nháy mắt một cách ranh mãnh nhìn lên sân khấu và nói tiếp, cục yết hầu lên xuống nhịp nhàng theo câu nói:
- Bao giờ... bao giờ mà y phục tiến bộ đến cực điểm đi đến chỗ tận thiện tận mỹ thì không còn phải che đậy cái gì của người đàn bà nữa!
Thì ra tôi hân hạnh được gặp và nói chuyện với ông Týp Phờ Nờ, ông cai thợ may của tiệm may Âu Hoá trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ông ta sống và hành nghề ở đầu thế kỷ trước cơ mà, sao hôm nay lại ở đây? Những người nổi tiếng và có tâm huyết với thời cuộc thỉnh thoảng lại bước từ trang sách ra cuộc đời để đi vi hành trong dân gian, đi chán rồi thì bước trở lại trang sách.
Không riêng gì ông Týp Phờ Nờ mà những nhân vật vĩ đại hơn thỉnh thoảng cũng làm như thế: bước từ trang sách ra và đi rong chơi trong cuộc đời. Montesquieu (1689 - 1755) và Rousseau (1712 - 1778) là hai nhà tư tưởng có những ảnh hưởng rất lớn đến cuộc cách mạng tư sản Pháp nói riêng và nền văn minh thế giới nói chung. Hai tác phẩm: “Bàn về tinh thần pháp luật” (1748) của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Rousseau đã trở thành bộ đôi tác phẩm có ý nghĩa khai sáng về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng xây dựng xã hội công dân, nhà nước pháp quyền, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789. Nhiều quan điểm trong hai tác phẩm này đã trở thành những nguyên tắc pháp lý chi phối sâu sắc đến sự phát triển của nhà nước và pháp luật hiện đại. Chúng ta không để ý đó thôi, chứ thỉnh thoảng hai ông vẫn bước từ trang sách ra cuộc đời để xem những quan điểm về dân chủ và công bằng xã hội của mình được nhân loại ngày nay thực thi đến đâu.
Ta hãy trở lại với cuộc thi hát. Sau khi trình bày bài Dấu yêu một thời-một ca khúc nhẹ nhàng mà giai điệu có phần giống nhạc Hàn Quốc-cô ca sĩ cúi đầu chào duyên dáng và đứng chờ nhận xét của Hôi đồng nghệ thuật. Một nữ ca sĩ đứng tuổi và đã thành danh-thành viên của Hội đồng-đứng lên nhận xét: “ Em hãy hát phóng khoáng hơn bằng sức trẻ của mình, đừng rập khuôn theo cách thể hiện đã quá cũ…”. Ông Týp Phờ Nờ lại vỗ đùi đánh đét một cái và nêu lên nhận xét về bộ váy màu trắng của nữ uỷ viên Hội đồng nghệ thuật:
- Hở đến nách và nửa ngực là Ngây thơ ! Từ ngày ấy tôi đã đặt tên cho bộ này là Ngây thơ! Nhưng có lẽ có sự nhầm lẫn nào đó nên người đáng lẽ phải mặc bộ Nữ quyền thì lại quàng vào người bộ Ngây thơ và ngược lại…
Thấy ngồi nữa trong khán phòng cuộc thi hát với những bình luận về thời trang cũng đã đến lúc nhàm chán, chúng tôi rủ nhau bước ra ngoài. Hà Nội về đêm lung linh, trời mát dịu sau cơn mưa mùa hè bất chợt, mùi hoa sữa mơ hồ thoang thoảng, con đường đôi loang loáng ướt và nhộn nhịp, một bên nhấp nháy đèn hậu màu đỏ của xe máy và ô tô, bên kia chói loà ánh đèn pha sáng rực. Cơn mưa nhẹ hạt làm cho không khí dường như trong lành hơn khiến chúng tôi hít thở mạnh mấy cái. Câu chuyện tâm tình trao đổi khi chúng tôi đi tản bộ bên nhau xoay quanh chủ đề thời trang, vì ông Týp Phờ Nờ muốn biết so với đầu thế kỷ trước-là thời mà ông sống và sáng tác-công cuộc Âu hoá sự ăn mặc của dân ta tiến bộ đến đâu. Tôi kể với ông về những sự cải cách gần đây nhất, những cải cách về y phục đã đi đến chỗ cởi mở bằng hết những thứ cần phải che kín. Hơn thế nữa, trong bài báo “Mát rượi một trời sao”, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh thứ sáu ngày 22-5-2009 còn đăng lại các lời tuyên bố của Thanh Hằng và Mai Phương Thuý biện minh cho sự mát mẻ, sự nude vì nghệ thuật của mình rằng thì là “mát để làm từ thiện”, “cởi vì công tác xã hội”. Bài báo còn giới thiệu bộ ảnh “bốc lửa” mang tên Awake the sexy trong đó có ảnh nude của 11 mỹ nhân Việt đang nổi tiếng. Nghe câu chuyện của tôi, ông Týp Phờ Nờ luôn miệng xuýt xoa: “ Không ngờ! Không ngờ! Hậu sinh khả uý! Hậu sinh khả uý yên tri lai giả chi bất như kim dã! Từ ngày xưa Đức Khổng Tử đã dạy: Lớp trẻ thật đáng sợ, biết đâu sau này không như ngày nay.”
Vui câu chuyện, bước chân vô định đưa tôi và ông Týp Phờ Nờ đến con phố nơi ngày xưa có hiệu may Âu Hoá do ông làm cai thợ may. Bây giờ đó là một cửa hàng kinh doanh thời trang với hàng đèn màu chạy nhấp nháy bên dưới biển hiệu. Bên trong cửa hàng là những dãy ma nơ canh-những người phụ nữ bằng gỗ quàng trên người những kiểu quần áo để các bà các cô khoe cái mỹ thuật về thân thể, những bộ quần áo có tác dụng nhắc nhở các bậc nam nhi đừng có quên cái nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Bỗng ông Týp Phờ Nờ kêu lên như phải bỏng khi nhìn thấy ở hàng ma nơ canh trong cùng có một người phụ nữ bằng gỗ tuyệt đẹp: đôi mắt nàng sâu, đôi môi dày đang nở một nụ cười phóng khoáng, và đôi vai...thôi ta hãy dừng ở đây đừng tả thêm chi tiết nữa, vì sự vô tâm hay đãng trí của chủ nhân cửa hàng mà người đàn bà này không có một mảnh vải che thân.
- Một sự xúc phạm ghê gớm đến nghệ thuật, một sai lầm không thể tha thứ trong kinh doanh... Ông Týp Phờ Nờ xua tay chán nản. Đó cũng là câu nói cuối cùng mà tôi nghe thấy từ ông ta, bởi vì sau câu nói đó, người bạn đồng hành của tôi bỗng dưng biến mất, có lẽ ông ta đã từ cuộc đời bước trở lại trang sách, để lại cho tôi nỗi phân vân không biết là thực hay mơ./.
Hà Nội tháng 5 năm 2009