- Đời người cuối cùng cũng xuống lổ, ai cũng thế! Chẳng mang theo được quái gì, đến hàng nút áo người ta cũng lắc tiệt!
Lão Thuần vừa rót trà ra hai cái ly sóng sánh nước vừa buông câu triết lý cũ rích ấy sau khi dự đám tang của người bạn về. Tôi ngồi đối diện lão, mắt bâng quơ nhìn lên bức tường đã ngã màu vàng ố trong ngôi nhà lão đang ở chung với đứa con dâu, ậm ừ lên tiếng:
- Ừ, ừ! Nhưng cái chết cũng có dăm bảy đường, chứ không à? Ông xem, nhiều tay ra nghĩa địa rồi mà việc đã xong đâu. Người ta cứ moi lên móc xuống mà chửi, mà rủa. Chẳng hạn mấy tay buôn ma túy, buôn người, bọn buôn thần bán thánh, ăn đàng sóng nói đàng gió ấy! Có chết cũng chẳng ra ma ...
- Ô hay cái ông nầy, lão Thuần ngắt lời tôi. Là tôi nói đến cái chết của những người bình thường như tôi với ông, như thằng bạn vừa rồi ta đưa ra nghĩa trang chẳng hạn. Suy cho cùng, chết là hết, việc quái gì phải tiếc! Sao ta phải sợ khi nói đến việc nầy thế! Ai lột da sống đời đâu. Từ vua chúa cho đến đám dân đen, tất tần tật. Bụi về với bụi, cát về cát. Sự đời nó vậy ...
Không hiểu hôm nay có chuyện gì mà lão ăn nói gỡ thế không biết. Buổi sáng tôi đến nhà lão rồi cả hai đến viếng ông Manh, người cùng khu phố vừa mới qua đời vì bệnh ung thư tuyến giáp. Ông Manh là trưởng khu phố nơi chúng tôi ở, trước có thời đã từng là cán bộ cấp cao bên bộ X. Đám tang được tổ chức rầm rộ, trống dong cờ mở, khách viếng đông nghịt, vòng hoa phúng điếu dựng san sát trước quan tài. Đám con gái ông mặc toàn đồ trắng, bịt khăn, che mặt bằng những tấm vải cũng trắng nốt. Ông không có con trai. Nghe đâu, bà nhà ông xin được thằng bé nào đó bên phía bà nhưng gửi cho người chị nuôi giùm vì sợ ông mang tiếng. Người ta đang vận động chỉ hai con, ráng đẻ thêm nữa thì chẳng bị kỷ luật ngay à! Thế là bà rủ rỉ vào tai ông xin đứa bé. Lúc đầu ông lắc đầu nguầy nguẫy bảo hai con là được rồi, gái trai gì cũng tốt nhưng sau đó, ông lại hối bà đi nhận con về nuôi. Cái giống đàn ông lạ thế đấy! Ngoài miệng nói mạnh vậy nhưng anh nào lại chẳng muốn có con trai nối dõi. Mấy chị Thị Mẹt nuôi bở hơi, lớn lên rồi cũng theo chồng, con cái mang họ người khác, chẳng phải họ hàng gì của mình. Chả trách ở quê ông, đàn bà cứ phèn phẹt cho con nít sàn sàn ra đời đến bao giờ có con trai mới thôi, chẳng ai kỷ luật ai. Thế mà yên chuyện, thế mà hỉ hả. Làm cái anh chồng hiên ngang, mạnh khỏe, trụ cột gia đình mà không có đứa con trai trông nó yểu điệu, yếu ớt sao ấy, không ai nối tông đường, không ai khuya sớm chăm chút khi về già, chết ai thừa tự, hương khói? Vậy là ông chịu để bà lo cho đứa con nuôi, hàng tháng chu cấp đầy đủ tiền bạc, vải sồ, quà cáp cho bà chị vợ. Thoắt cái mười năm, đứa bé bây giờ cũng chừng tuổi ấy. Trong đám tang bố, nó cũng chít khăn tang, cầm bài vị đi theo quan tài. Bà con hàng xóm thắc mắc sao lâu nay không thấy thằng bé đâu nay lại lừng lững mò về để tang bố, các bà chị nó thì càng hậm hực thế là thế nào nhỉ? Họ quay ra đoán mò không chừng bà mẹ kiếm thằng bé làm cái cớ phân chia gia tài cũng nên. Nhưng dẫu sao, mọi người cũng yên lặng chờ cho ông Manh mồ yên mả đẹp mới đem chuyện ra bàn. Gì thì gì nghĩa tử nghĩa tận, làm oang lên trong đám tang về chuyện gia tài, thiên hạ cười cho thúi mũi.
Lão Thụần nhìn bộ mặt ngờ nghệch của tôi khi nghe chuyện nầy, lấy phích rót nước thêm châm vào bình rồi mới từ tốn:
- Cậu thấy chửa? Lá rụng về cội. Trước sau gì gia tài ông Manh cũng thuộc về thằng con trai xin của người ta kia. Ôi, mà chắc gì thằng bé chịu chăm chút mộ phần, chịu giỗ chạp cho người cha nó chưa bao giờ biết mặt biết mũi. Không khéo tổ cá treo miệng mèo, mèo ăn xong chuồn thẳng. Ông xem tôi nói có đúng không?
Tôi ậm ừ cho qua chuyện rồi định cáo lui thì cô dâu lão về. Cô tên Huyền, làm đâu bên bảo hiểm, bốn mươi tuổi nhưng trông vẫn còn xinh xắn, trẻ trung lắm. Thằng con trai độc đinh của lão, chồng Huyền, sau khi đi học nước ngoài ở luôn bên ấy, nghe nói đã có cô vợ đầm mắt xanh mũi lỏ. Chuyện của nhà lão ối thứ tréo ngoe, cả lão và cô con dâu cũng vậy, thế mà hai bố con lại hợp tính nhau, ở chung nhà từ bấy đến giờ không chuyện gì xích mích. Hai vợ chồng Huyền ở với nhau mấy năm mà không con cái gì, hình như cái máy đẻ của Huyền tắc tị nên anh chồng chán, sau mấy chuyến từ nước ngoài về thăm rồi ở hẳn bên ấy. Đó là lão kể vậy, lại còn bảo cây độc không trái gái độc không con nhưng hễ mỗi khi có ai hỏi về đường con cháu lão lại lảng sang chuyện khác, xem như phận nó thế, không có con có cháu lại càng khỏe chứ sao.
Cô dâu lão vào trong một lát thay quần áo ra chào tôi. Cô mặc bộ đồ lửng trong nhà, nước da trắng bó, da thịt lồ lộ. Lại thêm cái áo ngực dây nhợ lòng thòng cứ như khoe hết thân thể ra trước mắt. Tôi vờ cúi mặt xuống uống nước cho đỡ ngượng vừa như vô tình nhìn lên cô, hỏi:
- Cháu lúc nầy trông trẻ nhỉ! Dạo nầy sống ra sao? Nghe nói làm bên bảo hiểm các cháu lương cao lắm thì phải?
Huyền nhanh nhẩu:
- Cũng tạm ổn bác ạ, có điều nhà vắng người, buồn lắm. Chỉ có hai bố con mà bố cũng ít khi ở nhà. Cháu đang tính xin đứa con về nuôi mà bố lại không cho. Bố cứ bảo trước sau gì chồng cháu cũng quay về với cháu. Cháu đợi ba năm rồi, không biết đến bao giờ nữa ...
Hóa ra ông bạn già của tôi cũng đang lấn cấn vấn đề xin con xin cháu đặng có người nối dõi. Biết thế nhưng tôi giả bộ tảng lờ, quay sang lão Thuần:
- Thế ông không thích có con cháu ẳm bồng, hủ hỉ à? Con nít bây giờ thông minh, nhanh nhẹn, không như đám trẻ ranh chúng mình ngày xưa chỉ biết bò lê bò càng, chăm chăm vú mẹ đâu.
Lão gật gật đầu ra chiều suy nghĩ. Tôi đi guốc trong bụng lão. Nói ra thì sợ con dâu buồn còn không nói thì niềm hy vọng về thằng con ruột đang ở nước ngoài vẫn âm ỉ trong bụng lão hóa ra đi tong, mất sạch. Gì thì gì chính nó chứ không ai khác là hậu duệ của lão, sẽ là người lo cho lão hậu sự, lo cơm lo cá, làm giỗ làm chạp cho lão khi qua đời. Nó phải về để thừa tự căn nhà mặt tiền nầy chứ còn ai, giọt màu đào hơn ao nước lã, không lẽ lão mất lại để lại cho cô con dâu khác họ khác hàng nhí nhởn kia hay thằng bé đi xin nuôi, mượn đẻ nào đó, chết lão cũng không nhắm được mắt.
Đợi cho cô con dâu xin phép vào chuẩn bị làm cơm, lão nói nhỏ vào tai tôi lúc tiễn khác, ra chiều bí mật:
- Ở đời nhiều việc không như ý mình, ông à! Tôi đang chờ nếu năm nay thằng con trai không về, chắc phải nói con Huyền xin cho đứa cháu trai thôi...
*
Bẳng đi một dạo khá lâu không gặp lão Thuần, tôi thấy nhớ nhớ. Ngoài mớ triết lý cũ mèm nhai đi nhai lại về phận người chán ngắt, đôi lúc thấy lão cũng tồi tội. Có độc thằng con trai mà chẳng được nhờ lại phải còn nơm nớp lo lắng cho nó. Còn cô con dâu tươi tắn, xinh đẹp nữa chứ! Không khéo ngày nào đó đợi hoài không thấy chồng về, cô xách nón ra đi bỏ lão lại một mình cũng nên.
Tình cờ gặp Huyền trong lúc đi quanh quẩn ở siêu thị, tôi nghe cô ấy dặn:
- Bố cháu nhắc đến bác luôn. Ông ấy dạo nầy không khỏe. Hôm nào rãnh, bác ghé nhà cháu. Bố cháu mong bác lại thăm.
Đi bên cạnh cô là một anh trung niên gần năm mươi ăn mặc chải chuốt, đeo kiếng gọng vàng xem có vẻ trí thức hay làm việc gì đó có chức phận. Huyền giới thiệu:
- Đây là anh Khiêm, giám đốc công ty bảo hiểm của cháu. Hôm nay anh ấy rãnh, nhờ cháu đưa đến đây chọn mua mấy món đồ ...
Rồi như chẳng quan tâm gì đến sự có mặt của tôi, sau câu chào lấy lệ, Huyền nhanh nhẩu kéo anh chàng giám đốc bảnh choẹ vào gian hàng quần áo, huyên thuyên:
- Nầy anh xem! Chiếc áo xanh da trời nầy coi hợp với dáng anh đây. Em mua nó làm quà sinh nhật anh nhé!
Tôi còn lạ gì mức quan hệ của cô dâu ông bạn với tay giám đốc mặt mũi sáng sủa kia khi nhìn cái cách họ cười đùa, nói chuyện thân mật với nhau trên mức tình cảm thế kia. Nghĩ tới ông bạn già, tôi thấy nhói lên trong lòng sự thương hại đầy cảm tính. Trên đường về, tôi ghé nhà lão Thuần vừa tiện thăm lão vừa hỏi xem đứa con trai của lão về nước chưa.
Không ai ra đón tôi cả. Ngôi nhà vắng tênh như chẳng có người bên trong. Giàn hoa giấy đỏ hửng rơi đầy trước sân và mấy chậu cảnh nhà lão cành lá mọc um tùm, cỏ dại lan ra phủ kín lối đi. Chỉ mới mấy tháng từ ngày đến đây nhưng tôi có cảm giác ngôi nhà đã bỏ hoang từ lâu lắm.
Gõ cửa một hồi lâu mới nghe có tiếng dép lẹp kẹp và tiếng ho khục khặc yếu ớt của lão từ trong nhà bước ra mở cửa. Gớm! Mới đây thế mà trông lão hom hem, xuống sức thấy rõ. Hai mắt lờ đờ, tay run run, chân bước đi không vững, phải cầm cây gậy chống dò đường. Nhướng mắt một hồi, lão mới nhận ra tôi. Phải dìu lão ngồi xuống chiếc bàn con, tự tay tôi pha nước, châm trà và rót ra uống trong tiếng thở mệt nhọc, đứt quãng của lão.
- Ông bệnh à! Tôi hỏi sau khi lão đã bớt phì phào.
Lão trả lời, hươ hươ hai cánh tay khẳng khiu ra phía trước, khóe miệng giật giật:
- Ừ , ừ! Tôi ngã bệnh mấy tuần nay, không ăn uống gì được cả! Con Huyền lại bận việc cơ quan, đi làm suốt. Sáng nay nó cũng bảo bận họp, không về ăn cơm. Chẳng ai nấu nướng, tôi phải nhờ bên hàng xóm . .. Ôi , cái tuổi già ...Đời tôi sao khổ thế không biết ...
Lần đầu tiên quen biết, tôi nghe lão rền rĩ. Chẳng bù với hôm trước, mới đây thôi, lão còn hào hứng kể tôi cái triết lý vô ưu của kiếp người. Hóa ra, ai cũng biết kiếp người nhiều đắng cay, chua xót, ai cũng nói mạnh miệng rằng không sợ gì cái chết và nếu cần thì sẵn sàng nằm xuống để thoát khỏi cái kiếp tạm nặng nợ, đa đoan ấy nhưng rồi đến phiên mình thì lại tiếc cho cuộc sống, mong cuộc đời cứ dài ra, dài ra mãi rồi đau đớn khổ cực gì cũng cam chịu.
Tôi ngần ngừ một lúc rồi hỏi lão:
- Thằng con trai lão về chưa? Lão bệnh nặng thế nầy, điện cho nó về đi chứ! Không khéo ...
Như chạm vào nỗi đau nào đó, lão giật nẩy mình nhìn tôi, mắt ngân ngấn nước :
- Ừ ừ! Tôi có điện nhiều lần nhưng nó bảo không về được vì bận mở thêm cơ sở mới làm ăn gì ở bên đó. Nó chỉ gửi tiền về cho tôi ... Mà ông tính, tôi có thiếu thốn gì đâu ... Cái tôi cần là nó cơ mà ... Chao ôi! Rồi ai thừa tự căn nhà nầy chứ? Ai lo hậu sự cho tôi? Ông còn cách nào giúp tôi không, ông bạn ... Tôi giờ lú lẩn cả rồi ...
Sực nhớ lại câu chuyện của Huyền kể nghe hôm trước về việc xin đứa con nuôi, tôi dọ lão :
- Thế còn thằng cháu mà con dâu ông tính xin về, ông có ý gì chưa? Thôi, hay ông đồng ý quách phương án ấy đi . Dù sao cũng có người thừa kế, lo lắng việc hậu sự sau nầy cho ông chứ ! Lọt sàng xuống nia, việc gì ông sợ ...
Đang ngồi im, lão giật mình, nẩy lên:
- Không, không được! Việc nầy tôi đã nghĩ kỹ rồi. Không giao cho bất cứ ai tài sản nầy, ngôi nhà nầy nếu người đó không phải là con tôi, cháu ruột tôi. Còn con Huyền! Tôi đã làm di chúc đưa ra chính quyền ký xác nhận. Chỉ giao nó số tiền thằng con gửi về cho tôi dưỡng già và cái sổ tiết kiệm tôi dành dụm được từ chục năm nay gọi là trả công nó chăm sóc. Ông thấy thế nào?
Tôi muốn nhắc lại cho lão nhớ cái triết lý có lần lão kể cho tôi nhưng ngại lão buồn, nên thôi. Đời người rồi ai cũng xuống lổ, khi chết đi đến hạt nút áo người ta còn lắc lại. Thì có gì đâu mà tiếc, mà áy náy, suy nghĩ chi cho mệt. Chính lão nói mà lại còn tiếc, còn vướng vít của cải nặng nợ nầy là cớ làm sao?
Có tiếng gõ cửa. Người hàng xóm bê thức ăn vào. Lão đưa tay đỡ, run run nói lời cám ơn, mời tôi cùng ăn nhưng tôi từ chối, lấy cớ có việc phải ra về. Tội nghiệp lão. Cuối cùng rồi cũng chỉ còn một mình, không ai thân thích chăm sóc bên cạnh lúc gần đất xa trời. Nói lão đừng buồn chứ cuộc sống phù hư nầy dù sao cũng quý giá lắm, ai muốn nằm xuống ba thước đất đâu, ngay lão cũng vậy.
*
Chỉ vài tuần sau đó, tôi nghe tin lão qua đời. Cuối cùng thì lão Thuần cũng ra đi, tuy không được thanh thản, hài lòng trước khi nhắm mắt. Đám tang lão không như ông Manh, không kèn không trống, ít nhang đèn, không vòng hoa nào phúng điếu. Chỉ mấy đám bạn già chúng tôi có mặt, thưa thớt người đến viếng. Cô Huyền, con dâu lão cùng anh chàng giám đốc bảo hiểm cũng đến một lát, đưa quan tài lão ra nghĩa trang rồi biến. Đứa con trai lão nghe nói bận tíu tít cũng không về. Thành ra, khi đưa bài vị, người ta phải nhờ người bà con xa của lão cầm đi trước mấy tay đô tùy trong hội chữ thập đỏ phường đến lo hậu sự.
Lão làm di chúc dặn lại như những điều kể với tôi. Ngôi nhà trong lúc chờ đứa con trai về làm thủ tục giao nhận, phường trưng dụng làm trạm y tế. Cô Huyền nghe đâu mấy tháng sau có chồng mới bỏ đi biệt xứ không biết. Ngôi nhà cũ vắng lặng cỏ mọc lút chân người, tường loang lổ rêu xanh và cánh cổng rào sắt bụi bám han rỉ đã bị đám đồng nát lấy đi mất hồi nào.
Mỗi khi có dịp ngang qua đấy, tôi lại thấy ngậm ngùi cho kiếp người nhiều nuối tiếc. Vẳng bên tai tôi là câu nói hào hứng của lão Thuần khi còn sống: Đời người ai cũng xuống lổ, chẳng mang theo được thứ gì, việc quái gì phải tiếc. Đến hàng nút áo người ta còn lắc tiệt ..../.