Rặng dừa lúc nhúc nối đuôi nhau trái lúc lỉu soi bóng xuống dòng kinh lưa thưa bông lục bình tím. Má Chín âu yếm nhìn người trung niên vận xà lỏn đang miệt mài chẻ tàu dừa. Bên trong chái nhà một hàng sáu tấm ảnh thau tháu giống nhau. Tấm ảnh ông già có cặp mắc xếch ở giữa nhìn thẳng ra dòng kinh phía trước. Năm anh con trai còn lại dáng vẻ hiền từ hơn, ai cũng nhìn ra dòng kinh, nơi người đàn ông đang miệt mại chẻ tàu dừa. Người đàn ông chợt dừng tay, ngơ ngác quệt mồ hôi nhìn vào chái nhà như nghe ngóng điều gì. Bà má ngồi im lặng. Đám lục bình hờ hững trôi trong dòng kinh. Vệt mắt đục của má hơi nhíu lại. Người trung niên đang chẻ dừa cười hiền, ngu ngơ không giống mấy người trong tấm ảnh, không sinh động, không đậm đặc nhựa sống như mấy tấm ảnh chân dung. Lông mày thưa và nhỏ lộ ra cặp mắt trẻ con ngây thơ, ngơ ngác. Bà má nhìn vào cặp mắt ấy một lát chợt chấm chấm lên mắt của mình. Rồi má chầm chậm bưng ra một nắm hương hí hoáy đốt, cắm lên trước mỗi tấm ảnh. Khói ở ban thờ đùn lên sinh động, lên cao khói nhạt dần rồi lẫn hút vào nền trời xanh. Má ngồi xuống nhìn ra dòng kinh phía trước...
*
... Bên kia sông, khói vẫn nhả ra đều đặn. Từ bên này bà lão đã cảm thấy điều ấy. Khói này là khói rút lửa, khói rút lửa của con dâu bà chậm và nhuyễn lắm. Hương đất nung từ cái lò gốm của con dâu bà phảng phất đẩy sang bên này sông.
Trên dòng sông bảng lảng hơi sương lững thững một con đò. Đò không có khách. Ông cụ chèo đò ngang lọc xọc rít thuốc lào, xỉ cặn thuốc xuống lòng sông, chậm rãi phà khói nhìn bà lão đang lần xuống bến lên tiếng.
- Cụ Vạn đã về đấy à?
- Vâng, không quen ở thành phố ông ạ.
- Cụ xuống đi rồi ta sang sông.
- Ấy chết. Đã làm gì có khách?
Ông lão lục xục đứng lên, sửa lại mái chèo, Tấm ván bắc ngếch vào bờ thanh mảnh uốn xuống bập bềnh. Ông lão nhìn trời bảo:
- Hôm nay mồng năm, ngày thuỷ chắc chẳng ai qua sông buổi sớm. Mà bây giờ, họ hay đi mạn Cầu Đen.
- Ừ, thành ra tôi không biết. Thế ông đợi ai?
- Tôi ư? Tôi tính thế nào cụ cũng qua sông về làm giỗ thằng Bình, tôi sang...
Bà lão xuống đò im lặng nhìn dòng sông. Dòng sông gần như không chảy. Ông lão nhanh nhẹn rút tấm ván, con sào tay khẽ cắm xuống nước cong cong xô mũi đò. Gác sào, mái chèo của ông lão chém nước gọn gàng, đều đặn. Nước ăn mạn đò lóc bóc, rì rào, rì rào. Bà lão giở cơi trầu ra, hí hoáy giã vừa bảo:
- Hôm nó qua sông, cũng mồng năm ông nhỉ?
- Vâng, vẫn con đò này cụ ạ. Nó bảo bao giờ về thì sẽ xây lò mới...
- Lò mới ư... đã ngần ấy năm... mẹ con tôi vẫn gạn lửa lò đợi... Đến khổ...
Đò chạm cát lạo xạo. Ông già thuần thục bắc tấm ván. Bà lão thong thả gói ghém cơi trầu. Bà lão bảo:
- Trưa cụ gác chèo, lên xơi rượu với nhà cháu.
Ông lão rút ván, cắm sào mơ màng nhìn sang bên kia sông.
- Vâng, thể nào tôi cũng đến.
Dòng sông im lìm. Bà lão lúi húi bước về phía làng. Ông lão chèo đò lọc xọc giở gói thuốc lào ra...
*
... Đống củi dừa lừng lững cao dần. Người trung niên huơ dao chém phập một trái dừa xanh ghé miệng tu òng ọc. Nước dừa trộn lẫn mồ hôi thi nhau chảy ướt đẫm mặt mũi, mình mẩy. Khuôn mặt trẻ thơ của người đàn ông tự nhiên ngơ ngác cười. Rũ rũ mái tóc bờm xờm rủ xuống đẫm mồ hôi, người đàn ông đứng lên đi vào chái nhà. Tiếng bà má vọng ra âu yếm “Nghỉ thôi Bảy à. Xuống kinh tắm chiều má dẫn đi khám”. Không thấy tiếng trả lời. (Thường chẳng mấy khi Bảy trả lời. Không trả lời là Bảy đã đồng ý). Không đồng ý chỉ nói “không” rồi ngồi im một góc. Nếu nói chiều đến với mấy anh bên huyện đội là nó không đi, vào biệt vườn dừa luôn, chỉ con Út mới dỗ về được. Ở với Bảy đã lâu má Chín chỉ nghe quẩn quanh mấy câu “không biết”, “không”, “đau đầu lắm”, “không nhớ”, “chèo đò”, “bồ đề”, “bệnh viện”, “xung phong”, “thứ bảy”... lí nhí, gượng gạo, ngơ ngác đầy thương cảm. Mấy lần các anh huyện đội xuống hỏi má phải bảo “Thôi, bay để tao coi. Mai mốt rồi tính”. Mai mốt rồi tính mà đã ngần ấy năm, kể có nó cũng ấm nhà ấm cửa. Phải tội, nhìn cái cười trẻ con ngô nghê không ai nỡ hỏi dồn. Hỏi, chỉ cười ngơ ngác nói ngọng nghịu “không biết” rồi im lặng. Im lặng là không muốn ai hỏi gì, mắt cụp xuống. Hỏi nữa là bỏ đi vào miệt dừa trong kinh, chỉ con Út mới dỗ về được.
*
... Ông già cột đò dưới tán cây gạo cụt ngọn thong thả bước vào làng. Năm thằng Bình đi là năm lũ mạn ngược dồn về ngập bãi. Trời mưa to. Cây gạo bến đò bị sét đánh cụt ngọn chảy mãi nhựa đỏ. Trên đò Bình luyên thuyên “Chú Sáu à. Tìm ra men mới rồi. Mấy năm, cháu về xây lò kiểu khác”. “Ờ, Bình này, sao không xin hoãn, con còn nhỏ thế”. “Dạ”. Người thanh niên nhìn hun hút ra dòng sông cuồn cuộn chảy. “Chú Sáu, thanh niên làng đi hết, chẳng nhẽ mình... Đợt này bọn cháu vào thẳng Cực Nam, sang đất bạn, biết đâu lại luyện được thêm nghề”. “Ừ, làm trai còn giặc phải đi thôi. Chỉ tiếc chúng mày đi hết, ở nhà toàn đàn bà, trẻ con, nghề tổ sợ rồi mai một...”. “Lo gì, nhà cháu sáng dạ lắm, con cụ Đồ mà”. Bình nói, mắt dõi nhìn xuống dòng nước...
Lên bờ, Bình nắm tay ông Sáu chỉ vạt dâu trít đặc phù sa đỏ quánh vỗ bồm bộp vào chiếc ba lô. “Hẹn chú năm năm, cháu về sẽ có ngay hàng men mới, đặc sắc không lẫn với ai. Đây! Cháu mang theo tranh thủ hoàn thiện lý thuyết”. Rồi Bình đi. Cái bóng mảnh khảnh lẫn vào ngàn dâu. Người lái đò dụi mắt. Thoáng cái hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi năm, con nó đã vào đại học. Bà Vạn tóc không còn một sợi đen nào. Vợ nó, người con gái nết na nhất ở cái làng này ai bảo đã gần năm mươi, ai bảo cũng cứ ở vậy từ năm hai mươi tuổi.
Hàng cau thẳng như mọc ra đã tình nguyện làm đội ngũ ở cái ngõ này. Ngày cô Vạn mẹ chồng Bưởi về làm dâu lác lúc bộ đội tiếp quản Thủ đô, tiếp quản các miền đồng bằng rộng lớn. Người chiến sĩ Điện Biên về cưới cô gái đồng chiêm, trồng một hàng cau dài dặc trong vườn, tràn cả ra đầu xóm. Cau lớn lên, người ra đi biền biệt. Họ sống với nhau vẻn vẹn được bốn tuần cả cưới hỏi, cả làm quen. Hôm lên đường ông Vạn bảo “Mình cố giữ lửa cho cái lò gia truyền. Mai mốt tôi về truyền nghề cho con cháu”. Mụn con trai của họ lớn lên trong sự đùm bọc của làng nghề ven sông. Giữa cuộc chiến tranh bà Vạn nhận được tin dữ. Chồng hy sinh. Suốt một tháng ròng bà ở biệt trong khu lò nung. Tâm nguyện của ông là tìm ra một loại men riêng biệt theo lối cổ tưởng thất truyền ngờ đâu cái lửa nhở tiếc chồng của người vợ trẻ đã tạo tác ra được. Từ ấy, lò gốm men của bà Vạn dần dà có tiếng ở cái làng ven sông này. Mỗi khi thả lửa, một mùi hương đất nung đặc biệt, không lẫn với ai. Rồi cậu bé Bình lớn lên, cũng say nghề tổ, dầm đất dầm cát suốt ngày. Hàng làm ra không kịp bán, thường là các anh văn phòng thành phố bên kia sông đặt mua từ trước, chắc là để biếu vì thấy gói ghém cẩn thận lịch sự lắm. Bình lớn lên rồi cưới vợ. Không hiểu trời xui thế nào dạo mới cưới cũng trồng hai hàng cau mãi xuống tận bến xông. Rồi Bình đi biệt ngần ấy năm không tin tức. Bây giờ, mỗi lúc nhìn hai hàng cau cụ Vạn như có cái gì thắt chặn nghẹn đắng ở trong lòng. Vợ Bình, cô Bưởi như chỉ có biết lò men, tất cả vì nó. Sản phẩm làm ra vẫn bán không hết, vẫn chủ yếu các anh trên văn phòng thành phố bên kia sông đặt mua...
*
... Đến khi Út chống xuồng vào phía sâu trong kinh mới thấy tiếng làm đất đúng là của người đàn ông. Trời đất! Cả một khoảng rộng bày bừa những bùn đất lem nhem. Người đàn ông lẫn hút vào trong đám bùn đất mê mệt nhào trộn không để ý gì tới xung quanh. Út kinh ngạc nhìn kỹ nơi gốc dừa, mấy chiếc bình đất tuyệt đẹp xếp ngay ngắn trên tấm phản. Út nhào đến “Anh nè, đẹp quá a”. Người đàn ông ngẩng lên, ngơ ngác cười. Khi thấy Út, anh hơi khựng lại, hay tay dang ra như che cho mấy cái bình đất. “Út à, tôi không về đâu. Tôi nhớ ra rồi. Út và má cho tôi xây lò đi, đất ở đây thuần lửa lắm”.
Út giật mình, đã mười mấy năm, đây là lần đầu tiên Út thấy người bệnh ở nhà mình tỉnh táo với một giọng khúc triết như vậy. Cô sà xuống bên anh và tự nhiên lùa hai bàn tay vào quả đất mềm như bánh ú quê cô mà người đàn ông đang nhào lặn. Vị đất lạnh thấm vào tay, lâng lâng, rười rượi. “Anh nè, xưa làm nghề này he?”. Cái đầu bù xù gật gật, người đàn ông ngây ra trước đôi bàn tay Út. “Đất ở đây giống đất sông Cái quê tôi mà. Làm được nhiều thứ lắm, có cả vân men lửa nữa này”. Người đàn ông nói mê man. Mọi liên hệ về anh chợt ùa về trong Út. Phải, cô sẽ đánh thức người đàn ông bằng chính đất cát quê mình. Hình ảnh người đàn ông đeo chiếc ba lô thủng lỗ chỗ dạt vào nhà cô mười mấy năm trước lần lượt hiện về. Các anh ở huyện bảo anh là thương binh ở viện tâm thần dã chiến. Không giấy tờ ngoài cái tên nguệch ngoạc không đọc được khắc ở cổ tay. Hỏi chỉ lắc đầu, thỉnh thoảng mới ú ớ mấy câu vô nghĩa “không biết”, “không”, “đau đầu lắm”, “chèo đò”, “bồ đề”... Má Chín nhận anh về nuôi. Mỗi lần nhìn những bức hình thau tháu trên tường má lại thở dài. Người đàn ông có từ hồi Út nhỏ xíu, vậy mà giờ Út đã là chủ tịch Hội phụ nữ ấp được mấy năm...
*
... Từ hàng cau dưới sông bước lên một thiếu nữ, một cô Tấm đương thì gọn gàng, căng mẩy có mái tóc dài tuyệt đẹp. Cô gái đi như trôi về phía lò gốm, miệng líu lo hát một đoạn nhạc, thỉnh thoảng mắt lại ánh lên tinh nghịch nhìn về phía làn khói toả từ lò mỏng mảnh. Cô đã thấy từ bên kia sông một mùi hương đặc biệt chỉ có riêng ở lò gốm nhà cô. Cô gái chạy ào vào khoảng sân nhỏ, xăm xắm bước ra phía lò, cất tiếng gọi “Mẹ ơi! Có tin vui này”.
Phía trong lò, người đàn bà như từ lửa gốm bước ra, đẹp lạ kỳ, tấm thân thon lẳn đượm mồ hôi, quần áo bám khít càng tôn nên sự khoẻ khoắn của người phụ nữ quen với lao động thổ mộc. Và ánh mắt, ánh mắt như biết nói của người đàn bà không lẫn với bất cứ một ai khác, chị mắng yêu con “Cha cô, sao không để sang tháng hãy về. Chắc lại nhí nhắng gì rồi phải không”. “Ôi mẹ ơi, mình đẹp thế này thì chỉ yêu mình thôi”. “Có buông ra không, con nỡm”. Xoan như được thể, càng ôm chặt mẹ, thơm chùn chụt lên má mẹ rồi bất ngờ rúc đầu vào khoảng giữa hai bầu ngực ấm nóng căng đầy của mẹ. Chị Bưởi mặt đỏ lựng lên, đẩy vội con gái ra, đưa tay vấn lại búi tóc đã bị cô con gái làm xổ tung. “Thôi nào, có việc gì nói đi. Chắc lại là xin tiền chứ gì”. “Mẹ thì. Đây...”. Xoan chợt trở lên nghiêm túc. “Mẹ ơi! Mẹ phải khao con. Đây là giấy mời của Hiệp hội gốm sứ cổ truyền, có cả các đối tác bạn”. “Ôi dào” Người đàn bà thở dài. “Mẹ đã bảo con thế nào. Mình vui nghề ở khúc sông quê này là được rồi. Bon chen làm gì, khổ lắm”. “Ôi mẹ tôi - Xoan trêu chọc. Bà khốt ơi! Mẹ phải đi, đây là cơ hội đấy. Con không chịu để mẹ ở mãi khúc sông này đâu. Mẹ còn đẹp lắm”. Người đàn bà chợt trở lên im lặng nhìn cô con gái. Rồi họ cùng nhìn ra khúc sông theo vệt mấy hàng cau...
*
... Tiếng lửa reo kéo Út xích lại gần người đàn ông. Người đàn ông nhìn mê man vào những cái lưỡi lửa liếm lem lém ở đáy lò. Rồi ông đứng lên, thoăn thoắt chụm mấy tấm ván che bớt gió. Lửa dẻo và đượm hơn, ngai ngái, khen khét thoảng ra, rồi đặc dần, ngấm dần ra một vùng sực nức. Người đàn ông bần thần nhìn lửa. Út bần thần nhìn người đàn ông. Ở trong họ như có một luồng khí sinh sôi luân chuyển mà cầu nối là ngọn lửa vun vút kia. Hôm Út về kể với má Chín, má biểu cứ kệ ảnh, lại còn nhắc Út mua đồ nghề than củi cho người đàn ông. Cái lò hình tháp chuông lần lần hiện ra dưới đôi bàn tay như có mắt của người đàn ông. Đôi bàn tay sần sùi thô rám thế có ai ngờ lại sản sinh ra vô vàn mẫu bình, chuông, be, nậm... sinh động, tràn trề nhựa sống. Từ hôm người đàn ông ở diệt trong vườn làm đất, Út thấy thiêu thiếu một cái gì. Rồi má giục cô năng vào với anh hơn. Người đàn ông mê man với đất. Dạo này được nắng, những đồ đất vàng xuộm, nằm ngổn ngang một thế giới nhỏ dưới bàn tay người đàn ông ngày một đa sắc, đa thanh. Mê mải ngắm lửa nghĩ đâu đâu, người đàn ông đến sát bên Út từ lúc nào, thì thầm: “Lửa đẹp quá kìa Út”. Út thốt rùng mình, rồi cô trấn tĩnh “Bao giờ ra ràng, anh cho Út mấy cái bình men lửa nghen”. “Ừ, ra ràng cho Út hết, cho má và bà con lối xóm”. “Thiệt không”. “Thiệt chớ sao không”. Út bỗng chạm vào vai người đàn ông. Ở trong ấy có một bầu lửa đang chuyển động dữ dội như lò lửa đang cháy. Như sự tự nhiên của đất trời, hai cặp môi họ tự tìm đến nhau. Im lặng. Lửa lò bên dòng kinh giần giật cháy thoảng thoảng một mùi hương kỳ lạ. Hương đất nung. Người đàn ông khẽ nhổm ra hít hà hương vị đất đang độ ăn lửa. Rồi người đàn ông nhìn Út, nhìn vào những lưỡi lửa, mắt rân rấn, xa xăm...
*
... Mấy hôm nay, cụ Vạn ốm nặng. Hàng cau trước nhà không gió im lặng buông những chùm quả như những chấm xanh giữa lưng chừng trời. Chị Bưởi tất bật đi vào đi ra, đôi lúc ngồi lặng phắc nhìn những hàng cau sai lúc lỉu, rồi chị nhìn vào cơi trầu đã khô vôi phía cuối giường cụ Vạn. Cụ Vạn không ăn uống gì, người cứ thế sút dần đi. Có hôm cụ nói mê, miệng lảm nhảm “Bình ơi! Bình về kìa con Bưởi...” Hôm ông cụ Sáu chèo đò đến, giục Bưởi dỡ lò ông bảo: “Cha tiên nhân nhà chị, là bệnh già rồi ai chả phải chết. Phải biết sống với người sống chứ. Con Xoan rồi nó khá đấy chị Bưởi ạ”. Bưởi im lặng dỡ gốm ở lò ra. Mẻ này tự nhiên gốm đẹp rực lên, được mấy cái bình men lửa chín nục, gõ có tiếng đồng ngân nga sang. Ông lái đò bảo đã mấy mươi năm nay mới được nghe tiếng ngân nga của loại bình quý này. Ngày trước bình gốm có tiếng ngân thế này chỉ để tiến vua, các nghệ nhân có kỳ duyên mới luyện được. Chị Bưởi khẽ thưa với cụ “Con không đi hội chợ bá ạ. Được mấy cái biếu chòm xóm, còn thì để thờ tự, đợi anh ấy, biết đâu”. Đúng lúc ấy cụ Vạn nhỏm dậy gọi Bưởi vào, giọng tỉnh táo “Con không đi thì cho con Xoan nó đi. Đất cát quê mình linh lắm. Cũng để cho người đời biết”. “Dạ”. “Mà này, thằng Bình còn sống đấy, nó sắp về”. Bưởi đỡ mẹ chồng nằm xuống. Rồi cứ thế cụ Vạn đi. Đám ma như ngày hội. Cụ thọ nhất làng, sít soát trăm tuổi. Hôm đưa ma, ông lái đò phải chở mấy chuyến mới hết người từ bên kia sông sang viếng, nhiều vị chức sắc nghe tiếng lò gốm cũng đến. Đám ma bà, Xoan kéo mấy người bạn ở cơ quan về. Bạn Xoan mân mê từng sản vật dỡ từ lò gốm suýt xoa. Xoan xin phép mẹ lựa sản phẩm đi hội chợ. Chị Bưởi im lặng một lúc rồi dặn con “Con đi lấy đức khiêm tốn làm trọng. Phải biết tôn trọng các bạn nghề. Đất nào cũng là đất tổ”. Hôm đi dự hội chợ, ông lái đò dành hẳn một chuyến chở Xoan và bạn bè cùng những bình đất nung qua sông...
*
... Xoan đi hơn mười ngày. Hội chợ mở ở một thành phố mãi tít phương Nam. Hôm ở hội chợ mọi người dồn vào gian hàng của cô gái xứ Bắc Hà, ai cũng tấm tắc, nắc nỏm khen. Xoan đi thăm các gian hàng bạn, có một gian cô dừng lại lâu nhất, gian hàng của một chị người xứ Dừa. Xoan mân mê những chiếc bình gốm rất giống mấy chiếc bình mà mẹ kiên quyết không cho đem đi. Đứng sau những bình men lửa ấy là một người đàn ông dáng dấp phong thái như đã thoát khỏi sự ồn ã của hội chợ. Xoan gỡ một chiếc bình gốm cầm lên tay và gõ thử. Tiếng ngân nga của nó hệt tiếng những chiếc bình đặc sắc của mẹ cô. Xoan mê mẩn đến mụ mị bên mấy chiếc bình gốm. Bỗng người đàn ông hỏi “Cháu thích nó à”. Xoan giật mình trở về thực tại “Dạ, vâng. À... nhà cháu cũng có”. Người đàn ông nhìn theo tà áo dài của cô gái. Rồi như có người dẫn, ông đi về phía gian hàng của cô. Ông đến nơi, mê mẩn ngắm từng chiếc bình gốm xứ Bắc Hà rồi thận trọng nhấc một chiếc có màu men lửa lên gõ. Tiếng đồng ngân nga nối nhau gõ vào tiềm thức của người đàn ông. Từng giọt nước mắt của người đàn ông rơi ra ngấm vào sắc gốm. Xoan im lặng nhìn người đàn ông, cô biết đây chắc chắn phải là một nghệ nhân sành nghề lắm. Rồi Xoan hỏi, thoang thoảng như tâm sự với mẹ mình “Bác thích tiếng ngân nga của nó lắm phải không”. Người đàn ông bừng thức ngượng ngập quệt nước mắt, xúc động nói “Ta biết cháu ở đâu rồi. Chiều nay ta sẽ kể cho cháu biết về tiếng ngân đồng từ cái bình của ta và cháu”. Rồi người đàn ông bước về phía gian hàng của mình. Khách của hội chợ sững lại, quây tròn câu chuyện của hai người ngơ ngác nhìn nhau...
*
Xoan đã kể xong diễn biến của chuyến đi với mẹ. Càng nghe chị Bưởi càng run lên. Dáng điệu của người đàn ông cầm cái bình men lửa gõ thử sao mà giống... “Con có hẹn với ông ta à?”. “Vâng, bác ấy bảo tháng sau mở hội chợ ngoài này sẽ ra. Bác cùng đoạt giải với nhà mình”. “Thế ông ấy đi một mình chứ?. “Không, còn một người đàn bà bữa”. “Giọng ông ta thế nào?”. “Lúc Nam, lúc Bắc mẹ ạ. Bác ấy nghe tiếng ngân của gốm lạ lắm, lại còn khóc nữa”...
Chị Bưởi như không nghe thấy Xoan nói gì nữa. Chị lặng người nhìn hàng cau phía bờ sông nắng sớm đang ríu rít reo cùng mấy tổ chim non.../.