Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.268
123.156.452
 
Vài suy nghĩ về sự nghiệp giáo dục nhân mùa thi về
Đông La

Có dạo cả nước thường rùng mình trước kết quả kỳ thi vào đại học. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT ở một kỳ thi, trong số 898.166 thí sinh thi vào 97 trường theo đề thi chung của Bộ ở 4 khối thi A, B, C, D chỉ có 161.615 em đạt điểm từ 15 trở lên (17,99%); gần 300.000 (1/3) em có điểm 3 bài thi từ 6 trở xuống; số thí sinh đạt điểm 0 cả ba môn thi có 6.233!

 

Có năm (2005) để tránh sự rùng mình của dư luận trước kết quả thi thấp của năm trước (2004), Bộ Giáo dục đã tăng “chất lượng” học sinh bằng cách hạ độ khó bài thi, kết quả điểm thi lập tức tăng lên, nhưng lại có điều kỳ kỳ xảy ra là, có quá nhiều em đạt điểm 30, khiến người ta lại phải đặt câu hỏi: một đề thi quá dễ liệu có còn tính chất tuyển lựa không?  Thế rồi, để tránh cái điều “kỳ kỳ” ấy, Bộ lại tăng độ khó bài thi lên một chút, kết quả lại giảm, và dư luận lại rùng mình. Riêng về môn văn, mọi người lại được phen cười ra nước mắt trước đủ kiểu bài làm kỳ lạ “thừa giấy làm chi chả vẽ voi”. Ngay bài văn được điểm 10 cũng lại coppy mẫu. Nếu là giám khảo tôi cũng sẽ cho em điểm cao, nhưng với con mắt nhà phê bình xét về sự sáng tạo, em chỉ được 0 điểm. Sự gian dối để có thành tích trong giáo dục, khi bị phanh phui, ai cũng thấy là quái dị, nhưng tránh được gian dối, người ta lại thật e ngại khi phải đối mặt với sự thật cay đắng: chất lượng giáo dục của nước ta quá kém! Nhưng có lẽ nào người ta lại có thể giải bài toán chất lượng một cách đơn giản chỉ bằng việc tăng hoặc giảm độ khó đề thi để đối phó với dư luận?

 

Một vấn nạn gây bức xúc khác là chuyện học thêm, luyện thi kỳ lạ ở nước ta mà mọi người đều biết. Trước đây người ta nghĩ có chuyện này là do các trường tự tuyển sinh, thầy vừa ra đề vừa luyện thi; đề lại ra cực khó, em nào không luyện không thể đậu, nên đã xảy ra tình trạng học sinh thì trúng tủ, thầy thì trúng mánh. Bộ đã đề ra biện pháp thi chung đề, nhưng chỉ loại được chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” còn chuyện học thêm và luyện thi thì không thể. Người ta lại nghĩ hay là do quá tải nên đã cắt bớt chương trình. Nhưng chương trình cắt rồi mà chuyện luyện thi vẫn không cắt được. Bài toán đến nay vẫn chưa có lời giải.

 

Chuyện sử dụng “phao”, sử dụng các thiết bị tinh vi để quay cóp cũng là một vấn nạn. Người ta đã đề ra đủ loại quy chế thi cử, tăng cường mọi biện pháp giám sát vẫn không ngăn chặn được. Một bài toán nữa cũng chưa có lời giải.

 

Tất cả những vấn nạn trên đã vẽ ra thực trạng nền giáo dục của chúng ta: nặng nề, cồng kềnh, tốn kém nhưng lại kém hiệu quả; chúng chỉ ra cho mọi người thấy cái nghịch lý: con cháu chúng ta mang “gen Việt” thông minh (giải quốc tế, du học sinh, con em Việt kiều học giỏi) nhưng học nhiều hơn lại tiếp thu ít hơn, khả năng vào đời kém hơn so với những nước phát triển. Đây là bài toán lớn nhất mà ngành giáo dục cần phải giải.

 

Theo tôi trước hết cần phải thay đổi tư tưởng cơ bản của nền giáo dục nước ta, đó là cần phải thay đổi phương pháp truyền đạt tri thức và cách đánh giá khả năng của học sinh. Cần phải làm sao cho học sinh học để hiểu biết, thu nhận tri thức chứ không phải học để đối phó với thi cử; cần trao cho các em phương pháp tiếp cận và khám phá tri thức làm cơ sở sau này ra đời vận dụng chứ không phải học thuộc tri thức. Bởi tri thức mênh mông và sản sinh không ngừng, không ai có thể nhồi nhét hết được. Lẽ tự nhiên, nếu học thuộc người ta chỉ có thể thuộc được lượng nhỏ, còn nắm được cách khám phá, người ta sẽ hiểu biết nhiều lần hơn. Giống như trao cho các em cái cần câu, chỉ cách câu, các em sẽ bắt được nhiều cá. Song song với thay đổi cách truyền đạt cần phải thay đổi cách đánh giá. Cần phải ra đề thi sao đó để đánh giá sự hiểu biết, khả năng suy luận, phương pháp giải quyết những vấn đề chứ không phải kiểm tra trí nhớ, khả năng thuộc bài. Làm sao mỗi đề thi như một công trình nhỏ, các em hoàn toàn có thể mang tài liệu vào thực hiện công trình ấy y như sau này các em bước vào đời làm việc vậy. Tại sao người lớn chúng ta cần “phao” khi làm việc, chúng ta không cần phải bỏ sức một cách vô lý để học thuộc những điều mà chỉ cần tra tài liệu và bấm chuột máy tính là có thể biết tất cả. Có người bạn chở con đi thi, đứa con hỏi: “Ba ơi, Xuân Diệu sinh năm nào?”/ “Xuân Diệu sinh năm nào thì kệ ông ấy, con hỏi làm gì?”/ “Ba chả biết gì cả, con đi thi mà không thuộc là rớt đó”. Ngay bản thân tôi cũng từng có đứa con gái thi khối D, khi làm văn xong cháu nói: “Ba ơi con bị tủ đè rồi”/ “Nghĩa là sao?”/ “Học lệch tủ thì bị đè chớ sao, con không học bài “Sóng”/ “Con cứ đọc hiểu kỹ bài thơ rồi tự làm cũng được chớ cần gì phải thuộc”/ “Người ta có in nó ra đâu mà đọc, nhưng con cũng có nhớ và làm được, chỉ sợ không đúng đáp án thôi”. Bình thơ mà cũng có đáp án, thế đấy! Cũng may là cháu giỏi văn và thày chấm cũng đánh giá đúng phần “tự làm” của cháu. Với kiểu ra đề thi đã và đang sử dụng ở ta thường không nhắm vào sự hiểu biết bản chất tri thức mà chủ yếu nhắm vào những kỹ xảo tính toán (với các môn tự nhiên), khả năng học thuộc lòng (với các môn xã hội). Học sinh chỉ cần nhầm ngày sinh tác giả, quên tên một tác phẩm, viết không đúng chiều dài một con sông, quên ngày giờ một trận đánh, không thuộc một công thức tính toán… là không có điểm. Trong khi cái sự “thuộc” này chỉ là một phần rất nhỏ để đánh giá khả năng của một con người. Trái lại nó lại ngốn số lượng thời gian rất lớn của học trò, khiến cho con cháu chúng ta tuổi hồn nhiên mà tối ngày bù đầu với bài vở. Sự đánh giá khả năng của học sinh bằng sự thuộc bài như vậy là phi lý và phản khoa học nhất của nền giáo dục VN. Nó phi lý bởi chỉ cần tra tài liệu là biết cần gì phải thuộc; nó phản khoa học bởi để giải quyết một vấn đề có hiệu quả cần phải hiểu biết sâu sộng chứ không cần phải thuộc, mà để thuộc tất không thể có thời gian để hiểu biết sâu rộng.

 

Nếu thay đổi được cách dạy và cách thi cử như trên tất cả những vấn nạn về quá tải, về luyện thi, về quay cóp… sẽ tự nhiên biến mất mà không cần một biện pháp tốn kém nào cả; ngược lại với chuyện học nhiều hiểu ít trước đây, học sinh ta sẽ học ít hiểu nhiều, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên. Tất nhiên đây là một việc rất khó, phải biến đổi cả một hệ thống, gần như thay máu cả một nền giáo dục, nên phải có một quá trình, không thể ngày một ngày hai mà đuợc.

 

Đã có nhiều nhà khoa học, học giả phân tích phương pháp phi lý, phản khoa học của nền giáo dục VN.

 

Đó là phương pháp giáo dục thụ động, thầy đọc trò chép, nhồi nhét, học vẹt; đó là mặt tiêu cực của tâm lý Á Đông coi thầy như cha, thầy nói trò phải nghe, thầy dậy gì trò được biết nấy, phương pháp lấy thầy làm trọng tâm … Tất cả đã tiêu diệt khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh. Vậy điều cần thiết là phải làm ngược lại theo phương pháp giáo dục tiên tiến của những nước phát triển. Một tác giả ở Úc cho biết phương pháp của họ là lấy trò làm trọng tâm (learner based approach). Khi học, trò tự do thảo luận với sự hỗ trợ tối đa của thầy. Một du học sinh ở Anh cho biết trước khi đến Anh: “Trước một sự kiện, phản xạ tự nhiên của tôi là What, Who và cũng chỉ dừng ở đó. Nhưng với người Anh thì khác. Tiếp ngay sau What? Who? sẽ là Why? Đối với họ, câu hỏi Ai? Cái gì? rất quan trọng, nhưng câu hỏi Tại sao? còn quan trọng hơn nhiều. Câu hỏi Tại sao dẫn ta đến nguyên nhân, bài học mà nhờ đó lần sau ta sẽ thành công lớn hơn hay tránh được sai lầm đã mắc”. Một giáo viên ở Mỹ cho biết ngay từ bậc tiểu học đã chú trọng đến lối suy nghĩ phân tích (critical thinking), tạo cho các em chủ động. Khi học về số bình quân thì các em tự đi hỏi về chiều cao của bạn học; ăn những viên kẹo sô-cô-la M&M đủ mầu cũng cho các em về khái niệm xác xuất thống kê; để tìm tỷ lệ ô-xy trong không khí thì các em làm ngay thí nghiệm dùng nước, đèn cầy, lọ thủy tinh… rồi tính toán. Một tác giả khác cho biết một em gái 12 tuổi chọn thuyết trình về đề tài “Hồng quân Trung Quốc”. Em đã đến thư viện tìm đọc các sách báo và xem tất cả cuốn băng video nói về hồng quân. Sau mấy tuần lễ miệt mài như thế, em kết luận : “Sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không thống nhất gì cả”. Em muốn gặp và phỏng vấn trực tiếp một chiến sĩ hồng quân thứ thiệt”.

 

Cũng có nhiều ý kiến về sách giáo khoa, cho nội dung SGK vừa nặng lại vừa yếu, đầy tính ''hàn lâm'' nhưng ít tính ứng dụng, thực hành, không hỗ trợ tốt cho học sinh phát triển năng lực sáng tạo. Sự biên soạn sách giáo khoa vô cùng quan trọng. Một cuốn sách được soạn tốt, đọc đến đâu hiểu đến đấy thì việc học nhiều không phải là gánh nặng mà là sự thú vị. Trái lại, một cuốn sách soạn dở, người đọc không hiểu, mà khi đã không hiểu thì dù có học ít bao nhiêu cũng sẽ là quá tải. Sự khó hiểu đối với tri thức không chỉ vì nó cao sâu mà còn vì sự truyền đạt. Một vấn đề hóc búa, có khi ta không hiểu một tí gì khi đọc ở cuốn sách này nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu khi đọc một cuốn sách khác. Vậy việc biên soạn sách giáo khoa cần phải giao cho những người có trình độ cao, có kinh nhiệm giảng dạy, có khả năng diễn đạt mạch lạc, phải hiểu được khả năng tiếp nhận của học sinh; cần chú ý sự giải thích, tránh nói tắt, làm sao học sinh khá trở lên có thể tự hiểu, người thầy chỉ cần hỗ trợ. Cũng giáo viên ở Mỹ đã nhắc ở trên cho biết: “Một cuốn sách giáo khoa ở Hoa Kỳ rất đầy đủ. Sách các môn chính của bậc trung học như Anh ngữ, toán, khoa học thực nghiệm, khoa học xã hội thường dầy trên 500 trang vì ngoài phần giảng giải kiến thức chính, còn phần bài tập, ôn luyện đều có đủ trình độ từ dễ đến khó để học sinh nào muốn học hỏi thêm có thể dùng sách nhà trường cung cấp mà không phải mua thêm sách ở ngoài”. Như vậy giảm tải là giảm sự nhồi nhét, học vẹt, thay đổi phương pháp đánh giá dẫn đến lối học vẹt như thế, chứ không phải là giảm gọn giáo trình. Nếu chỉ cắt gọt một cách cơ học đơn giản là đã chủ động tạo ra những lỗ hổng kiến thức, trong khi sự phát triển của tri thức là một hành trình liên tục. Tôi cũng đã viết, người ta không thể chỉ biết cái cũ mà không biết cái mới,  bởi cái cũ hôm qua là đúng thì hôm nay không còn hoàn toàn đúng nữa; nhưng người ta cũng không thể chỉ biết có cái mới, bởi để hiểu được cái mới người ta cần phải biết cái cũ. Có tác giả cũng chỉ ra sự phi lý không chỉ ở chuyện học vẹt mà còn ở sự lặp lại vô bổ. Các chương trình học cứ lặp lại hoài, như môn sử: lớp 4, lớp 5 học rồi, đến lớp 6, 7, 8, 9 lại học lại và đến lớp 10, 11, 12 học lại lần nữa, lên đại học học tiếp. Sự lặp lại vừa tốn thời gian vừa tạo nhàm chán nên không hiệu quả. Kết quả thi môn sử vào đại học thấp nhất vừa qua là dẫn chứng cụ thể nhất.

 

Và cuối cùng để có trò giỏi không thể không có thầy giỏi. Theo giáo sư Hoàng Tụy cần phải đổi mới các trường sư phạm, ở các nước, chỉ giáo viên mẫu giáo, tiểu học mới cần được đào tạo kỹ về nghiệp vụ sư phạm, còn giáo viên THCS và THPT trở lên thì trước hết phải được đào tạo vững vàng về chuyên môn khoa học rồi mới bổ túc kiến thức và kỹ năng sư phạm. Ông cũng đề nghị cải cách chế độ lương cho giáo viên và có một ý kiến mang tính chiến lược: “Thú thật, tôi chưa hiểu nổi vì sao ta có thể bỏ ra 3-4 trăm triệu đô la cho SEA games để tạo một bứt phá về thể thao mà chưa bao giờ dám chi một khoản tiền ngang như thế để tạo một bứt phá về giáo dục…”./.

 

Đông La
Số lần đọc: 2567
Ngày đăng: 04.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện “ bỏ qua “ Xem Ra Còn…Khó ! - Mang Viên Long
“Đông Chu” – Văn Chương Đồng Nghĩa với Kinh Sứ - Phạm Lưu Vũ
Những đôi mắt - Vũ Trà My
Lang thang chữ nghĩa - Phan Huy Đường
Thong thả sáng chủ nhật - Phạm Toàn
Những hàng cây thị xã - Ngô Kế Tựu
Quà dành tặng các con - Vũ Trọng Quang
Tổ quốc, quê hương, đất nước - Imre Kertész
Kiến nghị làm người - Phan Huy Đường
Tản mạn chuyện thơ : Ai bảo thơ Đường không có Mật ? - Cao Quảng Văn
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)