Bài viết của chị Phạm Thị Thanh Tú ,vợ nhà văn Xuân Sách nhân ngày giổ đầu của anh , VCV đưa lên chậm do thư từ liên lạc ,xin bạn đọc thứ lỗi.
Năm 2008 là năm đau thương của đời tôi…
Đã hơn một năm anh ra đi mà tôi không thể nào chấp nhận được ý nghĩ rằng anh đã không còn trên cõi đời này. Anh đang ở đâu đấy, anh đang đi rong ruổi với bạn bè như mọi lần rồi anh lại về.
Nhưng cái sự thực khắc nghiệt ấy vẫn hàng ngày hiện ra, lúc ấy tôi không thể giữ vững tinh thần được nữa, mà rơi vào tình trạng không trọng lượng, không thân nhiệt, không ý thức…
Nhiều ngày trôi qua như thế, tôi suy sụp và tuyệt vọng.
Hàng đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn thấy anh, khi thì đọc sách, khi gõ máy chữ trên chiếc bàn quen thuộc. Anh hiện ra mờ ảo, hư thực thấp thoáng rồi lại biến mất.
Và một đêm, cũng trong giấc ngủ chập chờn như thế, tôi nghe tiếng anh nói, rất khẽ, bảo tôi hãy vững vàng lên, anh đi xa một chuyến rồi anh lại về thôi mà… Tôi bật dậy, thắp nén nhang, run run nguyện cầu: “Mong anh hãy phù hộ độ trì cho em để em có thể đứng vững được trên mặt đất này”.
Tôi là người tin vào tâm linh, tin vào sự hiện hữu của thế giới bên kia, mà rồi ai cũng sẽ định cư vĩnh viễn ở đó. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tin vào sự linh nghiệm tức thì của những lời cầu nguyện. Tôi thấy tĩnh tâm và như là một sự thức tỉnh. Tôi nhận ra là anh đang cần tôi để đi về trong cõi dương gian mà anh không đành lòng từ bỏ…Tôi vẫn tin như thế và sống vì niềm tin đó.
Hương khói và cầu nguyện hàng ngày đối với tôi bây giờ là lẽ sống, là thức ăn, nước uống, khí trời…là sợi dây nối giữa hai cõi âm dương để không còn cách biệt nữa.
Tôi thường trò chuyện với những người bạn gái cùng cảnh ngộ, họ cũng đã từng rơi vào trạng thái như tôi vưà trải qua, nhưng không còn cách nào khác là phải vượt qua, để đem đến sự yên tĩnh cho người ra đi và người ở lại.
Quá nửa đời người mới gặp được tri kỷ mà trời không cho được trọn đời, mãn kiếp cùng nhau. Trong hơn một phần tư thế kỷ quen biết và chung sống, giữa tôi và anh có thể gói gọn trong bốn chữ sát nghĩa nhất “êm đềm và đằm thắm”. Tôi nhận ra một điều rằng tính tình phù hợp, bao gồm sở thích và cách ứng xử với nhau và với mọi người, là điều quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai người. Từ đấy có thể có sự đồng cảm, sẻ chia và cùng nhau vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.
Trong quan hệ bạn bè và những người xung quanh, tôi sống theo “quy tắc”: “Ai quý Xuân Sách, tôi quý người đó, và Xuân Sách quý ai, tôi quý người đó”. Có người bảo tôi khôn, có người cho là dại. Riêng tôi quan niệm, tuy đó là “quy tắc” nhưng không phải quy tắc toán học mà là “quy tắc” của con tim, nên nó luôn đem lại sự ấm áp sự bình an trong cuộc sống. Tôi đã ứng dụng, chiêm nghiệm và xác định tính lâu bền của quy tắc đó, tôi nguyện sẽ trung thành với nó cho đến lúc rời khỏi cõi đời này.
Bạn bè anh rất đa dạng và phong phú, ngoài những người gần gũi và thân thiết trong và ngoài giới văn nghệ của thành phố Vũng tàu và trong tỉnh, mà anh luôn dành cho mọi sự ưu ái và chí tình, anh còn nhiều mối quan hệ với các bạn bè rải rác từ Bắc chí Nam, thân có sơ có, nhưng tri kỷ không nhiều, “gan ruột” lại càng ít, tập trung chủ yếu ở Vũng tàu, Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những nhân vật này mỗi lần xuất hiện là anh có thần thái khác hẳn, có thể nói đủ thứ chuyện hết buổi, đi với nhau hết ngày, họ đều là những người xuất sắc về nhiều lĩnh vực hay một lĩnh vực nào đó. Mỗi người là một pho tiểu thuyết sống. Được hầu chuyện hay nghe lõm bõm thôi cũng đã thấy quý giá. Nói chung ai đã gặp anh, đã trò chuyện với anh đều tỏ ra quý mến và không ít người tỏ lòng hâm mộ, đối lại anh cũng rất nhiệt tình và cởi mở, đôi khi còn say sưa hết giờ này sang giờ khác.
Đối với các bạn thơ văn nữ anh đặc biệt quan tâm và ân cần, vì vậy có dịp đi Vũng tàu các chị đều ghé nhà thăm. Tôi đã được tiếp nhà thơ Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Thảo Phương, Lê Hoàng Anh, nhà văn Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Anh Đào (Kiên Giang). Tôi rất quý mến các chị. Riêng nhà thơ Ý Nhi và nhà báo Nguyễn Thị Nam (Tạp chí Điện ảnh) anh coi như em gái, có những mẩu chuyện vui vui được mọi người kể lại, thêm thắt như là giai thoại, nếu có điều kiện tôi sẽ viết chi tiết trong một dịp khác.
Anh là người thích xê dịch, nếu có dịp được đi là anh không bỏ lỡ. Chúng tôi cũng đã có những chuyến đi thú vị và đáng nhớ. Nhưng ý nghĩa nhất đối với tôi là hai chuyến đi “Xuyên Việt” vào năm 1993 và năm 2004. Cả hai lần anh đều đưa tôi về thăm quê. Chúng tôi thả bộ trên những con đường quê yên ả. Anh đưa tôi đi thăm khu mộ của gia đình, trong đó có mộ phần của cha mẹ. Rồi trong một buổi chiều, anh dẫn tôi ra thăm dòng sông quê hương, nơi có bến đò đã gợi cảm hứng cho anh viết bài thơ “Bến quê” và phác thảo một truyện ngắn của anh, sau này là truyện ngắn “Chuyến đò chiều”. Sau chuyến đi, một lần tôi đưa anh mấy dòng ghi chép trong đó có đoạn: “Em về thăm quê anh, thăm mẹ, thăm cha, thăm miền ký ức. Hoàng hôn nghe dòng sông kể chuyện, về quãng đời thơ ấu của anh, và cám ơn người nuôi anh lớn cho em…” Anh tủm tỉm cười và châm biếm: Thì ra, thơ cũng là bệnh truyền nhiễm đấy nhỉ.
Trong sáng tác của anh, tôi thích nhất là truyện ngắn, ghi dấu hình bóng quê hương rất đậm nét, hồn quê hiện rõ từ dòng sông, bến đò, ngôi chùa, cây đa..đến các nhân vật nông dân chất phác, nhân từ, nghèo khó…gần như lấy được nguyên mẫu hoặc thấp thoáng những con người thật mà anh đã từng sống với họ thuở thiếu thời. Về thơ, tôi thích mảng thơ trữ tình đượm tính triết lý và chất thiền mà bắt đầu là bài “Ráng chiều”. Còn bài thơ cuối cùng của anh tôi chưa xác định được, vì có một số bài ở dạng phác thảo ghi trên chiếc phong bì hay mảnh giấy nháp như bài vịnh con cua, con cóc, con dơi…Tôi sẽ tập hợp, đưa lại để các con anh có điều kiện sắp xếp tìm ra lời giải...
Trong quá trình chung sống, anh có tặng riêng tôi 14 bài thơ trong đó có hai bài viết tay và 12 bài đánh máy. Bài đầu tiên là bài “Gió”, anh viết sau một lần chúng tôi đạp xe lên chơi trên đê Yên Phụ nhìn xuống Hồ Tây, trong một chiều đông se lạnh.
GIÓ
Mặt hồ thoáng gợn heo may
Cớ chi bổi hổi bàn tay tôi cầm
Cớ chi mà gió ngập ngừng
Cây muốn động, gió lại đừng…gió ơi!
….
Còn bài “Xa cách” anh viết khi tôi phải xa Hà Nội một thời gian vì công việc
XA CÁCH 1
Anh không biết khi con tàu chuyển bánh
Có những ai đưa tiễn ở sân ga
Trưa hôm ấy hình như trời thấm lạnh
Và hình như còi thét phía sau nhà
Thêm một giờ thêm mỗi một xa
Ngoài cửa sổ những hàng cây lấp loáng
Giọng anh nói chỉ còn nghe thoang thoảng
Theo gió bay vào trong tóc em
Khi con tàu đi sâu vào đêm
Khua rộn rã mà anh cô quạnh thế
Có phải em hát lên khe khẽ
Về một người đi và tấm áo bạc màu
Phải em hát về nỗi nhớ thương nhau
Về những cơn mưa bất ngờ dội đến
Những buổi tối đợi chờ rồi lỗi hẹn
Những đêm dài thao thức mãi vì đâu
Em đến Huế buổi chiều mưa lạnh quá
Gió sau lưng thầm thĩ gọi em hoài
Gió anh gửi theo em từ bữa đó
Với một trời thương nhớ chẳng hề nguôi
Mỗi bài thơ có hoàn cảnh ra đời khác nhau như là mạch đi xuyên suốt của một câu chuyện.
Về “văn hoá ẩm thực” và nghệ thuật nấu nướng, tôi chính là người phải học anh về nhiều thứ. Khi có bạn bè thân thiết đến hay các con vào thăm anh đều tự tay nấu nướng những món ruột của anh như thịt lợn giả cầy, cà bung, ốc nấu chuối xanh… Đối với anh, gia vị của từng món là điều quan trọng nhất làm nên “thương hiệu” của món đó, thiếu một thứ là anh không chịu. (Riêng trà thì phải “mộc”).
Ai mời đi ăn uống, anh đều hỏi trước “Có những ai?” mới nhận lời. Anh thường nói, quan trọng không phải ăn gì, mà là ăn ở đâu, ngồi với ai ..
Riêng chọn tiệm cà phê sáng anh cũng kỳ công. Tôi để ý anh đã “kết”rồi “bỏ” không dưới mười lần. Chỉ vì có hôm mở nhạc to quá, hay tự nhiên có những khách hàng lạ không phải đến để thưởng thức cà phê. Anh thích, và giữ chân anh được lâu nhất, là một quán trên sườn đồi dọc bờ biển cách Bạch Dinh khoảng 300m về phía Bãi Dâu. Có mấy lần anh đưa tôi đến đó, tôi không thấy anh nói câu nào nhưng “cô hàng” đã đưa đủ các thứ mà anh cần: một phin cà phê nóng hổi nhỏ giọt đều đều và hai điếu ba số 5 trên chiếc đĩa nhỏ. Thường trong ngày anh hút loại Côtáp của Việt nam, rẻ tiền nhưng hợp gu, còn khi uống cà phê thì chơi sang một chút.
Anh có nhiều sở thích cá nhân như nghe nhạc, đánh bóng bàn nhưng đam mê thì phải kể đến xem đá bóng, đọc truyện và xem phim chưởng của Kim Dung. Một thú vui nữa ngốn của anh nhiều thời gian là chơi ô số Sudoku của Nhật bản. Anh đặc biệt có năng khiếu về trò chơi này, tìm ra nhiều cách giải độc đáo và sáng tạo, vì đây là một trò chơi trí tuệ nên càng cuốn hút anh.
Tôi cũng bị lây những sở thích đó của anh khiến chúng tôi luôn luôn bận rộn thiếu thời gian.
Anh là người sống thâm trầm và nhân hậu, không nghĩ xấu cho ai, mặc ai đối với mình như thế nào. Trước mọi việc đều lặng yên suy nghĩ, rồi mới đưa ra cách giải quyết, giúp cuộc sống luôn bình yên, ít sóng gió.
Những ngày còn lại trên cõi đờì, tôi có một điều ước giản đơn là có sức khoẻ để về thăm quê nhà, nơi anh đang yên nghỉ, có thể gặp gỡ tri ân những người thân yêu ruột thịt, bạn bè gần xa đã yêu mến, giúp đỡ anh lúc sinh thời, khi ốm đau và lúc trở về, để anh có được nhiều niềm vui và sự ấm áp.
Trong những ngày anh điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh, khi biết tin, dù đang bị di chứng tai biến mạch máu não, nhà thơ, nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Toàn tập tễnh trên đôi chân nặng nhọc cùng vợ đến thăm anh. Rồi tự tay lắp ráp chiếc xe lăn, chỉnh sửa, đặt anh ngồi lên đó, ngắm nghía thật ưng ý, bắt tay anh và cả hai cùng cười..
Ngồi trước trang giấy trắng, với cây bút trên tay để viết về anh, tôi như người lên đồng cứ viết liên miên không dứt, không hàng lối câu cú mạch lạc. Viết như là để sống lại những ngày đã qua, như là để tồn tại. Tiếc rằng chỉ tập trung được độ vài chục phút là mắt hoa, chóng mặt phải dừng lại, khi hồi tỉnh, lại tiếp tục, rồi dừng lại, rồi tiếp tục…
Mong anh phù hộ cho tôi có sức khoẻ để hoàn thành tâm nguyện “làm được một cái gì đó” cho anh.
Cầu anh được phiêu du trong cõi mênh mông của trời đất, lòng nhẹ nhàng và thanh thản.
*
Ngày giỗ đầu của anh diễn ra ấm cúng và trang trọng, bạn bè thân thiết của anh đều đến, các con vào gần đủ, các cháu cũng có mặt.
Hình ảnh Nguyễn Hoà vcv, chắc đang bệnh người gầy, tay xách giỏ đựng những tập sách quý giá, tập hợp những bài viết tiêu biểu về anh “Xuân Sách, một nhân cách lớn”
Trang 2 có vài giòng khiêm tốn:
Biên tập: Nguyễn Hoà vcv, nhà thơ Cao Quảng Văn.
Thiết kế: Nguyễn Hương Duyên, Nguyễn Kỳ Nam
Tôi thực sự cảm động và biết ơn tình cảm bạn bè dành cho anh.
Viết sau ngày giỗ đầu 29 tháng Tư năm Kỷ Sửu
Người vợ côi cút của anh
Ảnh: Các Nhà văn Bùi Đế Yên,Vũ Thanh Hoa , Xuân Sách và vợ trong một bức ảnh cuối cùng tại Vũng Tàu/.