LTG: Đây là một câu chuyện có thật, tôi chứng kiến (năm 2004) và từ đó sao mà mình thấy cá nhân mỗi con người vừa nhỏ bé vừa bất lực trước những biểu hiện nhãn tiền từ cuộc sống mà chúng ta phải đương đầu. Nhưng có lẽ nào, ta lại im lặng…
Tôi đang ở cơ quan thì có cú điện thoại của cậu em. Tiếng là em nhưng nó lớn tuổi hơn, đã vào cái tuổi trên bốn mươi, lại là chủ sản xuất nên ứng xử nhã nhặn lắm, mà giọng đã hốt hoảng. Nó bảo: “Bác xem thế nào, công an bắt thằng con nhà em bác ạ”. Tôi hoảng lên: “Nó đi học cơ mà?”. “Vâng. Người ta vào trường đưa đi”. “Thế đưa đi đâu? Cô giáo đâu?”. “Đưa xuống huyện anh ạ. Em không biết. Mấy thằng bạn nó lén ra gọi điện về. Anh xem xem giúp em. Dù gì anh cũng quen biết người ta”. Tôi bảo: “Được rồi mình sẽ gọi điện cho các anh ấy xem. Công an vào trường đưa trẻ con đi thế dễ bị hiểu lầm lắm. Nhưng tuyệt đối ông không được manh động. Lát nữa tôi về!”
Chưa kịp thu xếp về thì lại là nó gọi điện ra báo là thằng bé đã được người ta thả ra sau khi phải nhận là có ném hai viên gạch vào tường của công ty liên doanh tối hôm qua. Thế người ta có đánh nó không? Ở đấy nó bảo không nhưng về thì nó bảo có anh ạ. Em uất lắm. Em sẽ kiện những người vi phạm, đặc biệt là nhà trường. Tôi thở dài bảo: “Thôi ông cứ bình tĩnh tôi về xem sự thể như thế nào. Kiện tụng bây giờ nào nó có đi đến đâu. Cơ bản là người ta đã thả thằng bé”.
Cái chuyện công an vào Nhà trường đưa trẻ con đi bảo là hỏi về vụ lộn xộn đốt phá cổng một công ty liên doanh trong khu công nghiệp đêm hôm trước hoá ra thật to chuyện. Thằng em tôi vốn hiền lành, lại không có vướng mắc gì đến cái việc đốt phá xô xát hôm trước nay bỗng dưng công an đến trường đưa thằng con đi không có sự giám sát hay bảo hộ của gia đình nên nó rất bực bội. Nhà trường cũng bất ngờ vì từ xưa chưa thế bao giờ, cũng hồn nhiên giao học sinh đang học cấp hai, đang học lớp tám, đang ở tuổi vị thành niên trước bao nhiêu cặp mắt ngây thơ của bạn trai bạn gái, ngay trong một giờ học văn thì thằng em tôi làm sao nó chịu nổi. Nó uất lắm. Nó đánh thằng bé mất thôi. Thằng bé rời khỏi cơ quan công an huyện thì gặp phải ông bố đang uất ức càng thêm khổ thân nó. Nó đành phải nói thật là chú công an tát nó mấy cái, chắc là cũng chỉ dộ ấy mà, sao còn đau hơn là tát vào tôi tát vào anh vì thằng bé mới hơn mười tuổi. Nó sẽ tổn thương đến bao giờ? Nó sẽ nhìn chúng ta ra sao? Thằng em tôi vốn rất nóng. Nó nguyên là lính đảo, hiền thì như đất như cát nhưng khi đã sôi lên thì chả còn biết nể sợ gì ai. Nó liền lạnh lùng bảo thằng bé lên xe máy, chở thẳng sang nhà cô giáo hiệu trưởng. Cô hiệu trưởng đã lớn tuổi. Hẳn cô còn nhớ ngày bọn tôi học thì cô còn trẻ lắm, cũng chỉ nhỉnh tuổi hơn thằng em tôi một chút, hình như cũng đã dạy dỗ bọn tôi về cái lẽ làm người. Bây giờ cô làm quản lý một trường điểm của thị trấn, của huyện nên chắc gì còn phải lên lớp. Nó sang nhà cô để hỏi rõ một số việc. Tại sao nhà trường lại đồng ý công an vào trường đưa thằng bé đi ngay trong giờ học như thế, trước mắt bao nhiêu bè bạn như thế, lại còn đánh cháu và phải khi cháu nhận ném hai viên gạch vào tường doanh nghiệp mới thả cháu ra: Lúc ấy cô Hiệu trưởng ở đâu? Luật pháp của ta có quy định được xử sự với học sinh như vậy không?
Nghe thằng em tôi cáu giận mà chất vấn những lời như thế cô Hiệu trưởng vốn là một người sắc sảo đã lúng túng xin lỗi. Rồi cô đã kể ra rằng ngay sau lúc ấy nhà trường đã kịp nhận ra sự nghiêm trọng rồi. Cô đã lập tức nhào lên thị trấn xem người ta có đưa thằng bé ra đấy không hay là đưa thẳng ra huyện để cô còn đi đòi học trò. Đến thị trấn cô làm ầm lên. Ra huyện cô làm ầm lên. ấy là cô nói thế chứ chưa chắc đã ầm ĩ thế. Chắc là nói để lấy lòng bố thằng bé. Cô còn bảo ngay sau đó cô đã họp lớp. Đã răn đe một cách quyết liệt rằng từ mai, rằng ở đâu và rằng nếu bất kỳ một ai mà xì xào về việc bạn T. bị công an bắt thì cô sẽ kỷ luật, sẽ đuổi học. Cô đã nói là làm. Cô là Hiệu trưởng ở đây. Hiệu trưởng một trường điểm thì việc làm thạnh sạnh và cứng lắm là hoàn toàn có thể. Thằng em tôi đã nguôi nguôi, nó còn bảo: “Cô biết đấy, mấy anh tôi làm ở báo Hà Nội. Các anh ấy biết thì…” Cô Hiệu trưởng nói như van nài nhưng linh cảm của người lãnh đạo đã mách cô là anh bố này cũng tốt đấy, bụng dạ đang xuôi bèn nói: “Tôi xin anh: Nhà trường xin nhận khuyết điểm trước phụ huynh học sinh. Học sinh của tôi. Tôi xũng đau xót lắm chứ, anh cho tôi xin, anh nhé. ở đời ai chả có lúc phạm lỗi lầm, phải không anh”.
Đã nói với nhau những lời như thế thì còn làm gì nữa. Tôi bảo: “ừ, cũng coi như là chuyện đã qua ông ạ. Một cái tai nạn ấy mà. Đừng nhắc nhiều kẻo thẳng bé tổn thương”. Nó bảo: “Anh làm báo làm văn sao dạo này thu mình thế. Toàn chuyện tày trời như thế anh không đưa lên. Hay là anh sợ sệt gì ai. Tính khí của anh, ngòi bút của anh từ xưa đến nay có như vậy bao giờ đâu. Em là thắc mắc về bác lắm.” Tôi nhìn nó: “ừ, kể mình im lặng cũng không phải với dân làng, họ mạc, nhưng những lúc nước sôi lửa bỏng này, tiếng nói công luận quan trọng lắm, phải bình tĩnh mà lắng nghe thấu đáo ông ạ! Có cái đúng của ngày hôm nay ngày mai đã sai rồi. Mà đây lại là mâu thuẫn về quyền lợi giữa dân làng với các doanh nghiệp, thực ra là chính quyền cơ sở yếu, có dấu hiệu đối đầu với dân, bên doanh nghiệp có sức ép của thành tích, của đồng tiền, nên họ ứng xử thế. Nếu không bình tĩnh dễ bị lợi dụng. Tôi sẽ lên tiếng. Nhưng các ông phải cho tôi thời gian”. Nó thôi không tranh luận với tôi nữa, bảo: “Em chở bác lên thằng Q. Nó cũng có việc buồn đấy bác ạ Cứ để cho bác biết mọi chuyện thì hơn”.
Tôi lan man suy nghĩ. Mấy ngày đêm nay Khu công nghiệp T như cái chảo lửa. Dân tình thì sôi sùng sục, khi thì nháo nhác. Kẻng báo động đêm nào cũng vang lên dăm bảy lần. Dân hàng ngàn người kéo lên ngăn chặn cổng công ty liên doanh. Đã có lửa cháy. Đã có người gẫy chân, gãy tay, biêu đầu, xẻ trán đi bệnh viện cấp cứu. Rồi xô xát bắt người, đốt xe máy. Ngay hôm buổi sáng chủ nhật tôi đang trên đường từ cơ quan đến cổng khu công nghiệp (đường về nhà tôi) thì mấy đồng chí cảnh sát giao thông bước ra chặn xe (ở đây vốn không có trạm hay chốt kiểm tra bao giờ), một người bảo: “Quay lại đi đường khác”. Tôi bình tĩnh đáp: “Tôi về nhà tôi. Nhà tôi ở trong này”. Anh kia sấn đến: “Đã bảo không được là không được. Bướng hả?”. Tôi hơi bất bình trước một thái độ văn hóa thấp ấy nhưng vẫn bình tĩnh nhìn xung quanh. Phía trong, mấy cái cần cẩu lớn đang phá những nhà lấn chiếm, đang bóc từng tấm bê tông lớn chắn nganh dòng mương và chao ôi, ngôi nhà bốn tầng vừa mới khánh thành nằm mãi bên kia dòng nước cũng đang bị chú cần cẩu ngoạm từng miếng một. Nhôm kính vỡ rôm rốp. Trẻ con kêu khóc như ri. Một bà già, chắc là mẹ của chủ căn nhà kia nằm lăn ra đường tóc tai rũ rượi, người bê bết bùn đất kêu gào chửi rủa: “Chúng mày ăn tiền của con trai bà bán đất cho nó có giấy tờ hẳn hoi mà nay tráo trở phá nhà bà. Quân bất lương!”. Hàng vài chục cảnh sát đủ các sắc phục. Xe phòng cháy chữa cháy chạy ầm ầm. Những con chó thấy người lạ phá nhà cắn ông ổng. Hàng vài chục bảo vệ thị trấn và hàng trăm, hàng ngàn người dân chửi bới, cười khóc tịnh chưa thấy ai đỡ bà cụ. Tôi chống xe, bước đến đỡ người đàn bà ấy thì một anh sắc phục cảnh sát giao thông đã lớn tuổi, quân hàm thiếu tá bước đến nói khá nhã nhặn: “Thôi, chú đi đường khác về làng, còn đường dưới kia mà”. Tôi nhìn người cảnh sát giao thông và quay xe. Chắc là anh ta cũng đoán chừng tôi là nhà báo vì bộ đồ ký giả và túi đồ cùng với máy ảnh lỉnh kỉnh. Tôi điềm đạm bảo: “Các anh làm thế này không được đâu. Ai lại ứng xử với bà con thế bao giờ.”
Tôi đi đường khác về nhà. Những con đường về nhà vốn có lối đi riêng. Buổi xô xát đến chiều thì xong. Có mấy người bị bắt đi tù sau buổi ấy. Những nạn nhân được gia đình chạy chọt bằng một cách nào đó rồi cũng được tự do (hoá ra tự do hoàn toàn có thể dựa vào những mặc cả vật chất). Cả đêm ấy tôi không tài nào ngủ được. Có lẽ nào, ngay trên mảnh đất nhân dân hằng sinh sống bao nhiêu đời, trải qua những cuộc chiến tranh, thời cuộc, thể chế, mà hôm nay, họ lại phải loay hoay, và thực ra là cũng không biết phải làm gì trên chính đồng đất cũng là quyền lợi và sự sinh tồn của mình.
Câu chuyện ấy, đã mấy năm rồi, mà nó không chịu nằm yên trong tâm trí tôi, chắc chắn rằng, bao nhiêu năm nữa, nó cũng chẳng thể nằm yên được. Có điều, tôi đang dần già đi, và sự nhố nhăng lại đang dường như biến thái sang những hướng khác. Chuyện thì chỉ có thế, mà sao…/.