Hơn mười năm trước, Nhà xuất bản Kiên Giang đã in tập thơ này. Nay tôi bổ sung cho đầy đặn.
Trong lần in này, tôi thấy cần công bố ba trong số những lá thư nhà thơ Chế Lan Viên viết cho tôi.
Không hề có ý ăn theo tên tuổi Ông bởi lẽ thơ là giá trị tự thân, tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tình cảm Ông dành cho tôi.
Tôi cho rằng đây là cơ hội thích hợp bởi lẽ khó còn dĩp nào khác mà nếu lỡ đi có thể sẽ mai một những bằng chứng về sự tốt đẹp ở con người.
Xin gửi một bông hoa tới Trời Hoa nơi Ông.Hà Văn Thùy
20-4-1985
Thân gửi Anh Thùy
Anh Thùy thân mến, Anh tha lỗi cho tôi, tôi được thư anh và quà anh cho lâu rồi, mà nay mới viết cho anh được. Vì bận quá sức quá sức, mà chả việc gì ra việc gì cả.
Sáng mai tôi lại đi Huế và Đà Nẵng họp, độ 3-5 mới về. Chờ ra đấy thì lại bận hơn! Cho nên viết vội vài dòng cho anh vậy. Tôi rất mong anh em ở Bắc vào, nhất là những nơi cùng trời cuối đất, có đựơc những thành tựu những nỗi vui gì cho bõ công rời quê nhà ra đi. Cho nên anh hay anh Khoa hay anh em khác có được cái gì in, xuất bản, tôi rất mừng. Nhưng anh biết, mọi việc không dễ dàng. Ví dụ in ở Sài Gòn phải là cái gì viềt về thành phố này. Còn in ở Hà Nội, thủ đô, thì lại là các bài có chất lượng cao (cố nhiên Hà Nội cũng in khối thứ dở nhưng đólà những người sắp hàng lâu, hoặc phục vụ một đề tài đang là trọng tâm, hoặc có bài đăng thường xuyên, tên đã quen, hoặc chưa có ai biết nhưng đột ngột được chú ý qua một giải thưởng) Anh chẳng thuộc 1 trường hợp ấy, nên khó hơn. Khi đã khá, thì người ta in thôi chớ đâu phải mình không lấy nhuận bút hay chịu bù lỗ. Anh để cái tiền bù lỗ đó mà ăn phở, bồi dưỡng cho mình cho vợ con, có khi khỏe mạnh ra, phấn khởi lên, thì thơ lại hay thêm. Anh nói gửi cho tôi hai tập, tôi chỉ nhận có tập đánh máy chưa đọc kỹ, tôi liếc qua. Thấy anh có hồn thơ như tôi đã nói lúc ấy, và thật quý là ở chỗ cùng trời cuối đất, chỗ bán buôn giành giật vẫn có một hồn thơ đáng mến ở đó. Ở anh tứ tuyệt lại khá. Đó là điều đáng mừng. vì làm tứ tuyệt là biết cô lại. Trong lớp trẻ hiện nay mạnh ở lực áo ra và cũng chết ở lực ào ra đó. Cần hai lực ào ra và thu lại mới làm thơ được.
Nhưng anh cần tăng cường chất sống nữa, chất xúc động nữa, ở anh còn mỏng quá. Có lẽ anh thích tinh vi, tinh tế mà sợ thô lỗ, ào ạt chăng? Cần cả hai.
Thôi, để lúc nào tôi về bàn sau. À, chị Tri Túc còn sống ở Pháp. Chị qua đấy thăm anh Hoán ốm, anh Hoán chết, và chị Túc xin Chính phủ ở luôn lại. Các anh ta qua đó ghé chị, chị vẫn tốt.
Anh nên viết thêm ký, bình luận nữa ngoài thơ. Tuy thơ sẽ là chính. Chúc anh kiên nhẫn.
Một lần nữa cảm ơn anh.
Thân ái
Chế Lan Viên.
17-6-1987
Anh Hà Văn Thùy thân mến
Anh Thùy ơi.
Đọc thư anh mừng lắm. Qua thư anh biết qua tình hình mỏi mệt của anh Khoa và Anh, càng thương cho các anh. Tôi cũng có cái khó và mệt của tôi, nên dễ thông cảm, nhưng dù sao tôi cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Xin cảm ơn Anh chuyện lo cho tôi ra Phú Quốc. Tôi mê cái hòn đảo địa đầu ấy lắm. Muốn trở lại lâu, viết cái gì về đó và cảm giác lờ mờ là sẽ viết được. Đảo mà! Nhưng anh thưa lại giùm các đồng chí ở tỉnh và ở đảo, cơ hồ từ nay đến hết tháng 7, tôi bị nghẹt rồi. Trời ơi, năm nay tôi bị cái nạn viết tựa. Đêm qua vừa xong một bài. Ngày mai lại bài khác. Còn độ 4 cái như vậy cho đến tháng 7. Nhưng anh giữ chỗ cho tôi. Thế nào tôi cũng về mà. Bây giờ xây qua chuyện của anh. Tập thơ sửa đến đâu rồi? Sau một thời gian đọc lại, các lời tôi góp có hại hay có ích gì. Bây giờ vấn đề quan trọng hơn là anh đã xác định mình sẽ văn là chính hay thơ. Viết về đề tài gì? Chỗ mạnh chỗ yếu của mình, có nắm được không? Đừng có bạ gì viết nấy, cuối cùng có nguời 1 đời chỉ gọi là làm văn học thôi chứ không rõ là ai, là gì, là thế nào. Tôi ở xa nhưng tôi nghĩ, anh phải lấy thế mạnh của mình là ở vùng đất xa, ìt ai đến, chưa ai khai thác mấy, mà anh đã 10 năm rồi. Hơn thế, anh ở Bắc vào, nơi khác đến, đó cũng là thế mạnh, dễ cho mình thấy khác chỗ nào, đặc biệt, đặc trưng, đặc tính các nơi. Nghĩa là anh đi sâu vào để viết nơi anh ở anh cứ tiếp tục làm thơ, vì anh cũng có khả năng rõ, nhưng anh biết không, Tônxtôi làm thơ hết sức dở, chỉ có Tourgeneff dở hơn thôi, và hai ông trở thành vĩ đại bởi văn xuôi. Với văn xuôi, anh có thể khai thác hết cả, trọn vẹn, không bỏ gì của thực tế. Thơ khảnh ăn, bé mồm lắm, nên bỏ thừa rất nhiều chất liệu. Cái tôi lo nhất là các anh học ra sao? Mỗi năm có đọc được 100 quyển sách không (tuần hai quyển). Có ngoại ngữ gì không? Sử dụng thế nào? Trong văn học ai là người sau cùng sẽ đến chứ không phải chạy đầu. Cứ bình tĩnh lo bộ rễ, đừng lo trái lo hoa. Phải có kiến thức thì mới sử dụng được chất liệu, vốn sống được. Chắc cái này anh thừa hiểu, nhung tôi là người sắp mãn đời đi theo các anh Xuân Diệu, Nguyên Hồng, nói chắc anh tin hơn.
Phần tôi, tôi giúp được gì cho anh, anh cứ nói. Với anh em bỏ miền Bắc quê hương, đi vào nơi đầu sóng ngọn gió. Lại vào một con đường mù mờ, bấp bênh, ngoằn ngòeo, vặn vẹo là văn học, tôi rất thương và muốn mình có ích trong chút gì đó.
Cuộc đời ai không có chuyện lo, buồn, bực dọc. nhưng cứ phải giữa mưa đội nón mà đi, giữa nắng cưỡi xe mà vượt, cứ phải lo học, lo đọc, lo viết, chớ ai đâu biết cái khổ riêng, lo riêng của mình mà chiếu cố cho mình.
Các anh ở nơi hẻo lánh, cô đơn, vào nghề chưa quen lắm, chắc gặp muôn vàn trở ngại. Nhưng biết làm sao được. Chúc anh khỏe. Anh cho tôi biết, hiện nay ngoại ngữ của anh là gì. Vì nến anh biết tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi sẽ chép một số câu thơ Pháp hay cho anh. Nói anh Khoa tôi cũng nhớ anh ấy luôn. Thôi nhé. Chờ thư các anh, nếu các anh không bận. Anh có tài liệu gì về Chiêu Anh Các, về Phú Quốc, về Kiên Giang cổ hay mới, nhất là cổ, cứ gửi cho tôi theo địa chỉ này. Đến nơi mà.
Thân yêu.
Chế Lan Viên
T.B. Tôi vừa được thư anh Khoa sáng nay và đã trả lời nhân bài của anh Long Hưng nào đó đánh anh Tố Hữu một cách rất độc ác, hèn hạ và cơ bản là vu khống vào lúc để nhất, cơ hội thuận tiện nhất.
Anh Hà Văn Thùy thân mến
Cả sáng nay tôi đi tìm cái thư đã viết cho Anh. Chả biết để đâu, bây giờ phải viết lại. Thậm chí từ tuần trước, lâu quá chưa trả lời, tôi định đánh cái điện cho anh yên tâm: đại khái “tốt. Có thể xuất bản” cho anh khỏi lỡ, nếu kế họach cuối năm còn.
Tôi hiện nay cho đến hai tháng nữa căng lắm lắm. Không còn một chút thì giờ. Sau đó mới ngóc đầu lên. Chỉ xin tóm mấy điều:
1) Mừng cho anh. So với trước, khá hơn. Anh đi vào cái Thực được, mà không thực thà. Mà có tình cảm. Vậy nói với tỉnh vào danh sách in năm này.
2) Nhưng làm thơ là chuyện mênh mông chân trời lùi ra mãi. Không thể nói phét như nhà thơ nào đó, là tôi yên tâm cho đến cuối thế kỷ. Tôi bây giờ buổi sáng không biết buổi ciều còn khả năng không (đâu dám nói đến tài năng). Vì vậy anh phải học, học và học. Và vì thế nếu anh có xem mình là Platini đi nữa thì Platini cũng cần huấn luyện viên, nên một buổi tôi lại mổ xẻ ra trò thêm một buổi. Nhưng cái đó sau tháng 10.
3) Luôn luôn mỗi nhà thơ đều cần có phòng tuyến thứ hai: văn xuôi. Thậm chí cái đó là chính. Nó sử dụng hết vốn sống của anh, vốn học của anh. Thực tế miền Nam, không có văn xuôi bỏ phí nhiều tài liệu.
Tin cho anh rõ: Trong tập Bài ca Thôn Vĩ tôi có lấy Đông Hồ và Mông Tuyết.
Nhờ anh có gì về Oc Eo, về Chiêu Anh Các về xứ Hà Tiên, Kiên Giang anh cho tôi.
Tôi về già làm thơ kém đi, thì lại ham các loại nghiên cứu.
Tóm lại, mừng cho anh. Trong thơ phải phấn khởi một cách có khống chế và hoang mang một cách bình tĩnh. Hai năm trước mà anh chỉ hoang mang thì đâu có tập thơ này. (Nhiều người tôi góp ý cho, góp riêng, bí mật nhưng sau đó họ thù, cho rằng tôi bất tài, kèn cựa mới góp thế.) Nhưng bây giờ phấn khởi thì phải phấn khởi một cách bi quan: đường thơ còn dài nữa ư? Ngỡ đến đích rồi chứ! Không, sau chân trời cón khối chân trời.
Thôi nhé, bút xấu quá không viết tiếp được.
Thân yêu.
Chế Lan Viên
Tôi cũng học đòi các “bậc”, đặt tên cái vườn tôi ở là Viên Tĩnh Viên. Lố bịch một tí, nhưng đỡ buồn. Vì chả có gì là Tĩnh, chả có gì là Viên ở đây cả. Vậy thì, V.T.V 1/9/1987.
(Lời bạt tập Thời gian gom nhặt. NXB Trẻ 1999)
Viên tĩnh viên
Nhớ anh Chế Lan Viên
Viên Tĩnh Viên ẩn quá sâu
Nhớ anh tôi biết nẻo đâu mà tìm?
Lối mòn xóm vắng ngõ im
Chều buông bảng lảng sương chìm trong cây…
Anh ra mở cửa run tay
Dáng thân xưa quá hao gầy xót xa!
Ghê gớm thay cái tuổi già
Gớm ghê hơn lại là cha cái nghèo!
Hồn thơ vào buổi xế chiều
Lặng im thấu tỏ bao điều đắng cay
Viên Tĩnh Viên phải là đây?
Xác xơ nhãn ổi cằn thay bóng dừa
Phong lan dường cũng lỡ mùa
Hoàng hoa gửi đốm sắc thừa vào thu…
V.T.V – 6.1989