Như bao làng công giáo khác , cuộc sống người làng quê tôi luôn gắn chặt cùng tiếng chuông nhà thờ . Sinh ra trong tiếng chuông , sống với tiếng chuông và đi khỏi cuộc đời cũng giữa những tiếng chuông . Tiếng chuông đã trở thành máu thịt , lắng đọng thành tâm thức sâu thẳm trong lòng người có đạo . Do đó dù có phiêu dạt tới nơi nào thì lo toan hàng đầu của những người phải rời quê vẫn là làm sao để được ở gần nhà thờ . Với họ , nơi ở mới cuộc sống có thể khó khăn , đất đai có thể khô cằn , con người có thể không thân thiện , đường xá có thể trắc trở … nhưng nhà thờ thì không thể không có .
Và với gần hai mươi gia đình di cư người làng tôi ở Tuy Hòa cũng vậy . Khi đã rời quê cha đất tổ ra đi và chọn nơi này làm quê mới thì mặc cho dưới phố đất trống còn nhiều và mặc cho chúng vừa thuận cho việc mua bán lẫn trồng cây trái , thì một khu động cát hoang vu nằm kề nghĩa trang quân đội , mọc toàn bàn chải cùng dứa dại vẫn được mọi người chọn làm nơi ở . Cả làng xúm xít dựng nhà ở đó chỉ vì một lý do duy nhất : gần nhà thờ . Đó là nhà thờ Thủy Triều , sau này gọi là nhà thờ cũ . Thế là một lần nữa như cha ông xưa , cuộc đời của chúng tôi lại gắn bó cùng tiếng chuông , cùng mái nhà thờ …
Bao năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ về ngôi nhà thờ thuở ấy . Mái nó lợp ngói vảy . Trần nhà đóng bằng bồ tre quét vôi trắng . Bên trong hai hàng cột gỗ màu sậm lên nước sáng bóng . Nền tráng xi măng . Cung thánh bày biện đơn sơ , sàn phủ tấm simili có in hình gạch men đen trắng , bao quanh là một hàng bao lơn gỗ . Phía dưới giữa lòng nhà là vài dãy ghế cho người lớn . Quãng trống phía trên là để cho lũ con nít ngồi bệt và phần đất còn lại bên dưới dành cho những ai tới muộn .
Riêng ngọn tháp chuông thì chỉ là một cái chòi lợp tranh đơn sơ dựng hai cây cột và một thanh đà ngang nơi mé bên phải . Một quả chuông có vành rộng hơn cái mũ người lớn một chút lủng lẳng treo phía dưới . Cả không gian bên trong lẫn bên ngoài , cả dưới đất lẫn trên ghế nhà thờ với tôi đều là không gian đầy ắp kỷ niệm .
Mỗi sáng sớm lúc trời còn tối , khi mẹ tôi chuẩn bị gánh xôi bán thì cả nhà đã đến nhà thờ xem lễ . Rồi đến chiều sau khi cơm nước xong lại cùng nhau tới đó đọc kinh .
Có một lần buổi đọc kinh tối xong đã lâu lúc mọi người đều đã ra về hết nhưng riêng cái thằng tôi vẫn còn dựa cột ngủ say sưa . Thuở đó điện đèn chưa có nên việc để sót một thằng bé ở trong góc nhà thờ cũng không phải là chuyện lạ . Tới khuya sau khi đã chạy đôn chạy đáo tìm khắp nơi , từ nhà hàng xóm cho tới khu động cát nơi tụi tôi thường đốt thuốc bồi trên cây dứa khô để chơi trò đánh trận giả mà vẫn không thấy , ba tôi đành liều tới đánh thức ông Từ dậy mở cửa nhà thờ tìm và thế là cho tới chết tôi chẳng bao giờ quên cú nhéo tai để đời của ông ta đêm đó . Giọng ông gầm gừ : Mày hả mày ! Rồi tay nhéo vào lỗ tai ,ông nhắc bổng cả người thằng bé năm sáu tuổi ra tới tận cửa mà giao nộp. Ngọt ngào ông ta nói với ba tôi : Cháu nó đây rồi bác ơi ! … Cháu nó thì hồn vía khiếp đến nổi một tiếng cũng chả dám hó hé !
Rồi một lần khác trước khi xảy ra cái vụ ngủ gục kia quãng một hai năm gì đó . Thời trang ngày ấy của mấy cô là guốc cao gót và dưới cái gót cao ấy không phải dán đế cao xu mà là được đóng bằng đinh sắt . Bước đi guốc kêu cộp cộp mới là dân sành điệu .
Vào buổi lễ sáng chủ nhật hôm đó , khi hai chị em tôi cùng ngồi bên nhau ở phía dưới . Tới lúc chịu lễ ai muốn rước lễ thì cứ tự nhiên lội ngang qua lũ nhỏ mà tiến lên .Có một cô chắc là chuyên mặt vác lên trời nên ả ta cứ vô tư đưa chân dẫm nguyên cái gót đinh sắt lên ngón cái của tôi ! Ngay lập tức thằng bé liền mở miệng “hó hé” lên một tiếng làm rúng động cả nhà thờ khiến ai nấy phải giật mình . Và thế là từ đó cái móng đành ca bài biệt ly không hồi tái hợp với ngón . Thỉnh thoảng buồn buồn ngồi nhìn lại cái móng chân cùi ấy , tôi càng thấm thía hơn cái mặt trái của ngành thời trang .
Phía sau nhà thờ là dòng sông Chùa . Nước sông ngày đó còn trong và triền cát còn trắng chớ chưa đen và đục như bây giờ . Dù xuất thân từ sông nước , nhưng nhà nào cũng cấm không cho con cái tắm sông . Đứa nào muốn tắm phải có người lớn đi theo , mà bọn tôi cũng biết nghe lời ít khi để người lớn phải ra roi phét đít . Nói vậy chứ về cái khoản tắm táp này tụi tôi cũng thường xuyên được hưởng vì ngày nào mà không có người lớn xuống sông giặt giũ .
Có một lần trong mùa chay đang giờ lễ đèn ngắm 15 sự thương khó buổi trưa , vào lúc các bậc cha chú đang say sưa độc chiếm vũ đài với giọng ngâm trầm bổng , nhấn nhá riêng của quê hương mình và đặc biệt là cách đổ hột rồi khò con kiến trong cuống họng cho giọng phát ra nghe như tiếng nức nở thì lũ tôi được mấy anh lớn như anh Đề , anh Linh, anh Chữ .. lén rủ trốn xuống sông chơi . Cả bọn hết leo lên cây da hưởng cái đệ tứ khoái mát rượi của gió sông lại đánh truồng lội nước bì bỏm .Tới lúc giờ ngắm kinh xong cả nhà thờ vội túa ra tìm . Kết quả là trưa hôm đó khắp xóm , nhà nào nhà nấy đều đồng loạt vang lên từng hồi khóc như ri của bao mái đầu xanh vô tội …
Kỷ niệm về tuổi thơ cùng ngôi nhà thờ cũ trong tâm hồn chúng tôi luôn đầy ắp và nó mãi là một miền bình yên , một dòng suối mát để mỗi người tìm về tắm gội mỗi khi chân mỏi gối chồn ...
Trong bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” có câu : Quê hương ai cũng có , một dòng sông bên nhà … Với chúng tôi thì ngoài dòng sông bên nhà đó lại còn có thêm một mái nhà thờ , một tiếng chuông suốt đời vang vọng : Tim tôi luôn vang mãi , từng hồi chuông êm đềm .../.