Trong suốt thời gian phụ trách bài vở cho tạp chí Văn học nghệ thuật (bộ mới) và Văn học, tôi được cái may mắn đọc trước nhiều bản thảo của các văn hữu từ khắp nơi gửi về, sau đó theo dõi ảnh hưởng của tác phẩm ấy lên trên bạn đọc.
Hồi còn ở Việt Nam trước 1975, tôi dạy học ở tỉnh lẻ nên ít có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với giới cầm bút. Tôi có được nghe nói tới tập thơ “Điệp khúc tình yêu và trái phá” của Kiệt Tấn xuất bản năm 1966, nhưng chưa được đọc. Hình như từ lúc cho xuất bản tác phẩm đầu tay cho đến 1975, Kiệt Tấn bận chuyện học hành, bận sống cho hết cung bậc của yêu hờn giận ghét nhiều hơn là viết về những điều mình sống. Những kinh nghiệm, xúc cảm, suy tưởng trong thời gian ấy được ấp ủ, tích lũy như một thứ rượu quý, để đến một lúc nào đó, không thể dừng được nữa. Kiệt Tấn để mặc cho xúc cảm tuôn trào nơi đầu ngọn bút. Truyện “Em điên xõa tóc” Kiệt Tấn gửi cho Văn học Nghệ thuật là kết quả của những kinh nghiệm đã chín mọng, những xúc động đã ngút ngàn, những suy tưởng đã viên mãn… Những cái “đã” ấy tất nhiên phải thành nghệ thuật. Quả đúng như thế, “Em điên xõa tóc” được in ra và phổ biến khắp nơi, liền được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Đây là một trong những truyện ngắn hiếm hoi, có giá trị nhân bản phổ quát mà Văn Học Và Văn Học Nghệ Thuật được hân hạnh giới thiệu với bạn đọc.
Từ đó đến nay, Kiệt Tấn liên tục đem nhiều kinh ngạc chjo những người theo dõi sát sinh hoạt văn chương ở hải ngoại. Anh lần lượt viết lại những cuộc tình Á-Âu lẫn những mối tình đầu của đời anh, từ Đêm cỏ tuyết, Người em xóm học, đến Yêu em xứ tuyết, truyện nào cũng thơ mộng tuyệt vời và nhục cảm ngùn ngụt. Anh viết bạo, viết hết tất cả sắc diện của tình yêu, anh đi suốt những gì mà những người viết khác chỉ dám đi một nửa, rồi bẻn lẽn dừng lại ở chỗ tự cho là ranh giới. Nhờ thế, nhiều truyện tình của Kiệt Tấn có cái chất sống cuồng nhiệt của tác phẩm D. H. Lawrence trong đó tình yêu có đầy đủ cả những đóa hoa e ấp trao nhau, những nụ hôn ngượng ngập, lẫn những tham lam cuống quít và những “hơi thở rướn cong”.
Nhưng Kiệt Tấn không chịu dừng lại ở đó. Trong cuộc phiêu lưu đi tìm cái ta riêng trong cái chung của nhân loại, đi tìm cái đặc thù tiêu biểu, Kiệt Tấn làm kinh ngạc người đọc ở cả những lãnh vực khác. Và trong loại đề tài nào, Kiệt Tấn cũng viết được những truyện ngắn xuất sắc. Một số trích đoạn đã được đăng tải trong tập trường thiên Lớp lớp phù sa của anh, cùng với Nụ cười tre trúc, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi, Năm nay đào lại nở cho chúng ta thấy một Kiệt Tấn khác hẳn Kiệt Tấn trong những chuyện tình. Tình yêu quê hương của anh cũng hôi hổi y như tình yêu trai gái.
Sức sống cuồng nhiệt, sự nhạy cảm của Kiệt Tấn, trải qua thăng trầm của lịch sử, đương nhiên dẫn anh tới những suy tưởng bao quát về cuộc đời, về con người. Kỷ niệm đẹp của một quê hương đã mất, lưu niệm của những ngày tháng tàn phai, cuộc sống lưu vong, đã đẩy đưa Kiệt Tấn viết Vườn chanh miệt biển, một thứ tùy bút pha lẫn bút ký và tự truyện, mà theo tôi, đánh dấu thành công viên mãn nhất của Kiệt Tấn trong loại sáng tác suy tưởng.
Mỗi người cầm bút thường chỉ có sở trường về một loại đề tài, một loại khung cảnh sống hoặc một loại nhân vật. Rất ít có người dám xông xáo vào nhiều lãnh vực, vì thấy trước sự thất bại. Trường hợp Kiệt Tấn khác hẳn. Anh viết về đủ đề tài, nhân vật, khung cảnh, thay đổi, từ một cô gái quê cho tới một cô tình nhân bụi đời ở kinh đô ánh sáng, từ những kinh rạch bán khai chằng chịt ở quê hương cho tới cảnh đô hội nơi đất khách… ở đâu Kiệt Tấn cũng xông xáo thông thạo như một “thổ công”. Vì sao vậy?
Theo tôi, câu trả lời khá đơn giản: Kiệt Tấn đã sống hết mình, và viết hết mình. Khi sự chân thành đã đến độ giống như tự khỏa thân trước cuộc đời, thì cái Tâm Thành đó cộng với Tài Ba phải thành Nghệ Thuật. Kiệt Tấn đã thực hiện được lời của Dostoievsky khi văn hào Nga này nói: “Tôi đã viết hết những điều mà thiên hạ chỉ dám nói có một nửa”.
Thực hiện được điều đó, không dễ. Phải có một lòng yêu người nồng nhiệt, và một sự can đảm lớn lao./.