... Cầm trên tay tấm thiệp mời đám cưới của Hạnh, tôi quyết định sắp xếp công việc, lên xe về khu chiến tích một lần nữa. Hạnh, cô bạn gái làm phiên dịch mới quen trong chuyến đi năm trước nhưng đã in đậm trong tôi câu chuyện kể về một mối tình vượt qua cả nỗi đau thương định mệnh. Tôi nhất định phải gặp Hạnh, một phần là chúc mừng hạnh phúc cô, phần còn lại là xem mặt John, anh thanh niên người Mỹ, chồng cô. Tôi muốn nói với cô và anh ấy một điều, chỉ một điều thôi là tôi cảm phục tình yêu họ. Tình yêu đã vượt qua được mọi thứ - kể cả định mệnh khắc nghiệt, nỗi đau dai dẳng của chiến tranh mà chỉ có nó và sự diệu kỳ thiêng liêng của tình người mới làm được ...
*
... Trong chuyến công tác lần trước cách đây một năm về khu chiến tích , điều làm tôi chú ý là những bức tranh lớn, to đùng được treo đầy trên tường với những cảnh tượng khủng khiếp của vụ bắn giết tàn bạo của quân đội Mỹ trong trận càn lịch sử có tên gọi là thảm sát Làng X mà sau đó, cả thế giới đều phẩn nộ. Thi thể của hàng chục người chết thảm dưới làn đạn tàn sát vẫn còn nguyên màu máu đỏ tươi trong những bức hình được phóng to cỡ 80 x 120 treo trước mặt tôi. Phần đông là phụ nữ và trẻ em. Có những ông già râu tóc bạc phơ, đôi mắt sâu hoắm và thân hình gầy guộc nằm vắt ngang trên những bờ ruộng mà phía dưới là cánh đồng lúa đã chín vàng. Màu đỏ của máu pha lẫn màu vàng trên cánh đồng lúa chín trông rờn rợn đến nhức mắt. Một rãnh nước hình như đã cạn khô nằm vắt qua cánh đồng, dưới đó là những vũng máu đông quắt đọng lại. Tôi hình dung ra điều thê thảm, bi thương và bạo tàn của chiến tranh trong những gương mặt tuy đã biến dạng nhưng đôi mắt vẫn còn mở trừng trừng trên những gốc rạ, trong những dòng kinh. Lẽ ra cánh đồng phải là màu xanh của mạ non, của lúa, của cây thì lại be bét màu đỏ tươi của máu và màu trắng nhờn nhợt của những bộ óc người vung vải tung toé.
Nhưng thôi! Tôi dừng lại để nói đến một cô gái. Một cô gái rất xinh đẹp và dịu dàng đang làm phiên dịch tại khu chiến tích nầy. Cô tên Hạnh, chừng ba mươi tuổi. Thoạt đầu, tôi chỉ biết cô qua cái tên do người bạn tôi làm giám đốc ở đây giới thiệu. Cô Hạnh là dân chính gốc làng X, anh ấy nói thế. Và cả gia đình cô gồm bốn người đều bị sát hại trong đêm đau thương của trận càn thảm sát làng X cách đây hơn ba mươi năm của quân đội Mỹ.
Câu chuyện có lẽ dừng lại ở đó nếu tôi không theo chân một đoàn khách nước ngoài người Hà Lan bước vào khu trưng bày tội ác cách văn phòng làm việc không xa, phía bên trái tượng đài bà mẹ ôm xác con đau thương, uất nghẹn. Hạnh mặc chiếc áo dài màu xanh da trời đi về phía đoàn khách làm nhiệm vụ. Không khí ngột ngạt và khô khốc của buổi trưa oi nồng như dịu hẳn khi mọi người nhìn thấy chiếc áo dài màu xanh nhạt từ cô gái có gương mặt thật phúc hậu. Và Hạnh kể lưu loát bằng tiếng Anh về câu chuyện của những tấm hình treo trên tường kia. Với vốn ngoại ngữ ít ỏi, tôi nghe câu được câu mất nhưng cuối cùng cũng hiểu ra. Đây là ông già bị ném xuống giếng sau khi toán lính Mỹ cột hai tay ông bằng sợi dừa, loại dây bền chắc làm bằng chỉ xơ bện lại. Kia là một phụ nữ mang thai bị hãm hiếp trước khi bắn chết. Còn tấm hình có nhiều người đàn bà ôm con, gương mặt thất thần giương lên sợ hãi là những giờ phút cuối cùng của họ trước khi bị toán lính nã đạn hàng loạt và ngã xuống trên bờ ruộng.
Tôi đi nhiều nơi, nghe nhiều chuyện bi thảm của chiến tranh nhưng chưa bao giờ xúc động như buổi trưa hôm ấy. Hạnh chua xót kể câu chuyện đau thương của trận càn với những người khách nước ngoài, về những tấm hình ghi lại tội ác khủng khiếp vào buổi tàn sát kinh hoàng trên đồng ruộng Làng X. Có lẽ nỗi đau của những thân nhân bị tàn sát đã ám ảnh sâu sắc và in đậm vào tâm hồn cô. Giọng run run xúc động không dấu được nỗi đau đớn và đôi mắt cô đẫm nước khi nói về những người nằm chết trong nhiều tư thế trần truồng,biến dạng. Tất cả mọi người đi theo cô, kể cả tôi đều xúc động mãnh liệt. Tôi thấy những người ngoại quốc lấy khăn lau nước mắt và bật lên tiếng kêu không dấu được: Oh! God! ( Trời ơi! )
Hạnh quay sang tôi, rưng rưng nói trong làn nước mắt:
- Người phụ nữ bị giết trong tấm hình cạnh ngôi nhà cháy là bà nội em. Còn người được bà nội ôm che đạn là mẹ em. Nhờ vậy mẹ thoát chết trong gang tấc vào đêm khủng khiếp ấy. Em là cô gái nằm trong bụng mẹ lúc bây giờ! Mẹ cũng không ngờ mình còn sống sót cho đến khi được người ta đến cứu ...Cả nhà em chỉ còn mẹ sống sót. Và nhờ vậy, em mới có mặt hôm nay, ở đây. Nếu anh còn ở lại, em sẽ kể anh nghe những gì sau đó .
Tôi ngỡ ngàng nhìn Hạnh vì gương mặt người phụ nữ trong tấm hình không giống cô chút nào. Cảnh vật nhuốm đỏ thẳm màu máu còn hằn lên trên đôi mắt người phụ nữ kia nỗi kinh hoàng tột độ. Bất chợt tôi liên tưởng đến mẹ mình và đứng chôn chân trên nền gạch với cảm giác lạnh ở sống lưng.
Tôi quyết định bỏ dự kiến đi tắm biển chỉ cách khu chiến tích chừng vài cây số, ở lại nghe Hạnh kể câu chuyện của cô. Buổi cơm trưa hôm ấy có cả anh bạn tôi. Chẳng gì ngoài món cá bống kho mặn và tô canh bầu nấu với cá cơm nhưng rất ngon. Bạn tôi hóm hinh:
- Mầy cứ ở đây tới chiều rồi đi biển với Hạnh. Hôm nay, tao giao cô ấy cho mầy. Năm sau cô ấy xuất cảnh. Hồ sơ giấy tờ đâu đó đã làm xong. Chồng Hạnh là một thanh niên Mỹ rất hiền lành và đẹp trai. Tao cố giữ cô ấy ở lại nhưng không được, lần sau mầy đến không chắc gặp nữa đâu!
Tôi không ngạc nhiên nhiều. Bây giờ thiếu gì cô gái lấy chồng ngoại, nhất là những cô gái xinh đẹp và có học thức như Hạnh. Đất nước mở cửa, chuyện lấy chồng nước ngoài giờ cũng không phải hiếm. Miễn là những cặp tình nhân yêu nhau và muốn chung sống với nhau, đâu ai cấm cản điều đó. Nhưng với Hạnh thì khác! Tôi không tin cô sẽ lấy một người Mỹ, ít ra là như vậy vì làm sao cô thanh thản, hạnh phúc được khi người thân của chính cô bị sát hại bởi những người da trắng cao to kia. Hạnh nói khẽ khàng trong khi ăn cơm :
- Anh ấy tên John. Chúng em quen nhau được ba năm rồi, khi anh ấy cùng mẹ lần đầu vào khu chiến tích nầy tham quan. Có định mệnh nào không, em không biết nhưng chúng em thật tình yêu nhau. Chính tình yêu làm em vượt qua được suy nghĩ đau đớn về cái đêm kinh hoàng, khủng khiếp kia. Nhưng chuyện không dừng ở đó ...
Hạnh thay bộ áo dài xanh nhạt màu da trời bằng bộ đồ bà ba đen, vẻ đẹp chất phát dân dả hiện lên trên đôi mắt mở to nhìn người đối diện. Chúng tôi ngồi nói chuyện dưới tán cây vú sữa trước tượng đài chiến thắng sau khi ăn cơm xong. Tôi thực sự muốn nghe câu chuyện tình vượt qua cả giới hạn đau thương với trái tim mẫn cảm, dễ xúc động như Hạnh. Dù sao, cả nhà Hạnh đều bị chết thảm bởi những người lính Mỹ. Muốn hay không, cô cũng không thể quên được ai và điều gì trong cuộc tàn sát thảm khốc năm xưa. Bước qua được quá khứ khủng khiếp ấy, tôi đã cho là can đảm. Đằng nầy, Hạnh còn đi xa hơn : nhận lời kết hôn với một người Mỹ. Điều gì đã khiến cô xoá bỏ được nỗi đau và căm hận ngút trời, tôi không biết. Nhưng tôi biết một điều duy nhất: Tình yêu và sự nhiệm mầu không giải nghĩa được của nó, ai biết thì biết, không biết thì không biết. Không ai có thể nói cùng ai, cái tình yêu ấy ...
Buổi chiều nắng dịu bớt trên những ngọn cây cao, khẳng khiu vươn dài trước mặt chúng tôi. Thi thoảng, những cơn gió nồm hiếm hoi từ biển thổi vào. Những ngọn gió nóng hổi, khô khốc từ phía bên kia núi thổi tạt bời bời, hanh khô thông thống. Trong tĩnh mịch chiều và tiếng rì rào của gió, giọng Hạnh bùi ngùi:
- Anh biết không, ngay cuộc đời em cũng lạ! Sống sót trong trận càn nghiệt ngã tàn bạo, mẹ sinh ra em. Mẹ sinh non và chút nữa thì em đã không có mặt trên đời nầy. Sau khi sinh em, mẹ mất. Có lẽ những ám ảnh kinh hoàng và nỗi đau khủng khiếp của buổi sáng xưa kia đã làm cạn kiệt chút sinh lực còn lại của mẹ. Em thành người mồ côi. Không ai trong dòng họ em còn sống. Nhưng rồi em được nuôi nấng, được đi học từ tiểu học trường làng đến trung học và tiếp tục lên đại học bằng những tấm lòng thương cảm, giúp đỡ của mọi người khi bước qua chiến tranh. Tốt nghiệp loại giỏi ở trường ngoại ngữ, em về khu chiến tích nầy làm nhiệm vụ thuyết minh cho khách nước ngoài. Họ đến tham quan hình ảnh đêm kinh hoàng ở Làng X năm xưa. Mỗi lần đứng trước đoàn khách nước ngoài bất cứ là ai, trong em lại sôi bùng lên cái cảm giác bàng hoàng, đớn đau, căm giận về đêm đau thương ấy.
Hạnh lấy khăn chầm chậm lau nước mắt. Tôi biết, đây là những phút giờ mình nên im lặng. Nỗi đau lớn đến nỗi chỉ cần một lời an ủi nào cũng cảm thấy vô nghĩa.
- Ba năm làm việc ở đây, bao nhiêu lần thuyết minh về tội ác của lính Mỹ, em đều có tâm trạng như thế, Hạnh nói tiếp . Cho đến một lần. Sáng hôm đó có hai mẹ con người Mỹ đến đây. Họ về Làng X để thăm vùng đất xưa kia người thân của họ đã có mặt trong trận càn khủng khiếp. Đó là một đại uý phi công có tên Smith. Chính ông ta đã ra lệnh cho toán lính rút lui khi tận mắt chứng kiến cảnh tàn sát man rợ mất hết tính người. Nhưng sau khi về Mỹ, ngẫm lại quá khứ, ông đã phát điên vì những ám ảnh kinh hoàng của vụ bắn giết hàng loạt người dân vô tội trong đêm định mệnh ấy.Và chết thê thảm, uất nghẹn trong một bệnh viện ở Boston. Trước khi mất, ông dặn để lại tất cả tài sản mình gửi tặng người dân Làng X như là lời sám hối muộn màng và đền trả một phần tội ác lính Mỹ gây ra. Con trai của ông ấy thay ông làm việc nầy. Anh ta, với lòng chân thành và nỗi ân hận sâu xa đã đến gặp em, thân nhân người bị tàn sát ngày xưa. Rồi không biết thế nào, qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, kể cả những tranh luận gay gắt về quan điểm sống, về con người, về tính nhân bản của cuộc sống, anh ấy và em có cảm tình với nhau. Tấm lòng anh ấy, em không nhầm lẫn đâu, đáng yêu và cao thượng. Anh bỏ cả một suất học bổng ở đại học Havard sau mấy năm ròng kỳ công theo đuổi để đến đây cùng với những người thợ xây dựng trường học cho các em học sinh nghèo Làng X bằng chính tiền bạc của cha anh, ông Smith ủng hộ. Biết rằng không điều gì có thể trả được những món nợ đã vay bằng máu nhưng quá khứ đã qua, hãy để nó ngủ yên. Dù niềm đau có day dứt khôn nguôi thì thời gian và sự thứ tha, rộng lượng cuối cùng cũng làm ta nguôi ngoai, nhẹ lòng. Em đã vượt qua được nỗi đớn đau khắc khoải ấy tuy vô cùng khó khăn, có lúc tưởng không cách nào vượt qua được ... Rồi sau đó, chúng em yêu nhau, em và anh John, con trai ông Smith ...
Tôi biết nói gì. Câu chuyện của Hạnh, cô gái Làng X, người có cả gia đình bị lính Mỹ sát hại đang đứng trước mặt cứ làm tôi day dứt. Cả những định kiến hẹp hòi, chút gì vướng vít lướt qua trong tâm trí tôi và những câu hỏi vặn vẹo từ lương tri bật lên tiếng nói. Nhưng khi vượt qua được khe cửa hẹp của tâm hồn mình, Hạnh bỗng lớn lên trong tôi bằng trái tim nhân hậu và tấm lòng vị tha hào hiệp hiếm thấy. Cùng tình yêu và sự nhiệm mầu của nó nữa! Làm sao tôi hiểu Hạnh khi tiếng gọi của tình yêu vừa đủ hai người, chỉ hai người yêu nhau nghe thấy, đồng cảm. Chiến tranh thật khủng khiếp và buồn bã. Hãy quên đi những bi thảm của nó như móng vuốt kinh khiếp của bầy quỷ dữ. Còn tình yêu! Muôn đời là những đám mây êm ái, dịu ngọt, những dòng nước mát trong lành, thanh khiết trôi mãi trong đời sống của mỗi chúng ta.
Đám cưới Hạnh nghe đâu sẽ tổ chức vào năm sau tại ngay khu chiến tích nầy.Và Hạnh theo John về Mỹ như bao cô gái khác theo chồng mình để tạo dựng tương lai và những đứa con. Hạnh nhiệt tình mời nhưng chẳng biết tôi về dự được không?
Nhưng dẫu sao, với tôi, chiếc áo dài màu xanh da trời của buổi sáng mát lành hôm ấy đã xua tan không khí hầm hập, nóng bừng và câu chuyện về tình yêu mầu nhiệm vượt qua nỗi đau thương của cô đã là quá đủ.
Chia tay Hạnh, tôi bồi hồi bước ra khu chiến tích Làng X khi nắng chiều chói nóng ngột ngạt lọt thỏm xuống phía ngọn đồi trước mặt ./.