Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
737
122.647.568
 
Tiếng đàn xưa
Ngọc Hiệp

Đêm qua, thức quá khuya, vào lớp học đôi mắt tôi như có ai treo đá. Cơn buồn ngủ đến như một vị khách không mời. Suốt đêm, sách vở cũng ngủ vùi trong ngăn tủ. Đầu óc tôi trống rỗng. Đầu giờ học, thầy vào kiểm tra bài cũ sau khi điểm danh. Vừa mệt mỏi, vừa không thuộc bài, lại bị gọi trả bài, tôi đứng thừ ngươi như pho tượng gỗ. Thầy “tặng” vào mông tôi hai roi đau điếng. Hành trang tôi mang về chỗ ngồi là câu nguyền rủa : “Đồ con lợn!”.

Mẹ tôi thường nói :”Nhà mình nghèo, nếu không chí thú làm ăn sẽ không có tiền cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Cả đời mẹ la lết giữa chợ đời để cho con có chữ nghĩa với người ta”. Tội nghiệp mẹ quá, tôi không thể nào dửng dưng trong khi mẹ tôi phải gồng gánh lo cái ăn cho tám đứa con nheo nhóc lại thêm cái bào thai (Không biết nó có là thằng hay con út không nữa). Tôi là con cả, phải phụ giúp gia đình, không ngờ từ đó đã trở thành… “đồ con lợn”.

Năm học ấy tất cả học sinh lớp Đệ Tứ được miễn thi Trung học đệ nhất cấp (Tốt nghiệp PTCS), chỉ cần đủ điểm được lên lớp Đệ Tam và có quyền chọn ban. Vừa đủ điểm lên lớp , lại do ngán cảnh nhai chữ hàng đêm nên không theo khoa học xã hội, tôi vội quyết định chọn ban B (Ban Toán Lý). Khổ nỗi năm qua, tôi là học sinh kém nên rất vất vả mới theo kịp bạn cùng lớp. Còn thời khoá biểu tôi vạch ra cho mình chẳng có gì thay đổi, từ bảy đến chín giờ đêm học bài cho ngày mai, bốn giờ sáng phải nhồi bột làm bún và bánh lọt, khi thay đồ đi học, phải chở hai thúng bún ra chơ cho mẹ. Lúc ấy tôi mắc cỡ với bạn bè (nhất là bạn gái). Mình chẳng giống ai, mặc áo nhốt vạt vào quần mà chạy chiếc xe đòn dông cũ kỹ và đèo hàng như xe thồ, trong lúc bạn gái tôi đến trường đỏng đảnh trên chiếc xe gắn máy hiệu Velo Solex. Nhưng riết rồi cũng quen, bất chấp bạn bè xa lánh, tôi cứ sống trong nỗi cô đơn vì thiếu bạn.

Một buổi chiều bán ế ẩm như vài buổi chiều tôi đã gặp, mẹ mang về nhà gần mười ký bún. Hôm ấy, chúng tôi không ăn cơm. Mẹ nấu canh chua tép rong ăn với bún thay cơm. Mẹ bảo tôi mang một bọc bún đến trường cho bác Mười bảo vệ. Tôi chạy vào trường trước khi bác Mười ăn bữa cơm chiều. Khi tôi đến, thầy Nguyên đang ngồi uống trà đối ẩm vơi bác Mười. Thầy gọi tôi lại bảo:

- Em học yếu lắm, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Bác Mười vừa nhận bọc bún vừa nói đỡ lời tôi:

- Gia đình nó nghèo khó lắm, thầy giúp đỡ cho nó.

Năm nay, thầy Nguyên làm Giáo sư hướng dẫn (GV chủ nhiệm) lớp tôi. Bác Mười bảo tôi ngồi chơi một chút rồi khuấy cho tôi một ly nước chanh. Nếm một chút nước chanh tươi, nó vừa chua vừa ngọt như cuộc đời mình. Bác Mười quay lại nói chuyện với thầy Nguyên:

- Hồi đó, bà ngoại nó mất sớm, ông ngoại nó đi lưu lạc giang hồ, má nó phải đi ở cho nhà ông giáo Thìn. Bà giáo thấy thương quá mới làm đám cưới cho má nó lấy cháu bà giáo, cha nó bây giờ đó! Má nó đâu có nhà để tổ chức đám cưới. Còn tôi cũng là dân lang bạt sống kiếp thương hồ trên sông nước. Má nó mới mượn chiếc ghe của tôi làm “nhà” đàng gái để có chỗ cho đàng trai tới rước dâu. Đám cưới đó do bà giáo làm mai mối cũng làm chủ hôn luôn. Vậy mà hai đứa nó sống với nhau đã tám chín mặt con vẫn ngọt như nồi canh bầu nấu với râu tôm. Bây giờ ba má nó học được cái nghề làm bún nên sắm khuôn, sắm cối xay, mua gạo tự làm mang ra chợ bán kiếm sống cũng tạm được. Nó là con trai cả, đỡ đần cho má nó cũng tốt. Bữa nào bán ế nó mang bún qua cho tôi ăn trừ cơm. Bỏ hư tội chết thầy ơi!...

Thầy Nguyên ngồi gật gù phụ hoạ theo bác Mười:

- Ừ! Bỏ hư tội chết…

Từ lâu nay, tôi không hề nghe ba mẹ nói chuyện mình, chỉ thấy hai người lao vào việc buôn bán kiếm tiền nuôi một bầy con ăn học. Không ngờ ba mẹ tôi gặp gỡ nhau trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó. Tôi lén nhìn thầy Nguyên dò xét. Thầy cứ ngồi trầm ngâm lặng lẽ. Còn tôi phải quay mặt đi nơi khác để giấu những giọt nước mắt thương cảm cho cảnh đời ba mẹ tôi phải đi qua. Không gian chung quanh chìm xuống nặng nề. Bổng thầy nói với tôi:

- Em chịu khó chạy ra phố mua cho thầy nửa lít rượu trắng và nem nướng về ăn với bún. Bác Mười có trồng mấy liếp rau sau trường em khỏi phải mua rau…

Thầy Nguyên với tay lên vách lấy cây guitar phím lõm dạo lên một khúc nam ai buồn da diết. Tôi chẳng thạo nhạc lý nhưng nghe tiếng đàn của thầy khi trầm khi bổng như bày tỏ một nỗi niềm thương cảm. Không ngờ thầy Nguyên đàn cổ nhạc hay như vậy. Bác Mười bảo:

- Cây đờn nầy nó theo tôi lang thang nữa đời trên sông nước đó thầy. Nhờ nó mình cũng đỡ buồn trong những ngày tha phương cầu thực.

Sau hôm ấy, thời khoá biểu của tôi đổi khác theo đề nghị của thầy. Từ sáu đến tám giờ tối, tôi mang tập đến nhà bác Mười ngồi học bài cho ngày mai. Thầy Nguyên từ Sài Gòn về tỉnh dạy học nên ở nội trú trong trường với bác Mười. Những ngày ấy, thầy dạy tôi cách học bài theo đề cương, cách nhớ bài theo những câu thiệu không cần ngồi nhai chữ. Vách nhà tôi bắt đầu xuất hiện chi chít những công thức toán. Không ngờ bức vách tầm thường của một lò bún trở thành nơi chứa đựng quá nhiều công trình trí tuệ của những nhà toán học. Khuya, tôi vừa nhồi bột vừa nhìn lên vách nghiền ngẫm những công thức toán.

Mỗi tuần, thầy Nguyên có hai buổi tối đi dạy luyện thi Tú Tài cho các anh chị lớp Đệ Nhị A (Ban sinh vật), thầy bảo tôi theo học dự thính không cần đóng học phí. Ban đầu, tôi sợ mình không theo nổi lớp trên nên rất e dè. Nhưng khi thầy giảng có chút pha trò, tôi hoàn toàn nắm được bài. Những ngày học ở lớp luyện thi, thầy chẳng hề kiểm tra hoặc thăm hỏi gì , chỉ bỏ mặc tôi ngồi lặng lẽ ở cuối lớp giống như một người cha dẫn con theo khi ở nhà không ai chăm sóc. Tôi nghe trong tôi bừng lên tình thầy hoà với tình cha vô cùng hạnh phúc. Nhưng có một niềm hạnh phúc tôi không thể quên trong suốt cuộc đời mình.

Đêm ấy, thầy dạy đến bài Tam Thức bậc hai. Sau khi giảng bài xong, thầy cho thử một bài kiểm tra tại lớp và yêu cầu tất cả xét dấu phân tách một Tam thức bậc hai có tham số m trong một thời gian giới hạn. Mặc dù tôi không bị kiểm tra nhưng vẫn làm thử khả năng mình. Hết giờ, tôi và cả lớp chưa làm xong, chưa kể một số anh chị còn ngồi cắn bút trước trang giấy trắng. Thầy nói với cả lớp:

- Bài nầy trình độ một học sinh lớp Đệ Tam có thể giải được. Tôi tin mình chứng minh được điều vừa nói.

Vừa dứt lời, thầy vẫy gọi tôi lên bảng. Trước quyết định quá đột ngột của thầy, trống ngực tôi đập liên hồi. Vừa mừng vì được tín nhiệm, vừa lo sợ làm mất uy tín của thầy, tôi ngập ngừng đứng lên theo lời động viên của thầy:

- Khỏi lấy tập, thầy tin em giải được bài nầy.

Câu nói ấy như ra lệnh tôi phải bình tĩnh giải quyết bài toán thật chính xác để không phụ lòng thầy dạy dỗ lâu nay. Tôi tự tin hơn và thong thả bước lên bảng giải hết bài toán. Lúc ấy, thầy đứng sau lưng tôi quan sát thỉnh thoảng gật đầu. Mọi hành động của thầy bây giờ trở thành niềm động viên an ủi tôi rất lớn. Cuối cùng, thầy quay lại nói cùng cả lớp:

- Bài giải nầy hoàn toàn chính xác và mạch lạc. Chỉ có trình bày chưa đẹp vì thiếu thước kẻ bảng xét dấu. Các em có thể chép về tham khảo.

Tôi thở phào sung sướng vì chứng minh được lời nói của thầy trước lớp.

Năm học ấy, dù vượt qua được hoàn cảnh và đứng đầu lớp học, tôi vẫn ôm tập đến nhà bác Mười mỗi tối như thời khoá biểu thầy đã vạch. Những buổi tối cuối năm học, tiếng đàn vọng cổ của thầy vang ra đón tôi bằng điệu Xuân tình rộn rả.

Mãi đến mấy năm sau tôi lên học ở Sài Gòn. Nghe nói thầy Nguyên trước đây có dạy ở trường Hoàng Nguyên, tôi đến đó tìm thầy. Hỏi mãi, chẳng ai biết thầy đang sống nơi nào. Tôi đứng thẩn thờ trong con hẻm nhỏ gần trường, radio nhà ai vọng lại tiếng guitar độc tấu bài Dạ cổ hoài lang nghe buồn da diết.

                                                                NH
                                                          27-09-2002

Ngọc Hiệp
Số lần đọc: 3040
Ngày đăng: 28.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng chuông trôi trên sông - Vũ Hồng
Tướng quân và loạn đảng - Trương Hoàng Minh
Bác Ba Phi: Những con dơi lửa ra quân - Anh Động
Bác Ba Phi : Xe tăng làm xiếc - Anh Động
Ông già thợ tiện và chú bé lái dưa - Anh Động
Bác Ba Phi : Lính bộ đánh thủy - Anh Động
Bác Ba Phi: Quận nhung trở mặt - Anh Động
Bác Ba Phi : Cuộc đối mặt với quận Nhung - Anh Động
Bác Ba Phi : Nguyên tắc đòn bẫy - Anh Động
Bác Ba Phi : Đi quanh về tắt - Anh Động