Thằng Bờm có cái ao to
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.
Bờm không lấy mè, không những thế Bờm còn bấm bụng cười thầm. Cá mè? Thì Bờm chẳng đã nuôi một ao cá mè đó sao. Bờm nuôi cá mè hoa đàng hoàng chứ không thèm nuôi cá mè trắng. Cá mè hoa tính tình hiền lành, lớn nhanh hơn cá mè trắng, nuôi một năm mỗi con đã nặng hơn 1,5 kg. Mỗi năm Bờm thả ba đợt con giống và bán cá thịt hai lần. Nuôi cá mè hoa còn có tác dụng làm sạch ao, góp phần chống ô nhiễm môi trường nước vì cá mè hoa ăn sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ là nguồn gốc gây ra những thứ mùi hôi thối khó chịu. Ngoài lượng động vật và thực vật phù du có trong ao, Bờm cho cá ăn những thức ăn nhân tạo như cám, bột mì, bột sắn. Cứ nghĩ đến cái cảnh ngồi vãi thức ăn xuống ao và đàn cá quẫy lộn tranh ăn là Bờm mát cả ruột.
Thằng Bờm không chịu đổi cái ao lấy bất cứ vật gì làm phú ông khó chịu lắm. Vốn người đa mưu túc kế, lại hay suy nghĩ sâu sắc chứ không hời hợt như thằng Bờm, trước hết phú ông sai gia nhân chăm sóc rặng tre nằm trên biên giới giữa vườn nhà phú ông và bờ ao của thằng Bờm. Chăm sóc theo kiểu năng chặt tỉa tre phía bên đất nhà mình, có cái măng nào nhú lên ở phần đất nhà mình thì chặt cho bằng hết. Rặng tre hình như cũng thông cảm với ý đồ của phú ông, nó là rặng tre nhưng hình như nó có cái chân biết đi. Đi về phía bờ ao của thằng Bờm ấy mà. Thằng Bờm biết vậy, mỗi năm qua đi lại thấy đất bờ ao của mình hao hụt đi một ít, nhưng vì thấp cổ bé miệng nên cứ ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám lên tiếng phản đối câu nào.
Phú ông thấy gây sức ép với thằng Bờm bằng rặng tre là cái chuyện hạ sách. Bởi vậy một hôm xem lại gia phả của dòng họ, tuy các cụ viết không rõ lắm nhưng hình như cái ao của thằng Bờm là thuộc đất nhà mình. Sao lại hình như? Các cụ viết thế nào mặc kệ, chỉ cần con cháu các cụ hiểu rằng cái ao ấy thuộc đất nhà mình là đủ. Mà thằng Bờm ngu dốt, chữ nghĩa không có, giá như có dí quyển gia phả vào mũi nó, nó cũng không biết đâu mà lần. Nghĩ là làm, phú ông lên hẳn một kế hoạch, chờ cơ hội thuận tiện để ra tay.
Cái cơ hội ấy là ngày thằng Bờm gọi người vào mua cá thịt xuất từ ao nhà nó. Trong khi thằng Bờm chuẩn bị thúng mủng rổ rá, cân kẹo, lưới vó để bắt và bán cá thì bên nhà phú ông dăm bảy tên gia nhân lực lưỡng cũng chuẩn bị nách thước, tay đao, uống tạm đôi ba chén rượu cho nó thêm phần khí thế để chuẩn bị xuất quân. Xuất quân đi đâu? Thì đi đòi lại cái ao cho phú ông chứ còn đi đâu. Câu chuyện cụ thể ngày hôm đó phú ông lấy thịt đè người lấy mất cái ao của thằng Bờm, còn thằng Bờm nuốt ngược nước mắt vào trong nhìn cái ao đã gắn bó với đời nó từ bao nhiêu năm nay bỗng bỏ nó mà về tay người khác nó thê thảm, cảm động và thương tâm lắm, không bút mực nào tả xiết được, vì vậy tôi mạn phép độc giả không viết ra đây. Than ôi! Thương lắm, Bờm ơi!./.
Hà Nội, tháng 5 năm 2009