Trong một chuyến du lịch bụi,anh bạn người Phúc Kiến trên đường dẫn tôi đến thăm Lầu Đất - Một di sản kiến trúc thế giới của Trung Quốc mới được Unesco công nhận. Trên đường đi, hắn kể tôi nghe cách đây gần nửa thế kỉ lúc đó Trung quốc chưa phải là cường quốc hạt nhân như bây giờ. Một ngày đẹp trời nọ , máy bay trinh thám Mỹ trong một chuyến bay trinh sát Đại Lục đã phát hiện ra một vài địa điểm khả nghi. Đó là hàng loạt lò phản ứng hạt nhân nằm rải rác và được ngụy trang khéo léo trong các thung lũng trên cao nguyên Phúc Kiến. Tin đó làm Nhà trắng hết sức kinh ngạc và hoang mang. Liên tục sau đó hàng loạt bức ảnh từ vệ tinh quân sự và máy bay do thám gửi về xếp ngổn ngang trên bàn làm việc của lầu năm góc.
Lập tức một đội biệt kích tinh nhuệ được biệt phái đến ngay hiện trường làm nhiệm vụ. Sau mấy tuần chui rúc lăn lê bò toài họ có mặt đúng tọa độ cần đến. Khi đến nơi toán biệt kích mới té ngửa người ra, chẳng có lò phản ứng nào sất, tất cả chỉ là những ngôi nhà đất cửa thổ dân như những lò gạch khổng lồ được xây lên từ hơn trăm năm trước.
Chẳng biết câu chuyện anh bạn kể đúng được bao nhiêu phần trăm nhưng nó đã làm tôi tò mò và phấn khích cao độ, mong sao xe nhanh nhanh đến để được tận mắt chứng kiến. Tuy xe du lịch tốc hành loại đời mới cùng với đường lát bê tông phẳng phiu rộng rãi nhưng cũng mất hơn nửa ngày chúng tôi mới tới được cái nơi mấy tay biệt kích Mỹ năm xưa từng đến.
Tuyệt vời! tôi thốt lên.Những ngôi nhà kì lạ tròn veo cuộn mình bên nhau thấp thoáng giữa cây xanh và mây trắng hòa quyện vào nhau. Những lão tiều phu đốn củi. Những nông dân cần mẫn khom lưng trên đồi chè bậc thang xanh mướt. Những cảnh nguyên sơ đời thực này bây giờ thật hiếm hoi mà thường chỉ tồn tại trong tranh vẽ hay những bài thơ cổ.
Nhưng hôm nay tôi sẽ không tả về cái đẹp hay độc đáo cửa kiến trúc và thiên nhiên ở đây. Bài viết ngắn này chỉ muốn nói lên một góc nhìn hẹp về sự di dân và quản lí một nơi di tích qua tai nghe mắt thấy và lời kể người bản điạ.
Cô hướng dẫn viên giới thiệu rằng để giữ gần như trọn vẹn những di sản này nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của để di dân trong những ngôi nhà cổ đó. Trung niên ,trai tráng, trẻ em đều đựợc đưa đi kinh tế mới vùng lân cận. Trong làng chỉ giữ lại số ít các cụ già vẫn còn lao động được và một số ít con em ở lại bán hàng và làm thủ công chiếu lệ để có cái cho dân du lịch chiêm ngưỡng là chính mục đích duy trì cái bảo tàng sống này. Một lượng dân khổng lồ sau khi di cư họ vẫn làm trên ruộng đất cũ rồi lập thêm đất đai mới, nhưng một số vẫn thích quay lại chốn xưa, làm cho an ninh và trật tự vùng đó không phải lúc nào cũng yên ổn.
Và đúng vậy, trong khu bảo tồn kia không phải ngày lễ cũng không phải ngày cuối tuần mà khách du lịch thập phương cứ xếp hàng nhau san sát,những ô nhà cổ kính nguyên sơ từ sân vườn cho đến vật dụng bên trong đều rất cũ kĩ và lâu lâu mới thấy mấy cụ già bình thản ngồi phe phẩy quạt nan hay nhai bỏm bẻm xem ti vi. Họ sinh hoạt tự rất tự nhiên như chẳng hề có chúng tôi - người chụp ảnh người chỉ trỏ cười nói ra rả.
Bước ra quần thể nhà đất chúng tôi lại qua một làng cổ khác gần đó, lại mua vé,lần mua nay là thứ 3 chỉ trong nửa ngày. Giá vé không cao nhưng lại là đáng kể so với mức sống người dân quê ở đó. Chốt bảo vệ con con mà có tới hơn chục nhân viên ăn mặc nhiều loại đồng phục khác nhau trông coi (có lẽ họ là một đơn vị an ninh hỗn hợp của các làng hoặc các hội khác nhau)
Lần này tiếp chuyện chúng tôi là một anh xe ôm, cũng như ta, xe ôm một nơi di tích thắng cảnh nào đó ngoài việc đưa đón còn kiêm thêm nghề hướng dẫn viên bất đắc dĩ,có lẽ không qua trường lớp ăn nói hay khoa huấn luyện gì nên họ không văn hoa loè loẹt, nói trắng phau thẳng ruột ngựa, tự nhiên vô tư mà bày tỏ cảm xúc ... và vì thế rất thích hợp cho việc điều tra cái mặt trái hơn là hỏi hưỡng dẫn viên chuyên nghiệp. Ông kể làng hiện nay nhiều người vô công rồi nghề, kinh tế khá giả do nguồn thu từ lượng người du lịch tăng. Họ được chia cổ phần hàng năm cũng như khi di dời được đền bù thỏa đáng, số thanh niên này ăn chơi xả láng, gây nhiều tệ nạn. Cũng có nhiều người bất mãn do đền bù thua thiệt hay không có cổ phần lợi nhuận nào lại đến gay mất trật tự, gây gổ đòi lại nhà xưa. Bản thân ông cũng có hai thằng con vừa gia nhập đội quân thất nghiệp.
Khi chúng tôi dò hỏi về an ninh ở đây ông ta không ngần ngại ''khoe'' luôn tháng trước có 5 đứa bị bắt đi tù vì tội phá hoại và gây rối đấy. Đứa bất mãn cũng có, đứa ăn no rửng mỡ đi phá cũng có.
Tôi chợt nghĩ về phố cổ Hà Nội. Từ những năm 90 đến nay đã có hàng trăm cuộc hội thảo của các nhà khoa học, sử học, kiến trúc và quy hoạch và các chuyên gia nước ngoài thuộc mọi lĩnh vực. Hàng ngàn dự án, đề tài nghiên cứu khoa học từ sinh viên cho đến tiến sỹ để bảo tồn tái tạo hay duy trì quần thể di tích giá trị văn hóa lâu đời này nhưng hơn 20 năm nay vẫn phó mặc cho sự phát triển mất cân bằng và quá tải kéo theo sự xuống cấp nghiêm trọng. Chính các nhà chuyên môn đã khẳng định để bảo tồn được cần phải thống nhất 3 bên. Bên thứ nhất là các nhà chuyên môn. Thứ hai là nhà quản lí. Thứ 3 là chính người dân ở đó. Về chuyên môn ta có thừa ví dụ tiêu biểu là hàng ngàn đề tài khoa học được nói trên. Yếu tố thứ hai là người dân thì thế nào có lợi cho họ nói họ sẽ xuôi, nhưng để họ nghe phải dốc nhiều kinh phí chứ không ít. Và cuối cùng cái khó nhất là quản lí, di dân tạo nơi ở mới, công ăn việc làm mới cho họ. Cho dù là để làm bảo tàng sống tức duy trì một lượng dân số hạn chế ở lại làm kinh doanh, làng nghề... nhưng hiện số nhân khẩu trong một hộ quá mức bình thường tới 5 lần như một tờ báo thống kê, thì sự di dời dù khiêm tốn cũng rất kinh khủng kéo theo một hệ lụy khổng lồ cho nhà quản lí.
Có lẽ vì vậy đến nay tất cả chỉ vẫn còn trên giấy.
Ảnh về Lầu Đất-Phúc Kiến