1.ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG
Ông Hoàng Tiến Dị và bà Phan Thơ Mộng là cặp vợ chồng nổi tiếng thuận hòa, trung thủy. Sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, bạn bè, hàng xóm xúm đến hỏi bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cả hai ông bà đều không muốn nói. Và cuối cùng họ đã cùng đem “Bí quyết” ấy xuống mồ, tức cùng chết một ngày trước ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới…
Sau đám tang, mười hai đứa con của ông Dị và bà Mộng thu xếp đồ dùng cá nhân của ông, bà giật mình khi thấy dưới đầu giường của ông có giấu tấm ảnh phóng to, tô màu rất đẹp hình cô đào Cải lương rất nổi tiếng đương thời, còn dưới đầu giường của bà là tấm hình rất đẹp của một nhà doanh nghiệp cũng rất nổi tiếng đương thời!
Hôm 49 ngày của ông Dị, bà Mộng, cô đào Cải lương và nhà Doanh nghiệp cùng xuất hiện. Mọi người kinh ngạc tột độ khi thấy 6 cô con gái giống cô đào Cải lương y chang, và 6 anh con trai thì giống nhà doanh nghiệp từ đầu đến chân!...
2.TÁI ÔNG MẤT NGỰA
Ông Cả Tam ở làng Đình Trung, là một lão nông thuộc hàng trung lưu, làng ông cũng thuộc vào loại sầm uất, đông vui…Năm ấy, làng ông xuất hiện một băng nhóm ăn trộm. Lần đầu, chúng dắt đi của ông con bò cái. Ông bảo:”Các người biết chuyện Tái Ông mất ngựa không hả? Con bò nhà ta sẽ trở về cùng với một thằng bò đực mê gái cho mà xem!”Nhưng chờ đến gần một tuần lễ chẳng thấy bò trở về, người nhà lại báo mất thêm một con lợn nái! Ông Cả Tam lại nói:”Tái Ông mất ngựa đã lưu truyền hàng ngàn năm nay, chẳng lẽ lại sai? Thế nào con lợn nái cũng trở về cùng với một thằng lợn đực mê gái!” Lại chờ một tuần nữa, cũng chẳng thấy lợn nái trở về cùng với thằng lợn đực mê gái! Vợ ông Cả Tam thấy thế không chịu nổi nữa, nói:”Ông mau đi sửa chữa lại hàng rào, cổng cửa ngay đi, kẻo trộm nó lấy nốt đàn gà thì còn gì nữa!”, rồi ngồi khóc hu hu! Nhìn vợ khóc lóc thảm quá, ông chợt tỉnh ngộ, lẩm bẩm:”Mình là Cả Tam chứ có phải là Tái Ông đâu mà ngồi chờ thứ bị mất rồi lại trở về?!” Ông Cả Tam ngừng lẩm bẩm rồi vác dao ra bụi tre, ông quyết làm lại cái hàng rào thật chắc chắn!
3.THANH MAI TRÚC MÃ
Trong một xóm nghèo nhưng thanh bình ở một vùng quê non xanh nước biếc, có hai nhà là hàng xóm láng giềng rất thân thiết, một nhà sinh cậu con trai đặt tên Mã, một nhà sinh cô con gái đặt tên là Mai. Chưa biết hai đứa bé sau này sẽ như thế nào nhưng hai bên cha mẹ đã hẹn ước sẽ cho chúng thành vợ chồng khi đã lớn khôn.
Năm tháng trôi đi, hai đứa bé ngày nào đã lớn thành một đôi nam thanh nữ tú, thật là xứng đôi vừa lứa, chỉ chờ ngày lành tháng tốt là kết tóc xe tơ! Nhưng anh chàng Mã được lên huyện, rồi lên tỉnh, rồi lại lên Thành phố học Đại học, được tiếp xúc với biết bao tài tử giai nhân chốn phồn hoa đô hội liền quên phứt đi người bạn gái nơi xóm nghèo mà mải mê chạy đuổi theo những bóng hồng chốn thị thành. Chàng Mã cũng được vài tiểu thư yêu kiều để mắt tới, chàng cũng kéo vào lòng mình được vài cô gái đa tình… Nhưng ái tình ở chốn thị thành thật là cay nghiệt, “ngày gặp gỡ đã thấy mầm ly biệt”!... Sau hơn chục năm lăn lộn tình trường chốn thị thành, cuối cùng chàng Mã thất thểu về quê với gia tài chỉ có hai chữ THẤT: “Thất tình” và “Thất nghiệp”!
Cô bạn hàng xóm tên Mai bé nhỏ ngày nào đã trở thành bà chủ trang trại lớn, thấy chàng Mã trở về thì cho người tới nói với chàng Mã:”Trang trại này là của chàng, mấy năm qua em chỉ trông giùm chàng mà thôi! Chàng quên là hồi xưa chúng ta đã gọi nhau là “Mã Trang chủ” và “Mai Trang chủ phu nhân” rồi sao?” Chàng Mã nghe nói vậy thì cảm động vô cùng, không nói nên lời mà bỗng khóc rống lên như cha chết!...
Sau đó, người ta thấy trang trại phát triển với tốc độ “Phi mã”, hàng nông sản của trang trại đã xuất khẩu ra nhiều nước lớn trên thế giới!... Khi thấy Mã Trang chủ và Mai phu nhân Trang chủ sóng đôi đi dạo trong Trang viên, ai cũng trầm trồ “Đúng là Thanh mai trúc mã!”…
4.ÔM CÂY ĐỢI THỎ
Có một bà chủ tịch Hội Phụ Nữ xã X, một hôm nằm mơ thấy Thần Tài hiện lên nói rằng : “Ta cho ngươi một cái cây Tiền, ngươi cứ ôm chặt cái cây ấy là Tiền sẽ vào như nước!” Hỏi : “Ông nói rõ hơn đi chứ, chẳng lẽ cứ bắt tôi ôm cái cây hoài sao?” Thần Tài cười nói : “Sao ngươi ngu thế? Khi nào có người đến xin vay tiền thì ngươi cứ việc bắt họ nạp tiền mãi lộ! Cây Tiền ấy chính là Quỹ xóa đói giảm nghèo đó!” Bà chủ tịch Hội Phụ Nữ xã X nghĩ một hồi thì hiểu ra ngay, và từ đó, cứ có ai đến Quỹ xóa đói giảm nghèo (do bà trực tiếp quản lý) vay tiền thì bà bắt nạp cho bà một, hai triệu nếu vay năm, ba triệu!
Mọi người ai cũng bất bình nhưng biết làm sao bây giờ ngoài việc tự nguyện làm “Con Thỏ” lao đầu vào Cây Tiền để cho bà Chủ tịch Hội phụ nữ xã “vặt lông”!
Tôi đem chuyện này nói với một ông bạn quan chức ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo hẳn hoi, ông nói:”Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, hòan toàn do địa phương tự chủ, mà gọi tắt là “Địa chủ”! Địa chủ bóc lột nông dân là chuyện cũ mèm, ai thèm để ý tới!...Bây giờ người ta toàn nói chuyện “Hiện đại hóa”, “Toàn cầu hóa” không à !”
5. VỀ QUÊ
Nếu anh về quê theo tiếng hát của cô thôn nữ, anh sẽ chỉ thấy cánh cò trắng bay hoài trong ca dao, anh sẽ bị lạc trong bạt ngàn ca dao, cổ tích!...
Nếu anh về quê theo người bán kẹo kéo, kẹo mạch nha, hoặc bán tò he, đồ chơi con nít…anh sẽ thấy mẹ già lưng còng đang bắt cua, xúc tép ngoài đồng…có bán được giá cũng chỉ đủ mua kẹo cho mấy đứa cháu cởi truồng thò lò mũi xanh đang chạy theo tiếng còi hơi của người bán kẹo!...
Nếu anh về quê theo sự thúc giục của bàn chân, anh sẽ đến hết được những nơi cần đến!
Sài Gòn, đầu tháng 6-2009