Cứ mỗi buổi chiều từ năm giờ hoặc có hơn năm mười phút. Chú Tư cụt đã dọn sẵn lên bàn một chai “đế” hai xị và vài ba con khô với mấy miếng xoài mới hườm chín, nhưng vẫn còn chút ít vị chua. Đôi khi chú “cuốc” bộ ra ngoài lộ dầu mua một dĩa gỏi thịt vịt hoặc vài trứng hột vịt lộn. Không ai dám khẳng định là chú đang chờ thằng Tửng bởi vì ghiền rượu. Nhà thằng Tửng ở cách nhà chú chừng hơn trăm mét, nó thường hay qua nhâm nhi với chú, lắng nghe chú nói chuyện ngày xưa, ngày nay… mà cuộc đời chú nay tuổi hơn sáu mươi, chú đã từng chứng kiến mắt thấy, tai nghe bao đổi thay thăng trầm trên cõi đời này. Thằng Tửng là tri âm của chú, dù biết nó hiểu được rất ít những gì chú đã nói với nó.
Những con cá lớn cở bằng hai ngán tay mà chú bắt được bằng cách giăng lưới dưới con kinh tưới tiêu chảy ngang qua cánh đồng đậu phọng của chú Tư. Nhiều thì không có nhưng lai rai chiều ngày nào chú Tư cũng xách thùng về được gần cả kí, có khi “trúng mánh” gần hai kí lô, kho mặn ăn cơm hoài cũng ngán, chú mổ bụng cá sạch sẽ rồi sát muối lấy dây kẻm xỏ xuyên qua mang cá đem phơi nắng làm khô. Người dân một nắng hai sương ở vùng Trung Minh trồng đâu phọng khắm khá lên là nhờ đậu. Cách đây khoảng hơn mười năm tuy nhà cửa thưa thớt nhưng nay đã khác, ngày trước nhà lá lụp xụp, trong nhà có máy cassette-radio là sang lắm để được dịp khoe với hàng xóm. Hiện tại nhà nào nền cũng cao, thấp khiêm nhường chắc cú là cao vài ba tất thi nhau xây theo kiểu Thái Lan, Tây-Tàu, nhu cầu sinh hoạt giải trí gia đình chỉ cần điện thoại: A-lô có người chỡ vô tận nhà thiết kế, muốn đi đâu xe máy hai, ba chiếc thoải mái rồ ga chạy vụt vù. Mùa khô trồng đậu, mùa mưa trồng lúa, lúa trúng mùa là nhờ phân bón của đậu còn tích lũy trong đất. Có hạnh phúc nào hơn sẽ được hòa tan vào vùng đất có một thời mang danh “vùng đất trắng”, vùng tự do oanh kích của những máy bay chiến đấu nhãn hiệu USA, cùng với những trận càn bắn giết dã man [Việt Cộng chết đâu không thấy, chỉ thấy phơi xác những thường dân vô tội?]
Gần một năm sau 1975, chú Tư Cụt mò về quê hương nơi có một mảnh đất chú không thể nào ngờ đó là sư thật. Ngày đoàn tụ, ba chú Tư có được một đứa cháu từ trên trời rơi xuống cộng với nỗi vui mừng không sao nói hết. Rồi có một ngày chú Tư là người duy nhất thừa kế lại mảnh đất của ba chú để lại . Ngày chú Tư quy cố hương với một hình hài; cánh tay phải chỉ còn một phần tới cùi chỏ, tay trái còn nguyên, chú dẫn theo thằng con trai ba tuổi, người ta không biết mặt mũi vợ của chú tròn méo ra sao. Lúc bây giờ ba chú Tư là Huyện đội trưởng, dân tại địa phương gọi thân tình là anh Ba huyện đội. Những ngày nghĩ cuối tuần ba chú Tư chỉ mặc một chiếc quấn đùi, đội nón tai bèo ra ruộng cùng với thằng con “độc thủ” san lấp lại những dấu tích đạn bom còn rải rác trên mặt ruộng, có khi cuốc đất đắp bờ cho cao ráo. Một tiếng nổ không lớn lắm được phát ra từ trái bom bi, ba chú Tư ngã xuống với nhiều vết bi tròn ghim vào lồng ngực. Ngày đưa ba của chú đến nghĩa trang liệt sĩ huyện, đầu óc của chú miên man không thể nào hiểu được. Tình yêu thương mặc nhiên nó đến với con người tại sao lại quá ngắn ngủi [?] Chú Tư nói thầm với chính mình: “Nay ba về nằm gần bên má, chắc số trời đã định như vậy!”.
- Con nghe ba con nói: bà Ba chết ở trong bưng phải hôn bác Tư? Thằng Tửng hỏi chú Tư Cụt.
Trầm ngâm một hồi chú Tư mới trả lời: “Má của bác là giao liên từ xã lên huyện mình, trên đường về gần sáng bị lính trinh sát sư đoàn bắn chết. Trời sáng nó lôi xác má của bác lên lộ, tụi lính kích lại một đêm rồi ngày sau mới bỏ đi!!!”
Năm 78 có mặt trên thế gian này, tên khai sinh thằng Tửng cũng đẹp như bao đứa trẻ khác. Từ lúc nó được ba hay bốn tuổi gì đó, má nó mới bắt đầu để ý tới nó nhiều hơn. Nhớ cái ngày cô giáo ở trường mẫu giáo xã dắt nó về giao tận tay má nó, cô giáo nói: “Em rất mong được sự thông cảm của chị và gia đình. Cháu Anh Hùng biểu hiện tính nết không bình thường, có lúc giận dữ đánh bạn cùng lứa trong lớp, có lúc hiền lành ngồi lầm lì một mình không không chịu hát cùng với các bạn”. Cô giáo trao đổi với gia đình vài điều và động viên rồi ra về. Cuối thập niên 80 má thằng Tửng mang trong mình một căn bệnh quái ác, thường hay bị co giật hai mắt trợn trừng vô cảm một hồi lâu mới tỉnh. Ba nó cũng tìm cách đưa má nó đến nhiều bệnh viện thành phố nhưng không tìm ra nguyên nhân căn bệnh chính xác, giấy khám&chuẩn đoán ghi: Có thể bị nhiễm độc hóa chất đã từ lâu. Đành phải khăn gói đem vợ ra về chứ biết làm sao?! Không biết ai bày vẽ chuyện này cũng hơi quái dị: ba thằng Tửng kiếm từ đâu ra được một miếng sọ người đem về mài trong nắp lu pha nước vo gạo cho má nó uống… chỉ là một biện pháp cầm cự, cùng đường ai chỉ gì thì làm để cầu may?! Những vuông đất đang canh tác gọp lại hơn hai mẫu lần lượt chuyển quyền sở hữu cho những người trong ấp. Mỗi tháng với đồng lương thương binh loại II chỉ đủ mua thức ăn linh tinh đắp đổi qua ngày và trả tiền tiêu thụ điện lưới quốc gia. Buồn quá ba thằng Tửng lân la ra nhà những chiến hữu cùng một thời nay đã về “vườn” với đủ lý do… chỉ có cách lấy rượu trắng giải sầu, tối tìm đường về nhà lăn ra ngủ để quên đi bộ mặt của mình: “Tại sao cũng là người mà mình khổ quá trời như vậy. Có phải đó là nghiệp chướng?!” Ba thằng Tửng những ngày còn ở trong khu là một chiến sĩ xuất sắc của đơn vị Nội chính, hắn rất gan dạ ban đêm đi cắt ngang ruộng gần đồn nghĩa quân về xóm, từng tuyên đọc bản án trước mặt những tên Việt gian, chiêu hồi chỉ điểm rồi sau đó hắn ban cho tên tử tội một viên đạn “ân huệ” vào đầu.
Sáng sớm thức dậy vẫn còn “dư âm” trong người, ba thằng Tửng nhìn vô mùng hai má con nó, thấy nó còn ngái ngủ, linh tính một điều gì không ổn, hắn bừng tỉnh chạy ra ao cá sau nhà cách chừng hai mươi mét. Ba thằng Tửng sững nhìn chiếc dép cao su êm đềm trên mặt nước ao… những cánh bèo hờ hững đang giạt vào đám cỏ nước [chuyện này chú Tư và cả ấp biết không xót một chi tiết nào]. Năm sát thủ là biệt danh của ba thằng Tửng. Chuyện đã qua từ lâu, bây giờ là huynh đệ thường cưa đôi nước trong cái ly “xây chừng” mà hai người rất tâm đắc.
Ba thằng Tửng là người trọng nghĩa nhân, hắn thường rầy thằng Tửng sao không qua nhà bác Tư phụ những chuyện vặt khi bác Tư cần. [tuổi đời chú Tư hơn ba thằng Tửng hai tuổi].
- Mấy bữa nay sao không thấy chú Năm mày ra quán con Ba Đẹt uống cà phê? Chú Tư cụt hỏi Năm sát thủ.
- Dạ, trời cứ mưa hoài cái chưn em bị nhức âm ỉ mấy ngày nay, thằng Tửng không có nói với anh sao?!
Chiều mưa bay lất phất, tiếng hạt mưa rơi từng chập như một điệu nhạc trên mái thiết bên hông nhà chính của chú Tư. Năm sát thủ nhìn ra cánh đồng có đường chân trời xa ngút mắt.
- Nhiều lúc uống với chú vài ly, tôi thường nói: có gì mà phải buồn! Nói là nói như vậy, chứ tôi cứ nghĩ hoài. Bởi vì, có những điều tôi luôn phân vân; từng ngày mình đang sống có phải là một tội đồ mang nặng nghiệp chướng, hay là phải sống để nhìn thấy “quả báo nhãn tiền”[?] May là chú có thằng Tửng tuy nó hay “mưa nắng bất thường” nhưng cũng còn nhờ cậy được lúc nào hay lúc nấy. Phải chi tôi đừng mua xe gắn máy cho thằng con của tôi thì làm gì có chuyện một mình đang đếm từng ngày chờ chết?! Bởi vậy, lúc nào tôi cũng nhớ hai câu ông bà mình thường hay nói: “Đói cơm khát nước tèm hem-no cơm ấm áo lại thèm nọ kia”, nghĩ cũng chí lý quá phải hôn chú Năm?
Còn nhớ có mấy năm liên tiếp là mùa bội thu đậu phọng, giá đậu tăng cao hết mức, lãi một tấn đậu phọng bỏ túi gần tám triệu, chú Tư Cụt cân cho thương lái hơn năm tấn đậu. Là con độc nhất nên thằng nhỏ muốn gì chú Tư không chìu nó. Chú thường nói với chính mình: “Nó không có mẹ và cũng không còn ai, nếu mình chết đi rồi của cải này nó hưởng chứ ai vô đây!” Khi nó đã qua tuổi mười tám, nó hợp nhãn với con nhỏ ở ấp kế bên. Chú Tư nhờ người mai mối để hỏi cưới về làm vợ nó. Hai đứa ăn ở rất hòa thuận, nhưng nghiệt nỗi là sự chờ đợi từng ngày của chú Tư không có những tin tức phản hồi từ cái bụng của con dâu yêu quý. Không biết có phải nỗi buồn đang hòa tan trong máu nó? Thằng con chú Tư bắt đầu tập đánh bida độ ăn nhậu, tụ tập với đám thanh niên ngoài huyện vô xã cá độ bóng đá, lúc không có bóng đá nó ôm “kê” chiến đến trường gà. Chiếc xe Cup 81 màu lông chuột là gia tài kỉ niệm từ thập niện 80, trị giá lúc đó gần ba cây vàng 24k nên chú Tư cưng lắm, giao cho nó chạy một thời gian xe tự mọc cánh bay biệt dạng. Thỉnh thoảng nó bỏ nhà một đêm sáng hôm sau nó mới hiện về, vợ nó có hỏi qua loa rồi cũng xong chuyện, đi hoài trở thành quen chân. Một buổi chiều mát trời “ông địa”, nó chạy chiếc xe mới mua được vài ngày ra ngoài chợ huyện, nó mời thỉnh mấy ông “trời con” cùng với nó thẳng tới quán bia ôm làm một chầu đến lúc “buông tay lưới”, bước ra về không muốn vững, lên ngồi trên xe nổ máy ầm ầm. Trên đường về một đám năm mạng thách đố đua xe chạy trên quốc lộ liên tỉnh [đường mới làm chưa có dải bê tông phân tuyến]. Chắc có lẽ là cần phải biểu diễn vài pha lã lướt, hai xe cọ xát dính vào nhau, mất thăng bằng hai chiếc đâm thẳng vào trụ điện trung thế mé đường bên trái. Một thằng văng xa hơn mười lăm mét nằm thở thoi thóp, còn thằng con trai quý tử của chú chú Tư đập đầu vô cột điện chết không kịp ngáp.
- Em hỏi thiệt anh Tư, nhưng anh Tư đừng buồn em sao nó lại dám hỗn với anh?! Năm sát thủ e ngại khi hỏi chú Tư.
- Tôi về đây sống gần với chú mấy chục năm rồi, có khi nào chú nghe tôi nói gì không phải với ai hôn. Chuyện gì thắc mắc chú cứ hỏi, tôi biết thì tôi nói cho chú nghe. Con người sống hay chết không thể biết trước, ngày mai có còn thấy mặt nhau hôn, chết là hết chứ có đem theo được cái gì đâu?! Không cần phải nhắm chừng chú Chín cầm cái ly đưa lên miệng ực một cái. Chú đưa cái ly còn nửa nước cho Năm sát thủ.
- Anh bị tai nạn hay bị gì mà cụt hết nửa cánh tay vậy. Ba anh đi theo cách mạng, lúc trước chưa hòa bình anh Tư ở đâu?!
- Nói ra cũng dài lắm, nếu là chuyện thì phải có đầu có đuôi, tôi nghe ba tôi kể: Quê nội tôi ở tận ngoài Bắc, ông nội tôi bị bắt đi làm phu đồn điền ở miệt Hớn Quảng nay là tỉnh Bình Phước. nghe nói thuở đó đi vô Nam mười người, số may mắn còn sống chỉ một, hai người thôi. Không biết bằng cách nào, ông nội tôi chạy được qua Miên rồi gặp được bà nội tôi buôn bán theo kiểu tiểu thương bên chợ trời gần biên giới phía VN. Vô một ly nữa đi rồi tôi kể tiếp… Khi có ba tôi ông nội tôi bàn là phải về VN sống, lần lượt trôi nổi qua nhiều bến đậu rồi sau đó chọn nơi đây dừng bước giang hồ để lập nghiệp. Ba tôi nói ông nội tôi tánh tình ngay thẳng, hay giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, và nhứt là không biết sợ bọn “cường hào-ác bá” tuy không có bà con thân thuộc nào ở đây. Làm sao một con cọp chống lại nổi một bầy sói? Tụi nó tìm cách bắt cho được ông nội tôi rồi đem đi biệt tích luôn. Bà nội tôi kể cho ba tôi nghe: “Tụi làng nó nói ba con làm gián điệp cho Việt Minh”.
Chú Tư Cụt nhìn Năm sát thủ: “Rót nữa đầy ly đi chú, hồi chiều tôi mua một lít đừng sợ hết. Uống bao nhiêu thì uống nếu mệt thì nghĩ!”
- Năm mười sáu tuổi ba tôi đi vô rừng, ba tôi vì căm thù hay là gì tôi làm sao biết được, lúc đó tôi còn đang ngủ trong đầu gối của ổng mà. Nói dứt câu này chú Tư bật cười giòn rụm, bưng ly “chơi” liền một ngụm.
- Ba tôi để ý má tôi lúc còn ở ngoài này, khi đi vô trong ông vẫn thường liên lạc thư từ với má tôi. Mấy năm sau sức mạnh tình yêu đã giục má tôi vào khu gặp ba tôi, đám cưới được tổ chức trong đó, tất nhiên là theo nguyên lý tôi phải có mặt để làm người và sống cho đến ngày hôm nay.
- Khi lớn lên anh sống với má anh hay anh ở đâu? Hỏi dứt câu Năm sát thủ với tay lấy điếu thuốc lá đen quẹt ga mồi rít một hơi dài.
- Tụi lính VNCH nó đánh hơi được, nó nghi ngờ rồi đánh dấu đỏ trên góc Tờ khai gia đình, An ninh quân đội nó hỏi má tôi: “không có chồng tại sao có con?” Má tôi khôn khéo nên cũng qua được lần hỏi cung đó, thời chiến tranh nhà dân phải vô ở trong ấp chiến lược mà. Tôi lớn được hơn một tuổi rồi, má tôi đem tôi xuống Sài Gòn gửi cho người em gái kết nghĩa từ dạo còn buôn bán nuôi tôi. Sống lây lất trong một gia đình có thêm tôi nữa là chín miệng ăn. Dì đó và chồng tốt bụng lắm, tuy xã hội luôn phải tìm cách chụp giựt nhưng cũng dễ làm ăn, chồng dì được miễn dịch vĩnh viễn [không sợ bị bắt lính], vì chân trái nhỏ so với chân phải cở 50%, hai vợ chồng dì mua-bán hàng trộm cắp của Mỹ tại chợ Ông Tạ. Ngừng lại để nhớ… nhưng không quên hớp một ngụm rượu, chú Tư tiếp tục câu chuyện.
- Thời gian qua đi vùn vụt phải hôn chú? Dần dà tôi lớn lên lúc nào cũng không hay, tôi chỉ biết những người trong gia đình đó là ruột thịt của tôi. Năm tôi mười tám tuổi thi đậu Tú tài I thấy gia đình ngày càng suy yếu thu nhập về mặt tiền bạc, còn ba đứa em đang học phổ thông. Tôi cùng với mấy thằng bạn đăng ký đi lính mong sao kiếm được tiền về phụ giúp gia đình vượt qua những khốn khó! Tôi được đào tạo [đặc biệt] mười tám tháng tại Mã Lai do người Mỹ huấn luyện. Ra trường trở về bộ Tổng tham mưu [nay là BCH Quân khu 7], nghĩ phép được một tuần, sau đó trực thăng chỡ hết đám ra Đà Nẳng, phục vụ tại vùng I được hai năm, sống trong rừng cả tháng là chuyện bình thường. Kỉ niệm lần cuối khó quên, một đêm định số trong đời của tôi, nhóm ba thằng được trực thăng sơn màu rằn ri chỡ đi, còn những nhóm khác đi đâu chỉ có đầu não điều hành mới biết. Còn sớm mà, chơi với tôi nghe tôi kể hết rồi về. Năm sát thủ ực nửa ly rượu còn để trên bàn.
- Tôi đã vào sanh ra tử không biết bao nhiêu trận không sao nhớ hết. Đêm đó tôi còn nhớ như in tới bây giờ. Ba thằng tụi tôi chia nhau ba mũi đột kích vào trạm xăng dầu trên đường Trường Sơn. Tụi tôi dùng lựu đạn Mini quăng vào mục tiêu lửa bùng cháy mạnh. Chú cũng là lính chú biết rồi, loại lựu đạn trang bị cho tụi tôi là loại cực mạnh, sức tàn phá gần mười trái lựu đạn thường cấp cho lính bộ binh. Cũng may là có gốc cây, tôi bị dính một viên AK nát bàn tay, nhưng tôi vẫn còn tỉnh táo chạy rút lui vô rừng phía sau lưng dù trời tối đen như mực, khi dừng lại nghĩ mệt, tôi còn nhớ lấy băng cá nhân trong ba lô ra, theo quán tính tôi băng chặt bàn tay, xong rồi tôi lấy mấy viên thuốc bỏ vô miệng ngậm. Chú biết sau đó là gì hôn? Chú Tư Cụt hỏi Năm sát thủ, hắn nhìn chú Tư không nói một lời nào.
- Tôi tiếp tục đi khi đã định hướng từ các vì sao trên bầu trời, đó là hướng đông mà trước khi đi tay sĩ quan [điều nghiên địa hình tác chiến] đã nhắc nhỡ: “Mấy anh khi thi hành xong nhiệm vụ, nên nhớ phải về hướng đông dùng máy truyền tin cá nhân gọi trực thăng sẽ đến rước”. Nhóm tụi tôi nghe rất rõ điều này. không thể tính được là tôi đã đi được bao xa, mặt trời lên cao lắm sương mù mới tan, nếu muốn về thì phải tìm được bãi trống. Sương mù chưa tan hết, mây đen lại kéo đến, bàn tay tôi bắt đầu đau nhức có lẽ là nó đang sưng lên trong lớp vãi băng. Mưa trút nước xuống dữ dội, nhờ có tấm poncho trùm kín đầu và toàn thân, tôi chịu trận thêm một đêm nữa. Tôi cố lê lết đi tới gần chiều ngày hôm sau, không có nỗi vui mừng nào so bì được, một khi tôi cũng tìm thấy một khoảng trống. Sau này tôi mới biết đó là vùng thung lũng A sầu [Asao] giáp ranh biên giới Lào trực thuộc tiểu khu Thừa Thiên [Huế]. Chuyến đó hai thằng bạn đã nằm lại Trường Sơn, ngày về bệnh viện quân y dã chiến: bác sĩ nói bàn tay tôi không thể cứu được, vì đã bị nhiễm trùng lan lên khỏi khủy tay và chỉ còn một cách là phải tháo khớp.
- Còn chị Tư vợ anh sao không về đây với anh, mấy chục năm nay anh chỉ sống một mình với thằng nhỏ?
- Năm 71 tôi ra Hội đồng Giám định Y khoa vùng III, tay trái tôi cầm được giấy quyết định giải ngũ với mức thương tích 70% lãnh lương suốt đời cho đến chết. Tôi tìm đến thăm má của thằng bạn cùng nhóm mà tôi đã kể, nhà nó bên Khánh Hội, còn nhà thằng kia ở ngoài Quảng Ngải. Chắc là duyên nợ hay sao em gái thằng bạn lại thích và yêu tôi, rồi hai đứa quyết định tiến tới hôn nhân, ngày về dân tôi đã mang lon trung úy, má thằng nhỏ lúc đó xin được việc làm chân thư ký ở tòa đại sứ Mỹ, mức lương hai vợ chồng sống với bà mẹ già cũng tương đối dễ thở. Ngừng một hồi lâu chú Tư nói tiếp.
- Nghĩa nhân và đạo đức phải luôn nhớ trong tâm khi ta còn sống để làm người, điều này ba má nuôi luôn dạy khi tôi còn đang học PT từ những năm đệ tứ [lớp 9] bây giờ. Ngày 30/4/75 nghe tiếng của tướng Minh từ đài phát thanh Sài Gòn đọc lệnh đầu hàng quân Giải phóng. Sáng ngày hôm đó cuộc “tháo chạy tán loạn” rất quyết liệt tại khu vực tòa đại sứ Mỹ, trước đó mấy ngày vợ tôi có báo với tôi: nếu có sợ một khi VC tiến chiếm Sài Gòn, thì cả gia đình nên chuẩn bị và được ưu tiên ra đi trước: “Em có đi thì đi với má và bồng con theo, còn anh không thể nào ra đi được. Vì ba má với mấy anh chị em của anh ra sao?” tôi nói với vợ tôi như vậy.
Năm sát thủ trố mắt nhìn chú Tư rồi hỏi: “Chị Tư đi rồi sao thằng nhỏ còn ở lại?”.
- Những tháng năm gần 75, tôi ở nhà đọc sách phụ với má vợ giữ thằng nhỏ, tôi gần như là mẹ của nó. Người ta hay nói con nít có tánh linh, tối 29/4/75 nó khóc thét giữ lắm và ôm chặt lấy tôi, vợ tôi dụ cách nào nó cũng không chịu đưa tay qua cho mẹ nó bồng. Vợ tôi bối rối hoảng loạn không còn biết tính sao đành phải chở má vợ tôi bằng Honda tới tòa đại sứ.
- Uống gần đứt chai rồi, mà sao không biết say phải hôn chú Năm mày?! Chú Tư hỏi Năm sát thủ. Phà khói thuốc bay tan nhanh theo gió, chú Tư nói tiếp: “Tôi học cải tạo tại địa phương mười ngày. Qua năm 76 má nuôi tôi cho tôi biết về lai lịch của tôi… tôi thu xếp chuyện làm đâu vào đó rồi dẫn thằng nhỏ tìm về đây sống cho tới bây giờ.
- Theo em biết được, anh không có bà con dòng họ nào ở xứ này?
- Cho tới bây giờ tôi cũng không cần phải giấu chú làm gì. Mấy tháng trước tôi thường hay vắng nhà năm-bảy ngày, có nhờ thằng Tửng dòm ngó chừng dùm. Tôi đi xuống má nuôi tôi: bà nay đã ngoài tám mươi đang sống với hai thằng em, sẵn dịp này tôi đã nộp đơn xin qua Mỹ định cư, đây là lần chót chương trình “nhân đạo” này không có nữa. Tôi được ưu tiên mà.
- Trời! Anh Tư đi thiệt hả anh Tư, còn đất đai nhà cửa anh bỏ lại cho ai?! Năm sát thủ nhìn chú Tư Cụt trả lời:
- Tôi ra đi thì cũng phải có ngày quay về. Giấy báo rồi, nếu tính chỉ còn hai mươi tám ngày nữa tôi lên máy bay, qua bên đó có anh Hai, chị Ba và các cháu đón tôi… Còn chuyện đất đai tôi đã tính toán sòng phẳng hết rồi. Đất ruộng là ba mẫu sáu công, đất nhà ở là hai công. Hai mẫu đất tôi cho hai thằng em ở Sài Gòn tùy tụi nó sử dụng, sáu công còn lại gần nhà chú có mả bà nội tôi, tôi cho chú phần đất đó. À quên! Cái nhà và đất thổ cư tôi cho con dâu, tội nghiệp nó hiền quá! Nghe người ta nói nó về bển cũng chưa có chồng khác. Như vậy là ổn rồi phải không chú? Nay là thứ tư, thứ hai tuần sau họp mặt đầy đủ tại V/p Địa chính xã [Tài nguyên&môi trường] tôi sẽ ký tên cho hết và chuyển quyền sử dụng luôn!
Nghiêng chai vốc cho dứt giọt cuối cùng vừa đủ một ly. Chú Tư Cụt cưa đôi ly rượu với Năm sát thủ, hắn nhìn chú Tư như muốn nói một điều gì đó nhưng không thốt được thành lời. Đã hơn 10 giờ đêm, tay cầm đèn pile với dáng đi khập khiểng, Năm sát thủ bước chậm rãi về phía nhà mình./.
Viết thay người bạn đang định cư tại California-USA
TN tháng 6 /2009