Có được vài ba chữ viết lách hôm nay , ngoài muôn điều phải nhớ , tôi thường nghĩ về Hội An , về mái đình Cẩm Phô uốn lượn những lớp ngói vảy cá rêu nâu ,nơi ông Giáo già vừa gọt bút chì , vừa bày cho chúng tôi vỡ lòng bảng chữ cái A,B,C…
Khi cơ chế thị trường chưa len lỏi về phố Hội ,một nhà thơ ở làng Nam Diêu đã gọi tên đời sống nơi đây mang “ nhịp điệu những mái nhà “ . Phải thôi , những mái nhà vảy cá cao thấp vừa phải dựa kề nhau , dẫu xám ngắt rêu phong vẫn nhẹ nhàng ẩn chứa và thâm trầm với bao biến đổi và thời gian . Hội An có một loại cây gắn với tuổi thơ tôi – cây trứng cá , địa phương gọi là cây sơ-ri . Chắc do phố hẹp , lề đường nhỏ , khó hợp với các loại cây cổ thụ , nên người ta trồng thứ cây vừa vừa này . Mỗi ngày đến lớp ,tôi và chúng bạn mang theo cái cù khèo (cây sào hái trái) , giấu kín trước khi vào trường ,chờ đến lúc tan học thì rủ nhau hái sơ-ri . Gần như trên đường có mấy cây bọn tôi nhớ cả , cây nào sắp có trái chín thì để ý , lâu ngày thay vì hái cuối buổi học , bọn tôi hái trước khi vào trường , nếu không làm thế nhóm bạn khác sẽ hái trước . Hái được trái rồi , bọn tôi dồn tất cho một đứa giữ trong cặp sách , đến giờ chơi chia đều ra ăn . Nhóm bạn này tranh với nhóm bạn khác hái sơ-ri , vậy là có nhóm bạn khác phịa rằng , nếu không dâng lên con khỉ Chùa Cầu những trái chín nhất , trái to nhất , thì đến đêm con khỉ Chùa Cầu sẽ đi hái hết sơ-ri của phố . Nhóm bọn tôi nghe thế lo quá , sáng nào hái xong ,mỗi đứa cũng dâng lên cho con khỉ trái to nhất , mãi sau đó mới phát hiện , thì ra lúc bọn tôi vừa rời Chùa Cầu , nhóm phịa chuyện liền vơ hết cho vào cặp sách , đem tới lớp , giờ chơi đem ra ăn một cách ngạo nghễ . Bọn tôi tức anh ách , mà đành chịu thua . Đúng là trò ranh trẻ con , giờ nhớ lại thấy buồn cười và dễ thương biết chừng nào ! Trong số những điều Hội An vỡ lòng cho mình , khi phải dông dài với ngày tháng , tôi tiếc nuối đứng lại đâu đó nhìn những rơi rớt dần , dù chỉ là một cái chào nhau hay nếp sinh hoạt gần gũi đến giản dị , thân ái và độ lượng nữa , như cái cớ để cùng sống với đất đai , trăng trời và gió biển . Những đêm mất ngủ , tôi ngồi nghe lại giọng rao khuya của người bán dạo , tiếng guốc mộc lách cách đầu phố thì cuối phố đã nghe , giống điệu gõ phụ họa , mà chẳng làm phiền giấc ngủ của ai , bởi âm thanh quen thuộc này đã hóa thân vào lòng đêm Hội An từ bao đời.
Mùa lũ về , gặp năm nước lớn , được đi ghe giữa hai dãy nhà cổ , ít có thú vị nào hơn . Lúc ghe đậu lại mua hàng , tôi tranh thủ bắt dế để dành khi nước rút đem chọi với chúng bạn , phần thưởng cho đứa có con dế thắng thường là cái bánh su xê vàng óng hay lon bắp rang thơm nức , đơn giản vậy mà khó quên . Nếu được mẹ cho theo xuống bến đò lên Câu Lâu mua lụa Duy Xuyên , hay qua bên kia sông Hoài nhằm mùa thu hoạch đậu phộng là cả tuần có chuyện khoe với bạn bè cùng lớp về món khoai chà , dưa hấu hay bắp ngào đường non… Khi còn công tác ở Đà Nẵng , lúc cần yên lặng , tôi thường về Hội An , ngồi uống cà phê cạnh Chùa Cầu để nhìn , để nghe , để nhớ…những cái bắt đầu mê hoặc mình ở đây . Đứa trẻ trong tôi nghĩ về cha mẹ , quê hương từ khi mãi đứng bên bến đò gần chợ , nghe một bà cụ chèo ghe bán mì Quảng , trong lúc chờ khách đến ăn , cất lên một làn điệu hò khoan nhắn nhủ của người xưa về tổ tông , công khó sinh thành , vậy mà có người đi qua dừng lại nghe cho đã , rồi ăn mì trước khi bà cụ mời , còn tôi thì bị mẹ la cho một trận vì tưởng đi lạc. Ai mà chẳng biết Hội An có một món ăn riêng , chẳng nơi nào thấy , món Cao lầu . Bây giờ đến phố cổ , người ta gặp rất nhiều quán bán Cao lầu , nhưng đâu phải quán nào cũng bán loại ngon . Tôi còn nhớ cha tôi nói là , muốn cho sợi cao lầu ngon và thơm hương vị đặc biệt , người ta phải lọc nước dùng ngâm gạo với một loại than chở tận đảo Cù Lao Chàm về . Bây giờ , có lẽ nhu cầu thị trường , người ta chẳng đoái hoài đến công thức ấy nữa . Ở Sài Gòn , thỉnh thoảng tôi ghé quán Faifo trong con hẻm ở đường Huỳnh Tịnh Của , vừa ăn cao lầu cho đỡ thèm , vừa có thể trao đổi vài chuyện về Hội An ngày trước , nên cứ ngỡ mình đang ngồi nơi phố Hội . Tôi chẳng biết gọi cách sống của người Hội An trong cái nghĩ trẻ thơ của mình như thế nào , song hiển nhiên có một phong thái riêng , điều này thực tế hơn khi đi xa , tôi hiếm gặp , và nếu gặp người Hội An thì dễ nhận ra , dù người đi lâu hay mới xa phố Hội .
Có buổi đi học về , trời mưa , tôi lánh vào mái hiên ven đường , thế là có dịp nhìn hai ông cụ râu tóc bạc trắng , ngồi đánh cờ , nhấp nước trà , cao hứng vì một nước cờ trội , ngâm nga vài câu thơ cổ mà tôi chẳng hiểu mô tê . Sau này nhớ lại , tôi hình dung từ những người này điều gì đó thung dung , không lắm lời và cũng chẳng thái quá . Phải chăng được quần tụ bởi phố , trong mức giao lưu bặt thiệp ,người ta thản nhiên như chính những mái ngói âm dương mặc trời mưa nắng , lặng lẽ cùng ngày tháng sinh ra , lớn lên và tồn tại bằng cảm quan của riêng mình .
Sau này , tôi thường ghé Hội An mỗi khi về đất Quảng , cứ mỗi dịp như thế lại càng thấy Hội An đã ở đâu đó trong con người mình lâu rồi ! Vẫn khu phố cổ nườm du khách muôn nơi , khu phố mới được bày biện tươm tất chứ không lộn xộn , chắp vá như trước kia . Tôi vẫn giữ thói quen lội một vòng trong chợ Hội An , để được nhìn màu rau xanh , màu bánh đủ loại , ngửi mùi trầm đầu chợ , mùi cá biển tươi rói…và nhất là được nghe giọng các mẹ , các chị trao đổi , mua bán với khách mà thấy tần ngần chất Quảng , chất Hội An đã lạt đi ít nhiều trong mình lâu nay . Nhà thơ Hoàng Lộc người Hội An , trải qua nhiều thay đổi đời mình , đã có lúc trở về nhìn lại phố và người xưa , bùi ngùi viết :” Mất nhau từ dạo chưa chìm nổi kia”. Men theo câu thơ của anh , tôi thấm thía nhận ra có một thế giới tuổi thơ của mình với Hội An đã mất , thế giới của bóng phố cổ dài theo vệt nắng tranh lụa , của gió sông Hoài thì thầm đêm trăng , giờ chỉ còn lại đâu trong giấc xa lơ lắc đời mình . Xin chia buồn với một giấc mơ có thật , giấc mơ về Hội An và những cái vỡ lòng đã xa !...
Đôi khi tôi tự hỏi mình , với những cái vỡ lòng kia , liệu mình có nợ nần với Hội An , với ông Giáo già , với một ai đó có lần dắt tay tôi qua cầu An Hội dưới trời mưa…Chỉ biết rằng , trong cuộc sống , thỉnh thoảng tôi nhìn chung quanh từ những cái vỡ lòng dạo ấy , không phải để hoài niệm , mà trong cơn thức tỉnh lòng mình với đời sống tất bật , ồn ào không thiếu những điều cám dỗ xa lạ .
Sài Gòn, 6.2009