Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.675
 
Cuốn sách còn lại
Nguyễn Minh Phúc

… Không biết suy nghĩ thế nào mà khi tốt nghiệp ra trường, tôi lại chọn nơi “khỉ ho cò gáy” nầy làm nơi dạy học. Trường tôi, nếu có thể gọi được như vậy là những căn phòng nhỏ lợp đầy lá thốt nốt, loại lá đốn từ những cây cao lừng lững, mọc đầy ở vùng biên giới cành nhọn sắc và lá thì to bè. Gọi là lớp học nhưng thật ra chẳng có bàn ghế, bảng đen. Cô giáo là tôi và đâu chừng bảy tám học sinh người Khơ me ngồi học trên những thân cây lồ ô ghép tạm bằng dây choại, loại dây mảnh nhưng được cái rất chắc mà tôi cùng đám học trò và anh Ngạc kiếm tận trong rừng Tà pét gần đó mang về vào những ngày chủ nhật.

 

Hạnh phúc có thật không tôi không biết nhưng niềm vui nho nhỏ khi được dạy dỗ, vui chơi với các em học sinh người dân tộc nhỏ bé làm tôi không dứt ra được nơi nầy mặc dầu thời gian làm nghĩa vụ của một giáo viên xoá mù chữ ba năm của tôi cũng sắp kết thúc.

 

Tôi muốn nói về anh Ngạc một chút. Một chút thôi bởi dường như giữa chúng tôi cũng chưa có mối quan hệ gì sâu sắc cả. Anh là sĩ quan cấp uý, đại đội phó một đại đội biên phòng đóng quân sát cạnh trường tôi. Khoảng ngoài ba mươi, người tầm thước, gương mặt hiền lành nhưng rắn rỏi, cương nghị. Trong mắt anh, tôi luôn đọc thấy nỗi buồn tê tái nhất là những khi chiều về, anh và tôi thường ngồi bên hàng cây thốt nốt cạnh trường tôi trò chuyện. Cũng may là khi về đây tôi gặp  được anh. Hầu như tất cả những công việc khi mới nhận công tác xoá mù nơi đây đều được các anh bộ đội, nhất là Ngạc giúp đỡ. Từ một mảnh đất hoang, bốn thầy cô giáo mà độc nhất chỉ một mình tôi là nữ cùng các anh ở đồn dọn dẹp, san đất, đắp nền, vào rừng đốn cây, xin lá thốt nốt đánh tranh làm mái. Công việc kể ra thì nghe đơn giản chóng vánh nhưng chúng tôi đã phải vất vả hàng tháng trời mới dựng được ngôi trường nầy.Tuy chưa khang trang lắm nhưng cũng sạch sẽ và tạm che mưa nắng được cho học sinh khi đến lớp. Ngạc là người sốt sắng nhất. Từ sáng sớm, khi sương còn đọng trên những cành sim tím vùng biên giới đã nghe anh í ới gọi đồng đội chạy băng xuống trường tôi. khi thì dựng cột, khi thì lợp mái, cắt lá, đốn cây. Thú thật, nếu không có các anh bộ đội gần đấy giúp sức, chúng tôi cũng không biết xoay xở cách nào …

 

Rồi công việc dựng lớp cũng tạm ổn. Tôi cố vận động các em dân tộc Khơ me đến lớp. Lúc đầu cũng thuận lợi, các em được cha mẹ cho đi học. Lớp tôi được tám em. bốn trai bốn gái. Các em thông minh, ham học và quý mến tôi. Càng ngày, tôi cũng thấy thương yêu, gắn bó với chúng nó. Nhìn các em bi bô đánh vần, kẽ chữ trong tôi niềm xúc động trào dâng mãnh liệt. Hạnh phúc đâu có gì lớn lao, cao xa quá. Tôi mang niềm vui khôn tả ấy về trường và chợt thấy ấm áp, bình yên trong những ngày có các em, có các anh bộ đội bên cạnh …

 

Nhưng niềm vui của tôi cũng chỉ được non tháng. Học đâu được chừng vài tuần lễ, khi đến mùa gặt lúa là các em học sinh nghỉ học giúp gia đình, không đứa nào chịu đến lớp. Trong khi tôi bối rối không biết làm cách gì để kéo chúng lại thì Ngạc đã giúp tôi bằng cách đến từng nhà có con em cùng các anh bộ đội hứa giúp đỡ gia đình cần người trong mùa vụ. Thật lạ! Khi tôi đã tốn biết bao nhiêu công sức thuyết phục các em đi học không được thì các anh bộ đội chỉ cần đến chân ruộng động viên một buổi sáng là xong. Các anh miệng nói tay làm , xông xáo nhảy xuống các đám ruộng chín vàng giúp bà con gặt hái. Tôi đọc thấy trong mắt người dân tộc Khơme lòng biết ơn chân thành, thật sự quý mến các anh. Và sáng hôm sau, có lạ không, khi tôi bước vào lớp thì đã thấy đông đủ các em học sinh hôm trước xin nghỉ học. Ôi! Còn có niềm vui nào bằng …

 

*

 

… Trong thâm tâm thú thật là tôi rất quý Ngạc, anh bộ đội đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong đời tôi. Tuy ít nói về mình nhưng tôi biết anh được mọi người trong đơn vị tin yêu, quý mến, bà con ngươì dân tộc chung quanh chỗ đóng quân yêu thương, tin cậy. Có lần, anh đã hiến cả máu mình để tiếp cho một cậu bé chăn trâu chẳng may bị cây đè mất máu chút nữa thì mất mạng. Hình ảnh anh không biết từ lúc nào cư ám ảnh, vấn vít quanh tôi nhất là những khi đêm về, một mình ngồi soạn bài trong phòng vắng.

 

Nhưng rồi tôi thật sự thất vọng và buồn khi hay tin anh đã có gia đình. Biết làm sao khi tôi quen anh chậm quá! Đứa con trai duy nhất của anh đâu chừng bốn tuổi đang sống với mẹ nó ở thành phố. Anh ít khi tâm sự nên tôi chỉ nghe loáng thoáng khi các bạn anh kể trong những lúc vui miệng. Tôi cũng nghe đâu rằng vợ anh vì không chịu nổi cảnh sống xa chồng, khó khăn gian khổ nên cứ đòi ly dị. Thì ra là vậy! Hèn chi thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hiện lên trong mắt anh nỗi buồn sâu kín. Hỏi anh cứ tảng lờ như không có chuyên gì xảy ra. Thật tội nghiệp cho anh.Tôi cũng không biết an ủi anh bằng cách nào …

 

.. . Buổi chiều hôm ấy, anh đến từ giã tôi. Anh bảo anh phải về để thu xếp chuyện gia đình. Hình như mắt anh ngân ngấn nước. Tôi lục túi tìm chai dầu gió xanh, lọ dầu mẹ tặng tôi khi lên đây công tác trao cho anh với lời động viên chân thành: Dù gì cũng phải nghĩ đến đứa bé vì tôi mơ hồ linh cảm điều gì không may xảy đến cho gia đình anh.Từ ngày anh đi tôi nơm nớp âu lo, cầu trời cho gia đình anh êm thấm, hạnh phúc. Anh đã giúp đỡ tôi quá nhiều, đối với các đồng nghiệp tôi quá tốt. Không lý do gì mà những người tốt như anh lại phải gặp những điều khó khăn, bất trắc. Tôi thầm mong như vậy …

Nhưng trời lại không chiều ý tôi. Một tuần sau trở lại đơn vị tôi không còn nhận ra Ngạc nữa. Gương mặt anh hốc hác, nước da xanh tái, đôi mắt hõm sâu chứng tỏ nhiều đêm thức trắng. Tay anh dắt theo cậu bé mà tôi đóan là con trai anh lững thững bước về doanh trại. Chẳng mấy chốc tôi đã biết tin : anh và vợ anh đã đưa ra toà ly dị với lý do là chị đã nhận lời hứa hôn cùng với một ông Việt kiều giàu có và chuẩn bị xuất cảnh. Anh không buồn nhưng đau đớn. Dầu gì thì anh và cô ấy cũng đã có con. Thế rồi cuối cùng anh cương quyết dành đứa bé và đưa con về sống với mình. Bộ đội chúng tôi không có gì quan trọng bằng tình yêu. Yêu quê hương, yêu đồng bào, đất nuớc, yêu đứa con mà tôi đã tạo ra … Anh đã dõng dạc nói với quan toà như vậy trong buổi xử ly hôn. Và dù có cực khô đến đâu, gian nan cách mấy, tôi vẫn bảo vệ tình yêu đó. Nếu chúng tôi có đổ cả máu xương khi cần để gìn giữ những gì thiêng liêng nhất thì chúng tôi cũng sẵn sàng. Không biết anh đã cương quyết và lập luận như thế nào mà cuối cùng toà xử cho anh nuôi đứa bé. Âu cũng cất được phần nào gánh nặng cho vợ anh, ngừơì đàn bà cương quyết thôi chồng đi theo tình yêu mới …

 

Mấy hôm sau anh mới mang thằng bé ra thăm tôi. Thoạt nhìn cháu, tôi đã muốn bật khóc. Cháu còn nhỏ quá, cứ giương cặp mắt lạ lẫm e dè nhìn chằm chằm như sợ tôi chạm vào người nó. Nhưng cháu dễ thương thật. Cặp mắt thông minh mở to, đôi môi hồng đỏ chúm chím nụ hồng, cánh mũi thon thả và nhất là những chiếc lông tơ mịn màng trên đôi má phúng phính. Không cầm lòng được, tôi ôm lấy cậu bé, hôn chùn chụt trên mắt trên môi khiến cậu cứ giẩy nẩy lên làm Ngạc phì cười. Anh cứ lúng ta lúng túng dỗ cậu, đẩy sang tôi khi cu cậu chưa quen làm tôi cũng thẹn đỏ mặt. Các bạn anh không biết từ đâu xuất hiện, vỗ tay reo lên ầm ỹ: “ Chúc mùng anh Ngạc! Mừng thủ trưởng lại có  gia đình nhỏ “ làm cả hai chúng tôi mắc cở không biết trốn vào đâu …

 

… Kể từ đó, mỗi lần có dịp, Ngạc lại cùng cậu bé đến thăm tôi. Đời tôi như được chấp thêm đôi cánh hạnh phúc từ ngày có cha con anh bên cạnh. Dù không ai nói ra, nhưng chúng tôi có cảm giác rằng không thể sống thiếu nhau được. Rồi cậu bé cũng quen dần và quấn quýt với tôi suốt ngày. Vài tháng sau thì cậu không chịu về doanh trại với anh nữa. Chuyện gì đền cũng đến! Anh xin phép đơn vị cuới tôi. Và gia đình tôi cũng đồng ý. Thế là một đám cưới đơn sơ được tổ chức ngay vùng biên giới : Đám cướí mà chú rễ là anh bộ đội biên phòng còn cô dâu là tôi, cô giáo xoá mù cùng cậu bé con chạy lúp xúp đằng trước khiến ai cũng phì cười. Bạn bè anh chuẩn bị khá chu đáo, rạp cưới là mảnh vải dù rộng căng trên bờ cỏ. bàn ghế là những thanh cây ghép ngang ghép dọc trông thật lạ và vui mắt. Hoa cho cô dâu và chú rể thì vô số : Những cành hoa sim tím, hoa bằng lăng, hoa dại ven đường mà lính ta cột lại từng chùm hết anh nầy đến anh khác lần lượt mang đến chúc mừng không biết để đâu cho hết. Quà cưới của bà con người dân tộc Khơme là những mãnh đường thốt nốt được gói trong những chiếc là vàng ươm, những chai mật ong thơm ngát và những chiếc bánh nếp dẻo quẹo mà mọi người đã thức cả đêm hôm trước để gói. Tôi cảm động đến rưng trào nước mắt. Người dân đối với các anh bộ đội thật thắm đượm nghĩa tình. Chúng tôi cùng múa lâm thôn, múa dù kê trong ánh lửa bập bùng trước doanh trại. Không biết học từ đâu mà lính ta có vẻ thành thạo trong điệu múa lâm thôn. Những cánh tay rắn chắc, mạnh mẽ là thế bỗng trở nên mềm mại, dẻo quẹo khi cùng các cô gái Khơme nhảy hết điệu múa nầy đến điệu múa khác. Cuộc vui diễn ra đến tận nửa đêm. Đây là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Bầu trời đêm và các vì sao như nhảy múa trong đôi mắt long lanh của tôi … Bỗng nhiên tôi bật khóc vì sung sướng …

 

Đêm tân hôn, Ngạc tặng tôi một cuốn sách. Đời lính anh chẳng có gì làm quà cho em nhân ngày vui của chúng mình. Đây là cuốn sách viết về người lính biên phòng, khi nào rãnh em mang ra đọc, Ngạc bảo vậy. Những khó khăn  gian khổ, những mất mát hy sinh mà các anh chịu đựng chỉ vì một mục đích là mang lại hạnh phúc, yên bình cho mọi người, là giữ vững chủ quyền đất nước, Ngạc thầm thì bên tai tôi

 

. .. Tôi cầm cuốn sách mà rưng rưng nước mắt. Ngoài bìa là tấm hình vẽ anh bộ đội áo xanh mang huy hiệu và khẩu súng trên vai còn phía trước anh là cánh rừng đầy hoa sim tím. Tôi chợt hiểu những điều Ngạc nói. Tôi ôm chầm anh và bất giác thầm thì: Em yêu anh …

 

*

 

Tôi đã sống trọn vẹn những ngày hạnh phúc nhất đời mình bên Ngạc, bên đứa con trai của chúng tôi (giờ tôi đã là mẹ nó). Tôi đã yêu thương như chưa hề được yêu thương, đã hạnh phúc như chưa từng hạnh phúc. Ngạc cho tôi biết thế nào là một tình yêu lớn, thế nào là sự hy sinh vì hạnh phúc của mọi người. Tôi học ở anh tấm lòng người lính, sự vị tha, lòng nhân hậu kể cả sự hy sinh chịu đựng đau khổ âm thầm vì niềm vui của những người khác. Ở anh, tôi còn khám phá ra sự nhẫn nại, khiêm tốn hết lòng vì đồng đội, gia đình. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã mang anh lại cho tôi.

 

…. Nhưng rồi, hạnh phúc chỉ ở lại với tôi trong hơn một năm trời. Khi chúng tôi vừa được tin vui có con thì Ngạc đã không còn nữa. Tôi đã như chết đi sống lại nhiều lần, nỗi đớn đau xé tâm cang và như điên dại khi nhận được tin anh đã hy sinh trong một trận phục kích của đám tàn quân Pôn pốt ở vùng biên giới trong một cuộc hành quân truy bắt chúng. Đồng đội anh kể lại: Để cứu tiểu đội đi sau khỏi sa vào ổ phục kích của địch, anh đã tự mình làm vật cản cho địch phát hiện và chấp nhận hy sinh. Bọn chúng cuối cùng bị tiêu diệt nhưng ta phải đánh đổi anh, người sĩ quan bộ đội biên phòng dũng cảm. Hôm đưa xác anh về làm lễ truy điệu, tôi cứ ao ước mình được chết theo anh. May mà hai đứa con cùng nhũng lời động viên an ủi của bạn bè anh đã giữ tôi lại. Tôi khóc ngất lên và té xỉu  khi đồng đội anh tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng …

*

 

… Còn lại trong tôi cuốn sách mà hôm tân hôn anh đã yêu dấu tặng tôi. Người lính ngoài bìa tranh vẽ trông giống anh vô cùng, cứ như nhìn tôi hằng ngày trên kệ sách. Tấm hình anh như an ủi vỗ về tôi mỗi khi tôi buồn đau, tuyệt vọng, như động viên tôi đứng lên mỗi khi tôi vấp ngã trước cuộc đời đầy sóng gió bão giông, như khuyên tôi hãy biết sống cao cả, lặng lẽ hy sinh, làm việc giúp ích cho đời, nhẫn nại nuôi nấng dạy dỗ hai đứa con chúng tôi nên người. Tôi mang theo cuốn sách nầy đi suốt đời và thầm hứa với anh: Tôi sẽ sống như anh đã sống, đã yêu thương như anh đã từng yêu thương – người chồng tuyệt vời yêu dấu của tôi ./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2908
Ngày đăng: 19.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến bây giờ mới kể - Khaly Chàm
Thời hạn - Trương Văn Dân
Truyện ngắn ngắn – 10 - Đỗ Ngọc Thạch
Tiên Thủy - Mang Viên Long
Thằng Bờm mất ao - Huỳnh Văn Úc
Chuyện một nhà báo - Đỗ Ngọc Thạch
Chị Hà - Đặng Văn Sinh
Một vụ ám sát hụt - Phạm Nguyên Trường
Chiếc cà vạt - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn - 9 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)