Ngạc đến trễ gần ba mươi phút. Thông cáo mời họp ghi 14 giờ 30, nhưng Ngạc vào cổng trường thì đồng hồ trên tay anh chỉ 15 giờ thiếu bốn năm phút gì đó. Phòng họp ồn áo, không biết đang bàn cãi những gì? Ngạc vào ở cửa chính, ghé tai ông Giám học nói nhỏ lí do đến trễ, rồi vào ngồi ở hàng ghế đầu. Hàng ghế đầu luôn luôn còn chỗ cho kẻ tới chậm, bởi vì ngồi ở đó thì không thể dựa lưng vào tường. Thiệt thòi cho người tới sau chứ không phải là một vinh dự gì. Phòng họp giáo sư là một phòng học. Các bàn được xếp thành hình chữ nhật, kê hai hàng ghế, ngoại trừ một chiếu rộng ở cửa chính chỉ có một hàng cho quí vị trong Ban Giám Đốc. Người tới trước đều ngồi ở dãy ghế sau, kê sát vách, có thể hàn huyên hay dựa lưng thoải mái. Hình như nghề dạy học đạm bạc thường làm cho người ta mỏi mệt, ưa ngồi và dựa lưng..
Từ ngày các khẩu hiệu kêu gọi tự túc tự cường để khỏi lệ thuộc ngoại viện, nhà giáo phải đứng nhiều hơn trong các lớp ở trường tư thục. Có kẻ đứng một ngày tám tiếng đồng hồ, buổi tối còn đứng lai rai thêm một tuần gần mươi giờ nữa ở các lớp cours. Nhà giáo càng bị chứng bệnh hư phổi, yếu thận, mỏi lưng, ưa ngồi nhiều hơn trước. Ngạc nghĩ rằng qua những cuộc họp bàn cãi quanh quẩn, vừa tự kiêu vừa đố kỵ ; cố ý bắt bẻ nhau, làm cho anh nhiều lúc cũng mỏi lưng, nhức đầu ghê gớm; dầu anh còn trẻ, cố gắng không phải đứng thêm ở một trường tư nào, và không bị bại thân. Thực ra, ai cũng biết rằng trường trại còn nhiều việc phải chỉnh đốn, nhiều sai lầm phải thay đổi, những tệ trạng cần tẩy sạch; nhưng chuyện thường kéo dài thì giờ lại là chuyện nhỏ nhặt, tầm phào; và người ta cũng hết muốn nghe. Từ buổi họp đầu năm cho đến buổi họp lần cuối này, Ngạc có được kết luận là những gì đã bàn cãi, thảo luận ở đây đều chỉ để ghi vào biên bản mà thôi. Người ta đều không làm theo những gì đã nói, mà chỉ làm theo ý thích riêng – những ý thích thường biểu lộ cái lòng ham muốn thấp kém, đầy rẫy oán cừu, bè phái.
Phòng họp đang có vẻ sôi nổi về việc chọn học sinh xuất sắc (về học lực, hạnh kiểm, hoạt động ) toàn trường. Giọng nói sang sảng, đầy tự tin và kiêu hãnh của Chính báo cho Ngạc biết rằng công chuyện sẽ nan giải, lộn xộn, rắc rối, tốn nhiều thì giờ cãi cọ như bấy khi. Chính và người cậu của anh ta thường xuất hiện lên tiếng nhiều nhất trong hầu hết các buổi họp về mọi thứ chuyện; nhưng tùy theo cường độ của giọng nói, biến chuyển của nét mặt và bộ điệu; Ngạc biết vấn đề sẽ nhức đầu mỏi lưng hay không. Ý nghĩ này khiến Ngạc nhớ tới vài buổi họp sẽ phải (nay được mời) tới dự từ nay có tới ngày có thể xách valise về quê thăm nhà năm mười hôm trước khi tiếp tục những công tác thí vụ. Có lẽ đây là thời đại của những cuộc họp, những lời nói, sự kiêu hãnh, và ưa chuộng bề ngoại. Ngạc nghiệm thấy, càng họp hành mọi việc càng trở nên khó khăn hơn, rồi cũng từ đó, đi đến chỗ bất lực, tuyệt vọng hay chia rẽ, nghi kỵ nhau. Làm thế nào để các cuộc họp là những buổi gặp gỡ ấm cúng, cởi mở, thúc đẩy cho mọi nổ lực xây dựng kết họp hướng dẫn chắc chắn cho những hành động của cá nhân và tập thể ?
Ngạc đứng dậy đến chỗ ông Hiệu trưởng mượn bao diêm đốt một điếu thuốc, trao tấm giấy ghi tên ba học sinh được phần thưởng của lớp Ngạc hướng dẫn cho ông Giám học, rồi lẳng lặng đi thẳng ra cửa. Anh đi điềm nhiên như ra khỏi một căn phòng trống. Trên lầu hai, dãy cuối phòng Giám thị, bọn học trò nhìn thấy Ngạc đã đưa tay vẫy, gọi. Ngạc cắm cúi bước, làm như chẳng để ý gì tới. Anh đến cầu thang, và lên lầu với bọn học trò đã chờ sẵn. Thấy Ngạc tới, chúng kéo lại. Ngạc gọi vào phòng. Trên các dãy bàn xếp theo hình chữ nhật, chè đã múc ra ly; bánh ngọt, kẹo, limonat đã bày biện thứ tự. Sau Ngạc vài giáo sư trẻ có giờ dạy ở lớp Ngạc hướng dẫn cũng lặng lẽ và điềm nhiên đi theo. Trong số đó có Kiều. cô giáo dạy Việt Văn.
Buổi liên hoan mở đầu bằng lời cảm tưởng, những hứa hẹn và chúc tụng quí thầy cô một mùa hè hạnh phúc, khỏe mạnh, của Hạnh – trưởng lớp. Ngạc, với tư cách một người hướng dẫn, cũng đã nói đôi lời dặn dò, chia vui, Trưởng ban văn nghệ giới thiệu vài tiết mục văn nghệ, gồm có đơn ca, tam ca, ngâm thơ, và hợp ca. Buổi gặp mặt thực ấm cúng và cảm động. Trên gương mặt của bốn mươi hai đứa học trò, Ngạc thấy gương mặt nào cũng phấn khởi, sung sướng. Những nét lo âu, buồn bã; những lời giải bày như lời than thở; những giọt nước mắt đột ngột; tất cả những hình ảnh đó bây giờ không có ở đây. Một năm học đã qua. Dầu sao thì cũng đã trọn một niên khóa với một kết quả tốt đẹp . Ngạc chú ý nhìn mấy người học trò lớn tuổi, vài học trò kém vì ngoài giờ đến trường phải ra chợ buôn bán, làm hết mọi chuyện gia đình cho người mẹ về quê lo cày cấy. Họ đều có mặt. Tuy im lặng hơn, ít nói cười, nhưng anh thấy được nỗi hân hoan hiện rõ trên những môi cười rụt rè, ánh mắt ngời sáng lãng quên. Sống trong cái không khí tình nghĩa và hạnh phúc đó, Ngạc lại thấy thêm một sự thiếu sót của nhà trường trong những ngày cuối năm quá ảm đạm, rời rạc, và cách thức tổ chức hiệu đoàn , đặt để các giáo sư hướng dẫn không gì hơn là chỉ ký học bạ, hướng dẫn học sinh cộng điểm. Một ngôi trường được tự hào là “lớn nhất nhì Việt Nam, lớn nhất Trung phần, một ngôi trường hào hùng sáng chói” mà chỉ có lèo tèo vài ba lớp tự động tìm cách gặp gỡ, tổ chức liên hoan như lớp Ngạc hướng dẫn. Nghĩ vậy, anh càng quí mến bọn học trò, và cảm thấy xót xa, buồn bã cho sự lạc lõng, ngơ ngác cho tuổi thơ của chúng. Tuổi thơ, không hư hỏng, nhưng tuổi thơ bị bỏ quên. Bị bỏ rơi. Trong nhiều năm dạy Việt Văn, theo dõi dòng tư tưởng, đời sống, ký ức của học trò, Ngạc nhận thấy chúng quá nghèo kỷ niệm. Ý tưởng và cảm xúc vì thế cạn cợt, nhạt nhẽo, đôi khi gượng ép.
Cuộc vui kéo dài mãi tới khi buổi họp chấm dứt. Để kết thúc, Ngạc đề nghị cô Kiều ngâm thơ. Cô Kiều có giọng ngâm thơ tuyệt vời. cũng là một nhà thơ. Kiều đỏ mặt. Ngạc mời như nài nỉ. Khi Kiều đứng dậy, Ngạc biết nàng vì mình hơn là học trò. Ý nghĩ nầy khiến anh nhớ thoáng tới buổi chiều đầu tiên tìm tới phòng trọ thăm nàng. Những món được thấy ở phòng nàng (cây đàn, mấy tập nhạc, vài ba tập thơ, các tạp chí văn nghệ, truyện của Hoàng Ngọc Tuấn ,v.v…) đã giúp anh đoán biết tâm hồn, đời sống thường nhật của nàng. Sự tưởng tượng do óc phán đoán mỗi ngày càng khiến anh thấy thương mến Kiều. rồi yêu nàng bằng những mơ tưởng khi nghĩ tới một hình bóng nào đó thấp thoáng, lặng lẽ, nói cười, vỗ về, tha thiết. Tiên Thủy chẳng hạn .
Trời đổ mưa đột ngột. Các người bạn có mặt đã ra về trước khi mưa tới. Cả Kiều. Nàng phải về để lo tiếp tục cho buổi gặp mặt năm mươi người bạn trong trường do Ngạc tổ chức trước ngày mọi người về quê. Ngạc ngồi nán lại viết và ký vào các quyển lưu bút lần lượt đưa tới. Anh cảm thấy vui sướng lẫn cảm động khi được viết vào giữa các quyển lưu bút, giữa những kỷ niệm nhỏ nhắn hiền hòa, giữa đời sống thơ ngây xinh đẹp của chúng. Ngạc cũng có chút ngạc nhiên, rằng học trò cũng chưa quên hẳn được các quyển lưu bút. Ngạc mong muốn hết thảy học trò đều nên sắm tập lưu bút để ghi lại những kỷ niệm, những tình cảm rực rỡ của tuổi thơ, cho dầu sau đó ít lâu có thể có những tập lưu bút còn dang dở sẽ được viết tiếp về nữ công gia chánh, hay các bài tính cộng trừ. Ngày nào còn sống được cho sự hy vọng, các giấc mộng, những kỷ niệm tươi thắm của tuổi học trò, thì hãy sống cho thực đầy đủ, trọn vẹn. Đời sống luôn luôn hứa hẹn những lo âu, những bấc trắc, khiến người vội vàng sống mà không còn dịp nắn nót một vài câu văn ghi lại các kỷ niệm hay xúc động của mình nữa.
Ngạc đã trễ mười lăm phút mà trời chưa tạnh mưa. Cơn mưa có vẻ ồ ạt, dữ tợn hơn trước. Bọn học trò theo Ngạc xuống lầu, đứng trước văn phòng giám thị. Nhìn mưa. Sân trường lênh láng nước. Mấy cây Hoàng Điệp rũ lá, hoa rụng trôi nổi trên mặt nước, hoa còn trên cành thì ngã màu, héo xèo lại. Một buổi sáng đến lớp trễ, nhưng khi đi băng ngang sân trường nhìn thấy người phu đang quét dọn những cánh hoa vàng trải đầy sân, Ngạc đã dừng lại kêu ông ta đừng nên quét dọn những cánh hoa, mà chỉ nhặt giấy rác thôi. Sân trường trải hoa vàng đẹp. Những cánh hoa làm cho tà áo trắng thêm tươi sáng. Sân trường bớt vẻ hiu quạnh của những ngày cận hè. Người phu có lẽ nhìn lại cũng thấy lời Ngạc nói là đúng (hay là ông ta đã mỏi tay ? Bận lo phụ vợ trông coi quán nước?), đã bỏ dở công việc. Trận mưa lúc nầy như bất hạnh đổ xuống bất ngờ cho những người con gái lòng đang đầy mộng ước, nên thơ. Ngạc nói ý nghĩ buồn bã của mình về những cánh hoa Hoàng Điệp nổi từng mảng trên mặt nước cho học trò. Chúng im lặng.
Trời mưa quái lạ. Ngạc nhìn đồng hồ. Mưa kiểu này dám kéo dài tới tối. Từ bây giờ (là 6 giờ 40 phút) đến giờ giới nghiêm (11 giờ đêm), anh còn nhiều cái hẹn, nhiều việc phải lo. Cuối cùng, Ngạc từ giả học trò chạy ào ra sân. Băng qua cổng. Chạy dưới mưa. Ngạc nghe sau lưng anh từng chuỗi tiếng cười của bọn học trò. Chúng đang chạy đuổi sau anh …
Ngạc thức dậy lúc năm giờ sáng. Anh nhìn đồng hồ, nhẩm tính đêm qua chỉ ngủ được có bốn tiếng đồng hồ. Trở về nhà sau giờ giới nghiêm, lục đục viết mấy cái thư cho vài người bạn, viết thêm mấy trang chót trong tập nhật ký cho Tiên Thủy – những quyết định quan trọng, thu xếp được cái tủ sách rồi, nằm lăn ra ngủ. Bây giờ là năm giờ sáng. Ngạc phải lo thu dọn tiếp căn phòng (sách báo, áo quần, rác rưởi, v.v…) để trả lại cho chủ trước khi lên bến xe cho kịp chuyến nhất đã lấy sẵn vé từ chiều hôm qua. Ngạc loay hoay hết chỗ này tới chỗ nọ. Các quyển sách, những tập báo, những xấp bản thảo, thư từ, hình ảnh., thiệp báo hỷ, lại được nhét vào những thùng giấy cũ. Mỗi năm, những tập báo, quyển sách, bị nhét vào thùng di chuyển ít nhất là ba bốn bận. Vào dịp nghỉ hè, những cuốn sách nằm im với bụi, lũ dán và mọt, trong ba tháng. Tất cả những thư từ, thiệp báo hỷ, chúc Tết đều được Ngạc bỏ vào một bì giấy lớn, gói kỹ, đem cất vào trong tủ sách. Vài lần trong một năm, Ngạc mới có dịp dở ra đọc lại. Năm nay Ngạc không có thì giờ xếp lại thứ tự những lá thư, những tấm thiệp mà nhét vội vào thùng giấy cùng với mớ sách báo. Những lá thư bỏ giữa mớ sách báo cũ, chúng sẽ sống chung với lũ dán và mọt, điều nầy làm anh có cảm tưởng tất cả những gặp gỡ, kỷ niệm, và đời sống của anh cũng lạc lõng, ngậm ngùi như thế. Chúng bị nhét vào chỗ nầy một ít, chỗ kia một ít, thất lạc và im lặng. Anh có ý nghĩ, có lẽ anh sẽ khó tìm gặp lại chúng giữa bề bộn sách báo, trong những thùng chứa đồ cũ. Ngạc vừa ân hận, vừa buồn bã.
Đầu tiên là Ngạc nhờ người phụ khiêng cái tủ sách qua nhà bà chủ quán đầu hẻm gởi. Sau đó anh gọi xích lô chở những thùng giấy bỏ ở nhà một người bạn đầu đường Hoàng Diệu. Ngạc thu dọn hết thảy những giấy tờ, thư từ không đáng giữ lại đem ra phía góc sân đốt. Công việc được làm xong trong bốn mươi phút, Ngạc chỉ còn mười lăm phút sách valise lên bến xe. Anh chưa kịp ghé quán đầu hẻm uống ly café thường ngày. Chắc hẳn vì thế Ngạc có cảm tưởng như mình đang bỏ quên một điều gì mà không nghĩ nhớ ra. Thêm vào đó, những buổi sớm im vắng đầu hè, giải sương mù quyện lấy ngọn tháp, những đọt cây, bao trùm một lớp mong manh trong dãy phố lười biếng thức dậy, gây cho Ngạc nhiều ý tưởng bùi ngùi, những quên nhớ bâng quơ. Ngạc bước đi chậm, ngó trước ngó sau, chợt vui với sự thay đổi (dầu chỉ là một chuyến trở về) mà mình sắp được sống. Đời sống cần cù với nghề dạy học đã giết dần nơi anh những ham thích trôi nổi phiêu bạt. Lúc nầy anh đã nhận ra dần sự tàn tạ của mình. Nghề dạy học như những con vi trùng Koch gặm nhắm mòn tâm hồn trí óc anh để chờ ngày hư hỏng tàn lụn nếu anh không kịp làm mới, làm lành mạnh chúng hằng ngày…
Ngạc vừa nhảy lên xe thì xe bắt đầy chạy. Anh đưa tấm vé cho người kiểm soát. Số ghế của anh có một ba Tàu đang ngồi. Người kiểm soát tỏ vẻ cự nự về sự đến trễ của anh, có ý muốn đưa anh xuống ngồi ở dãy ghế chót còn trống vài ba chỗ. Ngạc biết ý, bằng giọng anh chị, Ngạc kêu gã kiểm soát chỉ số ghế mà anh đã lấy trước từ chiều qua. Thấy không ăn hiếp được, gã do dự tới bên ba Tàu . Hình như gã ba Tàu không chịu rời ghế. Tên kiểm soát đòi trả tiền lại cho gã ba Tàu, lấy chuyến xe thứ nhì. Sau rốt, gã kiểm soát đã ăn hiếp được gã ba Tàu yếu thế bằng giọng sừng sộ của tay anh chị giang hồ. Ngạc thấy gã ba Tàu lừ đừ đứng dậy, mang theo chiếc valise to tổ bố. Không rõ gã ta chứa thuốc bắc hay là đồ lậu ? Ngạc ngồi vào ghế của mình. Số 11. Bên cạnh số 12, một cô gái quay lại liếc nhìn Ngạc rất vội. Phía bên kia, người lính đang cố gợi chuyện với một cô bé trạc mười sáu tuổi, ghế số 10 Ngạc cảm thấy nhức đầu, người yếu mệt, đôi mắt mỏi, và buồn ngủ. Anh ngã đầu ra thành ghế, mắt nhắm nghiền. Ngạc ngủ. Giấc ngủ lênh đênh, lắc lư, khó nhọc.
Chiếc xe dừng lại, bên tai Ngạc văng vẳng tiếng ồn ào. Rồi thì Ngạc cảm thấy có tiếng gọi mình. Anh mở mắt. Gần một nửa hành khách đã xuống xe, họ hướng mắt nhìn về phía quãng đường phía trước, vẻ mặt người nào cũng sợ hãi, chán nản. Biết là có việc chẳng yên đang xảy ra ở quãng đường trước mặt, Ngạc lại nhắm mắt ngủ tiếp. Việc chẳng yên ngày nào không có, ở đâu chẳng xảy ra. Ngủ được lúc nào, cứ việc ngủ. Ngạc tự nhủ, hơn bốn năm lặn lội, từ Cao nguyên đến đồng bằng Nam phần, sống thường trực với những đe dọa chết chóc rồi mà chẳng sao, huống hồ ngồi trên xe đò. Ngồi trên xe đò là quá sướng, quá yên ổn rồi còn gì. Từ ngày được biệt phái trở về, Ngạc luôn nghĩ mình được diễm phúc hơn nhiều người khác. Gặp cảnh khổ nào, anh đều cho chẳng thấm thía gì với hồi còn mặc áo lính. Anh thường so sánh những bất hạnh của anh, quãng thời gian sau này, với những tháng năm ngủ hầm, lội sình, sống ngơ ngác và buồn thảm trong những ngôi làng biên giới trống trải, hiu hắt.
Có tiếng gọi Ngạc. Anh mở mắt. Người con gái ngồi phía trong xin phép anh để xuống xe. Ngạc thản nhiên đứng dậy, nhường chỗ cho cô ta. Trên gương mặt còn ngây ngủ của anh thoáng chút bất bình. Tiếng súng từ khúc quành đầu mỏm núi nổ liên tục; giữa những tiếng nổ đều đặn, có những tiếng đạn cỡ lớn. Ì ầm. Ì ầm. Trên xe chỉ còn lại vài ba bà già. Người đàn bà có con nhỏ đang vạch vú cho con bú. Và, ở hàng ghế đối diện anh, cô gái số 10 vẫn còn ngồi im. Người lính lịch sự và hào hoa ngồi cạnh đã xuống xe. Ngạc trông thấy cô ta bắt đầu nao núng, hốt hoảng, mặt buồn hiu. Anh lại nhắm mắt cố ngủ. Lần nầy, Ngạc chợt nhớ tới Tiên Thủy ở Saigon, con đường từ Saigon đi Kiến Hòa, về quận Hàm Long, bến đò rợp bóng tre, giòng nước êm ả dịu dàng. Có lần, giữa đường, Tiên Thủy cũng đã bị kẹt xe. Con gái đi đường xa, sợ nhất là xe bị kẹt. Không phải sợ chết, mà sợ những anh chàng hào hoa. Kẻ hào hoa thì ít khi mà hào hoa với một vài người. Và, người ta thường sa bẩy vì sự hào hoa hơn là sự quê mùa. Cũng như người ta thường chết vì cảnh giàu sang chứ không phải là sự nghèo khổ. Nghĩ tới Tiên Thủy, Ngạc cố hình dung nàng áo bà ba trắng quần đen ngồi trước mũi đò, hoặc đôi mắt chăm chú trước bàn máy chữ. Tiên Thủy gửi cho Ngạc thực nhiều ảnh, nhưng tự dưng anh nhớ nhất nàng ở hai hình ảnh ấy. Mỗi lần cầm bút viết cho nàng những trang nhật ký trong ngày, hình ảnh Tiên Thủy nhỏ nhắn trước mũi đò, hay căm cụi bên bàn máy chữ, khiến anh nghĩ tới chuyện từ bỏ quyết định đã giao hẹn với Tiên Thủy – là thôi không im lặng nữa mà phải viết thư cho nhau, phải gửi ảnh, gặp nhau đôi ba lần trong một năm. Dắt nhau đi ăn cơm. Đưa nhau về bằng Taxi. Gọi điện thoại hôn nhau (chứ không dám hôn thiệt), thỉnh thoảng làm thơ tưởng tượng ra ngày mai hạnh phúc hoặc đau khổ, vân vân. Lời giao hẹn thử thách giữa Ngạc và Tiên Thủy bắt đầu bằng những nghi ngờ, từ sự cam kết cần phải được chứng tỏ bằng hành động. Thế là họ đồng ý, sau một buổi chiều đưa nhau đi dạo quanh bến Chương Dương, rằng kể từ ngày Ngạc rời Saigon cả hai sẽ không viết thư cho nhau nữa. Mà viết nhật ký. Từng ngày một. Viết càng nhiều, càng tốt. Tối thiểu phải bốn trang giấy. Tối đa tùy hỉ. như vậy là đã hơn sáu tháng Ngạc không nhận được một dòng chữ nào của Tiên Thủy, ngược lại, anh cũng không viết cho nàng dòng nào cả. Còn đến sáu tháng nữa lời giao hẹn mới được xét lại, sau khi cả hai cùng gửi các tập nhật ký đã viết trong năm. Một tháng đầu Ngạc cảm thấy buồn bã vô hạn. Anh có vẻ vừa chán nản, vừa uể oải khó chịu. Anh sống lủi thủi, cô độc, và vùi đầu vào việc đọc sách. Tháng thứ hai, anh tìm thấy được un ủi với những học trò lui tới, tham dự những sinh hoạt thường xuyên hằng tuần với chúng. Tháng thứ ba, Ngạc bận rộn hơn, với nhiều bạn bè, những buổi họp, các công tác xã hội, và văn nghệ. Tháng thứ tư, trở lại tình trạng buồn bã, bất thường, cô độc như trước. Trong những ngày đầu tháng thứ năm, Ngạc bắt đầu nghĩ tới một lá thư gửi cho Tiên Thủy đề nghị chấm dứt trò chơi mà anh gọi là “hy sinh quá nhiều, không thể chịu đựng được nữa”. Nhiều lần Ngạc đã viết xong, bỏ vào phong thư, đề địa chỉ, dán tem. Chỉ chờ một phút nào đó mặc vội áo quần đến nhà bựu điện. Nhưng cái phút đó chưa đến, nó kéo dài cho tới bây giờ. Tháng thứ sáu. Đêm hôm qua trước khi đi ngủ, Ngạc đã viết hẳn lá thư vào trong nhật ký dành cho ngày – nói tới quyết định đã khiến mình khổ sở từ hai tháng qua: “Coi như huề, hay anh chịu thua cuộc nhé ? Tiên Thủy ?”. Ngạc nghĩ : Lòng người không thể lấy gì mà đo được. mọi cây thước đều không thể quyết định chắc chắn giá trị của một tấm lòng. Điều quan trọng là bản chất tấm lòng được nuôi dưỡng, gìn giữ, tự nó sẽ trở nên giá trị hay không dầu có hay không có thử thách. Như vậy mọi thử thách tự mình đem lại như một trò đùa - nhất là lĩnh vực tình yêu, thực là vô ích, nhiều khi là một hy sinh oan uổng. Những ý nghĩ thoáng đến nầy giúp Ngạc an ủi phần nào mặc cảm yếu đuối, lộ rõ bản chất sợ hãi, thấp kém của mình. Ở Saigon, giữa đô thành rẫy đầy cạm bẫy và cám dỗ, Tiên Thủy thực khó để giữ trọn tình yêu, lòng thủy chung, trước những gặp gỡ bất ngờ. Đối với một người con gái nhạy cảm, lãng mạn, hoạt bát như nàng, các gặp gỡ sẽ dễ đến với nàng hơn. Làm thế nào để sự xúc động không ảnh hưởng gì đến tình yêu ? Ngạc hiểu bản chất của Tiên Thủy - những người con gái yêu thương lần đầu, nhưng trang nhật ký sẽ không thể đáp lại sự đòi hỏi, những nhu cầu tình cảm của nàng. Anh đoán mò rằng, những trang nhật ký của Tiên Thủy cũng sẽ là những lời than thở buồn rầu, nỗi cô độc heo hút, sự lo âu tràn ngập đời sống. Nàng cần được dẫn tới các quán nước, những lần hẹn hò, những nụ hôn (dầu trên máy điện thoại), những lời âu yếm che chở. Nói tóm, nàng cần tất cả những gì một người con gái ở tuồi nàng cần. Lời cam kết của nàng, đôi khi, là một cái gật đầu đau đớn, gắng gượng theo bản chất tự nhiên của một người con gái mới yêu, đang yêu thương một người nồng nàn. Sự thực thường rất khác.
Ngạc ngủ được một lát, Trời dần xế. Cô bé số 10 cũng vẫn im lặng, dầu cạnh nàng lúc nầy có hai gã đàn ông đang muốn gợi chuyện. Những câu chuyện tình kiểu lỡ đường kẹt xe như thế cũng hơi nhiều lúc nầy. Khi thấy Ngạc thức dậy, cô ta hỏi mấy giờ. Bốn giờ mười lăm phút. Nàng trả lời ngắn ngủi các câu hỏi của hai gã đàn ông. Họ hỏi thăm nàng đến đâu, làm gì, trước đây ở chỗ nào, còn đi học hay đã đi làm ; nói tóm, họ hỏi để làm quen. Không có ý định gì cả, ít ai hỏi tới con gái. Không phải khi không ai cũng sẽ hỏi tới tên tuổi của một người con gái. Gã đàn ông tóc chải mướt, coi bộ như một kẻ nhàn hạ (ăn không ngồi rồii) hay công tử nhà giàu hỏi tên nàng tới lần thứ ba. Nàng im lặng. Người lính cũng vừa lên xe, ngồi vào chỗ cũ. Bây giờ thì cả ba người thay nhau nói cười với cô gái. Mặc dầu không được cô bé tham dự vào câu chuyện, họ nói cốt ý cho cô gái nghe, coi như cô ta là một người ít nói nhất trong bọn. Ngạc lại nhắm mắt.
Đoạn đường chưa được khai thông. Đoàn xe đậu nối đuôi nhau bắt đầu quay trở lại. Tới không được, họ đang trở về bến xe của một thị trấn nhỏ, tìm chỗ ngủ tạm, sáng mai khởi hành sớm. Nếu một giờ nữa con đường hết kẹt thì xe cũng không thể đến nơi trước giờ các ngọn đèo bị rào kẽm gai, những trái mìn được các toán lính nằm rải rác dọc núi, hai bên đường giăng mắc quanh các vị trí phòng thủ và yếu điểm của trục lộ. Ngạc bất giác thấy rằng những gặp gỡ đã qua và sẽ tới, điều không thể lường trước được. Hơn bao giờ hết, sự tình cờ, hay định mệnh được tin tưởng lại quyết định quan trọng trong mọi gặp gỡ của đời sống trong thời loạn lạc... Hình như, Ngạc thấy ảnh hưởng của định mệnh chi phối gần như toàn diện con người. Một giờ trước mặt , một ngày sắp tới cũng chưa ai dám nói chắc được nó sẽ như thế nào khi bom đạn cứ tiếp tục nổ đêm ngày như thế này? Người ta sống, bị cuốn hút và vội vàng, quên lửng cái định mệnh kia. Cho tới khi tắt thở. Ý nghĩ nầy góp thêm sức an ủi Ngạc, xoa dịu sự ray rức về những lời mà anh đã viết trong trang nhật ký đêm hôm qua. Đời sống, nhất là đời sống lúc nầy, sự thử thách đã giao ước với Tiên Thủy sẽ trở nên dại khờ, một trò chơi đòi hỏi quá nhiều hy sinh để cùng đau xót thiệt thòi. Ngạc cố gắng tìm thêm nhiều lý lẽ hơn nữa để giúp anh có thể hân hoan tới bưu điện khi đã về quê gửi mấy tập nhật ký cho Tiên Thủy.
Xe chạy vòng vào bến của quận lỵ. Hai gã đàn ông thay phiên thăm hỏi gợi chuyện và mời mọc cô bé số 10 đi ăn cơm. Cô bé lúc nầy có vẻ hốt hoảng, đôi mắt nhợt nhạt lạc lõng - ở nàng như toát ra một nỗi mỏi mệt, bất an, lơ lửng. Ngạc thấy cô ta tội nghiệp. Anh liếc nhìn cô bé lần nữa, nhận thấy hình như cô bé đang chờ đợi ở Ngạc một điều gì.
Ngạc hỏi :
-Cô có ai quen ở thị xã nầy không ?
Cô bé lễ phép :
-Dạ không. Em đến đây lần đầu.
-Cô đến X. có việc gì vậy?
-Thăm người chị. Hôm kia nhà nhận được điện tín nói chị đau, má em sai em vào thăm…
-Nếu cô tin tôi, cô theo tôi, tôi sẽ giới thiệu cho cô một chỗ nghỉ, sáng ra đi sớm. Chắc cô cũng biết là nghỉ ở bến xe không tiện, nhất là cô chưa quen đi xa.
Xe dừng. Ngạc điềm nhiên xách valise bước xuống. Chậm chạp. Phía sau anh cô bé còn luộm thuộm với mớ đồ. Ngạc có vẻ vội vã đi ra ngả chợ. Lúc ra khỏi khu vực bến xe, bắt đầu đi xuyên qua khu chợ để đến nhà một người bạn, anh quay lại. Cô bé đang lẻo đẻo theo sau. Ngạc đi chậm. Đợi. Cô bé đến gần, anh tự nhiên và vui vẻ giới thiệu về người bạn sẽ ghé, sẽ giới thiệu với cô. Một người bạn đồng nghiệp. Rất chí tình. Một vợ tám con. Nhà cửa khá rộng. Từ nhà đến bến xe chỉ đi vượt qua khu chợ và một quãng đường ngắn.
Ngạc vừa đi vừa quay lại:
-Lát nữa cô nghỉ với đứa con gái học lớp 10 của người bạn tôi. Phòng nó rộng và khá đẹp. Chắc cô sẽ ngủ ngoan để mai đi sớm.
Người bạn nhận ra Ngạc, chạy ra cổng đón. Anh niềm nở và vồn vã quá đến nỗi không chú ý đến cô bé cùng đi với Ngạc. Đợi anh hỏi han xong, Ngạc nói lý do ghé lại, và giới thiệu cô bạn lỡ đường, cùng cảnh ngộ. Người bạn khẽ cười chào cô gái, hỏi xã giao đôi điều. Lũ con người bạn thấy Ngạc mừng rỡ gọi. Đứa giành lấy valise, đứa ôm tay Ngạc đi vào nhà. Vợ người bạn từ phía sau nhà chạy lên chào Ngạc. Hỏi thăm vồn vã..
Ngạc nói:
-Tôi gởi cho chị cô nầy tối nay, sáng mai trả cô ấy lên bến xe về X.
Cô gái mỉm cười. Khẽ cúi đầu chào.
Vợ người bạn cầm tay cô gái – tự nhiên và thân mật như cầm lấy tay một đứa em đi xa mới về:
-Thôi đưa đồ đạc tôi cất cho, đi rửa mặt rồi ăn cơm. Đúng bữa rồi.
Từ khi giao cô gái cho vợ người bạn, Ngạc vào phòng riêng của người bạn nói chuyện. Anh cảm thấy như vừa đưa cô gái trở về tận nhà. Hết cảm thấy bận tâm.
Tất cả đã ngồi quanh bàn ăn. Cô gái có vẻ rụt rè, nhưng gương mặt đã tươi tỉnh, có chút gì vui thích. Ngạc vừa ăn vừa nói tiếp câu chuyện với người bạn. Ngạc có cảm tưởng rằng câu chuyện của anh sẽ dài và nhiều lắm. Đồng thời, Ngạc cũng không biết nên hỏi người bạn những gì trước, những gì sau. Anh có quá nhiều chuyện muốn biết về người bạn. Cuối cùng, nhớ việc gì, anh hỏi ngay việc ấy. Lộn xộn. Không ăn nhập gì nhau.
Lời mời mọc của vợ người bạn với cô gái khiến Ngạc nhớ ra rằng cô ta vẫn còn ở đây, đang bị kẹt xe, ngày mai mới đi X. thăm chị. Anh nói với giọng thân mật của một người anh lớn nhất trong gia đình, kêu đừng ngại ngùng gì hết, ăn cho no, ngủ cho khỏe, sáng mai sẽ đi sớm. Nếu muốn biết thêm quận lỵ, ăn xong nói với Thủy (đứa con gái đầu của người bạn) lấy xe chở đi vài vòng. Anh quay lại dặn Thủy nhớ hướng dẫn cô gái. Thủy bẻn lẻn nhìn cô gái, cúi đầu mỉm cười. Ngạc nhìn thấy cô bé vẫn ngại ngùng, ăn nhỏ nhẻ, chưa dám thích nghi với không khí mới; anh chính tay gắp thức ăn bỏ vào chén cho cô ta.
Câu chuyện với người bạn tiếp tục cho đến hết bữa ăn. Ngạc dặn dò cô gái ở lại nghỉ với Thủy, gọi Thủy giao cô gái cho nó nhắc gọi giúp cho cô ta dậy lúc 5 giờ 20 sáng. Ngạc phải đi.. Thăm một vài người bạn văn cũ. Anh nói với cô gái, rất có thể anh ngủ lại nhà một trong vài người bạn sẽ tới thăm. Anh vẫn thường đi ngủ lang. Chỗ nào cũng ngủ được hết. Sáng sớm nhờ Thủy xách hộ đồ một tay đưa lên xe.
Cô gái hỏi :
-Ông… không đi sao ?
Ngạc do dự :
-Có thể tôi sẽ đi chuyến trưa, hay chiều một chút. Lâu ngày gặp lại bạn thiết, dễ gì rứt áo ra đi sớm được ?
Cô gái ngập ngừng. Không nói gì.
Ngạc lên phòng người bạn uống café đã pha sẵn.
Ra khỏi cửa phòng, Thủy ngoắt tay gọi Ngạc lại gần - Vẻ mặt sau nụ cười e ngại, dấu diếm, trở nên dạn dĩ. Nó nói : “Chị Trang kêu chú ở nhà ngủ, sáng đưa chị ấy lên bến xe”.
-Cháu dám lên bến xe với Trang không?
-Dám chớ gì không dám.
-Vậy đưa giùm cho chú đi.
-Cháu nói rồi mà chỉ không chịu.
-Sao lại không chịu?
-Cháu đâu có biết.
-Mệt nữa – Ngạc do dự một lác, thôi được.
Ngạc mở mắt ra thì đã thấy Trang đã mặc đồ, chuẩn bị đồ đạc xong. Nàng có vẻ sợ sệt, đứng phía đuôi giường Ngạc. Dưới ánh sáng ngọn đèn ngủ màu xanh lơ, Ngạc nhìn thấy Trang khác lạ. Hình như lớn hơn. Hay lạ lùng hơn. Ngạc không nhận biết rõ ràng sự lạ lùng vừa cảm thấy, nhưng anh nghe mơ hồ một niềm vui. Một nỗi xao xuyến mong manh dường như là tình yêu…
Trang lập lại:
-5 giờ hơn rồi, chú đưa giùm em lên bến xe.
Ngạc giọng còn ngái ngủ:
- Đi đâu sớm vậy ?
Trang đứng im lặng.
Ngạc mệt mỏi rời giường đến mở nước ở lavabo rửa tạm mặt mũi. Đêm qua từ nhà mấy người bạn trở về thì đúng giờ giới nghiêm. Người bạn thắp đèn chờ ở phòng. Lại nói chuyện. Lúc người bạn chợt nhớ là Ngạc phải đi sớm, cần phải nghỉ chút ít, thì đồng hồ trên tay anh đã chỉ gần 1 giờ sáng. Chiếc giường dành cho Ngạc được Thủy trải drap và treo mùng hẳn hoi ở góc phòng khách từ đầu hôm. Quá buồn ngủ, Ngạc nằm lăn xuống giường, ngủ không nhớ buông mùng.
Trời sáng mờ mờ. Sương mỏng và gây gây lạnh. Giò nhẹ man man. Ngạc chờ Trang ra khỏi cổng. Vợ người bạn cầm tay nàng cho tới khi trông thấy Ngạc đứng dựa lưng vào cổng tường hút thuốc có vẻ nóng ruột mới buông ra. Ngạc lầm lũi đi trước. Con đường trở nên rộng, và hoang vắng êm ả như vắng dấu chân người từ lâu lắm. Gió mát khiến Ngạc bớt mỏi mệt, tỉnh táo như sau một giấc ngủ đã no.
Ngạc dừng lại hỏi :
-Đi qua ngã chợ hay theo đường phố?
Trang nhỏ nhẻ:
-Đường nào tùy chú.
Ngạc giải thích:
-Đi đường ngã chợ thì gần nhưng tối quá, hơn nữa mấy tên gác chợ có thể nghĩ mình… là kẻ trộm. Đi đường phố sáng sủa hơn, nhưng xa hơn một tí.
Anh đưa cô gái đi qua đường phố để lên bến xe. Nhìn đồng hồ, Ngạc biết còn đủ thì giờ. 5 giờ 15 phút. Còn 15 phút. Cả hai im lặng đi dọc theo vỉa hè. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe Jeep và xe trắng xanh chạy lướt qua. Vội vã. Biến mất ở cuối đường. Ngạc nghĩ tới quyết định gởi mấy tập nhật ký cho Tiên Thủy. Anh tưởng tượng ra hình ảnh mình lúc đến bưu điện, xin tấm giấy để gởi bảo đảm hỏa tốc phát riêng phong thư dày cộm nặng nề cho Tiên thủy. Nghĩ đến đó, Ngạc nôn nóng được về sớm.
Cô gái chợt hỏi :
-Chừng nào chú đi ?
-Có lẽ trưa.
-Chừng nào chú vào lại Y. để chấm thi?
-Hơn một tuần.
-Chú có viết truyện nữa phải không?
-Không. Đâu có! Mà ai nói ?
-Thủy nói .
-Cái con khỉ. Ngạc lầu bầu. Cũng có viết lai rai chơi vui vậy mà. Nghề của tôi là viết nhật ký – Ngạc cười.
Mọi người đã lên ngồi trên xe. Có lẽ cũng đã lâu. Xe nổ máy. Bật đèn. Bến xe có vẻ nhộn nhịp, dễ thương. Ngạc thương những chuyến ra đi nên khung cảnh bến xe buổi sớm dễ gợi nơi anh nhiều xúc cảm phấn khởi mới lạ. Ý định mời cô gái đi ăn sáng (có lẽ cô ta đói, buổi chiều hình như cô ta ăn được rất ít) của Ngạc không thể nói được bởi xe sắp rời bến. Tên lơ xe đã ngổ ngáo và hách dịch nói với mọi người (và cố ý nói riêng cho cô gái) là người chờ xe chứ xe không chờ người. Bao giờ cũng vậy, khi sự quyết định không còn tùy thuộc ở mình nữa, thì đành phải chịu lép vế. Tiền họ đã bỏ vào túi rồi !
Ngạc đưa cô gái lên xe. Chỗ nàng bây giờ người lính đang ngồi. Thấy có Ngạc, gã nhường chỗ. Ngạc kêu nàng ngồi ở ghế mình, số 11, cạnh cô gái số 12. Anh ngồi nán lại bên cạnh người lính (chỗ người lính vừa đứng lên), nói bâng quơ với nàng một vài chuyện, rồi quay lại nói chuyện với người lính. Hai gã đàn ông lúc kẹt xe hỏi han Trang và mời nàng ăn cơm lúc xe vừa dừng ở bến nhìn Ngạc với đôi mắt tinh ranh sàm sỡ. Ngạc ghét cay đắng những đôi mắt ngờ vực, dò xét, hay hiểu người theo bụng dạ của chính mình. Ở nơi Ngạc hiện đang dạy học, nhưng đôi mắt như thế cũng có nhiều. Nhiều đến nỗi khiến anh đâm sợ hãi. Anh muốn tất cả nhìn nhau với đôi mắt nhìn một con chim hiền từ…
Xe chạy. Ngạc vội vàng đứng dậy, chỉ kịp nói với cô gái “Bình yên nhé?”, rồi nhảy xuống. Anh không nghe rõ tiếng cô gái đáp lại những gì. Có lẽ, cũng là một lời cầu chúc ? Tình yêu cũng vội vàng bay đi…
Tặng anh Lê Tăng Mính và Đỗ Hiếu Nam
Tuy Hòa, tháng 5.1972 -(Tạp chí Văn- 1972)