Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.223
123.161.671
 
Tư bản tinh khiết
Phan Huy Đường

Cuộc "khủng hoảng tài chính" hôm nay đã và sẽ tác động lớn vào đời hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người. Không thể thờ ơ được, phải tìm hiểu nó một chút. Cũng chẳng để làm gì. Nó quyết định tương lai của mình nhưng mình đâu có khả năng tác động vào nó ! Thân phận làm người hôm nay nó thế, ngay tại Pháp, một nước dân chủ. Bề gì cũng ăn đòn thôi. Nhưng đã ăn đòn cũng nên "biết" mình ăn đòn của ai, vì sao, như thế nào, sẽ đau điếng tới đâu, bao lâu. Nếu điều ấy khả dĩ "hiểu" được, ít nhiều.

 

Đột nhiên, trong thời gian vài tuần thôi, kinh tế thế giới có thể sập xuồng. Hệ thống ngân hàng có thể phá sản. Hệ thống sản xuất - kinh doanh - dịch vụ (từ đây gọi vắn tắt là sản-xuất cho gọn) có thể lụi tàn vì không vay được vốn đầu tư, sản-xuất, thậm chí vay tiền mặt để thanh toán hàng ngày thôi, dù đơn đặt hàng đầy ắp. Người lao động có thể thất nghiệp. Đồng tiền có thể phá giá. Sức mua của người tiêu thụ có thể bị sa sút nặng nề. Et tutti quanti. Do đâu mà nên nỗi này ?

 

Cả tháng nay tôi đọc trên báo chí bài vở của các chuyên viên có máu mặt trên quốc tế, ở Pháp và Châu Âu, của các vị Nobel kinh tế. Lúc này, ngoài hai vị trước kia bị coi là hâm hâm, các vị khác biến đâu hết ?

 

Tôi chẳng hiểu gì cả. Thôi đành liều, thử tưởng tượng một cách hiểu "ngoại đạo". Nó có sai vì mình dốt cũng chẳng sao. Chí ít cũng bịa được một giả thuyết cho đỡ bực mình.

 

Tư bản tài chính là gì, từ đâu ra ?

 

Tư bản tài chính có thể coi như hình thái "tinh khiết", "nguyên chất", "lý tưởng" của tư bản. Không hình thái tư bản nào biểu hiện rõ ràng, mạch lạc hơn, công thức vận động cơ bản của tư bản : tiền đẻ ra tiền, bất tận.

T → T + T' → …

Trong học thuyết kinh tế kinh điển (Ricardo, Marx), người ta công nhận nguyên lý sau : trong thị trường, hàng hoá được trao đổi ngang giá trị (valeur, khái niệm kinh tế học chứ không phải X $ nhe) với nhau. Đó là tiền đề cần thiết để đảm bảo tính khoa học của môn kinh tế học : khách quan (khoa học ! hết sức trừu tượng, chẳng "khách quan" tí nào, như thuyết tương đối của Einstein ấy mà).

Trong đời thực, không có chuyện ấy. Từng lúc, có người mua đắt, có người bán rẻ. Có kẻ lời người lỗ. Nhưng tổng hợp lại, lời bù lỗ, kết quả = 0. Rất dễ hiểu : nếu trong một năm xã hội sản-xuất được một lượng giá trị mới = 100 nằm trong hàng hoá đã được sản-xuất và in một lượng tiền = 100$ biểu hiện chúng, buôn đi bán lại như thế nào đi nữa, tiền từ túi anh này nhảy qua túi anh kia ra sao đi nữa, cuối cùng thì trong thị trường cũng chỉ có bấy nhiêu giá trị và tiền thôi. Tính khách quan ở đó.

Trên cơ sở ấy, làm sao giá trị có thể đẻ ra giá trị, tiền có thể đẻ ra tiền được ?

 

Chẳng thể giải thích được bằng sự kiện nhà nước in bạc giấy quá đà : chỉ tổ lạm phát thôi, không thay đổi được lượng giá trị có thực ở đời.

 

Marx là người đầu tiên vạch rõ bí mật thầm kín đáng mê của phương thức sản-xuất tư bản trên cơ sở nguyên lý trao đổi ngang giá trị của kinh tế thị trường.

 

Tiền vứt một xó hay gửi ngân hàng chẳng bao giờ đẻ ra tiền cả. Ngay kôm nay, ngân hàng Pháp không trả lãi cho những món tiền mà bàn dân gửi nó.

 

Nhưng dùng tiền để mua sức lao động của con người, rồi khiến nó sản-xuất, thì nó có khả năng sản-xuất ra một lượng giá trị lớn hơn giá trị của bản thân nó. Lượng giá trị dôi ra đó gọi là giá trị thặng dự. Không có nó, không thể có tái sản-xuất mở rộng dưới bất cứ hình thái kinh tế nào nói chi tới hình thái kinh tế tư bản. Kinh tế tư bản mới chỉ hình thành khoảng 300 năm nay thôi mà. Trước hình thái kinh tế tư bản, vẫn có thị trường, vẫn có bóc lột đủ kiểu mà. Vì thế, cơ sở phát triển của tư bản là… thị trường sức lao động, người Pháp gọi một cách không chính xác là "marché du travail", "thị trường lao động". Trong thị trường ấy, làm quái gì có lao động (travail) để mua ! Chỉ có sức lao động thôi, bản thân tôi chẳng hạn, ai muốn mua, tôi bán liền vì sợ … đói. Dẹp hàng hoá "sức lao động của con người", dẹp "thị trường lao động" đi thì kinh tế tư bản tiêu vong. Ta có thể chứng kiến điều ấy hàng ngày. Ai đã nếm mùi délocalisation thì hiểu liền : "thị trường lao động" đã toàn cầu hoá.

Quá trình vận động trên của tư bản rất minh bạch, sòng phẳng, hợp pháp : mỗi người đã hành động trong tư cách tự do, bình đẳng với nhau trước pháp luật, không ai lừa gạt ai, không ai ăn cắp của ai xu nào. Nhưng đã có người bóc lột sức lao động của người khác.

 

Trên cơ sở đó, tư bản tài chính đã hình thành. Nó không từ trên trời rơi xuống. Nó không do các bực thiên tài đẻ ra trong chớp mắt. Nó chỉ là những giá trị thặng dư trên tập trung trong tay hay trong quyền quyết định của một số ít người, ít so với hơn 6 tỷ người gọi là nhân loại.

Những "người" đó có thể là :

 

a/ Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia "Trung Cộng", đang bơm hàng tỷ $ để cứu bồ Mỹ, nghĩa là mấy vị cầm quyền ở Trung Quốc ngày nay.

 

b/ Tổng giám đốc của các Fonds d'investissement Mỹ. Số tiền khổng lồ này là tiền dành dụm thuộc quyền sở hữu của hàng triệu bàn dân lao động Mỹ. Mỗi người làm chủ một tí tiền còm, không ai có quyền quyết định sử dụng nó ra sao, ngoài mấy anh lãnh đạo dù mấy anh ấy không bỏ xu nào vào đó.

c/ Những nhà tỷ phú. Thí dụ Bill Gates khi ông rút lui khỏi hoạt động sản-xuất nếu ông bán hết cổ phiếu của ông, thu tiền bỏ túi. Với số tiền ấy, ông có thể mua tác phẩm nghệ thuật mang về nhà thưởng thức, hưởng thụ cạn đời cũng chưa cạn của, hay cho không Foundation Bill Gates để làm việc từ thiện như ông đã làm với 28,8 tỷ $, 95% tài sản của ông[1]. Trong quan hệ ấy với đời, 28,8 tỷ $ của Bill Gates không có chức năng tư bản : tiêu mãi cũng cạn, chẳng bao giờ đẻ ra tiền cả, dĩ nhiên là đối với ông Bill Gates thôi vì người được giúp đỡ có thể dùng nó làm… vốn tư bản để sản-xuất.

Nhưng nếu ông cho Foundation Bill Gates quyền sở hữu một số cổ phiếu trong công ty này ngân hàng nọ và sử dụng tiền lời do chúng tạo ra để làm chuyện từ thiện thì, trong quan hệ này, 28,8 tỷ $ của ông cho có chức năng tư bản.

Cho thấy : tiền có nhiều bộ mặt, nhan sắc khác nhau, có khi bất ngờ không thua gì chữ nghĩa !

Tôi cố ý dùng thí dụ này vì tôi quá sợ người đời ghép tội cực tả bị "ý thức hệ" làm cho ngu muội : tôi công nhận trong nền văn minh tư bản ở Mỹ vẫn còn có những con người, như Bill Gates và tỷ phú Warrant Buffet (không thèm lập Foundation dưới tên mình mà cho không 37 tỷ $[2] cho Foundation Bill Gates), là tư bản kếch xù mà vẫn có quan điểm và hành động nhân bản : dùng tiền mình đã thu được để làm việc từ thiên. Chí ít cũng khá hơn những nhà ý thức hệ kinh tế thị trường định hướng xhcn ở ta.

 

d/ bản thân các ngân hàng hay cơ quan bảo hiểm khi nó mua bán những "sản phẩm tài chính" để kiếm lời chớp nhoáng.

 

e/ et tutti quanti.

Tư bản tài chính có ba đặc tính sau :

1/ Nó biểu hiện giá trị có thực, đã được sản-xuất, dưới dạng tiền hay dưới dạng những món nợ được đảm bảo "vững chắc" như trái phiếu của nhà nước Mỹ chẳng hạn.

 

2/ Nó đã ít nhiều dứt khỏi cái dây nheo gắn nó với lao động sản-xuất thực trong nghĩa này : nó là giá trị có thực, nằm trong túi ông chủ, không dính dáng tới bất cứ quá trình sản-xuất hiện hữu nào cả, nó là sản phẩm của lao động đã qua mà.

Khi chủ nó cho người khác vay, nó có thể gắn trở lại với một quá trình sản-xuất mới (tái sản-xuất), tùy người vay làm gì với nó :

a/ người vay dùng nó để đầu tư vào sản-xuất : giấy nợ được quá trình sản-xuất ấy bảo lãnh, giá trị tài chính biến thành giá trị tư bản sản-xuất, có khả năng tạo giá trị thặng dư đích thực.

b/ nhà nước vay, để làm gì, không biết. Giấy nợ được lao động tương lai của bàn dân bảo lãnh.

c/ một chàng lãng tử vay, chơi bời trác táng đã đời rồi tự tử để thoát tù. Giá trị thực tan trong du hí tiêu thụ. Giấy nợ trở thành giấy lộn.

 

3/ Qua đó, sự vận động của tư bản tài chính có thể :

a/ chớp nhoáng, không gắn bó với thời gian của hệ sản-xuất.

b/ về mặt giá trị, nó "chỉ" tuỳ thuộc chủ quan của chủ nó thôi.

Về mặt chức năng, tư bản tài chính khác tư bản ngân hàng ở đó.

Chức năng ban đầu của tư bản ngân hàng là : tập trung những món tiền lẻ tẻ của hàng triệu người, từng món không đạt lượng cần thiết để biến tiền thành tư bản, tạo ra vốn đầu tư tập thể cho phép phát triển sản-xuất. Vốn riêng[3] của nó là giá trị có thực ở đời. Cho xí nghiệp vay, nó lấy quá khứ đánh cá tương lai : khả năng tái sản-xuất giá trị cũ và tạo giá trị thặng dư mới của các công ty sản-xuất. Nó có chức năng kinh tế cần thiết, hữu ích đối với xã hội, rõ ràng và đáng được thù lao. Dù những créances (quyền đòi nợ) của nó có thể đổi tay chớp nhoáng trong thị trường tài chính, những créances đó, cuối cùng, chỉ trở thành hiện thực sau một quy trình sản-xuất đích thực. Nó cho anh Renault vay 3 tỷ $ để xây dựng nhà máy ở Trung Quốc thì nó phải chờ vài năm, khi anh Renault xây dựng xong nhà máy và khai thác, tức là mua sức lao động rẻ tiền ở Trung Quốc để sản-xuất hàng hoá, và bán được sản phẩm với giá hằng mong. Lúc đó người đời mới biết được 3 tỷ $ ấy đáng giá bao nhiêu, cả vốn lẫn lời hay… lỗ.

 

Tư bản tài chính thì khác. Nội một tuần thôi, tuy bản thân ông chẳng có vốn liếng bao nhiêu, ông Soros đã lời 2 tỷ $ không ảo tí nào.

 

Ba câu hỏi ám ảnh

Với kẻ ngoại đạo, có mấy câu hỏi cứ ám ảnh trở đi trở lại :

1/ Vì sao một con chuột có thể đẻ ra một con voi khủng khiếp đến thế ?

Bước đầu, "chỉ là" một món nợ 1 ngàn tỷ $ không có khả năng thanh toán "của" bàn dân Mỹ ham mua nhà nên vay tiền càn. Nhưng, theo anh Vũ Quang Việt cho bạn bè biết, và tôi tin số liệu của anh, nó đã biến thành 516 ngàn tỷ $ trong đủ thứ thị trường chứng khoán, trong khi "GDP của Mỹ chỉ có 16 ngàn tỷ và của cả thế giới là 50 ngàn tỷ." Hơn 10 lần GDP của cả nhân loại !

2/ Vì sao các ngân hàng bỗng nhiên cạn tiền mặt, mất hết khả năng thanh toán, nợ nần lụt mặt, lâm vào nguy cơ phá sản ?

3/ Tiền thực đã đi đâu mất hút ?

 

Cho tới nay tôi chưa may mắn được đọc một bài nào giúp tôi hiểu ba sự kiện ấy một cách tổng hợp và hữu cơ.

Đành tự mình mày mò vậy.

 

Trước hết, tôi nhại chương trình giáo khoa trong môn kinh tế học lý thuyết ở năm đầu đại học Tây U, thời tôi xách cặp tới trường, yêu quê hương kinh tế qua từng trang sách nhỏ : đơn giản hoá và khái niệm hoá vấn đề, bịa ra vài tác nhân kinh tế (agents économiques) liên quan với hiện tượng này để vạch rõ chức năng của chúng trong sự vận động của hiện tượng. Điều ấy có nghĩa : ta gạt qua một bên tất cả những tham số không cần thiết để hiểu cốt lõi của sự kiện, tuy chúng có thể tác động ít nhiều vào kết quả cụ thể, coi như là nhiễu.

Trong tinh thần đó, những số liệu sau đây dĩ nhiên là vớ vẩn, chi có chức năng lôgích thôi.

 

Trong vấn đề này, sơ khởi, có mấy tác nhân đại diện cho những chức năng sau :

A : bàn dân Mỹ ham làm chủ cái nhà mình ở, đi vay tiền mua.

B : một anh đầu cơ, cho A vay tiền mua nhà với điều kiện rất đặc biệt, nhưng hợp pháp.

C : ngân hàng cho B vay tiền để làm ăn, theo kiểu truyền thống.

D : ngân hàng kinh doanh subprimes et tutti quanti.

E : "những thị trường tài chính", tôi tạm định nghĩa kiểu tôi : toàn bộ những ai nắm những giá trị thặng dư khổng lồ có thực trên thế giới dưới dạng tiền hay dạng nợ do các quốc gia bảo lãnh (nợ do lao động tương lai của bàn dân bảo lãnh) : những tỷ phú, những cơ quan đầu tư, fonds d'investissement, những "fonds souverains" (tiền của các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ảrạp) et tutti quanti, và ngay cả tôi nếu tôi sẵn sàng đem ít tiền còm của tôi để mua bán sản phẩn tài chính này nọ. Đây là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho "thị trường".

 

Đương nhiên, những tác nhân ở đây chỉ biểu hiện chức năng kinh tế thôi. Anh đầu cơ B có thể là cá nhân ông Soros, tổng giám đốc một Fond d'investissementMỹ, một ngân hàng nào đó, hay Ngân hàng quốc gia của Trung Quốc chẳng hạn. Có "người" có thể vừa là đầu cơ, vừa là chủ ngân hàng, vừa là tư bản tài chính. Et tutti quanti. Khái niệm luôn luôn trừu tượng, xám xịt, thế giới thực mới khởi sắc thôi mà.

 

Ta thử tưởng tượng xem, về mặt lôgích thôi, 5 tác nhân kinh tế ấy có thể hành động như thế nào trong chuyện này.

 

Cho rằng số $ có thực ở đời tương đương với giá trị hàng hoá có thực ở đời.

Điều này cãi cọ với nhau mãn kiếp cũng chưa cạn vấn đề. Ta không cần biết tới. Ta xuất phát từ hiện thực này : trong đời thực lúc đó có một lượng hàng hoá nhất định và một lượng $ nhất định cho phép người ta thoải mái trao đổi hàng hoá với nhau bằng lượng $ tiêu biểu cho giá trị của chúng. Lời bù lỗ, tổng số lời-lỗ = 0. Đó là nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường. Vứt nó đi, chẳng có gì hiểu đươc. Chấm hết.

 

Trong những bảng sau, $ màu đen là $ có thực tương ứng với hàng hoá có thực. $ màu đỏ là $ ảo, chỉ có trong kế toán, tương ứng với khả năng sản-xuất tương lai 20 năm của A.

 

"Thoạt kỳ thuỷ", xuất hiện một hàng hoá mới vừa được sản-xuất, có thực : nhà = 100$

 

hành động

nợ vốn

nợ lãi

A vay tay đầu cơ B tiền mua nhà

100$ biến thành nhà của A

100$ (*)

900$ trên 20 năm

B cho A vay

-100$ + 1000$

 

 

(*) 100$ thực đã vào túi của người bán nhà. Món nợ này của A là tiền ảo, chứ nếu A có thực thì đã không phải đi vay và chịu lãi nặng nề đến thế ! Nhưng món nợ này có bảo lãnh thực : bản thân cái nhà. 900$ còn lại đương nhiên là tiền ảo nguyên chất, bảo lãnh của nó là khả năng làm ra 900$ trong tương lai 20 năm của A.

 

Hỡi ơi, bản thân B cũng không có 100$ để cho A vay, nên B đã đi vay người khác. Vì B "có tài", dám liều, và nhất là B có quan hệ tốt đẹp đầy niềm tin với hệ thống ngân hàng, lại biết chơi ngon, B vay được.

 

B vay ngân hàng C với tỷ lệ lãi 100%/năm

100$

100$

100$ trên 1 năm

C cho B vay + với lời

-100$ + 200$

 

 

 

B bán rẻ giấy nợ của A cho ngân hành D

300$

 

 

D mua giấy nợ

- 300$ + 1000$(700$ lời)

 

 

 

B thanh toán nợ cho C

-200$

 

 

C nhận tiền của B

200$

 

 

 

B thủ túi tiền lời và zông

100$

 

 

Đến đây, B đã thủ túi 100$ một cách sòng phẳng, đúng pháp luật, và có thể biến, đàng hoàng tử tế.

Với các tác nhân còn lại trong hệ thống tiền tệ, kết quả tổng hợp là :

 

tác nhân

nợ vốn

nợ lãi

A

nhà

100$

900$trên 20 năm

C

200$

 

 

D

-300$ + 1000$

 

 

 

D đã đánh đổi 300$ thật lấy một giấy nợ 1000$ ảo. Vốn riêng của D từ 300$ thật đã biến thành 300$ ảo. Qua đó D đã lời 700$ ảo.

 

Giá trị cổ phiếu của D tăng vùn vụt trên thị trường chứng khoán. Lương của tổng giám đốc của D còn tăng nhanh hơn ! Trước kia cổ phiếu của D đáng giá 300$. Bây giờ nó đáng giá 600$, tăng thêm 300$, toàn là giá trị ảo cả : 300$ trong số 1000$300$do tăng giá trên thị trường chứng khoán. Nhưng, đúng theo một nguyên lý khác của "khoa học" kinh tế hàn lâm, giá trị đích thực của hàng hoá do cung-cầu quyết định, ở đây là cung-cầu trong thị trường chứng khoán. Thế là trong hệ thống tài chính, 20 năm lao động tương lai của A bảo lãnh cho 1300$ ảo.

 

Tiền của D ảo vì không có trong đời thật, dưới dạng hàng hoá hay tiền. Nó chỉ là một dòng chữ số trong bảng kế toán của D. Người đời lại dựa vào bảng kế toán ấy để đánh giá giá trị "thật" của D !

Nếu vốn riêng của D (do bàn dân gửi tiền, người đời cho vay, v.v.) là 300$ và nếu chủ nợ cùng lúc đòi D trả lại thì D… chìm xuồng : thắt cổ A cũng không vắt được 300$ thôi, nói chi là 1000$.

300$ thật của D đã được phân phối như sau :

100$ vào túi người bán nhà. Làm ăn lương thiện và hợp pháp.

100$ vào túi anh đầu cơ B. Tuy không có một xu vốn nhưng lời đích thực và hợp pháp.

100$ vào túi ngân hàng C. Lời đích thực và hợp pháp.

Chẳng có gì ám muội, khó hiểu cả.

 

Mô hình đơn sơ này, hoàn toàn không dùng tới một tham số tâm lý nào cả, đã đủ giải thích về mặt lôgích, một cách tổng hợp và hữu cơ 3 hiện tượng :

 

1/ Vì sao con chuột 100$ đã đẻ ra con voi 1000$, rồi, qua thị trường tài chính, đẻ ra một con voi 1300$. Tiền thì ảo, nhưng nợ thì… thật, lôi thôi ra toà thì biết.

 

2/ Vì sao có ngân hàng bỗng nhiên cạn tiền mặt, mất hết khả năng thanh toán nợ thực của mình và, nếu vứt bỏ 1000$ ảo kia thì nợ nần lụt mặt, cổ phiếu chẳng còn giá trị gì cả.

Đó là cốt lõi của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Ngân hàng và cơ quan bảo hiểm, tài chính rất giàu trên giấy tờ, nhưng đều đang cạn túi tiền mặt, không có ngay cả khả năng hoàn lại tiền bàn dân đã cho nó vay.

 

3/ Tiền thực đã đi đâu mất hút ?

Từ đó, đẻ ra hiện tượng tâm lý :

 

4/ Ngân hàng không dám cho nhau vay tiền nữa, bởi vì đâu ai còn tiền mặt để trả, chỉ trả nhau bằng tiền chữ-số nửa ảo nửa thật thôi, không ai biết thật ảo tới mức nào.

 

5/ Ngân hàng cũng e ngại cho anh tư bản sản-xuất vay tiền thực để phát triển sản-xuất : bản thân nó đang thiếu tiền mặt để trả nợ, còn cho ai vay nữa ? Và anh tư bản sản-xuất thì không thể dùng tiền ảo để mua phương tiện sản-xuất thực và nhất là trả lương nhân viên ! Thế thì chỉ tái sản-xuất thôi cũng không đảm bảo nổi nói chi là tái sản-xuất mở rộng. Vì thế mà có thể có "tăng trưởng âm". Ngôn ngữ của chính trị gia và kinh tế gia đáng nể thật !

 

6/ "Các thị trường tài chánh" e ngại đổ tiền vào hệ thống ngân hàng, bảo hiểm et tutti quanti : đổ tiền thật để mua nợ ảo, dù có thể lời ảo đến bao nhiêu, để làm gì ?

 

Chỉ còn lại một điều bí hiểm thôi  : quy mô của con voi. Cuộc khủng hoảng bước đầu chỉ ở mức thiếu hụt tối đa là 1000$, cho rằng cái nhà không ai thèm mua nữa nên đã mất giá = 0$ !

Về mặt lôgích, nó có thể tự phình ra, mô hình trên đã cho thấy. Nhưng đến thế thì tưởng tượng sao được ?

Các chính quyền Tây Âu đã đổ ra hơn 1000 $ nhiều mà chẳng giải quyết được gì, lại còn đang tự hỏi : liệu 1 000 000 $ có đủ chăng ?

Lý do ? (có thể)

 

1/ Món tiền ảo kia đã được xé nhỏ ra, trộn lẫn với những giá trị khác (công nghiệp, kinh doanh, trái phiếu, et tutti quanti) biến thành những món "sản phẩm tài chính" ô hợp, nửa thực nửa ảo, mua đi bán lại cho nhau trên cơ sở những tham số, ở đây, nặng tâm lý cá cược và kiến thức toán học kinh tế hão. Tư bản tài chính đã thoát dây nhau trói buộc tiền với sản-xuất thực mà. Có ai biết giá trị thực của các "sản phẩm tài chính" ấy là bao nhiêu đâu ? Ngay trước mắt, nói gì tới tương lai 20 năm ! Thế thì mua bán với giá nào mà chẳng được, miễn sao cuối năm khai lời và lãnh tiền thưởng là xong ? Còn lại, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

 

2/ Tác nhân kinh tế trừu tượng D, trong thực tế là toàn bộ hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, et tutti quanti, tương tác hàng ngày hàng phút hàng giây với nhau và với những tác nhân kinh tế khác, với "các thị trường tài chính", tức là những người hay cơ quan nắm số vốn tư bản không lồ có thực trên thế giới, thí dụ những cơ quan đầu tư (fonds d'investissements) zui chơi với tiền tiết kiệm, bảo hiểm hay hưu trí của bàn dân lao động ở Mỹ, Ngân hàng nhà nước Trung Quốc, Nga, Ảrạp, các anh hùng hảo hớn khác, mua qua bán lại tiền, giá trị, thực và ảo, để thủ lời chớp nhoáng. Trong sự trao đổi này, người ta rất có thể trao đổi không ngang giá trị vì có ai biết được 1000$ ảo "của" A giá trị bao nhiêu đâu ? Và cũng chẳng ai ngờ được rằng giá trị cổ phiếu của D hoàn toàn ảo !

Hai nhân tố ấy có thể giải thích chăng hiện tượng này ? Tôi không biết, không quan tâm. Để làm gì ? Vì sao ?

 

Vì dù sao thì kết quả cuối cùng là :

a/ Các ngân hàng và cơ quan bảo hiểm, v.v. cạn tiền mặt, nợ nần lụt mặt, chẳng còn giá trị nào cả.

b/ "các thị trường tài chính" ứ hự tiền nhưng không muốn cho vay… trừ khi các nhà nước tư bản lấy tiền dân, hôm nay và ngày mai, ra bù lỗ, bảo lãnh tương lai của các ngân hàng, các cơ quan bảo hiểm et tutti quanti bằng lao động tương lai của bàn dân. Cứ đọc thông tin về thị trường chứng khoán mấy ngày qua thì thấy. Các nhà nước bơm tiềm bù lỗ tới đâu, niềm tin của "các thị trường tài chính" khởi sắc tới đó. Được vài ngày, lại xìu. Có thể vì nhà nước chưa bơm đủ tiền để hài lòng tin của chúng ?

 

Các nhà nước tư bản không dám in tràn tiền giấy để bù lỗ, thế là ngoan : lạm phát sẽ bùng nổ ngay, hậu quả không ai lường được, chết cả lũ, kể cả "các thị trường tài chính" ! Nguyên lý của kinh tế thị trường là vậy mà ! Nhưng bàn dân tứ xứ lao động cật lực trong 10-20 năm thì có thể bù lỗ ? Điều ấy tạm tin được. Các lãnh tụ chính trị chỉ cần sai vài chuyên viên kinh tế chứng minh như đinh đóng cột, 1+1=2, rằng bàn dân đã sống trên khả năng của mình quá lâu[4], từ nay phải thắt lưng buộc bụng, lao động hết mình để trả nợ. Rất khó nuốt, nhưng vẫn nghe được được. Trừ khi cái bụng đã teo quá rôi, không thể thắt lại hơn nữa, sẽ kiệt sức lao động ngay. Thế thì còn lâu, chí ít ở Tây Âu. Bụng của mấy ông Tây bụng phệ teo đến mấy vẫn còn quá lớn so với bụng của 350 triệu lao công Trung Quốc mà.

Hiện tượng con chuột đẻ ra con voi khổng lồ có thể tim hiểu được. Cũng vui thôi. Nhưng, đối với tôi, nó không thuộc lý luận cơ bản trong môn kinh tế học, nó thuộc :

 

a/ Lĩnh vực kỹ thuật. Cứ moi hết sổ sách của các tác nhân trong các căn cứ dữ liệu thì có đủ tài liệu để phân tích. Cũng chẳng cần đến phương tiện tính toán khổng lồ và kiến thức toán siêu việt : hệ thống kế toán của kinh tế tư bản rất chặt chẽ, hoàn chỉnh, dễ hiểu. Nó quản lý giỏi cũng nhờ hệ thống ấy. Với những thông tin mà họ có được thôi, tất nhiên là rất thiếu, các lãnh tụ tư bản cũng đã tính đại khái phải đổ bao nhiêu tiền để tạm thời ổn định tình hình trong điểm này điểm nọ. Trong hệ kế toán ấy, người ta có thể khai gian để ăn cắp, nhưng bới tới cùng sổ sách, chẳng trốn vào đâu được, tiền ra luôn luôn phải đối xứng với tiền vào. Còn lưu lượng tiền ấy có thực sự biểu hiện một công việc thực hay không là chuyện vặt của công an, toà án, không thuộc về lý thuyết kinh tế. Đây là lãnh vực có thể nghiên cứu một cách khoa học, nghĩa là : trên cơ sở của hiện thực, không trên cơ sở của tâm lý, toàn là chuyện đã qua rồi mà, và có bằng chứng cụ thể. Chính các ngân hàng cũng phải dựa vào những bằng chứng cụ thể ấy để biết mình còn bao nhiêu tiền, nợ ai bao nhiêu và ai nợ mình bao nhiêu mà ! Nếu chuyện ấy khả thi, nó có thể cho phép ta giải thích quá trình phóng đại tiền ảo, và đó là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần : bất kể tâm lý của ai thế nào trong quá khứ thì những chuyện ấy đã xảy ra, có bằng chứng khách quan. Quá trình hành động khách quan đó, ta có thể biết, phân tích, hiểu và, cho tương lai, điều chỉnh hay cấm đoán được. Còn tâm lý người đời trong 10-20 năm nữa, thậm chí ngày mai thôi, ta không thể biết được, đừng hòng dùng "khoa học" kinh tế để điều chỉnh nó. Thế thôi. Ngay trong kiếp nhân văn, tinh thần khoa học khác ý thức hệ kinh tế ở đó.

 

Còn những lý do rất thực khiến chuyện ấy không thể thực hiện được, tiền vòng vèo qua những thiên đường tài chính rồi trở lại trong tay những ai ai và luật pháp đảm bảo bí mật ngân hàng, chúng nằm ngoài lý luận kinh tế lý thuyết. Những lý thuyết cho phép một số người tạo ra một cơn khủng hoảng tai hại như thế này, lại được bí mật ngân hàng bảo vệ và ung dung đi nhậu những bữa ăn trị giá 3000€/người tại Monaco, tôi không mê tí nào. Ai muốn bàn ra tán vào thế nào cũng được : đó là ý thức hệ, là niềm tin không cần phải chứng minh của mỗi người.

 

Ngoài ra, đương nhiên là còn có trăm thứ vấn đề liên quan :

 

b/ Lĩnh vực chính trị. Nhà nước nên can thiệp vào kinh tế để điều tiết nó hay không ? Đến mức nào ? Cứu hay không cứu ? Cứu ai ? Lấy tiền của ai để cứu ai ? Cứu như thế nào ? V.v.

 

c/ Lĩnh vực ý thức hệ kinh tế. Niềm tin lẫn nhau của các ngân hàng, của các "thị trường tài chính", của người tiêu thụ.

 

d/ et tutti quanti.

 

Những chuyện đó có thực, có thể giải thích được hậu quả tức thời của cuộc khủng hoảng, không giải thích được nguồn gốc và quá trình phát triển của nó đã dẫn tới thực trạng hôm nay và đẻ ra những niềm tin hay tâm lý ấy. Nếu có thể, người đời đã vạch ra từ lâu rồi và ai mà chẳng hiểu được : tâm lý thôi mà ! Chỉ vài tuần thôi mà niềm tin ấy đã quay 180° rồi mà ! Có mấy ai tiên đoán được đâu ? Và có ai dám nghĩ rằng cơn bão đã được giải quyết tận gốc đâu ? Mấy ngày nay, niềm tin ấy lắc lư như con lúc lắc nổi điên. Dựa vào nó đó để xây dựng khoa học kinh tế là chuyện hão.

 

Bây giờ ta trở lại một vấn đề "lý thuyết" của môn kinh tế học. Sức mạnh của kinh tế tư bản là : nó khuyến khích con người cả gan chấp nhận rủi ro, đánh cá tương lai, qua đó nó khiến con người phát triển khả năng sáng tạo, hành động et tutti quanti. Tôi hoàn toàn đồng ý : chính Marx đã nói thế hơn 100 năm nay rồi mà, và sâu sắc toàn diện hơn các giáo trình lý thuyết kinh tế mà tôi đã được học.

Chỉ có điều này tôi hơi bị khác thôi : các anh hùng hảo hớn ấy đánh cá tương lai của mình thì ít, đánh cá tương lai của tha nhân thì có thể… bạt mạng. Khi đã thất bại, họ còn được đi nhậu một bữa ăn 3000€/người và về nhà ngủ dưới một cái "dù vàng" vài hay cả trăm triệu $ mà. Thí dụ : Henry Paulson, cứ vào Wikipedia đọc thì biết.

 

Khi nhà tư bản mua sức lao động sẵn có trong thị trường lao động với giá 100$ và tin tưởng rằng với cách mình sử dụng nó, nó sẽ sản-xuất ra 120$, nhà tư bản đã đánh cá với tương lai, chí ít là của người lao động (vì không chỉ có thế thôi) : nếu, ngay trong hoàn cảnh sản-xuất bình thường, người ấy dở quá thì… lỗ to.

 

Ngày nay, trong cuộc đánh cá hi hữu này :

 

1/ Kẻ đầu tiên đánh cá có thể làngài giám đốc ngân hàng với tiền của… người khác (của tất cả những ai gửi tiền vào ngân hàng hoặc cho nó vay) : cho nhà tư bản chức năng vay vốn để sản-xuất.

 

2/ Người thứ hai đánh cá, tuy không ham, nhưng cực chẳng đã, chính là người lao động làm thuê, phải ứng vốn cho nhà tư bản đánh cá : phải làm việc hết tháng mới được lĩnh lương. Trong thời gian ấy, ăn cơm nhà vác ngà voi. Ai mà chẳng "biết". Nhưng chỉ khi khủng hoảng, bị quỵt lương mới ý thức được. Đó là điều kiện tồn sinh bình thường của kẻ bán sức lao động để sống. Trong nhiều nghề khác, người ta không mần ăn kiểu ấy, cứ thuê trạng sư thì biết.

 

3/ Giám đốc công ty sản-xuất, và là nhà tư bản sở hữu nếu ông là chủ của công ty : ký hợp đồng rồi, có thể lĩnh chút tiền cọc, nhưng phải sản-xuất xong sản phẩm thì mới lĩnh được hết tiền. Chính vì thế mà cần ngân hàng cho vay ngắn hạn để thanh toán lương bổng, chi phí sản-xuất hàng ngày. Trong lĩnh vực siêu thị ở Pháp thì kinh hoàng : các xí nghiệp nộp hàng cho chủ siêu thị xong rồi, phải chờ 90 ngày mới được trả tiền. Một phần quan trọng tiền lời của các siêu thị xuất phát từ khai thác lượng tiền ứng trước ấy trong thị trường tài chính. Đúng là buôn lấy lời bằng tiền vốn của người khác. Dũng cảm chấp nhận rủi ro đến thế là cùng ! Những ngân hàng cũng thế thôi : trong chức năng ngân hàng truyền thống, tiền nó cho thiên hạ vay là tiền của chúng ta gửi nó, không có lời. Thế thôi.

 

T → T + T' → …

Bí quyết thành công của công thức này là : cả gan đánh cá tương lai thật thà… của người khác và, nếu có thể, với tiền của người khác ! Và biết thu lời đúng lúc bất kể tương lai ấy sẽ thế nào. Hơn thua nhau ở hai từ đúng lúc. Thế thôi. Tương lai ảo đổi ngay ra tiền thực dễ yêu hơn bất cứ tương lai "thực" bấp bênh nào. Biết được lúc nào là "đứng lúc", quả là không dễ. Nhưng vẫn có người biết hơn người khác. Ông Tổng giám đốc ngân hàng Société Générale chẳng hạn. Thí dụ có đầy trong báo chí hàng ngày.

 

Có người sẽ cười : ôi, lại kiểu lý luận duy vật lỗi thời, chẳng khoa học gì cả. Tôi chấp nhận : nó không cần biết tới tâm lý của ai cả, chỉ lý luận trên cơ sở những hành động đã có thực và hậu quả có thực của chúng thôi. Ngay như thế, cũng chỉ ở dạng tưởng tượng lôgích thôi : tôi không là chuyên viên kỹ thuật trong môn này, không biết hết những thông tin chi tiết khách quan, chưa kể tới luật lệ cụ thể của từng quốc gia, chỉ biết đại khái qua báo chí thôi.

Nhưng đồng thời, kiểu lý luận này không coi hoạt động kinh tế của con người như sự kiện tự nhiên tuân theo quy luật của tự nhiên, dù nó phải có kích thước vật chất mới có thực, không coi rằng toán học có thể bảo lãnh kinh tế học như nó bảo lãnh vật lý.

 

Tôi đặt hành-động của con người trong thời gian, đương nhiên là thời gian trong cõi trung mô, thời gian của người. Thời gian ấy đương nhiên là thời gian vật lý đếm bằng năm, tháng, ngày, giờ. Ai có thể hành động ngoài thời gian vật lý ấy, trừ các hảo hớn tài chính ? Nhưng nó cũng là thời gian sinh học. Ai mà chẳng sợ đói, cần ăn, thậm chí thà ăn nhiều mà ngon còn hơn ăn ít mà dở ? Ai chẳng thèm có một mái nhà để trú thân mưa nắng ? Ai có thể làm gì mà không có ý-hướng ? Và, cuối cùng, nó là thời gian của văn hoá, của ý thức hệ : niềm tin vào đủ thứ linh tinh, có thực và không có thực, chính đáng hay không chính đáng, et tutti quanti. Tất cả, cuối cùng, đọng lại trong hành-động có thực của con người với con người, với thế giới tự-nhiên. Hành động ấy khách quan. Hậu quả cuối cùng của nó trong thế-giới cũng khách quan.

 

Chỉ có "những thị trường tài chính" mới có khả năng suy luận và hành động độc lập với thời gian ấy. Cứ xem thị trường chứng khoán thì thấy : mỗi ngày người ta trao đổi hàng chục hàng trăm tỷ $ như chơi, xuyên qua quyết định của một đống định trình, không cần biết trao đổi cái gì với cái gì trong đời thực cả. Chúng suy luận như thế nào, tôi không biết. Nhưng hành động ấy có thực, hậu quả của nó khách quan. Và tai hại cho người đời.

Suy luận biện chứng là thế thôi.

 

2008-10-29.

 

[1] Theo Wikipedia : http://fr.wikipedia.org/wiki/Fondation_Bill-et-Melinda-Gates#cite_note-2.

[2] Theo Wikipedia : http://fr.wikipedia.org/wiki/Fondation_Bill-et-Melinda-Gates#cite_note-2.

[3] Trong bài này, để tránh nhiễu, ta giới hạn định nghĩa "vốn riêng" của ngân hành bằng tổng số tiền thực do bàn dân gửi hay cho vay. Đó là chức năng ban đầu của nó.

[4] Luận điểm của thủ tướng Pháp Raymond Barre cách đây… 30 năm !

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2735
Ngày đăng: 23.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cứu cánh luận - Nguyễn Ước
Cứu cánh luận-2 - Nguyễn Ước
Sự cáo chung của chân lí - Phạm Nguyên Trường
Phật Giáo và hư vô chủ nghĩa[1] - Roger-Pol Droit
Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao ? - Phạm Nguyên Trường
Dục tính: sự gặp gỡ thể xác hay câu chuyện của những ẩn dụ - Nguyễn Mạnh Hà
Thế nào là người trí thức? - Paul A.Baran
Chủ nghĩa Máy móc-1 - Nguyễn Ước
Chủ nghĩa Máy móc-2 - Nguyễn Ước
Trí thức nửa mùa - Oleshuk Iu. F.