Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.032
123.197.601
 
Vết son
Mang Viên Long

“…Người đi mang cả hồn ta gửi,

Để lại đời ta một vết son…”

 

Tiếng ồn của mấy người đàn ông ở bàn giữa vẫn như chiều hôm kia Nhơn nhớ rõ được họ bởi một vụ ồn ào tranh nhau vì chuyện tiền bạc hôm đầu tiên ngồi ở một góc bàn đầu đợi Trúc từ ba giờ tới bốn giờ. Họ đều luống tuổi, vài người tóc đã  hoa râm, ăn mặc khá sang, vẻ bình thản. Thỉnh thoảng nghe họ hô  một, hai, ba” rồi đập tay lên bàn cười lớn như một trò chơi của lũ trẻ con. Một lúc nào đó Nhơn nghe họ ồn ào cãi cọ : Người đàn ông lùn lùn nhìn gã đang ngồi đối diện với vẻ mặt hầm hầm, “chơi vậy đâu có được ông bạn ? hào hoa mà, đừng có giở trò đó chứ?”. Giữa họ có nhiều giây phút im lặng sau đó, khiến Nhơn biết đã tới lúc chuyện tiền bạc không phải là chuyện đùa giỡn vui vẻ như một trò chơi với nét mặt bình thản lúc đầu. Họ đều nhìn tới những tờ giấy bạc hơn là nhìn nhau mà cười đùa. Cờ bạc, dù chỉ để chơi cho vui, vẫn không thể không bị lôi cuốn đến chỗ tham lam gay gắt. Rất dễ bị tiền bạc bỗng dưng làm cho những tiếng cười tắt nghẽn giống gương mặt lầm lì của gã lùn, và nét mặt trân tráo khó xử của gã đàn ông ngồi đối diện. Chắc rằng cờ bạc không phải là một trò chơi thoải mái của những tiếng cười hay là một sự phản kháng buồn thảm nào đó.

Buổi chiều đầu hẹn Trúc ở quán K.S. cũng tình cờ như mấy khuôn mặt quen quen ở bàn giữa. Thực ra thì sự chuẩn bị cho một dự định gặp gỡ Trúc lúc còn ở Tuy Hòa không phải là động cơ chính thúc đẩy cho lần đối diện chiều hôm đó cho dù đã gần một năm chờ thư, đọc thư, và nhìn nhau qua những tấm ảnh. Dự định ít khi thành, nhất là những dự định về tình yêu. Còn mơ tưởng, hy vọng, bao giờ cũng có khi đã bắt đầu biết nhớ những cánh thư xa nhưng không là quyết định chót cho một sự thực như buổi chiều ngồi ở K.S. đợi Trúc. Tình cờ. Đưa đẩy. Qua mấy bận trước, cầm ống nói lên, rồi đặt xuống trở lại, vội vã viết vài dòng thư báo tin của những ngày có mặt, mãi cho tới lúc lên ngồi yên ở số ghế xe đò đã lấy vé trước (hay đợi tiếng gọi ra phi trường của người nữ tiếp viên) vẫn còn tưởng như đã bỏ sót một việc gì thực hệ trọng cho lo dứt. Những cánh thư tiếp theo gửi Trúc như những câu thơ buồn. Lần này, dù đã nghĩ tới một cuộc gặp gỡ với số điện thoại viết bỏ sẵn trong túi áo cho chắc, Nhơn vẫn không khỏi thấy ngần ngại giống lúc đã vắt tấm áo veste lên vai ngồi lên phía sau xe chạy được một quãng lại kêu trở về móc cất vào tủ. (Nhơn nhớ một lời thư Trúc: “Trúc ghét mặc áo ấm kinh khủng, mới lạnh đã se sua áo ấm đủ loại đủ màu, trông con người lùng thùng kỳ kỳ sao đó”). Bỏ cái áo ấm ở nhà, Nhơn đã phải chịu rét ở cái trạm chờ trống trải gió lộng của một sân bay gần biển. Mãi tới lúc lên phi cơ, hết chịu nổi, Nhơn đành hỏi mượn cái mền len của gã tiếp viên hói đầu đạo mạo như một nhà bác học. Ông có khuôn mặt, bộ tịch kiêu hãnh đến cao ngạo như giọng nói rè rè nhức đầu không lọt vào tai được tiếng nào qua cái haut-parleur đã biết là hỏng, không xài được nữa. Như mười lăm phút đứng giảng giải trước chỗ ngồi của một người lính về cái túi nên phải sử dụng như thế nào khiến mọi người ngơ ngác nhìn. Như cái thí dụ trịch thượng ngu xuẩn của gã khi thấy Nhơn gảy tàn thuốc vào cái ly giấy chứa một thứ nước trà hôi mốc dù cố gắng cũng không uống được hớp thứ hai cho đúng phép lịch sự. (Gã đã nói : “Anh khảy tàn thuốc vào đấy cũng như anh ăn cơm xong lại tiểu vào chén, tôi ví dụ vậy, coi có được không?”) Dầu đang đắp cái mền len của gã, Nhơn cũng không khỏi giận cho những cái thí dụ kỳ cục như thế, nhất là được nói ra từ cửa miệng của bộ mặt trí thức lịch sự với cái trán hói cao. Người bạn ngồicạnh nổi nóng sừng sộ kêu gã lập lại cái thí dụ bất hủ đó, nhưng gã sợ hãi im lặng. Riêng Nhơn, cái giận cũng mất đi nhanh chóng như những bận rầy rà đứa cháu hippy mê coi xinê hơn là đi học, ở nhà. Có lẽ, từ phi cơ nhìn xuống cái thị xã bé nhỏ với cái trạm hàng không trống trơn, gã dễ để lòng khinh miệt tới đám hành khách ít oi lếch thếch bước lên tàu ?

Quả là một sự tình cờ. Hay nói đúng hơn là một sự liều lĩnh. Liều lĩnh đưa tới tình cờ: Nhơn quay tiếp số điện thoại của Trúc sau khi đã gọi cho vài nơi hẹn giờ tới thăm. Tiếng nói bên kia đã vẳng bên tai. Đã gặp. Đã dính vào những liều lĩnh (hay tình cờ ?) khác. Tiếng nói lập lại câu hỏi của Trúc vẫn khiến Nhơn có cảm tưởng như vọng lại từ một nơi nào thực xa xôi, ẩn dấu, nhưng cũng rất quyến rủ.

-Xin lỗi, tôi là Trúc đây, ai gọi đầu dây xin cho biết quí danh ?

-Cô thử đoán xem (Nhơn cười).

-Rất tiếc (tiếng cười khẽ) tôi không đoán được, xin lỗi, cho tôi biết…

-Thôi, không cần biết cũng được nữa, cô à.

-Tôi không hiểu. Sao lạ vậy, thưa ông?

-Không có gì lạ cả. Tôi đã nghe giọng cô nói rồi. Cũng đủ. (Nhơn cười ngập ngừng).

-…

Tiếng cười Trúc bên kia đầu đây vang lên bên tai Nhơn như một niềm vui tình cờ. Chừng như trong tiếng cười bỡ ngỡ đó, Nhơn còn nghe có nhiều nỗi phân vân như những tiếng nói rời, hụt, cưa thành tiếng gọi nhỏ. Thực sự là Nhơn cũng đang băn khoăn không biết có nên nói tiếp nữa hay đặt ống nghe xuống bàn. Những mẫu đối thoại nào đó bất chợt nghĩ tới để làm vui những giây phút ngồi thầm dưới hàng cây sầu đông trước ngõ đợi đứa cháu trẻ về sau suất phim cuối trở lại trong đầu Nhơn lộn xộn quá. Sự im lặng lúc này càng gây thêm cho nỗi áy náy ngại ngùng thực nhiều bàng hoàng xúc động. Anh thoáng nhớ tới màu mắt xanh ngơ ngác của cô bé giữ  phòng điện thoại ở Tuy Hòa khi anh đột ngột  bỏ về.

-Xin lỗi (giọng Trúc ngập ngừng) có phải ông mới đến Saigon phải không ?

-Thưa phải.

-Ông đang ở đâu vậy?

-Gọi nhờ máy của phòng báo chí bộ giáo dục.

-…

-Cô có quen ai ở Tuy Hòa không ? (Nhơn cười nhạt)

-Có . Ồ, có phải ông Nhơn đó không ? (Tiếng cười)

-Tới bây giờ cô mới nhận ra à ?

-Tôi vừa được thư ông chiều nay. (Tiếng cười)

-Thư nào vậy cô ? (Nhơn ngạc nhiên)

-Thư ông viết đêm đưa ông Táo về trời đó (Tiếng cười dài).

-Ồ , sao nhanh quá vậy ? Thư tới cô trước khi ông Táo cỡi cá chép về tới Trời (Nhơn cười). À , tôi cũng đã nhận được thư cô gửi ra, cái thư có kèm bản nhạc gì mà “tương tư, tương tư” đó.

-À (tiếng cười) bản “Bao giờ biết tương tư.” Của chị bạn cho đêm gặp mặt ở văn khoa, sẵn gửi cho ông dạo phiếm cho vui mà…

-Này, sao Trúc lại gửi cho tôi nhỉ ? (Nhơn cười) Đáng lẽ tôi phải gửi cho Trúc chứ ? Còn tôi (Nhơn ngập ngừng) còn tôi (Nhơn cười) thì …

- …

Nhơn nghe mơ hồ có tiếng cười Trúc.

-Chiều mốt chủ nhật cô rảnh chứ ?

-Dạ rảnh.

-Được, thế cô cho tôi gặp một lần được không ?

-À (giọng Trúc bỗng cao) à, hay là ông tới nhà Trúc đi.

-Ở đâu ?

-Đường Nguyễn Văn Học, Gia Định.

-Cô suy nghĩ kỹ rồi chưa ? (Nhơn cười, cố giữ tự nhiên)

-…

-Sao ? Tôi không muốn làm phiền cô, tôi biết. Tùy Trúc.

-À hay là ông Nhơn định đi.

-Tôi quyết định phải không?

-Dạ .

-Để coi nào (Nhơn do dự) à, cô biết quán K.S. không ?

-K.S. nào vậy ông ?

-Quán K.S. ở góc đường L.L. đó .

-À (tiếng cười) tôi biết rồi…

-Tôi đợi ở đó nhé ?

-Dạ, nhưng mấy giờ, thưa ông ?

-Cái đó thì dành cho cô định đi. Chiều mốt tôi rảnh suốt buổi, chỉ có việc bận buổi sáng thôi.

-Thôi bốn giờ đi nha ông ?

-Được.

-À , này, mà làm sao tôi nhận ra ông ? (tiếng cười)

-Để mà (Nhơn cười theo) chứ còn mấy tấm ảnh đâu ?

-Tôi không nhớ rõ nữa.

-Cô để quên quá đi (Nhơn cười dễ dãi). Thôi được, tôi chờ ở bàn đầu vậy.

-Dạ được.

-Tôi lập lại : Bốn giờ chiều ngày chủ nhật ở quán K.S.

-Thưa nhớ . (tiếng cười khẽ)

-Tôi xin dừng nhé ? Nãy giờ đã làm phiền cô trong giờ làm việc, lại làm phiền cả mấy người bạn đang chờ ở hành lang nữa…

-Thưa, không có gì đâu ông.

-Nhớ nhé, tôi chờ à. (Nhơn cười nao nức)

-Dạ . (tiếng cười đáp rất khẽ, mơ hồ như tiếng nói thực dịu dàng).

Suốt ngày hôm sau Nhơn chờ chực ở hãng xe đò Tân Phát nhưng xe từ Tuy Hòa chưa chở tượng vào kịp. Một ngày đi qua. Một ngày buồn bã. Dù đã có ý định ở lại ăn tết ở Sai gon với gia đình một người bạn nhưng Tuy Hòa luôn luôn là một hình ảnh vừa chua xót, vừa êm ái ám ảnh Nhơn những lúc cảm thấy bất ổn như thế. Ở Tuy Hòa còn có cái thềm nhà ngát hương hoa lài của người bạn, có những con đường quen thuộc trống trải lặng lẽ, có chiếc quán tối đầu hẻm với những chai bia vài con mực nướng, có hàng sầu đông mỗi mùa hè sực nức mùi thơm quyến rủ trong đêm, có đứa cháu hippy mê coi xinê hơn đi học (và có những gì nữa?) ; để chia sẽ, an ủi cái buồn lo thắc thỏm trong lòng Nhơn. Tuy Hòa vì thế trong trí Nhơn là những hình ảnh âm thầm rời rạc yên lặng đó . Tách rời Tuy Hòa với những kỷ niệm thầm lặng nhỏ bé, Tuy Hòa không còn là Tuy Hòa nữa - cũng bởi vậy, Nhơn khó có thể cắt nghĩa tại sao anh chọn ở lại, khi tất cả đã ra đi. Bên những kỷ niệm chung với bạn bè, với thành phố, với cỏ cây đất trời, Nhơn còn có trong bóp một tờ thư đoạn tình với hai chữ ký. Nếu những kỷ niệm mơ hồ vớ vẩn của một dĩ vãng xa mờ đã khiến Nhơn bồi hồi nuối tiếc, thì tờ thư với hai chữ ký đã làm Nhơn ngậm ngùi với dự tính ra đi. Nhưng rồi Nhơn vẫn còn ở lại như tờ thư đã nhiều bận định xé bỏ rốt cuộc đã được giữ kỹ trong một ngăn bóp. Không ai biết. Chẳng người nào hay. Tờ thư đã được ký tên, ghi rõ ngày tháng của một chấm dứt vĩnh viễn, nhưng kỷ niệm (cho dù là chua xót hay rạng rỡ) khó có thể  xóa tan trong lòng Nhơn như một kết thúc nhanh chóng của bức thư với những lời lẽ giản dị đến sửng sốt. Bây giờ, trong đời sống êm ả bình thản của Nhơn, tờ thư là một biểu tượng của những gặp gỡ buồn rầu. Tờ thư là : bó nhang đốt sáng trên tay Nhơn lảo đảo điên khùng với những giọt nước mắt, những tiếng nói hụt hẫng se thắt, những lần bỏ đi ướt sũng tới ngủ nhờ nhà một người bạn, lời nói từ biệt gia đình những người bạn thân, những đêm nhắm mắt với nhiều muỗng thuốc siro Phénargan, (và còn những gì nữa?). Tờ thư với hai chữ ký đã có thời thêu bằng chỉ màu lên hai tấm khăn, hai chiếc gối, đã trở thành một vết đen. Một bóng tối. Khó có thể xóa sạch được vết đen hay xua đuổi tản bóng tối u ám ra khỏi tâm hồn người. Không dễ gì. Vẻ hốt hoảng của chị vợ người bạn đã luống tuổi khi đọc thoáng qua bức thư (lần đầu tiên Nhơn chuyển bức thư tới tay một người khác) và sự tươi tỉnh an ủi chóng vánh trên gương mặt chị (sau khi đã thất vọng nản chán vì mối bất hòa với chồng) đã cho Nhơn hiểu được rằng, khó lòng mà biến đổi những lời lẽ gọn gàng (như những câu kinh) trở nên những giòng thư đầy ắp tình nghĩa hy vọng (như thưở mới yêu). Chiếc lọ cổ đã nứt rạn. Đã bể. Bỏ một góc nhà. Ai nhìn cũng buồn, tiếc, nhưng không ai có thể hóa phép cho nó trở nên lành lặn như cũ. Cái gì cũng vậy, đừng nên để cho nó rạn nứt. Trong tình yêu sự rạn nứt thật nguy hiểm.

Saigon (hay ở một chỗ khác? ) không có những thứ đó. Thềm nhà. Hương hoa lài, Con đường vắng. Chiếc quán tối. Hàng sầu đông. Căn nhà sáng lù mù. Những người bạn già. Những nén nhang. Tiếng chuông mõ. Những mảnh vụn đó đã làm nên đời sống Nhơn tự bao giờ. Còn Nhơn, anh không là mẫu người có thể dễ dãi thích nghi với những hoàn cảnh mới lạ, đổi thay nhanh chóng: Anh trở nên lười biếng an phận với những thứ quen thuộc, cho dù là bức thư có hai chữ ký. Một ngày đi qua, vật vờ, phiền muộn với Nhơn giữa Saigon xô bồ, nôn nã.

Chín giờ sáng ngày chủ nhật, Nhơn mới có thể lãnh được bức tượng sau gần nửa giờ nghe người tài xế kể lể đủ thứ chuyện rắc rối tại các bót kiểm soát để cho chuyến xe có thể tiếp tục lăn bánh. Ông ta kêu : “Tượng Phật còn bị hạch sách, làm khó dễ, nói chở vô Saigon bán đồng, huống hồ cái ông này”. Nhơn cười : “Tới Phật còn bị nghi, hết chỗ nói rồi, bác à”. Phan (tên người bạn làm ở bộ giáo dục) và Nhơn chở bức tượng xuống Gò Vấp tìm tới nhà người bạn thì đã gần mười một giờ rưỡi. Gần hai giờ rưỡi chạy lần quần trong các hẻm đường khu Gò Vấp, bị những đứa con gái cong cớn chạy ra níu kéo, những người đàn bà kêu gọi “Cậu hai, cậu hai…”, Phan đã nhiều nhắc tới tên người bạn đã khuất với tiếng cười. Nhơn cũng cười theo anh ta để cố tạo một cảm tưởng vui. Khó có thể tìm được xúc cảm vui khi lòng đang buồn, nhưng Nhơn đồng ý với Ân (tên người bạn ở Tuy Hòa) rằng hãy nên nhắc nhở tới người chết như một truyện vui, điều quan trọng là vẫn còn nhắc nhở với một tình thân bền chặt. Quả thực ngồi thầm lặng với khói hương trầm nghi ngút, nhìn ảnh hình, di vật của bạn, Nhơn không tránh khỏi một nỗi phiền chán bừng nóng trong chiếc đầu thường xuyên đau nhức. Từ đó, những ý tưởng bi quan lại có cơ hội thúc giục những bước chân lần mò ra chiếc quán đầu hẻm với những chai bia cô độc. những ly rượu đắng một mình. Cứ nên xem mọi thứ như một trò chơi, Nhơn nghĩ, nên kết thúc cuộc sống bằng những tiếng cười thoải mái. Như vậy. Có gì đâu? Hai mươi bảy tuổi, sau ba năm, người bạn đã trở thành một bức tượng đồng. Chiếc hình lồng khung kính vụt thoáng là chứng tích của một sự có mặt kỳ dị. Nhìn gương mặt tươi tắn của người bạn nơi những khung ảnh giữa khói hương, Nhơn có cảm tưởng giống lúc ở nghĩa trang một năm trước khi tới thăm anh ta, rồi tẩn mẩn đi nhìn những tấm ảnh khác của mỗi ngôi mộ. Tất cả những nét mặt đều tươi tắn, mập mạp; không có chút gì phảng phất của một nỗi bất hạnh sầu thảm nào. Điều này khiến Nhơn thấy rõ sự tàn bạo phi lý của chiến tranh hơn bất cứ hình ảnh, tư tưởng nào khác: Cái số của một kết thúc sớm sủa quằn quại không thể đem cắt nghĩa cho những nét mặt, cuộc đời quá tươi trẻ kia. Bàn tay của kẻ nuôi dưỡng chiến tranh là thủ phạm của hàng vạn cái chết nhanh chóng như người bạn vừa đăng lời phân ưu một người bạn thì đã có một người bạn khác chia buồn mình, ngay trên một trang báo, cạnh đó. Ở những hàng bia mộ của những người trẻ tuổi như mình, Nhơn thường nghĩ tới nét mặt mình trong một tấm ảnh nào đó sẽ được đặt vào chiếc khung xi măng lồng kính. Hẳn đã có một khu đất dành sẵn. Chỉ có vậy. Thấy chưa ? Nhơn bỗng thấy khó chịu với những cử chỉ ngớ ngẩn, kỳ quặt vẫn thường có ở chị của người bạn. Chừng như là cái chết của người em trai đã mang đi hết hồn phách, nguồn vui sống của đời chị.

Nghĩ rằng không muốn nhìn thấy thêm chuyện buồn rầu đã có quá nhiều trong đời sống, nhất là không nên kéo dài cái phiền não tới bốn giờ chiều ; Nhơn nghe hết những lời cảm tạ, nhắn nhủ, xin phép được đi thăm mộ trước khi trở lên Saigon. Trước ngôi mộ, như mọi lần, Nhơn thắp cho bạn một nén nhang. Bùi (người bạn cũ ở Tuy Hòa nay đã đổi vào Cần Thơ) mồi cho người khuất một điếu thuốc đặt lên đầu ngôi mộ, và đốt tập sách cuối cùng của anh ta vừa được giới thiệu. Tập “Có Loài Chim Lạ” cháy nát thành tro. Những dòng chữ, một đời sống, đã không còn lại gì nữa ngoài một nhúm bụi tro bay. Thế đấy. Đời sống. Chẳng qua chỉ là một ngọn lửa đủ để đốt cháy một quyển sách. Như lời nhắc kể hài hước dí dỏm của Bùi về mấy nhân vật kỳ cục của người bạn đã viết nghe mà tưởng là một chuyện hoang đường xa lạ: Bán một khẩu colt 12 cho Mỹ để lấy tiền ngủ với gái điểm. Mê một con bé ở bên kia hàng rào có úp những vỏ hột vịt. Những thứ đó bây giờ hình như không có chút dính dấp gì đến ngôi mộ đã được xây. Bất thần Nhơn nhớ tới đêm đầu tiên trải tờ báo xuống nền đất gõ tiếng chuông mõ đầu tiên ở căn nhà được đặt tên là “Thâm U Vân Trúc Cốc” ở Tuy Hòa. Nét mặt hốt hoảng của vợ người bạn. Thềm nhà lãng đãng ánh trăng đầu tuần. Quán rượu.

Nhờn giành lái xe để đưa người bạn về nhà sau khi dùng cơm với gia đình người bạn. Bữa cơm vắng bạn, vắng rượu, nên buồn. Ba giờ kém mười lăm phút. Còn một giờ mười lăm phút để quên. Quên hết. Phải tập quên thực nhanh chóng, mới sống được. Mang bộ mặt khốn khổ buồn rầu đối diện với một người con gái thực không có ích gì hết. Vả chăng, rất nên để cho đời sống có thêm được chút sôi nổi hạnh phúc nào, càng tốt. Cái đầu không còn kịp nhớ mãi những khuôn mặt như quen thuộc trong nghĩa trang Gò Vấp. Và tâm hồn (những tâm hồn quá trẻ) không là chỗ chứa tích toàn chuyện lây lất âu sầu mà kết cuộc đã được nhìn thấy như từng tấm mộ bia. Hãy sống phải chờ đợi. Tình yêu là một thứ thuốc nhiệm mầu để lãng quên. Thực là khốn khổ cho những đời sống phải nghĩ tới nhiều chuyện quên trong cuộc đời của mình. Nhơn đột ngột dừng xe lại ở một góc đường L.L. kêu Phan trở về nhà một mình. Anh bỏ ý định đã nghĩ lúc sáng là nên để Trúc ngồi đợi ở K.S. năm mười phút gì đó cho nàng biết trông. Nhơn nghĩ tới sự lẻ loi ngơ ngác của Trúc cùng lúc với ý muốn được sống những giây phút đợi chờ bắt tay Phan, Nhơn bước vội vã về phía quán. Bàn đầu trống. Quán cũng vắng khách. Chai coca. Dĩa đậu phụng. Tờ báo. Bao thuốc còn một nửa. Đợi. Nhơn nhìn vơ vẩn khắp quán, nghe tiếng ồn ào “một, hai, ba” ở bàn giữa, ngó lơ đãng ra ngoài khung cửa kính, ngóng đợi. Áo xanh. Áo đỏ. Áo vàng. Áo tím. Áo trắng. Bóng dáng màu áo nào cũng khiến Nhơn dễ nghĩ là Trúc. Có một bóng áo xanh nhìn Nhơn cười cười. Nhưng lúc không thấy cánh cửa lay động, màu xanh mất hút giữa làn sóng người đông nghẹt, anh mới biết nụ cười đã có ý nghĩa khác. Có lẽ cô ta cũng đã có hồi ngồi đợi (hay được trông đợi) như Nhơn lúc này ?

Bốn giờ đúng : Trúc với áo dài tím đi qua khung cửa kính trước mặt Nhơn. Nhơn nhận thấy nhiều nét quen ở tấm ảnh của Trúc chụp lúc dưỡng bệnh ở Đà Lạt. Trúc vừa đi vừa quay ngó lại, mỉm cười. bỡ ngỡ. Nàng đi vào bằng cửa giữa. Nhơn nhìn theo gót chân Trúc, nghĩ tới hai câu thơ của Nguyễn Hữu Nhật đã có lúc chép gởi cho nàng, “chỉ ngại khi ta thành núi biếc, nghìn năm không thấy dấu chân em”, cười thầm một mình. Bây giờ Nhơn chưa là núi xanh, nhưng đã nhìn thấy gót chân e ấp êm ái nàng.

Còn mười lăm phút nữa, Nhơn nhìn xuống mặt đồng hồ, nói thầm. Nhơn tính nhẩm : Sáu giờ tan sở, mười lăm phút từ sở tới đây, mười lăm phút sao lâu quá ? Cố gắng cúi xuống tờ báo của một người bạn vừa tặng để đọc với vẻ bình thản, giữ cho đầu óc được thoải mái với cai coca lạnh, những không được. Những phút giây chờ đợi nao nức như thế thực hiếm trong đời sống lặng lẽ của Nhơn nơi một ngõ hẻm tối. Hơn nữa, Nhơn không quen ngồi ở những cái quán sang trọng như một kẻ nhàn rỗi (hay suy tư ?) một mình. Ở đó xa lạ. Dành cho những kẻ nhàn hạ dư dật như những người đàn ông đang mải mê đánh bạc ở bàn giữa. Như gia đình của cặp vợ chồng ở cuối phòng. Như đôi tình nhân hippy con nhà giàu đang âu yếm ở góc bàn phía sau lưng. Vì thế, cho dù cố giữ cho được bình thản, Nhơn cũng thấy ray rức, nôn nã. Tờ báo đã được giở ra, bỏ đó. Nhơn đốt thuốc liên tiếp cười cười với ý nghĩ giá lúc này anh bắt chước gã con trai ngồi ở quán Trẻ (Tuy Hòa) lấy giấy bút ra làm thơ, thì có lẽ kỳ dị buồn cười lắm. Tự dưng hình ảnh gã con trai hí hoáy viết thơ bắt gặp lúc ngồi ở quán bên này trạm hàng không chờ xe ca đưa ra phi trường, trở nên một nhớ tưởng êm dịu.

Cửa mở: Nhơn ngẩng lên. Một người đàn bà phì nộn đoan đả bước vào nhìn những người ngồi ở bàn giữa thực lâu, cười nói với gã sĩ quan cảnh sát dã chiến: “À, cờ bạc phải không, kêu lính bắt bây giờ”. Lính ngồi đó, sĩ quan chứ chơi sao, còn kêu lính bắt ai ? Những tiếng cười nổi lên. Họ cúi xuống bàn tiếp tục hô “một, hai, ba”, đập tay rầm rập, cãi cọ ồn ào. Bỗng dưng Nhơn thấy bực bội với sự có mặt thừa thãi của đám người ở bàn này. Hẳn ngày nào họ cung tụ họp ở đây như hôm kia và bây giờ? Nếu có một so sánh nhỏ nào đó với chỉ hình ảnh thu hẹp quanh chiếc bàn kia, với một căn nhà ở một nơi ngoại ô sát cạnh Saigon nhất, cũng đủ thất vọng.

Nhơn nghĩ về Trúc: Chẳng thà lẩn quẩn bên hình ảnh của Trúc hơn là lẩn quẩn quanh cái bàn cờ bạc. Trúc : Áo dài màu tím, nụ cười ngập ngừng, giọng nói yếu lạc bất chợt, hai tấm vé số, tờ báo “Gào Thét” của một thương binh, câu bói số của những chiêm tinh gia thất nghiệp… Gần hai giờ đối diện nói đủ thứ chuyện (từ chuyện cũ tới chuyện mới), những mẫu chuyện rời rạc, lộn xộn, giống như tâm trạng Nhơn lúc nhấc ống điện thoại. Nói. Cười. Im lặng. Nhơn không ngờ, buổi chiều đó, tại quán K.S. anh đã dễ dãi đi đến với Trúc bằng một mối thân tình thực lẹ làng. Hai mươi bức thư. Hai mươi lần tâm sự. Qua hai mươi lần gặp gỡ mà không tìm được mối thâm tình, thì coi như khó có thể kéo dài (hay kéo dài vô ích) một sự liên hệ gắn bó nào nữa. Trúc có vẻ e dè, đôi lúc ngạc nhiên, nhìn Nhơn bằng đôi mắt thầm lặng và nụ cười thay cho một câu nói. Nàng thường gật đầu, người bồng bềnh, đón nghe Nhơn nói. Nhơn nói. Nói như bị hấp dẫn. Mắt mở lớn, cử chỉ linh hoạt. Có lúc như nói với một khoảng không gian trìu mến không có tên gọi, không có màu áo, không có đối tượng nào nữa chung quanh khoảng không trong suốt. Tươi mát. Quyến rủ. Chỉ có vậy trước mặt Nhơn. Trúc đột biến là một khoảng không của bầu trời rực rỡ mà đôi mắt Nhơn, dù có mở lớn, cũng chỉ nhớ được có một điều giản dị : Tình yêu. Vóc dáng, chiều cao, bề rộng, trọng lượng, màu sắc… tất cả những thứ đó không còn có một cá tính riêng rẽ, mà nó chung một tên gọi thì thầm: Trúc. Trúc. Một tên gọi rất chung, nhưng vô cùng rạng rỡ trong tâm hồn cằn khô nóng bỏng của Nhơn. Trúc: Tình yêu. Nhơn chỉ nhớ có bấy nhiêu.

Rời quán K.S. lúc sáu giờ chiều, Nhơn theo Trúc đi qua nhiều đoạn đường không thuộc tên, đông nghẹt người, vang dội âm thanh. Một buổi chiều trong những ngày cuối năm của Saigon. Nhơn lại nhớ tới mấy câu thơ trữ tình của Nguyễn Hữu Nhật lúc trước: Núi xanh không những nhìn được gót chân em mà còn đi theo những gót chân đó nữa. Lãng mạn quá. Giờ khắc sống cho những câu thơ như thế với Nhơn thực là hiếm hoi. Lâu lâu cũng nên sống với những câu thơ, Nhơn tự nhủ., nếu không chắc buồn chết. Lâu lâu thôi. Núi non cũng khó lòng mà đi mãi theo những gót chân êm ái này. Nhơn hiểu rõ được rằng, đời sống lúc này không phải (hay không được?) để nghĩ tới những câu thơ như thế. Đời sống là một sự thực. Là những nấm mộ. Là bức tượng đồng. Là ngày hẹn nhập ngũ. Thơ là một mơ tưởng. Là mộng mị. Là chập chờn. Là mây trắng. Là sương đêm. Quả đó là một điều chua xót.

Trong làn sóng người xuôi ngược dồn đẩy, Nhơn cố nghĩ tới một cảm giác quen thuộc êm ái nào đó. Nhưng không mường tượng nỗi. Chỉ có ồn ào, vồ vập, xa hoa là Saigon của những ngày ghé lại trước đây, với tấm lòng dửng dưng, tẻ lạnh. Có Trúc, Saigon bây giờ trong đầu Nhơn là góc quán K.S. , màu áo dài tím, tấm vé số, tờ báo “Gào Thét”, tấm giấy “Thương anh chiến sĩ”, chiếc lọ cắm hoa, quyển sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt”, con đường sẫm tối dọc theo bến Bạch Đằng, Chương Dương nhìn khu Thủ Thiêm bên kia lấp lánh ánh đèn.

Nhơn kêu đói bụng, rủ Trúc chui vào mộ quán ăn : Bây giờ, Saigon với Nhơn có thêm một chiếc bàn cuối của quán T.B., dĩa cơm sườn, nét mặt lọ lem và lời nói sừng sộ của gã đàn ông hành khất lùng khùng, tô bún tôm (cho riêng phần Nhơn sau dĩa cơm sườn có miếng thịt quá nhiều mỡ). Lúc chợt để ý tới bản tin điện màu đỏ chạy phản chiếu trong tấm kính, Nhơn biết đã tới lúc phải đưa Trúc đi chợ về (nàng nói với người nhà là đi chợ), muốn uống thêm chai bia thứ ba, thứ tư, thứ năm (cho tới khi say rũ). Phải uống cho say một tối để những giây phút nhớ ruợu không phải chỉ có những đêm mò ra cái quán tối đầu hẻm ở Tuy Hòa mà ngây ngất, lảo đảo một mình. Cùng lúc với ý định này, Nhơn chợt nhớ tới những lời thư lập lại của Trúc (nàng đã viết : “Ông cho tôi xin hết những cái buồn nản giết người của ông đi, ngay cả cái tật uống rượu nguy hại tới cái đầu thường đau nhức của ông nữa”, và Nhơn đã đồng ý cho nàng tất: Cái buồn nản và cái uống rượu mà không dám làm phiền nàng. Nhơn muốn được nghe lời nàng (ít nhất là lúc này) như đã đều đặn uống những viên thuốc Stopain và Librium nàng gửi. Nhơn nghĩ thầm, ít ra cũng phải có một người để mình nghe lời, ngoan ngoãn vâng lời, cho cuộc sống bớt phần khổ sở. Hai lỗ tai và cái đầu sắp sửa bất trị : Nhơn định gọi thêm rượu thì Trúc đòi về. Nhơn cười nói lỡ đi chợ muộn thì cho muộn thêm một tí nữa, có sao đâu. Trúc cười : “ông đã say chưa?”.

-Nếu say sao tôi còn nhớ rằng cô đang đi chợ nhỉ ?

Trúc cười nói giọng phân vân :

-Thôi về.

-Có lẽ Trúc nên nghĩ tiếp một câu nói nữa sau cái vụ nói đi chợ hồi chiều.

Thực sự là Nhơn đã thấy buồn, dầu được đi bên Trúc, lúc này. Một lát nữa, vài phút, Trúc đã trở về. Trở về. Chấm dứt một buổi chiều, một cuộc gặp gỡ không hẹn tới một lần gặp mặt khác. Lần chia tay vì thế là một xa rời vĩnh viễn. Mịt mù. Ý nghĩ này khiến Nhơn cảm thấy mềm yếu lạ lùng. Tự dung tâm trí nao núng, lay chuyển như thể anh vừa trải qua một biến động quan trọng. Một vết thương chẳng hạn. Sự đổi thay đột ngột từ giờ khắc của hội ngộ còn dội lại tiếng cười, đến sự xa rời lặng lẽ của một đoạn lìa không hứa hẹn, đã gây cho Nhơn hoang mang nghĩ tới cái thềm nhà quạnh hiu những đêm ngồi thầm trong bóng tối ngát hương hoa lài, ngọc lan; và quãng ngày đi làm lính thú sắp tới. Nhơn và Trúc đi thật chậm trong vùng ánh sáng mù mờ của khu bến xe lam chạy về Chợ Lớn. Nhơn nhìn Trúc. Nhìn. Xe chạy.

Đèn đỏ: Xe dừng lại bên này lối dành cho bộ hành. Chiếc taxi trờ tới, còn trống. Nhơn mở cửa. Trúc ngồi vào. Đèn xanh bật lên. Xe chạy. Mất. Trong ánh mắt ngơ ngẩn ngó theo, Nhơn không tìm thấy chiếc xe có bóng áo dài tím. Xe như một con nước ồ ạt chảy. Ánh đèn. Bóng tối. Bảng tin điện màu đỏ. Nhơn lững thững tìm một chiếc xe lam, nhưng chưa biết sẽ đi về nhà người bạn., hay tìm tới nhà một người bà con ở đường Bùi Viện. Cái ước mơ được ngồi vào xe, đưa Trúc về một quãng đường tới Gia Định, đã trở thành một ám ảnh vừa nuối tiếc, vừa buồn bã. Có nên kéo dài thêm một giây phút nào nữa chăng? Nghĩ tới tờ thư với hai chữ ký còn giữ trong bóp, Nhơn thấy không đủ sáng suốt để trả lời dứt khoát một câu hỏi như thế (hay tương tự). Bất thần Nhơn chợt nhớ tới bức tượng đồng của người bạn, và người yêu của anh đang ẵm một đứa con với một người khác ở Vũng Tàu. Kết quả của một câu chuyện tình đã có hồi xanh mộng : N. đã dắt một đứa con đi chơi thực sự ở cuối cuốn sách, nhưng không là đứa con của nhân vật mà người viết hy vọng. Thế đấy. Giản dị.

Suốt đêm hôm đó, dù cố gắng nhớ Trúc với cái bàn dầu ở quán K.S. , tấm vé số, tờ báo, chiếc lọ hoa, quyển sách (vân, vân) Nhơn cũng không sao hình dung Trúc đầy đủ với màu áo tím. Khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói, mái tóc (và những gì nữa?) của nàng cũng không còn là một hình nét rõ ràng nào nữa: Anh đã quên hẳn Trúc như thế nào của buổi chiều gặp gỡ, và ba tấm ảnh cũ còn giữ trong túi áo. Chỉ còn lại một màu tím mơ hồ, (màu tím đầu tiên được nhìn thấy trong đôi mắt), là Trúc. Trúc là màu tím. Anh khổ sở vì không giữ được vóc dáng Trúc của tượng hình xương thịt để nói thêm những giây phút gặp gỡ trong mơ tưởng lúc này. Tuyệt nhiên không có một sự so sánh nào giúp Nhơn tìm ra Trúc giữa một màu tím mỏng manh (và những vé số, tờ báo, lọ hoa, quyển sách, con đường ở bến Bạch Đằng). Sự buồn bã và thất vọng đã xuôi Nhơn làm lại những bài thơ lục bát và bảy chữ (mà Nhơn đã bỏ, hình như trước ngày tháng được ghi trong bức thư đọan tình ba, bốn năm gì đó). Nhơn phờ phạc bên những bài thơ. Anh dần dà tiếp nhận được một nỗi an ủi đầm ấm ở những bài thơ buồn bã. Bấy giờ, anh mới hiểu được tại sao những người bạn làm thơ của anh đã làm ra thực nhiều những bài thơ tình. Riêng Nhơn, từ bây giờ, lâu lâu chợt nhớ tới màu áo tím, sẽ có dịp nghĩ tới những câu thơ như một cách lãng quên đời. Cũng cho vui đời.

Tại nhà một người quen ở đường Phạm Ngũ Lão, Nhơn nhấc ống nói lên, quay số 94486. Đây là lần thứ ba anh cầm ống nói lên, mới quay số được.

-Cô Trúc đó à ?

-Dạ , tôi.

-À (Nhơn ngập ngừng) chiều nay cô có rảnh không ?

-Chi vậy ông? (giọng nói có vẻ ngạc nhiên)

-Tôi có chút việc cần nhờ cô đó mà.

-Chuyện gì có gấp lắm không ông ? (tiếng cười khẽ)

-Dĩ nhiên là cần, cần tôi mới gọi cô chứ ? (Nhơn cười)

-Dạ được (tiếng cười). Nhưng ở đâu, thưa ông ?

-Cô định đi. Lần trước tôi đã định rồi.

-Ông định đi . (tiếng cười)

-Tôi quyết định phải không?

-Dạ.

-Này (Nhơn do dự) thôi, chỗ cũ nhé ?

-Ở K.S. à ?

-Vâng, ở đó.

-Sao ông thích chỗ này dữ vậy ? (tiếng cười). À, hay ông đợi Trúc ở góc đường C.L. và L.L. đi, nhé. Ở K.S. hoài cũng kỳ . (tiếng cười).

-Trúc bảo tôi đợi ở góc đường lơ ngơ như thế còn kỳ hơn nữa (Nhơn cười). Vả lại cả ngày hôm nay tôi đã đứng ở đó nhiều rồi. Cô thử tưởng tượng ra tôi đứng ngơ ngác ở trạm vé hàng không hay một góc đường phố đông đảo như thế, còn kỳ biết bao nhiêu ?

-À (tiếng cười) thôi được.

-Lúc mấy giờ ?

-Sáu giờ mười lăm đi nha ông ?

-Vâng, tôi đợi. tôi lại xin lỗi vì đã làm phiền Trúc một lần nữa. Thiệt là lạ, tôi đã tự nhủ là không gọi cho Trúc nữa, nhưng vẫn không được.

-Không có gì ông à, đừng nói… (tiếng nói nhỏ, không nghe được).

-Chiều nay, sáu giờ mười lăm.

-Dạ nhớ.

-Lần này không phải là đi chợ đâu nhé ?

-… (tiếng cười ).

 

Nhơn kêu người hầu bàn trả tiền, đứng dậy, nhìn xuống mặt đồng hồ: Sáu giờ mười phút. Anh bước nhanh ra phía cửa nghĩ rằng đêm nay sẽ viết cho Phan và Trúc mỗi người một lá thư. Và không do dự, Nhơn đón taxi bảo chạy gấp lên bến xe Pétrus – Ký để kịp lấy một cái vé.

Tháng 1/1972

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2913
Ngày đăng: 23.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày gặp lại - Phan Bích Thủy
Chùm truyện mini - Vĩnh Phúc
Số phận con Cún - Huỳnh Văn Úc
Họa vô đơn chí - Đông La
Truyện ngắn ngắn -11 - Đỗ Ngọc Thạch
Lời tỏ tình đầu tiên - Nguyễn Hồng Nhung
Vội vàng - Mang Viên Long
Cái con cầy - Giang Kiều
Cuốn sách còn lại - Nguyễn Minh Phúc
Đến bây giờ mới kể - Khaly Chàm
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)