Kahlil Gibran -Nguyễn Ước dịch
Loài người là kẻ nô lệ Cuộc đời. Nô lệ ấy lấp đầy ban ngày với khổ não, đau đớn và làm ngập lụt ban đêm với sầu thảm, nước mắt.
Ðã bảy ngàn năm tính từ ngày tôi ra đời cho tới nay. Suốt quãng thời gian đó, tôi chứng kiến những kẻ nô lệ Cuộc đời kéo lê lết xiềng xích nặng chình chịch của mình.
Lang thang khắp quả đất, từ Ðông sang Tây, và thơ thẩn trong Ánh sáng và Bóng tối của Cuộc đời, tôi đã thấy cuộc diễu hành của các nền văn minh chuyển động từ nơi ánh sáng vào chốn tối tăm. Hết văn minh này tới văn minh khác sa hỏa ngục bởi các linh hồn chịu sỉ nhục, quằn quại dưới ách nô lệ. Người mạnh mẽ bị khống chế và chịu khuất phục trong khi kẻ yếu đuối quì gối bái lạy ngẫu tượng. Tôi đã theo với loài người từ Babylon tới Cairo, từ Ain Dour tới Baghdad, và quan sát vết hằn của xiềng xích con người để lại trên cát. Tôi đã nghe các cánh đồng và các thung lũng lặp đi lặp lại vọng âm buồn bã của các thời đại đổi thay.
Tôi đã thăm các đền đài và bàn thờ, vào các cung điện và ngồi trước ngai vàng. Tôi đã thấy kẻ học nghề nô lệ người thợ, người thợ nô lệ ông chủ, ông chủ nô lệ người lính, người lính nô lệ quan chức, quan chức nô lệ nhà vua, nhà vua nô lệ tư tế, tư tế nô lệ ngẫu tượng… và ngẫu tượng chỉ là đất do Quỉ Satan nặn thành rồi được dựng lên trên những gò đống làm bằng sọ người.
Tôi đã vào dinh thự của kẻ giàu và viếng túp lều của người nghèo. Tôi đã thấy hài nhi bú sữa nô lệ trên ngực người mẹ, và trẻ em học cách phục tùng bảng chữ cái.
Các thiếu nữ thu mình lại trong kiểu trang phục phải mặc theo qui định, và những người vơ co rút trong nước mắt trên giường ngủ khi phải chịu ăn nằm như một cách giữ đúng lề luật vợ chồng.
Tôi đã đi theo các thời đại từ bờ sông Kange tới bờ sông Euphrates; từ cửa sông Nile tới các thảo nguyên Assyria; từ các đấu trường ở Athens tới các nhà thờ ở La-mã, từ những khu nhà ổ chuột ở Constantinople tới các cung điện ở Alexandria… Khắp nơi mọi chốn, tôi đều thấy ách nô lệ di chuyển trong đám rước lộng lẫy và huy hoàng của vô minh. Tôi đã thấy người ta hiến tế các thanh niên và thiếu nữ dưới chân ngẫu tượng và gọi nó là Thần linh; tưới rượu và nước hoa lên bàn chân của nó và gọi nó là Mẫu nghi; thắp hương trước ảnh tượng của nó và gọi nó là Ngôn sứ hoặc Tiên tri; quì gối bái lạy trước mặt nó và gọi nó là Pháp luật; chiến đấu tới chết cho nó và gọi nó là Lòng yêu nước; phục tùng ý nguyện của nó và gọi nó làm Chiếc bóng của Thượng đế chốn trần gian; hủy diệt và san bằng nhà cửa cùng thể chế vì nó và gọi nó là Tình huynh đệ hoặc Bác ái; phấn đấu, trộm cắp và lao động cho nó và gọi nó là Của cải và Hạnh phúc; giết người vì nó và gọi nó là Bình đẳng.
Nô lệ sở hữu nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chỉ một thực tại duy nhất. Nó mang rất nhiều vẻ bên ngoài nhưng được làm ra từ chỉ một nguyên tố. Thực tế, nó là sự ưu phiền vô tận được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tôi đã thấy ách nô lệ mù; nó cột chặt hiện tại của người dân với quá khứ của cha ông, thúc giục họ đầu hàng truyền thống cùng phong tục, và đặt linh hồn cổ lổ vào thân thể mới mẻ.
Tôi đã thấy ách nô lệ câm; nó cột chặt cuộc đời của người đàn ông vào người đàn bà y ghét cay đắng hoặc nó đặt thể xác của người đàn bà vào giường của người đàn ông nàng oán hận, vì thế, nó giết chết tâm linh của cả hai cuộc đời.
Tôi đã thấy ách nô lệ điếc; nó làm tàn tạ linh hồn cùng con tim, khiến cho con người chỉ là âm vang trống rỗng của một giọng nói và chiếc bóng đáng thương của một thân thể.
Tôi đã thấy ách nô lệ què; nó đặt chiếc cổ của con người nằm dưới sự khống chế của bạo chúa, nó khiến những kẻ cường tráng thân thể nhưng yếu đuối tâm trí phục tùng con cái của Lòng tham, vì lũ con cái này sử dụng tính tham lam của họ làm sức mạnh của chúng.
Tôi đã thấy ách nô lệ xấu xa; từ bầu trời bao la nó giáng xuống mặt đất, theo linh hồn các hài nhi nó nhập vào các ngôi nhà Khốn khổ, nơi Nhu cầu sống cạnh Vô minh, và Sỉ nhục ở cạnh Tuyệt vọng. Và lũ trẻ ấy lớn lên thành kẻ khốn khổ, sống làm kẻ tội phạm, chết trong khinh miệt và chối bỏ.như những cái chưa hề hiện hữu.
Tôi đã thấy ách nô lệ tinh vi; nó dán cho vật này vật nọ những nhãn hiệu khác với cái tên đích thực của chúng: nó gọi quỉ quyệt là trí tuệ, trống rỗng là tri thức, nhu nhược là dịu dàng và hèn nhát là cự tuyệt một cách dũng cảm.
Tôi đã thấy ách nô lệ vặn vẹo; nó làm cho lưỡi của người yếu đuối nhúc nhích với sự sợ hãi, không nói thẳng cảm xúc của mình, và nó làm cho người ta giả vờ trầm ngâm nghĩ ngợi về cảnh ngộ cuộc đời nhưng rồi chỉ trở thành chiếc bao bố trống rỗng tới độ ngay cả một đứa bé cũng có thể xếp nó lại hoặc treo lên.
Tôi đã thấy ách nô lệ lom khom; nó khiến cho quốc gia này tuân theo lề luật và phép tắc của quốc gia khác, và lưng càng ngày càng cong vòng.
Tôi đã thấy ách nô lệ vĩnh viễn; nó tấn phong con vua lên làm vua mà không cần cống hiến công trạng nào.
Tôi đã thấy ách nô lệ đen; nó dán nhãn hổ thẹn và ghét bỏ vĩnh viễn lên đám con cái vô tội của kẻ tội phạm.
Và trong khi chiêm nghiệm về nô lệ, tôi còn thấy nó sở hữu sức mạnh tồi bại để tiếp tục tồn tại và truyền nhiễm.
Khi càng ngày càng thấm mệt vì đi theo các thời đại suy đồi, và sức lực tiêu hao vì phải nhìn ngắm những cuộc diễu hành của các đám đông dân chúng bị ném đá, tôi dạo bước một mình vào Thung lũng của Bóng tối Cuộc đời, nơi quá khứ cố gắng giấu mình trong tội lỗi còn linh hồn của tương lai thì đang cuộn mình yên nghỉ rất lâu. Ở đó, bên bờ Con sông Máu và Nước mắt bò ngoằn ngoèo như rắn độc và vặn vẹo như giấc mộng của kẻ tội phạm, tôi nhìn chằm chặp hư không và nghe ra tiếng thì thầm run rẩy của hồn ma các kẻ nô lệ.
Tới nửa khuya, khi quỉ thần ra khỏi chỗ núp, tôi thấy một bóng ma hấp hối, tái nhợt, đang khuỵu xuống và dăm đăm nhìn mặt trăng. Ði tới bên nó, tôi hỏi:
– Ngươi tên gì vậy?
Chiếc bóng tái mét màu xác chết ấy trả lời:
– Tôi tên Tự do.
Nghe vậy, tôi hỏi:
– Vậy con cái của ngươi đâu?
Mặt đầy nước mắt, Tự do thở hổn hển và trả lời tôi với giọng yếu ớt:
– Một đứa bị hành hình, một đứa điên dại, còn đứa thứ ba chưa ra đời.
Nó vừa khập khểnh bước đi vừa nói thêm nữa, nhưng tôi mắt đã mờ hơi sương và tâm hồn đang gào khóc nên không còn có thể nhìn thấy hoặc nghe ra nó nói điều gì../.