7. Phản biện
Khổ là do con người
Người ta thường trả lời những phê phán kể trên bằng cách vạch ra rằng Thượng đế, Ðấng toàn năng và nhân từ, tạo dựng vũ trụ một cách toàn hảo. Cuộc sáng thế toàn hảo này đòi hỏi phải cho con người ý chí tự do vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng đế. Nếu không có ý chí tự do thì người sở hữu nó đã không có quyền chọn lựa và tự mình lập quyết định.
Khi đối mặt với cám dỗ, con người sa ngã phạm tội, dẫn đến mọi đau đớn khổ sở trong thế giới này. Thảm kich chiến tranh, khủng bố, động đất, bão tố, lốc xoáy, nghèo đói, dịch bệnh, ô nhiễm môi sinh, triều cường, v.v. là kết quả của tội lỗi của con người. Mọi độc dữ trong thế giới này đều do bởi con người chứ không do bởi Thượng đế. Như thế, những điểm đặc trưng thiết kế trong thế giới này là bằng chứng cho sự hiện hữu của Thượng đế, còn cái ác là hậu quả hành động tội lỗi của con người.
Ðau khổ là để uốn nắn
Có thể nói nhiều cái bị phàn nàn là những kiểu mẫu thiết kế kém phẩm chất chẳng qua là vì cái nhìn hữu hạn và chật hẹp của chúng ta. Có thể giả định chuyện một người cha trừng phạt đứa con. Khi thọ phạt, đứa con hoài nghi tình thương và sự am hiểu của người cha. Nhưng nếu đứa con ấy đừng nghĩ ngợi gì khác, chỉ nhìn tới tương lai, nó sẽ nhận ra rằng kỷ luật là chỉ vì sự tốt lành của nó.
So phần lớn khổ đau trong cuộc đời với thí dụ ấy thì cũng giống như thế. Mục đích sự trừng phạt của Thượng đế là để uốn nắn con cái của ngài như người cha uốn nắn đứa con của mình. Nếu chỉ nhìn toàn bộ bức tranh, chúng ta sẽ thấy rằng những gì gây đớn đau cho chúng ta lúc này chỉ là thành phần trong kế hoạch của Thượng đế vì sự tốt lành lớn lao của con người.
8. Luận cứ bản thể luận
Duy lý nghi ngờ duy nghiệm
Các kết luận của một hệ thống triết học, nếu muốn giữ được tính nhất quán, phải phản ánh nguyên tắc dẫn đạo hệ thống đó. Người duy nghiệm chủ nghĩa phải bắt đầu với vạn vật hoặc với dữ-liệu-giác-quan vì toàn bộ trường hợp thẩm tra của họ đều đặt cơ sở trên giá trị của kinh nghiệm giác quan.
Người duy lý chủ nghĩa không tin người duy nghiệm chủ nghĩa vì họ hoài nghi giá trị sự làm chứng của giác quan, và để kiến lập quan điểm của mình, họ có thể vạch cho thấy đủ thứ ảo giác. Do đó, người duy lý tìm kiếm bằng chứng sự hiện hữu của Thượng đế trong bản tính hoặc các nội dung của lý trí.
Trường hợp Descartes
René Descartes, như chúng ta từng đề cập, đã chọn việc đặt trường hợp thẩm tra của ông trên các nguyên tắc duy lý. Vì là nhà toán học, ông cảm thấy các tiền đề hoặc các nguyên lý hiển nhiên là vị trí bắt đầu để sở hữu tri thức một cách chắn chắn hơn, so với sự làm chứng của giác quan. Do đó, Descartes khảo sát các ý tưởng hoặc các nội dung của tâm trí. Và ông tìm thấy ở trong chúng có ý tưởng về một Hữu thể toàn hảo (a perfect Being). Kế đó, ông đặt vấn đề bằng cách nào mình có thể đi tới việc sở hữu một ý tưởng như thế.
Bằng trực giác, Descartes biết rằng kết quả không thể nào hơn nguyên nhân. Hoặc diễn tả cách khác, nguyên nhân phải ngang với hoặc lớn hơn kết quả, bằng không, cái gì đó hẳn phát sinh từ cái không có gì. Hệ quả là theo Descartes, tôi không thể là tác giả của ý tưởng về Hữu thể toàn hảo – bằng không, nguyên nhân ấy, là tôi, một hữu thể bất toàn, hẳn không ngang với kết quả. Vì tôi có ý tưởng về Hữu thể toàn hảo và vì nguyên nhân phải thỏa đáng với kết quả, nên phải hiện hữu Hữu thể toàn hảo, kẻ sản sinh ý tưởng ấy trong tâm trí của tôi.
Một ý tưởng bẩm sinh
Ðáp lại Descartes, câu trả lời dễ dàng là nói rằng chúng ta đã xem xét các ý tưởng của mình và ở đó, chẳng chỗ nào chúng ta tìm thấy có ý tưởng về sự toàn hảo hoặc về một hữu thể toàn hảo. Câu trả lời ấy hẳn không làm Descartes lo lắng vì ông tin rằng ý tưởng về Thượng đế hoặc về Ðấng (Hữu thể) toàn hảo là một ý tưởng bẩm sinh.
Vì do bởi nó bẩm sinh nên chúng ta có thể không nhận biết nó một cách đầy đủ. Chính phận sự của công tác giáo dục và suy ngẫm sẽ khiến cho chúng ta hoàn toàn ý thức các ý tưởng tiềm ẩn mà chúng ta đang sở hữu. Trong trường hợp Descartes, công tác ấy đã hoàn tất.
Từ ý thức sự bất toàn
Nhưng Descartes cũng lập luận rằng chúng ta có ý tưởng về sự toàn hảo vì nếu chúng ta ý thức về sự bất toàn, chúng ta phải nhận biết sự toàn hảo dù chúng ta thừa nhận hay không thừa nhận nó. Không thể nào xác định sự bất toàn nếu không liên quan tới ý tưởng về sự toàn hảo. Xét theo khía cạnh luận lý và thực tế, ý tưởng về sự toàn hảo có trước. Nếu chúng ta có ý tưởng về sự bất toàn thì chúng ta hẳn đã có ý tưởng về sự toàn hảo.
Người ta có thể đáp lại rằng trong thực tế, chúng ta xây dựng ý tưởng về sự toàn hảo bằng cách thiết lập thứ tự các đối tượng theo những cấp độ không toàn hảo. Chúng ta bắt đầu với một đối tượng bất toàn nhất, rồi đi từ cái rất bất toàn đó tới cái ít bất toàn hơn một chút rồi tiếp tục đi xa hết sức có thể. Và cứ thế ta mường tượng ra một chuỗi như thế để cuối cùng, hình thành ý tưởng về sự toàn hảo.
Tuy nhiên, Descartes hẳn sẽ vạch ra rằng chúng ta không thể sắp đặt một chuỗi liên quan tới các cấp độ bất toàn từ ít tới nhiều hoặc từ nhiều tới ít nếu chúng ta không có ý tưởng về sự toàn hảo để hướng dẫn chúng ta trong việc sắp xếp thứ tự.
Bằng cách ấy, Descartes lập luận rằng ai trong chúng ta cũng sở hữu ý tưởng về sự toàn hảo dù chúng ta có ý thức nó hay không. Thật dễ dàng khi đi từ ý tưởng về sự toàn hảo tới ý tưởng về Hữu thể toàn hảo vì xét theo quan hệ nhân quả, một hữu thể không toàn hảo thì không thể là nguyên nhân của ý tưởng về sự toàn hảo. Do đó, cũng dựa trên sự phân tích quan hệ nhân quả, việc chúng ta sở hữu ý tưởng về Hữu thể toàn hảo kiến lập sự hiện hữu của Ðấng toàn hảo, kẻ chắc chắn sản sinh nó trong tâm trí của chúng ta.
Trường hợp Anselm
Luận cứ của Descartes – vốn dựa trên giả định rằng chúng ta có ý tưởng về Hữu thể toàn hảo – dẫn tới cái được gọi một cách thích đáng hơn, đó là luận cứ mang tính *bản thể luận (ontological argument). Nguyên thủy, nó được lập thành vào thế kỷ 11 bởi giám mục *Anselm (1033-1109). Khái quát, từ luận cứ của vị học giả, tu sĩ và triết gia ấy ta có thể chiết ra như sau:
a. Tôi có ý tưởng về Hữu thể toàn hảo (a perfect Being);
b. Bằng sự kiện ấy, tôi có ý nói rằng tôi có ý tưởng về một Ðấng không thiếu cái gì cả, một cách tuyệt đối;
c. Nếu Hữu thể ấy thiếu cái gì đó, y không toàn hảo, và lúc đó, tôi có thể đã quan niệm một Hữu thể cao hơn.
d. Hữu thể toàn hảo này, do đó, phải hiện hữu; vì nếu không hiện hữu tức là Ngài thiếu cái gì đó và không là Hữu thể (Ðấng) toàn hảo;
đ. Vì tôi có ý tưởng về Hữu thể toàn hảo và rằng ý tưởng đó phải bao gồm cả sự hiện hữu, nên Ðấng toàn hảo – Thượng đế – do đó phải hiện hữu.
Trong "con đường thứ tư" của Thomas Aquinas dùng để chứng minh có Thượng đế, ta bắt gặp, một cách cô đọng, các ý tưởng kể trên của Alselm.
Cái không cái gì lớn hơn
Trong chương 3 của cuốn Proslogion, Anselm đưa ra một lối giải thích khác cho luận cứ đó:
"Vì chúng ta nghĩ tới một sự vật, theo nghĩa này khi chúng ta nghĩ tới một từ ngữ xác định ý nghĩa cho nó, và theo nghĩa nọ khi chúng ta am hiểu chính bản thân sự vật ấy. Như thế, theo nghĩa thứ nhất, Thiên Chúa có thể bị quan niệm là phi-hiện-hữu, nhưng theo nghĩa thứ hai thì điều đó hoàn toàn bất khả thi. Vì không người nào am hiểu Thiên Chúa là gì lại có thể nghĩ rằng Thiên Chúa không hiện hữu...
"Vì Thiên Chúa là cái không cái gì lớn hơn có thể quan niệm được, và bất cứ ai am hiểu điều ấy một cách chính đáng thì phải am hiểu rằng Ngài hiện hữu theo cách Ngài không thể phi-hiện-hữu thậm chí trong ý nghĩ. Do đó, hắn, kẻ am hiểu rằng Thiên Chúa hiện hữu như thế, không thể quan niệm Ngài là phi-hiện-hữu."
Từ tam giác của Descartes
Descartes minh họa luận cứ về Hữu thể toàn hảo của Anselm bằng cách phân tích ý tưởng về hình tam giác. Tôi có ý tưởng về một tam giác và tôi có thể quyết định mọi đặc tính của nó: thí dụ các góc bên trong của nó phải có hai góc vuông! Tôi không thấy có chỗ nào trong sự phân tích của tôi hiện hữu một tam giác như thế, do đó, không nhất thiết phải có sự hiện hữu của loại tam giác ấy.
Phân tích đó của tôi cho phép tôi nói rằng nếu tam giác ấy hiện hữu, nó phải có những đặc tính được biểu lộ bởi sự phân tích của tôi về ý tưởng ấy của tôi. Do đó, ý tưởng về tam giác ấy hoàn toàn khác với ý tưởng về Hữu thể toàn hảo. Hữu thể toàn hảo phải có sự hiện hữu như một trong các đặc tính của nó; bằng không nó thiếu cái gì đó và không được gọi là Hữu thể toàn hảo. Vì tôi có ý tưởng về Hữu thể toàn hảo nên hữu thể ấy phải hiện hữu. Nói theo ngôn từ mang tính kỹ thuật hơn thì: yếu tính của nó có liên quan tới sự hiện hữu, hoặc là hiện hữu là một trong những điều kiện làm thành yếu tính của nó.
Luận cứ bản thể luận (ontology) rất trừu tượng và rất khó nắm bắt. Các triết gia thiên về chủ nghĩa thực nghiệm có khuynh hướng bác bỏ nó; họ chỉ xem nó như một thí dụ điển hình cho những cái phi lý mà người duy lý chủ nghĩa có thói quen vấp phải. Vì ngày nay, người ta nhấn rất mạnh tính thực nghiệm nên rất ít người hiện đại ủng hộ luận cứ mang tính bản thể luận. Sự kiện ấy không chứng minh được rằng nó là một luận cứ yếu ớt. Trong những dòng chữ sắp tới, khi quay lại với Kant, chúng ta có thể thấy rằng sự bác bỏ hiện nay đối với luận cứ mang tính bản thể luận đã tạo nên hậu quả nghiêm trọng.
8. Phê phán luận cứ bản thể luận
Bất lực của lý trí
Khi những nhà tư tưởng tôn giáo đưa ra các chứng cớ lý tính về sự hiện hữu của Thượng đế, họ không dự tính chỉ chứng minh có sự hiện hữu của một Hữu thể toàn năng toàn trí sản sinh thế giới chúng ta đang biết. Họ còn muốn thiết lập sự hiện hữu của một Ðấng tự thân sở hữu mọi sự toàn hảo.
Vì lý do đó, Kant đánh giá cả hai luận cứ mang tính vũ trụ luận và cứu cánh luận đều có khuyết điểm; ông chọn cái thứ ba là luận cứ mang tính bản thể luận. Ông xem chỉ có nó có ý nghĩa vì đây là luận cứ độc nhất có thể thiết lập sự hiện hữu của Thượng đế. Nhưng rồi theo Kant, sự thất bại của nó là bằng chứng đầy đủ cho việc loài người không có khả năng thiết lập sự hiện hữu (hoặc không hiện hữu) của Thượng đế bằng bất cứ luận cứ lý tính nào.
Hiện hữu không là đặc tính
Kant bác bỏ luận cứ bản thể luận không chút xót thương. Ông lập luận rằng ý tưởng về sự hiện hữu của vật chẳng thêm được gì vào ý tưởng về vật ấy, nghĩa là vật vẫn y như vậy dù bạn có nghĩ thế nào về nó đi nữa. Lập luận của Descartes dựa trên giả định rằng sự hiện hữu là một đặc tính giống như màu sắc và mùi vị. Thế thì khi khảo sát về trái táo, tôi có thể nói lên hết thảy các đặc tính của nó, thí dụ màu sắc và mùi vị, nhưng tôi không thể tìm thấy nó có đặc tính nào được gọi là sự hiện hữu.
Ðiều đó lại càng rõ ràng hơn nếu tôi nói tới một xã hội toàn hảo như các nhà văn có thói quen mô tả về một tưởng quốc Utopia chỉ hiện hữu trong tâm trí của họ. Descartes nói rằng không nhất thiết những cái đó hiện hữu vì yếu tính của chúng không liên quan hoặc không bao gồm đặc tính sự hiện hữu. Theo Descartes, Thượng đế phải hiện hữu vì ngài là Hữu thể toàn hảo và vì là toàn hảo nên yếu tính của ngài phải bao gồm sự hiện hữu. Ðiều đó khẳng định rằng sự hiện hữu là một đặc tính, và đó là điều Kant phủ nhận.
Toàn hảo không liên quan hiện hữu
Kant vạch ra rằng mỗi đặc tính phải là cái gì đó cộng thêm vào đối tượng đang sở hữu nó. Nếu hiện hữu là một đặc tính, nó hẳn gây nên sự khác biệt, nhưng hiện hữu không gây nên khác biệt nào cho ý nghĩa của vật. Vì hiện hữu không thêm được gì vào vật đó, nên không thể gọi nó là một đặc tính.
Cũng theo Kant, nếu tôi phân tích một tam giác đang hiện hữu và ý tưởng về tam giác ấy, tôi sẽ thấy cả hai đều có những đặc tính giống nhau. Sự hiện hữu không thêm được gì vào đối tượng. Do đó, thật sai lầm khi nói rằng nếu Ðấng toàn hảo không hiện hữu tức là Ðấng ấy thiếu một đặc tính. Toàn hảo không liên quan gì tới hiện hữu. Do đó, theo Kant, không thể nào chứng minh sự hiện hữu của Ðấng toàn hảo bằng cách đó.
10. Luận cứ đạo đức
Không thể nhận thức Thượng đế
Trong triết học của Kant tiềm ẩn những giới hạn của lý trí vì Kant lập luận rằng rti thức liên quan tới nội dung có tính kinh nhgiệm. Lý trí là nguồn cội của các bảng hạng mục (categories) hoặc các nguyên lý về trật tự nhằm biến thế giới của kinh nghiệm thành một hệ thống có trật tự. Khi các bảng hạng mục ấy không có nội-dung-cảm-giác (sense-content) để tiếp tục thao tác, chúng không thể cung cấp tri thức.
Thượng đế không là đối tượng mà ta có thể trải nghiệm bằng giác quan. Do đó, theo Kant, không thể biết Thượng đế. Ðiều đó không có nghĩa rằng Thượng đế không hiện hữu nhưng chỉ có nghĩa rằng sự hiện hữu (hoặc sự không hiện hữu) của ngài không thể chứng minh bằng chứng cớ khoa học hoặc bằng lý trí.
Quả quyết bằng đức tin
Ðối với Kant, có một phương thế qua đó ta có thể quả quyết với niềm tự tin về sự hiện hữu của Thượng đế, đó là phương thế của đức tin. Ðiều này có thể làm bạn, kẻ đang đọc những dòng này, bối rối, nếu bạn không suy xét tới thực tế rằng có một cách-không-biết (no known way) trong đó sự hiện hữu của bản ngã có thể được phô bày một cách chắc chắn.
Chưa ai từng nhận biết – tri giác, nhận thức – một bản ngã độc lập với kinh nghiệm của bản ngã ấy. Tuy thế, theo Kant, không thể phủ nhận sự hiện hữu của bản ngã vì nếu không có sự giả định về cái tôi như cội nguồn của các bảng hạng mục thì không thể hiểu kinh nghiệm. Do đó, thật thích đáng khi khẳng định sự hiện hữu của một thực thể nếu sự hiện hữu của thực thể ấy thiết yếu cho việc am hiểu kinh nghiệm.
Tri thức tùy thuộc vào sự hiện hữu của bản ngã, cái không thể nắm bắt trực tiếp. Kant lập luận rằng sự hiện hữu của Thượng đế thiết yếu cho việc giải thích động thái đạo đức (moral behaviour). Do đó, Kant bác bỏ cả ba luận cứ chính và cổ truyền đặt cơ sở trên lý trí; ông thay vào chỗ của chúng bằng luận cứ đạo đức (moral argument) mà chủ yếu là một tín điều (an article of faith).
Giống như luận cứ mang tính cứu cánh luận, luận cứ đạo đức được phát biểu bằng những cách thức đa dạng, và có lẽ chúng ta cũng cần xem xét một số công thức diễn đạt của nó.
"Nên" hàm ý "có thể"
Dù bằng dạng nào đi nữa, luận cứ đạo đức cũng bắt đầu từ thực tế kinh nghiệm đạo đức, phát xuất từ sự kiện rằng con người khát khao các lý tưởng đạo đức hoặc nhận biết rằng mình nên làm những điều nhất định thay vì những điều nào khác, và rồi từ thực tế đó đi tới sự hiện hữu của Thượng đế. Trong số những diễn đạt đa dạng, dạng của Kant là lối giải thích khó nhất. Và đây là dạng thứ nhất.
Trong lý thuyết luân lý của mình, Kant đưa ra lời khẳng định cơ bản rằng đức hạnh, một mình nó, là thiện một cách phổ quát (universally good); nhưng ông phân biệt giữa cái thiện nội tại (the intrinsic good) và cái thiện đầy đủ (the complete good). Bằng cụm từ "cái thiện đầy đủ", Kant có ý nói đức hạnh cộng thêm một cấp độ thích đáng của hạnh phúc.
Kant quả quyết rằng khi ta nói cái gì đó là thiện thì cũng giống như có ý nói lẽ ra cái đó nên hiện hữu, và vì "nên" có hàm ý "có thể", do đó nói rằng cái gì đó "nên" hiện hữu thì cũng hàm ý rằng nó "có thể" hiện hữu. Như vậy nếu cái thiện đầy đủ có thể hiện hữu nhưng chỉ dưới điều kiện nhất định – ấy là Thượng đế hiệïn hữu – thế thì Thượng đế phải hiện hữu. Lúc đó phần còn lại của luận cứ đạo đức được sắp đặt nhằm trình bày cái thiện đầy đủ chỉ có thể hiện hữu với điều kiện Thượng đế hiện hữu; và sự hiện hữu của ngài được chứng minh bằng cách ấy.
Hiện hữu vì cái thiện đầy đủ
Trong tự nhiên, không có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa đức hạnh và hạnh phúc. Trong thế giới này, người quỉ quyệt thì vinh hoa phú quí trong khi người đức hạnh chịu nghèo cực khổ sở. Nếu đức hạnh và hạnh phúc ngang nhau và đó là ý nghĩa của cái thiện đầy đủ, thì phải hiện hữu một sức mạnh có đủ năng lực thực hiện một kế hoạch phức tạp như thế, do đó, Thượng đế phải hiện hữu.
Cốt lõi trung tâm của luận cứ đạo đức của Kant là "nên" có hàm ý "có thể"; do vậy, cái nên hiện hữu có thể thiện hữu. Dĩ nhiên hoàn toàn sai lầm và không thực tế khi nói rằng một người nào đó nên cứu người đang chết đuối nếu người đó không cách gì có thể làm được việc đó. Trong những trường hợp như thế, từ ngữ "nên" không hàm ý "có thể". Nhưng từ ngữ "nên" nằm trong cụm từ "nên hiện hữu" có thể có những hàm ý khác với khi nó nằm trong dạng thông thường như "nên làm".
Khi nói rằng cái gì đó nên hiện hữu, chúng ta có ý nói rằng nếu ai đó có thể làm cho nó trở thành hiện thực, kẻ đó nên làm như thế. Thế thì nói rằng cái thiện đầy đủ nên hiện hữu chỉ có nghĩa rằng nếu có một Ðấng có thể sản sinh ra nó, đấng ấy nên làm như thế. Luận cứ này quả thật không đưa tới kết luận Thượng đế hiện hữu nhưng chỉ đưa tới một kết luận mang tính giả thuyết rằng nếu Thượng đế hiện hữu, ngài hẳn sắp đặt thế giới này để cho đức hạnh nhận được một mức độ hạnh phúc thích đáng.
Cảm xúc đạo đức do Thượng đế
Dạng thứ hai của luận cứ đạo đức thể hiện trong trường hợp xoay thế phòng ngự thành thế tấn công. Một số tác giả theo thuyết tiến hóa ra sức giải thích sự hiện hữu của mọi tình cảm đạo đức như là sản phẩm của sự tiến hóa, do đó, của giá trị sinh tồn. Thế nhưng người ta có thể chứng minh rằng có nhiều cảm xúc đạo đức cao hơn của con người chẳng đem lại ích lợi gì về mặt sinh học và rằng không thể giải thích sự hiện hữu của chúng theo cách liên quan tới thuyết tiến hóa. Từ đó, người ta lập luận rằng muốn giải thích chúng thì nhất thiết phải viện dẫn nguyên nhân siêu nhiên. Vì không là sản phẩm của cuộc tiến hóa tự nhiên nên chúng phải do Thượng đế gây ra.
Trí tuệ chỉ để sống thực tiễn
Người theo *tự nhiên chủ nghĩa (naturalism) phản công luận cứ ấy bằng cách vạch ra rằng cuộc tiến hóa thường phát triển những cái không cần thiết. Trí tuệ được phát triển như một khí cụ giúp con người trong cuộc chiến đấu để sống sót. Do đó, nó chỉ quan tâm tới giải pháp cho các vấn đề thực tiễn.
Nhưng trí tuệ lại đi quá tới bên kia những chủ đề thực tiễn. Thậm chí người ta còn truyền tụng vị triết gia đầu tiên là Thales vì không chịu quan tâm tới các vấn đề thực tiễn nên đã bị rớt xuống giếng khi vừa đi vừa suy tưởng các vấn đề triết học. Thế thì người ta có thể lập luận rằng sự phát triển cảm xúc đạo đức – vốn vô dụng về mặt sinh học – có thể giải thích bằng cách thức giống như thế mà chẳng cần viện dẫn đấng siêu nhiên nào.
Ðạo đức chỉ là tương đối
Trong tư tưởng hiện đại, dạng thứ ba của luận cứ đạo đức mang tính phổ thông (common) hơn. Lập luận theo dạng này thì sự phát triển đạo đức của con người vén lộ cái nhìn ngày càng thấu suốt vào lý tưởng đạo đức tuyệt đối (an absolute moral ideal).
Quả thật, những dân tộc khác nhau vào những thời đại khác nhau và tại những vùng đất khác nhau, đều bảo lưu những thẩm định khác nhau về cái được gọi một cách thích đáng là thiện. Người theo thuyết tự nhiên lập luận rằng sự kiện ấy chứng minh mọi tiêu chuẩn đạo đức đều tương đối và rằng chẳng có cái gì có thể được gọi một cách tuyệt đối là thiện.
Lõi của vấn đề
Vấn đề các giá trị tuyệt đối và tương đối sẽ được chúng ta thảo luận căn kẽ trong chương kế. Luận cứ đạo đức về sự hiện hữu của Thượng đế tùy thuộc vào giả định rằng các giá trị đạo đức là tuyệt đối hay tương đối.
Nếu có thể chứng minh rằng các giá trị ấy có tính tuyệt đối, lúc đó ta có thể kiến lập sự hiện hữu của Thượng đế. Ngược lại, nếu các giá trị ấy chỉ là tương đối, lúc đó, toàn bộ luận cứ đạo đức cổ truyền không có giá trị.
IV. Bản tính của Thượng đế
1. Nguyên ủy của vấn đề
Bản tính là vấn đề chủ yếu
Qua những phân tích vừa kể về các lập luận cổ truyền biện minh cho sự hiện hữu của Thượng đế, dường như ta thấy rõ rằng, bằng phương thế của lý trí, thật chẳng dễ kiến lập sự hiện hữu của Thượng đế một cách tuyệt đối chắc chắn. Và bằng lý trí, cũng chẳng dễ chứng minh sự không hiện hữu của Thượng đế. Do đó, trong tình thế nan giải ấy, có vẻ thích đáng khi thử dùng các phương pháp khác, thí dụ phương pháp đức tin của Kant hoặc phương pháp trực giác của Bergson. Và đó là cách đang được nhiều triết gia hiện đại sử dụng.
Thao tác đó không chỉ hàm chứa nỗ lực thiết lập sự hiện hữu của Hữu thể tối cao; nó còn có thêm một nỗ lực khác nữa, đó là thiết lập bản tính của Thượng đế. Người ta giả dụ rằng trong tư tưởng hiện đại không cách gì chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế nếu không am hiểu ít nhiều về nội dung của từ ngữ "Thượng đế".
Vì lý do đó, hầu hết các triết gia hiện đại phải đồng ý với David Hume trong cuốn The Dialogues concerning Natural Religion (Các đối thoại về tôn giáo tự nhiên) rằng: "Không một ai, tôi tin rằng không một ai, ít ra là theo cảm quan chung, sẵn sàng và vui lòng xem xét nỗi hoài nghi sâu sắc liên quan tới một chân lý rất chắc chắn và rất hiển nhiên. Vấn nạn được đặt ra ấy không liên quan tới Hữu thể, mà là tới Bản tính của Thượng đế (Nature of God)".
Từ đa thần tới độc thần
Các tôn giáo nguyên thủy có khuynh hướng đa thần, nói cách khác, thuở đó người ta quả quyết rằng có sự hiện hữu của một số thần linh mà trong nhiều trường hợp, không khác con người bao nhiêu về quyền năng và đam mê. Thông thường, các thần ấy được chỉ định cai quản những khu vực riêng biệt, thí dụ thần núi, thần sông, v.v. hoặc đồng hóa với các sức mạnh riêng biệt của thiên nhiên, thí dụ thần sấm, thần gió, v.v. Nói chung, người ta thừa nhận rằng thuyết độc thần tiêu biểu cho một khái niệm cao hơn rất nhiều. Tuy thế, thuyết độc thần có thể mang nhiều dạng khác nhau.
Người Do Thái có tôn giáo độc thần theo ý nghĩa họ chỉ tin vào một Thượng đế độc nhất. Nhưng vào thuở ban sơ của người Do Thái, thượng đế ấy chỉ là một vị Thần của dân tộc và chỉ quan tâm cách riêng tới lợi ích của dân Do Thái. Về sau, các ngôn sứ (prophets) Do Thái thấy Thượng đế hẳn phải hơn một vị Thần của dân tộc, nhưng họ vẫn dừng lại bên trong cái nhìn đó cho mãi tới khi Kitô giáo tuyên bố một cách dứt khoát khái niệm về một Thượng đế (Thiên Chúa) độc nhất, đấng lo lắng chăm sóc cho toàn bộ thế giới, đồng thời tận hiến cho sự cứu độ toàn thể loài người, những kẻ Ngài đã làm nên bằng một thứ máu duy nhất.
Hàm ý của học thuyết Kitô giáo
Khi phát biểu lập trường độc thần giáo với sự khẳng định rằng Ðấng tối cao hiện hữu và sở hữu mọi sự toàn hảo, tức là đã làm sáng tỏ những hàm ý của học thuyết ấy về hai phương diện:
a. Công cuộc sáng thế và lập trật tự cho vũ trụ vật lý;
b. Sự cứu độ con người và nguồn gốc của mọi luật lệ đạo đức.
Như thế, học thuyết Kitô giáo về Thượng đế trở thành lời quả quyết chủ yếu và mang tính triết học về bản tính của thực tại (the nature of reality), và ta cần phải xem xét học thuyết ấy theo thuật ngữ đó.
Trung tâm của vấn đề
Thật chẳng thích đáng chút nào nếu dùng chữ "đa số" mà không dựa vào một bản thống kê nào, nhưng dường như chắc chắn và hợp lý khi nói rằng người ta hầu hết tin vào sự hiện hữu của Thượng đế. Ta có thể gọi những người tin ấy là kẻ theo *thuyết hữu thần (theism) với ý nghĩa rất rộng của thuật ngữ ấy.
Sau đó, chúng ta buộc lòng phải đưa ra một ý nghĩa hạn hẹp hơn để ứng xử với một số ý kiến khác nhau của những người chống lại sự hiện hữu của Thượng đế như một thực tế. Những dị biệt ấy phát sinh từ vấn đề tương quan giữa Thượng đế và vũ trụ. Chúng xoay quanh các câu hỏi về tính chất siêu việt (transcendence) và tính chất nội tại (immanence).
2. Thượng đế Ðấng siêu việt
Vượt lên trên và không can thiệpï
Một số người quả quyết rằng Thượng đế vượt quá vũ trụ vật lý và không có tiếp xúc trực tiếp nào với vũ trụ trụ ấy. Ðại biểu nổi bật cho quan điểm này là những người được gọi là theo *thuyết thần luận (deism).
Hầu hết là người mộ đạo, họ cảm thấy bị dằng co giữa tôn giáo chính thống và khoa học mang bản sắc Newton trong thế kỷ 18, và họ tìm cách né tránh cuộc xung khắc ấy bằng sự phân biệt cảnh giới khoa học với cảnh giới tôn giáo. Thẩm quyền khoa học thì chẳng có gì đáng để thắc mắc. Vấn đề là tìm cách hòa giải tín điều tôn giáo với những khám phá không thể nào phủ nhận của khoa học.
Phái Newton đề ra nguyên tắc rằng mọi biến cố tự nhiên (natural events) đều nối kết nhau bởi quan hệ nhân quả tự nhiên, và rằng mọi biến cố trong vũ trụ vật lý xảy ra theo những cách thức có thể tiênï đoán và đáng tin cậy. Vì khoa học mang bản sắc Newton biểu thị vũ trụ như có tính máy móc nên ở đó không thể nào có sự can thiệp vào dòng chảy của các biến cố, và Thượng đế không cách gì có thể can thiệp. Thượng đế hoàn toàn ở bên ngoài vũ trụ hữu hình ấy.
Cuộc sáng thế rất hoàn chỉnh
Nhiều người mộ đạo cho rằng phép lạ là hành động làm đình chỉ hiệu lực của các định luật tự nhiên và là bằng chứng cho thấy quyền năng cùng sự khôn ngoan của Thượng đế. Người theo thuyết thần luận trả lời rằng chính nhu cầu cần tới sự can thiệp thiêng liêng qua việc đình chỉ các hành động tự nhiên chứng tỏ tính chất bất toàn trong sự khôn ngoan của Thượng đế vì nó cho thấy Ngài đã tạo ra một bộ máy liên tục cần tới sự giám thị và sửa chữa.
Vinh quang của Thượng đế lại càng rạng ngời hơn khi giả định rằng Ngài đã tạo dựng một thế giới cực kỳ toàn hảo ngay từ đầu, tới độ chẳng cần Ngài phải can thiệp. Trong Kinh thánh Cựu Ước, sách Sáng thế (Genesis) nói rằng "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! [.] đó là ngày thứ sáu" (1:31), và "Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi" (2:1). Theo nghĩa đen, những dòng chữ ấy cho thấy rằng Thượng đế không can thiệp vào dòng chảy của các biến cố tự nhiên.
Học thuyết này chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế, dựa trên cơ sở vũ trụ vật lý cần phải có đấng tạo hóa. Nó khẳng định sự khôn ngoan của Thượng đế trong đó trật tự của thiên nhiên được thiết lập rất hoàn chỉnh tới độ không cần tới bất cứ sửa chữa nào, đồng thời nó hòa giải khoa học với tôn giáo theo ý nghĩa rằng mỗi khám phá mới mẻ của khoa học là một bằng chứng cho thấy thêm lần nữa sự khôn ngoan của Thượng đế.
Một chút ý kiến
Tuy thế, rõ ràng rằng học thuyết về Thượng đế vắng mặt này thiếu tính chất thân mật nồng ấm và chan chứa cảm xúc về tầm quan trọng có tính nhân cách và riêng tư giữa Thượng đế với loài người và mỗi người.
Tính chất ấy hàm chứa trong các học thuyết nhấn mạnh tới sự có mặt của Thượng đế trong lịch sử và tới thánh ý phù hộ dân Ngài trong những giờ phút khốn khó bằng cách nếu cần thì ngài làm thay đổi dòng chảy của tự nhiên.
3. Thượng đế Ðâng nội tại
Phiếm thần luận
Những kẻ nhấn mạnh tới tính chất nội tại – có mặt khắp mọi nơi trong vũ trụ – của Thượng đế được gọi là người theo *thuyết phiếm thần, hay phiếm thần chủ nghĩa (pantheism). Cốt lõi của thuyết phiếm thần là luận cứ dựa trên sự ghét cay ghét đắng triết lý *nhị nguyên luận (dualism). Nếu Thượng đế hoàn toàn siêu việt, hoàn toàn khác với con người và vũ trụ vật lý, thì ta không có khả năng thấy bất cứ cách giao tiếp nào từng có thể được thiết lập giữa Thượng đế với con người và vũ trụ.
Thượng đế và tất cả
Descartes cho rằng hết thảy các hiện tượng trong vũ trụ đều mang dạng vật chất hoặc tinh thần. Vật chất và tinh thần đều do Thượng đế tạo ra và đều được Descartes xem là các bản thể tối hậu (ultimate substances). Ông định nghĩa bản thể là cái không tùy thuộc vào cái nào khác để hiện hữu (a substance as that which does not depend upon anything else for its existence).
Ðem chính định nghĩa ấy ra so với học thuyết của Descaters, ta thấy chúng không nhất quán về mặt luận lý (logic), vì ông lập luận rằng các bản thể tách biệt nhau, của vật chất và của tinh thần, đều tùy thuộc vào đấng Thượng đế siêu việt để hiện hữu. Vì chúng tùy thuộc như thế nên ta không thể gọi chúng một cách hợp qui cách (legitimately) là bản thể.
Trong các đức tính trí tuệ, các triết gia nhấn mạnh hơn cả tới tính nhất quán; vì thế triết gia Do Thái-Hà Lan *Baruch Spinoza (1632-1677), người kế tục Descartes, đã chú ý tới tình trạngï không nhất quán ấy. Cách độc nhất để giải quyết vấn đề đó là chấp nhận định nghĩa của Descartes về bản thể như là cái không tùy thuộc vào cái nào khác để hiện hữu, và rồi lập luận rằng vì Thượng đế, Hữu thể duy nhất đáp ứng được các yêu cầu của định nghĩa ấy nên Thượng đế là bản thể duy nhất. Ðó là học thuyết cơ bản của thuyết phiếm thần. Thượng đế là tất cả và tất cả là Thượng đế (God is all and all is God).
Thượng đế là toàn bộ
Trong triết học của Hegel, Thượng đế được đồng hóa với toàn bộ vũ trụ mà theo ông, thật ra là sự diễn đạt của lý trí. Hegel quả quyết rằng vũ trụ là một hệ thống hợp lý (rational system); tính chất hợp lý (rationality) của nó chính là cái chúng ta có ý nói tới trong từ ngữ Thượng đế. Con người là một hữu thể có lý trí hữu hạn, và kinh nghiệm tôn giáo là sự diễn đạt của ý thức con người về những giới hạn cùng những nỗ lực của nó nhằm đồng hóa bản thân với sự hợp lý rộng lớn hơn đang bao phủ nó và vượt quá nó.
Hegel bác bỏ hết thảy các thuyết nhị nguyên, đặc biệt thuyết nhị nguyên liên quan tới lời quả quyết rằng Thượng đế dù sao cũng khác với vũ trụ và vượt quá vũ trụ. Ông còn nhấn mạnh tới các yêu cầu của sách Phúc âm Kitô giáo đòi hỏi tín đồ phải biết Thiên Chúa; ông xem đòi hỏi ấy như một bảo đảm rằng có thể lĩnh hội Thượng đế bằng lý trí của con người, một bảo đảm về bản tính hợp lý (rational nature) của chính Ngài.
Nếu Thượng đế vượt quá vũ trụ như một Hữu thể có bản thể khác thì con người không bao giờ có thể lĩnh hội Ngài, và điều ấy trái ngược với lời giảng dạy minh bạch trong sách Phúc âm. Do đó, Thượng đế phải được đồng hóa với vũ trụ, cái được quan niệm như một hệ thống hợp lý.
4. Thượng đế Ðấng siêu việt và nội tại
Thuyết hữu thần
Chúng ta thường dùng thuật ngữ thuyết hữu thần hay chủ nghĩa hữu thần (theism) với ý nghĩa tổng quát để bao gồm những người tin vào sự hiện hữu của Thượng đế. Trong nội bộ truyền thống đó, người ta thường giới hạn thuật ngữ "người hữu thần" vào những kẻ tin rằng Thượng đế vừa siêu việt vừa nội tại. Ðây là lập trường thông dụng và được bảo quản trong thần học Kitô giáo.
Không đồng hóa, chẳng vắng mặt
Theo quan điểm này, Thượng đế vượt quá vũ trụ; ngài không chỉ là Ðấng tạo hóa mà còn là Ðấng thống trị và phán xét nó. Thượng đế là tinh thần, ngài hoàn toàn khác với vạn vật hữu hình mà ngài đã và đang sáng thế. Nhưng Thượng đế Ðấng tạo hóa ấy không vắng măt trong tiến trình sáng tạo đang tiếp diễn của ngài. Thượng đế ở khắp mọi nơi. Thượng đế có mặt như Ðấng quan phòng để chăm sóc dân Ngài và để điều khiển các biến cố nhằm thành toàn cứu cánh mà Ngài đã đặt ra từ vô biên hằng cửu.
Sự duy trì khái niệm về Thượng đế như Ðấng vừa có tính siêu việt vừa có tính nội tại này cung cấp cho con người một đối tượng thích đáng để thờ phượng và một bảo đảm về sự an ủi và phù hộ thiêng liêng. Thượng đế ấy không bị đồng hóa với những gì Ngài tạo dựng nhưng cũng không vắng mặt trong cuộc sáng thế của Ngài.
5. Các quan điểm hiện đại
Phải tái thông giải
Học thuyết Kitô giáo chủ yếu đặt cơ sở trên mạc khải và đức tin, dù có thể dùng các luận cứ rút tỉa từ lý trí và kinh nghiệm để hỗ trợ nó. Vì triết gia – với tư cách triết gia – không thể chấp nhận bất cứ nguồn thông tin nào hoặc bất cứ bằng chứng nào không thuộc về kinh nghiệm và lý trí nên chỉ có một ít triết gia có thể chấp nhận tính chất siêu việt và tính chất nội tại của Thượng đế được đề ra trong học thuyết ấy.
Tuy thế, trong triết học hiện đại, có một phong trào thật sự chấp nhận cả hai thuật ngữ ấy nhưng họ thông giải hơi khác một chút.
Khái niệm cổ truyền về tính chất siêu việt dựa trên lời quả quyết rằng bản tính thì có tính vật chất (material) và tính thể lýù (physical) trong khi Thượng đế có tính tinh thần (spirit), và những dị biệt về bản thể đó tạo ra sự phân ly lưỡng tất yếu tính (the two necessary) ấy. Do đó, siêu việt tính có nghĩa rằng Thượng đế hoàn toàn khác và hoàn toàn tách biệt với sáng tạo phẩm của Ngài. Chừng nào khoa học và triết học còn quan niệm thế giới hiện đại dưới dạng hệ thống, chừng đó bất cứ đối tượng nào hiện hữu một cách đích thực ở bên ngoài hệ thống ấy đều không có ý nghĩa. Do đó, phải tái thông giải siêu việt tính.
Thượng đế là nguyên lý sáng tạo
Có thể hiểu tính siêu việt là "đi tới quá bên kia hoặc cao hơn". Như thế, tính cách ấy vượt quá cá nhân, hoặc các lý tưởng của một cá nhân vượt quá những thành tựu hiện thời của cá nhân ấy. Vậy nếu tính siêu việt cbỉ có nghĩa "đi tới quá bên kia" thì không có nan giải đặc thù nào trong việc chấp nhận thực tế có Thượng đế siêu việt. Thậm chí còn ít nan giải hơn tính nội tại.
Thuyết tiến hóa hiển lộ hàm ý một tương lai mở, một chuỗi các biến cố không thể tiên đoán. Nhưng sự hiển lộ ấy có thể hỗn độn và vô nghĩa. Trên thực tế, cuộc tiến hóa dường như được hướng dẫn theo ý nghĩa các dạng thức cao hơn xuất hiện từ dạng thức thấp hơn. Do đó, người ta lập luận rằng thực tế của sự hiển lộ – nghĩa là, sự sản sinh những dạng sự sống cao hơn – là bằng chứng cho nguyên lý sáng tạo đang thao tác hay đang ở khắp mọi nơi trong thiên nhiên.
Nguyên lý sáng tạo ấy là cái chúng ta có ý nói tới bằng từ ngữ Thượng đế. Thượng đế không bị quan niệm như tách biệt với tự nhiên (nature), đúng hơn, như một nguyên lý nội tại chịu trách nhiệm về sự trồi ra và nổi lên (hiển lộ) của những dạng cao hơn.
Thượng đế là lý tưởng cao thượng
Có thể thấy tính siêu việt rõ ràng nhất trong cảnh giới đạo đức. Con người có những lý tưởng, những khuôn mẫu thực hiện của động thái cá nhân và xã hội, nhằm hướng dẫn các hành động của nó. Không có những lý tưởng cùng những nỗ lực thực hiện chúng, cuộc đời hẳn diễn ra ở trình độ sống thấp hơn hiện nay.
Người ta có thể đưa ra những giải thích khác nhau về nguồn cội của các lý tưởng ấy nhưng không thể phủ nhận sự hiện hữu của chúng, cũng như không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng. Các triết gia, thí dụ John Dewey, nhấn mạnh thực tế và nhu cầu phải có các lý tưởng, và họ sẵn sàng gọi chúng là Thượng đế. Ðối với họ, từ ngữ "Thượng đế" chỉ biểu hiện cho các lý tưởng cao thượng nhất mà con người có thể tạo ra, các lý tưởng gây hứng khởi để làm cho cuộc sống cao quí và danh giá.
Chủ nghĩa nhân bản
Việc đề cập tới triết gia Mỹ Dewey ở đây có thể hiểu như một cách thế đưa dẫn bạn vào một hệ thống gọi là *chủ nghĩa nhân bản (humanism). Chủ nghĩa nhân bản là một hệ thống rất co giản với vô số ý nghĩa. Ở đây, thuật ngữ đó được dùng để có ý nói tới một hệ thống tư tưởng hoặc phủ nhận Thượng đế hoặc không đặt sự hiện hữu của Thượng đế thành vấn đề; nó được rút tĩa từ tự nhiên và nó làm nổi bật vị trí tâm điểm của con người.
Trong chương kế, chúng ta sẽ thấy Dewey cho rằng mọi lý tưởng đều là sản phẩm của trí tuệ con người. Như thế theo ý nghĩa đó, Thượng đế hẳn là sáng tạo phẩm thật sự của con người. Dewey tin rằng nếu con người được cứu độ, y phải tự cứu độ chính y bằng thao tác của trí tuệ. Cách độc nhất để con người tự cứu độ bản thân và xã hội của y là đề ra các lý tưởng phản ánh giá trị và phẩm giá của cá nhân. Khi các lý tưởng ấy gây được niềm hứng khởi và định hướng cho con người, chúng sẽ làm cho chúng ta chuyển động hướng tới một xã hội lý tưởng hơn.
Tư tưởng tôn giáo, trong hình thức rất tốt đẹp của nó, luôn luôn kêu gọi con người tìm kiếm những cấp độ hướng thượng hơn và cao quí hơn của cuộc sống. Ý tưởng về Thượng đế là tâm điểm của cuộc thách đố đó. Bởi thế con người phải khôn ngoan để đừng quá ghi khắc và bị ám ảnh bởi những phân biệt tinh tế có tính thần học; nó nên nhận ra thực tế rằng từ ngữ "Thượng đế" chỉ biểu hiện cho lý tưởng cao nhất của cuộc đời, và chỉ thế thôi.
"Ảo tưởng về Thượng đế"
Tới đầu thế kỷ 21, cuộc tranh luận về thế giới này do bởi Tạo hóa của Thượng đế hay chỉ là sự tiến hóa tự nhiên đã lên một tầng cao mới về trí thức, cụ thể vàø nghiêm ngặt hơn, dựa trên cơ sở khoa học.
Giáo sư Richard Dawkins (1946- ), một nhà sinh vật học tiến hóa và giáo sư tại Ðại học New College, Oxford, Anh, tác giả nhiều sách khoa học viết cho đại chúng. Cuốn The God Delusion (Ảo tưởng về Thượng đế, 2006) của ông khẳng định rằng hầu như chắc chắn không hiện hữu cái gọi là đấng tọa hóa siêu nhiên và đức tin cố định vào một kẻ như thế thì không đạt tiêu chuẩn và chỉ là niềm tin giả tạo.
Theo Dawkins, cứ đọc kỹ những bằng chứng khoa học vật lý ta sẽ tìm thấy các nền tảng cho một chủ trương vô thần. Cho tới cuối năm 2007, bản tiếng Anh của cuốn The God Delusion bán được hơn 1.5 triệu cuốn và đã được dịch ra 31 thứ tiếng, lưu hành trên khắp thế giới.
Ngược lại, giáo sư Francis Collins (1950- ) chuyên gia lừng danh về vật lý di truyền học, người đứng đầu các dự án nghiên cứu mã di truyền tại Mỹ và là giám đốc Viện Quốc gia Nghiên cứu Mã di truyền Con người (National Human Genome Research Intitute) lại là người cổ vũ cho hữu thần thuyết.
Trong cuốn sách cũng xuất bản năm 2006 có nhan đề The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief (Ngôn ngữ của Thưỡng đế: một nhà khoa học trình bày bằng chứng biện hộ cho niềm tin), Collins xem các khám phá khoa học như một "cơ hội để thờ phượng". Ông kể lại con đường mình từ người vô thần – vốn chiếm đa số trong hàng ngũ các nhà sinh vật học thượng thặng – trở thành một Kitô hữu từ năm 27 tuổi; đồng thời ông trình bày những khảo sát khoa học của mình, đưa tới việc ông bác bỏ chủ nghĩa tạo hóa (creationism) và thiết kế thông minh (intelligent design) có tính cổ truyền của các tôn giáo độc thần. Hệ thống niềm tin của Collins là thuyết tiến hóa mang tính hữu thần chủ nghĩa (theistic evolution) mà ông gọi là Biologos, tạm dịch là Ngôi lời sinh học.
Với thuật ngữ ấy, Collins có ý trình bày rằng niềm tin vào Thượng đế là nguồn của toàn bộ sự sống, và sự sống phô bày ý chí của Thượng đế. Biologos là một thuật ngữ mới mẻ của thuyết tiến hóa hữu thần chủ nghĩa, được dùng để bày tỏ lập trường của các nhà sinh vật học đồng thời cũng là các tín đồ mộ đạo. Với hàm ý rằng các dấu hiệu vật chất chỉ dấu cho thấy có Thượng đế và rằng đấng ấy ở ngoài cõi không gian và thời gian của chúng ta, biologos thể hiện quan điểm cho rằng khoa học và đức tin có thể cùng hiện hữu một cách hòa điệu.
V. Tóm lược
Phủ định và khẳng định
Những quan điểm vừa được trình bày ở đoạn trên minh họa một khuynh hướng trong tư tưởng hiện đại; nó chấp nhận một phần lối nói cổ truyền trong khi tái thông giải bằng một dạng khác được xem là thích đáng hơn với thế giới đương đại. Dĩ nhiên đó không chỉ là tái thống giải đơn thuần về mặt ngôn ngữ.
Các quan điểm hiện đại ấy phủ định ngôi vị của Thượng đế. Chúng bác bỏ khái niệm xem Thượng đế như thẩm phán và nhà cai quản tối cao, nhưng chúng tái khẳng định thực tế của nguyên lý sáng tạo trong thiên nhiên và tầm quan trọng của lý tưởng đạo đức. Tuy thế, chúng đi thêm một bước bằng sự xác quyết rằng cả nguyên lý sáng tạo lẫn lý tưởng đạo đức đều là thành phần thiết yếu của bản tính và tình cảnh con người.
Thường tại và vô thường
Nhân đây, có lẽ nên thêm một ghi nhận chót để có thể thấy rõ nét vấn đề đương đại ấy. Và như thế, cũng có thể thêm lần nữa trở lại với cuộc xung khắc giữa thường tại và vô thường, nghĩa là giữa tính thường trực vĩnh viễn và tính đang biến đổi.
Thường tại, như chúng ta đã thấy, được xem tương đương với toàn hảo. Vì theo truyền thống, Thượng đế được đánh giá là Ðấng toàn hảo, nên Thượng đế phải không biến đổi. Ðó là niềm xác tín kiên định trong các quan điểm tôn giáo cổ truyền. "Thiên Chúa hằng cửu là nơi ngươi nương náu". "Ðức Giêsu Kitô, trước sau như một, hôm qua hôm nay và mãi mãi cho đến muôn đời".
Whitehead đã lưu ý tới thực tế rằng lòng ưu ái có tính truyền thống đối với thường tại ấy được diễn tả một cách tuyệt vời nhất trong bài kinh thường xuyên đọc trong các gia đình Kitô hữu phương Tây. Nhan đề bài kinh là "Xin hãy ở lại cùng tôi", trong đó có câu: "Chung quanh con mọi sự đang biến đổi và ra tồi tệ". Ở đây, biến đổi được xem tương đương với ra tồi tệ, với bất toàn. Chống lại mọi sự thể ấy là lòng trông cậy vào tính chấtï thường tại của Thượng đế: "Ôi lạy Chúa, xin ngài đừng biến đổi, xin hãy ở lại cùng chúng con".
Theo các triết gia đương đại, thái độ thiên về thường tại hơn là biến đổi ấy phản ánh triết học Hi Lạp cùng niềm tin vào tính ưu việt của lý trí so với giác quan và như một khí cụ của tri thức. Dưới tác động của khoa học hiện đại, thường tại bị thay thế; vô thường mới là thực tại tối hậu. Nếu biến đổi được ưa thích hơn thường trực – cũng là vĩnh viễn – thì phải sửa đổi khái niệm cổ truyền về Thượng đế để đáp ứng hoàn cảnh mới này.
Thượng đế là cái sắp là?
Do đó, có đủ lý do để có thể quả quyết rằng Thượng đế quả thật là nguyên lý sáng tạo và là sự tổng hợp các lý tưởng đang khởi hứng con người. Whitehead thậm chí còn vượt quá hai cái đó để đi tới cái khả thi thứ ba, đó là mô tả Thượng đế như là cái sắp là chứ không phải cái đang là (God as that which is to be, rather than that which is).
Nếu cứ đà này mà tiếp tục triển khai, chúng ta sẽ mang cuộc thảo luận tới một chốn xa hơn và phức tạp hơn. Ở đây, chỉ có mục đích đơn giản là trình bày một định hướng trong đó loài người đang tìm kiếm Thượng đế dưới ánh sáng của tri thức khoa học ngày nay.
Thượng đế sao đạo đức vậy
Sự nối kết Thượng đế với thần học trở thành vấn đề thẩm quyền đạo đức và nguồn gốc của các định chuẩn đạo đức. Nếu có một Thượng đế hiểu theo quan điểm thần học cổ truyền thì phải có những định chuẩn đạo đức do Thượng đế đưa ra cho chúng ta. Chúng không là đối tượng của bất cứ sự sửa chữa nào của con người, và con người phải tuân giữ chúng, bất chấp động cơ hoặc mưu chước cá nhân.
Ngược lại, nếu Thượng đế là nguyên lý sáng tạo tự nhiên, hoặc đồng nghĩa với các lý tưởng khởi hứng cho con người, thì chắc chắn các định chuẩn đạo đức có nguồn gốc tự nhiên. Và như thế, chúng là đối tượng của biến đổi, liên quan rất nhiều tới phúc lợi của con người. Từ đó, các chủ đề liên quan tới vấn đề này đang buộc chúng ta phải hướng tới và đối mặt với vấn đề các giá trị trong cuộc sống và trên thế giới này. Và đó cũng là những gì chúng ta sẽ thảo luận trong một bài khác.n