Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.273
123.158.247
 
Người ở núi
Nguyên Quân

Giọng nói trầm khàn vẫn bật ra đều đều, quyện theo từng bụm khói thuốc quánh đặc từ chiếc tẩu đen sì thường trú trên khuôn mặt cằn cỗi của già làng Pưa. Ở phía đối diện, Doanh vẫn cố lắng nghe từng lời từng chữ, lúc thì bằng tiếng phổ thông, lúc bằng thổ ngữ để xâu chuỗi được từng câu chuyện kể rời rạc xa xưa còn tồn đọng trong trí nhớ mơ hồ của một ông già không nhớ nổi tuổi mình. Lâu lâu anh lại đưa tay che cái ngáp dài và liếc nhìn qua khe hở vách che bằng những tấm gỗ to tướng.

 

Xa mù trong ánh nắng vàng sẫm buổi hoàng hôn rừng núi, từng đám mây trắng đã hạ thấp xuống, giăng ngang mặt ngọn núi A Tia huyền thoại, Doanh chợt liên tưởng đến khuôn mặt vị già làng mù mịt sau những bụm khói thuốc. Một sự đồng hiện rất tuyệt vời.

 

Trong căn nhà Rông giờ này đã nhập nhoạng. Vài tia nắng yếu ớt chiếu xuyên qua mái tranh, vô tình đậu lại trên những khuôn tượng thờ trần truồng, khoe rõ những bộ phận giới tính được đẽo thô bằng gỗ, trên những cái đầu trâu uốn cặp sừng vút nhọn, dấu tích sau từng mùa tế lễ, làm tôn thêm nét man sơ huyền hoặc cho cái âm giọng nhừa nhựa đang hồi tưởng những tập tục xa xưa của cái bản làng sống du canh du cư dọc biên giới Việt Lào, lẫn cuộc đời của vị già làng đầy khắc nghiệt, gập ghềnh như con đường rừng dẫn lên đến đỉnh A Tia cao ngút trong mây.Thái độ nhấp nhổm, gắng gượng ngồi nghe của Doanh, không thoát qua ánh mắt tinh anh dấu sau hai mí trĩu sụp của vị già làng:

- Mặt trời còn cao hơn cành cây Arlăng, con Aphia vẫn chưa về tới suối Priêng đâu…Mày muốn làm rễ làng Hưa thì phải biết lắng nghe lời người già, phải biết nghe hết cái tục lệ của làng chứ.

 

Nghe vị già làng quở, Doanh vội sửa lại thế ngồi, đưa cái tẩu thuốc cháy dở lên rít một hơi thật dài rồi thả từng vòng khói tròn. Già làng Pưa bật cười:

- Hà…hà…được đó, mày hút thuốc cũng khéo như hai cái tay xây nhà cho dân làng.Mày đếm được mấy cái mùa rẫy rồi hở ?

Nghe hỏi, Doanh ngớ người ra một lúc, mới chợt nhớ A Phia có lần nói rằng đa số người già miền nầy không biết tính tuổi mình bằng năm bằng tháng, mà chỉ biết nhớ tuổi theo từng mùa đi rẫy.

- Dạ! cũng được gần ba mươi rồi ạ.

- Mày lớn thế mà chưa cưới vợ thật chứ ?. Con trai dưới xuôi lên đây đứa nào nói cũng giỏi…mà con gái ở đây dễ tin, thiệt thà lắm nên hay bị lừa.

Câu nói lấp lững của già làng Pưa khiến Doanh thấy nhột nhạt, dù anh biết những điều ông hoài nghi có phần đúng với nhiều trường hợp lừa tình xảy ra ở cái bản làng xa xôi này. Chính chị gái của A Phia cũng bị một gã thương hồ dưới xuôi lên dụ dỗ gạ gẫm, sau khi cướp đoạt tình yêu và cái trinh nguyên của cô gái núi, hắn liền quất ngựa truy phong. Đến lúc đó gia đình A Phia mới biết thằng con trai từng dẻo miệng thề thốt độc địa chưa vợ kia đã đùm đìa vợ con ở dưới xuôi. Bị lừa tình chị gái A Phia trở thành ngớ ngẩn. Suốt ngày lang thang trong rừng trong rẫy như con mèo hoang miệng cứ lảm nhảm nguyền rủa cái tên của gã bội tình, cho đến khi bị con suối Priêng dâng nước cuốn đi mất.

 

Cũng vì câu chuyện ấy mà Doanh đã gặp rất nhiều khó khăn, khi ngỏ ý muốn cưới xin A Phia với gia đình cô và làng bản. Mặc dù anh lên sống ở đây đã hơn hai năm,đã xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa cho làng Hưa trong gói hợp đồng xoá nhà tạm của huyện. Hai năm sống chung với dân làng, từ già đến trẻ ai cũng thương mến thằng con trai miền xuôi chịu lam chịu làm, lại sẵn lòng phát giùm người già cái rẫy, gùi giúp cho mấy em nhỏ vài nhánh củi rừng.

 

Chính tại sân nhà Rông nầy, thằng con trai gần ba mươi tuổi đầu, từng trải qua một mối tình trắc trở dưới thành phố đã phải lòng cô sơn nữ có giọng hát nồng ấm như bếp lửa bập bùng mừng tết cơm mới, có tiếng cười hồn nhiên trong trẻo như tiếng hót chim họa mi mùa xuân. Vài người bạn thợ xây, kháo chuyện nhau rằng  Doanh bị con A Phia bỏ ngãi yêu. Vì chỉ có bị bùa ngãi Doanh mới quên hết đường về phố, rỗi rảnh được lúc nào là không còn ra quán rượu Gió Núi dưới dốc Tà Lơi để say cùng bạn bè như trước, mà cứ lẽo đẽo theo A Phia lên rẫy. Không gặp cô một ngày là cứ vào ngơ ra ngẩn, hay ngồi thừ người như những cái tượng gỗ trên nhà Rông. Mẹ Doanh cũng tin con mình mắc phải bùa ngãi nên mấy lần khóc lóc, khuyên nhủ, thậm chí còn đi coi bói, cúng cầu giải ngãi. Với Doanh, anh rất hiểu mọi suy diễn của bạn bè,  bởi họ không phải thấm thía sự kinh sợ, chán chường thứ tình cảm quá thực dụng của phố chợ, và nỗi tủi nhục, đau đớn của Doanh khi bị người con gái mình gởi gắm hết niềm tin và thương yêu nhiều năm dài, bỗng dưng trở quẻ đá giò lái.

 

Đến bây giờ mỗi khi nghĩ tới Thảo Phương, Doanh vẫn thấy đau nhói trong lòng.Thảo Phương là bạn học, vừa là láng giềng trong cái xóm nghèo ngoại vi thành phố, học chung với nhau từ thời cấp một cho đến cuối cấp ba, cùng đi cùng về trên một quãng đường non chục cây số, giúp nhau ôn luyện bài vở từng đêm, nên chẳng biết tình cảm trai gái len vào trong trái tim của cả hai đứa từ lúc nào. Cùng cảnh ngộ nghèo khó vất vả, tình yêu vô tình cũng trở thành động lực giúp cho cả hai chút ước mơ và niềm tin yêu vào tương lai. Và rồi cái lâu đài mơ ước ấy vụn vỡ nhanh chóng khi ba của Doanh đột nhiên ngã bệnh nặng. Dù đang học năm cuối cấp ba, Doanh cũng phải bỏ ngang chuyện học, theo người anh họ đi phụ hồ cho những công trình xây dựng. Năm đó, Thảo Phương thi đỗ vào đại học và chỉ trong một thời gian cực ngắn, nàng đã vội vã ném bỏ cái hình bóng nhem nhuốc, túng quẫn của một thằng phụ hồ ra khỏi trái tim, để rộng chỗ cho gã quý tử của một đại gia, lái chiếc xe láng cóng đậu vào. Nên thứ bùa ngãi mà A Phia cấy vào người Doanh là sự hồn nhiên, an bình như cây cỏ, và cảm giác đó trở thành linh dược hàn gắn hết những vết rạn nứt mà Thảo Phương đã rạch sâu xuống trái tim Doanh…

- Thôi được! Mày và con A Phia đã có bụng thương nhau, mà ta xem ra mày cũng chẳng phải là kẻ xấu. Người làng Hưa bây giờ cũng đã thông cái chính sách nhà nước nên không dùng cái lệ tục xưa cũ để cấm cản chúng mày thương nhau và chuyện mày muốn nhập làng.

 

Giọng già làng Pưa bỗng trầm xuống hoà nhịp với tiếng gõ tẩu đổ tàn tro của ông kéo Doanh về với thực tại. Anh ngước nhìn lên nhìn vị già làng, nhìn bằng ánh mắt hàm ơn:

- Con cám ơn già làng đã cho phép con được ở chung cái nhà, làm chung cái rẫy với A Phia.

Doanh nói một hơi dài câu A Phia đã dạy lui dạy tới trước lúc anh được lên nhà Rông để làng sát hạch lần cuối. Già làng Pưa vẫy vẫy cái tẩu đang cháy đỏ ra hiệu cho Doanh biết ông cho phép anh lui xuống khỏi nhà Rông.

 

Nhìn theo cái dáng vẻ hớn hở của thằng con trai bước nhanh xuống từng hai bậc một của cái thang gỗ Arlang, già làng Pưa chạnh nhớ tới cái hình ảnh của mình ngày xưa. Hồi đó ông cũng bước nhanh ra khỏi căn nhà Rông như thế, nhưng không phải bằng tâm trạng vui vẻ như nó, mà bằng cái bụng trĩu nặng nỗi buồn. Tuy bây giờ được mọi người tôn kính phong làm già làng, nhưng thật ra ông chẳng phải là gốc làng Hưa, mà ông chỉ là kết quả của một mối tình vụng trộm của cô sơn nữ nhẹ dạ nào đó từ buôn làng khác, sợ bị phạt vạ nên trốn vào rừng sâu sinh nở rồi ném bỏ, người làng Hưa đi săn, vô tình nhặt được  mang về cho  bú chung một bầu ngực, cho ở chung mái nhà với bố của A Phia. Nhưng theo lệ tục, dù cho ăn, cho sống nhưng họ vẫn không coi ông là người làng. Lúc ông đã đếm được nhiều mùa rẫy, đã cứng cái tay bắn nỏ, cứng cái bắp chân lên rừng, họ dựng riêng cho ông cái chòi ngoài rìa làng và không cho ông phát chung cái rẫy. Ông phải một mình xuống suối bắt con cá, con cua, lên núi cao bẫy con nai, con lợn rừng để sống. Suốt một dải dài rừng núi biên giới không có nơi nào thiếu bàn chân của ông…  “ Thời đó rừng còn âm u, thú rừng nhiều vô kể, chứ không tiêu điều xơ xác như chừ… thèm nghe một tiếng vượn hú cũng không nghe được”. Già làng Pưa lẩm nhẩm… Thêm vài mùa rẫy nữa, ông đã biết thổi cái arèng, đã biết hát cha chấp trước nhà Kăn Lia…Già Làng lại gõ… gõ tẩu thuốc ám khói đen sì xuống cái bếp của nhà Rông. Hai mắt ông lim dim như đang nghe tiếng hát trong trẻo của Kăn Lia chạy dài theo những dốc đồi, theo những con suối.

Kăn Lia ngày đó đẹp lắm, hai con mắt đen láy như mắt con nai, lại khéo làm rẫy, dệt Zèng. Lũ con trai đứa nào gặp cũng ưa, nhưng Kăn Lia chỉ có bụng thương Pưa. Mỗi ngày Kăn Lia lên rẫy đều lén bỏ vào chòi ông vài cái bánh, vài hạt muối to. Những tập tục  hồi đó khắc nghiệt lắm, họ không cho phép người ngoài làng được thổi arèng, hát cha chấp trước nhà con gái trong làng. Chẳng có trâu để nộp phạt vì tội để cái bụng thương Kăn Lia, ông phải trốn vào rừng sâu…

 

Vừa xuống hết dốc Tà Re, A Phia đã nghe tiếng hú quen thuộc của Doanh vọng lên từ phía suối Priêng “Chiều nay mải đi bẻ mấy đọt măng giang nên mình về hơi muộn, chắc anh  nóng ruột lắm đây”. Cô nghĩ thầm rồi nhanh chân bước. Gần một mùa rẫy qua, ngoài những ngày theo  lên tận rẫy để giúp A Phia làm cỏ lúa, thì chẳng thiếu hôm nào anh không ra đón cô ở bãi đá đen, nơi chị gái của A Phia bị nước cuốn đi mất. Có lần A Phia hỏi tại sao Doanh lại chọn  đúng chỗ kỷ niệm buồn đó để hẹn hò.

 

Doanh nhìn cô bằng ánh mắt thật trìu mến rồi bảo: “Để chị gái làm chứng rằng anh thương  A Phia thật lòng , còn nếu anh lừa phỉnh, phụ rẫy A Phia thì chị gái sẽ dâng nước dìm chết anh”. “ A Phia không tin lời nói của con trai miền xuôi đâu, con gái dân tộc vừa đen vừa xấu, vừa thiếu cái chữ vừa nghèo khổ. Làm sao con trai dưới xuôi chịu cưới làm vợ được”.

 

Nói là nói thế thôi chứ A Phia hoàn toàn tin tưởng người con trai lúc nào cũng sẵn bụng giúp đỡ kẻ khác. Hơn nữa, trước khi đồng ý cho bước chân theo lên rẫy, cô cũng đã nghe mấy người bạn thợ xây kể chuyện buồn của Doanh dưới xuôi. Cuộc sống ở phố không lạ gì với A Phia, từ ngày có nhiều khách du lịch tìm lên vùng rừng núi từng xãy ra nhiều trận chiến ác liệt chấn động cả thế giới, xã đã cho A Phia về xuôi, học cách nấu ăn để phục vụ khách tại nhà Rông mới được xây dựng xong.

Tuy thời gian học chỉ có ba tháng thôi, nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để A Phia quen được nhiều người bạn ở phố, qua họ A Phia hiểu biết khá nhiều về nếp sống của dân thành phố. Con gái ở phố không chịu thương chịu khó, thích đua đòi ăn diện. Nên con trai mà nghèo như Doanh không lấy được vợ là chuyện thường tình. Trái ngược với dân miền núi, con gái, phụ nữ phải quần quật suốt ngày trên nương rẫy, phải nặng gùi từ cây củi đến con cái. Còn đa số bọn con trai chỉ biết lê la suốt ngày ngoài mấy cái quán cà phê, quán rượu mới mọc lên như nấm mùa mưa. Khi nhà nước cho tiền làm đường sá đàng hoàng để cân bằng đời sống miền xuôi, miền ngược thì lũ đàn ông con trai ở đây lại càng tệ hơn. Được chút tiền trợ cấp xoá nghèo đói, họ lại đem đi mua xe máy, đua nhau chạy ào ào ngoài đường, không có tiền mua xăng thì về nhà lấy lúa, lấy ngô đi đổi, hay lên rẫy hái non cà phê bán cho mấy bà buôn người Kinh lúc nào cũng chờ chực sẵn. Nhiều đứa con trai ở làng, trước đây cũng lăm le làm rễ nhà A Phia. Nhưng thà không biết thì thôi, chứ biết được nếp sống ở dưới thành phố, thì chán sợ bọn thanh niên làng mình lắm. Trong tâm tưởng của cô luôn ao ước kiếm được một người chồng miền xuôi. Cái ao ước đó chẳng phải bắt nguồn từ sự ham muốn cuộc sống đầy đủ tiện nghi, mà xuất phát từ sự ngưỡng mộ tính cách  của dân miền xuôi. Đàn ông có trách nhiệm nỗ lực làm lụng để nuôi sống gia đình. Có lẽ ngày trước chị gái của cô cũng mang cái tâm trạng đó, nhưng không may mắn nên lại gặp đúng một gã lọc lừa, chứ không như cô được Doanh thật lòng thương yêu. Mải mê suy nghĩ A Phia chẳng biết bước chân sải dài của mình đã xuống đến suối Priêng từ lúc nào.

 

Doanh siết nhẹ vòng tay. Mùi tóc cháy nắng, mùi ngai ngái cỏ cây hoang dại toát ra từ thân thể chắc nịch của A Phia càng làm Doanh ngây ngất. Anh vội kéo A Phia nằm xuống trên bãi cỏ xanh mướt bên dòng suối, bầu ngực no tròn của A Phia đang áp kín khuôn mặt anh cũng  rung lên từng hơi thở gấp gáp:

- Gia đình, già làng Pưa cho phép anh được cưới rồi, chừ A Phia có đồng ý cho anh không ?

A Phia không trả lời, cô đưa cả hai bàn tay lên vuốt nhè nhẹ  mái tóc lởm chởm của Doanh, mở lớn đôi mắt đen láy nhìn lên bầu trời đang dần sẫm tối. Không thấy A Phia trả lời, Doanh nới lỏng vòng tay trườn hẳn lên người cô. Sự cọ xát mạnh bạo của anh làm cô bật tiếng rên nhẹ. Tiếng rên của A Phia như kích thích thêm lòng ham muốn trong Doanh, anh rướn người lên, thả dần hai bàn tay xuống kéo tốc váy, rồi cố tách rộng cặp đùi như bắp chuối rừng mới trổ của A Phia. Cái đau nhói từ phía dưới lan nhanh lên khắp thân thể A Phia, cô nhắm mắt lại, từng giọt nước trong veo lăn dài theo đôi má nâu đen. Trong cảm giác mơ hồ, tê dại A Phia thoáng thấy chị gái bay lên từ dòng nước trong xanh, mỉm cười nhìn cô, trên vầng trán chị gái bất chợt trổ một vành trăng non mỏng mảnh.

 

Già làng Pưa vẫn ngồi bất động, Trong căn nhà Rông mênh mông, ánh nắng đã tắt hẳn, chỉ thỉnh thoảng lại nháng lên quầng sáng mơ hồ từ chiếc tẩu thuốc. Trong cái nhập nhoạng tranh tối tranh sáng, ông không còn nhìn thấy được ngọn A Tia cao vút ngang trời, nơi có nhiều linh hồn đang trú ngụ. Nghĩ tới họ, già làng Pưa lại nghe chạnh lòng. Ông nhẫm tính lại mấy mùa rẫy rồi, tại bắp chân ông không còn săn chắc, tại cái tay ông chẳng bíu chặt được mấy bụi dây rừng nên không lên nói chuyện với họ, những người đã mở lối cho ông thoát ra khỏi đêm dài mù mịt của những nếp làm thói nghĩ lạc hậu từng đè nặng lên cuộc sống  cư dân miền núi rừng biên giới.…Ông cứ một mạch băng rừng vượt núi mà đi, cái bản làng từng cưu mang, nuôi dưỡng ông dần khuất xa sau những dãy núi chập chùng, cao ngất. Cứ đi mãi cho đến khi ông nghe thấy tiếng cười nói xôn xao. Lần theo những âm thanh ấy ông bắt gặp rất nhiều người  trang bị đầy vũ khí và một dãy lán trại nằm bên con suối Moong. Thoạt đầu ông rất ngạc nhiên, rất sợ. Vì từ trước đến nay khu vực suối Moong không hề có dấu chân người qua lại, có chăng chỉ mình ông thỉnh thoảng đến đặt bẫy lợn rừng. Sự xuất hiện đột ngột của ông cũng khiến những người đó hoảng hốt, vội chụp lấy súng lên đạn rôm rốp chĩa thẳng nòng vào ông, vài người trong số họ còn lên tiếng quát nạt gì đó mà ông không hiểu, hồi lâu mới có một người tóc đã bạc trắng đi ra từ cái lán lớn, tiến lại gần, đặt nhẹ tay lên vai ông và nói bằng đúng cái tiếng buôn làng ông. Từ buổi gặp được cái đơn vị bộ đội đang hành quân đó, ông tình nguyện làm người dẫn đường cho họ. Những con đường do ông cắt rừng băng núi, kinh nghiệm theo dấu tích thú rừng của ông giúp cho bộ đội giữ được bí mật khi chuyển quân, nhanh chóng bất ngờ khi công phá đồn bót, và tránh được nhiều trận phục kích của địch.

 

Cái bẫy, cái nỏ của ông bây giờ không chỉ để bắt con lợn rừng, bắn con nai, mà rất nhiều lần đưa bọn địch tới với cái chết. Thời đó tuy rất gian khổ, sống chết chẳng biết khi nào, nhiều lúc năm bảy ngày chẳng có  một hạt muối, phải đốt rễ tranh lấy tro thay thế. Nhưng lại là những ngày tháng vui nhất trong đời ông… “Bố còn ngồi đây à ?” Giọng nói ồm ồm quen thuộc của Quỳnh Mơi  với ánh sáng trắng từ ngọn đèn dài trên nóc nhà Rông bất chợt bật lên cùng lúc, ngắt ngang dòng hồi niệm của già làng Pưa, ông từ từ quay lại nhìn và lên tiếng hỏi: “ Mày mới đi họp ở nông trường về hở?” Quỳnh Mơi vừa gật đầu vừa ngồi xuống phía bên kia tấm gỗ dài chia đôi sàn nhà, phía dành cho phụ nữ mỗi lúc có việc được lên nhà Rông, rồi thuận tay vớ cái phích nước nóng rót thêm vào cái ấm trà:

- Chiều nay họp căng lắm già bố à. Nhiều người nói, nhiều người phản đối mà nông trường cứ hứa, chứ chưa chịu thanh toán tiền công mùa thu hoạch trước cho dân làng.

Già làng Pưa thở dài:

- Thế sao mày không lên báo cáo với xã, với huyện?

- Có chứ bố! nhưng chỉ thấy chủ tịch xã nói giúp dân, chứ không thấy  ở huyện xuống… ai cũng nói đất bằng phẳng, tốt thì giao hết cho nông trường rồi, thôn chỉ còn toàn đồi dốc bạc màu, tiền công làm cà phê thì chưa được trả…mùa mưa tới lấy chi mà ăn.

Nghe lời  than, ông hiểu lắm nỗi khổ của trưởng thôn Mơi, đứa con trai độc nhất của Kăn Lia, mà trước nay ông vẫn coi như con của mình. Nhưng vẫn lên tiếng mắng:

- Mày là thôn trưởng, mới gặp chút khó khăn đã muốn mất lập trường à. Phải tin vào chính sách của của Nhà nước chứ. Nông trường họ làm chưa đúng thì còn có chính quyền. Ngày xưa thôn ta không được Đảng, Nhà nước khuyến khích, vận động về đây lập làng thì cũng còn khổ lắm, chừ thì có nước, có điện, có nhà xây là sướng lắm rồi. Mày cứ nói với bà con thế là họ hiểu ra thôi.

 

Quỳnh Mơi ậm ừ trong miệng. Tuy chưa đồng ý lắm với già làng Pưa, nhưng chẳng dám cãi. Mới lớn lên sau ngày hoà bình, được đi học hết cấp  ba, rồi được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Thoạt đầu Mơi lơ ngơ lắm, nên mọi việc lớn nhỏ chi cũng đều nhờ già làng Pưa chỉ vẽ. Mơi còn nghe được nhiều  người già trong thôn hay kể chuyện Cu Pưa trốn khỏi làng, rồi đi theo cách mạng lập nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huy chương, giấy khen. Họ còn kể nhiều về mối tình phạm lệ làng của ông với Kăn Lia mẹ của Mơi.

 

Ngày đất nước hoà bình, được cho xuất ngũ là Cu Pưa tìm đường về làng, tích cực vận động bà con bỏ rừng sâu, vượt núi cao về đây lập làng. Vận động người dân bỏ đi các hủ tục xưa cũ để theo cái pháp luật Nhà nước. Nghĩ tới các tục lệ xưa, Mơi lại thấy rùng mình. Già làng Pưa kể rằng ngày trước khi giải quyết việc tranh chấp rẫy nương, các già làng thời đó cho đào hai cái hố chỉ bước ngang một sải chân, cho vót chông nhọn cắm vài cái xuống rồi múc nước đổ vào, khuấy đục. Hai người tranh chấp đất, rẫy phải vục mạnh mặt xuống hố, bên nào bị dính chông là kẻ gian, là người có bụng xấu. Trưởng thôn Quỳnh Mơi còn nghe già làng Pưa kể nhiều cái tục lệ lạc hậu mà già đã phải khó khăn, cam go lắm mới loại bỏ được. Công bằng mà nói, cũng nhờ trong thời gian chiến tranh, nhiều đơn vị bộ đội hành quân qua đây, những lúc dừng nghỉ, họ lại dạy cho thanh niên trong thôn biết mặt cái chữ, chỉ vẽ cho mấy người già cái đúng, cái chưa đúng của lệ làng. Đến khi hoà bình, Cu Pưa mặc quân phục, ngực đeo đỏ huy chương trở về, nên nói chi người làng cũng tin, cũng nể. Mà thật thế, cái chi Pưa nói, Pưa làm đều mang tới cái lợi cho dân, như chuyện dời làng về đây, bỏ nếp sống du canh du cư, bày cho người dân làm lúa nước…

 

Vì thế nên bây giờ trưởng thôn Quỳnh Mơi gặp chuyện chi khó giải quyết cũng đều nhờ ý kiến của già Pưa, Mơi lúc nào cũng kính trọng ông như  bố mẹ đẻ.

- Bố ơi! bố đã đồng ý cho thằng Doanh nhập làng rồi hở?

Già làng Pưa lại gõ cái tẩu đổ tàn tro:

- Ừ! ta thấy nó  không phải là người xấu, lại giỏi việc. Cho nó làm dân làng mình để lũ thanh niên trông mà làm cái gương, học thêm được cái nghề sau này còn tự xây nhà đẹp cho làng nữa chứ.

 

Nghe giọng nói già làng Pưa buồn buồn, Quỳnh Mơi hiểu ông đang nhớ lại chuyện xưa. Vì không phải người làng chính gốc nên không lấy được mẹ Kăn Lia. Đi theo cách mạng mấy chục năm dài, khi trở về biết  Kăn Lia đã có chồng, có Mơi, ông buồn lắm.Giống như trường hợp thằng Doanh với con A Phia, nếu như làng vẫn giữ cái tục lệ xưa thì dù cái bụng có thương nhau mấy cũng không nên được vợ chồng, rồi cũng phải xa nhau như ông với mẹ của Mơi.

 

Bây giờ già Pưa vẫn sống một mình trong cái nhà sàn do chính tay ông dựng lấy lúc mới dời làng về, vẫn buổi sáng gùi dao, aviing lên phát rẫy làm cỏ cho cà phê nông trường. Nhà sàn lâu ngày mái tranh đã dột nát, vách thưng, ván lót đã bị mối mọt gậm mòn hết. Mấy năm gần đây, nhà nước có chính sách làm nhà tình nghĩa, xoá nhà tạm. Mơi đề nghị lên xã, lên huyện làm nhà mới cho già Pưa. Nhưng ông lại quay ra la mắng trưởng thôn Mơi:

- Ta gần về với đất rồi, làm cái nhà chi cho phí… Mày có cái bụng thương thì khi ta chết cứ chôn xuống đất, cứ theo tục lệ cũ, ba mùa rẫy sau làm cái lễ cải mả,để linh hồn ta được nhẹ nhàng về với núi A Tia ở cùng bạn bè, đồng đội…/.

 

Trại sáng tác A Lưới 8/2006

Nguyên Quân
Số lần đọc: 1945
Ngày đăng: 03.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiều Phủ Tây Hồ (*) - Phan Đức Nam
Truyện cực ngắn-1 - Lê Thị Điểm
Người cùng nhóm máu - Nguyễn Minh Phúc
Truyện ngắn ngắn - 13 - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện tình trong hang Én - Mai Tú Ân
Những mảnh vỡ (7) - Nguyễn Thị Hậu
Một mất mười ngờ - Huỳnh Văn Úc
Quyết định cuối cùng - Mang Viên Long
Thiên tài - Phạm Nguyên Trường
Có một tình yêu không thể nghi ngờ - Đỗ Mai Quyên