Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.008
123.197.499
 
Nghiệp dĩ
Trương Hoàng Minh

Anh chín Hoài Hên ngã bệnh khá nặng. Sốt cao. Ho nhiều. hơi thở nặng nề, khò khè như tiếng đờn cò. Đây là hậu quả của thời gian dài làm việc quá sức. Ban ngày ngồi viết ròng rả tám chín tiếng đồng hồ, ban đêm thức đến một hai giờ khuya, hút thuốc nhiều. Đã vậy còn ăn uống thiếu thốn, không đủ chất dinh dưỡng.


Hoài Hên nằm liệt giường. Miệng đắng. Cơm hôi. Chỉ uống chút đỉnh sữa bò chứ không ăn được cả cháo ! Hai ngày đầu Thục Đoan phải cõng chồng đến bác sĩ Phi cách nhà chừng năm chục thước khám bệnh, lấy thuốc. Hôm nay Hoài Hên gượng đi được nhưng còn phải dìu. Khám bệnh lấy thuốc xong, hác sĩ Phi đưa toa cho Thục Đoan. Hai mươi bảy ngàn đồng. Chị móc túi lấy tiền ra đếm. Mười hai ngàn sáu trăm. Vốn lời bán chuối chiên chỉ còn bấy nhiêu sau hai ngày trị bệnh Hoài Hên. Chị đưa tiền bác sĩ Phi ngại ngùng nói:


- Cậu thông cảm lấy đỡ mười hai ngàn, cho chị thiếu mười lăm ngàn đợi mai mốt anh ấy lãnh nhuận bút hoặc hai đứa nhỏ gởi tiền về  chị sẽ trả luôn số thiếu mấy lần trước một thể .


 Bác sĩ Phi cầm tiền mà trong bụng không vui. Nợ cũ chưa trả hết lại thiếu nợ mới! Ông ta cười gượng gạo:


- Mười mấy ngàn có là bao quan trọng là bệnh tình của ảnh kia. Ảnh bị viêm phế quản dạng hen mãn tính. Bệnh này rất chậm hết, chị nên đưa ảnh đi nằm viện cho người ta theo dõi hàng ngày tiện hơn.


- Cậu không theo dõi được sao? Thục Đoan lo lắng.


- Tôi bận lắm! Mỗi sáng chỉ một hai tiếng đồng hồ , khách lại đông, trưa chiều cũng vậy. Bác sĩ Phi từ chối.


Lúc năn nĩ bác sĩ Phi cố gắng giúp dùm, buổi tối cũng được nhưng Hoài Hên kêu chị dìu về . Anh vừa đi vừa nói với vợ một cách mệt nhọc:


- Nó đã từ chối khéo còn năn nỉ làm gì! Thôi ! trị thuốc tây không được thì trị thuốc nam. Ngày mai em đưa anh đến trạm xá, nghe nói ở đó ông ba Bầu coi mạch hốt thuốc giỏi lắm, bệnh xơ gan cổ trướng ổng trị còn hết sá gì bệnh nầy.


Sức khoẻ Hoài Hên tương đối kém. Mỗi lần bị bệnh anh đều đến bác sĩ Phi khám, lấy thuốc. Có tiền thì trả ngay, không tiền thì thiếu lại dợi lãnh nhuận bút hoặc hai đứa con làm ở Thành Phố gởi tiền về trả sau. Cơ khổ là thời gian gần đây, Hoài Hên không viết truyện ngắn, bút ký gởi các báo mà chỉ lo chuyên chú hoàn thành tập truyện dài, đứa con tinh thần được anh thai nghén từ lâu và muốn nó thật hoàn hảo khi chào đời. Hai đứa con thì là lao động phổ thông, nay thất nghiệp, mai đổi chổ làm thành thử lương bổng chỉ đủ chúng tiêu xài có đâu gởi về cho cha mẹ. Tết lại không về báo hại cha mẹ chúng khô như rơm, ốm hơn cua sáng trăng làm gì có tiền trả nợ bác sĩ Phi, bảo sao ông ta không từ chối trị bệnh. Họ túng thiếu đến đổi hôm mùng tám tết Thục Đoan đi lượm đồ cúng ở ngã ba đường cái về ăn! Chuyện là vầy. Bà Bảy Hẹ cúng "tam tai mộc ách" cho 17 chị em trong xóm. Lễ vật gồm có 17 khổ thịt heo, mỗi khổ khoảng 100g, 17 trứng vịt, 17 con tôm lóng cỡ ngón chân cái, tất cả đều được luộc chín. Thấy số lễ vật nhiều quá mà bỏ chó ăn uổng, mang trở lại nhà là điều cấm kỵ nên bà bảy kêu hỏi vợ chồng Hoài Hên nếu không kiêng cử thì lấy về ăn. Đã cùi rồi đâu còn sợ gì lở Thục Đoan bèn đứng chờ bà bảy cúng xong, lượm tất cả cho vào bọc xách về ăn cả tuần lễ.


Thấy gia đình hoài Hên quá khổ, người chị dâu bà con của anh cho Thục Đoan mượn năm chục ngàn làm vốn mua chuối chín, bột, mỡ heo chiên bán té lời sống đắp đõi qua ngày. Mỗi ngày, vào lúc 8-9 giờ sáng, Thục Đoan bài lò bễ, chuối lớ, bột bong, xoong chảo... trước hàng ba quán cà phê  của anh Nuốt chiên bán tới chiều . Một hôm, Hoàng, đại lý công ty bảo hiểm  vô tình đi ngang chỗ Thục Đoan. Biết gia đình bạn thắt ngặt, Hoàng bèn đến kêu Hoài Hên làm nhân viên đại lý, về vùng nông thôn bán bảo hiểm ăn hoa hồng. Anh động viên: "bà con nông dân bây giờ khá giàu nhiều lắm, văn minh tiến bộ nữa nên đã biết đến bảo hiểm nhân thọ, an sinh giáo dục chỉ cần mỗi tháng mầy bán được năm bảy suất thôi cũng hơn tiền nhuận bút còm cõi mấy lần. Gặp mối lớn, mối sộp càng ngon. Nghề này lại dễ làm, chỉ tốn nước miếng chớ không ngồi gò lưng, vắt óc nặn từng chữ từng câu như viết văn, lao tâm khổ trí mà tiền nhuận bút chẳng bao nhiêu! Nếu mầy chịu làm tao sẽ gởi lên tỉnh tập huấn vài ngày và cho mượn chiếc  67 làm chân. Làm nghề nầy chẳng những có tiền sống thoải mái còn có dư mua bảo hiểm cho vợ chồng mầy an hưởng lúc trở về già hoặc cho con làm vốn sinh nhai. Đi làm có tiền sống lại tích lũy được ai không ham không muốn. Ngặt vì đi bán bảo hiểm  sẽ không còn thì giờ sáng tác, được đằng đầu sẽ mất đằng đuôi , mà cái đuôi nầy là cái đuôi con diều giấy, nếu đứt nó sẽ bổ nhào xuống đất ngay. Nghĩ vậy nên Hoài Hên lắc đầu từ chối. Hoàng chán nản đứng lên bắt tay từ giã: "rất tiếc, tao chỉ có thể giúp mầy đến thế thôi, Hoài Hên!" Hoài Hên xiết tay Hoàng thật mạnh" cám ơn mầy, Hoàng. Trong số bạn bè , mầy là thằng bạn tốt nhất của tao".


Từ ngày làm vợ Hoài Hên, Thục Đoan luôn luôn ủng hộ và chấp nhận gian khổ cho chồng rảnh rang đeo đuổi sự nghiệp văn chương. Chỉ có thời gian gần đây, cuộc sống ngày càng sa sút, nợ nần tứ giăng, Hoài Hên lại nay yếu mai đau nên chị hơi chao đảo lập trường. Sau khi Hoàng về, Thục Đoan thăn thỉ: "em thấy tập truyện dài còn ở dạng bản thảo, muốn sửa chửa thêm bớt lúc nào cũng được, không gấp. Hơn nửa, dù hoàn thành cũng chẳng có tiền đâu in ấn, mướn họa sĩ làm bìa. Nếu anh sợ đi bán bảo hiểm mất thời giờ, mất nguồn  cảm hứng thì hãy viết truyện ngắn, bút ký gởi các báo để lấy ngắn nuôi dài chứ chan chát như vầy chẳng những không có tiền tiêu xài, thuốc men khi đau yếu  mà còn không có tiền xuất bản tập truyện "Hoài Hên nhăn nhó:" Nếu em muốn có tiền thì anh sẽ nhận lời Hoàng hoặc làm bất cứ chuyện gì cho em hài lòng chứ đừng ép buộc anh làm chuyện đó. Người xưa nói"văn dĩ tải đạo", "nghệ thuật vị nhân sinh" cho nên viết văn để kiếm tiền thì không nên viết em ạ!".

 

Hoài Hên biết viết văn, làm thơ từ hồi học phổ thông cơ sở. Đó là những tâm tư , tình cảm ngây thơ vụn dại của tuổi học trò. Khi thì mong chờ nhớ nhung vô cớ , khi thì giận hờn trách móc vu vơ, rặt mùi bã mía . Tuy nhiên, trong số ấy vẫn có một vài bài hay, nội dung tốt được vài tờ báo đăng tải và thầy cô bạn bè khen ngợi. Đây là động lực thúc đẩy Hoài Hên  phát triển tài năng, nhất là mảng văn xuôi , ngày càng chính chắn, chững chạc. Và cũng từ đấy, văn thơ trở thành một thứ  nhu yếu phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của Hoài Hên, hay nói cách khác nó là nổi đam mê  cuồng nhiệt làm như kiếp trước anh nợ nó quá nhiều nên kiếp nầy phải trả vậy!.

 

Nỗi đam mê đó bị chựng lại do cha mẹ Hoài Hên lần lượt qua đời trước và sau khi anh tốt nghiệp trung học phổ thông. Anh phải nghỉ học, tự lực cánh sinh. Rồi, vợ con và miếng cơm manh áo cuốn hút anh vào dòng xoáy cuộc đời, vào cuộc chạy đua với tốc độ chóng mặt.   Lúc bấy giờ đầu óc anh nặng trịch chuyện áo cơm, hai bàn tay anh mãi lo cầm leng cầm cuốc nên sự nghiệp văn chương tưởng chừng mai một. Đến khi hai con trưởng thành, đi làm phụ tiếp, hoàn cảnh gia đình dễ thở hơn, Hoài Hên mới có dịp trở lại với văn chương. Truyện ngắn, bút ký lại thường xuyên xuất hiện trên báo chí sau thời gian dài gián đoạn tức tưởi.

 

Trở lại với văn chương lần nầy Hoài Hên  càng khẳng định được mình. Già dặn,  có kinh nghiệm, vốn sống phong phú. Đối tượng sáng tác là cuộc đời và số phận của tầng lớp dân nghèo ở nông thôn sâu xa trong thời kỳ đổi mới mà anh đã tiếp xúc, quan sát, lắng nghe được suốt thời gian vật lộn với cuộc sống. Văn thể thuộc loại miêu tả . Nội dung ca ngợi những người năng động, biết thích nghi với thực tế , biết làm ăn trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời anh cũng hay phê phán những người có quan điểm lạc hậu, thụ động, không theo kịp trào lưu tiến hoá của xã hội. Bút pháp nhẹ nhàng, giản dị và rất tỉ mỉ, không bỏ sót một chi tiết nhỏ như ăn dĩa bánh bò liếm cho hết nước cốt dính dĩa mới thôi . Tập truyện dài còn ở dạng bản thảo cũng mang nội dung trên. Nhìn chung, dù truyện ngắn hay truyện dài, dù ca ngợi hay phê phán, trong tất cả tác phẩm của Hoài Hên đều có sự đồng cảm của tác giả với nhân vật, đều có ý khuyến khích người nghèo đổi mới cách nghỉ cách làm mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Trạm xá hốt thuốc ba ngàn đồng một thang. Thục Đoan đi lục lạo gom góp sắt vụn, dép nhựa đứt, đồ mủ bể, gang nhôm hư và.... ba chục ký báo chí cũ bán cho ve chai lông vịt mới có tiền đưa Hoài Hên đến ông ba Bầu coi mạch, hốt thuốc. Lời đồn quả không sai. Hoài Hên uống được năm bảy thang bệnh tình giảm ngó thấy nhưng không thể  trị tiếp tục do hết tiền mà nơi đây là cơ quan nhà nước nên không thể thiếu chịu được. Có người chỉ chùa cư sĩ Phước Nguyên hốt thuốc từ thiện, Thục Đoan bèn đưa chồng tới đó. Mặc dù hốt thuốc từ thiện nhưng bất cứ ai đến hốt cũng góp "công đức" không nhều thì ít cho nhà chùa mướn người chặt hái thuốc, mua giấy gói, giây buộc. Chỉ có Thục Đoan không ngơ. Để tránh bị người ta dòm ngó "dị nghị", mỗi lần hốt thuốc xong, chị cũng cầm ba thang thuốc đến thùng phước thiện đặt trước bệ thờ phật, lâm râm khấn vái rồi giả vờ móc túi lấy tiền nhét vô thùng. Đây là việc làm quen thuộc hàng ngày, hoàn toàn tự giác nên không ai để ý, dòm ngó và phát hiện hành động dối trá của Thục Đoan. "Ăn quen chồn đèn mắc bẫy", lần thứ ba  bị Hoài Hên bắt gặp. Anh nghiêm khắc hỏi vợ:

 

- Em mới làm lần đầu hay hổm rày đều vậy?

 

Thục Đoan ngồi cúi mặt nín thinh. Hoài Hên giận:

 

- Anh vô cùng thất vọng về em, Thục Đoan. Bác sĩ khám bệnh lấy (tiền) bao nhiêu mình trả bấy nhiêu, nhà thuốc tây bán giá nào mình mua giá nấy,  còn ở đó người ta làm từ thiện, không cắt giá ăn tiền thì mình lại keo kiệt không dám trả hai trăm đồng là tại làm sao?

 

- Tại em thấy... Thục Đoan định phân bua nhưng Hoài Hên đưa tay ngăn lại

 

- Anh không muốn nghe em giải thích. Lương y cũng khám bệnh như bác sĩ. Thuốc nam cũng trị bệnh như thuốc tây tại sao lại bên khinh bên trọng. Đành rằng thuốc nam mọc nơi hoang dã nhưng nếu không có người chặt hái đem về thì liệu nó có trị bệnh cho mình được không? Lời tục có câu " của một đồng công một lượng, nhưng nghĩa đáng ngàn vàng". Cái quí là ở chỗ đó. Người ta đã đem công lao, nhân nghĩa đối xử với mình mà mình đáp lại bằng sự dối trá thì có còn là con người nửa không? Việc làm của em có thể qua mặt thế gian chứ không thể che mắt thánh thần được đâu? Em có biết "dối trời lừa người" là đại gian đại ác không ? Em có biết làm vậy là thất đức, anh uống cả trăm cả ngàn thang thuốc cũng không thể hết bệnh không?

Thục Đoan sụt sịt khóc. Sức khoẻ kém mà lại giận và nói nhiều khiến Hoài Hên phát ho dữ dội nước mắt nước mũi chèm nhèm, chống hai tay xuống giường gục đầu thở dốc. Thục Đoan lo lắng bước lên ngồi sau lưng anh, ôm anh vào lòng, lấy khăn lau nước mắt nước mũi rồi đỡ nằm xuống. Hoài Hên vốn đã ốm mà hơn mười ngày qua chỉ biết cháo trắng với đường nên càng khẳng khiu, tóp rọp như con khô cá hố . Anh nằm quay mặt vô vách, gát tay lên trán, mặt buồn dàu dàu. Thục Đoan để một tay lên ngực anh, người hơi cúi xuống nói nhỏ nhẹ:

 

- Em có lỗi! Em đáng bị nguyền rủa gấp trăm lần nhưng không dám xin anh tha thứ mà chỉ  xin anh hãy dằn cơn tức giận để không làm hại đến sức khỏe. Nghỉ ngơi tịnh dưởng đi anh chừng nào hết bệnh muốn mắng nuốn chửi em bao nhiêu cũng được, em chịu hết, còn bây giờ, dù anh giận đến đâu thì chuyện cũng đã lỡ rồi. Em sẽ tạ lỗi với trời phật thánh thần và hứa với anh sẽ không bao gờ tái phạm. Đừng nghỉ tới nửa nghen anh, để em đi hâm cháo cho anh ăn rồi uống thuốc.

 

Hoài Hên nín thinh. Thục Đoan kéo mền đắp cho anh, bước xuống giường, kẹp tóc lại gọn gàng rồi đi ra nhà bếp. Hoài Hên quay mặt nhìn theo. Giận thì nói vậy chứ vợ chồng đầu ắp tay gối trên hai mươi năm làm gì không hiểu ý nhau. Thật ra nàng cũng đâu muốn làm chuyện ấy. Chẳng qua vì quá bẩn chật nàng muốn để giành tiền lo cho mình mới bất chấp liêm sĩ thôi.

 

 Hai người đàn ông trung niên trên một chiếc honda dang qua phà sang thị trấn. Nhìn quần áo xốc xếch dính đầy bụi đường và vẽ bỡ ngỡ lẫn thích thú của họ trước cảnh tàu ghe tấp nập, song nước dập dềnh, chứng tỏ họ là người phương xa mới đến đây lần đầu. Ông có ria mép chỉ chợ nổi trên sông nói với ông lái xe:

 

- Hồi nào tới giờ chỉ biết chợ nổi qua báo chí, nay mới thấy tận mắt. Hay đấy chứ! Hồi nửa xong việc mình nhờ va dẫn tới đó tham quan, chụp một số ảnh tư liệu chắc không thừa?

 

Ông lái xe nhìn theo gật đầu. Phà cặp bến thị trấn. Hai ông vừa chạy vừa hỏi thăm đường rồi đến dừng trước đầu hẽm dẫn vô nhà Hoài Hên. Ông ria mép bước xuống xe móc túi lấy tờ giấy ghi địa chỉ ra xem và đưa mắt tìm kiếm. Ông lái xe chỉ đám trẻ đang chơi bên kia đường bảo:

 

- Qua hỏi mấy đứa nhỏ kìa?

 

Ông ria mép bước sang hỏi một bé trai:

 

- Cháu có biết nhà chú Lê Hoài Hên ở đâu không dẫn chú đến đó chú cám ơn.

 

Đứa bé nhanh nhẩu chỉ tay vô hẽm nói:

 

- Chú chín Hên hả? nhà chú ấy ở gần cuối hẽm, bên mặt, cách nhà bán tiệm một cái. Chú vô trỏng hỏi nhà "ông chín nhà báo" cũng được.

 

- Bả kìa! vợ ổng chiên chuối bán đó, hai chú tới kêu bả dẫn về nhà chớ gì?

 

Một đứa khác nói và chỉ về phía Thục Đoan. Ông ria mép đi bộ tới, ông lái xe chạy theo chầm chậm. Thục Đoan đon đả mời:

 

- Mua chuối chiên đi hai anh? Nóng dòn ngon lắm.

 

Ông ria mép ngồi xuống mỉm cười gật đầu chào Thục Đoan :

 

- Chào chị. Xin lỗi, tôi không mua chuối chiên mà muốn tìm một người. Chị có phải là...là vợ nhà văn Lê Hoài Hên ?

 

Thục Đoan nhìn lướt qua hai người đàn ông lạ rồi gật:

 

- Phải! tôi là vợ anh ấy nhưng không dám nhận hai tiếng nhà văn.

 

Ông có ria mép nói vui:

 

- Chị nhận hay không cũng không sao, quan trọng là tôi tìm được anh ấy để không phải trở về với...hai bàn tay trắng. Chị vui lòng dẫn tụi tui về gặp anh ấy nhé. Nếu cần, tôi sẽ để thằng kia ở lại giữ  chảo chuối chiên cho chị.

 

Ông lái xe mỉm cười. Thục Đoan cũng cười. Chị hỏi:

 

- Cám ơn anh. Nhưng hai anh là ai, từ đâu đến, tìm chồng tôi có việc gì không?

 

- Chúng tôi ở thành phố xuống gặp ảnh bàn một chuyện quan trọng chị ạ.

 

Thục Đoan đưa mắt nhìn hai ông khách dò xét. Ông ngồi trên xe trấn an:

 

- Là chuyện vui chứ không có gì đâu chị ngại.

 

Nghe vậy, Thục Đoan quay vào quán lên tiếng mượn chị Bé Năm coi chừng dùm chảo chuối chiên rồi dẫn hai ông khách lạ vô nhà. Hoài Hên đang mặc áo thun, quần đùi chăm chú làm việc. Thục Đoan lên tiếng có khách. Anh ngước lên nhìn, xếp tập bản thảo lại, bước ra cửa chào khách, đưa tay mời vào ghế ngồi. Thục Đoan trở ra quán kêu nước. Hoài Hên xin phép vào trong thay đồ. Hai ông khách nhìn bao quát gian nhà, tỏ vẻ chua xót trước cảnh nghèo túng, bệnh hoạn của Hoài Hên ngoài sức tưởng tượng của họ. Ông ria mép gật gù nhè nhẹ:"vất vả cơ cực cũng là nguồn cảm hứng sáng tác. Mấy tay nhà văn ở nhà cao cửa rộng, lên xe xuống ngựa mặc đẹp ăn sang làm gì thấu hiểu hoàn cảnh và nổi niềm của người nghèo cho nên viết sao hay bằng những nhà văn nghèo viết về người nghèo. Chính vì thế mà tác phẩm của va đọc nghe y như thật rất sâu sắc  và cảm động. Thảo nào...".

 

Giòng suy nghỉ của ông có ria bị gián đoạn khi Hoài Hên từ trong buồng bước ra. Ông ta đứng lên giới thiệu:

 

- Tôi là Bình, kia là Giảng. Chúng tôi làm trong hảng phim X. ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hoài Hên bắt tay từng người và tự giới thiệu:

 

- Hân hạnh được biết hai anh. Tôi là Lê Hoài Hên, cộng tác viên các báo văn học nghệ thuật.

Thục Đoan bưng về ba trái dừa tươi, một dĩa chuối chiên và ngồi nán lại nghe chuyện. Đang khát mà gặp dừa tươi thì còn gì bằng nên Bình và Giảng không khách xáo cầm ống hút tự nhiên. Thục Đoan mời hai người ăn chuối chiên, họ cũng không từ chối. Hoài Hên hỏi:

 

- Hai anh đến gặp tôi có chuyện gì cứ tự nhiên. À, sao hai anh biết tôi ở đây mà đến hay vậy?

 

- Đâu có gì khó. Giảng nói. Điện thoại tới toà soạn tờ báo anh hay cộng tác hỏi địa chỉ liên hệ là biết ngay thôi.

 

Sau vài câu thăm hỏi xã giao, Bình vào vấn đề. Anh cho biết đạo diển Nguyễn Lưu hay đọc các tác phẩm văn học để tìm đề tài dựng phim. Ông phát hiện Hoài Hên có một truyện ngắn hay , nội dung tốt, nhiều chi tiết chân thực, sâu sắc, cảm động có thể chuyển thành kịch bản phim. Ông liền cử Bình và Giảng xuống gặp Hoài Hên để bàn chuyện hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Thấy mình chỉ là cộng tác viên báo chí, chưa có danh phận mà vẫn được người ta tôn trọng quyền tác giả nên Hoài Hên đồng ý hợp tác. Cuộc trao đổi diển ra nghiêm túc, tốt đẹp còn nảy sinh chi tiết mới. Bình đề nghị Hoài Hên sau khi hoàn thành bản thảo tập truyện dài, photocopy gởi lên cho đạo diển Lưu xem. Theo anh, truyện này cũng có thể chuyển thành phim truyền hình nhiều tập. Bình còn hứa nếu không thực hiện được anh sẽ giúp Hoài Hên xuất bản. Hoài Hên vui vẻ nhận lời.

 

Trước khi Bình và Giảng trở lại thành phố , Thục Đoan thay chồng hướng dẫn hai anh tham quan chợ nổi, chụp ảnh tư liệu, ảnh lưu niệm cuộc hội ngộ bất ngờ và thú vị nầy.

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 3237
Ngày đăng: 07.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chị tôi - Nguyễn Hồ
Tiếng đàn xưa - Ngọc Hiệp
Tiếng chuông trôi trên sông - Vũ Hồng
Tướng quân và loạn đảng - Trương Hoàng Minh
Bác Ba Phi: Những con dơi lửa ra quân - Anh Động
Bác Ba Phi : Xe tăng làm xiếc - Anh Động
Ông già thợ tiện và chú bé lái dưa - Anh Động
Bác Ba Phi : Lính bộ đánh thủy - Anh Động
Bác Ba Phi: Quận nhung trở mặt - Anh Động
Bác Ba Phi : Cuộc đối mặt với quận Nhung - Anh Động
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)