Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.154
123.162.507
 
Bên kia dòng sông
Nguyễn An Cư

Đã mấy phút trôi qua, Khánh và Đông Nghi vẫn ngồi im lặng trên băng đá dưới tàn cây trước nhà nhìn vu vơ. Đông Nghi buồn bã đưa mắt sang Khánh trách móc:

- Sao lâu quá Khánh không sang nhà Nghi chơi?

- Khánh đâu muốn vậy. Nghi không nhớ cầu Châu Phú đã gãy rồi à?

- Nhớ chứ. Chiều nào Nghi không ngồi ngắm và tiếc cho chiếc cầu! Mà có phải tại chiếc cầu đã gãy hay không?

- Nghi không tin à?

- Khánh là con trai mà. Lý do ấy chỉ để dành cho Nghi thôi.

- Con trai thì sao? Đi vòng mất gần cả tiếng đồng hồ! Mỗi ngày ba mẹ chỉ cho Khánh... xả hơi … có ba mươi phút làm sao đi kịp!

-  Hai bác bắt Khánh học gạo dữ vậy hả?

-  Ừ…

-   Hai bác định kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở nầy Khánh đoạt thủ khoa à?

- Ừ. Ba mẹ mong muốn vậy nhưng Khánh không tin mình chút nào!

- Con trai gì yếu thế? Không nhận chức thủ khoa thì để đó cho Nghi.

- Sẵn sàng nhường Nghi đó.

Đông Nghi nheo mắt:

-  Hãy… đợi đấy! Mà chiều chiều Khánh có muốn qua nhà Nghi chơi không? Nghi có cách!

- Cách gì?

- Không nói đâu.

- Vậy cũng nói…

 

Đông Nghi nói xong cười khúc khích, mang chạy vào nhà. Vừa chạy, Đông Nghi vừa ngoái đầu lại bảo:

- Chờ Nghi chút nhá. Nghi sẽ cho Khánh xem cái nầy.

 

Khánh và Đông Nghi là đôi bạn cùng xóm. Nhà hai đứa cách nhau dòng sông Châu Phú. Chúng cũng là đôi bạn học cùng lớp từ nhỏ đến lớn dưới mái trường làng Ba Châu nầy. Riêng năm lớp chín, trường đã phân chia lại lớp, Khánh và Đông Nghi đành phải chia tay nhau. Hằng ngày hai đứa chỉ nhoẽn miệng cười chào nhau trên đường đi học hoặc liếc nhìn nhau trên hành lang lớp. Thỉnh thoảng Khánh mới dám sang nhà Đông Nghi chơi, kể chuyện học hành bâng quơ.

 

Đông Nghi mang ra một xấp bài kiểm tra, ngồi sát vào Khánh hơn. Nó còn khom đầu nghiêng sang Khánh chỉ chỏ những điểm chín điểm mười đỏ chói hết sức tự nhiên. Khánh cũng chụm đầu nhìn mấy bài kiểm tra. Mùi tóc Đông Nghi thoang thoảng làm Khánh xao xuyến lạ thường. Mấy lần hai đứa tranh nhau lật xấp bài kiểm tra, tay Đông Nghi chạm tay Khánh khiến Khánh phải rút tay lại. Khánh ao ước được nắm cái bàn tay thon nhỏ ấy hoặc được vuốt nhẹ trên tóc Đông Nghi nhưng Khánh chưa dám bao giờ! Khánh liếc nhìn Đông Nghi, thấy Đông Nghi vẫn cười nói hết sức hồn nhiên. Nụ cười của Đông Nghi hôm nay sao có duyên và dễ thương quá! Khánh thoáng thấy vậy, bối rối nói lảng:

- Vườn hoa nhà Nghi đẹp quá!

- Cũng như bên Khánh vậy thôi.

- Khác chứ! Vườn Nghi có mấy chậu hoa hồng. Khánh thích nhất mấy chậu hoa đó. Lần nào đi ngang Khánh cũng nhìn vào.

- Khánh thích thì Nghi tặng đấy.

 

Khánh nhìn quanh quất rồi nhìn Đông Nghi mỉm cười:

- Khánh không dám nhận đâu. Của bác trai mà. Thôi Khánh… về…

- Sao Khánh vội thế? Mới sang mà. Khánh không thích Nghi được điểm cao à?

- Thích chứ! Cũng thích được ngồi bên Nghi thế nầy mãi… nhưng…

 

Nói xong mặt Khánh ửng đỏ. Đông Nghi vênh mặt:

- Nhưng sao?

- Hết… giờ rồi! Về trễ là ba mẹ la cho!

 

Khánh tức giận mình! Thật ra không phải là hết giờ mà Khánh đã hết chuyện để nói! Khánh đã xin phép ba mẹ đi chơi hai tiếng đồng hồ kia mà.

- Ba mẹ Khánh cũng giống ba mẹ Nghi quá! Tối ngày chỉ biết có học và học!

Đông Nghi vừa nói dứt câu đã nghe trong nhà có tiếng của mẹ vọng ra:

- Đông Nghi ơi! Đâu rồi? Làm bài tập vật lý đi con.

Đông Nghi lắc đầu, nhìn vào trong nhà, kéo dài giọng:

- D… ạ…! Cũng… học nữa! Con đang có bạn… Khánh sang chơi mẹ ạ.

 

Khánh hoảng hốt, vội đứng dậy:

- Thôi Khánh về! Bác rầy.

Đông Nghi hĩnh mũi:

- Không sao đâu mà! Đã nói mẹ Nghi vẫn thế. Con trai gì nhát hích! Ờ… sao đêm hôm đèn nhà Khánh tắt sớm thế?

-  Khánh mệt!

-  Bây giờ còn mệt không?

-  Hết rồi?

- Tưởng còn mệt để Nghi trị cho. Phải chăm học nhé. Lười Nghi giận đấy!

-  Ừ! Thôi Khánh về.

- Lại cũng về! Bộ không muốn nghe cách của Nghi hướng dẫn hả?

Khánh do dự:

-  Muốn chứ! Cách gì?

- Chiều chiều Khánh giả đò xin tắm sông rồi bơi sang đây chơi…

Lần nầy đến lượt mặt Đông Nghi đỏ ửng. Đông Nghi thấy như có cái gì quá bạo qua câu nói vừa rồi. Khánh đáp yếu xìu:

- Nhưng mà Khánh đâu biết bơi!

Mắt Đông Nghi mở to, miệng há hốc:

- Thật vậy sao? Con trai vùng sông nước gì… dỡ thế!

Đông Nghi lại hĩnh mũi, nheo mắt:

- Để mai mốt Nghi… tập cho Khánh bơi!

 

Mặt Khánh đỏ như suốt buổi ngồi gần lửa! Khánh thầm trách cái kiểu dạy dỗ của gia đình mình. Mười lăm tuổi đầu mà lúc nào ba má Khánh cũng xem Khánh như còn con nít! Làm việc, học hành, nghỉ ngơi phải có giơ, có lịch hẳn hòi. Từ nhỏ đến giờ, sáng ra là mẹ bắt Khánh uống một ly sữa hoặc ăn một tô cháo đầy rồi lên xe ba đưa đi học. Trưa về, ăn cơm xong phải ngủ trưa. Xế dậy tiếp tục học và chụẩn bị bài cho ngày hôm sau. Chiều nắng cũng như chiều mưa, mẹ Khánh pha sẵn một thao nước ấm bắt Khánh tắm. Tối ngủ phải mặc áo pyjama thùng thình…

 

Hằng ngày, Khánh thấy các bạn đạp xe đi học không cần ai đưa rước, hết sức tự do mà ham; chiều nào chúng cũng được tắm sông, đá bóng thỏa thích mà thèm. Thỉnh thoảng chúng còn theo thầy cô đi tham quan chỗ nầy chỗ nọ. Mấy lần Khánh hỏi xin, cha mẹ đều từ chối. Đi chơi đâu phải có cha có mẹ theo kèm! Hồi học lớp bảy lớp tám, Khánh đã nghe có bạn bảo đi thành phố Hồ Chí Minh một mình; Khánh phục lăng. Điều đó đối với Khánh thì không bao giờ có! Chính vì thế, đám bạn Khánh thường chọc Khánh là con gà công nghiệp!

 

Mà trông Khánh cũng giống con gà công nghiệp lắm. Tối ngày bị nhốt trong nhà. Da vẻ Khánh trắng mịn như con gái. Tay chân không có một vết xước. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều có cha mẹ lo sẵn. Suốt ngày quần chùng áo rộng, đi đứng phải khoan thai, nói năng phải nhỏ nhẹ đúng điệu thư sinh nho nhã; ra đường khăn nón kín mít. Lâu ngày Khánh cũng quen dần…

           

Hôm nay Đông Nghi rủ Khánh bơi sang nhà chơi làm Khánh thẹn vô cùng!

 

Về học hành, Khánh giỏi thật; môn nào cũng nhất nhì trong lớp. Có điều các họat động khác, Khánh thấy mình ngơ ngơ làm sao ấy! Nói năng thì lủn ca lủn củn. Đứng trước bạn gái tay chân Khánh lúc nào cũng như thừa thải, hết gãi gãi đầu lại thọt tay vào túi quần . Không bù với tụi thằng Long thằng Mẫn, giỡn hớt, cợt nhã, giật quà bánh bạn gái hằng ngày; xem như đó là chuyện bình thường. Nhất là thằng Long còn nghêu ngao hát trước mặt Đông Nghi: “Bằng lòng đi em, anh về quê rước má lên liền…”.

 

Đúng là so với các bạn thì Khánh dỡ thật! Mỗi lần phát biểu ý kiến, tim Khánh đập thùi thụi. Mà Khánh có phát biểu sai bao giờ đâu! Hát hò trong lớp không bao giờ Khánh dám. Đánh banh, đá cầu… lại cũng không! Chỉ riêng cái tên Khánh, khi gia đình và chòm xóm gọi, có kèm thêm tiếng “Bé” đằng trước và cái chuyện Khánh tắm nước nóng cũng đủ làm trò cười cho chúng bạn nó rồi. Hồi học lớp sáu lớp bảy, chiều nào đám con Liên con Liễu về ngang nhà Khánh cũng réo vang: “Bác Năm ơi, nấu cho… “Bé”… Khánh ấm nước tắm. “Bé Khánh” sắp về tới kìa!”

Kinh hãi nhất là có một lần đi lao động về, các bạn trai xúm nhau khiêng Khánh quăng xuống sông làm Khánh phải uống mấy ngụm nước, sặc sụa cay nồng hai lỗ mũi. May mà sông không sâu lắm, Khánh loi ngoi bò vào bờ chạy một mạch về nhà. Từ đó,  khi thấy các bạn tắm sông, không bao giờ Khánh dám mon men tới.

                                   

*          

Không hiểu ai đã nói gì mà mấy tuần nay, chiều nào thằng Long thằng Mẫn cũng đến bến sông trước nhà Khánh tắm. Chúng ở trần cùi cụi, mặc cái quần tắm thật đẹp, để lộ hai bắp chân rắn chắc và vòng ngực nở rộng. Chúng bơi thẳng một mạch sang bên kia sông, bám trụ nhà sàn của Đông Nghi, réo cô bé inh ỏi:

- Đông Nghi ơi, ra tắm sông với tụi anh nè. Tụi anh sẽ tập bơi cho. “Có chồng không biết tắm sông. Có ngày chết đuối, uổng thân ngọc ngà”…

Bên này sông, Khánh nghe văng vẳng, biết là thằng Long thằng Mẫn ngạo mình, mặt nó nóng ran. Nó muốn đón đường đập cho thằng Long một trận nhưng nó biết chắc rằng nó không làm sao địch nổi thằng Long! Cánh tay thằng Long to kềnh như cánh tay hộ pháp, trong lúc tay Khánh khẳng khiu trắng bạch, trói gà không chặt! Lỡ thằng Long quăng nó xuống sông một lần nữa càng ê mặt hơn. Có điều Khánh mừng thầm trong bụng là Đông Nghi trốn biệt, không trả lời trả… vốn tiếng nào.

                         

*      

Những ngày chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp nôn nao nhưng quá đổi vô vị đối với Khánh. Ba mẹ Khánh bắt nó phải tiếp tục ôn bài để chuẩn bị thi vào trường chuyên. Khánh không làm sao gặp mặt Đông Nghi! Nó thấy nhơ nhớ bâng quơ hoài. Nhớ nhất là đôi mắt Đông Nghi thật trong sáng, đôi môi đỏ tươi; mỗi lần Đông Nghi nhìn và cười với nó làm nó hồi hộp kỳ lạ. Nó lại thích chiếc răng khểnh và cái đồng tiền trên má Đông Nghi hồi nào cũng không hay! Bên tai Khánh lúc nào như cũng có tiếng nói văng vẳng ngọt ngào của Đông Nghi.

 

Sáng sáng, chiều chiều Khánh ra bến sông ngắm sang bên kia bờ, ngắm dòng sông Châu Phú lặng lẽ trôi. Dưới chân cầu đã gãy là nhà sàn của Đông Nghi. Khánh thích nhất là những chiều nước rong đầy sông, nước ngấp nghé mặt nhà sàn; một vài cụm lục bình tim tím nhấp nhô buồn buồn. Thỉnh thoảng bóng Đông Nghi thắp thoáng bên sàn nước làm Khánh nhớ đến nao lòng. Khánh thấy giữa Đông Nghi và Khánh có sợi dây vô hình gì đó ràng buộc mà Khánh vẫn không rõ.

 

Có những chiều mưa, Khánh ngồi hằng giờ bên cửa sổ, ngắm sang nhà Đông Nghi. Những giọt mưa đan xen nhập nhòa cả bờ sông bên ấy nhưng Khánh vẫn tưởng tượng ra được hình bóng Đông Nghi trong căn nhà ấm cúng thân thương. Khánh nhẩm tính : “Năm học tới mình sẽ rời xa khoảng trời thơ mộng và dòng sông quê đầy ấp kỷ niệm nầy rồi. Mình và Nghi phải về tỉnh để vào trung học phổ thông hoặc trường chuyên. Không biết ba má có cho mình theo học chuyên văn như Nghi không nữa. Chắc là không rồi! Ba đã nhất định bắt mình phải chọn khối A để thi vào các ngành kỹ thuật làm kỹ sư. Quan niệm của ba thật kỳ! Lúc nào cũng “tương lai, tương lai”! Mà tương lai của ba đặt để là kỹ sư chứ không một nghề nào khác. Ba nói ba cái văn chương vớ vẩn ấy thì “tương lai” gì!”. Khánh chợt buồn: “Không biết rồi Đông Nghi có còn nhớ đến mình không?”. Bất chợt Khánh cương quyết mạnh dạn tranh luận cùng ba để được học chuyên văn!

                                   

*          

Đông Nghi đang giặt đồ bên nhà sàn. Tiếng bì bõm dưới sông làm Đông Nghi giật mình. Cô bé nhoài người ra khỏi lan can nhìn xuống reo to:

- Khánh! Khánh biết bơi hồi nào vậy?

Khánh bám vào sàn nhà, hổn hển đáp:

- Một tuần nay.

- Hay vậy?

- Ai biểu…

- Biểu gì?

- Khi dễ người ta!

Nghi cười. Khánh thấy nụ cười lao xao dòng sông…

Khánh làm ra vẻ bí mật:

- Nghi ơi!

- Gì?

- Mình có tin vui!

Nghi rạng rỡ hẳn lên:

- Tin gì?

- Khánh sang báo tin cho Nghi biết: Khánh và Nghi đã đậu vào trường chuyên văn rồi.

Đông Nghi vỗ tay reo:

- Vậy hả? Hai đứa mình cùng học chung một lớp hả Khánh?

- Ừ! Chắc vậy. Còn cái nầy nữa.

- Chuyện gì?

Khánh cố rướn người đưa chùm hoa lục bình về phía Đông Nghi:

- Khánh… tặng Nghi chùm hoa lục bình để kỷ niệm ngày hai đứa đậu vào trường chuyên. 

Khánh đưa tay vuốt tóc. Đông Nghi thấy những giọt nước lăn dài trên khuôn mặt tái ngắt, xanh lè của Khánh. Cô bé đón nhận, nhìn Khánh xúc động:

- Cảm ơn Khánh. Và cũng để kỷ niệm ngày Khánh… biết bơi nữa chứ!

Khánh cười bẽn lẽn:

- Ừ! Cũng vì… Nghi đó. Thôi Khánh về. Chiều mai Khánh lại bơi sang thăm Nghi nhé.

Đông Nghi đáp thật khẽ:

-  Vâng. Nghi chờ!

-  Thật không?

Nghi gục gặc đầu:

-  Thật. Hứa chắc mà.

Khánh sảy tay bơi nhanh ra giữa dòng. Dòng sông quê gợn sóng nhấp nhô…/.

 

Khai trường 2004-2005

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 1879
Ngày đăng: 04.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người ở núi - Nguyên Quân
Mối cựu thù - Đàm Lan
Chiều Phủ Tây Hồ (*) - Phan Đức Nam
Truyện cực ngắn-1 - Lê Thị Điểm
Người cùng nhóm máu - Nguyễn Minh Phúc
Truyện ngắn ngắn - 13 - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện tình trong hang Én - Mai Tú Ân
Những mảnh vỡ (7) - Nguyễn Thị Hậu
Một mất mười ngờ - Huỳnh Văn Úc
Quyết định cuối cùng - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)