1.Tự truyện của Barack Obama
Vũ khí chính trị có thể tồi tệ như thế nào, ai mà chẳng biết ? Tự truyện của chính khách là một trong những vũ khí mà họ ưa dùng. Ở Pháp ngày nay, người có tài viết lách thì tự viết. Người kém tài viết lách thì thuê hay "nhờ" một anh "mọi chữ" (nègre) viết và cho xuất bản dưới tên mình. Anh "mọi" kia thường là phóng viên hay người có nhiều quan hệ với média. Tuy không lên mái nhà la lối cho mọi người biết điều ấy, họ cũng không cần giấu giếm. Cũng chẳng ai phiền hà. Chính trị mà.
Như thế, nhà phê bình văn học không nên lẫn lộn tự truyện của chính khách với tác phẩm văn chương, văn học, huyên thuyên bát sát về nó với những "chuẩn" của văn chương, văn học.
Điều trên không có nghĩa là tự truyện của chính khách đều không có giá trị văn chương hay văn học. Tác phẩm Mémoires de guerre của De Gaulle có giá trị văn học, văn chương : nó thể hiện cách nhìn lịch sử và chính mình của một còn người không tầm thường.
Nhưng có lẽ còn lâu ta mới lại có dịp đọc một tự truyện như Những giấc mơ của bố tôi của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người vừa lên nắm quyền lực tối cao của "siêu cường quốc duy nhất" ở đời nay. Lý do ? Ông viết nó khi còn trẻ, vừa mới ra trường, chưa có ý độ chính trị. Tác phẩm chỉ đề cập tới đời tư của ông và kinh nghiệm hoạt động xã hội của ông ở thành phố Chicago, với lương 10 000 $ / năm. Qua đó, ta thấy chất người ở ông trước khi ông bước vào chính trường.
Chất người ấy là chất người Kenya lai Mỹ, đã sống tuổi thơ ở Indonésia, trưởng thành tại Mỹ trong những 70-80, đã dấn thân bảo vệ quyền công dân (droits civiques) của người da đen ở Mỹ. Và đã giải đáp những vấn đề "căn cước" hay "bản thể" (identité) của chính mình ? Giá trị của giải đáp ấy thế nào ? Câu trả lời, phần nào, nằm trong sự chất vấn giữa hoài bão của người thanh niên và hành động của vị nguyên thủ cường quốc số một đương thời.
Vấn đề này không chỉ là vấn đề của người da đen hay da màu ở Mỹ. Nó còn là vấn đề của toàn bộ những người di dân, ngụ cự trên khắp thế giới, một phần không nhỏ tí nào của nhân loại hôm nay. Đi thêm một bước, nó cũng là vấn để của bất cứ ai cảm thấy chính mình và cộng đồng của mình đã mất khả năng định đoạt tương lai của mình, bầu cho ai cũng… thế thôi : mình là cái giống gì mà phải khốn đốn đến thế này, không còn ngay cả quyền sống cho ra người ngay trên đất nước của mình với người mình ? vì sao ? et tutti quanti…
Ai quan tâm tới vấn đề ấy có thể tìm thấy trong tự truyện này nhiều nhận xét, suy ngẫm sắc, sâu, thấm thía, không nhại lý thuyết văn học đủ kiểu, đủ trường phái, mà rút từ nghiệm sinh từng ngày của một con người muốn sống sòng phẳng với đời, với mình. Lại dám đem nghiệm sinh ấy đối chiếu với suy luận của nhiều nhà văn và nhà tư tưởng da đen không xoàng : Richard Wright, James Baldwin, W.E.B Dubois, Malcom X, Frantz Fanon… Và có lúc chân tình đến mức chữ nghĩa biến thành… văn.
Đặc biệt, ta có thể suy ngẫm về cách Barack Obama giải thích cuộc đời thất bại của ông nội và bố, hai người có bản lĩnh và thông minh (bố B. Obama cũng xuất thân Harvard) : một sự sợ hãi đặc thù. Gắn chặt với vấn đề này.
Có điều chắc chắn : khác hẳn Bush, Barack Obama là người có văn hoá.
2009-06-17.PHD
2. Xin lỗi
Có tội lỗi chỉ có thể được tha nhờ xin lỗi. Vì nó đời đời ngấm vào ngôn từ, ghim trong óc não, xé xác tư duy, tràn vào giác quan, trào ra da thịt, ngày ngày tra tấn cách cảm-nhận và tư-duy thế-giới và chính mình của con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngoài lời xin lỗi, không có gì gỡ được mối thù truyền kiếp ấy. Nô lệ hoá tha nhân là một tội lỗi loại ấy.
Sau Hạ viện Mỹ năm ngoái, năm nay Thượng viện Mỹ nhất trí tỏ lời xin lỗi về chế độ nô lệ xa xưa ở Mỹ (1619).
Cũng phải gần 400 năm sau !
Đó là bước đầu, bước cơ bản nhất, vì con người cảm nhận và tư duy thế giới xuyên qua ngôn ngữ. Đường còn dài : sau lời nói, phải có hành-động thích ứng để khôi phục lại sự bình đẳng, tôn trong và trìu mến nhau, không chỉ trong tâm linh và suy luận thôi, mà cả trong đời sống thực nữa.
Một dân tộc biết xin lỗi là một dân tộc không nỡ quên quá khứ và không đành sợ tương lai.
2009-06-19.PHD
3.Tìm
Bạn bảo ta :
Tôi cảm thấy tôi cần tìm cho tôi một thế giới quan mới mẻ nào đấy, chưa có gì thuyết phục được tôi hoàn toàn, tại sao, tôi không biết, tôi cứ nhận xét thôi.
Ta mừng bạn. Không có đại văn hào nào có thể mang lại cho bạn điều ấy : họ đâu có thể sống thay bạn được, trong hoàn cảnh của bạn, với tấm thân của bạn ! Chỉ bạn mới cho được bạn điều ấy. Vậy, cứ tìm.
Có khi giá trị của một đời người thu gọn trong quyết tâm tìm kiếm ấy.
2009-06-13.PHD
4. Subprimes
Định nghĩa giá trị sử dụng của hàng hoá như sau nghe cũng được lắm :
Mải quên kiếp nhục thể hữu hạn của mình để mê man đeo đuổi hồn đôla bất tận ảo cũng của mình nốt, ắt có ngày đời người biến thành giấy lộn.
2009-06-11.PHD
5. Mao Hương
Nước Ziao Chỉ có nhiều dân tộc thiểu số hay ít người. Thí dụ : người Minh Hương, gốc Hán, đã ôn hoà sống lâu đời ở miền Nam.
Đến đầu thế kỷ 21 thì có thêm người Mao Hương. Anh này cũng gốc Hán, thuộc một bộ lạc chỉ mới bành trướng cách đây hơn nửa thế kỷ. Anh vốn hung hăng, coi mạng người như rác, rất sành nắm bắt tâm lý tì của quan lại Ziao Chỉ, đang trong đà cường thịnh, lại tới lập nghiệp ngay trên Mái Nhà của Đông Dương mà bàn dân Ziao Chỉ chẳng hay biết gì cả. Đến lúc chuyện vỡ lở, nhiều người Ziao Chỉ lo lắng : có thể dân Kinh sẽ trở thành dân tộc thiểu số ngay trên đất nước của mình ? Chí ít cũng dễ trở thành dân tộc bị trị… Từ đất đai cho đến óc não !
Xét cho cùng, tất cả chúng ta biến thành người Mao Hương chưa chắc là điều dở : cường quốc kinh tế số hai tới nơi rồi mà.
Nhưng trước hết phải quên tiếng Việt. Hè hè…
2009-06-18.PHD
6. Chính thống
Ở đời chẳng có cái gì chính thống hết.
Vấn đề của chúng ta hiện nay không là đi tìm cái chính thống, làm quái gì có, toàn chuyện hão thôi, mà là tự mình, hôm nay, xây dựng cho chính mình, cho dân mình một hệ giá trị xứng đáng với thời đại, một phương pháp suy luận xứng đáng với kiến thức ngày nay của thiên hạ và, trên cơ sở ấy đề ra những phương hướng và đường lối trong mọi lĩnh vực của tư duy và hành động.
2009-06-02.PHD
7. Thế giới thực và…
Nếu tác giả không viết "trong thế giới thực" mà viết "trong thế giới thực này" thì đâu phải vì tác giả thích lắm lời nên viết thừa chữ ! Tuy thế giới thực này là thế giới của ta hiện nay, ta chẳng thể có thế giới nào khác để làm người, nó đâu phải là thế giới duy nhất và vĩnh cửu cả loài người ! Bên cạnh nó đã có, đang có và sẽ có nhiều thế giới thực khác lắm. Tất cả những thế giới ấy chụm lại, gọi là thế-giới cũng được.
Tư duy biện chứng chỉ khác tư duy hình thức bấy nhiêu thôi.
2009-05-30.PHD
8. Làm bạn
Để làm bạn với người đời, ta không cần nó đồng ý với ta về mọi chuyện, nhất là trong lĩnh vực lý trí, tình cảm. Không như thế, ta sẽ chết trong cô đơn. Hoặc phủ nhận chính mình, điều ta chưa bao giờ làm được. Ta chỉ cần yêu một điều gì ở người đó thôi. Và người đó, đối xử với ta, chưa hề có điều gì ta không thể chấp nhận được.
Tuy vậy, khi quá sợ cô đơn, khi quá thèm yêu, ta cũng có thể chấp nhận quá nhiều điều không nên chấp nhận.
Làm bạn với đời khốn nạn thế đấy. Làm người, có lúc đểu thế đấy.
Hè hè…
2009-05-26. PHD
9.Giao thời
Ta đang sống trong buổi giao thời. Một đống giá trị, tình yêu chẳng hạn, đã bắt đầu lỗi thời nhưng vẫn là giá trị phổ biến làm nền tảng đạo đức cho quan hệ hàng ngày trong xã hội. Một vài giá trị mới, đã có sơ sở hiện thực, cũng cho phép yêu nhau có nhân cách nhưng thoải mái hơn. Sống thế nào đây ? Trong lòng thời đại cũ, với những giá trị cũ ? Bên lề xã hội, với những giá trị mới ? Ở cả hai, tuỳ vấn đề, tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh ? Lựa chọn hàng ngày ấy tạo dựng nhân cách của riêng ta trong thời đại này. Mệt…
2009-05-08. PHD