Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á không đơn giản là theo mô hình "Trung Hoa" hoặc Westphalia mà là một tập hợp các tiếp biến bắt nguồn từ nhiều chủ trương khác nhau trong quá khứ, đó là cách nhìn xuyên suốt trong tác phẩm mới vừa được Đại học quốc gia Singapore xuất bản.
Được sử gia hàng đầu về Đông Nam Á, GS Anthony Reid, chủ biên, tập sách "Thương lượng bất đối xứng: Vị trí của Trung quốc ở châu Á" cũng đồng thời thể hiện quan điểm sử học đương đại, nhìn tiến trình lịch sử từ góc độ văn hóa, xã hội.
Coi mô hình gia đình là góc nhìn chính khi phân tích mối quan hệ giữa các nước Á châu - tức là mandala, một phát hiện của ngành nhân học khi nghiên cứu lịch sử khu vực - các bài viết trong sách đã nêu bật nhiều vấn đề quan trọng về não trạng Trung Quốc trong ngoại giao hiện tại.
Anh em bè bạn
Mặc dù gọi nhau là đồng chí, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn thường dùng mối quan hệ gia đình, anh em, bạn bè để mô tả tiến trình bang giao với các nước.
Cả chính quyền phe quốc dân đảng lẫn chính phủ của Mao Trạch Đông sau này đều đặt mục tiêu đưa Trung Quốc vào "gia đình các cường quốc", có quyền phân xử thế giới.
Thế nhưng giới lãnh đạo nước này cũng dần hiểu ra rằng sự ủng hộ đối với họ từ gia đình nhỏ, tức là các nước láng giềng ở châu Á, hầu như là không có, và cũng chẳng có nước nào Trung Quốc có thể gọi là bạn.
Sách giáo khoa tiếng Hoa vào thập niên 1930 từng coi Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện, Lào và Malaya là một dạng "thuộc địa bị mất", theo hồi ức của GS Wang Gungwu từ Đại học quốc gia Úc.
Nay các học giả từ nhiều quốc gia, trong đó có sử gia gốc Việt Alexander L. Vuving, cùng mô tả mối quan hệ "anh em", "bè bạn", hay "cha chú" của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực như Triều Tiên, Thái Lan, Việt Nam, Miến Điện, Nhật Bản và Ấn Độ.
Về phần mình, khi nhìn sang mới quan hệ với "gia đình cường quốc" thì Trung Quốc luôn tuyên bố "phát triển hòa bình", nhưng đồng thời tuyên truyền giáo dục về các "hiệp ước bất bình đẳng" mà họ từng phải ký với các cường quốc phương Tây, như ghi nhận của TS Zheng Yangwen từ đại học Manchester.
Chủ nghĩa vùng
Não trạng của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thay đổi trong quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa văn hóa sang hệ tư tưởng dân tộc quốc gia hiện đại.
Lối suy nghĩ coi mình là trung tâm bị chính các vùng ngoại vi, mà lẽ ra là chư hầu, ảnh hưởng ngược lại. Trung Quốc lục địa nay phải chờ nguồn tiền đầu tư từ Hồng Kông hay Đài Loan và các cộng đồng hải ngoại.
Nếu ngày xưa Mao Trạch Đông chính là trung tâm và là khuôn mẫu về con người Trung Quốc hiện đại, thì sau giai đoạn mở cửa của Đặng Tiểu Bình, người dân yêu chuộng hàng hóa phương Tây còn giới trẻ thì không ít người say mê các ngôi sao nhạc Pop từ Hàn Quốc.
Tư tưởng Trung Hoa cũng bị bao vây trong những diễn biến khu vực, mà một trong số các xu hướng nổi bật trong thời toàn cầu hóa là chủ nghĩa vùng - regionalism - như ghi nhận của GS Anbin Shi từ đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Tư tưởng Đại Á của Trung Quốc cũng bị tư tưởng Đại Á của Nhật Bản lấn át, như phân tích của GS Kawashima Shin từ đại học Tokyo.
Vốn là công trình sử học, các tác giả trong quyển "Negotiating Asymmetry: China's Place in Asia" không đưa ra nhận định về tương lai, nhưng những phân tích của họ về lịch sử cận đại cho phép người đọc xây dựng một kịch bản khá chính xác về các diễn biến có thể xảy ra trong vùng.
Đây cũng là những bài viết được trình bày trong hội thảo khoa học do Đại học quốc gia Singapore tổ chức vào năm 2006, nghiên cứu vị thế của Trung Quốc ở châu Á trong khoảng thời gian 1800-2005.
Với chủ trương quảng bá các công trình khoa học "của châu Á, nghiên cứu châu Á, đến với người dân Á châu và thế giới", Đại học quốc gia Singapore và nhà xuất bản của trường đã và đang tiếp tục giới thiệu nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị đến với cộng đồng tri thức trong khu vực.
Ảnh : Bản đồ Trung Hoa cận đại kéo dài phía nam đến tận sông Hồng
Theo BBC