Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.150.916
 
Người gọi những giấc mơ
Lê Huỳnh Lâm

(Đọc tập thơ “Vị mặn hồi sinh” của Hải Trung, nxb Hội Nhà Văn 4/2009)

 

Khi giá trị lao động không được đánh giá đúng mức hoặc bị lãng quên bởi những ánh nhìn hẹp và ngắn. Thì bất chợt tập thơ “Vị mặn hồi sinh” xuất hiện trong một hình thức trang trọng, và có lẽ đây là trường hợp đặc biệt nhất; một tập thơ được tài trợ xuất bản bởi công ty Cổ phần in Thuận Phát, tại Thừa Thiên Huế. Trong ý nghĩa nào đó “Vị mặn hồi sinh” đã khẳng định lại những chân giá trị thuộc phạm trù văn hoá, cho dù những giá trị đó đang tồn tại ở một thể khác mà đối với một số người thì những giá trị đó xem như đã chết hoặc họ đang lợi dụng nó để trục lợi cá nhân. Có thể “vị mặn hồi sinh” chỉ là một giấc mơ trong tâm tưởng tác giả, khi:

 

Kim thời gian xoắn ngược nụ cười

Đêm sâu vẹt mòn tiếng khóc

 

Và ẩn dưới lớp lớp rêu xanh không phải là gạch đá, mà chính là những hồi ức từ tiền kiếp cứ triền miên hiện về như một nỗi ám ảnh, điều đó đã dẫn dắt tác giả vào cơn liên tưởng đến:

những giọt mồ hôi không rõ màu của tiền nhân kết tủa nên hồn thiêng, lung linh trong vũ điệu thời gian.

 

Tác giả của tập thơ cũng là một nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử đã có ít nhiều tiếng tăm, và anh như chợt nhận ra một quy luật; những giá trị văn hoá sẽ đồng hành cùng dân tộc cho dù đang ẩn tận lớp lớp trầm tích sâu, cho dù người ta chưa nhận ra màu của nó là gì, điều này chính là hoài vọng của tác giả và của những nhà nghiên cứu:

những giọt mồ hôi không rõ màu của tiền nhân sẽ chảy mãi trong ta, chan hoà trong em và hồi sinh kiếp kiếp

 

Trong bài “Khảo cổ”, tác giả đã tâm sự:

từng lớp một – đau đáu hồn dân tộc

đất thiêng liêng dâng trang sử ngàn năm

Đúng là chất giọng của người làm công tác nghiên cứu văn hoá, lịch sử. Đôi khi hàng ngàn trang sử, không minh chứng hùng hồn bằng một nhúm đất đá, cho dù đất đá vốn vô tri.

 

Và trong một đêm lạc vào miền cao, tác giả chợt nhận ra:

 

vết thời gian nứt nẻ những bàn chân

tiếng cồng sặc hơi men âm vực lạc mắt

múa thành hoa văn

thành ước mơ ngấm sâu vào đất

 

Như một nỗi ám ảnh nghề nghiệp đã gắn kết vào trong từng đường máu, trong từng sợi thần kinh. Tác giả, dù ở chốn núi cao, hay ở thị thành luôn luôn trăn trở trước những phế tích thời gian:

 

nền phế tích loang từ ngực thiếu phụ

chẳng hẹn hò như thể chờ nhau

và nỗi ám ảnh đó đã trở thành:

vách không gian lắng im trầm tích

dáng phố muôn màu rạn vỡ câu thơ

 

Nhiều khi có những giấc mơ chưa kịp định hình và bị cuốn theo dòng sống và tan biến, cũng như có những giây phút trong cuộc đời, mỗi người đã quên mất chính bản thân mình, trong bài “Phố đêm”, tác giả đã nhận ra điều đó:

 

ngày bỏ quên một giấc mơ

tôi bỏ quên chiếc bóng

giữa canh khuya chẳng nhớ để mang về

 

Đôi khi, cuộc sống này chỉ là một giấc mơ và mỗi chúng ta chỉ là một chiếc bóng, vậy mà đành quên để tan vào cơn mưa dầm xứ sở đầy ảo giác thi vị:

 

Tóc thành phố là những rễ si già đang quấn tôi vào ý nghĩ:

-Quá khứ lên men sau tầm tả nước-mắt-em.

Mưa như một xúc tác, khiến con người suy tư và đây là cảm nghĩ của nhà thơ khi đang trú mưa dưới cửa Hoà Bình:

Ngày lại ngày tôi vào ra dưới vòm cửa này

Cái tên gợi lòng nhân ái

Hoà Bình hai đại tự thếp son.

 

Ngước lên kia là lầu Tứ Phương Vô Sự

Với tháng năm chông chênh mùi thuốc súng

Vết tích đạn bom găm vào nền móng

...

Tôi vẫn vào ra dưới vòm cửa này

Phía trên kia là Tứ Phương Vô Sự đang chuyển dần phế tích

Đất vọng lên hồi âm chẳng gì giải thích.

 

Như cảm nhận được sự bất lực của ngôn từ hay nói cách khác, đó là ước muốn của một dân tộc đã chịu đựng quá nhiều nỗi đau của chiến tranh, của sự tàn ác, của âm mưu từ những kẻ vô nhân tính. Cho dù nhà thơ đã cảm nghiệm về cuộc đời như:

 

cốc rượu thừa tràn xuống vỉa hư vô

Để rồi có những lúc, chúng ta lầm tưởng và hy vọng điều gì mới mẻ, nhưng lại chỉ là:

những vệt mòn thành quen

đường lâu ngày không đi thành mới…

 

Vậy đó, những trăn trở trước vô biên, hay những ma lực đang hiện hữu khắp nơi trong xã hội và thời gian rồi sẽ cuốn trôi sẽ trả lời cho chúng ta và cũng là niềm hy vọng của sự bất lực, điều đó được thể hiện trong bài “Thời gian”:

những ban mai này sẽ dày thêm những bình minh khác

những đứa trẻ này sẽ làm nên những người lớn khác

những bài thơ mới sẽ thành những vần điệu cũ

con chữ ngoằn nghèo hổn hển với tháng năm

thời gian tràn lên vỉa giấy

mực buông xuôi chảy như thác dòng dòng

 

Phải chăng, đó là những cảm nghiệm của tác giả hay là lời ta thán cho một mùa đau, để những hình ảnh trong nghị trường đọng thành câu chữ:

 

những cánh tay dong cao nhiều lúc chưa chắc đã cao hơn vài cánh tay không dong khác

ta nhiều lúc chẳng làm gì nên cháo nên cơm

thời gian nhiều lúc nung màu gạch đỏ

em bước ra sau những giận hờn

 

Nhiều khi, trong mùa đau đó, chúng ta phải tạo cho mình những giấc mơ, dù biết rằng:

 

giọng lá đã khô, giọng mưa đã nhão

hàng cây vương đỏ chẳng xanh hơn đường

và có khi giấc mơ của chúng ta, chỉ là:

giấc mơ loang lổ, chảy ướt chân trời

bức tranh ráo mực loang hoài không thôi.

 

Tập thơ gồm 27 bài và những phụ bản, với ngữ điệu và câu chữ loang lổ như giấc mơ được trình bày và in ấn một cách trang nhã, xin mời bạn đọc thử “Vị Mặn Hồi Sinh” của Hải Trung./. 

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 2743
Ngày đăng: 07.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Bình luận mỹ học :cũ và mới. - Yến Nhi
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc - Nguyễn Hưng Quốc
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Chiến tranh và cuộc đời – nhìn từ cây bút trẻ - Nguyễn Trung Bình
Bóng người trong Đời vạn dặm - Lê Khánh Mai
Khát vọng về một tình yêu thần thánh - Đặng Văn Sinh
Uống rượu với chồng, Một "đoạn trường thơ" - Đặng Văn Sinh
Thời của thánh thần, qua cái nhìn phản biện xã hội - Đặng Văn Sinh
Ông Điên Kiệt Tấn - Đặng Mai Lan
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)