Nếu không có bác công nhân
Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày
Áo quần ta mặc ai may
Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà.
(Sách vỡ lòng, tập hai, dùng giảng dạy
vào những năm 60, thế kỷ trước)
Sải những bước thật dài qua một tiệm lẩu dê, Minh dừng lại trước một con ngõ tối và nhẩm lại số tiền mình có: "Đủ một cốc chè chát và một gói thuốc lào!" Dưới ánh đèn đường vừa loé sáng, anh cẩn thận móc tiền từ túi quần, đưa lên sát mắt kiểm tra lần nữa. Yên tâm, anh lẩn vội vào cái góc trong cùng và tối nhất của cái quán nước lúp xúp, nép khiêm tốn bên cạnh bờ tường đầu con ngõ vắng. Khi cốc nước chè từ tay bà chủ quán đặt trước mặt Minh, cũng là lúc ánh lửa lập bập trên nõ chiếc điếu cày rít lên khe khẽ, xuýt xoa. Dòng khói đục được phun lên mái quán, Minh co chân, ngả người tựa lưng vào bờ tường phía sau, chuẩn bị một tư thế vững chãi. Những cốc, chén, lọ kẹo bắt đầu rung rinh theo nhịp thở dồn dập và tưng tức ở cuống họng, khói thuốc dồn đuổi nhau phả ra trước mặt, đôi mắt Minh dại đờ, nhưng trong đầu anh vẫn lởn vởn ý nghĩ: "Đã đến lúc nên về nhà chưa? Ba ngày qua, liệu cô ta đã hiểu sự vắng mặt của người chồng trong nhà là thiệt thòi hay chưa? Bài học ấy đã thấm thía chưa?".
Những câu nói chát xit cùng khuôn mặt gằn gợn của Liên mỗi chiều dừng bánh trước xe đạp đâm sầm vào cánh cổng ngõ rệu rọ được ghép bằng miếng gõ thông tận dụng từ những nan hòm, trong lúc anh đang dùng chiếc máy mài cầm tay, mải miết di cạnh của những lá tôn mới cắt, tạo cho chúng những đường thẳng nhẵn nhụi, trước lúc cuộn chúng thành những chiếc xô, chậu, thùng. Ý nghĩ ấy về vợ làm lòng anh quặn lại.
Về! Liên sẽ nghĩ thế nào về sự xuất hiện của anh sau ba ngày anh giận vợ bỏ đi. Biết đâu nụ cười đắc thắng nở vênh vênh trên môi cô ta: "Tưởng đi luôn! hoặc: "Cũng nhớ đường về cơ à...!'' thậm chí cay độc: "Ngữ ấy thì ai chứa...!"
bây giờ là thua cuộc, là chấp nhận vô điều kiện sự thất bại. Bài học mà anh định dạy vợ sẽ không có hiệu lực. Nhưng không về thì bữa cơm bây giờ anh ăn ở đâu? Những đồng tiền nhàu nát nằm dưới đáy túi mà anh vừa cẩn thận giương sát mắt kiểm tra chỉ vừa vặn trả tiền cốc chè chát và gói thuốc lào anh đang dùng. Trong khi đó, cái bụng rỗng của anh thỉnh thoảng lại quặn lên đòi thí bõ cho nó chút thức ăn thường lệ, bước chân anh đã bắt đầu xiêu vẹo như đồng loã, như hưởng ứng cho sự gào thét của cái dạ dày. Còn chưa nói đến đêm nay anh sẽ ngủ ở đâu, và đêm mai, đêm kia...?
Anh không thể quay lại nhà người bạn thân, ba ngày qua anh đã ăn nhờ ngủ đậu. Không thể bắt bạn mình chịu đựng một cách bất công hơn nữa, dù anh có nói thật lý do. Vả lại gia cảnh bạn anh đâu có sung túc gì!. Minh không muốn tái lại cái cảnh vừa bưng bát cơm vừa tế nhị quan sát nét mặt người vợ của anh bạn chủ nhà tròn hay méo, càng không muốn lúc đang ăn, cô ta to tiếng quát thằng con lớn đánh rớt một cộng rau muống xuống mâm, hoặc giơ tay phát đùm đụp vào mông đứa bé khi nó lè nhè đòi xúc thêm muối vừng vào bát của nó.
Minh điểm lại những người mà anh quen biết trong thành phố. Không, từ khi lấy vợ sinh con, cũng như họ, lăn mình vào kiếm sống, anh chưa hề ngủ đêm dù một tối tại nhà ai. Họ sẽ nghĩ gì về anh bởi kiểu nhờ vả đột xuất và miễn cưỡng này! Một đôi vợ chồng dắt con đi dạo phố. Người chồng dừng lại bên quán nước mua mấy điếu thuốc lá, ung dung đốt một điếu, trong lúc đứa con túm áo giục bố đi mau. Nhìn cả gia đình họ hoà vào những người đi đường, lòng Minh nhói lên...Hai con anh giờ này có cơm ăn chưa? Liên sẽ nói gì với chúng trước sự vắng mặt của anh mấy ngày qua?
Minh bật đứng lên, móc túi trả tiền thuốc nước: "Về thôi!, Đàn bà nhỏ nhen, không chấp!".
Minh dạng chân, bước nhanh qua chiếc ghế dài, nhảy một bước ra giữa ngõ. Không may anh đâm sầm vào người đàn ông phóng xe máy ngoặt vào. Phanh xe rít lên ken két nghe lạnh gáy. Mất đà, chiếc xe đổ bánh "rầm" xuống nền ngõ, mấy mảnh gương vỡ bắn ra, lấp lánh dưới ánh đèn. May mắn, người đàn ông bỏ xe, nhẩy ra. Sau mấy giây định thần, anh ta nhẩy bổ đến bên xe, tắt máy, bỏ chìa khoá vào túi, rồi sấn tới bên Minh:
- Mày... Không có mắt à!
Minh rối rít:
- Tôi xin lỗi... nhưng vào ngõ..phải còi...!
Vừa nói, Minh vừa quan sát người chủ xe. Qua vệt sáng hắt ra từ trong quán nước, trước mặt anh là hai bàn tay với những ngón múp míp đã nắm thành hai quả đấm bên hông và cái cơ thể bè bè ấy đang lừ lừ áp sát, bóng tối chụp dần lên Minh. Từ đôi môi dầy thụp và bóng nhẫy - dấu tích còn lại của một cuộc nhậu nhẹt mở ra. Một giọng ồm oàm:
- Gương vỡ! Nôn năm trăm...!
Minh lùi dần ra sau. Kinh nghiệm của người lao động chân tay cho anh biết, với hạng người có vẻ như sếp này, với cái cổ áo lông dựng đứng ôm lấy cái cổ mập ú vì quá no đủ kia, không thể tranh cãi hay phân trần phải trái được. Minh cũng không thể mang cái bụng rỗng mà bổ như cào cào, châu chấu vào cái tảng thịt lù lù, đang sấn sổ, muốn ăn tươi nuốt sống mình. Chỉ có chạy! Chắc gì hắn đã dám bỏ xe mà đuổi theo mình!
Khi bức tường chạm lạnh lưng, Minh ngoắt người, chạy vụt vào trong ngõ tối, cùng lúc tiếng cười ha hả của gã chủ xe rộ lên phía sau hoà vào những bước chân bậm bạch:
- Thằng này giỏi! Có chạy đằng trời...!
Chân Minh băm thoăn thoắt trên mặt con ngõ lạ và khả nghi. Được vài chục bước anh khựng lại. Giữa chiều dài hun hút của hai bên tường ngõ, một ngôi nhà nằm ngang, hai hồi dính vào tường ngõ như cạnh đáy của chữ U. Cánh cửa của gian nhà khép hờ, ánh sáng từ bên trong lách qua khe hở, vạch trên nền ngõ một vệt thẳng như một cây gậy. Ngõ cụt, chạy đâu?
Tiếng lạch bạch sáp lại sau lưng Minh, một bàn tay lạnh và lũng nhũng như sứa bám chặt cổ áo anh, giật giật:
- Thằng chó! Gã quát lên - Chạy làng hả!
Tiếng quát không lấy làm dữ dội cho lắm nhưng hình như có ma lực, cánh cửa ngôi nhà mở toang. Một vùng sáng rực rỡ đến loá mắt trùm ra mặt ngõ. Một phụ nữ đứng sững trước cửa, hoảng hốt:
- Chuyện gì đấy mình!
Kẻ túm gáy Minh lập bập:
- Thằng chó, làm đổ xe, vỡ tan đôi gương...!
Biết không thể thoát, Minh ngọ nguậy đầu, ngẩng lên, định kêu oan với người vợ của kẻ đang túm gáy mình, bỗng anh há mồm, tròn mắt ngạc nhiên, cùng lúc cô ta la lớn:
- Trời! Anh Đảm! Bỏ tay, anh Minh đấy!
Người đàn bà nhẩy bổ xuống thềm. Cổ áo Minh lỏng ra, người chủ xe lộn lên trước mặt anh, rồi đưa tay lên giụi đi giụi lại hai mu mắt sùm sụp, giẫy lên, vẻ thương hại:
- Trời...anh Minh! Sao đến nông nỗi này! Vào đây...nào!
Rồi anh ta chép miệng:
- Khổ thân! Chỉ tại cái ngõ tối! Tí nữa thì...!
Đảm nắm tay kéo tuột Minh vào nhà, ấn anh ngồi xuống bộ salông đệm:
- Anh ngồi đây, tôi ra lấy xe..Ai đời mua nhà ở phố lớn đã hai năm, bác chẳng một lần đến thăm các cháu!
Quay lại vợ, từ trong hai mắt Đảm phóng ra một tia sáng giễu cợt. Đảm ra lệnh: - Làm cơm!
*
Biết mẹ đã nấu cơm xong, thằng Thanh kéo gọn hai cái ghế đẩu vào sát tường, rải chiếu ra giữa nhà, quát con Huệ lấy khăn lau bát, trong lúc nó lễ mễ bê mâm từ trên bàn xuống. Nồi cơm bốc khói, bát riêu cá dọc mùng bốc khói mà bữa cơm vẫn tẻ nhạt lạnh lẽo.
Chín tuổi, thằng Thanh cũng lờ mờ hiểu được vì sao bố bỏ đi, bởi mấy lần nó đã nghe lỏm mẹ lằn nhằn chê bố bất tài, chậm chạp. Con Huệ thì nôn nao ra mặt, ba ngày rồi nó ngóng bố về. Là con gái, nó biết, chiều nay mẹ mua cá nấu riêu là có ý hẳn hoi. Dạo trước, những chiều mẹ tan tầm về nhà, đang ghè ghè, đập đập gò thùng, bố cũng buông đồ, nhường lối để mẹ vào nhà, rồi vừa cười vừa nói:
- Cả ngày gò, đập, mài, giũa, mạt sắt đắng miệng! Chiều nay được bát riêu cá dọc mùng nhỉ? Chả gì cũng lôi tuột được mạt sắt xuống dạ dày, tiêu hoá tất!
Bắt chước cái giọng của ông Thất cuối xóm, chán đời vì về chế độ một lần, ngày ba bữa rượu xếch, chân nam đá chân chiêu, hễ ai hỏi đến thì chữ rượu líu lo chệch thành chữ "riêu", mẹ nó nói như hát:
- Sáng "riêu" rồi lại chiều "riêu"...
Rồi te tái xách làn ra chợ. Khi mâm cơm dọn ra, bố mân mê cốc rượu trên tay, nhấm nháp cái đầu cá và hể hả bình phẩm nồi riêu mẹ nấu mặn nhạt với vẻ khôi hài.
Có tiếng dép đi vào trong ngõ, cả ba ngừng nhai, ngầm phỏng đoán. Khi tiếng dép của ai đó lê trên mặt ngõ đã xa, cả ba cùng cúi xuống như cố giấu đi vẻ tẽn tò của mình. Trong mâm, cái đầu cá của bố vẫn chềnh ềnh trong bát riêu đã nguội. Nhìn hai con ăn uống nhỏ nhẹ, Liên xót ruột, chị gượng gạo giục:
- Ăn mau các con! Xong thì coi nhà, mẹ đạp xe lên phố có việc...
Thằng Thanh ngẩng nhìn mẹ rồi cúi xuống, hàng mi trên mắt nó chập lại. Hai giọt nước mắt lăn dài. Con Huệ nhanh nhẩu, mắt sáng lên:
- Mẹ đi tìm bố hả?
Liên bối rối, chị vội gật đầu để yên lòng con gái. Biết nói gì với các con khi đêm qua chị thức trắng. Chiều nay tan ca, chị đạp xe khắp thành phố, tìm đến vài nhà bạn cũ và người quen của anh, dò la tin tức. Vợ người bạn thân nhất của Minh nhấm nhẳng cho biết
- Đi rồi! Tôi "phục vụ" dăm bữa...!
Đi đâu, ở đâu? Giờ này còn đi đâu nữa? Liên phát điên lên, chị lồng lộn đạp xe khắp phố! Một hi vọng loé lên: Có thể anh đã về nhà... Qua chợ chị mua vội con cá và mớ dọc mùng rồi lộn về. Đến cửa, mặt chị sa sầm: Cửa nhà vẫn đóng im ỉm. Cả buổi chiều, chị vừa nấu cơm vừa ngấp nghé ra ngõ.
Bữa cơm vừa xong thì điện phụt tắt. Liên vơ vội bát đĩa vào mâm đem rửa. Trời tối hẳn. Trăng cuối tháng khuất sau mấy ngôi nhà xung quanh. Một vạch sáng dọc xiên qua khe hở phần ranh giới hai nhà cao tầng trước mặt, cưa đôi mảnh sân tối om nhà chị, kẻ một vạch sáng trên mặt chậu rửa bát. Chị ngửa mặt nhìn trời thở dài.
Trước kia, những năm đầu mới lấy nhau, con đầu gối con cánh tay, lương đi làm thì chậm tới 2,3 tháng, chị đã tần tảo bán dần những thứ mình có. Để cái gia đình bốn nhân mạng khỏi đứt bữa, giữa mùa hè chị phải bán đi chiếc áo len dài tay, vốn là niềm kiêu hãnh của chị thời con gái, lấy tiền đong tạm mấy bữa gạo chợ đen. Những bữa cơm, thấy chồng ngon miệng sau một ngày cắt tôn, chặt sắt vất vả, chị đã vờ dằn bát xuống mâm và buông đũa trước, thêm cho chồng lưng bát cơm con. Vậy mà tối đến, khi mảnh sân này còn chan chứa ánh trăng, xóm nhỏ này chỉ lô nhô những mái nhà bằng nhau, với cái bụng còn ngon ngót cơm ấy, chị vừa bồng con vừa cao tiếng à ơi:
Sáng giăng sáng cả vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau...
Liên để mâm bát ngồi xuống, thả dần vào chậu. Cái vệt sáng nhỏ nhoi còn sót lại vỡ ra, nhăn nhở. Ngót chục năm, xóm nhỏ của chị đã thay đổi. Thay cho tường pa - panh, mái tôn là những mái bằng, cao tầng. Họ là những người ở cùng xóm có người thân ở nước ngoài, là Kiều hối luôn gửi tiền về. Họ là những Trưởng, Phó phòng ở những Công ty nào đó, luôn khuyếch trương không giấu giếm vị trí tốt tiền đã được củng cố vững chắc của mình. Một số gia đình còn lại như gia đình chị, biết khả năng bề bệt của mình đã bán nhà, nín lặng chuyển đi nơi khác, xa thành phố hơn, ở những xóm ngõ khuất nẻo hơn. Thay vào đấy là những người chủ mới, chẳng biết họ làm gì, ở đâu, chỉ biết thân hình họ béo tốt, mặt mũi họ luôn đỏ au như cua luộc, giọng điệu họ quyết liệt kiểu lãnh đạo, muốn tỏ rõ cho thiên hạ biết họ là tuýp người "ho ra bạc, khạc ra tiền".
Họ phá băng đi những gian nhà cũ để chỗ cho những toà nhà nhiều tầng mọc lên, rực rỡ sơn tường nhiều màu, lấp lánh kính hoa đủ loại, cùng những mái ngói đỏ tươi, cao thấp khác nhau. Gian nhà vợ chồng chị ở lọt thỏm xuống, rệu rã và thui thủi trước những kiến trúc hùng vĩ, khác nào đứa bé đánh giầy đứng nép bên hông một ông bộ trưởng.
Nỗi buồn tủi vì sự thua thiệt, nghèo khó cùng lòng ham muốn trỗi dậy trong chị. Những chiều hè, mồ hôi bết lưng áo bảo hộ, đạp xe về ngõ, gặp những bà hàng xóm mới, nhóng nhẩy trong những bộ đồ mỏng dính, hoa xanh, hoa vàng to nhỏ mát mắt, thơ thẩn dạo chơi quanh ngõ hoặc túm năm tụm ba buôn "dưa lê, dưa chuột" hoặc "bán hạt dẻ cười". Trên ban công tầng cao, những đức ông chồng đủng đỉnh tưới cây. Nhạc bên đông gào thét, karaoke bên tây èng èng, tiếng còi ô tô inh ỏi gọi ô sin mở cổng cùng mùi xăng khét lẹt vẩn lên cùng mùi thuốc lá thơm.
Mỗi chiều như vậy, đẩy ngõ ra, Liên chỉ thấy chồng mình cong người, gò gò, đập đập. Cái lưng trần bóng nhẫy, mồ hôi chảy thành dòng thấm ướt cạp quần đùi nâu sẫm toàn gỉ sắt. Một sự so sánh về sự tài giỏi của những người đàn ông xung quanh và cái hèn kém của chồng mình bỗng chốc tràn ra, choán hết lòng Liên, vón thành một cục, chẹn ngang cuống họng. Đã nhiều lần chị phải nén lại, không để nó bật ra những lời day dỉa ác độc với chồng.
Để rồi buổi chiều cách đây ba hôm đang lúi húi gom nhặt những mẩu sắt thừa, những miếng tôn cũ, cùng những con ốc đã nhờn răng trên mảnh sân nơi Minh làm việc. Chị dồn vào một cái túi nilông, xách lên lắc lắc, nhẩm tính cỡ 2kg, đổi được mấy mớ rau chiều. Bỗng có tiếng kẹt của cửa sổ tầng hai nhà bên cạnh, Liên ngẩng lên: một chiếc máy bay bằng giấy chao liệng rồi là là đậu xuống nền sân nhà chị. Liên định thần nhìn lại: chiếc máy bay giấy được gấp bằng tờ giấy bạc 100.000 đồng. Chị ngơ ngác nhìn lên, kịp bắt gặp ánh mắt là lạ của bà hàng xóm trước khi mảnh rèm hoa khép lại.
Liên nín thở, tim đập dồn, chị rón rén đặt bàn chân mình lên tờ bạc 100 nghìn, rồi cúi xuống lén bỏ tờ bạc ấy vào túi nilông đựng sắt vụn.
- Mang trả cho người ta! - Từ đằng sau tiếng Minh vang lên dứt khoát.
Liên ngoắt người lại nhìn chồng, mặt đỏ gay không biết vì xấu hổ hay phẫn nộ. Chị cãi bướng:
- Ở trong sân nhà tôi là của tôi!
- Đã bảo trả cho người ta! - Minh gầm lên.
Trước thái độ hung hăng của chồng, Liên hậm hực đi sang nhà bên cạnh. Bà hàng xóm, đôi môi mỏng như cắn chỉ, đã ngồi bên bàn nước. Liên đặt tờ 100 nghìn lên mặt bàn, giọng tiếc nuối:
- Nó ở trên cửa sổ tầng hai nhà chị, bay xuống sân nhà tôi...không biết có phải của chị không? - Liên cầm cái cốc đè lên tờ giấy bạc.
Bà hàng xóm nhìn tờ 100 nghìn bị gió thổi đang run lật bật trên bàn một cách hờ hững:
- Thằng lớn nhà tôi lớn xác nhưng dại lắm! Đến 100 đô Mỹ, thậm chí cả trăm bảng Anh cũng đem gấp máy bay tuốt! Mỗi lần quét gầm giường, gầm tủ, tôi moi được vô khối...!
Nhìn nét mặt nghệt ra của Liên, bà hàng xóm chợt hiểu câu nói quá lộ liễu của mình, vội chữa:
- Chồng tôi là sếp lớn của một công ty to mà...!
Bà ta quay lưng:
- Tôi "từ thiện!". Cầm lấy mà mua rau! Bòn sắt vụ làm gì!
Tai Liên ù đặc, mặt Liên đỏ lựng. 100 nghìn đồng với chị quý giá biết bao! Nhưng không thể như thế! Khốn nạn, đời chị cũng như những phụ nữ công nhân nghèo khác chỉ thích nghi với việc đề phòng khỏi bị kẻ khác "xin đểu" chứ có bao giờ lường trước cái việc bị người ta "cho đểu" thế này.
Liên lao thẳng về nhà mình, đứng chặn trước mặt chồng xỉa xói:
- Đồ dở hơi! Đã nghèo lại sĩ!
Minh ngạc nhiên:
- Mình nói ai...?
- Còn ai vào đây nữa! - Liên gào lên - Đàn ông năm bảy loại, không bằng cái lông... của người ta!... Tinh tướng.
Liên sầm sập vào nhà, nằm vật ra giường vẻ tức tối, thi gan. Trên cửa sổ tầng hai, bà hàng xóm một tay khẽ vén rèm nhìn sang, một tay đưa lên bịt miệng, che đi một kiểu cười khó hiểu!
Bị vợ hạ nhục vô cớ, máu bốc lên đầu, Minh nhào theo, tay nhăm nhăm cái búa đang làm. Đến cửa Minh dừng lại. Ý thức mách bảo anh không được làm bậy. Minh quay lại, ném cái búa đánh "xoảng" vào đống thùng tôn mới gò, rồi với cái áo bảo hộ vẫn treo bên tủ đựng dụng cụ, khoác vội lên người, hùng hổ lao ra ngõ.
Ba ngày qua anh không về nhà.
*
Chai Voka loại 70 còn non một nửa nhưng đĩa thịt gà luộc và đĩa nem rán vẫn đầy ú ụ vì được bổ sung liên tục. Cô vợ không hiểu ác ý của chồng nên khi Đảm giục bê thêm thức ăn là nhah nhẩu làm ngay: anh trai mình chứ ai đâu mà thiệt!
- Chén đi! Chén nữa đi anh! Chén cho ác liệt vào...!
Gắp một sâu hai ba miếng thịt gà bỏ vào bát Minh, Đảm hỉ hả:
- May thế! Suýt vỡ đầu mới nhận họ!
- Chú... chú mặc tôi! Minh rề rà.
Quả thật khi vợ chồng Đảm giữ lại ăn cơm, phần vì đói, phần vì có cơ hội kéo dài cuộc đi thêm một ngày nữa, Minh đã cho qua sự căm ghét của mình với thằng em rể giàu có mà keo kiệt.
Cách đây mấy năm, có một mùa hè nóng kinh khủng, Minh muốn làm cái trần nhựa ngăn bớt cái nóng hầm hập từ mái tôn xi măng chụp xuống. Biết Đảm mới lên sếp có mấy tháng đã mua được ô tô riêng, anh ngỏ ý vay ít tiền. Đảm giẫy nẩy: "Mua ô tô tôi phải đi vay, lấy đâu ra có". Minh tiu nghỉu, dù anh biết số tiền đóng trần nhà của anh còn kém xa số tiền mà Đảm cùng các các sếp bạn một tối đánh xe ra Đồ Sơn hú hí. Đã vậy, mấy người trong họ còn đàn kháo, Đảm nói với họ rằng: "Cái ngữ lao động cơ bắp như ông ấy, cho vay tiền thì đến rằm Tây đen mới trả nổi! Có mà cho không". Vừa ức, vừa cay, Minh cạch mặt Đảm từ đó! Thậm chí Đảm tậu nhà ở đây, anh cũng chẳng thèm đếm xỉa làm gì!
- Nào, thật sự đi chứ! - Đảm nháy vợ, rót thêm rượu vào cốc, gắp thêm nem vào bát của Minh. Anh ta quay người, đưa một bàn tay lên bịt miệng, cố nén một tiếng cười chực phá ra từ đôi môi dầy thụp - ề, anh em với nhau, đừng khách sáo!
Được tiếp thêm mồi và rượu, Minh hổn hển nhai nuốt, môi mép bắt đầu tê lên vì rượu mạnh. Trước mắt anh, đồ đạc trong nhà chao đảo, chỗ anh ngồi dập dềnh như thuyền trên sóng. Khuôn mặt bừ bự và bóng nhẫy như mặt thồi hàng thịt của Đảm lúc gần lúc xa. "Mình say rồi! Phải đi thôi, kẻo oẹ ra thì bất tiện lắm!". Minh lảo đảo đứng dậy, tay quờ quờ trong không khí.
- Anh về!... Suýt quên! Trót hẹn bạn...!
Minh lao ra cửa như kẻ chạy trốn. Nhìn ông anh vợ chân nam đá chân chiêu lẫn vào màn đêm trước ngõ, Đảm quay vào, ngồi phịch xuống salông đệm, phá ra cười ằng ặc.
*
"Mình đã đi hết, đã hỏi hết! Anh ở đâu?". Bánh xe đạp lộc khộc nhẩy qua mấy ổ gà rồi dừng lại trước ngõ nhà vợ chồng Đảm. "Chỉ còn nhà chú ấy... Minh có đến đây lần nào đâu? Nhưng có thể...". Liên ngoặt xe vào trong ngõ, nép mình vào cửa, kín đáo quan sát nhà Đảm qua cánh cửa khép hờ.
Trên ghế đệm, Đảm vẫn gập người cười như pháo:
- Biết ngay mà! "Bụng cao dạ dốc!". Khoái, khoái thật! Cu cậu no quá! No đến chỗ này - Đảm duỗi thẳng một bàn tay, đặt ngang cổ - đến đây này! Như nhồi gà! ...Bữa này "lên bờ xuống ruộng".
Vợ Đảm nhăn nhó:
- Anh Minh đâu phải người tham ăn!
- Ề - Đảm trề môi - cái loại thợ thuyền, lao động chân tay, thời nào chả đói, chả thèm...
Nấp ngoài cửa, thoạt nghe, Liên không hiểu Đảm chế giễu, bôi bác ai với điệu bộ đểu cáng ấy. Nhưng khi vợ Đảm nói "anh Minh" Liên hiểu ngay. Chị thót người lại, sững sờ. Thế ra, trong vùng sáng rực rỡ của các loại đèn tuýp, đèn trần, núp trong toà nhà cao tầng lắm cửa, nhiều phòng với cuộc sống đầy đủ tiện nghi hiện đại, chúng đã no đủ, phè phỡn để khốn nạn đến vậy sao? Liên trợn mắt nhìn lại Đảm trong lúc anh ta nhắm tịt hai mắt, hoa tay múa chân giữa nhà như một con lật đật:
- Triệu bạc, triệu bạc đôi vé chợ đen, xem bóng đá quốc tế, không được pha nào đã như vừa rồi! - Đảm đan hai tay vào nhau, uỳnh ra trước bụng - lặc lè như bà chửa chín tháng! Haha, bữa ăn, hơi bị được...!
Đuôi mắt trái Liên giật liên tục. Tay chị nắm chặt quả đấm cửa lạnh giá... chị bỗng tởm lợm. Trong cái đầu mum múp kia là bộ óc gì, người ta đề bạt những loại ấy lên sếp vì lẽ gì, mà chỉ một thời gian ngắn đã phất lên nhanh chóng. Trong cảnh lắm của nhiều tiền, chúng sẽ còn bày ra những trò quái quỷ gì nữa để hạ nhục người nghèo. Em rể mà còn thế, huống hồ bọn sống quanh ta. Đột nhiên chị nhớ lại vài vụ tham ô, hối lộ đang lẻ tẻ đưa lên mặt báo. Trong cái hô hố, ha há kia, đến một ngày nào đó sẽ mong manh như sợi chỉ mảnh sắp đứt, một con thú bị thương lên những cơn co giật cuối cùng.
Quả đấm cửa như nhỏ đi trong lòng bàn tay chị. Không, trong vuông nhà pa-panh mái tôn của chị, trên lớp da lưng bóng nhẫy của chồng là một tâm hồn trong sáng, lương thiện vô cùng. Trong sự chênh lệch quá nhiều này, anh không điên khùng, gào thét, rủa xả, cũng không chán chường, lười nhác. Bắp cơ trên tay anh chưa chùng xuống, thân thể anh chưa nhão ra đã là may lắm cho gia đình chị.
Lẳng lặng, chị quay ra. Con ngõ trước mặt đen rầm, buộc chị dắt xe đi bộ. Được hơn chục bước chân, mắt đã quen dần bóng tối, chị thấy một người đang ngồi nôn thốc, nôn tháo bên cái máy công cộng mất vòi, sót lại từ thời bao cấp. Tim Liên đập dồn, chị dựng xe đạp vào mé tường, chạy vội đến. Nhanh nhẹn, chị cởi áo khoác ngoài trùm lên vai Minh, xốc anh đứng dậy. Một tay dắt xe, một tay chị nắm chặt tay chồng. Bàn tay anh ráp sì trong lòng tay chị. Đã nhiều năm ăn ở với nhau, đây là lần đầu tiên chị cảm nhận được rằng: Đôi bàn tay sù sì thô ráp ấy là tài sản quý giá và bền vững nhất của đời chị, bởi khởi nguồn hạnh phúc và phát triển của toàn nhân loại cũng từ bàn tay của những người lao động mà ra. Dù bây giờ, những người lao động chân tay như vợ chồng chị bị rẻ rúng, quyền được hưởng bị bớt xén, cắt tỉa nhưng họ vẫn còn một quyền mà không một thế hệ ăn trên ngồi trốc nào có thể tước đoạt: đó là quyền khinh bỉ, mỗi khi sức lao động quí giá của họ, con người lương thiện của họ, bị chúng đem ra làm trò giễu cợt, bỉ bai.
Từ đầu ngõ thỉnh thoảng một cơn gió lạnh thốc ngược Liên xiết chặt tay chồng. Cả hai nghiêng ngả đi dần khỏi con ngõ tối./.
Trại Chuối 06/2009