Hôm đọc truyện ngắn dự thi Cỗ ngai của Phan Đức Nam đăng trên Tạp chí Văn số 16-1991, tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng, nghĩ bụng: Vậy là giải đã có truyện hay rồi. Không những hay mà còn lạ nữa. Và rồi giải đã qua từ lâu, tôi vẫn còn nhiều lần đọc lại truyện ngắn đó, một truyện ngắn thật đặc sắc, chân thật và xúc động, từng chi tiết đều mới lạ. Nhà văn LÊ VĂN THẢO:
Cỗ ngai là truyện ngắn đầu tay của tôi, được in và may mắn được giải - có thể là nghiệp. Từ đó tôi phấn khởi viết. Sau này nghĩ lại, nếu truyện Cỗ ngai không được in, thì chắc tôi sẽ nghĩ mình ảo tưởng, ngộ nhận và không viết văn nữa... TÁC GIẢ:
Ông tôi ưa thích đồ cổ, từ lâu muốn kiếm một cỗ ngai để thờ các cụ. Khổ nỗi cỗ ngai là kỷ vật lưu truyền trong các danh gia vọng tộc ngoài Bắc, con cháu sau này nếu còn giữ cũng không muốn bán.
Cụ lang Đạt là bạn thân của ông nội tôi. Từ bé tôi đã được cụ Đạt chấm tử vi. Gia đình tôi có ai đau yếu cũng đều chạy qua cụ. Cha tôi lại học thuốc cụ lang, và hình như còn có ý muốn xin cháu gái cụ cho tôi.
Tôi lớn lên cũng thích nghe các cụ ngâm thơ Đường, kể chuyện giáo lý thánh hiền. Mỗi lần đến chơi, cụ Đạt thường sai bảo tôi đun nước, tập pha trà. Được rửa bộ “song ẩm” và bình chuyên bằng đất gan gà bé tí là điều vinh dự lắm.
Các cụ sống rất thanh đạm, nhưng đã chơi thì cũng phải biết.
Ông tôi ki cóp đủ trăm ngàn mua cho được cái xe điếu bằng rễ trúc, cong xoắn như râu rồng, cho đủ bộ với bát điếu thuốc lào mà cụ Huyện - ông nội của ông tôi - để lại.
Ông tôi giảng dạy:
- Cái cũ của cụ Huyện còn dài hơn, không biết ai lấy mất!(?) Muốn thông các mắt rễ này phải dùng thủy ngân đấy con ạ. Xem kỹ các vân này, chỗ vươn cong có oai không? Có tự nhiên không? Đào hàng trăm bụi trúc chưa dễ kiếm được...
Bộ điếu ấy ngày thường không dám dùng. Để tít trên góc bàn thờ. Mỗi lần giỗ chạp đông đủ các cụ, hay có khách đặc biệt lắm mới mang xuống. Đích thân ông tôi lau chùi, thông nỏ điếu, châm nước, vê thuốc, vuốt cong cần, nhếch môi rít nghe ro ro, rồi ngả người sảng khoái nhả khói thuốc mơ màng sao mà tuyệt!
Ấy thế mà thằng cháu ngoại một hôm bắt ghế leo lên bàn thờ, thấy cái xe điếu hay hay lấy nghịch, bẻ luôn làm ba khúc.
Ông tôi tiếc ngẩn mấy tháng trời. Thế mà cũng còn gói giữ cái bịt đầu xe điếu bằng bạc, cất trong hòm, dành khi nào có dịp mua được cái khác thì gắn vào.
Nói thế để hiểu ông tôi và cụ lang Đạt sính đồ cổ lắm. Nghe các cụ bàn luận về dòng họ oanh liệt một thời, nhớ tiếc những cỗ ngai gia bảo ngày xưa, tôi cũng đâm tò mò tìm hiểu. Các cụ giảng giải cho nghe và dặn:
- Cháu làm bên văn hóa có dịp đi nhiều để ý tìm hộ ông nhé?
Tôi lân la dọc phố cổ Đồng Khởi, thấy cũng có bán, nhưng giá thật đắt! Cỗ ngai mà các cụ ưng ý, thách đến hai ba cây vàng.
Biết đồ cổ chạm khắc kỳ công, tôi cũng không thể tưởng tượng nổi lại đắt đến như thế.
Cụ Đạt vuốt râu gật gù:
- Cũng phải thế đấy con ạ. Đồ cổ ngày càng hiếm đi. Bán ở tiệm phải lời lớn họ mới bán. Một tháng ông nghe nói thuê đã mấy chỉ, còn thuế má...
Cụ Đạt chữa thuốc mấy chục năm rồi, ăn tiêu dè xẻn, chắc cũng dành được tiền. Cứ vài tháng, cụ lại bảo tôi chở đến xem, ngắm đi ngắm lại mãi cỗ ngai cụ ưng mà vẫn chưa dám mua. Lâu lâu cụ hỏi tôi có còn không? Sợ người khác mua mất. Tôi nghĩ cụ chưa đủ tiền.
Em tôi làm thợ mộc, đề nghị đưa các cụ lên Hố Nai tìm thợ Bắc xưa chuyên làm cỗ ngai. Cụ Đạt bảo thợ bây giờ quen dùng máy cho nhanh, giá thành rẻ lại thông dụng, nên tay nghề non đi, làm sao bằng được thợ chạm tinh xảo cách đây hàng trăm năm.
Kể ra nếu không quá khó tính thì thợ giỏi cũng có. Nhưng thời buổi này phải nuôi họ hàng mấy tháng trời để chạm gọt từng ly từng tý như thế cũng mất khối tiền.
Sau, có một lão nghệ nhân từ Bắc vào, nghe giới thiệu cũng tìm đến xin làm cỗ ngai: “Tôi bảo đảm làm theo ý các cụ. Các cụ chỉ cần cho tôi ăn cơm và tiền tàu xe - Nghệ nhân chán nản - Ngay quê tôi là nơi sản sinh ra cỗ ngai mà giờ người ta cũng không còn làm nữa”.
Mà các cụ cũng không thích. Đã bảo các cụ thích chơi đồ cổ. Các cụ quý trọng cổ vật, biết chơi, nhưng toàn nhà Nho nghèo, đành chờ dịp có cơ may mua rẻ được phần nào hay phần nấy.
Một hôm, cô em dâu tôi tình cờ nói chuyện ở đền thờ Thánh Mẫu - gần ngã bảy, có ông thủ đền cũng thích sưu tầm đồ cổ. Cô kể rằng trong đền toàn những kệ thờ, bàn ghế, long kiệu... chạm trổ rất tinh vi.
Tôi nghĩ ngay đến cỗ ngai. Có thể tìm hay nhờ kiếm ở chỗ này, nên hỏi thăm địa chỉ.
Thủ đền không phải là một cụ già như tôi nghĩ mà là một ông đứng tuổi, thông thạo Hán Nôm, dáng hình thanh tú quý phái, nói năng lịch thiệp ôn hòa. Đã tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa từ chế độ trước. Hiện là Trưởng ban Văn hóa phường, đặc trách bảo tồn di tích lịch sử.
May mắn sao, ông lại là con cụ Tổng Nhạc, bạn cố tri của ông tôi và cụ Đạt.
Tôi ngỏ ý nhờ ông kiếm hộ cỗ ngai. Dù sao trong giới ông cũng có nhiều dịp gặp hơn. Ông Đồng nghe xong lắc đầu chậm rãi nói:
- Tôi đã nghe thầy tôi nói chuyện từ khi cụ còn sống, có để ý tìm nhưng chưa gặp. Trong Nam ít người thờ cỗ ngai. Để tháng tám này, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch tổ chức giỗ Đức Thánh Trần ở đền Vạn Kiếp, tôi ra Bắc nhờ bạn bè thủ đền ngoài ấy tìm hộ, may ra mới có hy vọng gặp và rẻ hơn trong này. Chính đền thờ tôi cũng đang cần có hai cỗ ngai lớn mà chưa dám mua, vì giá quá đắt.
Tôi cảm ơn ông ra về, dẫu sao cũng có thêm hy vọng.
Bẵng đi một thời gian, tôi sắp quên, thì cô em dâu lại đáp xe đến báo:
- Anh ơi, có cỗ ngai rồi! Anh đưa ông lại xem đi.
- Hở?... Cái gì? Cỗ ngai ở đâu? Có phải...?
- Vâng, các cụ đi hành hương ngoài Bắc vừa vào. Có mua được một cỗ ngai đẹp lắm! Định để thờ ở đền. Nhưng rồi thấy hơi nhỏ so với điện thờ. Em nghe các ông các bà bàn nhau định bán. Chắc phải đặt làm thôi - phải một đôi, hai Bà ngự cơ mà anh.
Ông tôi vừa về thăm quê hương Thái Bình. Tôi chạy đến cụ Đạt.
Cụ lang nghe nói, vội mặc áo dài đi ngay.
Trên xe, cụ nói với tôi:
- May quá! Tôi vừa nhận được một số tiền con cháu góp nhau gởi về biếu. Đang định gởi tín dụng lấy tiền lời an dưỡng tuổi già. Kỳ này nếu mua được thì may.
Cỗ ngai thật đẹp! Sơn son thiếp vàng. Người ốm như cụ Đạt ngồi lên cũng vừa.
Cụ Đạt ao ước đã lâu, nhưng cũng cố nén lòng, hỏi thủ đền:
- Cỗ này... các ông định để lại bao nhiêu?
Ông Đồng thực tình thưa:
- Thưa cụ, đây không phải của riêng cháu, mà là của chung. Kỳ vừa rồi cháu và các ông bà đi hành hương thăm đền Vạn Kiếp nhân giỗ Đức Trần Hưng Đạo. Trước đây, thầy cháu và anh Tuấn có dặn, nên cháu cũng có ý tìm. May sao, gặp gia đình đang thất cơ lỡ vận nên túng bán. Họ cũng chẳng biết giá cả, nên bảo cháu nhắm trả được bao nhiêu thì trả. Cháu mang tiếng cán bộ bảo tàng di tích nhưng lương hậu chẳng bao nhiêu, tiền tàu xe nhà nước cho, ăn uống các ông bà trong hội bao hết, nhờ thế mới được đi du lịch. Các cụ bàn nhau trả năm chỉ. Họ rối rít cảm ơn. Kể ra nếu trả rẻ hơn chắc họ cũng bán. Mà cháu cũng không nỡ. Đã bán đồ thờ gia tiên, nếu không phải kẻ vô tâm, thì cũng đau xót lắm! Mà thật ra so với giá trong này thì quá rẻ. Đặt thử lên điện thờ thì thấy hơi nhỏ. Cháu bàn đặt thêm một cỗ lớn hơn là ngai vua của bà Trưng Trắc, chỉ sợ không giống với cỗ nhỏ... Để cháu xin ý kiến các cụ lần chót đã. Nếu chia lại thì thế nào cũng mời cụ hay cụ giáo Đán đến trước.
- Vâng, vâng... Nghe cô Hồng nói tôi cứ nghĩ...
- Vâng, cô ấy nghe bàn đấy ạ. Xin thưa với cụ trước, nếu có bán, thì ngoài người trong hội ra, thế nào cũng phải ưu tiên các cụ.
Cụ Đạt vuốt râu:
- Đành vậy! Nhưng cho tôi xin hỏi: Các cụ định để giá bao nhiêu?
- Cháu chưa được rõ. Nhưng chắc chắn cũng phải sáu bảy chỉ, vì cháu biết bà Phán Lợi phải chi một chỉ cho tay trưởng toa nhờ hắn giấu hộ. Dầu sao đồ cổ chuyên chở khó lắm! Hở ra dễ bị tịch thu.
- Tôi biết...
- Nhân đây kể thêm cho vui. Vất vả mang được về, để ở nhà con trước. Vợ con nó tưởng con mua, xị mặt: “Lại vác của nợ về!”.
Khổ chưa! Nói thật, nếu vợ con mà như người khác, con bán quách cái vườn để mua. Thầy con mà còn sống thế nào cũng xong, ông nhỉ? Con bực mình gây với nó một trận... Nó khóc lóc kể là bao nhiêu gia tài của cải lương lậu, toàn mua mấy cái vớ vẩn. Nó cho là con mê muội, con gàn, đem đốt cái bằng cử nhân Hán học ra mà uống, khỏi ăn cơm. Hừ! Biết vậy xưa con học Anh văn. Ấy thế mà lúc chưa lấy con cứ thích thơ...
Cụ Đạt và tôi cũng phải bật cười. Ông Đồng uống nước rồi nói tiếp:
- Cả bạn bè con cũng vậy. Không nói ra nhưng con biết chúng chê cười con, thời buổi này mà không chịu khó bon chen làm kinh tế, lại đi ôm mấy cái đền cái miếu, bảo tồn di tích này nọ... Có kẻ còn bảo con cho mượn nơi này làm tụ điểm văn hóa, bán cà phê ca nhạc... Trời ơi! Con nghĩ mà chán!
Cụ Đạt gật gù:
- Không được! Anh cứ phải bảo tồn. Người trẻ như anh bây giờ hiếm lắm đấy.
- Vâng ạ...
- Thế... khi nào các cụ dứt khoát bán thì nhượng lại cho tôi nhé, tôi dặn trước.
- Vâng, vâng... Hay con bàn với cụ chuyện này...
- Việc gì thế?
- Nãy giờ con dự định nói... Thú thật với cụ, con với bà Phán Lợi định liều mua cỗ ngai kia... to hơn... Nhân có cụ và anh Tuấn đây, chỗ tin tưởng, con xin cụ cho biết ý kiến... Hay cụ...
- Còn cỗ nào nữa? Anh cứ nói rõ.
Ông Đồng trang trọng:
- Thưa cụ, cỗ ngai của cụ Trần Nguyên Hãn ạ.
Tôi giật mình! Cụ Đạt mở to mắt:
- Sao? Anh nói... của cụ Trần Nguyên Hãn?
- Vâng ạ, con tình cờ biết được thôi - Ông Đồng chậm rãi kể - Thì ra lúc chúng con về Nam, đi cùng tàu với bọn trộm đồ cổ mà không biết. Bọn này biết con mua cỗ ngai này năm chỉ nên để ý theo dõi. Mới chiều hôm qua, có một tên lại nhà con gạ bán một cỗ ngai. Con hỏi sao ông biết tôi cần mua?... Hắn nói cùng gởi đồ chỗ tay trưởng toa, cỗ ngai của hắn to và đẹp hơn. Thế là con liều đi xem. Hắn chở quanh co mãi rồi ghé vào một ngõ vắng, một chiếc xe Ford đậu sẵn đấy, trong có một thùng tủ lạnh... Con còn đang ngơ ngẩn thì hắn mở cửa xe mời vào. Trong lúc xe chạy, bọn hắn cho xem cỗ ngai thật lớn. Con đọc phía sau biết đây là gia bảo của cụ Trần Nguyên Hãn.
- Chúng đòi bao nhiêu? - Tôi hỏi ông Đồng.
- Đúng một cây. Chúng nói ở tiệm giá cao hơn nhiều. Thưa cụ, con nói sao các anh không bán ở Đồng Khởi? Chúng bảo ở đó công an đầy, biết đâu lạy ông tôi ở bụi này? Con biết đây là bọn trộm, cần tiền nên bán, không phải bọn chuyên nghiệp nên không có đường dây.
Tôi đề nghị:
- Sao ông không báo công an?
- Đâu dám! Chúng nói: “Ông nhắm mua được thì mua, không thì thôi, và im lặng cho. Chúng tôi biết nhà cửa ông. Nếu ông hại chúng tôi, thì nhất định chúng tôi sẽ không để yên gia đình ông. Nói thế để ông hiểu”.
Con cũng sợ. Hẹn chúng về sẽ tính. Chúng dặn nếu đồng ý, chỉ cần lấy phấn viết tên lên cột đèn phía trái ở ngã tư Bảy Hiền. Chúng dò xét rồi sẽ lại. Bọn này tính toán ghê thật!
Cụ Đạt gật gù:
- Rồi sao?...
- Con bí mật bàn với vài cụ. Có cụ nói nếu mua cũng không dám thờ công khai ở đền được. Nguy hiểm lắm! Bà Phán tiếc quá! Nhờ con liên hệ mua được cặp bình từ đời Tống. Đẹp lắm! Định biếu đền để cắm hoa thờ hai Bà mà cũng còn chưa dám.
Cụ Đạt lẩm bẩm:
- Của ấy mà mua thờ trước mắt nhiều người thì không được rồi... Còn tôi... Tôi định liều mua... Một cây thì rẻ quá!
- Vâng, quá rẻ. Gặp con buôn chúng chộp ngay.
Cụ Đạt uống xong tách nước, nói:
- Mua. Nhất định mua. Không thể để lọt vào tay người nước ngoài.
- Vâng ạ. Con cũng nghĩ thế. Con tiếc lắm! Cụ mua là phải. Chúng con giữ cẩn thận làm sao bằng cụ. Thế hệ con cháu chúng con nữa, không biết đâu mà lường? Chỉ cần có kẻ ngu dốt hám tiền bán đi là mất.
Tôi đề nghị:
- Nếu có mua, nhờ ông Đồng đứng ra mua hộ. Để cụ lánh mặt tốt hơn.
Ông thủ đền nói:
- Dù sao... có cụ vẫn hay hơn. Cụ cứ đến xem đã...
Cụ Đạt trầm ngâm:
- Ừ... Nhưng đừng cho chúng biết nhà tôi...
Khỏi phải nói cuộc mua bán ấy ly kỳ như thế nào. Tôi cố ý lánh mặt.
Chỉ biết rằng sau đó một tuần, cụ Đạt kêu tôi lại bảo:
- Tôi đã mua được cỗ ngai của cụ Trần Nguyên Hãn - một danh tướng cùng họ với tôi. Đây là cơ duyên. Anh kiếm cho tôi một chỗ kín giấu hộ, chờ một thời gian êm đã...
Tôi vâng lời, cũng không dám khuân về. Tôi đến nhà một bạn thân, nói khéo là nhà tôi chật, ông tôi đang sửa nhà (mà thật vậy), nhờ gởi cỗ ngai trên gác vài tháng. Anh bạn tôi đồng ý ngay.
Cỗ ngai này quả tuyệt đẹp, cổ kính và lớn hơn cỗ kia nhiều. Cụ Đạt cứ vuốt ve mãi, bảo tôi:
- Anh chịu khó đi lại lau chùi hộ tôi, như thế tiện hơn. Dù sao tôi cũng tránh lộ mặt với bọn trộm. Tuy tôi nói với chúng là mua hộ ông bạn già, nhưng cũng phải cẩn thận. Cẩn tắc vô áy náy.
- Vâng.
Hôm sau, sớm tinh mơ cụ Đạt đã đáp xe đến, gọi tôi ra chỗ vắng, thì thầm:
- Tôi đoán không sai. Không biết làm sao một đứa trong bọn bán cỗ ngai cho tôi, tối qua mò đến tận nhà? Nó năn nỉ xin mua lại một cây rưỡi. Chúng biết bị hớ. Tôi nói dối là ông bạn mua chuyển đi Mỹ rồi. Nó cứ kèn cựa mãi. Tôi phải thí thêm cho nó một chỉ, nói là chia chút lời...
- Bọn nó làm tiền vòi thêm cụ. Nó thấy cụ dễ đó mà. Lần sau nếu nó có lại, cụ đừng đưa thêm nữa. Chúng xin được sẽ xin hoài.
- Phải, phải... Này, khi nào ông Đán về, mời ông lại nhà tôi chơi. Nếu đền quyết định bán cỗ kia thì mua luôn.
- Vâng ạ!
Một tháng sau, ông tôi về, mang theo một cỗ ngai nhỏ, ông khoe:
- May thật! Thằng cháu Hiền thấy ông thích. Nó biếu ông mang về thờ. Ông mua cho nó con trâu với hai sào ruộng. Bọn trẻ bây giờ chỉ thích thế. Đừng nói với bà mày nhé.
- Vâng ạ.
- Cháu chở ông lại thăm cụ Đạt.
Thế là tôi chẳng cần nói gì thêm, cứ để các cụ khoe nhau.
Ông tôi đòi dẫn đến thăm cỗ ngai ngay.
Ông tôi hồi hộp giở bức màn che, sửa lại mục kính, ngắm đi ngắm lại, tấm tắc khen:
- Ôi chao! Thật quí hóa! To gấp hai cỗ ngai của tôi.
Còn cỗ ngai ở đền, sau đó bà Phán Lợi được ưu tiên mua. Bà sởi lởi bù thêm hai chỉ đặt làm đôi ngai mới lớn hơn để thờ ở đền.
Mỗi lần có giỗ, cụ Đạt đưa vài cụ thân tình đến thăm cỗ ngai dấu ở nhà bạn tôi. Ông tôi làm một bài thơ, cụ đồ Long đề luôn đôi câu đối.
Một cụ rất giàu, có dãy lầu cho thuê, nhân bữa rượu, gợi ý xin đổi cỗ ngai của cụ Đạt lấy căn nhà đáng giá ba bốn cây.
- ... Dù sao... con trai cụ đã đi hết rồi. Tôi giữ cũng như cụ giữ vậy...
Cụ Đạt cười:
- Tiền bạc lúc có lúc không, tiêu bao nhiêu mà chẳng hết. Năm mười cây cũng có lúc kiếm được, nhưng cỗ ngai này không thể có hai. Ngày nào tôi còn sống, quyết giữ cỗ ngai này, để các cụ tiên tổ về có chỗ ngự.
Rồi quay qua tôi:
- Đời các cháu gắng mà giữ lấy.
Cụ nói thế có ý bảo là không còn nội thì đã có ngoại. Tôi lúc ấy đã là cháu rể cụ.
Bạn tôi lúc ấy cũng có mặt, khẽ bấm tôi một cái.
Chờ các cụ dùng bữa xong về trước, anh mới nâng cao ly, nhận xét:
- Sợ các cụ thật! Vợ chồng cậu nghèo, còn ở chung với bố mẹ. Theo tớ thì chăm sóc cái nhà thích hơn là lau chùi cỗ ngai. Thôi uống đi các cậu.
Một năm trôi qua bình yên. Ông tôi nói với cụ Đạt:
- Này cụ ạ, tôi thấy cũng khá lâu rồi, chắc không có gì nữa đâu. Cụ chuẩn bị bàn thờ, khuân cỗ ngai về thờ cho trang trọng. Chứ mua mà không được thờ cũng ức lắm. Mình già rồi...
Cụ Đạt gật gù:
- Vâng, vâng,... Tôi cũng đang định...
Hai tháng sau, cụ Đạt bất ngờ đổi chỗ ở.
Cụ làm một bữa rượu thịnh soạn, bí mật rước ngai về.
Từ hôm ấy, rảnh rỗi là cụ lò dò leo lên gác, nâng niu chăm sóc cỗ ngai.
Được mấy tháng, cụ Đạt ốm nặng, người mất sắc hẳn đi. Cụ đã gần chín mươi.
Lần này, biết không qua khỏi, cụ gọi tôi lại, thều thào hỏi:
- Ông hỏi thật: Con có thích cỗ ngai không?...
- Thưa ông, thích ạ - Tôi đáp.
- Ừ... Thích thì giữ lấy...
Rồi lại bảo:
- Nhớ lời ông dặn. Dù thế nào... cũng không được bán hay đổi nhé...
- Vâng ạ. Ông đã cho, con đâu dám... Con xin giữ chờ các chú về.
Cụ Đạt thở dốc, nắm chặt tay tôi, giối giăng:
- Giờ... ông bảo thật để con biết... Con nghe cho rõ nhé...: Cỗ ngai ấy... là đồ giả!...
Tôi giật mình! Ông gật đầu ôm ngực, nói tiếp:
- Đồ giả con ạ! Kể cả cỗ của bà Phán Lợi... Thật may cho ông nội con... Nhưng đừng nói gì với ông nội con nhé... Để thế cho nó đẹp... Con phải cẩn thận thằng thủ đền... Thời này quá ranh ma quỷ quyệt!
Tôi còn đang ngơ ngác thì ông cắt nghĩa:
- Hôm nọ, ông đang lau chùi, sơ ý làm ngã ngai... bong rớt cái chữ Đức ra...! Ông cạo lớp sơn ra xem, thì thấy rõ cả mấy chữ Trần Nguyên Hãn cũng toàn là dán chứ đâu có chạm...!
Chúng giả dối và đánh lừa quá tinh xảo!
Thế hệ ông đã quá cũ rồi, có thể là lạc hậu... Nhưng vẫn có chút lòng thành. Dù sao đến giờ phút này, ông mới có can đảm nói lên sự thật!
Tôi toát mồ hôi!... Vợ chồng tôi cũng vừa bị một vố ở tín dụng Thanh Hương!...
Tôi tiếc lắm chứ! Nhưng lại nghĩ nếu ông tôi cũng gởi tín dụng thì làm gì có cỗ ngai này. Tôi kêu thợ chạm đục bỏ hẳn những chữ nổi giả mạo sau lưng ngai, rồi khắc vào đó tính danh cụ Đạt, cả năm 1991, để ghi nhớ kỷ niệm.
Lâu lâu ngắm cỗ ngai tôi vẫn thấy đẹp. Ừ thôi! Trăm năm sau nó sẽ trở thành cổ vật./.
(TP. Hồ Chí Minh, tháng bão 1991)