1.KHÔNG BIẾT ĐI ĐÂU
Văn Sinh là học trò tỉnh lẻ, lại là vùng quê nghèo nhưng cha mẹ tằn tiện chắt bóp, làm thuê làm mướn đủ kiểu nuôi cho ăn học…Vào đại học năm thứ nhất, Sinh còn chịu khó học tập, chẳng bao giờ rời khỏi trường. Nhưng đến năm thứ hai, Sinh bị chúng bạn rủ rê lôi kéo, bỏ bê chuyện học hành…Nhưng đi chơi bời theo chúng bạn, Sinh không có đủ “kinh phí”, nên cứ “ăn theo” hoài, riết bị chúng bạn cười chê, Sinh lấy làm xấu hổ, tủi phận, thường lang thang một mình, than vãn một mình:”Bây giờ biết đi đâu, ơi chàng trai nghèo chỉ có túi sầu!…”
Một lần, Sinh đi ngang qua một vựa trái cây, nhìn vào đám người “Cửu vạn” đang khuân vác trái cây từ trên xe tải xuống vựa thì Sinh giật mình kinh ngạc khi thấy cha mình đang vác một cái “cần xé” nặng chịch, loạng choạng bước! Sinh nhào tới, đỡ lấy cái “cần xé”…Sinh cứ quỳ trước cha, ôm chặt lấy chân người cha mà khóc như mưa, vừa khóc vừa nói:”Con thật là bất hiếu, để cha làm việc cực nhọc thế này!...” Người cha đỡ Sinh dậy và nói:”Con về trường đi, sao không lo học lại đi lang thang thế này? Nếu con không học tốt thì mới là bất hiếu!” Nói rồi người cha vác cái “cần xé” đi như bay!...
Từ đó, Sinh lao vào học ngày học đêm, lúc thi ra trường đậu Thủ khoa với số điểm tuyệt đối! Sau lễ tốt nghiêp, Sinh phóng về quê nhà, sụp lạy trước cha mẹ mà rằng:”Từ nay con sẽ nuôi cha mẹ, cha mẹ không phải làm gì nữa!” Mẹ Sinh đỡ Sinh dậy, cười nói:”Con tôi thật là ngoan, thật là hiếu thảo! Thế là cha mẹ vui lắm!” Tuy mẹ Sinh cười nhưng Sinh thấy những giọt nước mắt rất to đang lăn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà !...
2.DOMINO
Thông tin học sinh bỏ thi, vi phạm trường thi rồi con số thi trượt, và cả những chuyện “bên lề chuyện thi cử” đã được các phương tiện thông tin đại chúng khai thác tối đa! Rồi chuyện thi cử qua đi, lại khai thác chuyện “hậu thi cử”, và ở khu vực “hậu thi cử” dường như còn ly kỳ, hấp dẫn hơn cả những ngày thi cử nóng bỏng! Với những học sinh thi trượt, hàng loạt bi kịch xảy ra, nhiều khi tới mức “nổi da gà”: nợ nần chồng chất “không có khả năng chi trả”, gia đình rạn vỡ (nhiều gia đình kỳ vọng quá lớn vào chuyện thi cử, đầu tư quá nhiều cho chuyện thi cử,v.v…cho nên vỡ mộng quá thảm), và không ít người đã tìm đến cái chết: uống thuốc chuột, nhảy cầu, nhảy lầu, v.v…Có nhà báo đã đến phỏng vấn Giáo sư già Trần Minh Triết, giáo sư Triết nói:”Đó là hiện tượng Domino, bất khả kháng!” Lại hỏi:”Chẳng lẽ chỉ đứng nhìn, phải tìm ra giải pháp gì chứ?” Trả lời:”Giải pháp thì có đấy, nhưng có dám làm hay không mà thôi! Đó là bỏ hẳn việc thi cử mà chỉ việc xét tuyển. Mười hai năm trời dài đằng đẵng, ai giỏi, ai dốt nó lòi lòi ra đó, làm sao mà gian lận được! Chính việc thi cử đã tạo điều kiện cho sự gian lận tồn tại! Bi kịch nảy sinh từ đó!” Sau khi nhà báo phỏng vấn GS Trần Minh Triết, anh ta đến phỏng vấn một quan chức của Bộ Giáo dục. Vị này đang bận bù đầu, như bị lôi kéo về cả 4 phương, 8 hướng, chỉ có thể giành cho nhà báo Một phút với câu trả lời:”Bỏ chuyện thi cử thì chúng tôi làm gì?”
3.TIỄN NGƯỜI ĐI LÀM QUAN
Ông Xã đang là chủ tịch xã, được điều lên Huyện làm phó chủ tịch Huyện, ngày ông lên huyện nhậm chức, họ hàng bà con đến chúc mừng rất đông, ai cũng nói chẳng mấy chốc mà ông sẽ lên cấp tỉnh, rồi trung ương!... Bữa tiệc đưa tiễn gần tàn thì có một ông già râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc thong thả đi tới, nói:”Hôm nay phải là ngày buồn, cớ sao mọi người lại hớn hở làm vậy?”. Hỏi tại sao lại buồn thì ông già nói:”Ông Xã đi, làng xã ta mất một cán bộ năng nổ, thạo việc. Sao lại không buồn? Ông Xã lên huyện, tức là dấn sâu vào chốn quan trường, tai họa không biết đâu mà lường, sao lại lấy làm vui?” Lại hỏi:”Nếu nói như ông thì lấy ai ra làm quan?”. Ông già lấy cây gậy trúc chỉ lên Trời, nói:”Không thể tiết lộ Thiên cơ!...Tiếc thay!”…
Mọi người ai cũng cho ông già là người tâm thần, cùng cười nhạo!... Nhưng chỉ nửa năm, vợ con ông Xã nhận được tin báo: Ông Xã đã bị bắt tạm giam, chuẩn bị ra Tòa vì tội nhận hối lộ! Bấy giờ, mọi người mới nhớ đến lời ông già tóc bạc chống gậy Trúc khi xưa, bèn cùng đi tìm ông già nhưng không biết ở đâu mà tìm!...
4.QUAN HIẾU THẢO
Ông Khuất Trung Hiếu là chức quan hàng đầu của huyện N, đúng lúc ông được điều lên tỉnh làm phó chủ tịch thì mẹ ông lâm trọng bệnh. Mọi người ai cũng bảo ông đưa mẹ vào bệnh viện chăm sóc đặc biệt, giao khoán cho người ta thì có thể yên tâm mà đi nhậm chức. Ông Khuất Trung Hiếu nói : “Mẹ nuôi dưỡng ta từ lúc còn là giọt máu nhỏ bé, ta chưa báo đáp được gì, bây giờ mẹ bị bệnh lại bỏ đó mà đi làm quan thì chẳng phải là bất hiếu lắm sao? Việc chăm sóc mẹ chỉ có một mình ta làm được, còn cái chức phó chủ tịch tỉnh thì thiếu gì người làm được!” Liền sau đó ông Khuất Trung Hiếu từ quan về nhà chăm sóc mẹ…Lòng hiếu thảo của ông Khuất Trung Hiếu đã rúng động trời xanh, Thái Thượng Lão Quân đã ngầm cho Khuất Trung Hiếu một liều thuốc tiên nên chỉ sau một năm mẹ ông Hiếu đã khỏe mạnh hơn cả lúc trước! Mẹ ông Hiếu vui mừng nói với mọi người : “Thằng con tôi thật là ngoan, thật có hiếu. Nó túc trực bên tôi suốt cả ngày lẫn đêm, lo từng miếng ăn, ngụm nước làm sao tôi không khỏi bệnh! Dám từ bỏ vinh hoa phú quý để làm trọn chữ hiếu như nó ngàn năm mới có một người!”
5. GIÀ CÒN BỊ ĐÒN ROI
Nhờ chơi Blog mà tôi có thêm người bạn cùng tuổi- tức 61 con Chuột, cùng cảnh ngộ, cùng sở thích… Tưởng là đã biết hết về bạn, vậy mà không phải, và câu chuyện này khiến tôi ngạc nhiên hết sức…
Hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau cùng đi ăn tân gia một người bạn khác. Chờ mãi, tới giờ khởi hành thì người bạn điện thoại nói không thể đi được vì mới bị cha đánh đòn, trên mông còn nổi rõ hình mười “con lươn” đỏ lừ! Tôi tức tốc đến nhà người bạn, tính gặp người cha hỏi cho ra lẽ! Khi gặp cha của người bạn (đã hơn 80 tuổi), thì ông đang nằm sấp kêu rên ư ử vì đau – cũng có mười “con lươn” đỏ lừ trên mông! Tôi hỏi:”Tại sao ông lại đánh đòn bạn tôi? Và tại sao ông lại bị cha đánh đòn?” Trả lời:”Tôi đánh con tôi vì ngày hôm qua nó không hoàn thành nhiệm vụ, mỗi ngày nó phải làm một bài tứ tuyệt! Còn tôi bị cha đánh đòn vì chưa làm xong bài thất ngôn bát cú! Mỗi ngày cha tôi bắt tôi phải làm một bài thất ngôn bát cú!” Tôi đi tìm người cha của cha bạn tôi thì thấy ông già râu bạc, tóc bạc giống hệt như Xích Cước Đại Tiên đang ngồi vừa uống rượu vừa ngâm nga những bài thơ của đứa con và đứa cháu , giọng đọc thơ của ông già còn rất vang!...
Sài Gòn, đầu tháng 7-2009