-- Đoàn tàu TN đi Hà Nội sắp về đến ga. Kính mời quý khách có vé vào cổng. Vé của ai người ấy cầm …
Tiếng người phát ngôn nhẹ vang trong đêm. Nhìn lên đồng hồ : 2 giờ kém 15. Vậy là tàu trể 15 phút. Xách vội túi hành lý, tôi và khoảng hơn mười người cùng bước vào cổng. Đã trãi qua bao cuộc ra đi nhưng đêm nay đứng trước sân ga rộng rãi và im vắng, tôi vẫn thấy lòng dội lên một nổi bâng khuâng vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.
--Toa số hai ở đâu vậy con ? Một bà già tay xách nách mang giọng xứ Nghệ hỏi .
-- Bác cứ đi theo con. Mà bác đưa bớt đồ con cầm dùm cho.
Đã quen đi tàu nên tôi biết toa số hai của mình ở chổ nào rồi. Nó ở cuối đường xi măng, một quãng đủ dài để bà già và tôi phải nghỉ chân ba lần. Khi tới nơi nhìn quanh chỉ có tôi với bà. Các hành khách khác đều đã dừng lại phần đường của ghế mềm, của giường nằm. Cuộc sống khá lên nên bây giờ một số người không còn chọn toa ghế cứng nữa nhưng riêng tôi hễ đi tàu là tôi lại thích được ngồi ở đây, ở hạng vé rẻ tiền này, bên cạnh mấy ông bà già nhà quê, mấy người tìm việc … Tôi thích cái không khí bình dân nói năng chẳng cần giữ kẽ, ăn uống có gì cứ thoải mái bày ra và nhất là được nghe nhiều chuyện lý thú.
Trong chốc lát những tiếng xình xịch quen thuộc đã vang lên và đoàn tàu TN từ từ dừng bánh. Chỉ có hai người bước xuống. Leo lên nhìn vào toa , tôi mừng thầm vì chổ ngồi còn khá rộng. Trên mấy manh chiếu lót sàn, nhiều người đang nằm ngủ ngon lành. Toa ghế cứng là vậy đó ! Thế nào rồi cũng có chổ để ta ngã lưng qua đêm .
-- Ghế số 62 chổ nào vậy con ?
-- Ở đàng kia! Nhưng bác cứ ngồi đây với con . Không sao đâu . Còn nhiều chổ trống mà bác.
Và thế là chúng tôi cùng dừng lại nơi hai dãy ghế trống đối diện. Xếp đồ đạc cho cả hai lên kệ xong, tôi liền lấy túi xách kê làm gối và thả mình xuống ghế tìm giấc ngủ. Không hiểu sao mỗi lần đi tàu dù nằm không thể duỗi thẳng chân nhưng tôi lại thấy dể ngủ hơn ở nhà. Có lẽ là nhờ tiếng bánh xe lăn đều đều trên đường ray nghe tựa tiếng mẹ ru ngày nào và âm thanh ấy đã dỗ thằng bé già là tôi vào giấc ngủ thật hiệu nghiêm! Tôi ngủ một mạch cho tới khi cô nhân viên bán hàng đánh thức để lấy chổ đẩy xe .
-- Café đen, café sửa đây !
-- Chị cho tôi một café sửa nóng!
Chẳng đợi cô ta pha café, tôi đứng lên tới phòng toa lét . Rửa mặt đánh răng xong vừa quay trở lại đã thấy bà già đang ngồi đó móm mém miệng nhai trầu. Trên tay bà là chiếc cối giã bằng thủy tinh bám đen đỏ loang lổ. Nhìn cảnh bà ăn trầu tôi lại nhớ tới ba mình. Ông không hút thuốc, không uống rượu nhưng ăn trầu thì số một. Cơm nước thế nào cũng xong nhưng nếu mẹ tôi quên mua trầu là ông nói ngay. Khoảng mười năm nay vì răng rụng hết nên ông đành bỏ thói quen này .
-- Con mời bác uống café !
-- Cảm ơn con, bác đang ăn trầu . Con về đâu vậy ?
-- Dạ về Hà Tĩnh .
-- Vậy là cùng chổ với bác rồi .
Tôi im lặng châm điếu thuốc và nhấp ngụm café. Dù café không ngon nhưng uống café sáng trên tàu có cái thú rất riêng. Bên trong khung cửa se se gió lạnh. Bên ngoài mặt trời chưa mọc. Bảng lảng đây đó mấy làn sương sớm. Xa xa là đường viền mờ của núi rừng còn trước mặt từng phong cảnh lần lượt phô diễn như một cuốn phim chiếu chậm. Những cánh đồng lúa chạy dài. Vài mái nhà nép bên sườn đồi. Dòng sông lờ lững chảy giữa hai bờ cát vàng. Bất chợt một khoảng ao đầy hoa súng trắng hiện ra đẹp đến ngẩn ngơ. Những lối nhỏ rợp bóng tre làng. Vài bóng người bên vệ đường đang lặng chờ tàu qua… Và cứ thế bao cảnh núi đồi làng mạc rồi đồng hoang biển cả cứ theo nhau nối tiếp . Phong cảnh đẹp cứ như tranh vẻ. Những lúc ấy ta mới thấy câu quê hương đẹp hơn cả quả là chẳng sai .
-- Con đi chơi hay có công chuyện gì ?
-- Dạ con về quê sửa mồ mả ông bà .
Mắt của bà vụt lên ánh thân thiết .
-- Làm như vậy là đúng đó con. Sống vì mồ mả không ai sống vì cả bát cơm. Mất bát cơm còn có thể tìm lại nhưng nếu đánh mất những gì tổ tiên để lại là mất luôn. Cũng như nơi ăn chốn ở thì nhiều nhưng quê hương thì chỉ một thôi con ạ .
Những lời bà làm tôi như tỉnh hẳn. Cách đây mấy tháng có người ở quê nhắn tin khu mộ ông bà tôi đã bị sạt lỡ cần phải về sửa gấp kẻo trâu bò phá.
-- Ba già yếu rồi nên không thể về được nữa. Con phải thay ba mà lo công chuyện cho ông bà. Việc mồ mã này có xong thì ba mới yên tâm.
Chậm rãi ông nói với tôi từng lời một chẳng khác nào đang khắc nó lên mặt bàn. Chẳng thể từ chối tôi đành phải lên đường mà lòng thì đầy lo lắng, phần vì phải bỏ nhà cửa công việc, phần vì miền đất kia dẫu là quê hương nhưng vẫn đầy xa lạ. Từ sinh ra tới nay suốt mấy chục năm bản thân tôi chưa một lần tìm về.
Quả thật cho đến giờ đây khi đã ngồi trên tàu rồi mà tôi vẫn còn tự hỏi chuyến về quê này có thật sự cần thiết không, hay đây chỉ là việc làm vì bổn phận của một đứa con phải vâng lời cha mẹ. Thế mà chỉ vừa nghe qua vài câu nói tôi bỗng hiểu ra trên đời này quê hương, tổ tiên là những điều quý giá mà con người không thể tìm kiếm, chọn lựa hoặc thay đổi. Gìn giữ đất đai mồ mã là sợi chỉ gắn kết tổ tiên với ta nên tới lượt mình, ta có bổn phận truyền nó lại cho con cháu. Tôi nhận ra chuyến đi hôm nay thật là cần thiết và đầy ý nghĩa. Bà già lại lên tiếng :
-- Con có thấy mấy đám ruộng kia không. Chổ gò cao nào cũng có mồ mả. Từ xưa ông bà mình luôn tìm những phần đất khô ráo và gần gũi để làm nơi cho tổ tiên yên nghỉ. Cứ mỗi bữa đi cày lại là một lần ra thăm mồ mả. Có buồn vui gì họ cũng đều kể cho tổ tiên nghe. Tổ tiên với người quê thật gần gũi.
Đó ! Con có thấy cái ông già kia vừa cuốc ruộng vừa cố đắp thêm ít đất vào gò mộ không. Ông ta làm thế cũng là để cho con cháu mình nửa đấy. Dẫu biết rằng nếu có thêm một đường cày vào đám đất gò thì sẽ có thêm một vạt lúa thơm cho bữa cơm, nhưng dẫu cho có đói, người quê không bao giờ làm như vậy. Với những gì của tổ tiên để lại thì họ chỉ vun vào chớ không đào đi .../.