Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.654
 
Con cá chép
Huỳnh Văn Úc

Không ai ngờ chỉ vì một con cá chép mà vú Lê bị đuổi việc. Người ta vẫn gọi người giúp việc gia đình là ôsin, nhưng ở nhà này lại gọi là vú, vú Lê. Vú Lê ở nhà cậu Thành đã lâu, được năm hay sáu năm gì đấy, đã quen người, quen việc, phải ra đi lúc này kể cũng ngậm ngùi lắm. Cậu Thành là con một, sống trong một gia đình tam đại đồng đường. Trong cái gia đình ấy từ bà ngoại, bố mẹ và vú Lê ai cũng coi cậu như là hoàng tử. Những đứa độc mồm độc miệng cứ gọi cậu là cậu ấm sứt vòi. Đấy là do chúng ghen ăn tức ở mà gọi thế thôi, chứ vòi của cậu làm sao mà sứt được. Thứ nhất, cậu là con một. Thứ hai, cậu là một chàng trai 18 tuổi hào hoa phong nhã, cao hơn một mét bảy lăm, da trắng mịn như da con gái, mặt trái xoan và lông mày cong như con gái, nói năng dịu dàng cũng như con gái nốt.

 

Nhất niên chi kế vi thụ cốc

Thập niên chi kế vi thụ mộc

Bách niên chi kế vi thụ nhân .

 

Lo kế sách một năm thì trồng lúa, mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Từ ngày xửa ngày xưa các cụ đã dạy như thế cho nên cái sự nghiệp trồng người đối với cậu Thành được cả gia đình chăm lo từ tấm bé. Tuổi mẫu giáo cậu được gửi ở trường Mầm Non Quốc Tế gần phố Hoả Lò, có mức học phí có lẽ đắt nhất Hà Nội nếu không muốn nói là đắt nhất Việt Nam: 2.800 đô la một tháng, quá 16 h 30 mà người nhà không đón thì mỗi giờ phải nộp thêm 4 đô la. Ngay từ ngày cậu lên năm, gia đình đã mời gia sư để rèn luyện cho cậu bốn lĩnh vực. Gia sư về thể chất thì rèn cho cậu chạy liên tục 150 m không tính thời gian nhưng không được bỏ cuộc giữa chừng, đi giật lùi ít nhất 5 m, biết cài và mở cúc áo, biết che miệng khi ho, ngáp hay hắt xì hơi. Gia sư về quan hệ xã hội huấn luyện cho cậu biết mình là trai hay gái, biết kiềm chế những biểu hiện tiêu cực như ăn vạ, khóc nhè, biết quý trọng đồ chơi. Gia sư về ngôn ngữ và giao tiếp dạy cho cậu nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt, khi nghe người lớn đọc truyện dành cho trẻ con, thơ hay đồng dao thì hiểu được nội dung. Gia sư về phát triển nhận thức dạy cho cậu biết các mùa xuân hạ thu đông và đặc điểm nổi bật của từng mùa, biết đo chiều dài, chiều rộng hay chiều cao bằng thước đo hoặc bằng gang tay. Những gia sư đến nhà cậu siêu lắm, họ đều có bằng cấp rất cao, ngoài lĩnh vực chuyên môn ra thì bằng cấp thứ hai yêu cầu phải có là tiến sĩ tâm lý học, và tương xứng với trình độ học vấn của họ thì tiền thù lao cũng cao như núi. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nên trước khi bước vào lớp 1 cậu Thành đã biết đọc biết viết, bài nào trong sách Tập đọc lớp Một cậu cũng đọc được vanh vách.

 

Mười hai năm đèn sách từ khi cậu Thành lên sáu học lớp 1 trường điểm cho đến lớp 12 trường VIP cũng tốn cả núi tiền. Những lớp VIP rất ít học sinh, chỉ độ trên dưới mười đứa, những người có thu nhập bình thường chỉ cần nghe học phí trên dưới bảy triệu đồng một tháng thì chỉ có lăn ra chết ngất. Một đống tiền đổ ra như thế cũng chỉ mong đến ngày cậu Thành cầm giấy báo đỗ đại học trên tay. Và ngày ấy đã đến trong sự thất vọng của cả gia đình: cả ba môn thi Toán, Lý và Hoá của cậu cộng lại chỉ được 7,5 điểm, thấp hơn rất nhiều so với điểm sàn. Dĩ nhiên là cả nhà cậu buồn. Và người ta quay ra đi tìm nguyên nhân của tai hoạ này. Sự chuẩn bị mọi mặt cho kỳ thi đại học của cậu Thành kể ra như thế cũng là trên mức chu đáo. Ba môn học, ngay từ ngày cậu vào học lớp 10, gia đình đã thuê ba gia sư đều là các giáo sư đầu ngành có tên trong bảng quảng cáo của các lò luyện thi danh tiếng nhất Hà Nội, dĩ nhiên là tiền thù lao cũng theo danh tiếng mà lên đến những con số cao ngất ngưỡng. Đừng có nói câu nào tỏ ra thiếu tin tưởng vào khả năng và trình độ của những vị này mà mang tội bất kính. Với khả năng của họ, ví thử ta có giao vào tay họ một con cua thì họ cũng nhào nặn để con cua này thi đổ vào đại học với mức điểm thủ khoa. Các giáo sư đến nhà cậu Thành và ra về đều bằng tắcxi, tiền tắcxi gia đình thanh toán. Về mặt tâm linh, trước ngày thi cậu được bố dẫn vào Văn Miếu để xoa đầu các cụ rùa đá đội bia tiến sĩ trong khi ở nhà mẹ cậu sửa một cái lễ trình với táo quân, thổ thần, thổ địa, ông tiền chủ, bà chúa đất, các bà cô tổ cùng với gia tiên phù hộ độ trì cho cậu gặp may mắn. Còn lại là vấn đề dinh dưỡng, mà về mặt này thì người có trách nhiệm chính là vú Lê, người đi chợ, nấu ăn trong những ngày cậu Thành nấu sử xôi kinh trước ngày đi thi. Đây là một nhiệm vụ nặng nề vì cậu Thành phải được ăn sao cho có đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, khoáng chất và chất xơ, thêm vào đó là đủ các thứ tên trong nhóm vitamin, hơn nữa, lượng calo phải tăng 20% so với ngày thường. Để bảo đảm thực thi tất cả những điều kể trên, cậu Thành dùng riêng một thực đơn, ăn riêng một mâm với riêng một đầu bếp là vú Lê. Điều tra làm rõ vấn đề dinh dưỡng có tác động xấu hay tốt đến kết quả thi của cậu Thành là nhiệm vụ của mẹ cậu có sự phối hợp chặt chẽ của bà ngoại.

 

- Hằng ngày vú có cho cậu ăn chè không?

- Thưa có! Tôi không nấu chè đậu đen, chỉ cho cậu ăn chè đậu đỏ.

- Thế là tốt. Còn hoa quả?

- Tránh xa chuối, không động đến quả nào. Chỉ ăn những thứ có vỏ màu đỏ như chôm chôm, quả vải, cho cậu ăn đào tôi cũng chọn quả mà vỏ có nhiều vân màu đỏ mới mua. Chả cứ gì hoa quả, thịt tôi cũng chỉ mua thịt bò và thịt lợn là những thứ thịt có màu đỏ, thịt gà tránh xa.

- Tốt lắm! Nhưng để bảo đảm lượng chất đạm đa dạng, ngoài thịt, vú có cho cậu ăn cá không?

- Có chứ !

- Cá gì?

- Dạ thưa, cá chép. Cá chép còn bơi trong chậu hẳn hoi.

- Mua ở chợ nào?

- Thì tôi vẫn đi chợ Diễn đó thôi.

Mẹ cậu Thành hơi ngờ ngợ dừng lại một lúc, còn bà ngoại thì góp vào câu chuyện:

- Cái chợ ấy làm gì có cá chép đánh bắt ở sông. Chỉ có cá chép nuôi ở ao thôi!

Như chợt ngộ ra một điều gì lớn lao, mẹ cậu Thành đứng phắt dậy:

- Thôi chết tôi rồi! Cá chép nuôi ở ao thịt nát, rán lên bở bùng bục ăn làm sao được. Mà cá chép nuôi ở ao ít được vẫy vùng nên yếu như sên, phải là cá chép đặt người ta đánh bắt ở sông thì mới có khả năng vượt vũ môn để hoá rồng.

Bà lặng đi một lúc rồi rên rỉ:

- Trời cao đất dày ơi! Sao vú lại cho cậu ăn cá chép nuôi ở ao hở giời! Tôi chỉ sơ sảy không dặn kỹ một tí mà vú lại làm thế. Làm thế là vú hại cậu rồi, vú đã biết chưa?

 

Sau cuộc điều tra về vấn đề dinh dưỡng cho cậu Thành hai ngày, chiều đã muộn, nắng đã tắt, mặt buồn thiu, mắt dân dấn nước, vú Lê lầm lũi xách túi quần áo bước qua cánh cổng sắt sơn xanh nặng nề ngồi lên xe ôm ra ga về quê. Chỉ tại con cá chép vú vô tình không biết rằng nó được nuôi ở ao mà ra nông nỗi này sao, hỡi vú Lê! ./.

 

Hà Nội, mùa thi 2009

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2916
Ngày đăng: 14.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi Xôn Xao Không Mầu - Trang Thanh Trúc
Tuyết rơi - Nguyễn Hồng Nhung
Về quê - Giang Kiều
Mùi cơm khét - Nguyễn An Cư
Đàn ông - Văn Xương
Cỗ ngai (*) - Phan Đức Nam
Người đàn ông làng Yên Hạ - Sương Nguyệt Minh
Truyện ngắn ngắn – 16 - Đỗ Ngọc Thạch
Những mảnh vỡ (8) - Nguyễn Thị Hậu
Chùm Khế Ngọt - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)