Năm giờ sáng, cả năm người trong gia đình tôi đã thức dậy, xem lại lần cuối hành lý rồi nhờ hai cậu, hai dì chở xe Honda tới điểm hẹn. Sớm sủa, lịch kịch, nôn nao như thế cũng chỉ vì đây là chuyến đi Đà Lạt đầu tiên của vợ và các con tôi. Phần tôi, đây cũng mới là chuyến đi thứ nhì. Dân Nam bộ, sống ở một tỉnh giáp ranh tỉnh có thành phố Đà Lạt mà đến tuổi bốn mươi vợ chồng tôi mới có dịp đến xứ sở sương mù, nói thì khó ai tin nhưng lại là sự thật.
Đường phố Sài Gòn còn vắng vẻ lắm. Nhiều ngã tư đèn đỏ nhưng không có công an đứng gác, các cậu các dì cho xe phóng qua luôn - giống như những người đồng hành khác. Con gái lớn tôi nhắc:
- Coi chừng bị phạt thì khổ đó cậu Bảy! Đang Tết nhất!
Đáp lại, cậu Bảy chở nó cười nói:
- Yên tâm, không có sao đâu mà!
Đến điểm hẹn mới sáu giờ sáng. Lề đường không thấy ai. Trước cửa Công ty tôi đang làm việc cũng không thấy ai. Cửa sắt văn phòng thì khóa trái. Vợ tôi hỏi:
- Họ hẹn mấy giờ hả anh?
- Trước sáu giờ!
- Sao chẳng thấy ai? Không lẽ người ta đã đi rồi?
Tôi lẩm nhẩm: "Không lẽ như thế! Mình tới trễ có vài phút thôi mà!"
Đứa con gái lớn than thở:
- Nếu họ bỏ rơi mình thì xui xẻo cả năm! Mất công cả nhà ở tỉnh lên đây từ chiều hôm trước rồi lại phải quay về không!
Tôi xem đồng hồ. Sáu giờ mười lăm. Đường phố vẫn vắng vẻ như cũ. Sáu giờ hai mươi. Vẫn chẳng thấy ai. Tôi không nén nổi tiếng thở dài:
- Có lẽ họ đi trước sáu giờ. Mình bị bỏ lại rồi!
Thằng con trai ngồi bó gối bên cột đèn, thỉnh thoảng lại rên rỉ: "Chán thật! Sao không đợi người ta thêm một chút?"
Không biết phải nói gì, làm gì, tôi im lặng theo. Trong đầu, tôi nghĩ nhanh đến chuyến đi ngược về nhà hoặc chuyển qua chuyến đi đến một khu du lịch nào đó ở thành phố. Ít ra cũng là vào xem Thảo Cầm viên!
Một chiếc xe du lịch hai mươi lăm chỗ ngồi từ xa chạy lại, từ từ dừng trước cửa văn phòng Công ty. Một dòng chữ viết tay trên tấm bảng giấy nhỏ được gắn bên trong cửa kính trước: "Kính chào quý khách". Tôi bước lại bên cậu lái xe vừa rời khỏi buồng lái với chút hy vọng:
- Xe đón ai vậy em?
- Dạ, em chở đoàn khách du lịch của Công ty X. đi Đà Lạt! Xin lỗi, có phải anh là người trong đoàn không?
Trời ạ! Thì ra không phải chúng tôi bị bỏ rơi mà là chúng tôi đến quá sớm!
Thật vậy! Năm phút sau, người thứ nhì mới xuất hiện và kế đó, những người khác lai rai đến cho tới bảy giờ, trời sáng rõ với nắng mai chói chang, bản danh sách mới được gạch tréo tới dòng cuối cùng! Người trưởng đoàn giải thích với tôi: "Sợ gia đình anh ở xa tới không kịp nên chúng tôi hẹn sớm cho chắc ăn!"
Thằng con trai tôi nghe vậy, bục ra mặt:
- Làm như người ta không biết đúng hẹn bao giờ!
Tôi giật mình. Cũng may người kia không để ý nghe những lời của con tôi.
*
Anh hướng dẫn viên chính còn trẻ, dưới ba mươi, nói năng chừng mực. Người phụ tá lớn tuổi hơn, ngay từ Sài Gòn nóng nực đã khoác áo vét màu sậm, phô trương trong cách nói.
- Chúng ta sẽ dừng ở Dầu Giây ăn sáng, rồi đi thẳng đến Bảo Lộc. Tại đây, chúng ta sẽ rẽ vào thác Đambri. Thác này mới được khai thác du lịch, còn hoang sơ, rất đẹp. Chắc chắn quý khách ai cũng sẽ muốn có hình ảnh kỷ niệm tại đó. Xin tự giới thiệu. Tôi, Thanh Tùng, có mười năm cầm máy thực tập ở nước ngoài, sẽ hết lòng phục vụ quý khách dịch vụ chụp ảnh...
Oanh, cô đồng nghiệp của tôi ngồi băng ghế trước với ba mẹ, chăm chú đôi mắt lớn về phía ông Tùng, vẻ thán phục. Người mẹ hỏi:
- Máy của mày chụp có chắc ăn không?
- Má khỏi lo. Con chỉ dùng nó để chụp phong cảnh thôi. Còn má con mình, con sẽ nhờ anh Tùng chụp. Mà nghe chưa, người ta có tới mười năm trong nghề, lại ở nước ngoài về, chắc chắn là chụp đẹp rồi!
Con gái lớn của tôi cười tủm tỉm, hỏi nhỏ tôi:
- Còn bố thì sao?
Tôi hiểu ý nó, trả lời:
- Bố mày cứ cái Pentax cũ thôi. Cây nhà lá vườn!
Nó ghé sát tai tôi:
- Con nghi thùng rỗng kêu to!
Tôi suỵt khẽ:
- Đừng nóí lớn. Người ta nghe, người ta chửi cho! Nhìn quanh đi con. Tất cả đều là người thành phố lịch sự, văn minh... Đừng có để người ta cười gia đình mình nhà quê quá đáng...
Xe lao nhanh trên xa lộ. Mặt trời ở phía trước, đỏ rồi vàng chói. Không lâu, nó vào địa phận tỉnh tôi. Hạnh, người hướng dẫn chính bật công tắc chiếc loa sắt cầm tay, bắt đầu giới thiệu:
- Chúng ta bắt đầu vào địa phận tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai là một tỉnh có nền kinh tế đa dạng, phong phú. Phía Bắc có rừng. Phía Đông là bạt ngàn cao su. Phía Tây và trung tâm là đồng bằng. Còn phía Nam là biển. Nghĩa là ở đây, người dân có cả rừng vàng lẫn biển bạc...
Thằng con trai chồm qua phía tôi hỏi nhỏ:
- Bố ! Sao cô con dạy là tỉnh mình không có biển!
Tôi nói:
- Khẽ chứ! Ông ấy hướng dẫn theo tài liệu cũ, quên là tỉnh mình đã tách vùng Bà Rịa nhập với Vũng Tàu để lập tỉnh mới và mấy năm nay, tỉnh mình không còn biển nữa.
- Thế mà cũng giới với thiệu!
- Này, đã bảo khẽ chứ!
Cô đồng nghiệp phía trước đang nghe như nuốt lấy từng lời của anh chàng Hạnh, rồi cô gật gù nói với mẹ:
- Ảnh giỏi ghê phải không má? Để lát nữa tới Dầu Giây, con hỏi tại sao lại gọi là Đồng Nai. Không biết có phải ở tỉnh này có nhiều nai hay không nữa?
Ông Hạnh tiếp tục giới thiệu khi xe đi qua những khu vực khác : khu công nghiệp Biên Hòa với những nhà máy ở phía trái được xây dựng trước 75, những nhà máy mới đang mọc lên ở phía phải; Hố Nai với những nhà thờ của các giáo xứ khác nhau; rồi Bàu Cá, Bàu Hàm, Hưng Lộc, Dầu Giây.
Xe chạy chậm lại. Phía đường bên phải, những thanh niên chạy ra mời chào ghé vào ăn sáng ở những cái quán sát nhau thành dãy. Cuối cùng, xe dừng lại trước một cái quán đang đông khách và ông Tùng oang oang không cần loa:
- Mời quý khách xuống xe ăn sáng! Xin nhắc lại, chúng tôi sẵn sàng phục vụ để có những tấm ảnh đẹp cho quý khách tại địa danh Dầu Giây quen thuộc và rất nổi tiếng này...
Con trai tôi tò mò hỏi:
- Dầu Giây nổi tiếng với cái gì hả bố? Trước giờ con chỉ biết ở đây có cái ngã ba mà xe cộ đi miền trung hay rẽ đi Đà Lạt thường dừng lại cho khách ăn uống...
Tôi nhún vai đáp:
- Bố cũng chỉ biết như vậy!
*
Mười một giờ trưa chúng tôi dừng lại trước một nhà hàng ở Bảo Lộc. Trên khoảng sân rộng, rất nhiều xe hơi lớn nhỏ đã đậu sẵn. Không hiểu có phải là "mốt" hay không mà cô con gái lớn của tôi chỉ cho tôi thấy có đến mấy chiếc xe ghi ở phía sau dòng chữ "Don't kiss me". Con gái út tôi hồn nhiên hỏi mẹ:
- Sao lại "đừng hôn tôi" hả mẹ?
Vợ tôi chưa kịp trả lời thì thằng con trai đã nhanh nhảu:
- Đồ ngốc ! Ý người ta nói là "đừng có đụng vô xe tôi".
- Thế sao không viết chữ Việt?
- Lại ngốc nữa! Viết tiếng Anh cho nó... văn minh chớ bộ!
Một người cả nghĩ như tôi không thể không tư lự đôi phút.
Bên trong phòng khách rộng, thiết kế sang trọng cũng chật người. Ông hướng dẫn viên Tùng lại có dịp sử dụng giọng nói rổn rảng của mình:
- Xin thông báo với quý khách: mười lăm phút nữa chúng ta sẽ ăn trưa. Xin quý khách bước vào phòng ăn bên phải và đến các bàn phủ khăn màu đỏ, mỗi bàn ngồi mười người không phân biệt người lớn hay trẻ em...
Gia đình tôi ngồi nghỉ trên một ghế nệm dài. Vợ tôi nhìn những con mèo rừng, beo đốm, đại bàng... nhồi bông được trưng bày trên các kệ sát vách tường phòng khách, khen đẹp. Con gái lớn chúng tôi bình luận thêm: "Nhìn căn phòng sang hẳn lên". Vẫn cô con gái út nhiều thắc mắc hỏi:
- Người ta bắt những con vật này ở đâu?
- Ở trong rừng chứ ở đâu! - Lại anh nó trả lời.
- Thế mà cô giáo em nói mọi người phải bảo vệ rừng, không được săn thú...
- Nói là một chuyện, làm là một chuyện! Hiểu chưa?
Tôi lại nghĩ ngợi vẩn vơ.
*
Đà Lạt đêm mồng bốn tết lạnh quá! Tất cả những chiếc áo khoác, áo ấm mà năm người trong gia đình tôi đem theo đều không đủ ngăn cái lạnh trêu chọc thịt da. Trước đó, chiếc xe đã dừng lại trước cổng một khách sạn tư nhân còn xây dựng dở dang đã đưa vào khai thác. Người trưởng đoàn vào coi chỗ ở trước rồi trở ra và đã xảy ra một cuộc bàn cãi khá gay go ngay trên xe. Những căn phòng được đánh giá là không đạt yêu cầu và trưởng đoàn xin ý kiến chung. Đa số đòi hướng dẫn viên, người đại diện cho đơn vị du lịch, phải đổi chỗ ở khác. Ông Hạnh kiên trì giải thích:
- Ngày Tết, tìm một nơi đủ chỗ cho đoàn hơn hai mươi người không phải dễ. Vả lại, đây không phải lỗi của chúng tôi. Chúng tôi đã liên hệ và được Công ty du lịch ở đây hứa lo chu đáo. Rất mong đoàn thông cảm chấp nhận...
Ông Tùng cũng tham gia:
- Chúng tôi thiết nghĩ đoàn chúng ta đi du lịch thì đi là chủ yếu, ở chỉ là phụ . Quý vị có thể...
Nhiều ý kiến phản đối:
- Các anh hợp đồng với ai là việc của các anh. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ biết rằng nơi ở không đạt yêu cầu...
- Không có toa lét riêng cho mỗi phòng thì ai sẽ phải đợi ai?
Cả đến cô Oanh rất tin tưởng ông Tùng cũng lên tiếng:
- Đi du lịch đâu phải chỉ đi chơi, còn phải ăn, phải ở cho đàng hoàng thoải mái chứ...
Không thuyết phục được khách, ông Hạnh phải vào điều đình với chủ khách sạn rồi nhờ điện thoại liên lạc với nơi khác.
Trên xe, mọi người bàn tán râm ran. Một người nào đó xuống xe rồi trở lên, thông báo là ngoài trời rất lạnh. Cuối câu là một kết luận:
- Thế mà không có máy nước nóng, có mà chết cóng!
Con gái út tôi hỏi:
- Mình còn phải đợi bao lâu nữa hả bố?
Anh nó đáp:
- Tới khi nào người ta tìm được một chỗ ở khác!
Cô con gái lớn:
- Thế mà cũng nói được!
Ông Hạnh ra tới, nét mặt đã bớt căng thẳng. Nhưng người thông báo lại là ông Tùng:
- Xin báo với cả đoàn là chúng tôi đã liên hệ được với một nhà khách. Xin hỏi ý kiến cả đoàn trước. Nơi này chỉ còn phòng từ bốn người trở lên nhưng có toa lét riêng từng phòng.
Một anh bạn trẻ lên tiếng:
- Như thế rất bất tiện cho vợ chồng chúng tôi...
Cô Oanh cũng lớn giọng:
- Không được đâu! Tôi với con bạn đã hẹn nhau ở chung chỉ hai đứa thôi...
Người mẹ cô gái can thiệp:
- Thì cả hai đứa ở chung với tụi tao...
- Đâu có được. Còn ba nữa chi...
Người cha:
- Thì tao qua phòng khác ở ghép vậy...
Gia đình tôi không có ý kiến vì điều kiện phòng đông người lại rất phù hợp.
Cuộc bàn cãi cuối cùng cũng chấm dứt với ý kiến của đa số là chấp nhận nơi ở mới. Chiếc xe quay đầu đi loanh quanh trong thành phố sương mù chừng nửa giờ mới đến nơi.
Trời lạnh thật. Rất lạnh. Một ai đó nói có tin có đợt lạnh đột xuất mới đổ về Đà Lạt từ sáng sớm nay.
Gia đình tôi nhận phòng đầu tiên, một phòng 4 chỗ nhưng vẫn đủ cho năm nguời. Tay xách, nách mang, chúng tôi về phòng mình. Bụng đói, người mệt, chỉ muốn nằm nghỉ một lát.
Thằng con trai dành đi tắm trước. Dĩ nhiên là nó tắm nước nóng .
Hai đứa con gái nói chuyện với nhau :
- Tao thấy lúc đầu mọi người đoàn kết chống lại hai ông hướng dẫn viên. Tội nghiệp họ quá!
- Thế tại sao sau đó mọi người lại cãi nhau?
Tiếng thằng con trai từ phòng tắm vọng ra:
- Thế mà cũng không biết ! Khi quyền lợi khác nhau thì chia rẽ là cái chắc!
Vợ tôi mỉm cười, khẽ lắc đầu:
- Nghe nó triết lý đó!
Tôi nằm ngửa, gối đầu trên hai lòng bàn tay.
Tôi không nghĩ đến ba đứa con của mình và những gì chúng trao đổi với nhau từ sáng sớm đến giờ. Tôi nghĩ rộng hơn, về những đứa trẻ thế hệ tiếp nối thế hệ mình.
Tự dưng tôi thấy hào hứng và thấy cần phải làm một cái gì đó biểu hiện sự phấn khích của mình. Tôi tuyên bố với cả nhà:
- Chuyến đi này, ăn uống gì, mua sắm gì... cho ba đứa nhỏ quyết định tất!
Tôi tưởng mình sẽ được hoan nghênh. Dè đâu chính cô con út đã nói:
- Chắc là bố nói vui? Bố mẹ giữ tiền thì tụi con quyết định được cái gì?
Tôi bật ngồi dậy! Không khí trong phòng vẫn lạnh mà tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng lên .../.