Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
679
123.237.881
 
Một câu chuyện vô lý
Nguyễn Thành Nhân

Sự vô lý và khó hiểu, nói một cách văn hoa cường điệu hơn là “bất khả tư nghị” của câu chuyện này bắt đầu từ một buổi tiệc gặp gỡ giữa những người bạn cũ với nhau, hoặc cũng có thể bắt đầu từ một thời điểm xa hơn, xin các bạn đọc tự kết luận lấy sau khi đọc. Có một điều là nó thật sự lạ lùng. Anh bạn đã kể lại cho tôi câu chuyện này còn cho là nó thậm vô lý và kỳ cục. Nghe xong, tôi cũng đồng ý với anh ấy.


*

Bàn tiệc có năm người. Đôi vợ chồng Hương, Thiện từ Mỹ về thăm quê. Hằng, giảng viên đại học ở Đà Lạt. Tuấn, ông chủ một tiệm tạp hóa nho nhỏ ở Long Xuyên. Và tôi, một gã đàn ông bốn mươi hai tuổi chưa vợ lông bông.

Hương và Thiện đã mất mấy ngày cố gắng tìm kiếm bắt liên lạc để có cuộc hội ngộ hôm đó. Chúng tôi vừa là bạn hàng xóm, vừa là bạn học từ thời còn cởi truồng tắm mưa cho đến lúc học hết lớp mười hai. Rồi bỗng dưng tứ tán mỗi đưá một phương, hơn hai mươi năm rồi mới có dịp gặp nhau tương đối đông đủ như thế.

Thiện kể:

- Hương qua đó được ba năm thì mình qua, nhưng ở khác tiểu bang. Hơn hai năm sau, qua một số bạn bè mới biết tin, liên lạc được với nhau. Tụi mình cưới nhau năm 1989, có một con gái 12 tuổi và một con trai 10 tuổi. Mình gởi hai đứa cho ông bà nội chứ không dẫn chúng về. Tụi nhỏ sinh ra ở Mỹ bây giờ thích nói tiếng Mỹ với nhau hơn tiếng Việt. Ngay cả nói chuyện với tụi mình chúng cũng chêm nửa nạc nửa mỡ nghe muốn nổi điên. Chuyện tụi mình nói tóm là vậy. Bây giờ Hằng, Tuấn và Bình kể xem chuyện gia đình sinh sống thế nào…

Tôi xin phép được tóm tắt câu chuyện của từng người: Hằng học xong Đại học Sư phạm, ra trường về Long Khánh dạy mấy năm, sau đó quen với một giảng viên đại học ở Đà Lạt, kết hôn và chuyển lên đó sống, đã có ba con. Tuấn học trung cấp cơ khí, sau đó về làm với một ông cậu có xưởng cơ khí ở Long Xuyên, gặp và cưới một nàng thôn nữ, rồi bỏ nghề cơ khí, mở tiệm bán hàng, sống cũng tạm ổn. Tôi đi nghĩa vụ quân sự về, trôi nổi một thời gian, sau đó học sư phạm nhưng ra trường cũng bỏ nghề, giờ viết lách lăng nhăng kiếm sống.

Cuộc chuyện trò kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, sôi nổi, hào hứng, ai cũng tranh nhau nói, tranh nhau hỏi. Quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều hồi ức. Và cả những điều mới mẻ đã xảy ra trong cuộc sống của mỗi đưá sau hơn hai mươi năm xa cách. Nhưng rồi không khí cũng chùng xuống, mỗi người dõi theo những dòng suy nghĩ riêng tư. Đột ngột Hương nhìn tôi hỏi:

- Tâm bây giờ ra sao?

Tôi nhìn Hương, rồi nhìn lướt qua tất cả những gương mặt thân yêu cũ. Thời gian khắc nghiệt đã in dấu lên tất cả. Thiện và Hương tuy có phần trắng trẻo, hồng hào những cũng đã thay đổi, già đi. Hằng, cô hoa khôi trung học ngày nào, giờ đã trở thành một phụ nữ trung niên héo hắt. Tuấn thì cũng giống tôi, tóc đã chớm nhiều sợi bạc, mặt xếp đầy những nếp nhăn của một thời gian khổ. Chỉ có Tâm là còn trẻ mãi. Nó đã chết khi chưa đầy hai mươi tuổi.

-Tâm chết lâu rồi Hương à. Nó ở cùng tiểu đội với mình cho đến lúc hy sinh.

Im lặng. Những cốc rượu vang trên bàn vừa được rót đầy. Tôi dõi theo những tia sáng phản chiếu trong mấy cốc rượu. Chúng đi theo những đường di động phức tạp nào đó trong cái chất lỏng màu đỏ sóng sánh để rồi cuối cùng hắt lên gương mặt của các bạn tôi, tạo thành những vệt sẫm lạ lùng, trông như những vệt máu khô. Từ đôi mắt sâu buồn của Hương, những giọt nước mắt rưng rưng trào khỏi khóe rồi bắt đầu lăn xuống hai bên gò má, tạo thành hai dòng chảy ngoằn ngoèo, long lanh một màu đỏ nhòa nhòa.

Hồi ấy Tâm và Hương yêu nhau. Yêu ghê lắm, nhưng rất e dè kín đáo và trong sáng, không như cái cách yêu phô bày trơ tráo đậm màu xác thịt của giới trẻ ngày nay. Hồi ấy, Thiện cũng yêu Hương, đơn phương, câm lặng. Nhưng tất cả những người ngồi ở đây đều biết rõ. Vì tất cả đều quá thân thiết và gần gũi nhau trong những tháng ngày đó. Những trò chơi u, chơi đánh chỏng, tạt lon, trốn tìm… thời cấp một cấp hai. Rồi lên cấp ba, những trò chơi hồn nhiên ít dần đi, giữa mấy đưá con trai và con gái bắt đầu có những cảm xúc lạ lùng khi đối diện với nhau. Chợt thấy người bạn khác phái trở nên xa lạ, bí ẩn nhưng có một sức hút mãnh liệt làm tim đập mạnh và mặt đỏ bừng khi vô tình chạm phải thân thể của nhau. Những buổi chiều tan học, mấy đứa tôi cùng đi chầm chậm dọc theo con đường nhỏ có những hàng phượng vỹ, trò chuyện lan man về một bài toán khó, một đoạn văn hay, một bộ phim xúc động…Những bài thơ câu chữ vụng về nhưng chân thật gửi tặng cho nhau. Tình yêu giữa Tâm và Hương nảy mầm từ những điều như vậy. Khi tôi và Tâm còn ở quân trường, có lần Hương và vài người bạn đã lên thăm. Tâm kể với tôi hai đưá đã trao tặng cho nhau nụ hôn đầu ở một góc đồi râm mát. Một mối tình học trò thơ mộng và trong sáng, nhưng thật sự chẳng có gì sâu đậm. Tôi cũng từng trải qua gần một chục mối tình học trò như vậy. Tất cả đều chỉ mang đến chút buồn vui dịu nhẹ mơ hồ khi nhớ lại. Chỉ vậy mà thôi. Hồi nhỏ, tôi cũng khá thích Hằng. Nhưng lên cấp ba, tôi thấy Hằng nói nhiều quá, bình thường quen thuộc quá. Tôi chỉ thích những cô gái ít nói và có một chút gì đó hơi kiêu kỳ xa cách. Nó tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt ở đối tượng, và cũng tạo cho tôi một cảm giác an toàn. Hình như cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ biết yêu thật sự. Tất cả đều dừng lại ở mức độ một tình yêu trẻ con thơ mộng và nhút nhát. Cả Tâm cũng vậy. Cả Hương cũng vậy. Một tình yêu như thế không thể làm cho người ta đau khổ, nó chỉ nâng đỡ tâm hồn, gợi nhớ lại một thời tuổi trẻ ngây ngô. Và tất cả đều đã qua rồi. Qua rất lâu rồi. Giờ Tâm đã chết, Hương đã là của Thiện. Một kết thúc tương đối tốt, cho Hương, và cho Thiện.

Tôi lên tiếng, phá vỡ sự im lặng không nên có.

- Hương đừng buồn nữa. Kỷ niệm ngày xưa đẹp lắm, nhưng thực tế bây giờ mới quan trọng. Lâu nay hai vợ chồng bạn vẫn hạnh phúc với nhau phải không? Mình tin là vậy.

Thiện cầm cốc rượu lên nốc cạn, rồi nói khẽ:

- Cô ấy vẫn nhớ Tâm … cho đến bây giờ, các bạn à. Cô ấy chấp nhận đến với mình không phải vì tình yêu mà vì nhiều lý do khác. Nhưng mình hiểu Hương, tôn trọng Hương và vẫn yêu Hương… Bình nè, có cái mình không hiểu là hồi ấy, khi hai ông qua Campuchia, Hương đã gửi rất nhiều thư cho Tâm mà chẳng có một tin gì hồi đáp. Hồi đó, mình cũng hay qua Hương hỏi thăm nên biết chuyện này. Vì sao vậy? Ông có biết không? - Thiện hỏi tôi.

Tôi biết. Và tôi đã kể cho các bạn tôi nghe. Tuy nhiên, tôi không nói đến chi tiết quan trọng nhất. Tâm là một đưá trẻ mồ côi cha mẹ. Ba má nó mất trong một tai nạn giao thông. Bà ngoại nó nuôi nó từ nhỏ đến lớn. Hồi còn đi học, bạn bè ai cũng thương quý nó, vì nó nghèo mà học giỏi, lại rất hiền lành dễ mến. Tâm và tôi về cùng một tiểu đội trinh sát. Tâm chiến đấu gan lì, dũng cảm lắm. Tôi với nó đã là bạn thân từ nhỏ, sang đó lại càng thương nhau hơn cả anh em ruột. Hai đưá tôi qua K được khoảng hai tháng thì bà ngoại nó mất. Sau đó, căn nhà của bà bị một ông cậu bán đi. Ông cậu nó vốn là tay cờ bạc ăn chơi. Sau khi bán nhà ăn xài hết ông cũng bỏ đi đâu mất tích. Tâm trở thành kẻ không nhà cửa, không người thân. Nó quyết định đăng ký sĩ quan, chọn theo đời binh nghiệp. Trong một trận đánh không bao lâu sau đó, tôi và nó đều bị thương. Có điều tôi thì không sao, còn vết thương của Tâm biến nó thành một người không còn khả năng làm cha nữa.

- …Nhiều đêm Tâm nằm tâm sự với mình. Nó nói nó không nhà cửa, thân thích. Giờ lại là lính chiến, biết sống chết ngày nào. Nếu còn nguyên lành xuất ngũ về thì cuộc sống cũng rất khó khăn, làm sao lo cho Hương được. Nó nhận ra nó khó mang đến cho Hương hạnh phúc. Ngoài ra, Thiện à, Tâm biết ông rất yêu Hương. Ông lại có điều kiện chăm sóc cho Hương, có thể vượt biên như cô ấy. Vì thế, nó quyết định cắt đứt, không viết thư cho Hương nữa. Để Hương giận và quên nó, để Hương dễ dàng thuận lợi sang Mỹ với gia đình.

Hương nhìn tôi đau đáu. Đôi mắt to đen trong vắt ngày xưa Tâm thường hay ví là hai hồ nước mùa thu và xin tình nguyện làm người chết đuối trong đó giờ đã hơi mờ đục. Từ đôi mắt ấy niềm đau chôn giấu suốt hai mươi năm nay thoát ra thành những giọt rưng rưng.

- Tâm suy nghĩ thật kỳ. Nếu lúc đó, Tâm gửi thư về thì Hương nhất định không theo gia đình vượt biên qua Mỹ. Hương sẽ ở lại chờ Tâm. Nghèo khó thế nào Hương cũng chịu … Trong thư, Hương cũng có ghi rõ vậy mà … Bình có giữ được kỷ vật gì của Tâm không?

Tôi gật đầu. Tâm hy sinh trong trận cuối rất đột ngột. Không kịp có một lời trăng trối. Nhưng bình thường trò chuyện với nhau, nó hay nói giỡn rằng nếu nó chết trước thì tôi sẽ là người thừa kế di sản của nó, còn nếu tôi chết trước thì nó là người thừa kế của tôi. Di sản của nó là một cuốn sổ ghi chép linh tinh đủ thứ, trong đó có dán tấm ảnh của Hương chụp trong một lần lớp tổ chức đi cắm trại ở núi Bửu Long, Biên Hòa, một bọc nylon đựng tất cả thư từ của Hương, một cái bình toong sắt, một chiếc võng dù. Võng dù và bình toong tôi đã cho một đứa em trong trung đội xài. Tôi cũng chưa chắc mình có còn sống về tới nhà hay không thì giữ mấy thứ đó làm gì.

Bao nhiêu năm rồi không biết, tôi ít khi ngó lại những kỷ vật của một thời chinh chiến. Cuộc sống ngày nay có quá nhiều bận rộn, toan tính, lo âu cho tất cả mọi người. Những dĩ vãng, ký ức dường như chìm khuất, mất tăm trong vòng xoáy sôi sục của những gì đang xảy ra trước mắt hoặc sắp sửa xảy ra. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong những đêm say chưa tới mức, tôi nằm lăn lộn, thao thức trên căn gác lạnh giá và nhớ tới những chuyện xa xưa. Nhớ những anh em đồng đội, đã chết hay còn sống. Nhớ thời thơ ấu hồn nhiên, những buổi tắm mưa, tắm sông, những trò chơi tuổi nhỏ. Sống lại một lần nữa những quãng thời gian đẹp đẽ và trong sáng trong khoảnh khắc. Rồi chợt giật mình quay trở về thực tại. Nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên tường. Nghe gió đìu hiu thổi qua song cửa.

- Mình còn giữ một cuốn sổ của Tâm, sẽ giao lại cho Hương. Trong đó còn có một tấm ảnh của Hương hồi lớp 11 nữa. Và cả những lá thư Hương gửi sang, Tâm vẫn giữ gìn rất cẩn thận cho tới lúc hy sinh. Các bạn à, ngày mai tụi mình đến nghĩa trang liệt sĩ viếng mộ Tâm đi. Nó hy sinh tháng mười một. Bây giờ cũng gần tới ngày giỗ của nó rồi.

Chúng tôi trao đổi thêm vài câu nữa rồi chia tay nhau.

 

*

 

Vợ chồng Thiện về Mỹ được khoảng hơn một tháng có gửi email cho tôi. Rồi sau đó bặt tăm. Gần một năm sau, Thiện lại viết cho tôi, báo rằng hai vợ chồng đã ly hôn. Hương đã vào tu trong một nữ tu viện dòng kín ở Colorado từ mấy tháng rồi. Trong thư Thiện kể rằng sau khi từ Việt Nam quay về Mỹ, Hương ngày càng ít nói, ít ăn, ít ngủ, hay thẫn thờ lo ra, và không muốn tiếp tục sinh hoạt chồng vợ nữa. Được một thời gian thì đòi ly hôn để đi tu. Thiện bảo đã cố gắng năn nỉ, thuyết phục Hương mãi mà không được. Cả hai đưá con cứ khóc lóc ỉ ôi cũng chẳng làm Hương xiêu lòng. Cuối cùng đành phải chấp nhận làm theo ý cô ấy. Thiện than thở và hỏi tôi có hiểu được lý do sự việc không. Tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng cuối cùng cũng không hiểu đâu vào đâu cả. Xét theo lý lẽ thường tình, nếu Hương có tâm hồn mộ đạo, muốn đi tu thì đã tu từ thời thiếu nữ. Tất cả phải xuất phát từ buổi gặp hôm đó, vì cuốn sổ của Tâm. Nhưng cho dù đúng vậy thì sao? Cũng không có một lô-gíc nào trong mối dây liên hệ. Vì một mối tình học trò với một người đã chết từ hơn hai mươi năm trước? Chẳng lẽ nào! … Vì Thiện thay đổi thái độ, ghen tuông hằn học làm Hương khổ sở chăng? … Cũng không thể có. Thiện là một người đàn ông rộng lượng và hiểu biết. Vả lại, có ai đi ghen với một cuốn sổ bao giờ. Cuốn sổ của Tâm tôi đã đọc nhiều lần, cũng không có gì đặc biệt. Nó ghi chép linh tinh các thứ, về những trận đánh, về đồng đội, về nỗi nhớ Hương…Nhưng tất cả đều bình thường như bất kỳ một cuốn sổ nào của những người lính chiến. Tâm có khiếu về toán lý chứ không có khiếu văn chương, câu chữ của nó đọc nhiều lúc thấy tức cười. Những gì ghi chép trong đó không thể tác động đến Hương một cách mãnh liệt được. Tôi không biết có một chuyên gia tâm lý nào có thể lý giải được quyết định lạ kỳ đó hay không, dựa trên những tình tiết mà tôi biết. Rốt cuộc, có lẽ chính tôi là người có lỗi vì đã giao lại cuốn sổ ấy cho Hương. Tôi suy tư, dằn vặt ít lâu rồi cũng quên khuấy đi mất. Cuộc sống quả còn nhiều lạ lùng bí ẩn. Tâm lý con người quả phức tạp khôn lường. Trước đây tôi cứ tưởng là mình cũng đã sống nhiều, hiểu nhiều, giao tiếp gặp gỡ với đủ loại người, biết gần hết mọi sự đời. Sau chuyện này, tôi nhận ra rằng có những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những sự kiện nào đó, tuy rất bình thường, nhưng nếu xảy ra sẽ có thể đẩy một số phận con người chuyển sang một bước ngoặt lớn lao. Dù sao, tôi nghĩ, cuộc sống vẫn như một dòng chảy không ngừng xuôi về phiá trước. Những gì đã rơi lại sau lưng chỉ còn là những hồi ức thỉnh thoảng quay về, gợi chút buồn thương hay nhớ tiếc…



*

Tái bút của người thuật lại: Câu chuyện này tưởng chừng đã kết thúc ở bên trên hóa ra vẫn còn chút vĩ thanh; tưởng chừng vô lý lại hóa ra không vô lý, hoặc cũng vô lý nhưng theo một chiều kích khác. Lần gặp tôi gần đây nhất, Bình, anh bạn đã kể lại câu chuyện trên, đưa cho tôi đọc một lá email mà anh đã in ra. Tôi nghĩ tốt nhất là trích lại nguyên văn một phần quan trọng của lá thư này để các bạn cùng đọc và kết luận. (Tôi đã được sự đồng ý của tác giả lá thư, với điều kiện phải giấu tên thật của các nhân vật.)


*

Colorado, ngày….

…Anh Bình thân mến,

Chuyện ly hôn của Hương và Thiện chắc anh đã biết rồi. Hôm qua, ảnh đưa hai cháu vào tu viện thăm Hương và có nhắc tới anh. Có một chuyện mà từ bấy lâu nay Hương vẫn giấu Thiện. Vì không muốn làm ảnh buồn, thất vọng, khinh rẻ coi thường Hương hay vì nỗi mặc cảm, nhục nhã của chính mình Hương cũng không hiểu nữa. Ngay cả khi Hương đề nghị ly hôn và muốn đi tu, Hương cũng không giải thích gì với ảnh cả. Nhưng sau những ngày cố gắng tu tập trong tu viện, lòng Hương vẫn cảm thấy áy náy không yên. Và Hương hiểu rằng chỉ có nói hết sự thật thì may ra Hương mới có thể tìm thấy chút bình an. Hôm qua, Hương và Thiện đã nói chuyện riêng rất lâu, và Hương đã kể lại toàn bộ sự thật cho ảnh nghe.

Hương viết bức mail này gửi anh, cũng là nói về sự thật đó, sau khi đọc xong mong anh hãy đem đọc nó trước mộ Tâm giùm Hương, như một lời thú nhận, để Hương có thể sống nốt quãng đời còn lại với chút bình an thanh thản. Lỗi của Hương với người còn sống là anh Thiện thì đành vậy, vì không còn cách nào giải quyết tốt hơn.

Anh Bình thân mến,

Trong thời gian còn lênh đênh ở hải phận quốc tế, chưa được tàu nào đón, chiếc tàu chở gia đình Hương đã bị cướp biển tấn công. Hương và một số phụ nữ khác đã bị hãm hiếp dã man. Có người không chịu nổi uất ức đã nhảy xuống biển tự tử sau đó. Lúc ấy, Hương cũng muốn chết cho rồi, nhưng thương cho ba mẹ bắt đầu già yếu và thằng em trai còn nhỏ dại, nên phải bấm bụng chịu đựng nỗi nhục nhã để tiếp tục sống. Gia đình Hương phải ở một trại tập trung ở Phi Luật Tân một thời gian rồi mới được đưa sang Mỹ. Do thời gian đó phải đối đầu với nhiều khó khăn, thử thách, nỗi đau đớn nhục nhã của Hương đã lặng chìm đi…

Khi Thiện dò hỏi được địa chỉ nhà Hương và sang thăm, Hương đã quyết lòng tránh mặt ảnh. Dạo đó, Hương đã nghĩ sẽ cố học xong đại học, ra trường đi làm vài năm nữa, dành dụm chút ít tiền đủ cho thằng em học và ba mẹ sống an nhàn rồi Hương sẽ xin vào tu viện, lánh xa sự đời bon chen ô trọc. Nhưng tránh mãi rồi cũng phải tiếp Thiện, rồi sau đó gặp gỡ ảnh thường xuyên. Hai gia đình từng là láng giềng thân thiết. Ba mẹ Hương từ lâu cũng rất mến ảnh. Thêm nữa là ảnh cứ một lòng đeo đuổi, nên cuối cùng Hương đành phải chấp nhận dù lòng không muốn. Thật sự, do cuộc sống bên này rất bận rộn, Hương cũng chẳng còn thời gian để nghĩ, để nhớ nhiều về các bạn bè trong nước, ngay cả với Tâm.

Sau hôm gặp lại anh và các bạn, ra thăm mộ Tâm, rồi trở về Mỹ với kỷ vật của Tâm, cả một dĩ vãng như sống dậy trong lòng Hương. Đêm nào Hương cũng nằm mơ thấy Tâm của thời học trò ngày cũ. Rồi mơ thấy lại những cảnh hãi hùng trên biển. Những tình cảm xa xưa, những cảm giác kinh khủng đớn đau tưởng đã quên hẳn bỗng quay trở lại. Sự việc cứ tiếp diễn như thế suốt mấy tháng liền, Hương sợ cả việc đi ngủ, và cũng bắt đầu cảm thấy có lỗi với Thiện. Hương đã đi nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn, làm đủ các cách để cố gắng vượt qua nỗi ám ảnh đó. Để tiếp tục sống một đời sống bình thường, vì sau khi kết hôn, Hương đã bỏ ý định đi tu. Sau đó lại thêm hai cháu ra đời. Hương không muốn chúng phải sống xa mẹ. Mà không được, anh Bình ơi! …

Cuối cùng, như anh đã biết. Hương phải nương tựa vào niềm hy vọng cứu chuộc cuối cùng là tôn giáo. Tu viện tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, thời gian bận bịu và việc gặp gỡ, tiếp xúc với những con người đau khổ, những hoàn cảnh khốn cùng cũng giúp Hương vơi đi rất nhiều những nỗi niềm riêng. Hương chỉ cầu mong cho Thiện và các con Hương vẫn sống bình an hạnh phúc. Cầu mong cho ảnh sẽ sớm gặp một ai đó mang tới được cho ảnh cảm giác yêu thương chứ biết sao hơn….

Kính chúc hai bác và anh Bình mạnh khoẻ, bình an. Thân mến.

Bạn cũ. Hương.

 

10/2005

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 2722
Ngày đăng: 15.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con cá chép - Huỳnh Văn Úc
Trẻ con không trẻ con - Khôi Vũ
Truyện ngăn ngắn-3 - Mang Viên Long
Nỗi Xôn Xao Không Mầu - Trang Thanh Trúc
Tuyết rơi - Nguyễn Hồng Nhung
Về quê - Giang Kiều
Mùi cơm khét - Nguyễn An Cư
Đàn ông - Văn Xương
Cỗ ngai (*) - Phan Đức Nam
Người đàn ông làng Yên Hạ - Sương Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)