Cuộc kháng chiến kết thúc đã mười năm. Với độ lùi có được về thời gian ấy, càng ngày chúng ta càng thấy giá trị lớn lao và phong phú của nó. Đấy là cuộc chiến tranh trên nhiều phương diện, nhiều địa bàn, nhiều hình thái. Văn học ta đã có nhiều cố gắng nhận diện và tái hiện cuộc kháng chiến vĩ đại ấy. Riêng tôi, tôi vẫn cứ nghĩ rằng muốn hiểu được thực chất của cuộc kháng chiến ấy, phải bám vào làng xóm của vùng giáp ranh-nơi đụng độ quyết liệt nhất của sống, chết và lòng người. Ở đây khoảng cách về không gian giữa ta và địch hầu như không có. Sự giành giật từng tấc đất, từng con người là chuyện xảy ra như cơm bữa. Một đoạn đường, một con mương, một hàng cây nay còn bị địch chiếm, ngày mai có thể đã về ta và ngược lại. Ngay phẩm chất con người là cái có tính ổn định hơn, nhưng cũng không phải là bất biến. Sự tác động của hoàn cảnh làm cho con người ngày càng hiểu thực chất của vấn đề, của chân lý hơn nhưng cũng có mặt trái lại, làm cho con người bị tha hóa đi. Những tranh chấp ấy nhiều khi thật khốc liệt, anh hùng và bi tráng. Từ những ý nghĩ ấy tôi thật sự tâm đắc với những trang viết trong "Đất không giấu mặt" của Hào Vũ, một cây bút trẻ lần đầu làm quen với tiểu thuyết.
Về cốt truyện, "Đất không giấu mặt" không có gì đáng chú ý cho lắm. Ấy thế mà đọc lại cuốn hút, thậm chí nhiều chương, đoạn say mê, vì trong đó nhiều nhân vật, nhiều số phận được tác giả tái hiện rất sống, gần gũi với đời thường. Bình là một ví dụ. Ở những chương mở đầu, Bình là người thật tốt. Chiến đấu giỏi, thương yêu đồng đội, biết trọng những người hơn mình về mặt này hay mặt khác, cư xử với người yêu cũng thật dịu dàng và có văn hóa, dù anh tự nhận "trình độ văn hóa không đủ viết một bức thư tình cho mùi". Đùng một cái, chỉ trong một thoáng buông lỏng suy nghĩ mà anh phạm khuyết điểm về quan hệ nam nữ, bị coi là "lợi dụng" một thiếu nữ đang khao khát yêu đương, bị coi là "có tư tưởng sống gấp". (Thật ra khuyết điểm cũng không nặng đến mức như anh em tô vẽ thêm). Đang trong tâm trạng hoang mang trước khuyết điểm và sự khinh rẻ của bạn bè, anh lại được một người chỉ huy du kích đáng khâm phục và khéo nói rủ rê về du kích. Thế là anh bỏ đơn vị, đào ngũ (có lẽ dùng từ đảo ngũ chính xác hơn). Về cơ sở mới, anh vẫn phát huy tốt những phần tốt đẹp mà anh có, vẫn chiến đấu dũng cảm và thông minh, vẫn vững vàng trong những tình huống hiểm nghèo, nhưng lòng tự trọng của người lính vẫn luôn là một mũi tấn công quyết liệt, dằn vặt anh, khuấy đảo những ý nghĩ của anh, mỗi lần nhìn lại những hành động thiếu chính chắn của mình. Lòng anh luôn hướng về cái đẹp cái trong sáng. Bởi vậy, ngay với người chỉ huy anh hết sức kính phục và yêu quí là Mười Lê, khi anh Mười đùa Tư Si: "Nhưng giờ thì hết giấu trong bốn đứa mình đây, đứa nào chiêu hồi bay bị hết" thì Bình khó chịu. Anh chưa quen với cách đùa như thế, nó cứ tàn nhẫn làm sao. Cảm giác ấy trước đó, anh đã một lần bắt gặp khi bà mẹ nuôi rất mực yêu quý, dặn anh: "Có gì cũng đừng chiêu hồi nghe con". Phải trong sáng vững vàng lắm mới có được cái phản ứng trước những "va chạm" thoáng qua và nhẹ nhàng như thế. Hào Vũ đã biết chuẩn bị một quá trình cho nhân vật để khi đưa chi tiết này ra vừa có sức thuyết phục về phẩm chất cách mạng của Bình, vừa bộc lộ tính cách của anh.
Nhưng rồi, có lẽ trong liên tưởng của Bình chừng như bị các "tấm gương tày liếp" là Hai Thanh, làm đến Phó Chính ủy phân khu và tên chỉ huy du kích Năm Sáng đã chiêu hồi và bộc lộ tất cả những gì giả dối và phản động của chúng, thì Bình như tỉnh thêm về sự trong sáng có phần cực đoan của mình. Những suy nghĩ của anh chuyển sang chiều hướng chân xác hơn: "Hay là ở đây, trước cảnh chiến trường ác liệt bắt buộc người ta phải nhìn thẳng mọi vấn đề, nhìn không né tránh để mà tránh nó". (tr.146)
Cái đau khổ, day dứt nhất của Bình không phải là sự đấu tranh giữa hai con đường theo cách mạng hay theo địch mà là danh dự người chiến sĩ. Sống với du kích. Sống với du kích, anh cảm thấy vui khi được đồng đội tin và giao cho những công việc nặng nề. Anh cảm thấy vui khi được đồng đội tin và giao cho những công việc nặng nề. Anh cảm thấy ấm áp mỗi lần hiểu thêm đồng đội và nhân dân. Và tình yêu giữa anh và Tư Si cũng khích lệ anh nhiều lắm, nhưng anh không ngớt day dứt, dằn vặt khi có những mũi kim vô hình châm vào ký ức không đẹp ngày qua. Nhất là khi nghe tin đơn vị cũ của anh lại đánh địch ngay trên địa bàn anh đang hoạt động.
Nếu như ở Bình, các mâu thuẫn diễn biến nặng về nội tâm thì ở Mười Lê lại trên một bình diện khác. Mười Lê là một chỉ huy du kích có tài, dũng cảm và táo bạo. Anh biết chăm lo gia đình, lại là người hết lòng yêu thương săn sóc đồng đội. Dưới con mắt nhân dân trong xã, anh còn là một cán bộ giàu sức thuyết phục, nhưng giữa anh và bà Chính Kiếng vẫn âm ỉ một mâu thuẫn, một đối lập không phải khó nhận ra. Đó là sự tranh chấp về đất đai. Quyền tư hữu về đất đai, với người nông dân là vấn đề không dễ gì nhượng bộ. Riêng Mười Lê, dường như nó còn bắt nguồn từ sự thức dậy trong anh những kỷ niệm xa xôi thuở cha con anh vỡ hoang trồng cấy. Bây giờ, vì lợi ích của cách mạng, những mâu thuẫn nội bộ phải nén xuống để tất cả tập trung vào việc chống lại kẻ thù, nhưng "Mười Lê cứ bị cái bờ ruộng ấy ám ảnh, anh muốn quên nó đi, nó lại cứ hiện về". Những yếu tố của cách mạng dân chủ xen cài vào yếu tố của cách mạng dân tộc, dưới con mắt cộng sản của Mười Lê, anh đã nhận thấy, anh đã đấu tranh để tự vượt mình, nhưng rồi củng không phải đã gột bỏ được tất cả nhược điểm của tư tưởng cũ, thành thử với bà Chín, anh có nhiều điểm không thống nhất-xét về lý tưởng cách mạng-nhưng vẫn lúng túng, lấn cấn trong xử thế hàng ngày. Với những chi tiết như thế, cách nhìn của tác giả với Mười Lê toàn diện hơn. Về phía này, anh có nhiều nét tốt đẹp, nhưng ở phía khác, ta vẫn thấy Mười Lê vẫn cần phải hoàn thiện hơn.
Những mặt đối lập như vậy ta có thể thấy trong hầu hết các tuyến nhân vật, trong từng nhân vật của Hào Vũ. Có điều những tiêu chí phân định phải trái, đúng sai trong các nhân vật của anh cũng có phần mềm mại, uyển chuyển. Đấy là một lý do quan trọng để nhân vật không đơn điệu, khô cứng. Số trang Hào Vũ dành để viết về ông Bảy Đa không nhiều nhưng nhân vật này cũng có những đặc điểm cá tính khá rõ. Trong Tư Si, Út Hằng, Tuấn, Hoàng, gã công tử bột Hưng, tên phản bội Năm Sang, tên sĩ quan phản động nhiều ảo tưởng Thiện, thậm chí trong cả những nhân vật phụ thoáng qua như vợ Năm Hoa Mua, bà Chín Kiềng, bà cô của Tư Si… cũng có thể nhận thấy ý định của tác giả xây dựng theo cách đối lập, tương phản. Chính điều đó làm cho các nhân vật có tâm trạng, có cá tính.
Ngôn ngữ nhân vật trong "Đất không giấu mặt" khá linh hoạt. Tuy không phải là người sinh ra ở miền đất đồng bằng Nam Bộ nhưng do chịu tìm tòi, suy nghĩ nên Hào Vũ nắm khá vững ngôn ngữ địa phương. Cách liên tưởng, so sánh hóm hỉnh và gợi cảm. Anh có lối tư duy và so sánh mang nhiều dư vị dân gian. Những trang viết về Mười Lê dụ Bình về du kích hya khi Bình vô ấp đến nhà Năm Hoa Mua là những trang viết sinh động, lại rất có duyên. Hào Vũ ít chú ý đến việc dựng chân dung nhân vật qua hình dáng, diện mạo. Đôi khi có chi tiết anh thích thú thì lại không đắt và có phần tự nhiên chủ nghĩa. Hào Vũ chỉ thành công khi anh miêu tả, dựng người dựng cảnh trước khi vào trận đánh.
Cái dữ dội của các trận đánh vẫn phải nhờ tác giả giải thích thêm, chứ bản thân sự kiện lại thiếu chất tự nhiên của nó. Cuốn sách được chia làm ba phần không đều nhau, ở những chương đầu và phần thứ ba, các nhân vật bị "tãi" ra quá rộng, khiến người đọc chưa kịp nhận diện đã biến mất. Thông thường, ở nhiều tiểu thuyết của ta, bút lực của các tác giả càng về cuối càng yếu dần. Hào Vũ cũng nằm trong nhược điểm chung ấy. Ở phần ba, từ nhân vật đến tình tiết, từ đối thoại đến hình ảnh, có phần rời rạc.
Trước khi "Đất không giấu mặt" ra đời Hào Vũ mới chỉ có vài truyện ngắn, bút ký đăng rải rác trên các báo. Thành công đầu tiên này cho thấy anh có sức để vươn lên mạnh mẽ. Anh đang còn trẻ. Viết về chiến tranh, anh thực sự là người trong cuộc, đấy là lý do mà chúng ta tin và hi vọng ở con đường đi tới của anh. Tất nhiên, luôn luôn tự vượt mình bao giờ cũng là nỗ lực không ngừng của người cầm bút./.
* Tiểu thuyết của Hào Vũ -Nxb Tác phẩm mới, 1983.
Theo Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam - 1983