Một quán nhỏ trên khu phố cổ. Mở cửa bước vào, ồ ạt trào ra đường khoảng âm thanh sôi động, tràn ngập tiếng trống, tiếng kèn, tiếng đàn piano, một giọng ca nữ đứt đoạn dập dìu vút lên, rồi lại chùng xuống…
Đám khách thưởng thức phần lớn là người ngoại quốc, nhiều người đứng tuổi, họ ngồi kín các bàn, khe khẽ gật gù, hoặc im lặng bất động. Họ đang trở lại là mình, khi tắm trong dòng nhạc jazz biến tấu vừa chừng mực, vừa phóng khoáng, giữa một thành phố kỳ lạ ngoài kia, sau hai lần cửa khép kín, vẫn hiển hiện đông đặc như một biển người, một biển xe vô tận, chuyển động náo nhiệt đêm ngày.
Cô bước vào quán nhạc jazz với một người đàn ông, một người bạn học cũ.
Chàng vừa phục hồi trong bộ nhớ của cô chưa quá ba ngày.
Cũng kỳ lạ như hình ảnh thành phố, chàng vừa quen thuộc đến cũ kỹ với cô, phong thái này, giọng nói này, khuôn mặt này, cô đã ghi nhận từ lúc chào đời, nhưng cùng lúc, chàng cũng quá xa xôi…
Bao tháng ngày cô tồn tại trên đời, chàng ở đâu ? sao không dự phần vào những chia xẻ hữu hạn với cô, lúc ở một phương trời mù tắp, hoặc lúc cô tạm thời ẩn náu dưới một mái nhà, cũng trên mảnh đất này, nhưng với trí nhớ ngủ yên ?
Người ta sẽ giải thích ra sao, về hiện tượng của cô, như một kẻ bị cú nện mạnh vào gáy, sau một giấc ngủ dài tỉnh dậy, quên sạch, quên hết, quên tất cả những gì liên quan đến đoạn mở đầu của cuộc đời.
Trở lại thành phố quê hương, sau bốn mươi năm, cô gặp lại lớp học phổ thông cũ của mình. Mọi người đều hồ hởi, ai nấy nhìn vào tận mặt nhau, để đo lường những đổi thay hình hài, và gọi tên các sự việc đã đặt tên theo năm tháng. Như thể mọi người lần lượt đọc cho nhau nghe, những tờ lịch ghi kín công việc năm cũ, dành cho một đội ngũ nhân viên, luôn sống sát cánh bên nhau. Chỉ mỗi mình cô nhìn mọi người ngơ ngác, cô chẳng nhận ra ai, cũng như hoàn toàn ngỡ ngàng khi nghe họ phác hoạ lại hình ảnh cô học trò tóc dài, da trắng hồng, là cô năm xưa.
Đấy là một buổi sáng se se lạnh cuối thu Hà nội. Cả bọn gặp nhau trong một phòng rộng ở một khách sạn trong phố. Sợi dây duy nhất khiến cô lần tới đám người ồn ào có tên gọi lớp chuyên Văn, chuyên Toán thời phổ thông xưa, là một cậu bạn, người duy nhất cô gặp mỗi lần trở lại quê hương. Chính chàng là người đề xướng ra cuộc gặp gỡ này, để - như chàng nói- một con chiên lầm lạc tìm ra đường về với Chúa, một kẻ ngơ ngác đã quên sạch chính bản thân mình, tìm lại dấu vết mình khi xưa.
Mọi người sung sướng và độ lượng tha thứ cho những câu hỏi ngớ ngẩn của cô, từ việc xưng danh, đọc lại địa chỉ, đến những ngẫm nghĩ hồi lâu để tìm ra những liên kết sự việc theo năm tháng. Một cô bạn – cô nhớ ra, ngày xưa nhà cô ta có rất nhiều chùm hoa giấy rủ xuống bờ tường – phải bực bội kêu lên : Thật phí cái công chúng tao luôn luôn nhớ đến mày.
Các chàng trai xưa kia, đều đã biến thành những người đàn ông hoặc bệ vệ, hoặc hao mòn vóc hạc. Những cô thiếu nữ xưa kia, đã biến thành những thiếu phụ duyên dáng, hoặc trầm ngâm, hoặc vẫn vui vẻ hết cỡ khi chuyện trò.
Còn cô trở thành ai, sau một nửa đời nhìn lại ? chỉ thượng đế biết chính xác điều này. Cô, hình như chỉ nhận ra thực thể mình ở dạng một kẻ phân thân : ở đây có một ít, và đằng kia cũng có một ít.
Vĩnh viễn là một kẻ phân thân, những ai đã rời bỏ nơi sinh ra, để đến một mảnh đất khác cư trú. Như thể người ta chặt một cành, cắm xuống đất ẩm ướt, để nó đâm rễ, theo tháng ngày, trở thành một thân cây khác. Vết tích nào trên cái cây mới lạ, độc lập này, chứng tỏ nguồn gốc được chiết từ cành mà ra ?
Với cô, vết tích ấy có lẽ là bộ óc không thể hiểu nổi của mình.
Nó đã quên đi, quên sạch quá khứ, khi nó còn là một công dân của mảnh đất có chiến tranh. Từ chiến tranh, nó ra đi biến mất vào không gian một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Sau sáu năm học tập trở về, nó biến dạng thành một kẻ khác. Trong đầu nó, chỉ đọng lại dấu ấn của một nền văn hoá xa lạ, giờ đây đã trở nên máu thịt.
Trở lại một miền đất vừa chấm dứt chiến tranh, nó không tìm thấy bóng dáng mình, đúng hơn, những ngày sống cơ cực nhất, phi lý nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, đã biến nó thành cái phao bập bềnh nổi, trên mặt sông dâng tràn nước lũ, hãy sống sót, chờ bình minh mang nắng đến hút khô cơn lụt, hình như ông trời đã rỉ tai nó và tất cả mọi người điều này.
Cho dù trong một cơn lụt lội lớn nhất của linh hồn, nó đã cương quyết ra đi, như bao nhiêu con người bơ vơ vô hướng của xứ sở triền miên chiến tranh và đói khát này, dứt áo ra đi, vì bản năng sống còn, phần lãng mạn nhất của trí tuệ con người, xui bẩy.
Một nửa đời người trôi đi, những cơn lũ hứa hẹn không biết bao giờ sẽ tới tiếp, nhưng thành phố quê hương xao xác đói nghèo xưa kia đã phục sinh. Ít nhất từ góc độ thế hệ. Ít nhất, từ những mầm xanh sức sống, từ những công trình xây dựng ngổn ngang, hay một góc phố đặc kịt những người là người, hay một chiều nắng êm ả trong một công viên xanh rờn bóng cây, một sức sống dù mong manh vơ vất đến đâu, vẫn tươi tỉnh mỉm cười khi được bình yên phát triển.
Nó đã lang thang khắp nơi trong thành phố, tìm những vết tích tượng trưng, đánh dấu các khuôn mặt thế hệ. Nó muốn tìm lại những đền đài sót lại khi xưa, sau cơn lũ lụt, và may mắn sao, tìm được mảnh gương thần, in lại đời sống và hình hài của nó khi xưa…
Chàng bạn học cũ tỏ ra rất phấn khởi khi cô thổ lộ, cô yêu nhất nghe nhạc jazz. Vì đấy cũng là một nỗi thưởng thức cô đơn của chàng. Họ ngồi xuống cạnh một cái bàn trống, nhưng kê sát ghế cạnh nhau.
Những tâm hồn con người nói gì, khi tình cờ kiếm tìm nhau, cho dù hình như trên đời, chẳng có gì tình cờ hết. Cô nhận xét đôi lời, băng quơ, như thể không muốn chàng bận tâm vì cô, nhưng lại bối rối, khi chàng tuyên bố : nghe những lời này xong, là chúng ta bắt đầu làm phiền lẫn nhau.
Những biến tấu nhạc jazz khi dịu êm, khi sôi nổi, lúc trải dài, lúc dằng dai, nhấm nháp…một thứ nhạc không có ý định chinh phục, chỉ làm nền cho tâm hồn buông thả, rỏ từng giọt, tâm tình, chỉ gợi mở cho trái tim tự thú, hoặc trí tưởng tượng bập bềnh bay ngang, như một phút sững lại, thấy chỉ còn mình ta trên đời, đau đớn, hoặc bất chợt mỉm cười, vì lời như gió của ai, thoáng thủ thỉ bên tai…
Ôi con người, ôi mỗi ngày sống hữu hạn, sao tâm trạng ta lại dày đặc đến thế !
Cô không biết người bạn cũ mới quen lại, nghĩ gì, nhưng trong tâm tưởng, cô ngỡ mình đã đạt đến mức phân biệt rạch ròi, từng phút sống của bản thân.
Bởi cô đã sống quá lâu trong trạng thái tách biệt tình cảm và lý trí, dục vọng và ước mơ, cô đã quen nỗi đau dứt đoạn của con tim khi từ biệt những mảnh ruộng lúa nước lấp lánh soi bóng mặt trời hoàng hôn, bên con đường quốc lộ đưa cô ra sân bay, để gặp lại cảm giác nghẹn ngào đến một xứ sở châu Âu, có những mảnh vườn nhỏ xinh xắn, ôm lấy ngôi nhà mái đỏ xinh xinh như trong chuyện cổ tích.
Cô đã trải qua quá nhiều quằn quại suy tư, của một kẻ ra đi từ đói khổ, từ vô thức trắng trơn, để luyện cho con tim và trí óc, biết so sánh, đặt câu hỏi, tự trả lời, tự gặm nhấm và một ngày tự ý thức mình là ai, đi đến đâu và muốn gì trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Cô không biết người đàn ông vừa gần gũi, vừa xa lạ như quá khứ một thuở, ngồi bên cạnh cô suy nghĩ gì, nhưng cô biết cô đến đây không phải để thưởng thức nhạc, để vỗ tay tán thưởng các nghệ sỹ, hay để tìm tâm trạng cố hương như những người ngoại quốc kia.
Không, cô ngồi đây, giữa một không gian tràn ngập nhạc jazz ngẫu hứng đầy ắp cảm xúc, cô - cái vũ trụ nhỏ này- cùng một lúc, thưởng thức mọi cảm giác ngần ấy ngày sống trên đời của cô. Cô không thể làm khác, nó chính là cô, nó đã quy định cô : một quá khứ hồn nhiên đi học vừa thức tỉnh, một nỗi hân hoan pha niềm lo âu sợ hãi khi cảm nhận những đổi thay của thành phố quê hương, một mênh mang mất mát biết rằng nỗi phân thân lưu vong là có thật, một cơn đau sống tiếp tục, long lanh nước mắt, như vừa nhận ra tình yêu say đắm của ta với một người, cùng lúc biết rằng người ấy lại yêu một người khác, cũng bằng nỗi say đắm như ta.
Trong đêm nhạc jazz giữa lòng Hà nội, cô cảm nhận sâu sắc ân huệ được sống, biết yêu, cái cảm nhận được, mất, cảm nhận sự hoang tưởng như mơ của những truyện cổ tích lại là cái có thật, chỉ cần một chút hạ mình, dâng hiến, và âu yếm với tất cả những gì thượng đế đã dành cho ta. Vì chỉ nỗi khiêm nhường này cho ta hiểu trọn vẹn nỗi đau phải tiếp tục sống, và chấp nhận tất cả./.
Hà nội 2008.11.11.