Trong khi tiếp tục truy tìm những tài liệu để phục vụ cho việc giải mã những tồn nghi trong cuộc khởi nghĩa Láng Thé năm 1872 mà chúng tôi đã nêu ra trong bài trước(1), chúng tôi thấy trong rất nhiều tài liệu hiện hành, địa danh “Vũng Liêm” có quan hệ mật thiết với cuộc khởi nghĩa này.
Trên trang mạng của tỉnh Vĩnh Long(2), trong phần lịch sử hình thành vùng đất này đã viết: “Vùng đất Vũng Liêm ngày nay, cách đây hơn 270 năm là vùng đất mới, nằm trong tổng thể của thời kỳ khai hoang mở đất lập Dinh Long Hồ của chúa Nguyễn (1732). Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử có nhiều thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi: Vĩnh Trị (1732), Vũng Linh (1872), Vũng Liêm (1930)”…
Bên cạnh đó một tài liệu khác cũng lặp lại tương tự(3): “Vùng đất Vũng Liêm ngày nay, cách đây hơn 270 năm là vùng đất mới, nằm trong tổng thể của thời kỳ khai hoang mở đất lập Dinh Long Hồ của chúa Nguyễn (1732). Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử có nhiều thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi: Vĩnh Trị (1732), Vũng Linh (1872), Vũng Liêm (1930). Trước giải phóng, Vũng Liêm có thời kỳ thuộc tỉnh Trà Vinh (1958 - 1971), từ năm 1972 - 1975 thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sau giải phóng năm 1976 sáp nhập 02 tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, huyện Vũng Liêm thuộc tỉnh Cửu Long. Đến tháng 5/1992 chia tách tỉnh Cửu Long thành 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, huyện Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long đến nay”.
Về khía cạnh văn chương, trong bài “Tìm hiểu non sông -đất nước -dân tộc Việt Nam ..qua thi ca”(4), chúng ta hãy nghe:
“Quận Vũng Liêm hình dung lịch sử
Hai anh hùng Lê Cẩn Nguyễn Giao
Giết tham biện quan trào Pháp thuộc
Lấp vũng sâu xưng tụng Vũng Linh
Người đọc trại Vũng Liêm thành ngữ
Tiếng Vũng Linh hùng khí vẫn hiên ngang”…
Hoặc trong bài “Rong ruổi đường quê” của tác giả Hồ Tĩnh Tâm(5) có đoạn “Vũng Liêm gốc là Vũng Linh, hẳn ngài đại tá thực dân hiểu hơn ai hết về điều đó. Sau cái chết của ngài quan năm dưới tay Đốc Binh Cẩn, Chánh quyền Pháp ở địa phương đã xua quân xuống khu vực Cầu Đá để trả thù. Hàng trăm người dân vô tội đã bị khủng bố trắng bằng súng đạn. Phụ nữ bị hãm hiếp. Trẻ sơ sinh bị bỏ vào cối mà giã. Xác người bị vùi xuống vũng nước lớn. Oan hồn của muôn dân đêm đêm nổi lên than khóc, nên người đời mới gọi là Vũng Linh; về sau đọc trại đi thành Vũng Liêm như bây giờ”.
Trong lĩnh vực báo chí, bài “Theo lời di nguyện” của Báo Thương mại điện tử(6) thì cho rằng “Còn hồ "Vũng Linh" thì được coi là xuất xứ của tên gọi Vũng Liêm”.
Trong công trình nghiên cứu “Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1858 – 1918)”(7), tác giả Võ Phúc Châu đã khẳng định:
“Sang 1872, ‘nhóm nghĩa quân vùng Cầu Vông (Vĩnh Long) nổi lên kháng Pháp. Lãnh tụ kháng chiến là đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao’… ‘Thời gian trôi đi, đời sau tìm cách nói trại đi tên đất, như để xóa nhòa dần những ký ức bi thương. Rạch Hai Nàng, theo đó, đã thành rạch Nàng Hai , Vũng Linh oan khốc đã thành Vũng Liêm lặng lẽ, hiền hòa,…”.
Đọc Quốc sử quán Triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu(8) đoạn từ năm Nhâm Thân thứ XXV(1872) đến năm Ất Hợi thứ XXVIII(1875) chúng tôi không thấy có một chi tiết nào liên quan đến Vĩnh Long và cho đến hôm nay chúng tôi cũng không thấy có một tài liệu nào của Triều đình Nhà Nguyễn cũng như của chính quyền thực dân Pháp gọi đơn vị hành chính tại khu vực Vũng Liêm ngày nay là Vũng Linh.
Nhìn chung trong tất cả các tài liệu tiếp cận được, chúng tôi thấy rằng các tác giả của những tài liệu kể trên có khả năng chỉ tham khảo từ một nguồn tài liệu duy nhất đó là tác phẩm “Vĩnh Long xưa và nay” của Huỳnh Minh(9).
Nhắc đến nhà biên khảo Huỳnh Minh(10), đầu tiên chúng tôi phải khâm phục cho sự đóng góp của ông trong việc giới thiệu về đất nước và con người của mỗi địa phương mà ông đã đi qua nhất là những giá trị nhân văn mà ông gửi gắm qua từng trang viết (trong điều kiện nhân dân miền Nam đang sống trong vùng tạm chiếm), nhưng chúng tôi cũng phát hiện trong các công trình biên khảo của ông có nhiều sai sót cơ bản(11) cần phải đính chính.
Trở lại địa danh “Vũng Liêm” mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ. Như chúng ta đã biết trong vấn đề địa danh “quan trọng nhất là giải thích nguồn gốc, ý nghĩa ban đầu và những biến đổi của địa danh, vì đây là nhiệm vụ chủ yếu của ngành địa danh học. Việc xác minh nguồn gốc và ý nghĩa nguyên thủy của mỗi địa danh không kém phức tạp. Địa danh là những tấm bia lịch sử-văn hóa bằng ngôn ngữ mà đa số đối tượng ban đầu của nó (con người, cây cỏ, cầm thú, địa hình, biến cố…) không còn nữa mà sách vỡ trước đây ít khi ghi lại. Mặt khác, địa danh luôn bị tác động bởi quy luật biến đổi ngữ âm nên nó không còn mang dạng ngữ âm ban đầu. Hơn nữa, nó lại bị hệ thống âm vị của phương ngữ chi phối nên bị sai lệch. Đó là chưa kể đến các nguyên nhân ghi chép không chính xác, in ấn sai lạc…”(12). Chính vì vậy mà chúng tôi rất cẩn trọng trong việc truy gốc địa danh này.
Trong bộ sử của Triều Nguyễn, “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ(13), chúng tôi phát hiện bộ sách có ghi chép rằng:
“ VĨNH LONG
Minh Mạng năm thứ 9, chuẩn y lời tâu cho đầm Hải Đông ở trấn ấy, tiền thuế cả năm 790 quan.
Năm thứ 10, chuẩn y lời tâu cho các phủ Lạc Hóa, Vĩnh Bình thuộc trấn ấy, về tiền thuế cả năm cấp dôi ra cọng 21 sở, tiền là 3.063 quan, tự nay về sau cho miễn trừ tất cả.
Năm thứ 11, chuẩn y lời tâu cho chi nhánh song Hải Đông ở trấn ấy từ cửa biển Ba Lầy đến những chỗ có nghề đánh cá như: Mỹ Mịch, Ba Thắc, Nội Giang, Ngoại Hải, Trúc Quỳ, Khẩn Để, Phao Võng, đều quy vào 1 sở tiền thuế là 790 quan; về Trà Vinh, Mân Thiết, Tà Ngoa, Tà Công, Tà Mông đều quy vào 1 sở tiền thuế 561 quan; lạch Gỗ Dầm Cần Thơ thong sang đến Giáp Nặc, từ Phiếm đến Mễ gồm 2 bên các sở tiền thuế 35 quan; lạch Mục Phát Trà Vinh tiền thuế 390 quan, sở Lang Thiết gồm các bào xác xảo 360 quan; về lạch cá từ Cổ Trinh thong sang Cái Hồng, gò An, Vịnh Liêm, Lãng The [chúng tôi nhấn mạnh], và Cổ Chọn, cái Bãi, cái Tiêu, Thị Luận, cái Thảm, cái Lãng và cái Chác, quy về 1 sở tiền là 209 quan; lạch cái Cá ở Mỹ Long Bàng Côn 20 quan; lạch Ba Tri thuộc Mỹ Long 35 quan…”
Hai địa danh “Vịnh Liêm” và “Lãng The” đã xuất hiện trong sử sách Triều Nguyễn muộn nhất là vào năm 1829 (Năm Minh Mạng thứ 10).
Nhưng quan trọng hơn hết là trong tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức(14), lần đầu tiên chúng tôi thấy địa danh “Vũng Lim” xuất hiệt một cách trọn vẹn:
“[60a] Sông An Phú (tên thôn, tục danh là Vũng Lim), rộng 18 tầm, sâu 8 tầm, ở bờ tây song lớn Long Hồ, về tây bắc 2 dặm thì có chợ nhỏ; 36 dặm đến ngã ba Khu Ân, hợp dòng với song Kiên Thắng, dân Kinh dân Di ở lẫn lộn, chuyên nghề làm ruộng, phát cỏ gieo mạ, đắp đập bắt cá, dung sức ít mà được lợi nhiều, theo bóng mặt trời mà làm mà nghỉ, không hay lêu lổng”(15) .
Kết luận:
Địa danh “Vũng Liêm” không phải do địa danh “Vũng Linh” đọc trại mà ra.
CHÚ THÍCH:
(1) Xem bài “ Khởi nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872-Những vấn đề tồn nghi” trên trang tư liệu Văn chương Việt.
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=10643&LOAIID=17&TGID=814
(2) Nguồn: http://vinhlong.gov.vn/tabid/223/Default.aspx
(3) Nguồn: http://www.admin.vn/xem-danh-ba-tuyen-pho/ubnd_huyen_vung_liem_tinh_vinh_long-2464/
(4) Nguồn: http://bao-loc.us/diendan/showthread.php?t=417
(5) Nguồn: http://hotinhtam.vnweblogs.com/post/1022/71909
(6) Nguồn: http://www.baothuongmai.com.vn/Details/phong-su/theo-loi-di-nguyen/32/0/15576.star
(7) Nguồn:http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=8408&LOAIID=24&TGID=629
(8) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, Chủ biên: Cao Xuân Dục, Thế kỷ 20(1908).
(9) Xem: Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa và nay, Cánh Bằng xuất bản, 1967.
(10) (Huỳnh Minh – tên thật là Huỳnh Khắc Vịnh - từ chỗ là chủ hiệu sách ở đường Phan Đình Phùng (Sài Gòn), đã say mê sưu tập các nguồn tư liệu xưa và nay về lịch sử, văn hóa, xã hội ở Nam Bộ. Kể từ cuốn Địa linh nhân kiệt - Kiến Hòa xưa và nay viết về Bến Tre, quê hương ông, từ năm 1963 đến năm 1973, Huỳnh Minh đã cho ra đời 10 tập sách thuộc dạng này. Đó là những quyển Bạc Liêu xưa và nay, Cần Thơ xưa và nay, Định Tường xưa và nay, Sa Đéc xưa và nay, Gia Định xưa và nay, Tây Ninh xưa và nay, Vũng Tàu xưa và nay, Vĩnh Long xưa và nay... các quyển sách thuộc dạng "sưu khảo" này - chữ dùng của tác giả - ngoài phần văn chương (chiếm tỷ lệ không cao) còn có những tư liệu bổ ích về lịch sử, văn hóa, xã hội và kinh tế).
Nguồn: http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=753&Itemid=184
(11) Trong Cần Thơ xưa và nay, theo chúng tôi Huỳnh Minh đã sai khi nêu giả thuyết về địa danh Bình Thủy và Cần Thơ:
- Về địa danh Cần thơ xin xem thêm bài “Từ tố CẦN trong địa danh Nam bộ”
Nguồn:http://www.vietcal.org/community/index5.php?board=105;action=display;threadid=531
- Về địa danh Bình Thủy, Huỳnh Minh cho rằng đó là tên gọi do Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đặt vào năm 1852. Nhưng trong tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chúng tôi thấy địa danh này đã là tên một con sông và là tên của 1 trong tổng số 37 thôn xóm của Huyện Vĩnh Định, Trấn Vĩnh Thanh của đất Gia Định trước năm 1820.
- Xem thêm bài “Bước đầu tìm hiểu truyện kể dân gian về các địa danh ở Nam bộ” của tác giả Trần Tùng Chinh. Nguồn: http://www1.agu.edu.vn/dspace/bitstream/123456789/693/1/luanvan.pdf
(12) Xem: Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh TP Sài Gòn - Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2003.
(13) Viện Khoa học xã hội Việt Nam-Viện Sử học, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Tập IV(Quyển 36-Quyển 52), NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, trang 576-577
(14) “Gia Định thành thông chí là do Trịnh Hoài Đức, người ở dinh Phiên Trấn (Tỉnh Phiên An) biên soạn. Sách ấy chắc là đã được hoàn thành trong đời Gia Long, cho nên ngay năm Minh Mệnh thứ I (1820) sau khi Minh Mệnh có chiếu cầu thư tịch cũ thì Trịnh Hoài Đức đem hiến ngay sách này”.
Nguồn: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Sử học, Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục, 1998,trang 9.
(15) Gia Định thành thông chí, Sđd, trang54.