Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.256
123.155.832
 
Ngôi nhà chữ đinh
Khôi Vũ

Thầy Khang đã ngoài bảy mươi tuổi, sức đã yếu, phải cất chiếc xe đạp vào góc nhà nhưng trí óc còn rất minh mẫn. Mỗi buổi sáng, người ta đều thấy thầy ngồi nơi chiếc bàn đá tròn trước sân đọc báo, uống trà. Thời sự trong nước, ngoài nước, thầy đều biết và bàn luận sôi nổi với khách đến chơi, không hề bị lạc hậu.

 

Thầy sống trong ngôi nhà cổ mà thầy mua lại từ năm ba mươi tuổi, đã được tu bổ vài lần. Đỡ đần thầy là cô cháu gái cũng đang làm nghề giáo của ông nội. Cô Hòa, hiệu phó chuyên môn trường tiểu học Sông Phố, thường kể với khách mỗi khi được hỏi, rằng đã rất nhiều lần ba cô, con trai trưởng của thầy Khang, đề nghị thầy bán ngôi nhà và mời thầy về sống chung nhưng thầy chỉ khẽ lắc đầu nói: "Chừng nào ba nằm xuống thì tùy con quyết định". Cô Hòa được ông nội chọn về ở chung chính vì cô là người duy nhất trong đại gia đình này theo nghề giáo. Điểm một lượt thì thấy ngay thôi: ba cô Hòa làm nghề xây dựng, chú Ba là bác sĩ nhãn khoa, cô Tư là chủ quán ăn, cô Út thì làm ở Đài truyền hình tỉnh. Những người thuộc thế hệ thứ ba như cô Hòa cũng đa số đi theo con đường kinh tế, người thì vào quân đội, người làm công chức các Sở, Ban, Ngành... chỉ có cô Hòa nghe lời ông nội theo nghề giáo!

 

Thầy Khang thường tự hào nói về nghề nghiệp của mình: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Nghề chính trị, nghề kinh tế, nghề y tế, cả nghề công chức văn phòng nữa... xem ra nghề nào cũng bạc. Lúc đương thời thì người ta một tiếng thưa, hai tiếng gởi nhưng khi thất thế hoặc nghỉ hưu là người ta ngoảnh mặt quay lưng lại liền. Chỉ có nghề giáo thì dẫu già yếu, vô dụng như qua đây, học trò cũ gặp lại vẫn cứ gọi bằng thầy!".

 

Những khi đó, thầy Khang hay ngước lên, hất đầu qua phải rồi hất đầu qua trái, nơi từ hai bên tường rào ngôi nhà chữ Đinh cổ của thầy, có hai căn nhà ba tầng mọc lên ở hai phía Đông, Tây che bóng mát cả ngày cho nhà thầy. Thầy nói với giọng tự hào: "Một nhà là của giám đốc Thăng bên Khu công nghiệp, còn nhà kia của tiến sĩ Hưng bên Sở đầu tư. Cả hai đều là học trò cũ của qua. Hồi xây nhà, đứa nào cũng qua xin phép. Qua cười gật đầu nhưng nói thêm: Hai đứa bây che mát cho thầy cả phía mặt trời mọc lẫn phía mặt trời lặn là tốt quá rồi. Hiềm nỗi cái sân vườn trước nhà thầy lại không còn nắng nữa, mấy chậu bông sẽ chẳng tươi màu nổi. Rồi cái ăng ten ti vi bị áng, bắt sóng sẽ yếu đi. Hai đứa học trò liền phân công nhau, giám đốc Thăng thì hàng năm đền cho qua những chậu bông mới thay cho những chậu cũ không còn đẹp như ý; tiến sĩ Hưng thì gắn cái ăng ten loại tốt nhất trên nóc nhà anh ta rồi nối dây thật dài xuống máy ti vi của qua... "

 

Vui miệng, thầy Khang kể chuyện ngày xưa:

- Hồi đó cả thằng Thăng lẫn thằng Hưng đều mê cái sân vườn trước của qua. Buổi chiều, hai đứa ưa qua chơi, phụ với qua chăm sóc cây kiểng. Thằng Hưng thì xin từng hạt giống, từng củ giống về nhà trồng, kiên nhẫn đợi tới khi cây lớn lên, ra hoa là bưng cả chậu qua đây khoe với qua. Còn thằng Thăng ngược lại, nó thích cây bông nào là xin luôn cây đang trổ bông đem về nhà chưng. Không xin được thì nó để dành tiền ra chợ mua, khỏi mất công chăm sóc, chờ đợi.

 

Thầy ngưng một chút rồi trầm giọng tiếp:

- Tính nết khác nhau như thế nhưng bây giờ tụi nó lại giống nhau in hệt. Đứa nào cũng lo làm giàu, mà làm giàu rất lẹ! Thằng Thăng lên giám đốc được hai năm, thằng Hưng chuyển về Sở đầu tư hơn một năm là hai căn nhà ba tầng đua nhau mọc lên, cái trước cái sau cách nhau chừng non tháng. Người Biên Hòa này không có lệ ăn tân gia, tụi nó vẫn có cách. Thằng Thăng thì đợi giỗ bà già, làm đám linh đình. Thằng Hưng đợi con gái lớn thi đậu hai trường đại học, mở tiệc ăn mừng cũng không kém cạnh chút nào...

Kết thúc, thầy đổi qua cười hào sảng:

- Con hơn cha là nhà có phước! Dẫu thế nào thì qua cũng mừng cho tụi nó. Chỉ mong sao đừng có đứa nào làm giàu phi pháp...

 

*

 

Tiến sĩ Hưng vừa đi Trung Quốc về, xe của Sở ra đón tận sân bay Tân Sơn Nhất và đưa về đến tận nhà. Một tiếng đồng hồ sau, ông tiến sĩ đã qua nhà thầy Khang cùng vợ và hai hộp quà.

- Thưa thầy, đây là quà của thầy, trong số có cái nghiên và mấy thỏi mực tàu con mua ở Bắc Kinh. Thế nào tới Tết này, con cũng xin thầy cho một chữ kiểu "Đại tự" để treo nơi phòng khách...

Khi cô giáo Hòa pha nước trà đem ra, người vợ ông tiến sĩ trao hộp quà còn lại:

- Còn đây là quà của cô. Cháu Hồng nó gửi tiền ba để mua quà biếu cô giáo cũ đấy. Cô nhận cho cháu nó được vui...

 

Thầy Khang mời khách uống trà, gật gù ngẫm nghĩ và chậm rãi nói:

- Xin chữ ngày Tết là một việc làm hay đấy! Để thầy suy nghĩ xem sẽ cho con chữ gì... Từ nay tới Tết, thời gian còn lâu mà...

- Thưa thầy, bây giờ kinh tế đã khá hơn trước, người ta ai cũng muốn đi tìm một đời sống tinh thần thoải mái hơn, cao cấp hơn. Mấy năm nay, phong trào thư pháp đang nổi lên như một thú chơi tao nhã được nhiều người hưởng ứng. Đa số treo chữ trong phòng khách viết theo thư pháp tiếng Việt. Con lại thích chữ Hán hơn. Có lẽ ở đất này, thầy là một trong những người hiếm hoi còn viết được chữ Hán đẹp...

- Cũng chưa chắc. Tôi nghe nói có mấy thầy cô ở trường Cao đẳng cũng viết chữ Hán đẹp lắm...

 

Người vợ đỡ lời chồng:

- Vâng. Nhưng thầy là thầy của chồng con... Thầy lại là thầy Khang, thầy giáo của bao nhiêu thế hệ học trò mà không thiếu người đang làm lớn... Có chữ của thầy cho đem treo trong phòng khách Tết này là một vinh dự lớn cho gia đình con...

 

Thầy Khang cảm nhận một cảm giác rất khó tả trước những lời cung kính đầy ý tôn sư trọng đạo của vợ chồng tiến sĩ Hưng. Đó là cái cảm giác lâng lâng sảng khoái, bay bổng. Thầy chiêu một ngụm trà rồi hứa chắc:

- Đúng chiều ba mươi tết năm nay, vợ chồng con sẽ có một bức "Đại tự".

 

Tiến sĩ Hưng chào về. Thầy Khang không tiễn khách mà cô giáo Hòa làm việc ấy. Khi cô cháu gái quay vào, thầy Khang đang châm thêm nước trà vào tách, ngẩng lên nói với cô:

- Nội đang nghĩ xem có nên cho nó chữ "Hưng" hay không? Hưng là tên của nó mà cũng có nghĩa là nổi lên, phất lên... Một lời chúc đầy ý nghĩa...

 

Cô Hòa nói nhỏ:

- Con lại nghĩ khác, nội à... Chữ "Hưng" chỉ thật có nghĩa nếu người ta "hưng" nhờ chính sức mình. Đằng này, những thay đổi trong cuộc đời ông tiến sĩ thời gian qua lại nhờ vào mối quan hệ họ hàng của bên vợ với một ông thứ trưởng...

- Con nói cũng có lý... Nhưng thời nào mà chẳng vậy, một người làm quan thì cả họ được nhờ... Vấn đề là khả năng thực sự của người được cất nhắc... Tiến sĩ Hưng đâu phải là không có tài... Nó lại có đủ tính ẩn nhẫn, chịu đựng, chờ đợi... Có thể bông hoa ngày nay cũng xứng đáng với công sức nó chăm bón, tưới tắm cây từ lúc hạt nẩy mầm lên chăng?

- ... Con chạnh nghĩ về cuộc đời của ba con, nội ạ. Ông là người có tài. Một kiến trúc sư tốt nghiệp loại giỏi nhưng không có thân thế nên chẳng được cất nhắc gì. Ngồi ở cái ghế trưởng phòng một Sở cũng không yên, nay người này xăm xoi, mai người kia nghi ngờ... đến nỗi tự ái xin nghỉ hưu non về làm chủ thầu xây dựng...

 

Thầy Khang cố nén tiếng thở dài. Quả đúng là ngoài cái tiếng là con thầy giáo Khang, con trai thầy chẳng có gì gọi là chỗ dựa!

- Nhưng, cái thời ấy đã qua rồi... - Thầy Khang muốn bác bỏ ý kiến của cô cháu gái bằng cách dẫn ra thí dụ về sự cất nhắc cho chính cô, một cô giáo trẻ dưới ba mươi tuổi đã là hiệu phó từ hai năm nay, nhưng sợ cháu tự ái, lại thôi. Thầy chép miệng - Mỗi người có một số phận, con à...

 

*

 

Công ty của giám đốc Thăng được nhận chứng chỉ ISO, tổ chức lễ đón nhận linh đình. Thầy Khang được mời đi dự bằng xe con của giám đốc đưa đón từ lúc bảy giờ rưỡi sáng.

 

Nhưng thầy Khang không phải là người khách đến sớm nhất. Một số quan chức địa phương đã có mặt ở phòng khách, đang uống trà, trò chuyện khi thầy bước vào. Giám đốc Thăng vừa trông thấy đã đứng dậy, hối hả bước đến dìu thầy vào chỗ ngồi. Anh trân trọng giới thiệu thầy giáo cũ của mình với "các anh chị cấp trên". Hai ba vị trong số đó cũng đứng dậy, bước tới chào thầy Khang. Thầy rất vui trước tình thầy trò. Thế mà có lúc người ta đã bảo học trò ngày nay bạc bẽo, qua sông là chẳng thèm nhớ đến người đưa đò.

- Thưa thầy, ngày ấy khi thầy dạy viết chữ Hán, tới chữ "mã", em đã nói với anh bạn ngồi kế bên: "Chữ gì mà giống hệt cái bàn chân mèo". Chẳng ngờ thầy nghe được, thầy liền bắt em đứng dậy, sạc cho một trận: "Chữ nghĩa của thánh hiền mà trò dám nói là giống bàn chân mèo. Hỗn láo quá! Thầy phạt trò đứng nghiêm cho đến hết buổi học".

 

 

Những người còn lại đều cười khi nghe vị "cấp trên" địa phương có dáng nho nhã thư sinh kể chuyện. Ông hướng về phía thầy Khang:

- Bây giờ nghĩ lại, em mới thấy ngày ấy mình hỗn thật. Nhưng cũng chính nhờ lời răn dạy và sự trừng phạt nghiêm khắc của thầy mà sau này mỗi khi học tập, em đều tự bảo mình phải coi trọng chữ nghĩa, cái vốn vô hình nhưng rất hữu dụng cho mỗi con người... Nhân hôm nay gặp lại thầy, em xin được cảm ơn thầy...

 

Câu chuyện tưởng chỉ để vui lại bất ngờ biến thành nghiêm trang sau lời cảm ơn cũng đầy bất ngờ của vị "cấp trên". Không hiểu mấy vị học trò cũ còn lại của thầy Khang có ai đang cố nhớ về một kỷ niệm cảm động nào đó của thuở học trò để kể cho mọi người cùng nghe hay không, mà không khí chợt lắng xuống như một hội nghị đang hồi căng thẳng. Giám đốc Thăng - chủ nhà - phải phá vỡ sự nặng nề ấy:

- Nói đến chuyện "hỗn" với thầy thì có lẽ tôi... hơi bị nhiều đấy. Tôi đề nghị ngày 20 tháng 11 năm nay sẽ tổ chức buổi họp mặt các học trò cũ của thầy Khang để chúng ta có dịp "hối lỗi". Còn bây giờ, đã đến giờ làm lễ, xin mời thầy và các anh chị, chúng ta qua hội trường của Công ty...

 

Hội trường lớn rộng, cửa sổ bằng kính hai bên, cửa ra vào cũng toàn bằng kính. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ đợi đoàn đại biểu cấp trên đến. Thầy Khang được mời ngồi ở bàn đầu, giữa một bên là vị lãnh đạo có chức vụ cao nhất trong số các đại biểu của địa phương, một bên kia là ông thứ trưởng của bộ liên quan, kế nữa là ông Tổng giám đốc Tổng công ty cấp trên công ty của giám đốc Thăng. Trong phần giới thiệu, sau tên và chức vụ của các quan chức là "một vị khách đặc biệt: thầy Nguyễn Văn Khang, thầy giáo cũ của giám đốc Trần Thăng". Tiếng vỗ tay vang dội hội trường trong những khoảnh khắc đầu làm cho thầy Khang hết sức sung sướng.

 

Trong buổi lễ, ngoài phần lễ chính còn có phần khen thưởng và trao quà tặng. Chính giám đốc Thăng giới thiệu và phát biểu về thầy Khang, rồi cũng chính anh trao quà tặng của cá nhân giám đốc Công ty cho người thầy cũ - một chiếc đồng hồ treo tường kiểu cổ bằng gỗ quý - với ước muốn 'Trái tim thầy tôi đập mãi theo nhịp thời gian". Thăng văn vẻ như thế và sau đó là một tràng pháo tay vừa lớn vừa kéo dài.

 

Thầy Khang chỉ gá tay vào chiếc đồng hồ để chụp ảnh bởi đã có một cậu nhân viên ngồi xổm giữ phía dưới. Giám đốc Thăng mời thầy nói vài lời nhưng thầy từ chối khéo: "Thầy cảm động quá, không nói được gì đâu".

 

Dự tiệc liên hoan, giám đốc Thăng sắp xếp thầy Khang ngồi giữa hai vị lãnh đạo Bộ và Tổng công ty. Hai người này cũng tỏ ra trân trọng người thầy giáo và hỏi ông nhiều điều về người học trò thành đạt. Thầy Khang không tiếc lời nói tốt cho học trò, đặc biệt là cách đối xử thầy - trò của anh ta mà thầy cho là hiếm thấy trong xã hội bây giờ.

 

Gần một giờ trưa, thầy Khang mới về đến nhà. Cậu lái xe và cậu nhân viên hành chính được phân công đi theo cùng theo thầy vào nhà, hỏi thầy định treo chiếc đồng hồ ở đâu để họ thực hiện theo ý thầy. Thầy phải nói:

- Cám ơn các cháu. Các cháu cứ để đó, chiều nay cháu nội thầy đi dạy học về, nó sẽ treo được thôi...

 

Ly rượu nho có nước đá, thầy chỉ cố uống non nửa nhưng men rượu vẫn làm cho thầy ngây ngất. Nằm nghỉ trên giường, đôi mắt lơ đãng nhìn qua cửa sổ trước, thầy thấy những chùm hoa giấy đủ màu mọc nhô ra bên hông lầu một nhà Thăng. Gió trưa quá thoảng không đủ làm lay động những cánh hoa có sắc không hương...

 

*

 

Thầy Khang rất tự hào với ngôi nhà cổ mà mình đã mua lại, một ngôi nhà có nóc lợp ngói, xây kiểu chữ "Đinh", có sân vườn phía trước và vẫn còn những cây cột gỗ tròn lên nước bóng lộn. Ở giữa thành phố này, một ngôi nhà như thế quả là của hiếm. Chẳng thế mà đã rất nhiều lần, khi thì là cán bộ bảo tàng, khi là nhà báo trong hoặc ngoài tỉnh tìm đến hỏi han, ghi chép, chụp hình ảnh để làm tài liệu hoặc viết bài đăng báo.

 

Có một dạo thầy Khang thường phát biểu với khách đến chơi nhà mình:

- Ông bà ta xưa có nói: "Nhà phải có nóc". Nhà cửa bây giờ cứ nhìn kỹ mà xem: nhà thì mái bằng đúc bê tông, nhà thì một mái lợp tôn. Tóm lại, nhà chỉ có mái mà không có nóc. Lai căng, mất gốc cả rồi!

Nói chuyện với con trai lớn, ba của cô giáo Hòa, thầy Khang cũng thường nhắc con phải thuyết phục chủ nhà nên thay đổi cách nhìn về "sự hãnh diện ảo về cái mái bằng". Ông kiến trúc sư chỉ cười, khi cần phải nói thì ông buông một câu: "Họ là thượng đế mà con phải chiều, ba ơi!".

 

Dạo sau này tình hình xây dựng đã có đôi phần khác hơn. Cũng có thể chỉ là việc thời thượng, nhưng những ngôi nhà mới hầu hết đều có nóc. Thầy Khang vẫn lắc đầu nói với khách đến chơi:

- Lại là một kiểu lai căng khác. Nóc nhà người Việt mình chỉ có hai mái chính. Còn những nóc nhà bây giờ toàn kiểu bánh ú của Pháp, của châu Âu. Hãnh diện gì cái hình ảnh ấy! Đó là chưa nói nhiều nhà lại lợp bằng tôn giả ngói. Giả ngói đỏ còn tạm đi, đằng này lại giả ngói xanh... Cái màu xanh ấy có ai làm ngói từ đất mà sản xuất ra bán hay không nhỉ?

Người con trai lớn góp ý:

- Ba ơi, thế giới bây giờ giao lưu từ Đông qua Tây, từ Bắc bán cầu tới Nam bán cầu, các nền văn hóa cũng trong quá trình học tập những cái hay, cái đẹp của nhau. Vậy thì chuyện nóc nhà bánh ú thời thượng ở ta cũng bình thường thôi. Mà ba cứ tin đi, chẳng mấy chốc người ta lại chán cái mốt nóc nhà ấy, chuyển qua mốt khác. Không chừng sẽ là mốt nhà nóc hai mái như ba mong ước cũng nên!

 

Thầy Khang gật đầu:

- Thằng Hai mày nói có lý. Nhưng ba thử gợi ý thế này: mày hãy về sửa lại cái nóc nhà bánh ú đang ở của mày thành nóc hai mái, coi như đi tiên phong cho mốt mới, có được không?

Cô giáo Hòa chen vào:

- Ba ơi, ba phải chịu thua nội thôi!

Người con trai thở dài:

- Phải! Ba chịu thua nội con...

Thầy Khang quay qua vuốt tóc cô cháu gái:

- Thằng Hai mày thấy chưa. Ba chọn con nhỏ này về đây ở, đâu có lầm người! Lúc nào mà nó chẳng ủng hộ ba!

 

Dù sao thì niềm tự hào của thầy Khang về ngôi nhà cổ của mình cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Còn về vật chất thì cả đến thầy cũng không thể không nhìn nhận rằng phần gỗ của cái nóc nhà đã có vấn đề, một số ván vách cũng cần được thay.

 

"Còn chưa đến nỗi". Thầy Khang thường nói thế cho đến một hôm có hai con mèo hoang rượt đuổi nhau trên nóc nhà làm vỡ một viên ngói, rồi một cậu thợ trẻ được người con trai kiến trúc sư của thầy gởi đến thay ngói, vừa đặt chân lên phần cuối mái đã nghe tiếng gỗ gãy và tai nạn xảy ra. Còn may mà cậu ta chỉ bị thương nhẹ nơi ống chân.

- Phải thay toàn bộ nóc nhà thôi, ba à...

 

Người con trai nói với thầy Khang. Thầy ngồi nơi chiếc bàn đá ngoài sân nhìn ngắm ngôi nhà yêu quý của mình. Nó đã không cưỡng được sự khắc nghiệt của thời gian giống như thầy không thể chống lại với tuổi già. Chiếc xe đạp mà thầy vẫn đạp đi quanh thành phố mỗi buổi chiều cách nay một năm đã bị bỏ xó. Bên cạnh nó, chiếc xe máy hiệu Honda của cô cháu gái mới mua mười một triệu vào đợt giảm giá của hãng xe này còn mới tinh, không kênh kiệu nhưng tương phản đến tội nghiệp cho chiếc xe đạp.

- Ừ, thì thay... Nhưng tiền dành dụm của ba chẳng có là bao. Con phải phụ với ba mới đủ...

- Ba nói gì kỳ vậy. Con là con trai trưởng của ba, lại là nhà thầu xây dựng, việc này là bổn phận của con. Ba không phải lo gì về tiền bạc...

 

Hai người học trò cũ của thầy Khang hay tin, không rủ nhau mà cùng qua nhà thầy vào một buổi tối. Tiến sĩ Hưng đề nghị xin được ủng hộ gỗ để luôn tiện thay toàn bộ vách nhà. Giám đốc Thăng thì nài ép được "bao" việc thiết kế lại cái sân vườn trước nhà.

Ông tiến sĩ nói:

- Đất nước mình đã qua thời lo cái ăn cho đủ no, lo cái mặc cho đủ ấm và đang tiến tới ăn ngon, mặc đẹp. Ngôi nhà của thầy là một ngôi nhà cổ quý hiếm của địa phương, con thiết nghĩ không chỉ sửa sang cho nó bền chắc mà còn phải làm cho nó đẹp hơn, sang trọng hơn. Nếu thầy đồng ý, con sẽ tìm loại gỗ tốt làm vách, cho bào nhẵn, đánh vẹc-ni màu gụ... Mấy cái cột tròn đã lên nước thì chỉ cần phủ một lớp sơn bóng...

- Nhưng thầy được biết nhà nước đã đóng cửa rừng...

- Vâng. Đã đóng cửa rừng. Nhưng gỗ tốt thì vẫn có... Không từ nguồn gỗ lậu thì từ nguồn gỗ nhập, thầy lo chi...

 

Ông giám đốc chỉ tay ra phía sân trước:

- Ở thành phố này chẳng ai có được một khoảnh đất phía trước nhà có diện tích hơn trăm thước vuông như nhà thầy để làm sân vườn. Con tin chắc nó sẽ thu hút sự chú ý của mọi người nếu được bàn tay của nghệ nhân cây kiểng nhúng vào. Con hình dung là trong sân sẽ có một ngọn đồi giả trồng cỏ Nhật Bản, kế đó là một cái hồ nhỏ nuôi cá vàng, giữa hồ là một hòn giả sơn... Lối đi vào nhà thì lát gạch tàu chừa khe cỏ... Rồi dưới hiên nhà còn phải có đôi ba cái lồng chim...

- Làm như thế có sợ bị nói là khoe khoang không?

- Thầy cứ yên tâm. Để bữa nào rảnh, con lấy xe chở thầy tới xem vườn cây kiểng của mấy anh bạn, thầy sẽ thấy họ tạo không gian thư giãn cho mình tốn kém cỡ nào. Nhưng dẫu sao, họ vẫn kém xa thầy ở cái vị trí mặt bằng...

 

Thầy Khang vừa xúc động, vừa tự hào với hai người học trò cũ. Cả đêm ấy, thầy trằn trọc, mong sao chóng sáng để báo cho con trai biết hầu ba đứa có sự phối hợp sửa nhà... Tiến sĩ Hưng nói đúng mà giám đốc Thăng cũng hoàn toàn có lý. Thời mở cửa, bộ mặt phố phường, nông thôn đều nên được sửa sang cho khang trang, hiện đại hơn trước. Sửa nhà xong, có lẽ thầy cũng sẽ lấy tiền dành dụm đổi cái ti vi màn hình phẳng, đổi cái đầu "vi-xi-đi" để xem đĩa hình...

 

Rồi cô cháu gái, cô hiệu phó Hòa của thầy sẽ dần dần hiểu ra rằng, nếu số phận quay mặt với ba nó thì đến phiên nó, cuộc đời đã quay lại với một nụ cười tươi. Thân thế của cô giáo Hòa là gì? Sao không thể là cái tiếng "cháu nội thầy Khang" vào lúc mà mọi người đang quay lại với tinh thần tôn sư trọng đạo như lúc này!

 

*

 

Thầy Khang nhận được hầu như đầy đủ những gì tốt đẹp dành cho một đời người thầy.

Ngày nhà giáo năm ấy, giám đốc Thăng và tiến sĩ Hưng cùng đứng ra tổ chức một buổi họp mặt học trò cũ tại chính cái sân vườn vừa được bàn tay các nghệ nhân hoa kiểng làm đẹp. Nhẩm đếm, học trò của thầy Khang có đến hơn chục người đang nắm những chức vụ quan trọng tại địa phương. Mỗi người một lời hứa mà nếu tất cả đều thực hiện thì chắc gia đình thầy Khang sẽ chẳng còn thua kém ai trong xã hội.

 

Chiều ba mươi tết năm ấy, đúng như lời hứa, thầy Khang nhắn vợ chồng tiến sĩ Hưng sang nhận bức đại tự với chữ "Hưng" viết bằng mực tàu mài trên cái nghiên Trung Quốc, món quà của ông tiến sĩ dạo nào.

 

Cuối mùa mưa, khi học trò chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ một, thầy Khang lâm bệnh. Lập tức thầy được đưa vào bệnh viện chẩn bệnh. Thầy không bị ung thư, cao huyết áp, tim mạch gì... chỉ là bệnh của người già yếu sức. Về nhà điều trị, tịnh dưỡng, sức khoẻ của thầy đã dần hồi phục nhưng thật bất ngờ, vào một buổi sáng rất sớm, cô Hòa còn  đang ngon giấc thì nghe tiếng ú ớ phía giường ông nội. Cô chạy vội qua thì chỉ kịp thầy một cánh tay của thầy Khang cố giơ lên như vẫy chào vĩnh biệt cuộc đời, rồi nó rơi không trọng lượng xuống mặt nệm. Trên đôi môi già khô héo của thầy Khang vẫn còn đọng lại một nụ cười.

 

Thầy Khang đã ra đi như thế. Thanh thản. Mãn nguyện.

Sau lễ cúng trăm ngày cho thầy, ông kiến trúc sư con trai trưởng của thầy nhận được lời đề nghị mua lại ngôi nhà chữ Đinh của cả tiến sĩ Hưng lẫn giám đốc Thăng. Vốn đã có ý định bán từ lâu, người con trai đồng ý ngay. Hai người học trò thương lượng với nhau và giám đốc Thăng giành được quyền mua ngôi nhà với giá cao hơn.

 

Ngày nhà giáo năm ấy, ngôi nhà chữ Đinh của thầy giáo Khang "biến mất", thay vào đó là một tòa nhà đúc ba tầng nối với ngôi nhà đúc cũ của giám đốc Thăng thành hình thước thợ.

 

Trên cái sân vườn phía trước mà giám đốc Thăng vẫn giữ lại và có thêm một vài chậu kiểng đắt tiền, buổi họp mặt học trò cũ của thầy giáo Khang lần thứ nhì lại được tổ chức. Đi dự nhưng rất "đau" là tiến sĩ Hưng. Với hy vọng sẽ mua lại được ngôi nhà chữ Đinh của thầy Khang sau khi thầy mất, anh ta đã đầu tư phần gỗ khi sửa sang ngôi nhà, nay nhà không mua được đã đành, còn phải chứng kiến những người thợ của Thăng khi phá dỡ ngôi nhà cũ, chuyên chở những tấm ván gỗ đi bán đồ cũ!

 

Giữa tiệc, Thăng đề nghị mọi người im lặng và anh ta tuyên bố từ nay đây sẽ là buổi họp mặt truyền thống hàng năm để tưởng nhớ thầy Khang, chi phí họp mặt do anh ta lo toàn bộ. Sau tràng pháo tay thật lớn, thật dài của mọi người có mặt, Thăng khoát tay nói tiếp:

- Có người cho là tôi vô tâm, thậm chí là xấu xa, khi tôi cho phá ngôi nhà chữ Đinh của thầy chúng ta. Nhưng các bạn hãy nhìn kỹ lại mà xem. Phần nhà mới nối với nhà cũ của tôi có dạng thế nào: cũng là dạng chữ Đinh đó thôi - Một ngôi nhà chữ Đinh thời hiện đại!

 

Thăng nhấn mạnh và ngắt rời từng chữ ở câu cuối.

Mọi người cùng quay nhìn toàn bộ ngôi nhà đúc ba tầng của Thăng và đều công nhận anh ta nói đúng! ./.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 3878
Ngày đăng: 24.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ao buồn - Lê Văn Thiện
Nết - Lê Khánh Mai
Truyện ngăn ngắn-4 - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung
Những cơn bão biển. - Mai Tú Ân
Cô dâu 20 tuổi - Trang Thanh Trúc
Cực lạc - Lê Văn Thiện
Đổi giọng - Nguyễn An Cư
Truyện ngắn ngắn - 18 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)