Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
801
123.239.329
 
Người đàn ông có đeo bảng số ở cổ chân
Nguyễn Đông Phương

Gã đã trên dưới 70, tóc bạc gần hết. Người ta gọi Chín Dồ. Chín Dồ da trắng, trán hói, mũi cao, mắt một mí ti hí, thường khoác chiếc áo da vào những sáng sớm, chạy chiếc xe máy đời cũ dạo quanh thành phố. Đến quán cà phê đông người gã ngồi ở chỗ góc kín. Trong những nhà hàng đêm đêm, Chín Dồ một mình trong phòng có máy lạnh trên lầu, mũi khịt khịt, mắt cố mở to nhìn ngắm, tay chân không chịu để yên. Hai mươi năm trở lại đây gã không có bạn thân. Người bạn cuối cùng từ giã Chín Dồ trong một bữa nhậu chỉ có hai người:

- Chuyện trên núi trên rừng không phải của mi! Mắc mớ chi mi tự vơ hết vào mình kể cả những chất thải, phế bỏ của người ta rồi “cho ra” gây tanh tưởi khắp xứ?

 

Chín Dồ đếch cần. Gã vẫn chạy xe máy ngẩng đầu thong dong trong thành phố, vào nhà hàng đêm đêm. Thỉnh thoảng gã đi nhảy đầm, hút xì gà, uống rượu tây rồi đi tiếp “tăng 2” với một em chân dài. Trong lúc bay bỗng thần tiên gã lại thầm chửi đổng lên một câu nhắm vào đám bạn cũ cho hả lòng hả dạ: “Tiên sư cha chúng mày!”. Khi Chín Dồ đi đến đâu, những người trẻ tuổi quay mặt nhìn chỗ khác, lẩn khuất đâu đó người lớn tuổi nhổ toẹt miếng nước bọt xuống đất. Những người ăn mặc tươm tất đồng phục lại nghiêng người chào Chín Dồ, chỉ đến hàng ghế trước.

 

Mở đầu một ngày, Chín Dồ chạy chiếc xe máy cà tàng đến khắp các đầu mối trong thành phố, cái mũi khịt khịt. Hơi hám nhiều khi làm cho gã sặc mũi phải quay về nhà có sân vườn rộng. Con vẹt già đầu hói đứng trên cành sứ già thấy gã mở cổng liền ngẩng cao đầu lên cất giọng khùng khục hướng về phía chủ:

- Tiên…sư…cha..mày! Tiên…sư…cha…mày!

 

Chín Dồ quắc mắt nhìn lên con vẹt già rồi nhếch môi cười một mình đi luôn vào nhà. Trước đây trong một lần gặp nạn, Chín Dồ được những đồng môn cứu. Khi gió đã xoay chiều, thừa cơ gã lại cầm những con dao nhỏ lưỡi tròn đầu nhọn nhè lưng những người bạn xưa mà đâm thọc nên bị người đời quyền rủa là kẻ vô lương, bất nhân bất nghĩa. Gã căm hận những kẻ đã chửi bới mình nên ngày nào cũng lầm bầm “Tiên sư cha chúng mày! Tiên sư cha chúng mày!”. Trong lúc này Chín Dồ đang nuôi nhiều loài chim trong sân vườn trong đó có con vẹt kia. Gã cố luyện cho con vẹt những câu lời hay ý đẹp nhưng không hiểu sao nó chẳng tiếp thu được gì ngoài những câu lầm bầm thường xuyên của chủ “Tiên sư cha chúng mày!”. Con vẹt này cũng khác thường. Nó bỏ tiếng “chúng” còn lại “Tiên sư cha mày!”. Chứng kiến Chín Dồ kỳ công dạy con vẹt nói đàng nó lại thốt ra một nẽo, vợ gã bụm miệng cười:

- Nó không những không nghe lời mà còn…chửi anh đấy!

 

Lần đó gã tức điên gan muốn vặn cổ con vẹt ngay nhưng vì sợ vợ, biết bà ta rất yêu quí con vẹt này nên nhắm mắt làm ngơ. Nhiều người biết chuyện truyền tai nhau. Một ông cụ chuyên nuôi dạy thú cho rằng phàm người luyện vật tâm phải sáng thì vật mới nghe lời. Không biết người già cả kia có lẩm cẩm hay không. Thời gian sau đó Chín Dồ cho rằng con vẹt không chửi mình mà thay cái miệng lầm bầm của mình chửi đám người kia thì thật là có ích. Như thế gã đỡ mỏi miệng. Từ đó gã chăm sóc con vẹt chu đáo hơn và khuyến khích nó chửi suốt ngày. Oái oăm thay, đám người kia ở đâu đâu, hàng ngày chẳng nghe con vẹt chửi mà chỉ chính chủ nhân của nó “hưởng” “Tiên sư cha mày!”.

 

Một lần Chín Dồ dẫn những vị có chức sắc mà gã cho là “chiến hữu” đến nhà chơi. Hình ảnh đầu tiên mà các vị khách chứng kiến là con vẹt già sệ cánh bị xiềng chân trên nhánh cây sứ dỏ mỏ nghiêng ngó nhìn Chín Dồ cất giọng khùng khục:

- Tiên…sư…cha…mày! Tiên…sư…cha…mày!

Khách sửng sốt:

- Sao nó chửi bác như thế? Ai lại dạy vậy?

 

Chín Dồ ngượng đỏ mặt. Gã lúng túng không biết trả lời sao. Bất chợt nhìn lên thấy nhiều cánh chim bay lượn trên khoảng không mênh mông, Chín Dồ chỉ tay lên trời:

- Không phải chửi tôi! Nó chửi mấy con chim bay trên bầu trời kia! Tôi dạy nó thế!

 

Đám khách yên lặng lục tục kéo vào nhà. Chín Dồ bảo vợ con làm cơm thịnh soạn đãi khách. Cơm, rượu xong xuôi chủ, khách ngồi uống trà trên ghế xa lông. Vị khách trung niên kính trắng, dáng người đạo mạo nheo mắt nhìn Chín Dồ cất giọng nhẹ nhàng:

- Giống như vụ con vẹt vừa rồi đó bác Chín Dồ ạ! Vấn đề nhiều khi phản cảm…

Gã chủ nhà thảng thốt nhìn trân trân vị khách:

- Vấn đề gì tôi không hiểu?

 

Những vị khách yên lặng, một lát cáo từ ra về. Với Chín Dồ thì có gì mà không hiểu, chẳng qua giả vờ vậy thôi. Gã lại thong dong chạy xe máy tìm đến cả những nơi yên lặng nhất khịt khịt cái lỗ mũi. Những cuộc điện thoại gọi đến hối thúc khiến người đàn ông tóc bạc gần hết này phải thức trắng đêm tra cứu những cuốn sách dày cộm, bìa cứng, gáy mạ vàng xếp cả mấy hàng dài trên giá sách. Nhiều khi đau đầu đau óc gã buột miệng chửi đổng “Tiên sư cha chúng mày!”. Gã lại “chuyển” cả câu đó sang các vị khách “chiến hữu” kia. Trong phòng vắng, người đàn ông bạc tóc dang tay ôm những cuốn sách dày cộm bìa cứng, gáy mạ vàng vào lòng, mắt lấp lánh, miệng lầm bầm “Tiên sư cha thằng nào bảo tao ăn đồ phế thải! Tiên sư tổ đứa bảo tao con vẹt!”. Tuy vậy sau mỗi lần “cho ra” gã lại có điều kiện để ăn chơi thỏa thích cho dù ở lứa tuổi 70 nhiều khi “Trên bảo dưới không nghe”.

Đêm đó sau khi nhảy nhót ở vũ trường Chín Dồ đi tiếp “tăng 2” với một em chân dài. Khi cả hai vừa bước vào phòng ở tầng 4 một khách sạn sang trọng, Chín Dồ vồ vập ôm choàng lấy cô gái trẻ hôn hít. Cô gái quay mặt giẫy nẫy đẩy gã ra:

- Người anh có mùi gì tanh quá! Anh vào phòng vệ sinh tắm rửa đi đã!

 

Trong lúc xát xà bông tắm, dầu gội đầy người, mở vòi nước nóng tắm rửa, Chín Dồ lại lầm bầm chửi đổng “Tiên sư cha chúng mày!”. Khi nãy đến giờ gã thắc mắc không hiểu sao cô gái lại ngửi có mùi tanh tỏa ra từ người mình. Chín Dồ ám ảnh câu nói của người bạn từ bữa nhậu với nhau cuối cùng ấy “Chuyện trên núi trên rừng không phải của mi! Mắc mớ chi mi tự vơ hết vào người kể cả những chất thải, phế bỏ của người ta rồi “cho ra” gây tanh tưởi khắp xứ!”. Trong cơn đê mê, ham hố nhục dục, Chín Dồ bị cô gái đẩy ra và phán một câu như thế khiến đầu óc phát cuồng liên tưởng lại những hình ảnh trong con câu nói của người bạn cũ. Gã cũng vừa “cho ra” nên có điều kiện ăn chơi như thế này. Chẳng lẽ những gì gã “cho ra” bốc mùi “tanh” thật từ nơi xuất phát. Ôi chữ với nghĩa! Khổ cái đầu óc bị “ám” bởi câu nói ác nghiệt của thằng thù chứ không phải bạn kia!…

 

Sau khi lên giường hoan lạc với cô gái, Chín Dồ nằm lăn ra thở dốc. Cô gái theo thói quen của công việc tiếp tục vuốt ve thân thể vị khách làng chơi. Đôi bàn tay búp măng lần trên làn da có phần nhăn nheo của người đàn ông đã xấp xỉ 70. Cô gái ngạc nhiên khi nhìn thấy cổ chân bên phải của Chín Dồ có đeo chiếc dây xích to bó sát. Chiếc dây xích  màu đen làm bằng hợp kim gì trông rất chắc chắn và không khóa để mở ra. Trong một mắc xích có đeo bảng kim loại nhỏ xíu ghi số 15. Cô gái tò mò ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao anh đeo ở cổ chân cái dây xích này? Cái đây xích to tổ bố lại không có khóa để mở ra, chẳng lẽ anh mang nó suốt đời ở cổ chân à?

 

Chín Dồ cười cười:

- Em đoán thử xem?

Cô gái tròn mắt, đưa tay vò đầu:

- Em làm sao đoán biết được! Mà sao có bảng số 15?

- Vì trước đó có 14 bảng số cho 14 người và sau đó còn nhiều bảng số nữa! Người đàn ông cười mỉm, tưng tửng, gật gù…

- Em đoán là anh đang…ở tù và vì lý do nào đó được tại ngoại nên mang bảng số này! Cô gái đưa đôi mắt nghi ngại nhìn người đàn ông.

 

Chín Đồ ngồi bật dậy la lên:

- Bậy bạ! Ai cho phép em nhận xét thế?

Cô gái mím môi có vẻ suy nghĩ mông lung rồi buột miệng:

- Nếu anh không ở tù thì cũng là một “nhân vật” đang làm công việc gì đó được  người ta…số hóa!

 

Như chạm vào một cõi riêng nhạy cảm, người đàn ông nổi giận đập tay xuống giường nệm:

- Tại sao cô không nghĩ cái dây xích có bảng số ở cổ chân tôi mang ý nghĩa khác chẳng hạn khi nhỏ tôi “khó nuôi”, bố mẹ mời thầy cúng đến đeo bùa hộ mệnh ở cổ chân như thế này!

Cô gái trẻ lại chu miệng lên cự cãi:

- Bùa hộ mệnh thì người ta mang trên cổ chứ không thể đeo dưới chân dây xích có bảng số bằng sắt tây như thế này! Rõ ràng hình thức này liên quan đến sự ràng buộc thế nào đó…

- Lại bậy bạ nữa! Tôi là người tự do nhất trong thế giới này! Chín Dồ giẫy nẫy la lên.

Không hiểu sao lúc này cô gái làm cái việc không bình thường mà người ta thường gọi là “Trẻ người non dạ” đốp chát lại vị khách, bướng bỉnh bảo vệ ý kiến trước đó:

- Đã bị xiềng ở một cổ chân, mang bảng số vào thì làm sao anh là người tự do được?

Trước câu hỏi “trái khoáy” của cô gái, Chín Dồ càng nổi giận:

- Cô là con điếm biết gì? Tôi muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, làm sao mất tự do được? Ai dám cho tôi mất tự do?

Cô gái cũng tỏ ra giận dữ, “lý luận” ngang như cua:

- Ai biết một con người được tự do hay không tự do? Khi anh cho rằng mình là người tự do nhất cũng chính là lúc đang nô lệ tột cùng…

 

Chín Dồ gặp phải cô gái điếm ăn nói “trời ơi” hết chịu đựng nỗi liền trơ mặt ra:

- Lần này quịt tiền nhé! Cô là con điếm biết gì tranh luận với tôi? Làm điếm mà cãi bướng với khách như thế có ma nào thèm đi!

 

Bất ngờ cô gái vung tay ném mạnh cái khăn lau chùi phần thân thể bên dưới vào giữa mặt Chín Dồ, rít lên:

- Mày cũng là thằng điếm đàng điếm chợ! Hèn gì khi nãy người mày bốc lên mùi tanh tưởi. Mày đúng là thứ dòi bọ…

 

Gã tóc bạc hăm he cô gái trẻ vài câu qua quít không ngờ nó quá hỗn láo. Chín Dồ vất cho cô gái 2 tờ 5 trăm ngàn đồng rồi rời khỏi khách sạn chạy về nhà. Gã vừa mở cổng, ánh điện từ trong nhà hắt ra sáng trưng, con vẹt đứng trên cành sứ cạnh đó lại cất giọng khùng khục hướng về phía chủ:

- Tiên…sư…cha…mày! Tiên…sư…cha…mày!

Thay vì mỉm cười như trước đây, Chín Dồ nổi cáu lên sừng sộ:

- Tiên sư cha mày là tiên sư cha của mày đó! Đồ phản chủ! Muốn vặn cổ không?

 

Ngay lúc đó vợ gã từ trong nhà bước ra. Chín Dồ len lén như rắn mồng năm bước vội vào nhà. Gã nhốt mình trong buồng tắm hơn nửa tiếng đồng hồ để tắm gội một lần nữa. Khi nãy  đang lúc bực mình gã rời khách sạn mà quên tắm rửa cho bay đi cái mùi nước hoa, son phấn vương từ thân thể cô gái trẻ kể cả cái chất ướt ướt tanh tanh còn dính trên mặt do chiếc khăn trên tay cô ta ném trúng. Bất chợt Chín Dồ lại mỉm cười đưa tay mân mê cái dây xích to màu đen ở cổ chân có đeo bảng nhỏ khắc hai chữ số một, năm. May mà ngoài đời ít ai phát hiện cái vụ “số hóa” như miệng mồm “ăn mắm ăn muối” của cô gái điếm kia nhận xét về mình. Cũng may mắn thật bởi thời buổi hiện đại văn minh người ta cho cái dây xích và bảng số hiệu này nằm ở nơi kín đáo là cổ chân có ống quần che phủ. Nếu không, chẳng hạn như người ta tróng cái dây xích đó vào đầu như cái vòng kim cô trên đầu con khỉ đột thì ê chề biết mấy. Nhưng dù hình thức nào đi nữa, cuối cùng thì Chín Dồ cũng chấp nhận vì gã có còn gì đâu, kể từ khi vơ tất tần tật các thứ phế thải vào người…/.

Nguyễn Đông Phương
Số lần đọc: 2005
Ngày đăng: 25.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi nhà chữ đinh - Khôi Vũ
Ao buồn - Lê Văn Thiện
Nết - Lê Khánh Mai
Truyện ngăn ngắn-4 - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung
Những cơn bão biển. - Mai Tú Ân
Cô dâu 20 tuổi - Trang Thanh Trúc
Cực lạc - Lê Văn Thiện
Đổi giọng - Nguyễn An Cư