Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
831
123.236.653
 
Mảnh vườn tạp
Nguyễn An Cư

Lần đầu tiên tôi ghé nhà anh ấy. Từ lâu, tôi khinh anh, đến độ nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ ghé thăm. Thế mà gần đây, từ sự việc của một người bạn ở hội văn nghệ mà tôi sẽ kể sau đã làm tôi thay đổi quyết định. Cũng phải thôi! Có gì là vĩnh hằng đâu? Có sai, có thiếu sót thì cứ mạnh dạn sửa cho tốt hơn. Con đường quê chật hẹp ngàn đời, nay còn rộng mở và nhựa hoá bằng phẳng huống chi lòng người. Đâu có gì phải  gay gắt, xa lánh nhau để cho đời thêm u ám nặng nề? Tôi cố tạo nụ cười thật tươi và hăm hở mở cổng bước vào. Anh chạy ra sân siết chặt tay tôi dắt vào nhà. Dường như anh ngạc nhiên lắm thì phải? Lần đầu mà! Anh tíu tít hỏi đu chuyện, mắt sáng hẳn lên: “Có gì quan trọng mà anh dời gót ngọc đến nhà tôi vậy?” “ Cũng có gì quan trọng đâu! Ghé để thăm anh vậy thôi”, tôi vừa trả lời vừa cười. Nói thì nghe nhẹ tênh vậy nhưng mười năm rồi tôi mới thay đổi được định kiến về anh! “Chà chuyện nầy hơi mới à!”. Anh cũng cố cười cợt làm như chúng tôi đã thân nhau từ lâu lắm.

 

Dưới nắng sớm, hai cái bóng đổ dài xuống sân luôn xao động, xoắn xuýt nhau theo từng cái huơ tay, gật đầu. Cũng kể từ đó tôi thông cảm anh hơn. Tôi bớt khắt khe khi đánh giá mọi người. Tôi không vội vàng nhận định hay phê phán một vấn đề nào mà tôi chưa thông hiểu tường tận.

 

Tôi với anh ở cùng xóm. Tôi biết anh qua mấy lần dự hội nghị do tỉnh ủy và uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức. Tôi cũng biết anh là một cán bộ tổ chức có tầm cỡ của tỉnh. Đúng ra một người chân ướt chân ráo về tỉnh nầy công tác như tôi phải đến viếng anh, viếng một cán bộ tổ chức sớm hơn và thường xuyên hơn như nhiều người đã từng làm mới phải. Thế mà mười mấy năm nay, mỗi ngày tôi qua lại nhà anh năm bảy lần, tôi đã biết đám bàng trước cửa nhà anh có mấy cây, đám chuối bên hông nhà anh có mấy bụi nhưng tôi vẫn chưa ghé thăm anh lần nào!

 

Cùng là cán bộ công chức cấp tỉnh lại ở ngoại ô mà xử sự như thế quả là quá đố kỵ và lợt lạt, còn tệ hơn ở thị thành! Cái chuyện nhà ai nấy ở, hoặc ở sát vách mà không biết mặt nhau là chuyện của thành thị ngày xưa. Bây giờ đâu còn như thế nữa. Bà con ở thành cũng đã thường xuyên sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt tổ dân phố để tiến lên khu phố văn minh, phường văn hoá… nên gần gũi và tương thân tương ái lắm roi; thậm chí với điều kiện thuận lợi, dư dả họ còn giúp đỡ nhau nhiều hơn ở thôn quê nữa kìa.

 

Từ lâu tôi không ghé nhà anh bởi vì  tôi không thích, không khoái, thậm chí còn khinh anh nữa khi thấy một cán bộ tổ chức cấp tỉnh mà nhà cửa lại không ra vẻ gì sang trọng và mảnh vườn chung quanh nhà lại toàn là cây tạp! Tôi không thích, không khoái cả những người có bằng cấp hằng lố mà không ứng dụng được gì cả trong lúc đất nước ta rất cần đội ngũ trí thức. Thật sự đội ngũ trí thức ở nước ta có phải là ít đâu. Dẫu rằng phải có từ bằng đai học trở lên mới được tính là trí thức thì Việt Nam mình cũng có vô số trí thức. Ai cũng biết muốn có bằng đại học thì học viên phải có một luận án, một công trình nghiên cứu về một hoặc vài đề tài khoa học có tính phát minh, cải tiến. Thế thì quê hương mình đã có biết bao nhiêu luận án, biết bao nhiêu là phát minh và cải tiến. Vậy mà rất ít nghe phát minh nào của các ông cử nhân, tiến sĩ được ứng dụng vào đời. Ngược lại, thỉnh thoảng lại nghe mấy ông “kỹ sư chân đất” chế ra máy nầy máy nọ vượt trội hơn máy móc được nhập từ nước ngoài. Thỉnh thoảng lại nghe có nhiều người trình độ chưa qua tiểu học làm được những việc hữu ích tuyệt vời! Thử hỏi như vậy làm sao không bực mình, không khinh thường giới trí thức sao được? Chính họ đã tự hạ thấp uy tín của mình!

 

Trường hợp của anh cũng vậy. Anh tốt nghiệp đại học nông lâm, có nghĩa anh là một kỹ sư nông nghiệp chính hiệu. Gần đây anh tốt nghiệp cao cấp Mác-Lênin rồi đại học kinh tế và quản lý nhà nước. Với số bằng cấp như thế, ai dám bảo anh là người không có kiến thức chuyên môn về trồng trọt? Ai dám bảo anh là người không có tầm nhìn sâu rộng? Có điều anh lại để mảnh đất quí như vàng chung quanh nhà anh toàn cây tạp nhạp, huê lợi không bằng một góc của mấy ông nông dân quèn; vợ con thì thường xuyên phải bươn chải,  lao đao; tôi không làm sao hiểu và kính trọng anh được!

 

Đường vào nhà anh len lỏi dưới đám bàng cao lớn, mọc không hàng ngũ theo kiểu tự phát tán, cành lá còi cọc trông không còn một chút nhựa sống nào. Đấy là loại bàng nước thường mọc ở ven sông nước ngọt, gỗ không sử dụng được việc gì; may ra chỉ để đóng những cỗ quan tài bố thí cho dân nghèo trong những năm bao cấp khan hiếm gỗ. Tệ hại nhất là vào mùa nắng, cần có bóng râm, đám bàng lại không còn một chiếc lá! Xa xa, nhìn kỹ, vẫn tưởng như chúng đã chết tự thuở nào. Lần nào đi ngang tôi cũng nhếch mép cười nhạo và tự hỏi cái thằng cha nầy không biết để đám bàng làm chi nữa!

 

Bên hông nhà anh, một cây sung to lớn đổ nghiêng hẳn vào mái nhà, trùm kín một vùng đất rộng lớn, không một chút nắng lọt xuống; quanh năm những trái chín đỏ sẩm rụng đầy xuống sân nhớt lầy và vô số con sâu đỏ lòm bò lỏm ngỏm khắp mặt đất.

 

Hai bên bờ rạch cạnh nhà anh là đám lá dừa nước, không ai sử dụng để lợp nhà như xưa nữa, tàu xanh chen lấy tàu khô, cố vươn mình lên khỏi đám ô ro, cóc kèn dày đặc, lúc nào cũng xạc xào càng tăng thêm vẻ âm u hoang dã. Giá mà khoảnh đất nầy của ai đó, có thể đã trở thành một ao tôm, ao cá xinh xắn, một ruộng lúa vàng rực, một thửa lát xanh tươi để dệt chiếu xuất khẩu rồi.

 

Bờ ngang sau nhà anh là một hàng mù u thẳng tắp, thân sần sùi đầy vết dao chặt, lố nhố chen lẫn trong những cây trâm bầu đầy gai góc. Trên cành đám cây nầy, đặc nghẹt những ổ kiến vàng và mấy ổ ong vò vẽ to tướng…

 

Có lẽ thấy tôi thay đổi thái độ, tự động ghé thăm anh, nên anh vui hẳn lên. Anh bảo vợ con dọn rượu thịt nhâm nhi. Anh mời tôi hết ly nầy đến ly khác. Đã cạn một chai rượu chuối hột ba xị, mắt tôi cụp xuống rồi mà anh chưa hề hấn gì. Anh khui tiếp chai nữa.

 

Tôi can: Anh uống rượu khá dữ à nhưng thôi đi anh! Tôi khen nhưng ngầm ý là chê nhiều hơn. Anh phân trần: Thói quen uống rượu nầy cũng từ sinh hoạt của thời kháng chiến để lại đó. Có hay cũng có dở. Hồi đó, thậm chí ngay cả bây giờ, ngân sách để khen thưởng đâu có bao nhiêu, không xứng với công sức của nhân dân đã bỏ ra; thành ra sau mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi đợt tổng kết thường mở một tiệc rượu để mừng công. Hơn nữa làm cán bộ mà hoà mình với tập thể thì cấp dưới hân hoan lắm, công việc chạy ào ào.  Mỗi lần đi cơ sở, họ mời mà không nhậu thì họ giận, họ xa lánh! Cũng từ đó mà cán bộ nào được lên cấp bậc trung trung như tôi tửu lượng cũng rất cao.  Cười cợt bên ngoài nhưng chết trong lòng đâu có ai hay! Dân chúng ở thành bây giờ nhiều người đâu có hiểu nên phê phán và so sánh là bên Au Mỹ người ta đâu có vậy. Thì đúng là Au Mỹ họ đâu có như vậy. Nếp sống công nghiệp vùn vụt đâu có thì giờ mà ngồi nhậu cả buổi cả ngày. Ai có thành tích họ khen thưởng rất cao, thế là xong. Còn mình phải lấy cái tình, cái tiệc mà đối xử và động viên quần chúng. Khổ nỗi rượu có từ ai đâu! Lạm dụng, sa đà vào nó cũng dễ hủ hoá lắm chứ không phải chơi. “Say” đến “sai” mấy hồi.

 

Giọng anh càng lúc càng chùng xuống thật buồn. Dường như anh đoán được nhận định của tôi nên anh nhấn mạnh: Không riêng gì anh đâu, bạn bè tôi đến nhà chơi, nhiều lần nhìn mảnh vườn âm u, hỗn độn cây tạp nầy, ai cũng cười!

 

Có người chế nhạo tôi trồng bàng cho chim sẻ ngủ, lấy phân bán mua rượu. Có người bảo: thằng Minh trồng sung, tết bán làm giàu đó bây. Có người lại bảo: thằng Minh trồng mù u lấy mủ, chiều chiều rủ vợ chấm chuồn chuồn để nhớ lại cái thời hai đứa còn ở truồng kết bạn…

 

Chỉ có thằng Lâm là nói nghiêm túc: Minh ơi, mầy tên Minh mà không sáng chút nào! Mầy phải đốn bỏ những cây tạp không huê lợi ấy đi, trồng cây ăn trái hoặc cây công nghiệp mới có năng suất cao. Bây giờ tấc đất tấc vàng, người ta thâm canh tăng vụ, chọn giống tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để đạt năng suất năm mươi triệu đồng một hécta, còn mầy làm vườn kiểu nầy thì lạc hậu quá! Kỹ sư nông nghiệp như mầy thật xấu hổ!

 

Tôi nghe bạn bè chế diễu lẫn khuyên bảo thì buồn lắm!

Người ngoài không hiểu đã đành; đằng nầy ngay cả vợ con tôi cũng chê tôi! Mọi chuyện đó tôi đã biết tất cả chớ đâu phải là không!

 

Thật ra tôi đã nhiều lần trồng cây ăn trái như cam, quít, bưởi… đầy vườn. Tôi cũng rải phân, xịt thuốc sát trùng đều đặn chớ đâu phải bỏ bê gì. Tôi còn trồng hoa, trồng kiểng chung quanh nhà để làm đẹp nữa. Có điều những thứ tôi trồng lần hồi bị những cây tạp che khuất và “ăn hết đất” nên chết ráo trọi!

Không hiểu do rượu đã ngấm hay anh quá cảm động mà mắt anh rưng rưng: Tội nghiệp cha tôi, suốt đời lam lũ làm ăn, nay thì ông đã qua đời rồi. Nghe nói trước kia cha mẹ tôi đã cần cù chắt chiu từng đồng bạc suốt mấy chục năm trời mới mua được mảnh vườn nầy. Ông mong mỏi duy nhất rằng tương lai con cháu sẽ tươi sáng hơn trên mảnh vườn do ông gầy dựng.

 

Thế mà trái ngược với mong mỏi của ông, từ sau 1975, hai mươi mấy năm nay, tuy rằng đất đai có sẵn nhưng gia đình tôi vẫn thiếu trước hụt sau! Tôi cũng “cải” cũng “tạo” lại mấy lần nhưng đều không có kết quả cũng chính vì mấy cây tạp ấy.

 

Tội nghiệp, mấy cây cam cây bưởi tôi trồng chung quanh nhà đã mấy năm rồi đều bị cây sung che khuất cả, có lớn chút nào đâu! Năm ngoái, tôi có bàn với mẹ cho đốn cây sung ấy. Mẹ tôi đang ngoáy trầu vụt buông cối chày xuống la lên: Trời ơi! Đâu có được con. Cây sung đó đã cứu sống cha mẹ trong lần Mỹ ném bom làng mình! Hồi đó chưa làm hầm núp, tụi Mỹ nó ném bom dữ quá, cha mẹ chạy ra núp bên gốc sung. Cái thẹo mục dưới gốc là dấu tích miếng miểng bom phang vào; nếu không có cây sung ấy, cha mẹ đã chết queo rồi, có đâu mà đẻ ra con. Đêm nào mẹ cũng ra gốc sung đốt nhang là như vậy….

 

Một hôm khác, lựa lúc đang cùng mẹ ăn cơm thân mật, tôi khẩn khoản xin mẹ cho đốn đám bàng trước cửa để trồng nhãn. Tôi phân tích cho mẹ nghe mấy cây bàng đó không giá trị gì, sắp chết hết rồi; thậm chí chim chốc cũng không thèm đến trú ngụ; nếu đốn bỏ, trồng ít ra cũng được mươi cây nhãn, mỗi năm thu hoạch ít nhất cũng vài triệu bạc. Mẹ tôi lại cằn nhằn: Ai mà không biết như vậy! Nhưng con xem lại coi. Làng mình và mấy làng bên có mấy cây đại thụ như đám bàng nhà mình đâu? Chúng đã từng che chắn phong ba bão táp cho dân làng và cũng là niềm tự hào không những cho nhà mình mà cho cả dân làng, sao lại đốn bỏ? Con nghe lời vợ con phải hôn? Đừng có học kiểu vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đá bát như vậy!

 

Mẹ tôi giận dỗi rời bỏ bàn ăn. Thế là tôi từ bỏ hẳn ý định đốn cây sung và mấy cây bàng!

Anh không biết đâu, ngày ngày, tôi ra vào ngắm nghía hàng mù u sau nhà tính toán: Phải rồi! Đốn bỏ hàng mù u, trồng đổi lại hàng dừa, mỗi tháng thu hoạch cũng vài trăm trái. Xứ dừa mà không khai thác cây dừa thì quá dở!

 

Tôi đoán chắc thế nào mẹ cũng có lý do ngăn cản nữa. Tôi chờ dịp thuận tiện, mẹ con gần gũi thân mật sẽ to nhỏ với mẹ. Một buổi trưa hè, thấy mẹ đang ngồi trên bộ ván uể oải chải tóc, tôi đến bên mẹ đỡ lấy chiếc lược chải và bới tóc cho mẹ. Búi tóc mẹ tôi chỉ còn bằng ngón chân cái anh à. Điều nầy làm tôi run run cảm động, nghĩ thầm: Tóc mẹ đã rụng gần hết rồi, chắc không còn sống bao lâu nữa, mình có nên làm cho mẹ buồn không? Mẹ tôi cười, trơ hai bờ nướu: Thôi đi ông tướng, đừng có nịnh! Mẹ đẻ con ra mẹ biết hết. Vợ con xúi con xin xỏ chuyện gì nữa phải hôn?

 

Tôi cũng tủm tỉm cười : Mẹ nói vậy oan cho vợ con! Mẹ cho con đốn hàng mù u trồng lại hàng dừa nhen.

 

Mẹ tôi trầm ngâm một lúc lâu mới lên tiếng: Hàng mù u đó cha con trồng và tỉa tót cho ngay ngắn để sau nầy con cất nhà. Con đếm thử coi, có phải đủ bộ cột nhà ba căn hôn. Bây giờ con đốn, ít năm nữa lấy gì mà cất? Tôi cười: Chúng con bán dừa, mua gạch cất nhà; lời hơn nhiều. Mẹ nhìn tôi trân trối: Của cha con đã dày công chăm sóc mà con định đốn bỏ sao? Sao con cứ mải tính lời tính lỗ, cứ chuộng mới nới cũ, quên nghĩa quên tình như vậy?

Tôi cúi đầu im lặng. Khổ thân tôi! Tôi vốn là đứa con ít khi muốn cãi lời để mẹ buồn.

 

Vợ tôi nghĩ ra sáng kiến: Mẹ già rồi, đâu có ra sau vườn mà sợ. Đợi ngày nào mẹ đi vắng, mình sẽ đốn hàng mù u cũng được.

 

Tôi nghe có lý. Chờ ngày mẹ đi ăn giỗ, tôi lôi cái búa đã mài bén ngót dấu sẵn dưới gầm giường hăm hở ra bờ sau đốn hàng mù u.

 

Tôi nhớ rất rõ, vì không quen lao động, hôm đó chỉ mới đốn mấy nhát búa tôi đã thở hồng hộc! Tôi ngừng tay xem. Nhựa mù u trắng đục như những dòng sữa từ những vết chém rịn ra. Tôi xao xuyến nhớ lại thời thơ ấu, mỗi lần anh em tôi bị ghẻ, cha tôi cũng thường vạt mủ mù u xứt cho chúng tôi. Tôi mơ màng nhìn những chùm hoa  trăng trắng và những chùm trái xanh xanh lủng lẳng như những chùm nhãn sống. Thuở nhỏ nhà nghèo, anh em tôi thường hái trái mù u để bắn cu li, vì đâu có tiền mua cu li thật. Giờ cha và anh em trai tôi đều qua đời trong chiến tranh hết rồi! Kỷ niệm êm đềm, buồn vui của một thời thơ ấu cơ cực bỗng hiện về. Tôi buâng khuâng tự hỏi mình đốn bỏ sao đành?

 

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi vẫn tiếp tục đốn. Đàn kiến vàng thấy động, từ trên cây ào ào bò xuống rượt đuổi, tôi vác búa chạy một mạch vào nhà! Tôi ngồi dựa vào vách nghĩ vẩn vơ. Không đốn bỏ trồng lại giống khác thì biết bao giờ vườn tược mới phát lên được? Rồi có tiếng vợ tôi cằn nhằn và đốc thúc. Tôi lại cương quyết vác búa trở ra vườn. Đàn ong vú ở đâu đã tựu lại hút nhựa đen kịt. Có mấy con ong vò vẽ cũng đang vo ve. Tôi tiếp tục bổ thêm mấy nhát nữa. Kiến vàng và ong vú cùng bủa vây tôi quyết liệt. Tôi vẫn cương quyết đốn. Bỗng tôi nghe như có ai bắn đạn giàn thun bôm bốp vào đầu. Thì ra mấy con ong vò vẽ đã tới tắp đánh vào đầu vào mặt tôi. Tôi quăng búa chạy vào nhà, nằm li bì mấy ngày liền trong cơn sốt mê man…

 

Tôi nhìn anh cười: Chỗ người ta đang yên ấm trú ngụ mà anh phá vỡ làm sao không chống trả lại được!

Anh cũng cười như mếu: Nhưng nếu không cải tạo lại thì biết bao giờ vườn tược có hiệu quả cao? Rồi anh và mọi người lại chê trách! Không được đâu! Mà quên nữa. Cho anh xem cái nầy. Cái chuyện tôi xin đốn bàng, đốn mù u để trồng nhãn, trồng dừa chỉ là chuyện nhỏ, chỉ là tiểu dự án thôi. Đây mới là…  đại dự án.

 

Anh chạy lại bàn khởi động máy vi tính. Anh nhấp chuột mấy cái. Màn ảnh dần dần hiện lên một khung cảnh thật thơ mộng. Thì ra đây là đề án cải tạo mảnh vườn tạp của anh. Một ngôi biệt thự nho nhỏ, lọt thỏm trong vườn cây cảnh hoa lá xanh tươi thẳng lối ngay hàng. Bên phải là vườn cam quít, măng cụt, sầu riêng có điểm những chấm đo đỏ. Chỗ đám lá dừa nước là những vuông lớn không phải nuôi cá nuôi tôm cũng không phải ruộng lúa, rẫy lát mà anh giải thích là sẽ nuôi trai lấy ngọc, nuôi sấu làm cảnh. Anh bảo: nuôi tôm, nuôi cá, trồng lúa, trồng lát mà hoa lợi bao nhiêu; anh thấy nông dân có bao giờ giàu to và vững bền đâu? Tôi vừa kết hợp nuôi trồng và du lịch sinh thái. Tôi ngạc nhiên vì không ngờ anh lại tính xa như vậy. Anh còn giải thích những chấm đo đỏ là những khách sạn mi ni, những dãy hàng quán ăn uống và bán đồ lưu niệm. Tôi thắc mắc: miếng vườn anh có một hecta mà sao anh tính chuyện “vĩ đại” vậy? Anh cười khà khà: Phải liên kết chứ anh. Vận động bà con cả vùng tham gia chứ. Vừa tạo qui mô sản xuất lớn, vừa tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho bà con . Bây giờ làm ăn nhỏ lẻ làm sao thu hút khách hàng? Chỉ lo làm giàu cho mình, bỏ bà con nghèo làm sao vui trọn vẹn? Trồng trọt, chăn nuôi thì mỗi đợt thu hoạch phải vài trăm xe tải; chẳng lẽ từ thành phố HCM, từ Hà nội, từ nước ngoài họ vào đây để mua một vài gánh hàng thôi à. Còn du lịch sinh thái thì cũng phải có ăn uống, mua bán, vui chơi đủ loại hình văn hoá nghệ thuật; chẳng lẽ bà con từ xa đến đây chỉ để uống nước dừa, ăn vài trái lôm chôm và coi… khỉ?

 

Nghe anh trình bày đến đây thì tôi chỉ há hốc mồm, cúi đầu khâm phục! Thì ra trí thức phải có khác chứ. Đâu hẳn họ im lặng, không làm gì là họ dở đâu. Phải không? Cũng như anh bạn ở hội văn nghệ mà tôi đã nói ở trên, năm bảy năm liền anh không đăng một chữ nào trên báo, mỗi lần nhậu anh em đều đòi khai trừ anh ra khỏi hội! Đùng một cái, năm rồi anh xuất bản mấy cuốn tiểu thuyết đồ sộ và ẵm luôn giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam làm ai nấy bật ngửa!

 

Tôi chăm chú nhìn vào màn hình vi tính, hỏi anh chừng nào thực hiện. Anh buồn bã trả lời: Câu hỏi đó tôi đã từng hỏi và cũng không có câu trả lời. Chuyện cải tạo lớn như vậy “căng” lắm! Mẹ tôi còn cái quan niệm ấy thì khó lòng lắm. Ngay cả chuyện đốn mấy cây tạp cũng đã khó khăn!

 

Tôi đảo mắt nhìn ra xung quanh vườn. Bờ lá bên hông nhà vẫn xạc xào ảm đạm. Mấy nhánh sung liên tục rột rẹt quẹt trên mái nhà thật nhức nhối./.

 

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 1847
Ngày đăng: 26.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 20 - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn ông có đeo bảng số ở cổ chân - Nguyễn Đông Phương
Ngôi nhà chữ đinh - Khôi Vũ
Ao buồn - Lê Văn Thiện
Nết - Lê Khánh Mai
Truyện ngăn ngắn-4 - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung
Những cơn bão biển. - Mai Tú Ân
Cô dâu 20 tuổi - Trang Thanh Trúc
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)