Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.148.928
 
Lão Hạp
Huỳnh Văn Úc

Thỉnh thoảng tôi và lão Hạp lại có chút thời gian rảnh rỗi ngồi mời nhau điếu thuốc lào và nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Tôi thông cái điếu cày, nhón lấy một ít sợi thuốc lào vàng rộm vê viên nhồi vào nõ điếu rồi châm đóm mời lão Hạp:

- Thuốc lào mười bốn chính hiệu đấy, anh hút đi!

 

Thuốc lào mười bốn được mua ở số nhà 14 phố Nam Đồng. Ở Hà Nội những người kỹ tính vẫn đến đó mua thuốc lào vì tin rằng chỉ ở đó mới bán thuốc lào Tiên Lãng chính hiệu, khi hút khói đậm đà như vị mật thấm qua lưỡi lan đi toàn thân làm cho người ta đê mê. Lão Hạp đón cái điếu từ trong tay tôi rít một hơi dài rồi nhả khói, khuôn mặt mãn nguyện của lão ẩn hiện trong làn khói xanh bồng bềnh như thực như mơ.

 

Lão Hạp là hàng xóm của tôi, là bạn chơi đá bóng với tôi hồi tuổi thiếu niên, khi trong ngõ Xã Đàn nhà cửa còn thưa thớt chứ không dày đặc và hoành tráng như bây giờ; còn cái bãi đất cỏ mọc, ở hai đầu dựng hai khung thành bằng gỗ mà chúng tôi gọi một cách trịnh trọng là sân vận động nằm cạnh con đường vào ngôi chùa cổ bây giờ là khuôn viên của khu tập thể quân đội với những khối nhà cao tầng lừng lững. Tuổi lão xấp xỉ tuổi tôi, cả hai đều chưa quá 55, có tuổi rồi mà khuôn mặt lão vẫn tròn vành vạnh, nếu không có tí ria mép nửa đen nửa xám lão cố tình nuôi cho oai thì ta dễ nhầm là khuôn mặt đàn bà. Hơn nữa, có tí rượu vào thì mặt lão ửng đỏ, nói năng to tát, đi đứng mạnh bạo, lại càng tỏ ra là một trang nam nhi hảo hớn.

 

Cả lão Hạp và tôi đều nối nghiệp cha mẹ một cách xứng đáng. Mẹ tôi là giáo viên Trung học cơ sở, đã quy tiên, bà được đào tạo theo kiểu 10+2, có nghĩa là tốt nghiệp Trung học phổ thông rồi học thêm hai năm nữa thì ra công tác. Còn tôi có bằng Đại học Sư phạm chính quy, nhưng cũng chỉ dạy Văn, Sử cấp THCS. So với bạn bè dạy môn Toán hay môn Lý, chạy sô dạy thêm mệt nghỉ, xây được nhà tầng, thì thu nhập của tôi khiêm tốn lắm, vì không học sinh nào có nhu cầu học thêm hay luyện thi môn học của tôi. Thu nhập của cả nhà, hai vợ chồng và hai đứa con trông vào gánh bún riêu của vợ tôi, quanh năm vất vả ở mom sông, nuôi đủ hai con với một chồng. Đấy là tôi nhại bài thơ Thương vợ của cụ Tú Xương cho có vần, chứ vợ tôi không vất vả ở mom sông, mà ngồi bán rong trong Ngõ Gạch ở gần chợ Đồng Xuân. Tôi xót xa thương vợ, vì hoàn cảnh mà tuy có bằng trung cấp cơ điện nhưng xin thôi việc ở nhà máy để lăn lộn với gánh bún riêu. Vả lại, nhờ có gánh bún riêu thì tôi mới trở thành người có ích cho xã hội và gia đình khi ngồi giã cua, chẻ rau muống hay ngồi canh lửa nồi riêu. Có hôm tôi vừa canh lửa nồi riêu, vừa tranh thủ chấm bài kiểm tra một tiết của học sinh lớp 9C-lớp tôi làm giáo viên chủ nhiệm- đề bài về " Liên Xô và các nước Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai".  Chả hiểu lúc lên lớp tôi có giảng nhầm hay không mà hầu như cả lớp đều viết rằng :" Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xuất hiện phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh do Liên Xô làm trụ cột nhà". Đáng lẽ đặt dấu chấm câu sau từ trụ cột thì câu văn rất hoàn chỉnh và có nghĩa, nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà học sinh của tôi lại thêm một từ nhà nên câu văn trở nên ngô nghê và buồn cười. Cái chữ nhà thừa ra đó làm tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo, bò ra mà cười, làm cho vợ tôi hốt hoảng :

" Sao? Anh lại để cho nồi riêu sôi trào ra rồi à?".

 

Thế còn lão Hạp? Lão nối nghiệp ông cụ, đạp xích lô. Bây giờ người ta cấm xích lô thì làm gì? Thì chơi chứ còn làm gì nữa! Muốn tiếp tục đạp xích lô thì phải vào nghiệp đoàn xích lô gọng vàng, đưa mấy ông Tây bà đầm đi dạo phố cổ. Xế xích lô gồm toàn bọn con trai cao ráo, đẹp lồng lộng, có đứa nói tiếng Tây như gió, lão đọ được thế nào với lũ ranh con ấy? Không đọ được thì nghỉ cho khoẻ. Ừ thì nghỉ! Lão tự an ủi rằng dẫu có là ngồi trên yên xe ở phía sau khách thì thân phận anh xế xích lô chẳng qua cũng chỉ là ngựa người, nói rõ ra là thằng người nhưng chẳng khác mấy con ngựa kéo xe. Ta hãy cứ tưởng tượng cái cảnh một đôi vợ chồng Tây nặng tổng cộng hơn hai tạ ngồi trên xe, máy ảnh và máy quay phim cầm tay, chỉ chỉ chỏ chỏ, cười cười nói nói, còn anh xế xích lô trán vã mồ hôi gò lưng đạp thì cũng thấy nhục thay cho người bản xứ. Tránh được cái nhục ấy kể ra cũng tốt. Thôi! Nghỉ vậy. Nói vậy chứ lão không nghỉ đâu. Gánh bún riêu của vợ đã không để cho lão ngồi chơi, cũng như tôi, lão bị cuốn vào các công việc vất vả và tỉ mỉ trong việc chế tạo ra nồi riêu cua. Bún riêu! Ôi! Bún riêu muôn năm! Nhờ có bún riêu mà tình hữu nghị giữa nhà lão và nhà tôi ngày càng bền chặt, gặp tôi ngoài đường, lão vồn vã: " Chào ông giáo! Ông giáo đi đâu đấy".  Và thỉnh thoảng kiếm được chút thời gian rỗi, chúng tôi lại ngồi hút thuốc lào vặt với nhau. Trong câu chuyện với lão khi đã lờ đờ say vì khói thuốc, tôi tự trách mình vô dụng, là giáo viên dạy Sử mà chẳng bỏ công ra tra cứu trong sử sách nước nhà hoặc đông tây kim cổ xem ông nào hay bà nào là tổ nghề bún riêu để đưa tên tuổi lên bàn thờ tổ nghề.

 

Ngoài việc phụ giúp vợ trong việc chế tạo ra nồi riêu cua, lão Hạp còn trông nom hàng chè chén con con, ngoài nước chè ra còn có rượu trắng, dăm bao thuốc lá, vài thanh kẹo lạc đựng trong những lọ thuỷ tinh. Tuy ít khách vì nhà lão chỉ trông ra mặt con ngõ nhỏ, nhưng nếu không có cái hàng nước ấy thì lão biết dùng thời gian còn lại trong ngày sau khi giã cua, chẻ rau vào việc gì? Những lúc vắng khách, lão hay ê a vài câu vọng cổ. Giọng lão khê nồng-thì những người hút thuốc lào làm gì có chất giọng nghe lọt tai được-tuy vậy nội dung bài hát làm cho lão đôi khi hát lên với tất cả sự xúc động chân thành, lắm khi chợt nghe lòng tôi cũng thấy nao nao:

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào. Cửa vườn cô đã khoá kín tự hôm nào, tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm…

Ôi! Lão Hạp! Tôi thật không ngờ ông bạn thuốc lào của tôi lại có một tâm hồn nhạy cảm đến nhường ấy!

 

Trưa hôm nay sau tiết dạy ở trường, xe tôi vừa về đến đầu ngõ thì thấy người tụ tập đông trước cửa nhà lão Hạp. Xe của công an vừa mới đưa lão Hạp lên đồn. Làm sao đến nông nỗi này, ơi lão Hạp! Những người hiếu kỳ còn đứng trước cái quán chè chén của lão kể với nhau:

- Người ta theo dõi lâu rồi, hôm nay mới ra tay. Một thằng nghiện từ quán nước của lão đi ra, đến bên cây cột điện đầu ngõ vừa mới đưa tay cầm tép thuốc giấu ở đó thì hai cánh tay đã bị trinh sát bẻ quặt ra phía sau. Nó không chối được và khai ra lão Hạp…

 

Tôi tự trách mình chơi với lão Hạp đã lâu mà không hiểu lão. Nhà lão hai vợ chồng với gánh bún riêu cũng đủ nuôi ba đứa con chứ có thiếu thốn gì cho cam mà phải bán lẻ ma tuý. Trước đây đã có lúc tôi ngờ ngợ, cái quán chè chén ấy thu nhập đáng bao nhiêu mà lão ngồi đấy, rách việc! Thì ra cái quán ấy chỉ dùng để che mắt thế gian, thực ra nó là địa điểm thu hút những con nghiện nhan nhản ở đường đê La Thành gần đấy. Đời cứ bằng phẳng quá, không có những sự bất ngờ làm cho người ta sững người hay thót tim thì cũng kém phần thi vị. Nhưng cái sự bất ngờ mà lão Hạp đem lại làm cho tôi thấm thía:

 

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm! ./.

 

Hà Nội, tháng 12-2008

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2605
Ngày đăng: 26.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 20 - Đỗ Ngọc Thạch
Người đàn ông có đeo bảng số ở cổ chân - Nguyễn Đông Phương
Ngôi nhà chữ đinh - Khôi Vũ
Ao buồn - Lê Văn Thiện
Nết - Lê Khánh Mai
Truyện ngăn ngắn-4 - Mang Viên Long
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung
Những cơn bão biển. - Mai Tú Ân
Cô dâu 20 tuổi - Trang Thanh Trúc
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)