Những năm đầu thập niên năm mươi, ở Huế có ba cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng. Cặp thứ nhất được mọi giới yêu thích nhất: cặp Mộc Lan – Châu Kỳ. Cặp thứ hai được những người bình dân lao động ưa thích vì họ chuyên hát những bài dân ca hoặc mang âm hưởng dân ca, đó là cặp Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết và cặp thứ ba, thầm lặng hơn, họ khác với hai cặp vợ chồng nghệ sĩ nói trên, họ không phải là ca sĩ, thành phần ái mộ họ là thanh niên, học sinh nam nữ, đó là cặp vợ chồng nhạc sĩ Ưng Lang. Họ có phong cách riêng, ít xuất hiện trước công chúng, họ nổi tiếng vì tiếng đàn réo rắt, du dương, trầm bổng rất phù hợp với không khí trầm mơ, lắng đọng ở đất Thần kinh. Ngày ấy tôi mới khoảng mười lăm mười sáu tuổi, vào những đêm trăng sáng cùng với vài đứa bạn đạp xe từ Thành Nội lên Thành Ngoại tìm những con đường trồng nhiều nhãn hái trộm vài chùm rồi rủ nhau về hồ Tịnh Tâm vừa ăn nhãn vừa ngắm sen dưới ánh trăng. Có lần đạp xe trên đường trắng toát bởi ánh trăng phủ mênh mang chợt phía sau những lùm cây im lìm, thăm thẳm trong bóng trăng chập chờn hắt lên tiếng đàn ai réo rắt, tiếng đàn như biến thành muôn vàn sợi tơ trời níu chúng tôi, cả lũ ngừng xe ngẩn ngơ lắng nghe tiếng đàn huyền diệu, bài Giọt mưa thu hình như được ai đó tâm sự mang trút vào tiếng đàn làm lũ nhất quỷ nhì ma chúng tôi chợt trở nên những chàng trai mơ mộng, ao ước được ngắm nhìn con người đang nắn cung tơ làm cho những giọt trăng biến thành những giọt mưa thu ấp vào hồn tôi cho đến tận bây giờ.
Những đêm trăng sau đó và cả những mùa trăng kế tiếp tôi đều cố tình đi qua con đường có tiếng đàn biến tôi từ cậu học trò nghịch ngợm thành một gã con trai mơ mộng. Cuối cùng tôi cũng khám phá được con người có tiếng đàn làm thay đổi tâm hồn tôi, đó là một cô gái tuổi áng chừng như tôi, tóc thề, đôi mắt đen nhánh, cặp má hoa hồng, tên nàng tinh khiết như một ni cô: Diệu Liên. Vì quá mê tiếng đàn, tôi kiên nhẫn theo đuổi làm quen. Có lẽ do ngoại hình tôi cũng nhìn được, nhất là giọng nói khác lạ của tôi nên Diệu Liên chẳng mấy tỏ ra kiêu kỳ. Khi đã là bạn nhau rồi Diệu Liên thường nói đùa: Con trai gì môi đỏ như con gái, giọng nói cứ như hát. Thuở lấy tôi mới từ miền Bắc theo gia đình vào Huế nên giọng nói của tôi còn nguyên phong thổ đồng bằng Bắc bộ. Về tiếng đàn của Diệu Liên, cô là học trò của thầy Ưng Lang, người có tài đàn Hạ uy cầm nổi tiếng nhất đất cố đô. Đó là kỷ niệm thứ nhất của tôi về nhạc sĩ Ưng Lang. Khi tình bạn của tôi với Diệu Liên trở nên thân hơn, cô dạy tôi đàn bài Mưa rơi, điểm đặc biệt của ca khúc này là hát đơn ca, duo hay trio đều hay, và tuyệt diệu nhất là khi bản nhạc được tiếng đàn Hạ uy cầm phả cái hồn của mình vào, khi ấy nếu ta có tâm hồn đồng cảm ta sẽ nghe được tiếng mưa rơi thì thầm vào hồn ta những lời tâm sự của mưa. Chỉ tiếc là những ca khúc về mưa thường là những khúc nhạc buồn nên tôi và Diệu Liên sớm phải xa nhau.
Kỷ niệm thứ hai của tôi về nhạc sĩ Ưng Lang, có lẽ vào năm 1954, lúc ấy tôi là cây guitare chủ lực của ban nhạc Nắng Hồng, ban nhạc này quy tụ toàn học sinh, trưởng ban nhạc cũng là một học sinh đang theo học ban tú tài. Ban Nắng Hồng mỗi tuần vào chiều thứ bảy hoặc chủ nhật đều được Ty Thông tin Huế mời chơi trên Đài phát thanh Huế, lúc bấy giờ nhạc sĩ Ngô Ganh đang làm giám đốc. Cũng có lần vì lời mời khẩn khoản ban nhạc toàn là học trò lầu đầu tiên chơi tại nhà hàng Hương Giang, trong cái lần đầu tiên ấy tôi gặp vợ chồng nhạc sĩ Ưng Lang, có lẽ nhà hàng cũng mời đôi vợ chồng nghệ sĩ này. Nhưng đêm ấy nhạc sĩ Ưng Lang không đàn mà chỉ đứng bên cạnh như chỗ dựa tinh thần cho người bạn đời của mình chinh phục thực khách bằng tiếng đàn do chính nhạc sĩ Ưng Lang truyền cho tất cả những tinh tuyệt tài hoa của mình. Tuy đã có đến hay kỷ niệm về người nhạc sĩ mình mến mộ nhưng do tuổi tác quá chênh lệch, trước nhạc sĩ Ưng Lang tôi vẫn còn là thằng nhỏ vừa qua thời kỳ thò lò mũi xanh, lẽ nào lại có thể trở thành bạn?
Thời gian trôi qua vùn vụt, ca khúc “Mưa rơi” và nhạc sĩ Ưng Lang trở thành một phần trong ký ức đầy mơ mộng của tôi. Nhưng chuyện đời không thể ngờ được, hơn ba mươi năm sau, chính xác là 36 năm sau, tôi gặp lại anh Ưng Lang ở Sài Gòn, tại quán Huy Tưởng, lúc này người nhạc sĩ tài hoa nho nhã năm xưa đã trở thanh một tiền bối tóc tuy đã bạc gần hết nhưng dáng điệu vẫn rất hào hoa. Điểm đặc biệt là anh rất chân tình, tuy chưa bao giờ làm quen nhưng anh đối với tôi thân ái như đã quen từ kiếp nào. Ngày xưa tôi đã từng mến mộ Ưng Lang bây giờ lại càng yêu thích hơn. Anh là mẫu nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ nhất ngay cả những cây đại thụ như Phạm Duy, Lê Thương… vẫn chỉ được tôi ca ngợi về tài năng, còn về con người thì duy chỉ có nhạc sĩ Ưng Lang mà tồi từng biết. Chỉ tiếc là khi gặp lại nhạc sĩ Ưng Lang tôi đã trở thành trung niên bệnh phu, bao nhiêu mơ mộng thuở thanh niên đã bàng bạc cả rồi, muốn theo anh chinh đông chinh tây bằng bia bọt cũng chẳng còn đủ hơi sức. Ngồi ở nhà nhìn cái ngưỡng cửa ngày càng cao dần mà ngao ngán, mà thương tiếc cho một thời tóc xanh. Như thể để bù trừ đã bó phí mấy mươi năm một tình bạn, tôi và anh Ưng Lang thường gặp nhau ở quán Huy Tưởng, cả hai chúng tôi đều ít nói, và hình như cả hai cùng hiền nên… đa tình như nhau; mà ác thay cái giống hào hoa khù khờ lại là típ phụ nữ chiếu mệnh nên cả tôi và anh Ưng Lang đều có tài… chạy trốn ngang nhau? Cũng vẫn chỉ là chuyện đùa, tôi chưa hề thấy anh Ưng Lang “văn nghệ” với người đẹp nào, còn tôi đã hết tuổi hưởng dương mà vẫn… nhát. Chúng tôi trở thành bạn của nhau là chí phải. Xin cám ơn Kim Dung, nhờ ông mà ngày nay có tình bạn vong niên kiểu Châu Bá Thông – Quách Tĩnh ngày xưa đạo lý khệnh khạng thường lắc đầu quầy quậy.
Một hôm đang ngồi uống cà phê với Huy Tưởng chợt một phụ nữ đến gặp tôi, Huy Tưởng vội giới thiệu nàng là con gái nhạc sĩ Ưng Lang, cô có mơ ước trở thành một nhà văn, hiện đã viết xong tác phẩm đầu tay. Với lời ủy thác của anh Ưng Lang, Huyền – tên người phụ nữ – cần sự giúp đỡ của tôi để tác phẩm đầu tay của nàng có thêm nhiều thuận lợi ra mắt bạn đọc. Mặc dù chẳng có quyền hạn gì nhưng sự quen biết thì tôi khá phong phú, tôi tận tình giúp Huyền và ít lâu sau Huyền tặng tôi tác phẩm vừa in xong: “Khoảnh khác định mệnh”.
Mấy năm nay, tôi bỏ hẳn thói quen đi la cà, thế giới chung quanh ngày càng trở nên bất trắc, tôi ngồi một chỗ nghe mình và nghe trời song song hòa quyện những dòng vân vi vô ngã. Sài Gòn đang thay đổi từng ngày, chuyện ấy chẳng liên quan gì đến tôi, ngoại ban tung tiền mua đất nước mình, chuyện ấy nghe cũng đau đau, nhưng cái giá mở cửa là phải thế? Rằng đạo đức đang suy đồi, chưa bao giờ học trò nghiện ma túy nhiều như bây giờ! Lại thêm một cái giá phải trả. Con gái thời nay đi phá thai ngay từ thuở cắp sách tới trường ngày càng tăng. Cũng vẫn là cái giá phải trả. Còn một nghìn lẻ một cái giá phải trả nữa để có một xã hội kẻ cơm ăn không hết, người đói xanh mặt vẫn phải đi bán máu để sinh tồn. Chung quanh là thế đó. Tôi ngồi một chỗ mũ ni chẳng che được đôi tai. Chuyện thiên hạn nghe sao đau thấu tâm can. Còn chỗ nào nương thân? Không, ngay cả rừng cũng đang phải trả giá, suối nguồn nhiễm hóa chất, biết đi đâu!!!
Cũng may vẫn còn. Còn tình người, tình bạn. Tôi ngồi nhà tự diện bích được năm năm thì anh Ưng Lang gửi tập nhạc tuyển “Chiều về thôn Vỹ” trong đó có bài “Mưa rơi” một thời trẻ dại tôi đã trải hồn những giọt mưa ở đất Thần kinh. 19 ca khúc, tinh hoa của một nhạc sĩ đầy khiêm tốn, tinh hòa của một đời người thanh đạm. Xin cám ơn, dù sao vẫn còn le lói một ánh đèn cho tôi hướng tầm nhìn mong đợi. Hai năm sau nữa, anh Ưng Lang lại gửi cho tôi một tập truyện của Công Tôn Huyền, con gái anh. Không nói đến giá trị của tập truyện, đã mấy năm rồi không gặp, chẳng có gì buộc anh Ưng Lang phải nhớ đến kẻ ở ẩn bất đắc dĩ này, thế mà anh vẫn nhớ. Ở MỘT NƠI Không TÌM THẤY THIÊN ĐƯỜNG đến với tôi như lời an ủi. Thiên đường ở ngay trong lòng ta cớ chi phải đi tìm. Hình như những uẩn ức tâm lý của tôi phần nào được giải tỏa. Tôi đã không nhầm khi dành cả đời tương kính một tình bạn, dẫu rằng đôi bạn ấy chênh lệch nhau một phần tư thế kỷ. Thì đã sao? /.