TTO - Ở phương Nam nắng gió, trên bờ sông Tiền, có nhà thơ La Quốc Tiến. Anh viết không nhiều, giọng thơ của anh phóng khoáng, không câu nệ vào sự ràng buộc của câu chữ nên đôi lúc người đọc cảm tưởng như còn thô ráp...
Tạng người thế nào thì thơ thế ấy. Biết thế nào được? Nhưng với bài thơ Nợ bút nghiên, tôi tin nhiều người sẽ thích - nhất là những người đang cầm bút, lao lực trên cánh đồng văn chương, vì anh đã nói được một điều mà ta đã từng ngẫm nghĩ không chỉ một lần, mà có thể suốt một đời.
Mời các bạn đọc bài thơ này qua lời bình cuả nhà văn Trần Quốc Toàn (Nhà thơ Lê Minh Quốc).
Nợ bút nghiên
Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng
Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt
Về già, tai lại còn bị điếc
Nhưng mỗi khi muốn viết
Người đều bảo: "Hãy để ta tự tay mài mực
Các con múc cho thầy gáo nước
Ta cần rửa và lau mặt
Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình"
Cụ Đồ gọi đó là chút nợ bút nghiên
LA QUỐC TIẾN
(Bài thơ được giải nhất Cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000)
Lời bình:
Bày nghiên ra, rồi "mài mực" rồi sai "múc cho thầy gáo nước" rồi rửa mặt, rồi lau mặt, rồi soi... Nhà thơ La Quốc Tiến kể dài, kể dai tới sốt ruột người nghe. Rồi có nóng ruột mới hiểu ra, văn chương là thế, cực nhọc lắm, khó khăn lắm, chưa hạ bút đã lao tâm khổ tứ!
Kết thúc chuỗi nghi thức quan trọng kia, những tưởng sẽ xuất hiện thần cú, nhãn tự gì, lại chỉ thấy "gương mặt của mình", gương mặt người lao động văn chương. Văn chương trước hết là khuôn mặt mình. Nhưng đây lại là khuôn mặt soi vào màu đêm của một đĩa mực!
Một người mù nhìn vào đêm, đêm hai lần đặc thêm, người ấy lại cố nhìn cho thấy mình, thì đó là một mình cốt cách, mình thần thái, mình đã thoát xác mình. Hồn thơ cũng thoát xác thơ từ đây, chất thơ trữ tình vượt khỏi những thông báo văn xuôi tự sự để ánh lên. Theo mạch thơ, nhân vật trữ tình tự đi tới một tình huống khác thường, soi gương mực tầu, để thấy những tiềm ẩn sau khuôn mặt, thấy nỗi lòng!
Chưa thành tâm, chưa sạch lòng mình thì đừng vội cầm vào cây bút!
Nhà văn TRẦN QUỐC TOÀN