Ánh trăng chiếu xuyên qua những chòm lá sầu đông sáng loáng thoáng lên người Tánh trông êm ả và dễ thương hết sức. Tánh ngồi bên bà Ngô dáng âm thầm như nàng cũng để ý tới mùi thơm dìu dặt của những cành hoa sầu đông nở rộ vào hè tan đi trong gió. Sau bao lần thay đổi chỗ ở, mỗi bận ra đi là một nỗi hoang mang thêm vào những ngày lận đận xa cách của Khiêm nỗi buồn nản chất chồng; Khiêm tìm tới xóm này như người đi lạc chưa bao giờ ngờ có một nơi yên tĩnh sầu thảm như thế. Đêm đầu tiên sau buổi nói chuyện với lão Ngô, bà Chiến, và Hòa, Khiêm bắt ghế ngồi thầm trong tối, bỗng nghe mùi hương sực nức của những cánh hoa dại sầu đông, Khiêm tự dưng thấy lòng cũng yên ổn, dịu dàng như mùi hương. Từ đó, sau những giờ ngồi nói chuyện quơ quất với bà Ngô, bà Chiến, Khiêm thường gần gũi dưới bóng tối của hàng cây sầu đông chờ Mẹo về. Trong đêm vắng của con xóm sâu hút trong nỗi nghèo khổ tối om, Khiêm mơ hồ thấy đời mình cũng biền biệt như bóng tối. Và ngơ ngác xa vời với những tưởng nghĩ về Hạnh. Không còn nhớ ra giữa Hạnh và mình có điều gì an ủi, có hy vọng nào ôm ấp, Khiêm hoang mang khi thực sự thấy mình tách rời tất cả, cũng bắt đầu từ Hạnh mà ra. Bạn bè còn lại thì mỏi mòn quá sức với những cánh thư bất thường viết ra trong nỗi thất vọng không cứu giúp nhau được gì, để Khiêm nhìn rõ hơn những ngày sống thu nhỏ hun hút của mình. Tuy vậy những bức thư của Tới từ Saigon náo động cũng đã chuyền được cho Khiêm cái náo nức bất chợt về những hoạt động rầm rộ của những người như Khiêm. Lòng rộn rã không kéo dài hơn một đêm ngồi dưới hàng cây sầu đông chờ Mẹo, một lá thư viết vội để tỏ nỗi hân hoan. Ở đây, trong cuộc sống kín mít của từng ngày lặn lội tới trường những đêm ngồi thầm trong tối, đã dìm sâu những cảm giác ồ ạt sôi nổi nơi Khiêm. Nghe Tới thuật lại một đêm đọc thơ, một buổi trình diễn nhạc, nghe Tới nhắc nhở, thúc giục về những việc làm cho một tờ báo để chuẩn bị cho những ngày sắp ba mươi, và những ngày sắp ngưng chém giết Khiêm thấy lòng cũng xao xuyến lại có dịp cho những ước mơ vần vũ soi nhức trong đầu. Thỉnh thoảng trong nỗi lẻ loi của mình, Khiêm cũng có nhiều lần để nghĩ ngợi vẽ vời cho những dự định từng đeo sát bên mình với nhiều ray rứt. Nhưng rồi, trong cuộc sống lao đao, kín mít, bít bùng khổ ải, Khiêm thấy quả khó để thoát ra ngoài vòng kìm tỏa đó để yên ổn làm việc . Dần dần, những câu chuyện đọc thơ, trình diễn nhạc, làm báo… của Tới từ Saigon viết ra, Khiêm coi như một mẩu tin. Một mẩu tin được đăng trên một tờ nhật báo chẳng hạn. Cũng không nuôi được cho Khiêm lòng rạo rực lâu dài. Và Khiêm cũng nhận thấy rằng, mình khó lòng mà hòa nhập vào những hoạt động ồ ạt, biểu diễn, chen lấn như một số bạn bè ở đó. Nhưng dầu sao, Khiêm vẫn viết, mình rất vui khi nghe cậu đã làm việc hăng hái, hãy cho thêm mình niềm vui và bạn bè niềm hãnh diện.
Bà Ngô nằm soãi chân, tay chống lên đỡ lấy đầu, ngước nhìn vào bà Chiến. Hai bà này không ưa gì nhau, nhưng vẫn thường trò chuyện tào lao với nhau, nên thường cãi cọ. Trong khu vườn, bà Ngô đã dựng lên mấy nóc nhà tạm bợ, trong đó bà Chiến là người tới ở trước nhất. Rồi chị em Tánh. Cuối cùng là Khiêm và Mẹo. Những căn nhà đó xúm xít với nhau, tách rời những căn nhà chung quanh, do đó những người tới ở cũng gần gũi hơn như thể cùng chung một nhà. Điều này làm Khiêm hài lòng hơn hết, bởi từ lâu, Khiêm không được sống trong một nơi có ít nhiều không khí thân mật của một gia đình. Có bà già để nhắc chuyện đời xưa, có đàn ông để bàn chuyện bậy bạ, có trẻ nhỏ để chơi giỡn, có con gái để mượn tiền. Về sống với bà Ngô, Khiêm đã tìm thấy gần đủ những điều đó. Như vậy sẽ ít phải sợ những ngày nghỉ, những đêm khó ngủ sớm trước giờ Mẹo đi đánh bài về.
Bà Ngô lên tiếng hỏi:
-Bà Chiến, sao giờ này ông Phiệt không về?
Tiếng bà Chiến cắt ngang:
-Về không về thây kệ ổng chớ, hỏi tui chi?
Bà Ngô cười ré lên:
-Hỏi một chút cũng khó chịu, về thì bà sướng chớ ai vô…
Giọng bà Chiến gay gắt:
-Vợ chồng thì ở đời ở kiếp chớ hề gì một đêm…
-Ủa, thì tui thấy bấy khi giờ này xe của ổng đã ầm ầm chạy về, bây giờ không có tui hỏi, hỏi cho vui vậy mà…
-Sao bà không hỏi ông Ngô?
-Thôi, nói gì tới lão đó. Lão đi cả ngày suốt đêm, giờ giấc gì mà trông.
Bà Ngô nói tiếp:
-Bộ bà cũng trông ông Ngô về chắc ? Hồi trước, không ưng ông Ngô đi cho gần gũi. Chớ ông Phiệt, ồ lính tráng mà hơi sức nào?
-Ờ, ai biểu bà không nói chi, duyên nợ trời định, chớ ai muốn mà được bà?
Bà Chiến ở góa từ nhiều năm, có một đứa con duy nhất, cũng chết đi năm sáu tuổi. Bà kết nối với ông này, ông nọ, nhưng cuối cùng bà cũng không sao có thêm được đứa con như bà mong muốn. Rồi những cuộc tình lén lút cũng tan vỡ như mọi ước mơ của bà. Có một dạo bà bị người vợ của ông trung sĩ chận đánh ê ẩm cả người, tóc bị cắt đứt, phải ở nhà bỏ buôn bán cả tháng mới hết dấu mặt. Chính vì lần đó bà tìm tới con xóm này, một con xóm bị bỏ quên với nỗi vắng vẻ ảm đạm, để nhất định không chịu kết nối với ai nữa, chôn sâu giấc mộng có một đứa con để chiu chắc, đùm bọc lúc già. Sống yên được vài tháng lại gặp hạ sĩ Phiệt. Ông này đã già, có con đùm con lũ, nhưng bà Chiến đã thương ông ta. Bà nói: “Tui thương ảnh ở chỗ ít nói, hiền như cục đất. Nhưng ông quỉ này cũng nói láo dữ lắm. Gặp tui, ổng nói vợ ổng chết, còn mấy đứa con nheo nhóc. Tui nói không ai bày biểu phải nói láo nghe cha. Nói vậy có tội tui mang không hết. Tui biết ảnh có vợ, nhưng tui vẫn thương”. Ông Phiệt được bà Chiến thương nên ông cũng có dịp lui tới. Lúc đầu thì ghé lại với những bữa ăn, rồi đi. Sau này, bà Chiến cung phụng cho ông thực quá sức. Có một nơi dừng lại để ăn uống, ngủ nghê, ông Phiệt đã nói gì với người vợ ở nhà ? Nếu nghe được câu nói của ông với bà vợ ở nhà đang lăm le sởn tóc bà Chiến, thì buồn cười đến chừng nào. Khiêm chỉ là người ở ngoài để nghe như Tánh, ít khi muốn dự vào câu chuyện của cả hai về chồng con. Mỗi người đều có một người đàn ông để nói tới, kể cũng vui. Bà Chiến thường rất hãnh diện khi biết rằng mình cũng có một người chồng, một người đàn ông như ai. Cũng có những giờ phút trông đợi nhớ thương, và nhất là có cái mà bàn quanh về ông Phiệt như bà Ngô vậy. Bà Ngô phàn nàn lão Ngô không lo làm ăn , mê say cờ bạc, nhiều lần lão hứa như cuội là sẽ bỏ ngay, nhưng bà Ngô đinh ninh rằng, ổng mà bỏ được bài bạc thì Mỹ nó về nước hết. Còn bà Chiến lại đem chuyện ông Phiệt say sưa từ quán này tới quán nọ, đã gìa mà không lo con cái. Hễ bà Ngô nói tới chuyện gì, thì y như bà Chiến cũng có một chuyện tương tự mà nói. Từ câu chuyện tới những so đo về tiền bạc, sướng khổ, hai bà thường gay gắt, to tiếng ở đoạn này. Bà Ngô than :
-Nghĩ bà Chiến thực sướng, ở chợ tự do, về tới nhà muốn làm gì thì làm.
Bà Chiến nổi nóng:
-Chớ bà khổ với ai ? Ăn rồi chỉ lo ba bữa…
-Thôi đi bà ơi, bà mới sướng, tiền bạc dư dã, không lo chồng lo con gì ráo.
-Ai biểu bà có chồng ? Có chồng phải lo chồng lo con, tui đâu có muốn sống một mình.
Dừng lại một lát, như hết lời cãi, bà Ngô hỏi:
-À, này bà Chiến, bà đụng ông Phiệt là ông thứ mấy đó bà ?
-Ông thứ mấy bà hỏi chi? Mười lăm hai mươi ông cũng được, bộ bà hết chuyện hỏi rồi hả ?
Tiếng bà Ngô cười:
-Thì hỏi cho vui vậy mà …
-Vui với chó chớ vui với ai ? Tui lăng nhăng vậy mà có mắc mớ gì tới bà?
Tánh trở người xoay nhìn Khiêm. Ánh trăng sáng trên tóc đẹp huyền dịu. Khiêm đoán biết Tánh cười với mình sau mái tóc. Nếu Khiêm thích nghe nhhững lời cãi vã của bà Ngô với bà Chiến, thì Tánh rất ngại những lần như thế. Cả hai đều giống nhau ở chỗ, đều giữ yên lặng khi biết giữa hai bà sắp có điều to tiếng, hờn lẫy. Ở lâu, Khiêm biết được tính của hai bà này như trẻ con, hờn giận đó, lại thân mật đó. Vì thế Khiêm ít khi mở miệng can gián. Hơi sức nào mà bận tâm tới chuyện đó, Khiêm nghĩ vậy, dù đôi khi cũng ngồi không, buồn tình muốn có chuyện để nói cho đỡ.
Bà Chiến lui cui bên mấy bếp lửa cháy rực, ánh sáng đỏ trên gương mặt bất bình, trông bà tội nghiệp. Bà thường như một cái bóng thấp thoáng đơn độc trong nỗi phiền muộn của mình. Có lẽ bà cũng nhận biết bà có nhiều gian nan, lận đận trong đường chồng con, nên bà giấu con đường thua thiệt đó trong lúc nói chuyện với mọi người, nhất là với bà Ngô. Nhưng bà Ngô đã cứ nhắc nhở cho bà cái bất hạnh đó, khiến bà thêm tính lừng khừng, cộc cằn. Lúc hết giận, bà nói : “Nghĩ đời tui trời đày, chớ làm sao mà biết ? Nẫu đi đánh nhau lung tung không chết, nhà tui mới một trận đã chết rồi. Tôi biết lắm mà hễ chồng tui chết là tui bắt đầu khổ. Khổ đủ chuyện cả, cậu giáo à. Cậu giáo biết không, lúc đó tui khóc cả tháng, đau cả tháng, nói thiệt, tui thương cho ảnh, rồi thương cho tui”.. Trong nỗi đau khổ, Khiêm thấy gần gũi bà ta hơn luc nào hết. Và Khiêm cũng thấy thêm rằng, bất cứ nỗi đau khổ nào được nghe tới, cũng là điều chua xót cho hết thảy. Những người đã chết, những người còn ở lại, đều chịu chung số phận như nhau.
Khi bà Chiến dời nhà bếp mang những trái dừa ra sân thì thằng Hòa cũng tới đúng lúc. Khiêm thấy Hòa ké né bên những trái dừa, chờ được uống nước, bèn lên tiếng:
-Thằng Hòa tới thiệt đúng giờ…
Hòa biết Khiêm chọc mình như mọi bữa, hình như nó cũng đang chờ câu nói trên đó của Khiêm. Nhìn chị, nó cười:
-Còn anh ngồi dưới hàng sầu đông cũng thiệt đúng giờ chị Tánh tới.
Tiếng Khiêm cười trong bóng tối dưới hàng cây vọng lại. Hình như hai bờ vai Tánh rung rinh làm lay động mấy bóng dâm loáng thoáng trên áo. Khiêm nhớ lại nét mặt ngượng ngùng của Tánh khi Khiêm tới hỏi vay tiền cho Mẹo. Tánh bỡ ngỡ không vì Khiêm vay tiền, mà biết Khiêm đã nghĩ tới mình. Mẹo đã thua hết số lương vừa lãnh ở ty về, trong một buổi chiều. Số tiền của Khiêm chỉ đủ gởi tiền cơm cho bà Ngô, trong lúc Mẹo không thể thiếu những điếu thuốc. Vậy là Mẹo lấy uy tín của Khiêm, thúc Khiêm tới vay Tánh. Cũng nhờ lần đó, trở về sau, Tánh đã bỏ đi nhiều khách sáo xa cách với Khiêm. Nàng có thêm những chiều chuộng lo lắng rất chung tình với Khiêm nữa. Biết được điều đó, Mẹo cứ nhắc hoài, là nhờ hắn thua bạc, ván bài lịch sử, nên đã đem Khiêm tới gần Tánh bất ngờ. Mẹo lý luận thêm, trong niềm bất hạnh cũng đã có ít nhiều diễm phúc đó chớ Khiêm? Riêng Khiêm, anh không rõ đã có bao nhiêu diễm phúc khi anh hỏi vay tiền một cô bạn đồng nghiệp ở trường. Lần này Khiêm ngỏ ý mượn tiền, cô giáo bỉm môi:
-Thôi đi, anh đừng có nói giỡn…
Khiêm nói thẳng:
-Tôi ít khi nói giỡn về chuyện tiền nong và tình yêu.
Cô giáo như hiểu được giọng thành khẩn của Khiêm, nhưng cái nhìn vẫn còn giữ ít nhiều áy náy:
-Tôi trông anh, không thể tin là anh thiếu tiền…
Khiêm cười:
-Như vậy là cô đã lầm. Có bề ngoài nào cho cô kết luận một cách chắc chắn như thế đâu?
Cô giáo cãi lại:
-Nhưng riêng với anh, tôi biết chắc…
Khiêm tỏ vẻ thất vọng:
-Như vậy thật là điều bất hạnh cho tôi.
-Tại sao là điều bất hạnh được chớ ?
-Thì đi vay tiền mà không được. Đó không phải là điều khổ hay sao?
Cuối cùng cô giáo đành chìa cái ví ra trước mặt Khiêm, giọng do dự thực tình:
-Anh coi cần bao nhiêu cứ việc lấy…
Khiêm lấy đúng số tiền Mẹo cần, hẹn ngày trả hẳn hoi. Cô giáo nhìn theo Khiêm trong nỗi ngạc nhiên thích thú. Quen lệ hễ đến những cuối tháng Mẹo thua liễng xiễng (cũng có những cuối tháng Mẹo thực giàu sang), là Khiêm tới giở ví của cô giáo vay tiền. Về phần cô giáo, cô cũng đang mong mỏi Khiêm túng thiếu tiền bạc, và cả tình yêu nữa.
Thằng Hòa ôm trái dừa ngửa mặt hút nước qua một lỗ nhỏ xoi thủng. Bà Ngô sau khi gây ra cuộc lộn xộn, nằm im bên thằng Nghĩa đang thiêm thiếp ngủ. Tánh chăm chú nhìn bà Chiến đập dừa, mài nạo dừa vào thau để khuya dậy nấu chè. Thau đậu xanh gần đó đã ngâm xong, cũng chờ bóc vỏ. Hòa vẫn ngửa mặt ôm trái dừa hút ừng ực. Khiêm thấy thèm được ôm trái dừa ngửa cổ mà hút như thế, Khiêm gọi:
-Này Hòa, uống vừa vừa còn anh nữa chớ?
Dừng uống, giọng Hòa cười thật hiền:
-Sợ anh không chịu uống đó chớ…
-Sao lại không chịu? Hòa không chịu hay anh?
Hòa mang trái dừa tới trao cho Khiêm. Bà Chiến trông theo chợt nhìn Tánh, cười:
-Coi kìa, hai anh em thiệt giống như đúc…
Tánh hơi nghiêng người theo lời nói bà Chiến, nhưng lại có vẻ ngại ngùng trong tia nhìn thoáng qua. Khiêm và Hòa chia nhau uống trái dừa. Bà Ngô thở dài tỏ rõ nỗi bực bội, ẳm thằng nghĩa vào nhà đóng cửa thật mạnh. Ánh sáng của ngọn đèn bàn lớn mất hút sau hai cánh cửa. Ánh trăng êm đềm, vắng vẻ hơn chiếu rọi trong khoảng sân gạch chỉ còn lại một mình Tánh. Bóng nàng vì thế trông như xa thẳm, và mơ hồ. Chậu hoa mai Nhật Bản trồng giữa sân đã trổ hoa vàng rực . Kế chậu hoa, chiếc giường bố dành cho lão Ngô về muộn làm nơi đặt lưng, bỏ trống. Thường đêm, nếu Mẹo không trở về được trước giờ giới nghiêm vì tình hình căng thẳng của những ván bài, thì Khiêm nằm trên chiếc chõng tre bây giờ Tánh đang ngồi, ngủ với lão Ngô. Bên nỗi dửng dưng và vô lo của lão Ngô, Khiêm đã tìm được cho mình chút niềm an ủi. Một niềm an ủi không chắc chắn, nhưng có thể giữ mình không bước tới thêm với những dằn vặt, khó khổ vô ích. Và có thể tự lừa dối lấy mình, trong nỗi thất vọng không thể vùng vẫy. Cũng như bên cuộc sống bạt mạng buồn thảm của Mẹo, Khiêm đã nhận thấy trong lúc này, mọi người đều khổ như nhau. Mẹo đã bảo, mày nghĩ nếu tao không chui vào các sòng bài với lũ nó, chẳng lẽ nằm nhà mà buồn, hay đi lơ ngơ mất hồn ngoài phố? Mẹo thố lộ: Đợi cho qua tháng này giải quyết chuyện lính tráng cái đã, xong tao nhất định cưới vợ. Thế rồi chuyện lính cứ lằng nhằng, gia hạn như sự tại ngoại của một tên tù giam lỏng, Mẹo tiếp tục phờ phạt bên những ván bài, không màng tới chuyện viết thư cho người yêu. Bị Khiêm chửi lắm, Mẹo mới hí hoáy vài câu rồi nhờ Khiêm đi gửi. Mẹo thở dài : Mày bảo tao viết những gì? Có gì đâu mà viết nhiều khi chính tao cũng không rõ ngày mai của tao ra sao nữa. Tao không còn một niềm tin, một nỗi hy vọng nào, dù chỉ để tạo ra một bức thư tình, trong một vài giờ, cho người tao yêu. Còn nói láo, nên lắm, nhưng tao không có cái tài đó mày ơi. Hay mày viết giúp tao, lúc nào mày muốn.
Bà Chiến ngồi miệt mài làm việc, không ngửng đầu. Tánh nhìn một chỗ đã mỏi, trông lửng lên ánh trăng cao trên đọt tre. Mặt trăng vẫn chòng chọc soi xuống như giải lụa vàng óng ánh trên mái tôn, lấp lánh trên những cành cây dừa. Hòa uống hết phần nước còn lại, mang dừa đến trả cho bà Chiến, bỏ về học bài. Tánh rời quê theo em xuống tỉnh với chiếc máy may. Ngoài số gạo nàng về trên quê lấy, tiền may vá dành dụm đủ nuôi Hòa ăn học. Ngoài giờ ngồi trước bàn máy, Tánh chỉ lẩn quẩn ở nhà, trong khu vườn, khoảng sân của bà Ngô. Lâu lâu, nàng dẫn Hòa về thăm quê một buổi, lại bị mẹ thúc đi. Bà không muốn nàng và Hòa cùng chịu với nỗi khổ cực, nguy hiểm khi nghe tin xóm trên cả lũ con gái trương tuổi Tánh thì dồn lên núi, cỡ tuổi như Hòa thì cho đi lung linh từ vùng này tới vùng khác. Tánh vì thế dù thương nhớ mẹ, cũng đành nghe lời bà xuống tỉnh. Người mẹ già khi nghe tin chồng quần kết, bị bắn chết ở quận, lại trở về úp mặt bên nỗi lo cho con. Suốt đời bà hết buồn khổ vì chồng, đến ngơ ngác gầy còm vì con cái. Sống bên nỗi im lặng chịu đựng mòn mỏi của mẹ, Tánh có đôi mắt thực buồn, và cuộc sống thật xanh xao. Từ ngày gặp Khiêm, dường như Tánh đã có được nguồn sống âm thầm sôi nổi trong lòng. Bằng những ánh mắt biết mơ mộng, những nụ cười chiu chắt nồng nàn hơn.
Khiêm rời ghế dựa bắt dưới hàng cây bước lại ngồi vào chiếc giường bố của lão Ngô, cạnh Tánh. Khiêm nói:
-Trăng sáng quá, chắc đêm nay ngủ không được.
Tánh hỏi:
-Sao trăng sáng quá lại ngủ không được, anh Khiêm?
Khiêm cười dễ dãi:
-Thì sáng trăng dễ mơ mộng lung tung, khó nhắm mắt ngủ yên lắm…
Giọng Tánh trầm hẳn:
-Anh làm Tánh nhớ những mùa trăng ở quê ghê, cả đêm nghe tiếng người nói chuyện, cười giỡn ngoài ngõ, không làm sao ngủ cả. Bây giờ chắc ở trển, không ai dám nhìn trăng nữa…
Phải, người ta trốn mặt trăng. Ở những nơi như quê Tánh thì chui xuống hầm, ở những nơi có nhà lầu thì người ta giam mình trong đó với mọi hưởng thụ xa xỉ. Khiêm thở dài, ngước nhìn mặt trăng vằng vặt trên đầu:
-Nghĩ đến những ngày vắng trăng, thật buồn phải không Tánh?
Lão Ngô chuệnh choạng đi vào ngõ. Từng giải sáng chiếu lơ lửng lên người lão, lấp lánh bên những bóng đen lá cây. Mặt trăng thu nhỏ trên cao. Tiếng kiểng báo giờ giới nghiêm nổi lên ở phía đầu cầu, và ngã chợ. Đêm sâu thẳm.
Tánh đứng dậy:
-Thôi về nghe anh Khiêm?
Muốn giữ Tánh lại, không phải ở đây, mà dưới bóng những hàng sầu đông sực nức mùi thơm, nhưng Tánh đã quay đi. Khiêm nhìn theo, nói trổng:
-Chà , thằng Mẹo chắc lại bị kẹt…
Vừa ăn cơm xong Khiêm đã nhận ra ánh trăng mập mờ trên sân gạch lúc Mẹo vội vã ra ngõ. Nhìn theo Mẹo. Khiêm nghĩ đến một đêm cuối buồn bã phải trải qua, rồi ngày mai lại phải dời khỏi chốn này. Lúc chiều, Khiêm đã dặn Mẹo bỏ đánh bài một đêm để ở nhà chuẩn bị cho chuyến đi buổi sáng sớm. Mẹo chịu. Mẹo đồng ý ở nhà không phải để chuẩn bị, mà sống với Khiêm một đêm thật trọn vẹn. Và nhất là với gia đình lão Ngô (mà bà Ngô cứ vui miệng gọi Mẹo với lão Ngô là hai anh em, rủ tới ở thật giống tính, từ cờ bạc tới chuyện đi sớm về muộn bất thường). Khiêm ngồi hút thuốc, cùng Mẹo chờ cơm. Khiêm hỏi bâng quơ:
-Vậy cậu không chuẩn bị gì hết sao?
Mẹo phà khói thuốc lên đỉnh mùng:
-Đời mình không có cái gì để chuẩn bị, người ta đã chuẩn bị sẵn cho mình cả rồi…
-Nếu cậu được tự do để chuẩn bị?
-Như vậy thì còn gì hạnh phúc bằng.
Dù Mẹo chịu ở nhà, nhưng ăn cơm xong nghĩ sao Mẹo lại bỏ đi, dặn Khiêm đợi. Khiêm rời hiên ra giữa sân, nhìn lên cửa nhà Tánh. Ánh trăng đã làm cho túp nhà của nàng nhỏ xuống một cách dễ thương. Bóng những đọt tre vắt ngang dài thượt từ đầu sân đến cuối. Khiêm nghĩ tới việc ghé thăm vài người bạn đồng nghiệp già luôn tiện đến nói nhỏ với gã hiệu trưởng về chuyện đi phép ngoài tỉnh mà chưa nhận được giấy. Thời buổi này làm công chức thật cực, hết tối mặt vì nỗi nghèo túng lại bị ràng buộc bởi nhiều thứ phiền phức không đâu. Khiêm nghĩ tới mấy năm đi dạy của mình, thấy quả là một sự chịu đựng ngoài sức. Nhiều lúc xôn xao vì nỗi bất bình của bạn bè đồng nghiệp về việc làm bất công ở ty, Khiêm lại càng thấy nản, và ý tưởng bỏ nghề cứ lẩn quẩn trong óc. Suốt thời gian chộn rộn này, Khiêm bị nhận ra như người của kẻ chống đối. Nhưng có điều Khiêm có thể yên tâm là tất cả đều biết Khiêm không làm vậy vì quyền lợi của chính mình. Vì một nhiệm sở tốt quanh thị xã, vì một chức hiệu trưởng, vì sự thăng thưởng chẳng hạn. Đứng trước những lời lẽ tị hiềm, xấc xược của những kẻ chạy theo những ân huệ của ty, Khiêm không nóng nảy như Mẹo, anh chỉ nói cho họ rõ, anh vào nghề dạy học để tìm cái sống trong bình yên, không nghĩ rằng mình lột da sống đời mà đuổi theo những ám ảnh chức vị cùng ân huệ khác một cách bẩn thỉu. Dù sao đi nữa, Khiêm cũng thấy chua xót, và buồn bã khi nỗi chia rẽ nẩy mầm chỉ vì những lo lắng cho quyền lợi riêng tư. Và anh thực sự thương cho chính những kẻ hiểu lầm rằng họ sẽ lột da sống đời, thay vì họ chọn về phía bạn bè và công bình, họ đã lẫn trốn đi theo một số có chức quyền cùng nhiều việc làm quanh co. Ai cũng hiểu được rằng, những ồn ào xảy ra liên tiếp ở ty chỉ đem tủi hổ cho tất cả, nhưng chẳng lẽ cứ im lặng quay đi, hay cúi đầu vâng dạ mãi mãi ?
Cái mơ ước được sớm tới những ngày nghỉ mùa hè đã không còn sôi nổi thúc giục Khiêm nữa- thực sự Khiêm muốn được tạm quên những điều phiền nhiễu trong suốt mấy tháng qua. Nhưng bây giờ, đã đến đêm cuối Khiêm còn ở lại đây, tự dưng Khiêm thấy cũng chẳng vui vẻ gì để làm cái việc di chuyển từ nơi này tới nơi nọ để thăm vài người thân, và một số bạn. Nghĩ tới đường sá hư hỏng, mìn nổ bất thường, Khiêm muốn được nằm yên một chỗ. Thèm được giam mình ở nhà như những ngày nghỉ mùa đông. Không biết giờ giấc, đất trời là gì. Như vậy có vẻ khỏe hơn. Khiêm bước qua sân nhà Tánh, quyết định bỏ ý định ghé lại nhà gã hiệu trưởng. Nếu có bị bắt bẻ, khó dễ để đưa đi xa, đó cũng là một dịp tốt ngoài ý muốn để biết thêm một vùng đất lạ cũng chẳng sao. Và cũng là dịp để Khiêm đo lường lòng dạ của con người cao thấp tới đâu. Nhiều lúc Khiêm đã nói với gã hiệu trưởng, hễ anh đã bắt tay người nào một cái, là có thể bị người đó lừa dối đến lần thứ ba mới hết sự tin tưởng, và lòng thành. Với gã hiệu trưởng này, Khiêm đã bắt tay gã nhiều bận, lẽ nào gã lại dễ quên như những vị hiệu trưởng khác, mà dấu diếm làm những tờ trình mật?
Vẫn ngồi yên dưới hiên, Tánh hơi ngước lên nhìn Khiêm đứng dựa vào cột hiên cạnh nàng. Trăng bàng bạc chung quanh hai người. Trăng rộn ràng trong hai người hai tâm hồn. Khiêm ghé ngồi xuống bên Tánh:
-Sao đêm nào cũng thấy Tánh ngồi đây, bộ nhớ bà già ở quê chắc?
Tánh cười mơ hồ:
-Những đêm ngồi nhìn trăng đã quen, không bỏ được.
Khiêm hỏi dồn:
-Vậy lỡ thiếu mặt trăng thì sao?
-Cũng chẳng sao, Tánh trả lời hờ hững, nhưng vắng mặt trăng lâu cũng buồn phải không anh?
Im lặng, hai người cùng ngồi nhìn lên mặt trăng. Đột ngột Khiêm giữ lấy bàn tay Tánh:
-Ngày mai anh đi rồi đó…
Tánh hơi cúi mặt, giọng ướt mềm:
-Em biết…
Giữ tay Tánh trong tay mình, Khiêm có cảm tưởng như anh đã cầm giữ được tình yêu, và niềm tin. Niềm hân hoan ngút lên trong lòng Khiêm tưởng đã tắt kịm, giá băng. Khiêm nói thật nhỏ :
-Anh đi, em buồn không?
Tánh hỏi:
-Anh đi, sao em lại buồn, mà hỏi?
Khiêm nắn nhẹ vào bàn tay Tánh đủ cho nàng cảm thấy rằng nàng không thể nói dối được lòng. Bàn tay này đã chuyển tới trong anh niềm hy vọng. Khiêm cười:
-Em thật giỏi, còn anh, đi xa nơi này, anh buồn. Anh nhớ đủ thứ, chẳng hạn lão Ngô, bà Chiến, thằng Hòa…
-Còn nhớ gì nữa không ?
-Tất nhiên là nhớ bàn tay này hơn hết…
Đưa tay Tánh lên hôn, Khiêm hơi bỡ ngỡ khi mặt trăng trên cao đã nhìn rõ được lòng mình. Tiếng học bài của thằng Hòa đột ngột nổi lên, làm Khiêm buông bàn tay Tánh ra như dòng điện bị cắt. Hòa lại tiếp tục đọc bài như tụng kinh. Nó gục đầu vào trang vở đọc lia lịa. Tánh nói vọng vào, Hòa ơi, ai biểu mày học bài kiểu đó vậy? Hòa dừng học, thầy biểu chứ còn ai nữa. Tánh quay lại nhìn Khiêm, cười:
-Ông thầy này có dạy học trò tụng kinh không?
Khiêm đùa:
-Không tụng kinh thì làm sao thành chánh quả ?
Tiếng học bài của Hòa lại vang lên từng tràng dài, ngút hơi thở. Ông Phiệt gác từ đầu cầu ngoại ô cũng đã chạy xe vào ngõ. Nghe tiếng máy kêu ầm ầm, bà Chiến đã rời bếp lên đứng trông ở cửa. Bà Ngô nằm ở ghế bố giữa sân, phì phà khói thuốc. Có một hôm ông Phiệt về vừa dừng xe, bà Ngô đã lên tiếng hỏi sao ông về hoài mà bà Chiến không có con, ông Phiệt nói gân cốt dành đi đánh nhau mười mấy năm nay rồi, còn đâu nữa mà con với kiến, làm bà Chiến nổi khùng xỉ vả bà Ngô một trận vuốt mặt không kịp. Thấy bà Ngô vẫn nằm im lìm, thở khói thuốc, Khiêm nói với Tánh sao bà Ngô không chọc giận bà Chiến nữa cho vui? Tánh cười nói anh ác lắm, người ta gây nhau mà cũng cười, Khiêm cười: Hơi sức nào mà buồn vì chuyện của những người đàn bà. Có nhờ vậy mới đỡ buồn…
Khiêm đưa Tánh đi ra ngõ. Con ngõ hẹp xao xuyến ánh trăng mùi thơm của những chùm hoa sầu đông nở sớm tản mác trong những bóng tối loáng thoáng. Tánh hỏi sao anh không đi thăm phố lần cuối, Khiêm kêu phố xá có gì để cho mình thăm, anh đưa lên một chiếc thương thuyến giữa giòng sông để mặc sức mà ngắm trăng. Tánh bé nhỏ bên Khiêm trong những bóng tối khép nép. Tiếng động ở mấy con đường ngoài phố vọng lại lao xao như từ một cõi nào xa lạ. Khiêm giữ tay Tánh rẽ xuống con đường đất, bát ngát hơi gió. Trong sân những căn nhà dọc đường đã rộn rã tiếng cười, thấp thoáng bóng trẻ con nô giỡn. Cảnh thanh bình có thể tìm thấy ở đó, nếu tiếng súng từ Tháp không vang lên nhắc nhở nhớ tới những cuộc đụng độ chỉ cách thị xã vài cây số. Mấy hôm có trăng, tiếng súng ở Tháp cũng im đi đôi chút. Những lúc đột ngột phát nổ dồn dập, ai cũng kinh hoàng thương xót cho chồng con họ đang vắng mặt, ở xa. Cuộc sum họp dưới ánh trăng trong khoảng sân trước nhà, chỉ là một nỗi gắng gượng tạm bợ, một lãng quên với nhiều khổ đau của những người ở lại. Chui qua một giàn cây dày hoa Dạ hương thơm phức, Khiêm kéo Tánh dừng lại.
Lão Ngô từ bên kia cây cầu ván hỏi :
-Ai như cậu giáo Khiêm vậy cà ?
Khiêm nói vọng sang :
-Tui đó, bác Ngô đó hả ?
-Chớ còn ai nữa mà hỏi, lẹ lẹ lên đây …
Khiêm bước lên tấm ván nhỏ vắt qua chiếc thương thuyền đang lênh đênh trên nước. Tánh để tay cho Khiêm giữ, kéo dìu nàng đi từng bước. Qua hết cây cầu, Khiêm nhận ra lão Ngô đang ngồi uống trà, hút thuốc, nói chuyện với mấy ông già nào đó. Gió lồng lộng từ cửa biển thổi lên, mát rượi da thịt. Mấy ông già nghe lão Ngô giới thiệu Khiêm, đều gọi Khiêm tới uống nước. Nhận ly nước trà nóng bốc khói, Khiêm nói trên đời, không còn ai hạnh phúc bằng mấy cụ nữa. Hình ảnh này nhắc tôi nhớ cảnh thái bình thường nuôi nấng trong mộng. Trên có trăng, dưới có nước, hà hà, sống cho hết quãng đời tàn còn sót lại …Tánh dò dẫm bước qua chiếc thương thuyền nằm tách rời chiếc thuyền của Khiêm với mấy ông già. Lão Ngô từ lúc biết Khiêm cùng đi với Tánh, lão có vẻ ưng bụng. Uống hết ly nước, Khiêm xin phép qua bên kia với Tánh. Hầu hết mấy cụ, ai cũng thúc Khiêm qua đó cho lẹ. Ừ, cứ qua đó mà nói chuyện với nhau, thây kệ, ráng sống giờ nào vui được với nhau quí giờ đó.
Mặt trăng chìm dưới đáy nước, tỏa lên vũng sáng vàng rực. Hơi nước như hơi khói bay lan man trên mặt sông phẳng, lặng lẽ. Những cây đèn điện đỏ hoe trong căn cứ của lính Mỹ âm u, hiu hắt ở cuối bãi cát. Tánh chỉ cho Khiêm ngọn đèn pha từ đáy của chiếc cầu, nơi ông Phiệt thường ngồi gác. Ở đó, những mùa nước lớn, Tánh thường theo ghe xuống phố, đi chợ. Nay những chiếc ghe không còn một bến bờ nào yên để dừng lại nữa. Những chiếc thương thuyền này cũng đang mòn mỏi neo lại một nơi cô tịch, nhớ thưở xuôi ngược lênh đênh từ muôn vạn bến bờ, của một thời nào xa lắc. Như cuộc đời mấy cụ già ở bên kia, cũng đã qua rồi tuổi đời say nhiều mộng ước. Khiêm ngồi yên trong nỗi xao xuyến mù khơi. Của một ngày mai cách biệt, đoạn trường.
Tánh nhìn lên mặt Khiêm:
-Ngày mai anh đi, mạnh giỏi…
Khiêm xúc động :
-Tánh ở lại cũng mạnh giỏi…
Chợt giọng Khiêm điềm tĩnh:
-Anh nhờ Tánh một chuyện.
-Chuyện gì vậy ?
-Em coi ngó hộ căn nhà cho anh.
-Tưởng gì, chuyện dễ mà…
-Anh trở về sẽ mang quà từ những nơi anh dừng chân cho Tánh, chịu chưa?
Tánh xòe một bàn tay ra trước mặt, chăm chú nhìn không trả lời Khiêm. Mặt trăng ngả dần về phía cầu. Từ vùng sáng rất mờ trong những xóm ở bên kia sông, ánh sáng của những ngọn đèn đỏ chong lơ lửng giữa trời. Những đọt tre cao vút được trông thấy rõ dưới ánh sáng đỏ chói đó, giống những ngọn pháo bông ngày tết. Bên kia, mấy cụ gìa đã tản mát đâu hết. Lão Ngô nằm dài trên tấm ván, dũi chân thẳng như đang ngủ…
Mẹo ngồi dưới hàng cây sầu đông nơi Khiêm vẫn thường ngồi chờ hắn, lên tiếng :
-Đêm cuối, lại giở chứng hả cậu?
Khiêm cười buồn trong tối:
-Cậu chờ mình có lâu không?
-Từ hồi đầu hôm…
-Vậy cũng chưa thấm vào đâu nếu so với sự chờ đợi cậu mấy tháng nay của mình.
Tánh e dè trong bóng tối hao hụt bên Khiêm. Tánh đi qua trước mặt Mẹo:
-Ngày mai anh Mẹo cũng đi ?...
-Chớ cô bảo tôi ở lại để đi đánh bài à ?
Tánh cười, Khiêm vỗ vào vai Mẹo :
-Nửa đêm còn lại, sẽ dành cho cậu…
Ở nhà gã hiệu trưởng về, Khiêm muốn ghé lại ngủ đằng nhà người bạn đồng nghiệp già tản cư nấn ná mãi cuối phố gần quốc lộ, nhưng vừa vào đến hết ngõ bước lên sân, Khiêm thấy ngại quay trở ra phố, và tiếc một đêm trăng. Nhìn ánh trăng lảng đãng tên sân, mờ nhạt trên hàng cây sầu đông trước ngõ, Khiêm quyết định nằm ở nhà. Bà Chiến đang lui cui dưới bếp, trong lúc bà Ngô nằm đong đưa trên võng thở khói thuốc. Thấy Khiêm đứng yên giữa sân, bà Ngô lên tiếng hỏi sao cậu giáo không đi chơi. Khiêm nói đi đã mỏi hai ống chân cả buổi chiều nay rồi, cũng chẳng hết buồn. Bà Ngô lại nói giờ này chắc cậu Mẹo đã tới Phú Bổn há cậu Khiêm ? Khiêm ậm ừ trong cổ, bụng nghĩ bây giờ chắc Mẹo cũng đang nhìn trăng ở trên núi. Hơn mấy ngày chạy từ ty xuống tỉnh, chạy từ tỉnh về ty, Mẹo đã xin được đi cùng chuyến máy bay tiếp tế lên Phú Bổn. Mẹo bảo tao muốn dời chốn này sớm ngày nào hay ngày đó. Nếu muốn cù cưa, tao có thể nằm lì ở đây cả tháng. Không có máy bay, chỉ còn cách đi xe hơi từng đoạn thôi. Ở đây, phải sống trong sự ngờ vực, và tị hiềm, chắc tao chết. Như vậy cũng yên, đó cũng là một kinh nghiệm cho mày rõ, những cố gắng với nhiều nhiệt thành của bọn mình, rồi cũng chẳng ích gì. Lúc nào sự che chở và thương xót cũng có sẵn từ trên cao. Tiếng nói của bọn mình như gió thoảng vào sa mạc. Một cõi sa mạc sâu thẳm khô cháy, hực lửa tham lam. Nói gì thì nói, Khiêm nghĩ, đúng là cuộc đời này người ta đã chuẩn bị sẵn cho mày rồi. Đi dạy học thì ty sắp xếp cho một nơi ở miền rừng núi. Nghỉ dạy học thì sẽ được chuẩn bị cho một đơn vị nào đó trên bốn vùng chiến thuật. rồi người ta sẽ đưa mày vào một chỗ nào nữa hả Mẹo ?
Khiêm nằm soải chân trên chiếc ghế bố của lão Ngô, nhớ quanh quẩn về Mẹo. Quả Mẹo là người có khúc ruột thẳng như ruột ngựa đúng với lời của bà Ngô nói. Sự nói năng không e ngại nể nang trước một bất bình của Mẹo dễ làm nhiều người ghét. Nói sự thật thì dễ bị ghét, nhưng Mẹo bảo, nếu họ có thương, thì tao cũng chẳng mập thêm đươc tí nào, ốm nữa thì đằng khác. Thói thường ai cũng quí sự thật, nhưng chẳng dám hé miệng, và sợ hãi. Với tao, tao không mảy may buồn khi đổi sự thất bại bằng lòng ngay thẳng của tao. Mày hãy tưởng tượng, thật là thoải mái yên ổn khi tao sẽ được sống mà không còn nỗi thù hằn, tị hiềm nào nhen nhúm chung quanh. Như vậy coi như tao đã lãnh đủ mọi sự trả thù. Khiêm nằm dõi theo bóng trăng, ngơ ngác như những cụm mây trắng lửng lờ.
Nghe tiếng bà Chiến đập dừa ở dưới hiên, Khiêm quay lại. Nhìn bà làm việc tẩn mẩn một lát - Khiêm hỏi :
-Bà Chiến, ông Phiệt chết lâu chưa?
-Tháng trước, cậu à …
-Mới tháng trước đây?
-Thì hôm hăm ba còn trở về, hăm tám đã chết…
Khiêm nghĩ tới một người đàn ông nữa đã đi qua đời bà Chiến, mà buồn. Theo lời bà Ngô thuật, ông Phiệt bỏ gác về ngủ với bà Chiến hoài, bị đổi ra một đơn vị tác chiến. Khi ở mãi Phú Vang, lúc về nằm Ghành Bà. Ông bị mìn trong một buổi sớm dẫn một tiểu đội đi dọn đường ở Núi Thơm. Như vậy từ nay con ngõ vắng vẻ tối om này sẽ vắng tiếng máy kêu ầm ầm của ông Phiệt. Câu chuyện con cái của bà Chiến cũng sẽ không được nhắc nhở, và luôn cả cái tính say sưa của ông Phiệt nữa.
Bà Chiến lên tiếng hỏi :
-Cậu giáo về nghỉ hè có gì vui không ?
Khiêm trả lời:
-Cũng chẳng có gì vui cả …
Bà Chiến hỏi:
-Cậu không đi lính ha ?
Khiêm trả lời:
-Làm sao tránh khỏi được.
Bà Chiến hỏi:
-Tháng nào cậu đi ?
Khiêm trả lời:
-Có giấy lúc nào đi lúc đó.
Bà Chiến hỏi:
-Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi ?
Khiêm trả lời:
-Cũng đã già rồi mà …
Bà Chiến hỏi:
-Sao cậu chưa có vợ ?
Khiêm trả lời:
-Có ai chịu ưng đâu mà cưới ?
Bà Chiến hỏi:
-Chớ con Tánh đó chi ?
Khiêm trả lời :
-…..
Khiêm mỉm cười vu vơ với mình, nhớ tới nét mặt Tánh buồn thiu khi báo cho Khiêm biết nàng trở về quê vài hôm mới lên. Lúc đó Khiêm chưa thấy buồn sôi nổi bằng bây giờ. Nhìn mặt trăng lấp ló bên những tản mây trắng, đêm vắng ngắt chung quanh Khiêm mới thấy thực sự thương Tánh, nhớ Mẹo, và xót xa cho sự vắng mặt của ông Phiệt …/.
Tuy Hòa, th 7/ 1971